Pháp luật Việt Nam về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế giữa các thương nhân

03/03/2023
Trong tranh chấp thương mại quốc tế, các bên tranh chấp có quyền lựa chọn quốc gia để giải quyết tranh cháp đó. Vậy nên, khi các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp ở Việt Nam, thì những tranh chấp đó sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật Việt Nam. Pháp luật Việt Nam về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế được thể hiện ở các văn bản pháp luật như Bộ luật tố tụng dân sự, Luật trọng tài thương mại quốc tế, Luật Thương mại,...

Khi các bên trong hợp đồng thương mại quốc tế quyết định chọn Việt Nam là nơi giải quyết tranh chấp hợp đồng, pháp luật Việt Nam sẽ điều chỉnh quá trình giải quyết tranh chấp này.

I- NGUỒN LUẬT 

Pháp luật Việt Nam điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế bao gồm các quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự 2004 (sau đây gọi là ‘Bộ luật tố tụng dân sự’), Luật trọng tài thương mại 2010 (sau đây gọi là ‘Luật trọng tài thương mại’), Luật thương mại, Luật đầu tư 2005 (sau đây gọi là ‘Luật đầu tư’) và các văn bản dưới luật có liên quan.

II- ĐỊNH NGHĨA TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI 

Hiện nay, không có định nghĩa chính thức về tranh chấp thương mại trong pháp luật Việt Nam. Có thể hiểu khái niệm tranh chấp thương mại một cách gián tiếp là tranh chấp phát sinh giữa các bên trong hoạt động thương mại, hoặc phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại như quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 2 Luật trọng tài thương mại. Đồng thời, khoản 1 Điều 3 Luật thương mại mô tả hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác. Như vậy, tranh chấp phát sinh giữa các bên liên quan đến hoạt động mà ít nhất một trong các bên vì mục đích lợi nhuận là tranh chấp thương mại. Những tranh chấp này có thể được giải quyết tại tòa án hoặc trọng tài, tùy thuộc vào điều khoản chọn nơi giải quyết tranh chấp trong hợp đồng thương mại quốc tế.

III- GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ THEO PHƯƠNG THỨC TRANH TỤNG TRƯỚC TÒA ÁN 

1- Hệ thống tòa án Việt Nam và thẩm quyền

Hệ thống tòa án Việt Nam gồm ba cấp. Cấp thấp nhất là tòa án nhân dân cấp quận, huyện trực thuộc tỉnh, cao hơn là tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. tòa án cấp cao nhất ở Việt Nam là tòa án nhân dân tối cao. tòa án nhân dân cấp tỉnh, tòa án nhân dân tối cao có các tòa chuyên trách. tòa án nhân dân cấp quận, huyện trực thuộc tỉnh không phân chia các tòa chuyên trách. Các tòa chuyên trách bao gồm tòa dân sự, tòa hình sự, tòa lao động, tòa hành chính, tòa kinh tế. Các tranh chấp thương mại sẽ do tòa kinh tế thuộc tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và tòa án nhân dân tối cao giải quyết.

Điều 33 Bộ luật tố tụng dân sự quy định:

"1. tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là tòa án nhân dân cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:

b) [T]ranh chấp về kinh doanh, thương mại ...

3. [N]hững tranh chấp, yêu cầu theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho tòa án nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân cấp huyện."

Điều 33 đã loại bỏ thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế. Những tranh chấp này sẽ thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của tòa án nhân dân cấp tỉnh. Ngoài ra, khoản 1 Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự cũng quy định tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa các cá nhân, tổ chức có đăng kí kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận. Như vậy, nếu một bên tham gia hợp đồng không nhằm mục đích lợi nhuận, tranh chấp giữa bên đó với bên kia sẽ không được coi là tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền của tòa án. Chúng sẽ trở thành các tranh chấp dân sự thông thường.

