Kỹ năng của luật sư hình sự: các yêu cầu khi trao đổi với khách hàng

"Sự thành công trong cách ứng xử với người khác phụ thuộc vào việc nắm được góc nhìn của người khác với thái độ cảm thông.

Dale Carnegie, 1888 - 1955, nhà văn, nhà huấn luyện kỹ năng giao tiếp, người Mỹ

Kỹ năng của luật sư hình sự: các yêu cầu khi trao đổi với khách hàng

Trao đổi với khách hàng là hoạt động để luật sư nắm bắt được yêu cầu của thân chủ và làm rõ một số thông tin, tình tiết ban đầu về vụ án hình sự. Dù thân chủ là đối tượng bị tình nghi của hoạt động tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, là bị can hay bị hại trong một vụ án hình sự, là nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án... thì mục đích của luật sư trong hoạt động trao đổi với thân chủ là tìm hiểu rõ, nắm bắt được chính xác toàn bộ nội dung của sự việc liên quan đến thân chủ và hiểu được tâm trạng, mong muốn của khách hàng đối với vụ án hình sự đang được cơ quan có thẩm quyền giải quyết. 

Liên hệ

I- LUẬT SƯ HÌNH SỰ YÊU CẦU KHÁCH HÀNG TRÌNH BÀY NỘI DUNG VỤ VIỆC

Khi trao đổi với khách hàng, luật sư cần khéo léo, tế nhị để khách hàng có thể trình bày được những vấn đề quan trọng liên quan đến vụ án. Luật sư cần biết đặt câu hỏi để thân chủ trình bày một cách mạch lạc và rõ ràng. Ví dụ: sự việc đó xảy ra vào thời gian nào? Diễn biến ra sao? Có ai biết không? Nguyên nhân nào dẫn đến sự việc đó?

Khi thân chủ trình bày, luật sư phải chú ý lắng nghe, ghi chép lại những nội dung cần thiết để nắm bắt một cách sơ bộ nhất, khái quát nhất những thông tin từ thân chủ hoặc của người thân của họ cung cấp. Luật sư cần lưu ý rằng thông tin từ chính thân chủ bảo đảm độ chính xác cao hơn vì họ là người trực tiếp liên quan đến vụ việc phạm tội, thông tin từ người thân của họ có thể có độ chính xác thấp hơn vì họ cũng chỉ được nghe kể lại mà không tận mắt chứng kiến sự việc.

Trong quá trình trao đổi, nếu thấy còn nhiều điểm mâu thuẫn, khó hiểu hoặc chưa rõ, luật sư cần hỏi kỹ thêm. Thân chủ có tâm lý chung là vẫn chưa hoàn toàn đặt hết niềm tin vào luật sư, do đó họ còn giấu diếm, bản thân họ còn dao động, hoang mang không biết phải làm gì, đặc biệt nếu thân chủ là bị hại trong những vụ án trộm cắp tài sản tại nhà nghỉ hoặc bị đe dọa tung ảnh nóng tống tiền trong những vụ án cưỡng đoạt tài sản... luật sư cần động viên, an ủi và cho họ thấy mình là chỗ dựa an toàn cho họ về góc độ pháp lý để họ tin tưởng mà trình bày hết sự việc.

Chỉ khi sự việc được phản ánh đầy đủ thì luật sư mới có định hướng đúng và tư vấn chính xác cho thân chủ của mình. Trên thực tế, khi khách hàng trình bày nội dung sự việc với luật sư thì họ có thể nói không đúng trọng tâm hoặc trình bày lan man. Do đó, luật sư cần lưu ý định hướng cho khách hàng trình bày đúng nội dung vụ việc, tránh để tình trạng khách hàng kể lể dài dòng. Tuy nhiên, sự can thiệp của luật sư phải đúng lúc, với cách thức, lời lẽ phù hợp để khách hàng không bị hụt hẫng vì họ là người luôn có xu hướng được bày tỏ và mong được chia sẻ. Đồng thời, luật sư cũng cần phải tỉnh táo để không bị khách hàng lôi cuốn vào việc trình bày không có phương hướng.

