Kỹ năng của Luật sư: Tham gia thủ tục giải quyết việc dân sự

"Đã là luật sư thì cần có ba cái túi: một cái đựng đầy giấy tờ, một cái đựng đầy tiền và cái túi thứ ba chứa sự nhẫn nại".

- Tục ngữ Pháp

Kỹ năng của Luật sư: Tham gia thủ tục giải quyết việc dân sự

Điều 1 Bộ luật tố tụng dân sự: các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động được gọi chung là các vụ án dân sự; các yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động gọi chung là việc dân sự. 

Khi nhận được đề nghị giúp đỡ trong những việc dân sự, Luật sư cần xác định yêu cầu của khách hàng là việc dân sự hay vụ án dân sự, căn cứ vào quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Thương mại, Bộ luật Lao động và các luật có liên quan.

Luật sư nên tư vấn cho khách hàng là với thực trạng đó, thì nên giải quyết thế nào, có đề nghị Tòa án giải quyết hay không, những lợi ích, bất lợi của thủ tục tố tụng tại Tòa án. Quyết định cuối cùng thuộc về khách hàng.

Liên hệ

I- KỸ NĂNG TƯ VẤN GIÚP ĐỠ KHÁCH HÀNG XÁC ĐỊNH VIỆC DÂN SỰ

Việc dân sự là những việc được quy định tại Điều 27 “Những yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án”, Điều 29 ”Những yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án”, Điều 31 “Những yêu cầu về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án” (trừ khoản 4,5) Điều 33 “Những yêu cầu về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án” (trừ khoản 3,4) Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

1- Thỏa thuận về tư cách tham gia tố tụng của Luật sư

Sau khi đã tư vấn cho khách hàng về những vấn đề pháp lý liên quan đến yêu cầu của họ và thủ tục giải quyết yêu cầu của họ, nếu khách hàng quyết định yêu cầu Tòa án giải quyết và đề nghị Luật sư tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, Luật sư cần thảo luận rõ với khách hàng về đề nghị nhờ Luật sư tham gia tố tụng. Theo quy định của pháp luật, đương sự có thế nhờ Luật sư làm người đại diện ủy quyền hoặc làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Luật sư cũng cần nói rõ với khách hàng là nếu là người đại diện ủy quyền thì Luật sư có quyền và nghĩa vụ thế nào, quyền và nghĩa vụ của khách hàng với tư cách là đương sự trong vụ án, quan hệ giữa người đại diện ủy quyền và khách hàng (là đương sự trong vụ án) ra sao. 

Tương tự, nếu khách hàng muốn nhờ Luật sư làm người bảo vệ quyền lợi của đương sự thì Luật sư cũng cần giải thích rõ vai trò của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng, mối quan hệ giữa người bảo vệ và đương sự.

Sau khi khách hàng đã quyết định lựa chọn Luật sư làm người đại diện hay người bảo vệ, Luật sư chú ý đến một số thủ tục liên quan để Luật sư có thể tham gia tố tụng.

[a] Luật sư là người đại diện theo ủy quyền

Đầu tiên phải là một hợp đồng dịch vụ pháp lý giao kết giữa Văn phòng Luật sư hoặc Công ty luật với khách hàng theo quy định tại Điều 26 Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012. Điều 26 Luật Luật sư quy định hợp đồng dịch vụ pháp lý phải được lập thành văn bản và có các nội dung chính sau đây:

(i) Tên, địa chỉ của khách hàng hoặc người đại diện của khách hàng, đại diện của tổ chức hành nghề Luật sư hoặc Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân;

(ii) Nội dung dịch vụ; thời hạn thực hiện hợp đồng;

(iii) Quyền, nghĩa vụ của các bên;

(iv) Phương thức tính và mức thù lao cụ thể; các khoản chi phí (nếu có); đ) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

(v) Phương thức giải quyết tranh chấp.

Trên cơ sở hợp đồng dịch vụ pháp lý, khách hàng và Văn phòng Luật sư hoặc công ty luật sẽ lập tiếp hợp đồng ủy quyền giữa khách hàng và Luật sư được cử làm đại diện theo ủy quyền. Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995 thì hợp đồng ủy quyền nhất thiết phải được lập thành văn bản, có xác nhận của công chứng hoặc cơ quan có thẩm quyền, Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định các dấu hiệu bắt buộc về hình thức như Bộ luật Dân sự năm 1995, nhưng tốt nhất Luật sư nên cùng với khách hàng là cá nhân công chứng hợp đồng ủy quyền. Văn bản ủy quyền sẽ là cơ sở pháp lý xác định tư cách pháp lý của Luật sư trong tố tụng dân sự với vai trò là người đại diện ủy quyền của đương sự.

