Nội dung của quan hệ pháp luật

25/02/2023
Khi tham gia vào quan hệ pháp luật, các chủ thể phải tuân theo cách xử sự mà pháp luật đã đặt ra. Chẳng hạn, trong quan hệ mua bán tài sản giữa hai công ty A và B, hai bên thỏa thuận với nhau về số lượng, chất lượng, chủng loại, giá cả, thời gian và phương thức giao hàng... Bên mua (A) được nhận hàng và phải trả tiền, bên bán (B) phải giao hàng và được nhận tiền theo thỏa thuận. Các cách xử sự như vậy của chủ thể khi tham gia quan hệ pháp luật gọi là các quyền và nghĩa vụ chủ thể do pháp luật quy định, tạo thành nội dung của quan hệ pháp luật.

Nội dung của quan hệ pháp luật bao gồm quyền và nghĩa vụ pháp lí của chủ thể tham gia quan hệ pháp luật.

I- QUYỀN CHỦ THỂ CỦA QUAN HỆ PHÁP LUẬT

Quyền chủ thể là khả năng của chủ thể được xử sự theo những cách thức nhất định mà pháp luật cho phép.

Trong quan hệ pháp luật, nhà nước cho phép chủ thể có thể tiến hành những hoạt động nhất định. Tùy theo mong muốn của mình mà chủ thể có thể thực hiện hoặc không thực hiện những hoạt động đó. Những xử sự mà theo quy định của pháp luật, chủ thể có thể thực hiện hoặc không thực hiện được gọi là quyền của chủ thể trong quan hệ pháp luật. Chẳng hạn, trong quan hệ mua bán tài sản nêu trên, bên mua có thể nhận hoặc không nhận hàng, bên bán có thể nhận hoặc không nhận tiền...

Quyền chủ thể bao gồm những khả năng sau:

(i) Có thể tự thực hiện những hành động nhất định hay còn gọi là tự xử sự. Chủ thể bằng chính hành động của mình tiến hành cách xử sự mà pháp luật quy định nhằm đạt được lợi ích của mình.

(ii) Có thể yêu cầu chủ thể bên kia của quan hệ pháp luật phải thực hiện những hành vi nào đó để đáp ứng việc thực hiện quyền của mình, yêu cầu chủ thể bên kia chấm dứt những hành vi nhất định nếu cho rằng hành vi đó cản trở việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lí của mình.

(iii) Có thể yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm hại.

Quyền chủ thể trong quan hệ pháp luật luôn bao gồm ba khả năng trên, nghĩa là khi tham gia vào quan hệ pháp luật, các chủ the luôn có đầy đủ cả ba khả năng đó, thực tế sử dụng khả năng nào là tuỳ thuộc vào ý chí của chủ thể.

Xem trước: Chủ thể của quan hệ pháp luật.

II- NGHĨA VỤ CHỦ THỂ CỦA QUAN HỆ PHÁP LUẬT

Nghĩa vụ chủ thế là cách xử sự mà chủ thể buộc phải thực hiện theo quy định của pháp luật nhằm đáp ứng việc thực hiện quyền của chủ thể khác.

Khác với quyền chủ thể, nghĩa vụ của chủ thể trong quan hệ pháp luật không phải là khả năng tiến hành xử sự mà đó là sự bắt buộc phải xử sự. Nói cách khác, trong một quan hệ pháp luật, những xử sự nào đòi hỏi các chủ thể nhất thiết phải thực hiện được gọi là nghĩa vụ. Chẳng hạn, trong quan hệ pháp luật mua bán nêu trên, nghĩa vụ của người bán là phải giao hàng đúng số lượng, chất lượng, không được tráo đổi hàng; nghĩa vụ của người mua là phải trả tiền đủ số lượng, đúng thời gian...

Nghĩa vụ pháp lí bao gồm những sự cần thiết phải xử sự sau:

(i)  Phải tiến hành một số hoạt động nhất định.

(ii) Phải kiềm chế không thực hiện một số hoạt động nhất định.

(iii) Phải chịu trách nhiệm pháp lí khi xử sự không đúng vói những quy định của pháp luật.

Nghĩa vụ của chủ thể trong quan hệ pháp luật luôn bao gồm những sự cần thiết phải tiến hành các xử sự bắt buộc nêu trên bởi nó liên quan chặt chẽ đến việc thực hiện các khả năng tương ứng trong quyền chủ thể phía bên kia.

Quyền và nghĩa vụ trong một quan hệ pháp luật luôn có sự đối lưu cho nhau, quyền của bên này là nghĩa vụ tương ứng đối với bên kia và ngược lại. Không có quyền nằm ngoài mối liên hệ với nghĩa vụ, ngược lại không có nghĩa vụ nằm ngoài mối liên hệ với quyền. Đây là biểu hiện của mối liên hệ chặt chẽ giữa các bên tham gia quan hệ pháp luật cụ thể.

Trong một số trường hợp, chủ thề của quan hệ pháp luật không trực tiếp thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lí của mình, vì những lí do khác nhau, việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ chủ thể có thể được chuyển giao cho các cá nhân và tổ chức khác. Chẳng hạn, người đại diện hợp pháp của đứa trẻ thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong quan hệ pháp luật thừa kế, người nhận ủy quyền thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong quan hệ mua bán hàng hóa... Những trường hợp này phải được thực hiện trên cơ sở các quy định của pháp luật.

Luật sư: Nguyễn Thị Bích Phượng - Trưởng phòng Doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (từ Giáo trình Lý Luận chung về nhà nước và pháp luật - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).

0 bình luận, đánh giá về Nội dung của quan hệ pháp luật

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.19561 sec| 944.313 kb