Không chỉ dựa vào những lời trình bày của thân chủ, để bảo đảm việc nghiên cứu vụ án hình sự được khách quan, toàn diện, luật sư cần yêu cầu thân chủ cung cấp tất cả những tài liệu, chứng cứ mà thân chủ có được. Tuy nhiên, có vụ việc thân chủ có tài liệu để cung cấp (như đối tượng là bị can chắc chắn phải có một số tài liệu liên quan đến vụ án, như: quyết định khởi tố bị can; lệnh bắt tạm giam; kết luận điều tra; cáo trạng...) song có nhiều vụ việc thân chủ không có chút tài liệu gì trong vụ án hình sự (người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố...) buộc luật sư phải kiếm tìm thông tin từ nhiều kênh khác để có được thông tin cơ bản nhất về vụ việc liên quan đến thân chủ. Bằng nhiều con đường và nhiều cách thức hợp pháp khác nhau, luật sư cần tìm hiểu thêm thông tin về vụ án với nhiều góc độ để có cái nhìn toàn diện về vụ việc, có thể qua báo chí, qua thông tin của những người biết việc mà luật sư nắm được.

Đối với trường hợp khách hàng là người thân của người bị buộc tội, luật sư phải làm rõ tư cách của khách hàng, mối quan hệ của họ với người bị buộc tội. Khi yêu cầu họ trình bày về nội dung sự việc, luật sư phải làm rõ nguồn gốc thông tin mà họ có được, họ biết được nội dung sự việc do chính người bị buộc tội kể lại hay biết qua một người khác... Điều này rất quan trọng bởi đây sẽ là một trong những căn cứ để luật sư đánh giá nội dung vụ việc của khách hàng.

Như vậy, trong quá trình khách hàng trình bày nội dung vụ việc với luật sư, luật sư phải chú ý lắng nghe, liên kết các thông tin của khách hàng và dẫn chiếu ngay đến các văn bản cần sử dụng để tư vấn và trao đổi kịp thời với khách hàng. Đó có thể là điều khoản áp dụng đối với các tội phạm cụ thể được quy định trong BLHS, trình tự giải quyết vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và các văn bản dưới luật khác.

Xem thêm: Dịch vụ Luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

II- LUẬT SƯ HÌNH SỰ TÌM HIỂU YÊU CẦU CỦA KHÁCH HÀNG

Sau khi nghe thân chủ cung cấp thông tin về vụ việc, luật sư cần hỏi rõ nguyện vọng của thân chủ, nghĩa là “thân chủ mong đợi gì ở luật sư?”, tìm hiểu và giải đáp những thắc mắc và sự lúng túng của thân chủ, như: “Theo luật sư tôi phải làm gì? Làm như thế thì liệu có sao không?”.

Có thể thấy rằng, trong những năm gần đây, nhu cầu của người bị buộc tội tìm đến luật sư nhờ giúp đỡ là rất lớn. Đối tượng khách hàng có yêu cầu mời luật sư bào chữa và bảo vệ quyền lợi cho họ chiếm tỷ lệ cao. Tuy nhiên, nhu cầu này đôi khi bị che lấp bởi nhận thức khác nhau của khách hàng. Có trường hợp khách hàng đến nhờ luật sư với mong muốn quyền, lợi ích hợp pháp của mình được pháp luật bảo vệ và luật sư là người giúp họ nói lên tâm tư, nguyện vọng của họ trước cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Nhưng cũng có những trường hợp khách hàng do nhận thức hạn chế nên muốn nhờ luật sư “lo từ A đến Z”, chấp nhận các biện pháp trái pháp luật, miễn là đáp ứng được yêu cầu của họ. Luật sư ngoài việc tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của khách hàng cần chỉ rõ cho khách hàng biết được giới hạn trách nhiệm của luật sư trước pháp luật và trước khách hàng, không để khách hàng lôi kéo theo những yêu cầu trái pháp luật. Luật sư có thể thảo luận về hậu quả pháp lý của hành vi mà khách hàng định thực hiện và có thể tư vấn hoặc giúp đỡ khách hàng xác định hiệu lực pháp lý, phạm vi, phương thức hoặc luật áp dụng. Luật sư có trách nhiệm bảo vệ lợi ích tốt nhất của khách hàng trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.