2- Nguyên tắc xét xử

Nguyên tắc xét xử tại tòa án được quy định từ Điều 3 đến Điều 24 của Bộ luật tố tụng dân sự. Bên cạnh những nguyên tắc chung giống như pháp luật của các nước khác, pháp luật Việt Nam cũng có một số nguyên tắc đặc thù. Về nguyên tắc, tòa án xét xử công khai. tòa án chỉ xét xử kín trong những trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật. tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này.

Trong quá trình xét xử, tòa án không tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ. Các bên có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh cho yêu cầu của mình.

Nhìn chung, tòa án xét xử và quyết định theo đa số, tức là hội đồng xét xử gồm 1 hoặc 3 đến 5 thẩm phán.

Tiếng nói và chữ viết sử dụng trong tố tụng dân sự là tiếng Việt. Nghĩa là, bên nước ngoài trong tranh chấp phải tự thuê phiên dịch và biên dịch tài liệu cho mình.

tòa án thực hiện chế độ hai cấp xét xử. Bản án/quyết định sơ thẩm của tòa án có thể bị kháng cáo. Nếu bản án/quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm trong thời gian do Bộ luật tố tụng dân sự quy định, thì có hiệu lực pháp luật. Nếu bản án/quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án/quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật. Nếu bản án/quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới, thì được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm theo quy định của pháp luật.

3- Thủ tục tố tụng

Việc khởi kiện được thực hiện khi một bên gửi đơn kiện bằng văn bản đến tòa án. Đơn kiện có thể do đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn, ví dụ, luật sư, hoặc bản thân nguyên đơn nộp. Nguyên đơn phải tạm ứng án phí. Thời gian trung bình để giải quyết một vụ tranh chấp khoảng một năm, tùy thuộc vào từng vụ tranh chấp cụ thể.

Trong trường hợp pháp luật không quy định khác về thời hiệu khởi kiện, thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị xâm phạm.

4- Công nhận và cho thi hành bản án/quyết định của tòa án nước ngoài ở Việt Nam

Đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án/quyết định của tòa án nước ngoài ở Việt Nam phải được gửi đến Bộ tư pháp Việt Nam. Bộ tư pháp, trong thời hạn bảy ngày, phải chuyển hồ sơ đến tòa án có thẩm quyền cùng tòan bộ tài liệu có liên quan. tòa án có thẩm quyền là tòa án nhân dân cấp tỉnh như quy định tại Điều 352 và khoản 1(b) Điều 34 và Điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Bộ tư pháp chuyển đến, tòa án có thẩm quyền phải thụ lý và thông báo cho viện kiểm sát cùng cấp biết.

Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, tòa án có quyền yêu cầu người gửi đơn hoặc tòa án nước ngoài đã ra bản án phải giải thích những điểm chưa rõ trong hồ sơ. Văn bản yêu cầu giải thích và văn bản trả lời phải được gửi thông qua Bộ tư pháp. Việc xét đơn yêu cầu được tiến hành tại phiên họp do một hội đồng xét đơn yêu cầu gồm ba thẩm phán, trong đó một thẩm phán làm chủ tòa theo sự phân công của chánh án tòa án.

Lưu ý rằng kiểm sát viên của viện kiểm sát cùng cấp phải tham gia phiên họp. Nếu kiểm sát viên vắng mặt thì phải hoãn phiên họp.

Cơ sở từ chối đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án/quyết định của tòa án nước ngoài tại Việt Nam bao gồm: (i) Bản án/quyết định chưa có hiệu lực pháp luật theo quy định của pháp luật của nước có tòa án đã ra bản án/quyết định đó; (ii) Người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của người đó đã vắng mặt tại phiên tòa của tòa án nước ngoài do không được triệu tập hợp lệ; (iii) Vụ án thuộc thẩm quyền xét xử riêng biệt của tòa án Việt Nam; (iv) Cùng vụ án này, đã có bản án/quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật của tòa án Việt Nam, hoặc của tòa án nước ngoài đã được tòa án Việt Nam công nhận, hoặc trước khi cơ quan xét xử của nước ngoài thụ lý vụ án, tòa án Việt Nam đã thụ lý và đang giải quyết vụ án đó; (v) Đã hết thời hiệu thi hành án theo pháp luật của nước có tòa án đã ra bản án/quyết định dân sự đó hoặc theo pháp luật Việt Nam; và (vi) Việc công nhận và cho thi hành bản án/quyết định dân sự của tòa án nước ngoài tại Việt Nam trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

