Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng tín dụng

23/02/2023
Quyền và nghĩa vụ pháp lí của các bên tham gia hợp đồng tín dụng là tất cả những hành vi pháp lí được các bên tạo lập ra, việc tạo lập ra các quyền và nghĩa vụ pháp lí vừa là mục đích của các bên khi giao kết hợp đồng, vừa là hậu quả pháp lí tất yếu của việc giao kết hợp đồng tín dụng một khi hợp đồng đó đã có hiệu lực pháp lí. về lí thuyết, quyền và nghĩa vụ của các bên sẽ phát sinh kể từ thời điểm hợp đồng tín dụng bắt đầu có hiệu lực, chứng được các bên thực hiện dần dần trong quá trình sử dụng tiền vay cho đến khi khoản tiền vay đã được hoàn trả đầy đủ cả gốc và lãi (kể cả tiền phạt và tiền bồi thường thiệt hại, nếu có). Trong pháp luật thực định, do mỗi bên tham gia hợp đồng tín dụng có tư cách pháp lí khác nhau nên các chủ thể này sẽ có những quyền và nghĩa vụ khác nhau. Các quyền và nghĩa vụ này hoặc phát sinh từ nội dung thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, hoặc phát sinh từ các điều khoản đã được dữ liệu sẵn của nhà lập pháp nhưng suy cho cùng chúng đều có giá trị pháp lí ràng buộc đối với các bên giao kết hợp đồng tín dụng.

1- Quyền và nghĩa vụ của bên cho vay

Với tư cách là bên cấp tín dụng, đồng thời là chủ nợ trong quan hệ tín dụng, bên cho vay có những quyền và nghĩa vụ pháp lí cơ bản sau đây:

- Nghĩa vụ chuyển giao tiền vay đầy đủ, đúng thời hạn và địa điểm cho khách, hàng vay sử dụng (nghĩa vụ giải ngân). Nghĩa vụ này phát sinh do việc bên cho vay đã cam kết cho khách hàng vay được sử dụng số tiền của mình trong thời hạn nhất định với điều kiện có hoàn trả. Mặt khác, cơ sở khoa học, để quy định nghĩa vụ này cho bên cho vay chính là ở chỗ, thực tế người vay chỉ có thể thực hiện được quyền sử dụng vốn vay và cũng chỉ có nghĩa vụ hoàn trả tiền vay khi nào có bằng cớ chứng minh rằng họ đã nhận được tiền vay do bên cho vay chuyển giao đúng thời hạn đã thỏa thuận. Tuy vậy, nếu bên cho vay vi phạm nghĩa vụ này (nghĩa vụ giải ngân) như giải ngân chậm hoặc không chịu giải ngân theo thoả thuận trong hợp đồng tín dụng thì vấn đề trách nhiệm pháp lí của họ là như thế nào? Với hiện trạng pháp luật hiện hành ở Việt Nam, trong trường hợp đó bên cho vay bị coi là đã vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, vì thế có trách nhiệm phải bồi thường các thiệt hại vật chất đã xảy ra cho bên vay. Ngoài ra, bên cho vay còn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình như đã cam kết, trừ trường hợp cả hai bên cùng thỏa thuận chấm dứt hợp đồng tín dụng trước thời hạn.

- Nghĩa vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng tiền vay và trả nợ của khách hàng. Trước khi Luật các tổ chức tín dụng được sửa đổi năm 2004, việc kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn chỉ được xem là một quyền của tổ chức tín dụng và khả năng pháp lí này đối với bên cho vay hoàn toàn phát sinh trên cơ sở các bên thỏa thuận chứ không phải do pháp luật quy định trước. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu đề cao trách nhiệm pháp lí của bên cho vay trong quá trình cung cấp tín dụng, khoản 3 Điều 53 Luật các tổ chức tín dụng (được sửa đổi năm 2004) và sau này là Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này đã quy định việc kiểm tra, giám sát quá trình cho vay, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng là nghĩa vụ pháp lí của tổ chức tín dụng chứ không còn là quyền năng pháp lí nữa. Với quy định này, bên cho vay có trách nhiệm phải kiểm tra quá trình sử dụng vốn và hoàn trả vốn vay của khách hàng nhằm nâng cao chất lượng quản trị các khoản tín dụng. Mặt khác, khách hàng vay cũng buộc phải chấp nhận sự kiểm tra, giám sát này từ phía bên cho vay nhằm tạo điều kiện để bên cho vay tiến hành các biện pháp quản trị tín dụng hiệu quả.