Luật sư phải tôn trọng những yêu cầu chính đáng và hợp lý của khách hàng và phải bàn bạc với khách hàng về phương pháp xử lý vụ việc. Cả khách hàng và luật sư đều có quyền và nghĩa vụ với mục đích và phương pháp thực hiện.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

III- LUẬT SƯ HÌNH SỰ ĐƯA RA Ý KIẾN VỀ NHẬN BÀO CHỮA, BẢO VỆ

Trong quá trình trao đổi với khách hàng, luật sư nên cho khách hàng hiểu bản chất của vụ việc để họ có cái nhìn khách quan, không đòi hỏi thái quá cũng như không mất lòng tin ở luật sư. Luật sư thông báo với khách hàng về khả năng bào chữa, bảo vệ và cho họ biết trong tương lai họ sẽ phải đối mặt với những vấn đề gì, đồng thời luật sư cũng nên cho khách hàng biết loại, khung hình phạt họ có thể bị áp dụng, cả mức cao nhất và thấp nhất.

Việc nhận lời hay từ chối bào chữa ở giai đoạn này hoàn toàn thuộc về ý chí chủ quan của luật sư, không phụ thuộc vào bất kỳ yếu tố khách quan nào. Tuy nhiên, luật sư nên từ chối việc bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho khách hàng trong những trường hợp sau: (1) Việc chấp nhận bào chữa có thể dẫn đến một hành vi vi phạm pháp luật hoặc vi phạm những quy tắc về đạo đức nghề nghiệp luật sư; (2) Nếu nhận lời bào chữa có thể xảy ra xung đột về quyền lợi giữa luật sư và khách hàng hoặc giữa hai khách hàng của luật sư; (3) Khi luật sư không đủ khả năng hoặc không đủ thời gian cần thiết cho vụ việc của khách hàng.

Luật sư có quyền lựa chọn và từ chối nếu việc bào chữa cho khách hàng ảnh hưởng bất lợi đến quyền lợi của khách hàng. Việc từ chối cũng được coi là có cơ sở pháp lý khi khách hàng buộc luật sư phải làm một việc mà luật sư tin rằng phạm pháp hoặc gian dối. Luật sư cũng có thể từ chối nếu khách hàng từ chối tuân theo những điều khoản của hợp đồng dịch vụ pháp lý.

Luật sư không nên tạo ảo tưởng cho khách hàng là luật sư làm mọi việc tốt hơn các luật sư khác, hoặc cho khách hàng biết về việc luật sư “có mối quan hệ” với người tiến hành tố tụng nào đó để khách hàng phải mời họ mà không phải luật sư nào khác.

Xem thêm: Kỹ năng của luật sư khi trao đổi, tiếp xúc với khách hàng trong vụ án hình sự (những vấn đề chung)

IV- LUẬT SƯ HÌNH SỰ THỎA THUẬN VỚI KHÁCH HÀNG VỀ VẤN ĐỀ THÙ LAO LUẬT SƯ VÀ CHI PHI PHÁP LÝ

Thông thường trong đời sống hàng ngày, khi nói đến “cơm, áo, gạo, tiền” thì mọi người thường nghĩ đây là vấn đề “tế nhị", "ngại ngùng” và thường né tránh đề cập trực tiếp đến vấn đề này. Đây cũng là vấn đề có rất nhiều quan điểm khác nhau khi xây dựng Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư.

Có không ít ý kiến cho rằng, hợp đồng dịch vụ pháp lý, phí dịch vụ đã được quy định từ Điều 513 đến Điều 521 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, còn bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ” (Điều 513 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Thế nhưng, đa số ý kiến lại cho rằng, hoạt động nghề nghiệp luật sư mang tính chất đặc thù, hợp đồng dịch vụ pháp lý được giao kết giữa luật sư (người có kinh nghiệm, có kiến thức pháp luật) với khách hàng đang ở thế yếu. Vì vậy, cần có quy định về việc luật sư phải giải thích cho khách hàng những quy định của pháp luật về căn cứ tính thù lao; chi phí và mức thù lao phải được thể hiện một cách cụ thể trong hợp đồng.

