Kỹ năng của luật sư: chuẩn bị tham gia phiên toà hình sự phúc thẩm

"Không có con đê pháp luật án ngữ thì tự do chỉ là một dòng sông phá hoại".

Jean-Baptiste Say, 1767-1832, nhà kinh tế người Pháp phát triển học thuyết Adam Smith 

Kỹ năng của luật sư: chuẩn bị tham gia phiên toà hình sự phúc thẩm

Xét xử phúc thẩm vụ án hình sự là hoạt động tố tụng, trong đó Tòa án cấp trên tiến hành kiểm tra tính hợp pháp và tính có căn cứ của bản án, quyết định do Toà án cấp sơ thẩm xử mà bị kháng cáo, kháng nghị. Vai trò của luật sư hình sự trong giai đoạn này thể hiện qua các công việc luật sư hình sự phải làm.

Giai đoạn xét xử phúc thẩm đòi hỏi luật sư hình sự phải có rất nhiều kỹ năng trong các quá trình của giai đoạn này. Trong thời gian chuẩn bị xét xử của Tòa án phúc thẩm, Luật sư hình sự phải có những công việc chuẩn bị cho việc bảo vệ quyền lợi cho đương sự.

Liên hệ

I- KỸ NĂNG CỦA LUẬT SƯ NGHIÊN CỨU HỒ SƠ, THU THẬP CHỨNG CỨ, TÀI LIỆU, ĐỒ VẬT TRONG GIAI ĐOẠN PHÚC THẨM

Nghiên cứu hồ sơ là công việc hết sức quan trọng với luật sư hình sự. Do tính chất đặc thù của giai đoạn xét xử phúc thẩm nên việc nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự ở giai đoạn phúc thẩm là để xác định đã có đủ tài liệu, chứng cứ nhằm đi đến kết luận có căn cứ để chấp nhận kháng cáo, kháng nghị không. Để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp cho khách hàng, luật sư cần phải có phương pháp nghiên cứu hồ sơ hợp lý.

Nếu chưa tham gia ở giai đoạn sơ thẩm, luật sư hình sự phải kiểm tra giống như khi nghiên cứu hồ sơ ở giai đoạn sơ thẩm, nghĩa là luật sư hình sự vẫn phải kiểm tra hồ sơ về tố tụng xem có dấu hiệu vi phạm tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử hay không. Về nội dung, việc nghiên cứu vẫn phải chú ý những vấn đề mấu chốt của vụ án như tội danh, thu thập và đánh giá chứng cứ, căn cứ áp dụng pháp luật, về hình phạt. Khi nghiên cứu, luật sư vẫn phải bám sát yêu cầu, nội dung của kháng cáo, kháng nghị.

Nếu đã tham gia ở giai đoạn sơ thẩm, luật sư hình sự cần nắm rõ thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm đã được quy định tại khoản 1 Điều 346 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015: Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 60 ngày; Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án .

Dù đã tham gia tố tụng trước đó hay chỉ tham gia từ giai đoạn phúc thẩm, khi nghiên cứu hồ sơ, luật sư hình sự đều cần quan tâm đến kháng cáo, kháng nghị trong vụ án.

Thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật: Trong vụ án hình sự dù ở bất cứ giai đoạn tố tụng nào thì vấn đề chứng cứ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Chứng cứ giúp cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện tội phạm, tìm ra người phạm tội để đề ra những biện pháp xử lý cho phù hợp với pháp luật. Đối với luật sư hình sự, ở giai đoạn xét xử phúc thẩm, chứng cứ giúp cho luật sư bào chữa, bảo vệ cho khách hàng, từ đó khẳng định rằng việc kháng cáo, kháng nghị có căn cứ hay không?

Điều 353 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về bổ sung, xem xét chứng cứ, tài liệu, đồ vật trong giai đoạn xét xử phúc thẩm:

1- Đối với bị cáo có kháng cáo

Luật sư bào chữa thu thập các chứng cứ, tài liệu, đồ vật để chứng minh yêu cầu kháng cáo của bị cáo là có căn cứ. Tùy theo yêu cầu kháng cáo của bị cáo mà bổ sung chứng cứ, tài liệu cho phù hợp.