[b] Luật sư là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người được đương sự nhờ và Tòa án chấp nhận.

Trước hết, giữa Văn phòng Luật sư hoặc Công ty luật cùng ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý. Trưởng văn phòng Luật sư hoặc Công ty luật sẽ có quyết định cử Luật sư tham gia vụ việc theo hợp đồng dịch vụ pháp lý, đồng thời sẽ có một giấy giới thiệu Luật sư tham gia tố tụng gửi Tòa án. Thông thường, là những tài liệu bắt buộc phải có để xác định tính hợp pháp cho việc tham gia của Luật sư. 

Hợp đồng dịch vụ pháp lý là một thỏa thuận pháp lý giữa khách hàng và Văn phòng Luật sư hoặc Công ty luật và được lưu vào hồ sơ giữa khách hàng và Công ty hoặc Văn phòng. Nếu có Tòa án yêu cầu Luật sư phải cung cấp thỏa thuận giữa Luật sư và khách hàng thì có thể thay hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng một đơn của khách hàng mời Luật sư tham gia tố tụng. 

Giấy chứng nhận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là cơ sở pháp lý xác định vai trò của Luật sư với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng dân sự.

Xem thêm: Thù lao luật sư và Chi phí pháp lý tại Công ty Luật TNHH Everest.

2- Thỏa thuận về thù lao

Tùy theo từng văn phòng hoặc công ty luật, thù lao có thể được tính theo từng công đoạn của tiến trình giải quyết việc dân sự hoặc được tính theo toàn bộ kết quả giải quyết.

Luật sư nên giải thích cho khách hàng rõ khoản thù lao là khoản tiền mà khách hàng phải trả cho các hoạt động tố tụng mà Luật sư phải tiến hành theo quy định của pháp luật để giải quyết việc dân sự theo yêu cầu của khách hàng, nhưng không đồng nhất với đầu việc thứ ba mà Luật sư nên tách riêng khỏi hai đầu việc trước, đó là kết quả của công việc. Không phải trong mọi trường hợp yêu cầu của khách hàng về việc giải quyết vụ việc của họ cũng được Tòa án đáp ứng hoặc đáp ứng toàn bộ. Tùy từng vụ việc cụ thể, Luật sư và khách hàng có thể thỏa thuận về thù lao của kết quả công việc. 

Việc tách các phần đầu việc trong tiến trình giải quyết vụ việc dân sự chỉ mang tính tương đối, hết sức linh hoạt với từng vụ việc, với từng khách hàng và điều quan trọng là để Luật sư ý thức được từng phần công việc của mình nhằm xác định thù lao tương ứng và phù hợp.

Dù có tính thù lao theo đầu công việc hay tính theo toàn bộ việc giải quyết vụ việc dân sự, Luật sư luôn nhớ rằng hoạt động Luật sư là một hoạt động đặc thù. Luật sư là người hành nghề tự do, nhà nước không trả lương nhưng nghề Luật sư không phải là một nghề kinh doanh thuần túy để có thể kiếm lợi nhuận bằng mọi giá. Thỏa thuận về thù lao Luật sư, xét theo khía cạnh này, gắn liền với đạo đức nghề nghiệp của Luật sư, đồng thời đó cũng là yếu tố góp phần xác định uy tín của Luật sư trong lĩnh vực hoạt động của mình.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về thừa kế (luật sư thừa kế) của Công ty Luật TNHH Everest

II- KỸ NĂNG SOẠN ĐƠN YÊU CẦU VÀ CHUẨN BỊ HỒ SƠ YÊU CẦU

Đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự được làm theo mẫu quy định tại khoản 2 Điều 362 Bộ luật Tố tụng dân sự. 

- Đối với mục b: Tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết cần xác định theo thẩm quyền giải quyết của các cấp Tòa án và thẩm quyền theo lãnh thổ. Cụ thể loại việc dân sự sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện hay của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và cụ thể là của Tòa án tỉnh nào hoặc Tòa án huyện nào. Về vấn đề này, ngoài những quy định tại Điều 35, Điều 36, khoản 2 Điều 39. Khoản 2 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự, có thể tham khảo những phần viết tương ứng về xác định thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự

- Đối với mục d: Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân Sự đó. Khi viết những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết, phải xác định yêu cầu của đương sự tương ứng với khoản nào của Điều 27, Điều 29, Điều 31, Điều 33 Bộ luật Tố tụng dân sự. 