Quy tắc này nhằm kiểm soát tình trạng luật sư lợi dụng sự hiểu biết pháp luật của mình, sự yếu thế của khách hàng để tính thù lao “bất tương xứng” với nội dung, tính chất và mức độ dịch vụ pháp lý mà luật sư cung cấp. Việc đưa vấn đề thù lao luật sư vào Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư càng cho thấy tính nhân văn cao trong quan hệ với khách hàng của luật sư và nghề luật sư.

Theo quy định tại Chương IV của Luật Luật sư năm 2006 được sửa đổi, bổ sung năm 2012 (Luật Luật sư) về thù lao và chi phí; tiền lương theo hợp đồng lao động thì luật sư sẽ được tính thù lao theo quy định của pháp luật khi cung cấp dịch vụ pháp lý của mình cho khách hàng. Mức thù lao là sự thỏa thuận bình đẳng, không gian dối, được tính dựa trên các căn cứ như: Nội dung, tính chất của dịch vụ pháp lý; Thời gian và công sức của luật sư sử dụng để thực hiện dịch vụ pháp lý; Kinh nghiệm và uy tín của luật sư (khoản 1 Điều 55 Luật Luật sư). Ngoài các khoản thù lao, khách hàng có thể thỏa thuận với luật sư về việc thanh toán tiền tàu xe, lưu trú và các chi phí hợp lý khác cho việc thực hiện yêu cầu của mình. Việc thanh toán các khoản chi phí thực hiện theo các quy định của pháp luật về kế toán (Điều 56, 57, 58 Luật Luật sư).

Việc thu thù lao trong các vụ án hình sự được chia ra thành hai trường hợp khác nhau: Trường hợp trong các vụ án hình sự do luật sư tự mình tham gia tố tụng (trường hợp luật sư được mời) và trường hợp trong các vụ án hình sự do luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng (trường hợp luật sư chỉ định).

Đối với trường hợp luật sư tự mình tham gia tố tụng trong vụ án hình sự: Thù lao của luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự do khách hàng và văn phòng luật sư, công ty luật thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý dựa trên các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 55 Luật Luật sư và được tính theo giờ hoặc tính trọn gói theo vụ việc, nhưng mức cao nhất cho 01 giờ làm việc của luật sư không được vượt quá 0,3 lần mức lương cơ sở do Chính phủ quy định. Thời gian làm việc của luật sư do luật sư và khách hàng thỏa thuận (Điều 18 Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư - Nghị định số 123/2013/NĐ-CP).

Việc thu thù lao trong trường hợp luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng được quy định tại Điều 57 của Luật Luật sư: "... Luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng được nhận thù lao và được thanh toán chi phí theo quy định của chính phủ...” và Điều 19 của Nghị định số 123/2013/NĐ-CP: "... Đối với những vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu luật sư thì mức thù lao được trả cho 01 ngày làm việc của luật sư là 0,4 lần mức lương cơ sở do Chính phủ quy định...”. Như vậy, theo Nghị định số 123/2013/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 191/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 12/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tự pháp hướng dẫn về thù lao và thanh toán chi phí cho luật sư trong trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng Thông tư liên tịch số 191/2014/TTLT-BTC-BTP), thì mức thù lao luật sư tham gia tiến hành tố tụng vụ án hình sự do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu thì được trả cho 1 ngày làm việc của luật sư là 0,4 lần mức lương cơ sở, cụ thể ngày làm việc của luật sư được tính trên cơ sở 8 giờ làm việc.

Thời gian làm việc của luật sư được tính bao gồm:

- Thời gian gặp người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử: Được xác định bằng thời gian thực tế luật sư gặp người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tại nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam của cơ quan tiến hành tố tụng theo lịch cho phép;

- Thời gian thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa: Được xác định căn cứ theo văn bản thỏa thuận về số ngày thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa giữa cơ quan tiến hành tố tụng với luật sư tùy theo tính chất phức tạp của từng vụ án hình sự;

- Thời gian nghiên cứu hồ sơ và chuẩn bị tài liệu tại cơ quan tiến hành tố tụng: Được xác định theo bảng chấm công có xác nhận của nơi luật sư đến nghiên cứu hồ sơ;

- Thời gian tham gia phiên tòa: Được xác định theo thời gian diễn ra phiên tòa xét xử; trong trường hợp phiên tòa hoãn xử không phải do yêu cầu của luật sư và luật sư không được báo trước, thì cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm thanh toán tiền thù lao cho luật sư bằng 1/2 ngày làm việc của luật sư;

- Thời gian hợp lý khác theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng để thực hiện việc tham gia tố tụng.