- Bị cáo kháng cáo kêu oan: Luật sư bào chữa cần tìm thêm chứng cứ, tài liệu để chứng minh rằng họ có chứng cứ ngoại phạm hoặc hành vi của họ không cấu thành tội phạm hoặc hành vi đó chỉ là trường hợp phòng vệ chính đáng, chỉ là quan hệ dân sự, kinh tế.

- Bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ: Luật sư bào chữa cần tìm thêm chứng cứ mới chứng tỏ họ còn tình tiết giảm nhẹ mà cấp sơ thẩm chưa xem xét như gia đình có công với cách mạng, có thêm những tình tiết mới phát sinh trong giai đoạn phúc thẩm...

2- Đối với bị hại, các đương sự khác có kháng cáo

Luật sư hình sự thu thập các chứng cứ, tài liệu, đồ vật để chứng minh yêu cầu kháng cáo của họ là có căn cứ như:

- Bị hại kháng cáo về hình sự yêu cầu tăng mức hình phạt với bị cáo: Luật sư hình sự cần phải thu thập các chứng cứ, tài liệu, đồ vật để chứng minh án sơ thẩm xử như vậy chưa tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo. 

- Bị hại kháng cáo về phần dân sự yêu cầu tăng mức bồi thường: Luật sư hình sự thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật để chứng minh quyền lợi của họ chưa được bản án sơ thẩm xem xét đầy đủ.

3- Với khách hàng không kháng cáo nhưng họ là người bị kháng cáo, kháng nghị theo hướng bất lợi

Luật sư hình sự thu thập, bổ sung các chứng cứ, tài liệu, đồ vật để chứng minh kháng cáo, kháng nghị đó là không có căn cứ. Ví dụ: Kháng cáo không có cơ sở, kháng nghị không đúng thẩm quyền, kháng cáo đã quá thời hạn luật định mà không có lý do chính đáng...

Khi thu thập và giao nộp thêm chứng cứ, tài liệu, đồ vật, luật sư cần đảm bảo chứng cứ được thu thập theo đúng trình tự, thủ tục luật quy định, tính xác thực của các tài liệu, chứng cứ, đảm bảo các thuộc tính của chứng cứ (tính khách quan, tính liên quan, tính hợp pháp).

Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

II- LUẬT SƯ HÌNH SỰ GẶP VÀ TRAO ĐỔI VỚI KHÁCH HÀNG

Phiên tòa phúc thẩm chỉ xem xét, giải quyết những vấn đề có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị (Điều 330 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015). Thời lượng xét xử ngắn nên cần tập trung trình bày những vấn đề trọng tâm liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị. Tại phiên tòa phúc thẩm không nhất thiết phải triệu tập hết những người tham gia tố tụng như ở phiên tòa sơ thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm chỉ triệu tập những người kháng cáo hoặc có liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị. Luật sư hình sự cần giải thích rõ cho khách hàng hiểu, những người có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị đã được triệu tập đến phiên tòa thì phải có mặt tại phiên tòa.

- Kỹ năng của luật sư đối với khách hàng là bị cáo:

Làm rõ yêu cầu kháng cáo của bị cáo (kêu oan hay giảm nhẹ). Khi trao đổi với bị cáo, luật sư hình sự cần xác định rõ hướng kháng cáo. Nếu xác định hướng kháng cáo không phù hợp thì sẽ không đạt kết quả khi kháng cáo. Vì ở cấp phúc thẩm, nếu bị cáo kháng cáo kêu oan nhưng không có căn cứ nào chứng minh sẽ dẫn đến Hội đồng xét xử thấy không oan thì sẽ không xét cho giảm án. Nếu bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ thì cơ hội xin giảm án cao hơn.Bộ Luật tố tụng hình sự không bắt buộc cố định nội dung yêu cầu kháng cáo, mà cho phép bị cáo, đương sự có thể bổ sung, điều chỉnh, rút yêu cầu kháng cáo trước và ngay tại phiên tòa phúc thẩm (khoản 1 Điều 342 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015), đây chính là cơ hội để luật sư cùng khách hàng tìm ra giải pháp có lợi nhất.

