Pháp luật về bảo lãnh ngân hàng

23/02/2023
Nghiệp vụ bảo lãnh của tổ chức tín dụng vốn mang bản chất là hoạt động thương mại nên có cấu trúc pháp lí khá đặc thù, bao gồm sự gắn kết giữa hai loại hợp đồng: hợp đồng bảo lãnh (được ký kết giữa bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh) và hợp đồng dịch vụ bảo lãnh (được ký kết giữa bên bảo lãnh với bên được bảo lãnh).

I- Chủ thể trong giao dịch bảo lãnh ngân hàng

Nghiệp vụ bảo lãnh của tổ chức tín dụng vốn mang bản chất là hoạt động thương mại nên có cấu trúc pháp lí khá đặc thù, bao gồm sự gắn kết giữa hai loại hợp đồng: hợp đồng bảo lãnh (được ký kết giữa bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh) và hợp đồng dịch vụ bảo lãnh (được ký kết giữa bên bảo lãnh với bên được bảo lãnh). Nếu tách riêng mỗi loại hợp đồng nói trên để nghiên cứu một cách độc lập thì có thể nhận thấy hợp đồng bảo lãnh được ký kết giữa bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh không phải bao giờ cũng mang đầy đủ dấu hiệu của quan hệ thương mại. Còn hợp đồng dịch vụ bảo lãnh được ký kết giữa bên bảo lãnh (tổ chức tín dụng) với bên được bảo lãnh (khách hàng được bảo lãnh) lại mang bản chất của giao dịch thương mại. Vì vậy, có thể mô tả cấu trúc chủ thể tham gia hoạt động bảo lãnh ngân hàng bằng sơ đồ sau đây:
Người bảo lãnh (các tổ chức tín dụng)
 Ghi chú:
(1) Hợp đồng có nghĩa vụ tài sản cần được bảo đảm (gọi là hợp đồng gốc hay hợp đồng cơ sở) phát sinh giữa bên được bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh;
(2) Hợp đồng dịch vụ bảo lãnh (ký kết giữa tổ chức tín dụng với khách hàng được bảo lãnh);
(3) Hợp đồng bảo lãnh (ký kết giữa tổ chức tín dụng bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh - bên có quyền).
Theo sơ đồ này, cấu trúc chủ thể tham gia hoạt động bảo lãnh ngân hàng bao gồm:
- Bên bảo lãnh;
- Bên được bảo lãnh;
- Bên nhận bảo lãnh.

1) Bên bảo lãnh

Theo quy định tại khoản 3 Điều 98 và khoản 1 Điều 108 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, bên bảo lãnh trong nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng chủ yếu là ngân hàng thương mại và công ty tài chính có đủ những điều kiện theo luật định.
Trên nguyên tắc đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh ngân hàng (trong đó có hoạt động bảo lãnh ngân hàng), pháp luật quy định tổ chức tín dụng chỉ được thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh chuyên nghiệp đối với khách hàng khi thỏa mãn các điều kiện sau đây:

- Được Ngân hàng nhà nước cho phép thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh đối với khách hàng (điều kiện này thường được ghi rõ trong giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng do Ngân hàng nhà nước cấp).

- Có đăng ký kinh doanh nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng và nghiệp vụ này phải được ghi rõ trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được cấp. Thông thường, tổ chức tín dụng sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì sẽ có tư cách pháp nhân và do đó được xem là có đủ năng lực pháp luật để tham gia một cách độc lập vào các quan hệ pháp luật, thông qua hành vi của những người đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng. Theo luật định, người đại diện hợp pháp cho tổ chức tín dụng trong các quan hệ pháp luật nói chung và trong quan hệ bảo lãnh ngân hàng nói riêng bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo uỷ quyền. Người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng bảo lãnh có thể là Tổng giám đốc hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị (tùy theo sự ấn định trong Điều lệ của từng tổ chức tín dụng). Người đại diện theo uỷ quyền của tổ chức tín dụng bảo lãnh là người được người đại diện theo pháp luật uỷ quyền hợp lệ. Riêng người được uỷ quyền, về nguyên tắc, không được uỷ quyền lại cho người khác, nếu việc uỷ quyền lại không được người đại diện theo pháp luật (người uỷ quyền lần đầu) cho phép bằng văn bản hợp thức. Thực chất, khi tham gia hoạt động bảo lãnh ngân hàng, tổ chức tín dụng không chỉ có tư cách pháp lí là người bảo lãnh (trong quan hệ hợp đồng bảo lãnh với bên có quyền - bên nhận bảo lãnh) mà còn có cả tư cách pháp lí là người cung ứng dịch vụ bảo lãnh (trong quan hệ hợp đồng dịch vụ bảo lãnh với khách hàng được bảo lãnh). Vì thế, trong luật học khi xem xét vấn đề tư cách pháp lí của tổ chức tín dụng trong quan hệ bảo lãnh ngân hàng, không thể nhìn nhận một cách phiến diện mà cần phải xem xét toàn diện cả hai tư cách pháp lí này trong mối quan hệ biện chứng giữa chúng với nhau.