Trường hợp luật sư gặp người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo lịch cho phép gặp người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tại nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam hoặc thời gian tham gia phiên tòa vào ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ thì thời gian làm việc được tính theo nguyên tắc chi trả tiền lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức, cụ thể như sau:

- Mức 150% áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày thường.

- Mức 200% áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày nghỉ hàng tuần.

- Mức 300% áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày lễ hoặc ngày nghỉ bù nếu ngày nghỉ lễ trùng vào ngày nghỉ hàng tuần.

Thời gian làm việc của luật sư phải được cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trực tiếp giải quyết vụ án hình sự xác nhận trên cơ sở tổng hợp thời gian làm việc, làm căn cứ chi trả thù lao cho luật sư.

Việc thu thù lao của luật sư trong các vụ án hình sự được pháp luật quy định mức giá trần theo khoản 1 Điều 56 Luật Luật sư: “.. đối với vụ án hình sự mà luật sư tham gia tố tụng thì mức thù lao không được vượt quá mức trần thù lao do Chính phủ quy định...” và khoản 1 Điều 18 của Nghị định số 123/2013/NĐ-CP: “... Mức thù lao luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự do khách hàng và văn phòng luật sư, công ty luật thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý... nhưng mức cao nhất cho 01 giờ làm việc của luật sư không được vượt quá 0,3 lần mức lương cơ sở do Chính phủ quy định”.

Việc quy định mức trần thù lao của luật sư trong vụ án hình sự vừa có những ưu điểm và những hạn chế nhất định:

Thứ nhất, đa số các luật sư cho rằng không nên đưa ra mức trần thù lao vì hoạt động nghề nghiệp của luật sư là lao động trí óc, cho nên việc đóng khung mức trần như vậy là mang tính chủ quan bởi vì mọi thước đo đều không chính xác, có những công việc đối với khách hàng này là đơn giản nhưng đối với khách hàng khác là rất quan trọng. Một giờ làm việc với khách hàng này đôi khi tiêu tốn ít “chất xám” hơn so với khách hàng khác mà chỉ bản thân luật sư và khách hàng đó mới biết rõ.

Thứ hai, khách hàng là người trực tiếp thanh toán chi phí cho luật sư, sự giới hạn thù lao cũng chính là gián tiếp giới hạn quyền định đoạt tài sản của họ. Trong một số vụ việc có độ phức tạp cao đòi hỏi luật sư phải có nhiều kinh nghiệm và tư duy pháp lý sắc bên, khách hàng tin tưởng và muốn chi trả khoản thù lao xứng đáng để khuyến khích luật sư nhưng vẫn bị ràng buộc bởi mức trần cho dù đó là sự tự nguyện của khách hàng nhưng cũng không thể ghi nhận công khai trong hợp đồng dịch vụ pháp lý.

Tuy nhiên, xét về mặt khoa học pháp lý thì việc ban hành mức trần đối với thù lao của luật sư trong vụ án hình sự là cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho người dân, người yếu thế, tránh trường hợp bị “chặt chém” không đáng có vì tâm lý của người dân khi tìm đến luật sư là để tìm sự hỗ trợ, cảm thông hay chỗ dựa vững chắc trong suốt quá trình tố tụng. Với mức giá trần này, Nhà nước hướng đến mục tiêu đảm bảo khách hàng của luật sư không bị các luật sư, vốn rất hiểu biết pháp luật, lợi dụng tình thế của họ để lấy thù lao quá mức so với công lao thực tế. Và khi đã tạo được một khung giá ở mức độ nằm trong khả năng kinh tế của mặt bằng chung xã hội, việc khách hàng sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư sẽ nhiều hơn cơ hội của các bị can, bị cáo được sự giúp đỡ, bào chữa của các luật sư sẽ tăng cao, quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân được đảm bảo, Nhà nước cũng đảm bảo về trật tự trong quản lý xã hội trên mọi lĩnh vực.