Trường hợp khách hàng bị kháng cáo hoặc viện kiểm sát kháng nghị theo hướng tăng hình phạt thì luật sư hình sự cần hỏi họ có ý kiến như thế nào về nội dung kháng cáo, kháng nghị đối với họ.

Khi gặp, trao đổi với khách hàng, luật sư hình sự cần dự kiến những tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa phúc thẩm như Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, luật sư có thể hỏi sâu về những vấn đề gì trong vụ án. Luật sư hướng dẫn khách hàng khi nghe câu hỏi phải bình tĩnh, trả lời đúng trọng tâm; nếu chưa hiểu rõ câu hỏi có thể yêu cầu người hỏi nhắc lại câu hỏi để có thời gian suy nghĩ... 

Luật sư hình sự thông báo cho khách hàng biết về những tài liệu, chứng cứ mới được bổ sung trong giai đoạn phúc thẩm, tình trạng của khách hàng khi chứng cứ mới được bổ sung.

Ngoài ra, luật sư hình sự hướng dẫn khách hàng về trình tự, cách ứng xử trong phiên tòa phúc thẩm, thống nhất hướng bào chữa, bảo vệ. Hướng dẫn những việc làm sau khi tuyên án như bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực thi hành ngay, khách hàng dù tham gia tố tụng với tư cách nào cũng không còn quyền kháng cáo. Tuy nhiên, nếu họ vẫn không đồng tình với bản án, họ có thể làm đơn yêu cầu xem xét lại bản án, quyết định phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Xem thêm: Về Công ty Luật TNHH Everest

III- LUẬT SƯ HÌNH SỰ GẶP VÀ TRAO ĐỔI VỚI VIỆN KIỂM SÁT, TÒA ÁN

Cũng như ở giai đoạn sơ thẩm, trước khi mở phiên tòa phúc thẩm, luật sư hình sự có thể trao đổi với Tòa án, viện kiểm sát những vấn đề có liên quan đến vụ án nếu thấy cần thiết.

1- Những vấn đề cần luật sư hình sự trao đổi

Tùy theo từng vụ án mà luật sư hình sự có thể trao đổi với Tòa án, viện kiểm sát những nội dung sau: Những vướng mắc về thủ tục khi đăng ký tham gia bào chữa của luật sư (nghiên cứu hồ sơ, thông báo tham gia bào chữa, thủ tục vào trại giam); tình trạng sức khỏe, tinh thần của bị cáo; những tài liệu, chứng cứ mới được bổ sung, đề nghị xác minh, kiểm tra lại;....

2- Hình thức trao đổi của luật sư hình sự

Trao đổi trực tiếp: Luật sư đăng ký trước thời gian cần gặp trao đổi, vì thời gian trao đổi không nhiều nên chuẩn bị trước nội dung cần trao đổi.

Tuy nhiên, việc trao đổi trực tiếp với Thẩm phán, kiểm sát viên chỉ có thể thực hiện với những vụ án đơn giản, ít vấn đề.

Trao đổi bằng văn bản: Đối với những vụ án phức tạp, để có thể trao đổi đầy đủ nhất thì luật sư hình sự nên trao đổi bằng văn bản.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest 

IV- LUẬT SƯ HÌNH SỰ CHUẨN BỊ LUẬN CỨ BÀO CHỮA, LUẬN CỨ BẢO VỆ TRƯỚC KHI RA PHIÊN TÒA PHÚC THẨM

1- Ý nghĩa của luận cứ bào chữa, luận cứ bảo vệ

Giống như tham gia tại phiên tòa sơ thẩm, trước khi ra phiên tòa phúc thẩm, luật sư cũng phải chuẩn bị trước luận cứ bào chữa, bảo vệ. Để có bản luận cứ bào chữa, bảo vệ có sức thuyết phục đòi hỏi luật sư phải đầu tư cả về thời gian, công sức, phải nắm vững kiến thức pháp luật có liên quan, phát huy được kỹ năng nghề nghiệp của mình. Đó là cả một quá trình nghiên cứu, tìm hiểu bản chất của vụ án, tìm hiểu các quy phạm pháp luật có liên quan đến vụ án của luật sư. Ở bất cứ giai đoạn xét xử nào thì luận cứ bào chữa, bảo vệ của luật sư cũng có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ với luật sư mà còn quan trọng với cả khách hàng mà luật sư bào chữa hoặc bảo vệ.

