Phương pháp giải quyết tranh chấp về thương mại điện tử tại Việt Nam

16/12/2022
Với tính chất xuyên biên giới của mạng Internet, việc doanh nghiệp, cá nhân hiện diện trên khắp các quốc gia và các bên có thể tham gia các giao dịch điện tử ngoài phạm vi lãnh thổ quốc gia mình trở nên rất phổ biến và diễn ra thường xuyên. Để xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đối với vụ việc thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài đặt ra bài toán khó cho hệ thống pháp luật Việt Nam. Thực tiễn tại Việt Nam chưa có cách thức tiếp cận riêng trong việc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong Thương mại điện tử. Theo quy định của Pháp luật Việt Nam, thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại nói chung và thương mại điện tử nói riêng bao gồm giải quyết tranh chấp thông qua Hòa giải, Trọng tài và Tòa Án.

Theo quy định của Pháp luật Việt Nam, thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại nói chung và thương mại điện tử nói riêng bao gồm giải quyết tranh chấp thông qua Hòa giải, Trọng tài và Tòa Án.

HÒA GIẢI THƯƠNG MẠI

Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định.
Phạm vi giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại là tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; tranh chấp giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng hòa giải thương mại. 

Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại: các bên tranh chấp tham gia hòa giải hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác. Nội dung thỏa thuận hòa giải không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền của bên thứ ba. 

Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại: tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải thương mại nếu các bên có thỏa thuận hòa giải. Các bên có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trước, sau khi xảy ra tranh chấp hoặc tại bất cứ thời điểm nào của quá trình giải quyết tranh chấp.

Trình tự, thủ tục hòa giải thương mại: Các bên có quyền lựa chọn Quy tắc hòa giải của tổ chức hòa giải thương mại để tiến hành hòa giải hoặc tự thỏa thuận trình tự, thủ tục hòa giải. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về trình tự, thủ tục hòa giải thì hòa giải viên thương mại tiến hành hòa giải theo trình tự, thủ tục mà hòa giải viên thương mại thấy phù hợp với tình tiết vụ việc, nguyện vọng của các bên và được các bên chấp thuận. Tranh chấp có thể do một hoặc nhiều hòa giải viên thương mại tiến hành theo thỏa thuận của các bên. Tại bất kỳ thời điểm nào trong quá trình hòa giải, hòa giải viên thương mại đều có quyền đưa ra đề xuất nhằm giải quyết tranh chấp. Địa điểm, thời gian hòa giải được thực hiện theo thỏa thuận của các bên hoặc theo lựa chọn của hòa giải viên thương mại trong trường hợp các bên không có thỏa thuận. 

Khi đạt được kết quả hòa giải thành các bên lập văn bản về kết quả hòa giải thành. Văn bản về kết quả hòa giải thành có hiệu lực thi hành đối với các bên theo quy định của pháp luật dân sự. Trường hợp không đạt được kết quả hòa giải thành, các bên có quyền tiếp tục hòa giải hoặc yêu cầu Trọng tài hoặc Tòa án giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật. 

Thủ tục hòa giải chấm dứt trong các trường hợp sau đây: khi các bên đạt được kết quả hòa giải thành; khi hòa giải viên thương mại xét thấy không cần thiết tiếp tục thực hiện hòa giải, sau khi tham khảo ý kiến của các bên; theo đề nghị của một hoặc các bên tranh chấp. 

TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI

Để Hội đồng Trọng tài có thẩm quyết giải quyết tranh chấp về thương mại điện tử, thỏa thuận trọng tài của các bên phải có hiệu lực, đáp ứng điều kiện và hình thức về Thỏa thuận trọng tài theo quy định tại Luật trọng tài Thương mại 2010.  Tương tự với cách quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại, Điều 2 về Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Trọng tài có quy định như sau:
“Điều 2. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Trọng tài 
1. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại
2. Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại 
3. Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.” 

Đối với điều kiện giải quyết bằng trọng tài được quy định tại Điều 5, Luật trọng tài thương mại 2010:
“Điều 5. Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài 
1. Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
2. Trường hợp một bên tham gia thoả thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thoả thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
3. Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.”

Ngoài ra, tại điều 16 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định về hình thức thỏa thuận trọng tài.