- Quyền yêu cầu bên vay hoàn trả tiền vay đúng thoả thuận, kể cả tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại (nếu có). Quyền năng này mặc dù cũng phát sinh trên cơ sở các thoả thuận trong hợp đồng tín dụng nhưng thông thường sẽ được pháp luật bảo đảm thực hiện bằng nhiều phương cách, vì khi thực hiện quyền này, tổ chức tín dụng (bên cho vay) có tư cách là chủ nợ có vị trí đặc biệt quan trọng. Với tư cách là chủ nợ, bên cho vay sẽ thực hiện quyền yêu cầu đối với bên vay (người mắc nợ) bằng các giải pháp mà pháp luật cho phép như khiếu nại đòi tiền; chủ động phát mại tài sản bảo đảm tiền vay; thương lượng hòa giải hoặc khởi kiện bên vay trước một cơ quan tài phán có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết...

2- Quyền và nghĩa vụ của bên vay

Với tư cách là người hưởng tín dụng, đồng thời là con nợ trong quan hệ tín dụng, bên vay có những quyền và nghĩa vụ cơ bản sau đây:

- Quyền từ chối các yêu cầu không hợp lí của tổ chức tín dụng khi kí kết, thực hiện và thanh lí hợp đồng tín dụng. Quyền năng này được pháp luật quy định nhằm tạo cho khách hàng vay khả năng chống lại các yêu cầu rõ ràng là không hợp lí của tổ chức tín dụng, có thể gây ra những bất lợi cho họ nếu buộc phải thỏa mãn các yêu cầu này. Ví dụ, khách hàng vay có  
quyền từ chối cung cấp các thông tin về hoạt động kinh doanh của mình nhưng rõ ràng là không liên quan gì đến việc sử dụng vốn và hoàn trả vốn vay cho tổ chức tín dụng...

- Quyền khiếu nại, khởi kiện việc từ chối cho vay không có căn cứ hoặc các vi phạm hợp đồng tín dụng của tổ chức tín dụng. Đây là quyền năng pháp định, với mục tiêu nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp cho khách hàng vay trước những hành vi không có căn cứ hợp pháp của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, nếu pháp luật cho phép khách hàng vay được quyền đệ đơn khiếu nại đối với tổ chức tín dụng nhận hồ sơ vay vốn, chỉ vì lí do họ đã từ chối cho vay không có căn cứ thì rõ ràng không hợp lí, bởi lẽ như vậy nghĩa là pháp luật đã tước đi quyền năng cơ bản nhất của người kinh doanh đó là quyền tự do kinh doanh, trong đó có quyền tự định đoạt việc cho vay hay không đối với khách hàng. Với quy định này, nếu tổ chức tín dụng muốn từ chối cho vay đối với một khách hàng thì họ bắt buộc phải đưa ra các căn cứ hay lí do chính đáng để từ chối. Quyền yêu cầu bên cho vay thực hiện nghĩa vụ giải ngân đúng thoả thuận trong hợp đồng tín dụng. Quyền năng này của bên vay cũng chính là nghĩa vụ của bên cho vay, đều phát sinh trên cơ sở các điều khoản của hợp đồng tín dụng. Do có quyền này mà bên vay được yêu cầu bên cho vay trả tiền bồi thường thiệt hại đã xảy ra cho mình, trong trường hợp bên cho vay không thực hiện đúng nghĩa vụ giải ngân theo thoả thuận mà gây thiệt hại.

- Nghĩa vụ sử dụng tiền vay hiệu quả và đúng mục đích đã thoả thuận trong hợp đồng tín dụng. Nghĩa vụ này phát sinh do điều khoản về mục đích sử dụng vốn vay đã được ghi trong hợp đồng tín dụng, nhằm đặt người vay vào tình trạng bị kiểm tra, giám sát thường xuyên bởi người cho vay. Tuy nhiên, nghĩa vụ này sẽ không cản trở người vay áp dụng các biện pháp nhằm đem lại tính hiệu quả cho phương án sử dụng vốn của mình như được quyền lựa chọn mô hình công nghệ thích hợp nhất để đầu tư, lựa chọn loại vật tư, nguyên liệu trong nước hay nhập khẩu để mua sắm bằng nguồn vốn tín dụng được cấp... Ngoài ra, hậu quả pháp lí của việc bên vay không thực hiện đúng nghĩa vụ này là họ sẽ bị bên cho vay đình chỉ việc sử dụng vốn hoặc bị thu hồi vốn vay trước thời hạn, sau khi đã được bên cho vay nhắc nhở bằng văn bản.