Luận cứ bào chữa, bảo vệ của luật sư góp phần làm cho việc xét xử phúc thẩm được khách quan, toàn diện và chính xác. Đây chính là chức năng quan trọng của luật sư. Dù luật sư tham gia ở giai đoạn tố tụng nào thì ngoài việc bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng cũng phải là người góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ Nhà nước pháp quyền. Tại phiên tòa,kiểm sát viên, luật sư đưa ra quan điểm sẽ giúp cho Hội đồng xét xử đánh giá vụ án một cách toàn diện, khách quan. Trên cơ sở đó, phán quyết của vụ án sẽ công minh, chính xác hơn. Đây là giai đoạn xét xử phúc thẩm, bản án có hiệu lực thi hành ngày nên càng đòi hỏi bản án phải công minh, chính xác.

Đối với khách hàng, quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chính mình là một trong các quyền Hiến định. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu và có thể sử dụng quyền này nên họ cần đến luật sư để giúp họ thực hiện quyền trong khi tham gia tố tụng. Luận cứ bào chữa, bảo vệ của luật sư góp phần đảm bảo quyền bào chữa, bảo vệ cho khách hàng. Mỗi vụ án đều có những tình tiết, những nguyên nhân, điều kiện khác nhau. Bản thân người tham gia tố tụng nhiều khi không thể tự mình nói hết những tình tiết có ý nghĩa về mặt pháp lý do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Xét xử ở phiên tòa phúc thẩm ngắn hơn so với ở phiên tòa sơ thẩm nên các vấn đề đưa ra phải ngắn gọn, đầy đủ. Ngắn gọn nhưng phải đủ ý, trình bày rõ ràng, không vì ngắn gọn mà qua loa, đại khái, bỏ sót những tình tiết có ý nghĩa quan trọng:

- Có nội dung sâu sắc, phản ánh được toàn bộ quan điểm của luật sư, lập luận phải có căn cứ, có lý lẽ thuyết phục, phải chính xác, đảm bảo độ tin cậy, có giá trị chứng minh cao... Quan điểm bào chữa, bảo vệ phải rõ ràng cụ thể. Đạt mục đích bảo vệ cho khách hàng nhưng không làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người khác.

- Cơ cấu của luận cứ bào chữa, bảo vệ trong giai đoạn phúc thẩm: Cơ cấu của bản luận cứ bào chữa, bảo vệ ở phiên tòa phúc thẩm cũng giống như luận cứ bào chữa, bảo vệ ở phiên tòa sơ thẩm, bao gồm: Phần mở đầu, nội dung và kết luận.

2- Phần mở đầu luận cứ bào chữa, luận cứ bảo vệ

Luật sư giới thiệu về bản thân, về tổ chức hành nghề, về tổ chức xã hội nghề nghiệp mà luật sư là thành viên, lý do có mặt tại phiên tòa phúc thẩm. Nếu là luật sư bào chữa trong những vụ án nhạy cảm, căng thẳng (Hiếp dâm, Giết người, Cố ý gây thương tích...), để giảm bớt sự căng thẳng, bức xúc của phía bị hại nên thể hiện sự chia sẻ, cảm thông với nỗi đau, sự mất mát, thiệt hại của bị hại.