Trong quá trình thỏa thuận thù lao với khách hàng, luật sư không được hứa hẹn trước kết quả vụ việc nhằm mục đích lôi kéo khách hàng và cần tránh hai trường hợp sau đây: (1) Tính phí thù lao luật sư quá cao so với điều kiện mặt bằng kinh tế của người dân, so với tính chất, mức độ và khả năng chuyên môn của luật sư; (2) xu hướng hạ thấp quá mức thù lao nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh để thu hút khách hàng.

Thực tế hiện nay, khách hàng và luật sư thường thỏa thuận về vấn đề thù lao theo gói việc và theo tiến trình tố tụng. Đó là các gói việc nhỏ theo các giai đoạn tố tụng hình sự của vụ án. Ví dụ: gói việc liên quan đến giai đoạn điều tra, gói việc liên quan đến giai đoạn truy tố, gói việc liên quan đến giai đoạn xét xử. Tùy theo từng gói việc mà luật sư đưa ra mức thù lao phù hợp và đảm bảo tính hợp pháp, hợp lý trong việc thỏa thuận thù lao.

Luật sư cần thông báo cho khách hàng biết những yếu tố ảnh hưởng đến mức thù lao đối với những trường hợp vụ án hình sự phức tạp và có thể kéo dài nhiều năm liền; đồng thời luật sư cũng chốt lại với khách hàng về những người cùng tham gia bào chữa, bảo vệ trong vụ án hình sự này để tính phí thù lao phù hợp. Từ đó, luật sư nêu cách thức thanh toán như thế nào: có thể thanh toán theo vụ việc hay theo giờ theo quy định của Luật Luật sư. Điều quan trọng trong việc thỏa thuận thù lao giữa khách hàng và luật sư là việc định mức phí phải có sự xem xét quyền lợi của hai phía luật sư và khách hàng. Thoả thuận về phí phải được ghi nhận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý.

Trong mọi trường hợp, luật sư nên tránh xung đột về phí với khách hàng và nếu xảy ra tranh chấp thì cố gắng dàn xếp ổn thỏa. Trường hợp khách hàng đột ngột thôi không nhờ luật sư nữa và “xin lại tiền thù lao” thì luật sư cần căn cứ vào hợp đồng dịch vụ pháp lý ký giữa luật sư và khách hàng phân tích các công việc mà luật sư đã thực hiện cho khách hàng, đề nghị khách hàng trừ lại một phần chi phí mà luật sư đã bỏ ra và phần thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT đã nộp cho cơ quan thuế.

Xem thêm: Thù lao luật sư và Chi phí pháp lý tại Công ty Luật TNHH Everest

V- LUẬT SƯ HÌNH SỰ HƯỚNG DẪN KHÁCH HÀNG KÝ KẾT HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ PHÁP LÝ

Trong buổi tiếp xúc trực tiếp, thì các yêu cầu rõ ràng của khách hàng, luật sư sẽ xác định một mức phí dịch vụ chính xác và có thể thảo luận luôn về hợp đồng dịch vụ pháp lý. Luật sư phải cho khách hàng biết về nghĩa vụ bảo mật thông tin của luật sư, ghi chép những thông tin quan trọng và đánh dấu những vấn đề chưa rõ. Nếu khách hàng ký hợp đồng dịch vụ pháp lý, luật sư sẽ thông báo cho khách hàng các bước triển khai tiếp theo để giải quyết công việc của mình. Nếu khách hàng còn băn khoăn, luật sư cần giải đáp những thắc mắc của khách hàng về trách nhiệm của mình và cho khách hàng một khoảng thời gian suy nghĩ lựa chọn phương án giải quyết và xem xét việc ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với luật sư.

Luật sư cần lưu ý rằng, dù khách hàng đã ký hay chưa ký hợp đồng, luật sư đều hẹn buổi làm việc tiếp theo. Tùy theo kết quả của buổi làm việc đầu tiên, luật sư sẽ chuẩn bị cho buổi làm việc tiếp theo như thế nào.

