Lập và nghiên cứu hồ sơ vụ án dân sự

09/04/2023
Đỗ Duy Hoàng
Đỗ Duy Hoàng
Hồ sơ vụ án là tập hợp các tài liệu, chứng cứ, giấy tờ có liên quan tới vụ án. Việc lập và nghiên cứu hồ sơ vụ án được tiến hành sau khi các chứng cứ về vụ án đã được điều tra, nghiên cứu tương đối đầy đủ. Việc lập và nghiên cứu hồ sơ vụ án cho phép xác định toàn bộ nội dung vụ án một cách hệ thống theo đúng trình tự, diễn biến của sự việc cũng như các diễn biến của quá trình tố tụng. Việc lập và nghiên cứu hồ sơ vụ án được tiến hành trong toàn bộ thời gian chuẩn bị xét xử cho đến trước khi mở phiên toà.

Trên thực tế, nghiên cứu hồ sơ vụ án và điều tra vụ án là hai quá trình đan xen nhau. Trong đó, xuất phát từ việc nghiên cứu hồ sơ khởi kiện do người khởi kiện xuất trình, thẩm phán xác định những vấn đề cần xác minh, điều tra. Quá trình điều tra sẽ giúp cho hồ sơ khởi kiện tiếp tục hoàn thiện. Việc nghiên cứu hồ sơ vụ án giúp cho thẩm phán ra các quyết định tiếp theo như tiếp tục xác minh chứng cứ hoặc đưa ra các cách thức giải quyết vụ án.

Trong hoạt động lập và nghiên cứu hồ sơ vụ án, chức năng nhận thức đóng vai trò chủ đạo nhất. Tiến hành hoạt động nhận thức, thẩm phán sẽ nghiên cứu, xem xét một cách tổng thể và toàn diện tất cả các chứng cứ, tài liệu có liên quan đến vụ án.

Trong tất cả các lĩnh vực tố tụng, việc nghiên cứu hồ sơ vụ án là cần thiết và bắt buộc. Song, phụ thuộc vào các điều kiện tố tụng khác nhau mà hoạt động nhận thức của người cán bộ tư pháp khi nghiên cứu hồ sơ vụ án có những khác biệt nhất định. Trong tố tụng hình sự, thẩm phán không phải là người tiến hành điều tra, thu thập thông tin. Như vậy, trước khi nghiên cứu hồ sơ của vụ án, thẩm phán hoàn toàn chưa hình dung được diễn biến của vụ án như thế nào, các tình tiết, chứng cứ của nó ra sao. Do đó, thẩm phán sẽ rất thận trọng và kỹ càng khi nghiên cứu hồ sơ vụ án. Nhưng trong lĩnh vực tố tụng dân sự, việc điều tra cũng như nghiên cứu hồ sơ vụ án do chính thẩm phán tiến hành. Do đã biết trước được các tình tiết của vụ án khi điều tra mà thẩm phán dễ chủ quan coi nhẹ việc xem xét lại các tài liệu, chứng cứ của vụ án trước khi giải quyết. Điều này có thể dẫn tới những hạn chế nhất định trong hoạt động nghiên cứu hồ sơ vụ án. Vì có nhiều vấn đề của vụ án đòi hỏi phải được nghiên cứu xem xét kỹ càng trong tổng thể mối liên hệ với các vấn đề khác thì mới có thể đánh giá đúng.

Để đảm bảo hiệu quả cho việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, hoạt động nhận thức của thẩm phán cần phải đảm bảo được các yêu cầu sau:

- Việc nhận thức hồ sơ vụ án phải đảm bảo được tính toàn diện và nhanh chóng. Việc nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự chỉ bắt đầu khi quá trình điều tra vụ án đã được hoàn tất, có nghĩa là các chứng cứ về vụ án đã được xác minh một cách đầy đủ. Vì vậy, thẩm phán có điều kiện để nghiên cứu xem xét vụ án một cách toàn diện. Nhưng trong lĩnh vực tố tụng dân sự, việc nghiên cứu hồ sơ vụ án có thể được tiến hành song song với việc điều tra vụ án. Do vậy, nhận thức về vụ án không thể toàn diện được, vì hồ sơ vụ án vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Các đương sự và những người tham gia tố tụng vẫn có thể cung cấp cho toà án các tài liệu, chứng cứ bất cứ lúc nào. Để đảm bảo nhận thức vụ án một cách toàn diện, thẩm phán phải nghiên cứu, xem xét tất cả các chứng cứ, tài liệu của vụ án, không được bỏ sót bất kỳ một tài liệu chứng cử nào. Khi xem xét các các tài liệu, chứng cứ cần phải nghiên cứu riêng từng chứng cứ, tài liệu và đặt chúng trong mối liên hệ với các chứng cứ, tài liệu khác. Có như vậy mới có thể nhận thức vụ án một cách toàn diện.