3- Phần nội dung luận cứ bào chữa, luận cứ bảo vệ

Phiên tòa phúc thẩm là phiên tòa xét xử lại, đánh giá lại tính hợp pháp, tính có căn cứ của bản án sơ thẩm. Tính chất của phúc thẩm chỉ phát sinh khi có kháng cáo, kháng nghị. Phạm vi xét xử cũng chỉ xoay quanh vấn đề kháng cáo, kháng nghị. Vì vậy cơ sở để xét xử phúc thẩm là dựa trên cơ sở kháng cáo, kháng nghị, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, những tài liệu, chứng cứ có trong giai đoạn xét xử sơ thẩm (bản án sơ thẩm, biên bản phiên tòa, biên bản nghị án...). Vì vậy, phần nội dung, phần đề xuất của luận cứ bào chữa, luận cứ bảo vệ trong phiên tòa phúc thẩm phải khác với luận cứ bào chữa, bảo vệ tại phiên tòa sơ thẩm. Cụ thể: Bào chữa cho bị cáo kháng cáo như sau:

(i) Tóm tắt quyết định của bản án sơ thẩm đã tuyên với bị cáo: Tội danh, điều luật áp dụng, mức án, mức bồi thường. Nhấn mạnh tính hợp lệ của đơn kháng cáo. Nếu bị cáo kháng cáo quá hạn, cần phân tích. 

(ii) Bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ phần bồi thường, luật sư bào chữa phân tích những sai lầm của bản án sơ thẩm khi quyết định phần bồi thường, hoàn cảnh thực tế của gia đình hiện nay của bị cáo...

(iii) Bào chữa cho bị cáo không kháng cáo, nhưng có kháng nghị của viện kiểm sát hoặc kháng cáo của bị hại.

(iv) Kháng cáo của bị hại hoặc kháng nghị của viện kiểm sát theo hướng có lợi cho bị cáo thì luật sư bào chữa chứng minh kháng cáo, kháng nghị là cần thiết, hợp lệ và có căn cứ.

(v) Kháng cáo của bị hại hoặc kháng nghị của viện kiểm sát theo hướng bất lợi cho bị cáo, luật sư bào chữa tập trung phân tích căn cứ, nội dung kháng cáo, kháng nghị không hợp lệ, không có căn cứ.

- Bảo vệ cho các đương sự khác trong giai đoạn phúc thẩm:

Tùy theo luật sư hình sự là người bảo vệ cho khách hàng có kháng cáo hay không kháng cáo nhưng bị kháng cáo, kháng nghị ảnh hưởng đến quyền lợi của họ để lập luận chứng minh và đề xuất theo hướng có lợi cho họ.

(i) Nếu họ là người kháng cáo, cần tập trung phân tích về tính hợp lệ của đơn kháng cáo, tính có căn cứ của yêu cầu kháng cáo.

(ii) Nếu họ là người không kháng cáo nhưng bị kháng cáo, kháng nghị thì: Nếu kháng cáo, kháng nghị theo hướng có lợi cho họ: Cần tập trung phân tích tính hợp lệ của kháng cáo, kháng nghị, hoặc kháng cáo, kháng nghị là có căn cứ, là cần thiết.

Nếu kháng cáo, kháng nghị theo hướng bất lợi cho họ: Cần tập trung phần tích tính không hợp lệ của kháng cáo, kháng nghị, hoặc kháng cáo, kháng nghị không có căn cứ, không cần thiết. 

4- Phần kết luận luận cứ bào chữa, luận cứ bảo vệ

Cũng giống như bản luận cứ ở giai đoạn sơ thẩm, phần kết luận cần nêu rõ: Tóm tắt những ý chính đã phân tích tại phần nội dung; đưa ra đề xuất cụ thể theo hướng đã phân tích.

Tuy nhiên, ở giai đoạn phúc thẩm, khi đề xuất luật sư hình sự phải căn cứ vào thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm theo các điều 355, 356, 357, 358, 359, 360 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 để đưa ra đề xuất cho phù hợp như: không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm; sửa bản án sơ thẩm; hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại; hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án; đình chỉ việc xét xử phúc thẩm. 

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hành chính của Công ty Luật TNHH Everest 

V- LUẬT SƯ HÌNH SỰ LẬP KẾ HOẠCH HỎI

Tùy theo luật sư là người bào chữa hay bảo vệ cho ai mà cá kế hoạch xét hỏi cho phù hợp. Tuy nhiên, kế hoạch xét hỏi phải đảm bảo:

- Nguyên tắc tôn trọng sự thật khách quan: Luật sư hình sự không quá vì quyền lợi của khách hàng mà cố tình hỏi để dẫn dắt họ khai sai sự thật. Luật sư hình sự cũng không được hỏi để làm xấu đi tình trạng của khách hàng mà mình nhận bào chữa, bảo vệ.