Khi ký hợp đồng dịch vụ pháp lý, thẩm quyền ký hợp đồng này thuộc về người đứng đầu của Tổ chức hành nghề luật sư. Nếu luật sư trực tiếp làm việc, trao đổi thông tin với khách hàng đồng thời là trưởng văn phòng luật sư hoặc giám đốc công ty luật... thì luật sư đó cũng sẽ là người ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng. Trong trường hợp người trực tiếp làm việc với khách hàng chỉ là nhân viên của Tổ chức hành nghề luật sư thì luật sư đó phải báo cáo lại nội dung vụ việc với Trưởng văn phòng và người ký hợp đồng dịch vụ pháp lý là Trưởng văn phòng.

Hiện nay Luật sư chỉ quy định những nội dung chính mang tính khuôn mẫu của hợp đồng dịch vụ pháp lý (Điều 26), trên thực tế mỗi văn phòng luật sư đều xây dựng riêng cho mình một mẫu. Các mẫu hợp đồng này thường rõ ràng, mang tính chuyên nghiệp, đơn giản mà không mang nặng tính hành chính để giúp cho việc giao kết hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng được nhanh chóng, thuận tiện.

Sau khi ký được hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng, mối quan hệ pháp lý giữa luật sư và khách hàng chính thức bắt đầu. Luật sư cần phác thảo sơ đồ kế hoạch triển khai công việc để bào chữa, bảo vệ tốt nhất cho thân chủ. Luật sư cần thông báo cho khách hàng biết những công việc luật sư sẽ tiến hành trong tương lai. Đồng thời, luật sư cũng cần chốt lại với khách hàng về các yêu cầu của khách hàng, về nội dung công việc, dự toán về các khoản chi phí phát sinh...

Bên cạnh đó, luật sư hình sự cần động viên khách hàng giữ bình tĩnh, không hoang mang, dao động, có thể đề nghị họ chủ động thu thập thêm các tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án hình sự để phục vụ cho hoạt động bào chữa, bảo vệ sau khi vụ án hình sự được khởi tố và cung cấp một cách tối đa các thông tin cho luật sư. Đây là kỹ năng quan trọng của luật sư vì trong nhiều trường hợp, khi khách hàng là bị can bị tạm giam, việc thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật sẽ rất hạn chế, hoạt động trao đổi với khách hàng trong trại tạm giam không phải lúc nào cũng thuận lợi.

Luật sư cần thống nhất cách thức liên lạc với khách hàng để có thể trao đổi được kịp thời với họ về các vấn đề cần thiết trong quá trình bảo vệ cho họ. Luật sư có thể liên lạc với khách hàng qua điện thoại, thư điện tử và yêu cầu khách hàng cung cấp địa chỉ và số điện thoại nhà riêng, di động để liên lạc khi cần thiết. Luật sư cũng cần thường xuyên thông tin cho khách hàng về tình hình của vụ việc và nhanh chóng thực hiện những yêu cầu hợp lý khác của khách hàng về thông tin và giải thích nội dung vụ việc ở mức cần thiết để khách hàng đưa ra quyết định thực hiện yêu cầu của mình.

Trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, luật sư cần có sự nhận thức mới về quan hệ giữa luật sư với khách hàng. Luật sư cần phải nhận thức rằng đang “hợp tác” với khách hàng chứ không phải khách hàng đang “nhờ vả” để luật sư tự cho mình quyền quyết định mọi thứ không cần hỏi ý kiến khách hàng, ngay cả khi họ là những người trình độ văn hóa chưa cao. Thiếu hiểu biết pháp luật, vì vậy trong quá trình trao đổi với khách hàng. Luật sư cần thông tin thường xuyên tình hình công việc luật sư đang thực hiện. Đặc biệt cần phải giúp cho khách hàng nhận diện bản chất của vụ việc một cách trung thực, rõ ràng.

Xem thêm: Soạn thảo hợp đồng dịch vụ pháp lý

Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương, tổng hợp (nguồn tham khảo: Giáo trình Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết vụ án hình sự - Học viện Tư pháp và một số nguồn khác).

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
4.4 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng của luật sư hình sự: các yêu cầu khi trao đổi với khách hàng

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.47774 sec| 1193.078 kb