- Nghĩa vụ hoàn trả tiền vay cả gốc và lãi, trả tiền phạt vi phạm hợp đồng tín dụng và tiền bồi thường thiệt hại cho bên cho vay (nếu có). Đây là một trong những nghĩa vụ chính yếu của bên vay, phát sinh trên cơ sở hợp đồng tín dụng hoặc phát sinh trên cơ sở phán quyết đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan tài phán có thẩm quyền. Thông thường, nghĩa vụ hoàn trả tiền vay cả gốc và lãi sẽ phát sinh khi hợp đồng tín dụng bắt đầu có hiệu lực và chúng phải được bên vay thực hiện khi thời hạn sử dụng vốn vay đã hết. Còn nghĩa vụ trả tiền phạt vi phạm hợp đồng hay tiền bồi thường thiệt hại thì chỉ phát sinh khi xảy ra sự vi phạm hay sự thiệt hại mà các bên đã thoả thuận trong hợp đồng tín dụng hoặc phát sinh do phán quyết đã có hiệu lực pháp luật của tòa án hay trọng tài. Về nguyên tắc, các nghĩa vụ này của bên vay sẽ chấm dứt khi nào chúng đã được bên vay thực hiện xong trên thực tế.

3- Thực hiện hợp đồng tín dụng và trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng tín dụng

Thực hiện hợp đồng tín dụng và trách nhiệm pháp lí do vi phạm hợp đồng tín dụng tuy là hai vấn đề khác nhau nhưng có liên quan mật thiết với nhau. Việc thực hiện hợp đồng tín dụng không đúng như cam kết (tức vi phạm hợp đồng tín dụng) là căn cứ để truy cứu trách nhiệm pháp lí đối với bên vi phạm. Ngược lại, truy cứu trách nhiệm pháp lí chính là một trong những biện pháp để hỗ trợ cho việc thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng tín dụng.

- Thực hiện hợp đồng tín dụng

Thực hiện hợp đồng tín dụng là việc các bên chủ động thực hiện các quyền, nghĩa vụ đã phát sinh từ hợp đồng tín dụng. 
Trong quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng các bên phải tuân thủ một số nguyên tắc thực hiện hợp đồng do pháp luật quy định như:, nguyên tắc thực hiện đúng các cam kết hợp đồng; thực hiện một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác và có lợi nhất cho các bên, bảo đảm tin cậy lẫn nhau; không xâm phạm lợi ích công cộng và quyền, lợi ích của chủ thể khác.

Thực tế cho thấy việc thực hiện hợp đồng tín dụng có thể xảy ra một trong hai tình trạng sau đây:     

- Nếu các bên thực hiện đúng các cam kết' trong hợp đồng tín dụng thì hợp đồng sẽ chấm dứt hiệu Lực khi tất cả cuộc quyền, nghĩa vụ của các bên đã được thực hiện xong và các bên có trách nhiệm thực hiện việc thanh lí hợp động. 

- Nếu một bên hoặc cả hai bên vi phạm các cam kết trong hợp đồng tín dụng thì về nguyên tắc bên vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lí đối với hành vi vi phạm của mình. Trách nhiệm pháp lí trong trường hợp này sẽ được áp dụng theo thoả thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật.

- Trách nhiệm pháp lí do vi phạm hợp đồng tín dụng
Để truy cứu trách nhiệm pháp lí đối với một chủ thể tham gia hợp đồng, nhất thiết phải căn cứ vào hành vi vi phạm hợp đồng của chủ thể đó.

Xác định hành vi vi phạm của chủ thể tham gia hợp đồng tín dụng như thế nào?