Ngoài ra theo khoản 3 Điều 362 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự phải được gửi kèm tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu là có căn cứ và hợp pháp. Tùy từng loại việc mà xác định đó là những giấy tờ, tài liệu gì, căn cứ vào quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và những quy định liên quan trong các văn bản pháp luật nội dung khác. Rất nhiều trường hợp khách hàng không biết là phải có những giấy tờ này hoặc có biết thì cũng không biết bằng cách nào có thể thu thập được. Luật sư phải hướng dẫn khách hàng thu thập những loại giấy tờ, tài liệu cần thiết và trong nhiều trường hợp, Luật sư phải giúp khách hàng tìm kiếm. Đây cũng là những điểm lưu ý quan trọng để Luật sư có thể thỏa thuận với khách hàng về thù lao của Luật sư.

Đây là công việc linh hoạt, mềm dẻo đòi hỏi Luật sư phải vận dụng phù hợp trong từng trường hợp cụ thể.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về hợp đồng hôn nhân của Công ty Luật TNHH Everest

III- HƯỚNG DẪN KHÁCH HÀNG NỘP TIỀN TẠM ỨNG LỆ PHÍ YÊU CẦU

Trong trường hợp đơn yêu cầu được Tòa án chấp nhận thụ lý, Tòa án hướng dẫn người yêu cầu nộp tạm ứng lệ phí yêu cầu với mức tiền cụ thể và nơi nộp. Nếu trong hợp đồng dịch vụ pháp lý thỏa thuận việc này do Luật sư phải làm thì Luật sư phải thực hiện việc nộp tạm ứng lệ phí yêu cầu. Dù tham gia với tư cách gì, tất cả những hoạt động tố tụng của khách hàng cần được Luật sư hướng dẫn tận tình, chu đáo, có trách nhiệm.

Một số trường hợp được miễn nộp tiền tạm ứng lệ phí, miễn nộp lệ phí, Luật sư lưu ý nghiên cứu để tư vấn và đề xuất giúp khách hàng áp dụng cho việc cụ thể.

Sau khi đã nộp tạm ứng án phí, Luật sư hướng dẫn khách hàng nộp biên lai thu tạm ứng tại Tòa án để Tòa án tiến hành thụ lý yêu cầu theo quy định của pháp luật.

IV- KỸ NĂNG CỦA LUẬT SƯ CHUẨN BỊ THAM GIA PHIÊN HỌP GIẢI QUYẾT VIỆC DÂN SỰ

1- Chuẩn bị chứng cứ, tài liệu giải quyết việc dân sự

So với thủ tục giải quyết vụ án dân sự, thủ tục giải quyết việc dân sự không có tranh tụng do bản chất việc dân sự không có tranh chấp. Chuẩn bị tham gia phiên họp giải quyết việc dân sự, vì thế cũng đơn giản hơn rất nhiều.

Đối với từng việc cụ thể, việc chuẩn bị tham gia phiên họp giải quyết cũng khác nhau, thời gian chuẩn bị khác nhau nên Luật sư phải căn cứ vào từng việc để xác định những công việc cụ thể và thời hạn chuẩn bị cụ thể.

Phần lớn các yêu cầu đều liên quan đến một sự kiện pháp lý nhất định nên việc xác nhận những sự kiện này chủ yếu do Tòa án thực hiện trên cơ sở quy định của pháp luật. Nếu đã chuẩn bị đủ chứng cứ, tài liệu để yêu cầu Tòa án tuyên bố về sự kiện yêu cầu thì người yêu cầu không phải mất nhiều thời gian để chuẩn bị cho việc giải quyết. Chủ yếu là vấn đề thủ tục, cụ thể là đợi Tòa án thực hiện những công việc chuẩn bị theo quy định của pháp luật.

Nhìn chung, việc chuẩn bị cho phiên họp giải quyết yêu cầu, về phương diện chứng cứ sẽ không quá phức tạp như đối với việc chuẩn bị giải quyết vụ án dân sự.

2- Xem xét đề nghị áp dụng quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết yêu cầu

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 không quy định cụ thể về căn cứ đình chỉ hoặc tạm đình chỉ giải quyết yêu cầu. Việc xem xét để áp dụng những quyết định này trong quá trình chuẩn bị xét đơn yêu cầu được áp dụng tương tự những căn cứ tạm đình chỉ giải vụ án dân sự quy định tại Điều 214 hoặc căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án dân sự quy định tại Điều 217 Bộ luật này.