IV- GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ BẰNG PHƯƠNG THỨC TRỌNG TÀI 

1- Thẩm quyền

Khi các bên muốn giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế bằng trọng tài, các bên phải thể hiện ý chí này bằng thỏa thuận trọng tài. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, thỏa thuận trọng tài phải bằng văn bản. Văn bản được hiểu là sự trao đổi giữa các bên, có thể do một bên đề xuất và bên kia không phản đối. thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi tranh chấp phát sinh.

Khi các bên trong tranh chấp có thỏa thuận trọng tài và một bên gửi đơn kiện ra tòa án, tòa án phải từ chối vì không có thẩm quyền, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc không thể thực hiện được.

Theo pháp luật hiện hành, các bên có thể thỏa thuận hình thức trọng tài (‘thiết chế’ hay ‘vụ việc’), ngôn ngữ xét xử, địa điểm xét xử (ở Việt Nam hay nước ngoài) cũng như thủ tục trọng tài trong trường hợp trọng tài ‘vụ việc’.

2- Các nguyên tắc

Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Các bên có thể tự mình tham gia quá trình giải quyết tranh chấp hoặc ủy quyền cho người đại diện tham dự; các bên có quyền mời nhân chứng và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Hội đồng trọng tài cho phép người khác tham dự quá trình xét xử, nếu các bên đồng ý.

Ngôn ngữ sử dụng trong xét xử bằng trọng tài do các bên thỏa thuận. Nếu các bên không có thỏa thuận, thì hội đồng trọng tài sẽ quyết định ngôn ngữ được sử dụng trong quá trình xét xử.

Hội đồng trọng tài sẽ ra phán quyết trên cơ sở biểu quyết theo nguyên tắc đa số. Nếu biểu quyết không đạt được đa số thì phán quyết trọng tài được lập theo ý kiến của chủ tịch hội đồng trọng tài.

3- Thủ tục trọng tài

Một bên sẽ gửi đơn kiện bằng văn bản tới trung tâm trọng tài trong trường hợp trọng tài được sử dụng là trọng tài thiết chế, hoặc gửi tới bên bị kiện trong trường hợp trọng tài được sử dụng là trọng tài ‘vụ việc’.

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa các bên, hoặc thủ tục trọng tài của trung tâm trọng tài có quy định khác, trong thời gian mười ngày kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện cùng các tài liệu kèm theo và chứng từ tạm ứng phí trọng tài, trung tâm trọng tài phải gửi cho bị đơn bản sao đơn khởi kiện của nguyên đơn và những tài liệu kèm theo.

Bị đơn có quyền kiện lại nguyên đơn về những vấn đề liên quan đến tranh chấp. Đơn kiện lại của bị đơn phải gửi cho trung tâm trọng tài. Trong trường hợp trọng tài được sử dụng là trọng tài ‘vụ việc’, thì đơn kiện lại phải được gửi cho hội đồng trọng tài và bị đơn. Đơn kiện lại phải được nộp cùng thời điểm với bản tự bảo vệ.

Hội đồng trọng tài gồm một hoặc nhiều trọng tài viên, tùy theo sự thỏa thuận của các bên. Nếu các bên không thỏa thuận về số lượng trọng tài viên, thì hội đồng trọng tài sẽ gồm ba trọng tài viên.

Phán quyết trọng tài phải bằng văn bản. Phán quyết trọng tài được gửi đến các bên ngay sau ngày ban hành. Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực pháp luật ngay từ ngày ban hành.