Trên thực tiễn, yếu tố nước ngoài là hiện tượng phổ biến trong thương mại điện tử, việc giải quyết thông qua trọng tài đáp ứng được nhu cầu về giải quyết tranh chấp thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài. Giải quyết bằng trọng tài không bị giới hạn về mặt lãnh thổ và được thiết lập dựa trên sự tự nguyện thỏa thuận của các bên mà không phụ thuộc vào quyền lực Nhà nước. Các bên có quyền lựa chọn bất kỳ trung tâm trọng tài nào để giải quyết tranh chấp. Phán quyết của trọng tài có đặc điểm giống như bản án của tòa án đó chính là mang tính chung thẩm và bắt buộc các bên phải thi hành. Nếu đem thi hành trong lãnh thổ Việt Nam, phán quyết trọng tài có thể được đưa thẳng tới cơ quan thi hành án (Cục thi hành án dân sự) để được cưỡng chế thi hành. Phán quyết trọng tài cũng được cho công nhận và thi hành tại hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên Công ước New York về công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài. Ngoài ra, giải quyết bằng phương thức trọng tài phải có thỏa thuận hợp lệ của các bên nên việc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp thường sẽ gặp nhiều thuận lợi.

Collaborative technology enters the modern courtroom - Arthur Holm

TÒA ÁN

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp về thương mại điện tử thông qua Tòa án trong phạm vi lãnh thổ. Nếu các bên không có thỏa thuận về việc trọng tài là cơ quan giải quyết tranh chấp thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp được xác định theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. 
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã liệt kê các tranh chấp về kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam tại điều 30 như sau:
“Điều 30. Những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án 
1. Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận. 
2. Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận. 
3. Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty. 
4. Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty. 
5. Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.” 

Từ quy định trên, ta có thể giới hạn những tranh chấp phổ biến trong thương mại điện tử thuộc thẩm quyền giải quyết tranh chấp của tòa án bao gồm: tranh chấp về hợp đồng thương mại điện tử, tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, tranh chấp về bảo mật dữ liệu cá nhân...  Bên cạnh đó, BLTTDS 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án nhân dân các cấp tại Điều 35 “Thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp huyện”, Điều 36 “Thẩm quyền của các Tòa án chuyên trách Tòa án nhân dân cấp huyện”, Điều 37 “Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh”, Điều 38 “Thẩm quyền của các Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp tỉnh”;  Điều 39 quy định về “Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ”; Điều 40 về “Thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn”.

Việc có các quy định cụ thể để xác định thẩm quyền trong không gian mạng là rất khó khăn vì vậy để xác định quyền tài phán của mình, các quốc gia thường đưa ra các bài thử nghiệm để kiểm tra mối liên hệ giữa vụ việc, giữa các đương sự với quốc gia mình.  Việt Nam với đặc trưng của một quốc gia theo hệ thống pháp luật “Civil law” đã đưa ra một số các quy định về thẩm quyền của tòa án đối với các vụ việc kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án trong tố tụng dân sự ở Việt Nam được xác định thẩm quyền theo vụ việc, thẩm quyền theo cấp Tòa Án, thẩm quyền theo lãnh thổ và theo sự lựa chọn của nguyên đơn. 

Các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng có những quy định cụ thể về thẩm quyền giải quyết các vụ việc kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài của quốc gia thành viên. Đối với các vụ việc thương mại có yếu tố nước ngoài, mỗi quốc gia đều có những quy định riêng nhằm xác định thẩm quyền của Tòa án quốc gia. Theo cách tiếp cận của Việt Nam, để xác định thẩm quyền của Tòa án trong Tư pháp Quốc tế về vụ việc kinh doanh thương mại hay thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài, các nguyên tắc xác định thẩm quyền sẽ được đặt trong tổng thể các dấu hiệu. Theo đó, Tòa án phải giải quyết hai vấn đề: vụ việc đó có thuộc thẩm quyền của Tòa án quốc gia mình hay thuộc thẩm quyền của Tòa án quốc gia khác và nếu vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án quốc gia mình thì cụ thể Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết. 

0 bình luận, đánh giá về Phương pháp giải quyết tranh chấp về thương mại điện tử tại Việt Nam

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.41147 sec| 971.125 kb