Các Luật sư cần nghiên cứu kỹ những căn cứ này cho từng việc cụ thể mà mình đang tham gia giải quyết. 

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình của Công ty Luật TNHH Everest 

3- Chuẩn bị ý kiến phát biểu trong phiên họp

Do không có yếu tố tranh tụng như đối với việc giải quyết vụ án dân sự, nên Luật sư cũng không phải chuẩn bị bản luận cứ bảo vệ quyền lợi của đương sự giống như trong thủ tục giải quyết vụ án dân sự. Tuy nhiên, tại phiên tòa, người yêu cầu phải trình bày về những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết, lý do, mục đích và căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự, nên Luật sư, dù tham gia với tư cách người bảo vệ hoặc người đại diện ủy quyền của người yêu cầu hoặc người liên quan phải chuẩn bị cho việc phát biểu ý kiến này.

Cách chuẩn bị, về căn bản cũng giống như đối với bản luận cứ cho phiên tòa dân sự trong thủ tục giải quyết vụ án dân sự. Có thể cũng có ba phần chủ yếu: 

(i) Phần đầu: Giới thiệu qua về bản thân Luật sư, thuộc đoàn Luật sư nào, hiện làm việc cho Văn phòng Luật sư hoặc công ty luật nào, tham gia với tư cách gì. 

(ii) Phần nội dung: Tập trung vào những yêu cầu Tòa án giải quyết, lý do có những yêu cầu đó, mục đích và căn cứ. Chủ yếu phần này là nêu mà không phải lập luận hoặc trình bày các lý lẽ như trong tranh tụng vụ án dân sự. 

(iii) Phần kiến nghị: Đề xuất yêu cầu cụ thể với Tòa án.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực dân sự của Công ty Luật TNHH Everest 

V- KỸ NĂNG CỦA LUẬT SƯ THAM GIA PHIÊN HỌP GIẢI QUYẾT VIỆC DÂN SỰ

Thủ tục phiên họp giải quyết việc dân sự được quy định tại Điều 314 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Do không có tính chất tranh chấp trong đối tượng giải quyết nên việc tham gia phiên họp chỉ đơn thuần để trình bày ý kiến mà không phải tranh tụng. Tuy nhiên, Luật sư vẫn cần thiết ghi lại các nội dung, diễn biến của phiên họp. Qua việc ghi chép, nếu thấy có những vấn đề còn thiếu thì khi phát biểu, Luật sư phải bổ sung cho đầy đủ các yêu cầu của khách hàng của mình, căn cứ cho các yêu cầu đó.

VI- KỸ NĂNG CỦA LUẬT SƯ THAM GIA PHÚC THẨM QUYẾT ĐỊNH GIẢI QUYẾT VIỆC DÂN SỰ

Theo quy định tại Điều 371 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, người yêu cầu và cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quyết định giải quyết việc dân sự có quyền kháng cáo đối với quyết định giải quyết việc dân sự. Trong trường hợp quyết định giải quyết của Tòa án không phù hợp với mong muốn của khách hàng và khách hàng có nguyện vọng kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp trên xem xét, Luật sư giúp khách hàng làm đơn kháng cáo.

Về căn bản, đơn kháng cáo quyết định giải quyết việc dân sự cũng được viết giống như đơn kháng cáo bản án, quyết định trong thủ tục giải quyết vụ án dân sự. Thủ tục tham gia phúc thẩm quyết định giải quyết việc dân sự cũng tiến hành theo thủ tục phúc thẩm trong thủ tục giải quyết vụ án dân sự. Luật sư cần nghiên cứu các nội dung này trong thủ tục giải quyết vụ án dân sự.

Có hai loại việc dân sự mà quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật ngay, đương sự không có quyền kháng cáo (cũng như Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị)  đó là yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản sau khi ly hôn và yêu cầu công nhận sự thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn (Điều 371 Bộ luật Tố tụng dân sự). Đối với hai loại việc này, sau khi có quyết định giải quyết, nếu đương sự muốn kháng cáo thì Luật sư giải thích cho đương sự rõ họ không có quyền kháng cáo đối với quyết định giải quyết hai loại việc này.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực đất đai, bất động sản của Công ty Luật TNHH Everest 

Luật sư Nguyễn Thị Bích Phượng - Trưởng Chi nhánh Hà Nội của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (nguồn tham khảo: Giáo trình Kỹ năng cơ bản của Luật sư tham gia giải quyết vụ việc dân sự và một số nguồn khác)

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
4.4 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng của Luật sư: Tham gia thủ tục giải quyết việc dân sự

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.37839 sec| 1160.492 kb