- Việc nhận thức hồ sơ vụ án phải đảm bảo được tính khách quan. Xét về mặt nhận thức, nghiên cứu hồ sơ vụ án chính là quá trình hình thành quan điểm về vụ án và các cách giải quyết vụ án ở thẩm phấn. Do đó, thẩm phán cần phải rất khách quan khi đánh giá chứng cứ và nghiên cứu hồ sơ. Để đảm bảo nguyên tắc này, khi xem xét, đánh giá các chứng cứ, thẩm phán không được phân biệt chứng cứ do nguyên đơn hay bị đơn cung cấp mà coi nhẹ chứng cứ này, coi trọng chứng cứ kia và ngược lại. Thẩm phán không được có định kiến hoặc kết luận trước về cách giải quyết vụ kiện trước khi nghiên cứu hồ sơ. Vì như vậy sẽ dẫn đến tình trạng thẩm phán chỉ nghiên cứu và đánh giá những chứng cứ, tình tiết khẳng định cho định kiến và kết luận của mình mà không quan tâm đến các ý kiến khác.

 

- Việc nhận thức các tình tiết của vụ án phải theo một trình tự lôgic. Mỗi tình tiết của vụ án đều được hình thành phát triển và diễn ra theo một trật tự nhất định. Trật tự này có thể theo thời gian, hoặc theo mối liên hệ với các tình tiết khác. Để nhận thức vụ án một cách hệ thống và tổng thể, thẩm phán cần phải nghiên cứu hồ sơ vụ án theo trình tự lôgic của các tình tiết đó. Có thể nghiên cứu và sắp xếp các chứng cứ theo hai trình tự lôgic sau:

+ Có thể nghiên cứu hồ sơ vụ án theo trình tự thời gian. Theo cách này, việc nghiên cứu và sắp xếp hồ sơ sẽ theo trình tự của quá trình giải quyết vụ án, bắt đầu từ đơn khởi kiện. Phương pháp này giúp cho thẩm phán không chỉ xác định nội dung vụ án, mà còn xác định được cả thời gian, cách thức, trình tự tiến hành của Toà án. Song, nó có những hạn chế là sẽ khó theo dõi được những chứng cứ của từng bên đương sự, khó tập trung được những căn cứ của từng bên.

+ Có thể nghiên cứu hồ sơ vụ án theo từng tệp tài liệu. Theo cách này, Thẩm phán nghiên cứu vụ việc theo các tệp: Tài liệu của nguyên đơn, bị đơn, của các đương sự khác, tệp tài liệu do toà án điều tra thu thập thêm, tệp tài liệu về các thủ tục tố tụng.... Nghiên cứu hồ sơ vụ án theo cách này có thể giúp cho thẩm phán có được sự hình dung căn bản về vụ án: ai khởi kiện, yêu cầu khởi kiện và các chứng cứ của các yêu cầu đó, ý kiến của đương sự và các chứng cứ kèm theo, kết quả điều tra của toà án, yêu cầu về thủ tục tố tụng.... Phương pháp này có hạn chế là thẩm phán sẽ mất thời gian sắp xếp lại toàn bộ hồ sơ đã được sắp xếp theo trình tự thời gian thành những tệp riêng.

- Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, cần phải có sự phối hợp giữa thẩm phán với hội thẩm nhân dân. Để tiến hành xét xử được vụ án, hội thẩm nhân dân cũng phải nghiên cứu hồ sơ để nhận thức đầy đủ các tài liệu, chứng cứ của vụ án. Sự phối hợp giữa thẩm phán và hội thẩm nhân dân sẽ giúp thẩm phán có thể hướng dẫn, bổ sung kiến thức, kỹ năng xét xử cho hội thẩm nhân dân. Nhờ đó, hội thẩm nhân dân có thể nắm bắt được nội dung vụ án và có kế hoạch xét xử một cách cẩn trọng, chu đáo. Mặt khác, việc trao đổi với hội thẩm nhân dân có thể giúp cho thẩm phán bổ sung những kiến thức mang tính chuyên sâu về lĩnh vực đang có vụ án dân sự cần giải quyết.

Việc nhận thức hồ sơ vụ án cần phải đảm bảo làm sáng tỏ các nội dung sau:

- Xác định nội dung của sự việc, yêu cầu cụ thể của đương sự;

- Xác định thẩm quyền của Toà án mình đối với vụ án;

- Xác định các quan hệ pháp luật cần phải quyết giữa các đương sự, các căn cứ pháp luật được áp dụng để giải quyết vụ án;

- Xác định thành phần và vị trí tố tụng của các đương sự trong vụ việc. Từ đó xác định quyền và nghĩa vụ của các đương sự ở mỗi vị trí tố tụng;

- Làm rõ các chứng cứ, tài liệu để giải quyết vụ án;

- Xác định pháp luật áp dụng để giải quyết vụ án.

Việc lập và nghiên cứu hồ sơ giúp cho thẩm phán có thể ra các quyết định cụ thể về vụ án như: quyết định áp dụng biện pháp tạm thời, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, quyết định chuyển vụ án dân sự sang toà án khác, quyết định đưa vụ án ra xét xử...

Tóm lại, điều tra, lập và nghiên cứu hồ sơ vụ án dân sự là hoạt động quan trọng, nhằm chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ cần thiết cho việc giải quyết vụ án dân sự. Hoạt động này sẽ tạo ra các căn cứ cho các bước tố tụng tiếp theo trong quá trình giải quyết vụ án dân sự.

Tổng hợp từ Giáo trình Tâm lý học Tư pháp - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác.

 

0 bình luận, đánh giá về Lập và nghiên cứu hồ sơ vụ án dân sự

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.23887 sec| 963.023 kb