2) Bên được bảo lãnh

Nếu trong quan hệ bảo lãnh (nói chung), bên được bảo lãnh có thể là mọi tổ chức, cá nhân có yêu cầu bảo lãnh cho các nghĩa vụ tài sản của mình đối với bên có quyền thì trong giao dịch bảo lãnh ngân hàng (nói riêng), bên được bảo lãnh thông thường là các chủ thể kinh doanh theo luật định. Theo quy định của pháp luật hiện hành,(1) những chủ thể là khách hàng được bảo lãnh bởi tổ chức tín dụng bao gồm các tổ chức và cá nhân trong nước và nước ngoài, trừ những đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng theo quy định tại các điều 126, 127, 128 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010. Để được cấp tín dụng bằng hình thức bảo lãnh ngân hàng, những chủ thể này cần phải thoả mãn các điều kiện sau đây:(2)
(i) Có đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự;
(ii) Mục đích đề nghị tổ chức tín dụng bảo lãnh là hợp pháp;
(iii) Có khả năng tài chính để thực hiện nghĩa vụ được tổ chức tín dụng bảo lãnh trong thời hạn cam kết;
(iv) Tuân thủ các quy định về quản lí ngoại hối của Việt Nam nếu khách hàng đề nghị bảo lãnh là tổ chức, cá nhân nước ngoài.

(1).Xem: Điều 5 Thông tư của Ngân hàng Nhà nước số 28/2012 TT-NHNN ngày 03/10/2012 quy định về bảo lãnh ngân hàng.
(2).Xem: Điều 10 Thông tư của Ngân hàng Nhà nước số 28/2012/TT-NHNN ngày 03/10/2012 quy định về bảo lãnh ngân hàng.

Ngoài việc quy định các điều kiện bảo lãnh trên đây, vì mục tiêu đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, pháp luật còn quy định rõ các nguyên tắc xác định số dư bảo lãnh đối với khách hàng.

3) Bên nhận bảo lãnh

Bên nhận bảo lãnh trong quan hệ bảo lãnh ngân hàng là người có quyền thụ hưởng món nợ do người được bảo lãnh thanh toán từ nghĩa vụ trong các hợp đồng (chẳng hạn, hợp đồng về xây dựng cơ bản, hợp đồng tín dụng, hợp đồng mua bán hàng hoá, hợp đồng cung ứng dịch vụ...) hay các nghĩa vụ thanh toán ngoài hợp đồng (chẳng hạn, nghĩa vụ nộp thuế, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng...). 
Ví dụ:
- Trong bảo lãnh dự thầu xây lắp và cung ứng máy móc thiết bị; bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ của nhà thầu theo hợp đồng xây lắp và cung ứng máy móc thiết bị; bảo lãnh trách nhiệm bồi thường thiệt hại về chất lượng sản phẩm trong xây lắp thì bên nhận bảo lãnh chính là bên mời thầu (hoặc chủ thầu).
- Trong bảo lãnh thanh toán tiền xây lắp công trình hay lắp đặt máy móc thiết bị, bên nhận bảo lãnh chính là nhà thầu
- Trong bảo lãnh hợp đồng tín dụng, bên nhận bảo lãnh chính là người cho vay (tổ chức tín dụng)...

Về nguyên tắc, khi tham gia quan hệ bảo lãnh ngân hàng, bên nhận bảo lãnh cũng phải thoả mãn một số điều kiện nhất định. Các điều kiện này thường bao gồm:
- Có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự. Điều kiện này do pháp luật quy định như nguyên tắc cố hữu trong pháp luật hợp đồng, không chỉ áp dụng riêng cho hợp đồng bảo lãnh.

- Có các giấy tờ, tài liệu hay bằng chứng khác chứng minh quyền chủ nợ trong một nghĩa vụ cần được bảo đảm.
Trên thực tế, điều kiện này thường do bên bảo lãnh đưa ra nhằm bảo vệ quyền lợi của mình khi giao kết hợp đồng với bên được bảo lãnh hoặc bên nhận bảo lãnh.

0 bình luận, đánh giá về Pháp luật về bảo lãnh ngân hàng

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.18633 sec| 954.664 kb