Vi phạm hợp đồng tín dụng là hành vi của một bên hoặc cả hai bên tham gia hợp đồng, cố ý hoặc vô ý làm trái các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng tín dụng.
Về phương diện lí thuyết, hành vi được coi là vi phạm hợp đồng tín dụng khi hành vi đó thỏa mãn các điều kiện sau đây:
- Người thực hiện hành vi phải là các bên tham gia hợp đồng tín dụng (bao gồm bên vay và bên cho vay).
- Trái với các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng tín dụng.


Để chứng minh một hành vi rõ ràng là trái với cam kết trong hợp đồng tín dụng, bên có quyền lợi bị xâm hại bởi hành vi đó phải dẫn chứng về sự tồn tại một cam kết của người thực hiện hành vi, đồng thời phải chứng minh rằng người đó đã thực hiện hành vi trái với những cam kết của chính họ trong hợp đồng tín dụng. Trong thực tiễn giao dịch tín dụng, hành vi làm trái với cam kết trong hợp đồng tín dụng thường là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã cam kết (chẳng hạn, bên cho vay không thực hiện việc chuyển giao tiền vay cho bên vay sử dụng; bên vay không hoàn trả tiền vay đúng hạn cho bên cho vay hoặc sử dụng vốn vay sai mục đích đã cam kết trong hợp đồng tín dụng...).

- Bên thực hiện hành vi có lỗi xác định là cố ý hoặc vô ý. Đối với hợp đồng tín dụng, do nghĩa vụ của các bên là hết sức rõ ràng, cụ thể, xác định và bao giờ cũng được ghi rõ trong văn bản hợp đồng nên bên có quyền lợi bị xâm hại chỉ cần chứng minh rằng bên đối tác đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ như cam kết cũng đủ để dẫn chứng về lỗi của người đó. Ngược lại, bên thực hiện hành vi trái với cam kết trong hợp đồng tín dụng phải chứng minh rằng mình không có lỗi, bằng cách dẫn chứng về các sự kiện khách quan đã cản trở mình thực hiện nghĩa vụ hợp đồng tín dụng (chẳng hạn, người vay rơi vào tình trạng bất khả kháng nên không thể thực hiện được nghĩa vụ trả nợ tiền vay như đã cam kết...) hoặc dẫn chứng về lỗi tuyệt đối của bên bị vi phạm khiến cho mình không thể thực hiện được nghĩa vụ hợp đồng tín dụng.

- Hành vi đó nhằm xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên đối ước hoặc xâm hại tới các lợi ích khác như lợi ích chung của toàn xã hội, lợi ích của các tổ chức và cá nhân khác.

Bên vi phạm hợp đồng tín dụng phải chịu trách nhiệm pháp lí như thế nào?

Về nguyên tắc, mọi hành vi vi phạm hợp đồng tín dụng đều phải chịu trách nhiệm pháp lí, dù rằng mức độ, tính chất và loại trách nhiệm pháp lí có thể là khác nhau, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra bởi hành vi đó. Có hai loại trách nhiệm pháp lí phát sinh do việc vi phạm hợp đồng tín dụng, tuỳ thuộc vào mức độ hậu quả thực tế xảy ra:

- Trách nhiệm nộp phạt vi phạm hợp đồng tín dụng: Loại trách nhiệm này được áp dụng theo thoả thuận của các bên trong hợp đồng tín dụng hoặc nếu không có thoả thuận thì áp dụng theo quy định của pháp luật. Đây là loại trách nhiệm pháp lí có đặc tính như một chế tài xử phạt vi phạm nhằm nâng cao tính kỷ luật hợp đồng nên có thể áp dụng đối với bên vi phạm hợp đồng tín dụng mà không cần phải chứng minh hậu quả thiệt hại vật chất xảy ra cho bên bị vi phạm.

- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng tín dụng: Loại trách nhiệm này chỉ áp dụng, đối với bên vi phạm khi bên bị vi phạm chứng minh được rằng bên vi phạm đã gây ra thiệt hại vật chất thực tế và xác định cho mình, do hành vi có lỗi của họ trong khi thực hiện hợp đồng tín dụng, về nguyên tắc, số tiền bồi thường thiệt hại có thể được xác định bởi ý chí của các bên tham gia hợp đồng (thông qua con đường thương lượng, hòa giải) hoặc bởi một phán quyết đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan tài phán có thẩm quyền (thông qua con đường tài phán).

 

0 bình luận, đánh giá về Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng tín dụng

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.18277 sec| 1000.242 kb