4- Cưỡng chế thi hành

Các bên tự nguyện thi hành phán quyết trọng tài. Hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành, và cũng không yêu cầu hủy phán quyết trọng tài theo quy định của pháp luật, thì bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài.

5- Phán quyết của trọng tài nước ngoài

Việc cưỡng chế thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài chỉ có thể thực hiện được khi tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Việt Nam là thành viên của Công ước Niu Y-oóc từ năm 1995, do đó, theo Công ước, phán quyết của trọng tài của bất kì một nước thành viên nào của Công ước cũng sẽ được thi hành tại Việt Nam và ngược lại. Đối với những nước không phải thành viên của Công ước và không tham gia các hiệp định song phương có liên quan với Việt Nam, thì phán quyết của trọng tài phải được công nhận và thi hành trên cơ sở có đi có lại và sự công nhận này phải không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam được quy định từ Điều 364 đến Điều 374 Bộ luật tố tụng dân sự. Theo đó, đơn xin công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam phải được gửi lên Bộ tư pháp Việt Nam. Đơn viết bằng tiếng nước ngoài phải được dịch sang tiếng Việt và có hợp pháp hoá lãnh sự. Trong thời gian 7 ngày kể từ ngày nhận được đơn và các chứng từ kèm theo, Bộ tư pháp sẽ chuyển đơn và các tài liệu này cho tòa án nhân dân cấp tỉnh. Trong vòng ba ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ từ Bộ tư pháp, tòa án có thẩm quyền phải thụ lý và thông báo cho các bên phải thi hành và viện kiểm sát cùng cấp biết. Trong thời hạn hai tháng kể từ ngày thụ lí, tòa án có thẩm quyền sẽ đưa ra một trong các quyết định sau, tùy từng trường hợp cụ thể: (i) Tạm đình chỉ việc xét đơn yêu cầu, trong trường hợp nhận được thông báo bằng văn bản của Bộ tư pháp về việc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài đang xem xét quyết định của trọng tài nước ngoài; (ii) Đình chỉ việc xét đơn yêu cầu, nếu bên phải thi hành phán quyết tự nguyện thi hành phán quyết, hoặc bên được thi hành là tổ chức bị giải thể hoặc phá sản, mà quyền và nghĩa vụ của bên được thi hành này đã được giải quyết theo quy định của pháp luật, hoặc cá nhân phải thi hành đã chết mà quyền và nghĩa vụ của cá nhân này không được thừa kế; (iii) Đình chỉ việc xét đơn yêu cầu, trong trường hợp nhận được thông báo bằng văn bản của Bộ tư pháp về việc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài đã hủy bỏ hoặc đình chỉ thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài; (iv) Đình chỉ việc xét đơn yêu cầu và trả lại hồ sơ cho Bộ tư pháp, trong trường hợp không đúng thẩm quyền, hoặc bên phải thi hành phán quyết không có trụ sở tại Việt Nam, hoặc không xác định được địa điểm nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành tại Việt Nam; (v) Mở phiên họp xét đơn yêu cầu.

6-  tòa án và phán quyết trọng tài ở Việt Nam

Tòa án có quyền hủy phán quyết trọng tài, nếu một bên có đầy đủ bằng chứng chứng minh rằng không có thỏa thuận trọng tài, hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu, hoặc thành phần của hội đồng trọng tài, hoặc thủ tục xét xử trọng tài không đúng theo thỏa thuận của các bên hoặc trái với quy định của pháp luật, hoặc tranh chấp không thuộc phạm vi thẩm quyền của trọng tài, hoặc bằng chứng do các bên cung cấp làm cơ sở ban hành phán quyết của trọng tài là giả, hoặc phán quyết của trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương, tổng hợp (từ Giáo trình Luật Thương mại quốc tế - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).

 

0 bình luận, đánh giá về Pháp luật Việt Nam về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế giữa các thương nhân

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.41669 sec| 1017.297 kb