- Kế hoạch tham gia xét hỏi phải rõ ràng, cụ thể. Câu hỏi phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ trả lời, phù hợp với đối tượng; tránh hỏi câu dài, phức tạp, câu nhiều nghĩa, không phù hợp với đối tượng hỏi. Xác định rõ số người cần hỏi; phạm vi xét hỏi với từng người. Do tính chất của phúc thẩm khác sơ thẩm nên khi chuẩn bị câu hỏi cần chú ý hỏi đúng trọng tâm, tùy thuộc vào yêu cầu kháng cáo của khách hàng, cụ thể:

(i) Nếu bị cáo kháng cáo, hỏi làm rõ lý do kháng cáo, chứng cứ chứng minh việc kháng cáo là có căn cứ.

(ii) Nếu bị cáo kêu oan, hỏi làm rõ sự thật của vụ án

Bảo vệ cho bị hại có kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt với bị cáo hoặc tăng bồi thường với bị cáo:

(i) Hỏi để làm rõ thêm những tình tiết tăng nặng, tình tiết định khung mà cấp sơ thẩm chưa xem xét.

(ii) Hỏi để làm rõ những thiệt hại thực tế chưa được cấp sơ thẩm xem xét.

Xem thêm: Thù lao luật sư và Chi phí pháp lý tại Công ty Luật TNHH Everest.

VI- LUẬT SƯ HÌNH SỰ CẦN CHUẨN BỊ CÁC CÔNG VIỆC KHÁC TRƯỚC  KHI RA PHIÊN TÒA PHÚC THẨM

Đọc lại luận cứ bào chữa, bảo vệ đã chuẩn bị: Khi chuẩn bị luận cứ bào chữa bảo vệ ở phiên tòa phúc thẩm dù cho luật sư hình sự dù có cẩn thận đến đâu cũng không phải đã là đầy đủ và hoàn chỉnh nhất. Vì vậy trước phiên tòa, luật sư hình sự cần phải đọc lại bản luận cứ bào chữa, bảo vệ, xem xét việc bổ sung luận cứ, cách sắp xếp ý tưởng, các thuật ngữ pháp lý, các lập luận và vấn đề trọng tâm cần chứng minh.

Chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ sẽ sử dụng để chứng minh cho lập luận trong luận cứ bào chữa, bảo vệ. Kỹ năng lập luận của luật sư hình sự là sử dụng thành công các công cụ lập luận (luận điểm, luận cứ, luận chứng). Để luận cứ bào chữa, bảo vệ có sức thuyết phục, luật sư hình sự cần sử dụng tốt các công cụ này. Luật sư cần chuẩn bị trước những tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho những lý lẽ mà mình đã đưa ra. Vì vậy, cần lựa chọn các tài liệu, chứng cứ sử dụng tại tòa; sắp xếp thành tập riêng theo thứ tự trình bày của luận cứ; đánh dấu vào những đoạn sẽ sử dụng để khi trình bày cần minh họa đoạn nào sẽ có ngay.

Chuẩn bị văn bản pháp luật cần viện dẫn trong luận cứ. Tùy theo luận cứ bào chữa, bảo vệ của luật sư hình sự, liên quan đến văn bản pháp luật nào luật sư hình sự cũng cần chuẩn bị trước. Sắp xếp thành những tập riêng, đánh dấu vào đoạn cần viện dẫn trong luận cứ để khi cần thiết có thể tìm kiếm dễ dàng.

Xem thêm: Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Luật sư Nguyễn Thị Yến - Phó giám đốc của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (tham khảo: Giáo trình Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết vụ án hình sự - Học viện Tư pháp và một số nguồn khác).

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
4.1 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng của luật sư: chuẩn bị tham gia phiên toà hình sự phúc thẩm

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.40338 sec| 1184.195 kb