Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ bảo lãnh ngân hàng

23/02/2023
Do tổ chức tín dụng phải giao kết cả hai loại hợp đồng với hai chủ thể khác nhau nên chủ thể này sẽ có hai tư cách pháp lí khác nhau trong hai quan hệ pháp luật độc lập, với cơ cấu quyền và nghĩa vụ pháp lí khác nhau. Trong quan hệ hợp đồng dịch vụ bảo lãnh (hợp đồng cấp bảo lãnh) với khách hàng sử dụng dịch vụ bảo lãnh, do tổ chức tín dụng có tư cách là bên cung ứng dịch vụ bảo lãnh nên cơ cấu quyền và nghĩa vụ của chủ thể này gồm các quyền và nghĩa vụ theo thượng tôn pháp luật.

1- Quyền và nghĩa vụ của tổ chức tín dụng bảo lãnh

Khi thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng, do tổ chức tín dụng phải giao kết cả hai loại hợp đồng với hai chủ thể khác nhau nên chủ thể này sẽ có hai tư cách pháp lí khác nhau trong hai quan hệ pháp luật độc lập, với cơ cấu quyền và nghĩa vụ pháp lí khác nhau.
Trong quan hệ hợp đồng dịch vụ bảo lãnh (hợp đồng cấp bảo lãnh) với khách hàng sử dụng dịch vụ bảo lãnh, do tổ chức tín dụng có tư cách là bên cung ứng dịch vụ bảo lãnh nên cơ cấu quyền và nghĩa vụ của chủ thể này sẽ bao gồm:

- Quyền yêu cầu khách hàng cung cấp các tài liệu, thông tin về khả năng tài chính và những tài liệu khác liên quan đến nghĩa vụ được bảo lãnh. Cơ sở khoa học của việc quy định quyền năng pháp lí này cho tổ chức tín dụng chính là nhằm bảo đảm an toàn về phương diện quyền lợi cho tổ chức tín dụng, đồng thời cũng nhằm mục đích đảm bảo sự an toàn cho hoạt động kinh doanh ngân hàng trong nền kinh tế và nâng cao ý thức trách nhiệm hợp đồng cho bên khách hàng đề nghị bảo lãnh.

- Quyền yêu cầu khách hàng đề nghị bảo lãnh phải có sự bảo đảm bằng tài sản cho nghĩa vụ hoàn trả lại của họ đối với mình. Việc quy định quyền năng này cũng không ngoài mục đích chính yếu là bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho tổ chức tín dụng thực hiện bảo lãnh.

- Quyền yêu cầu khách hàng được bảo lãnh thanh toán tiền phí dịch vụ bảo lãnh cho mình theo thoả thuận trong hợp đồng dịch vụ bảo lãnh, sau khi đã phát hành thư bảo lãnh và gửi cho bên nhận bảo lãnh. Sở dĩ pháp luật quy định quyền năng này cho tổ chức tín dụng là vì, theo thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ bảo lãnh thì tổ chức tín dụng phải phát hành thư bảo lãnh để gửi cho bên nhận bảo lãnh vì quyền lợi của khách hàng được bảo lãnh, do đó, tổ chức tín dụng (với tư cách là người đã thực hiện công việc dịch vụ) đương nhiên có quyền đòi hỏi bên hưởng dịch vụ phải thanh toán cho mình số tiền công dịch vụ là phí bảo lãnh.

- Quyền kiểm soát việc thực hiện nghĩa vụ của người được bảo lãnh. Sở dĩ pháp luật quy định quyền năng này cho tổ chức tín dụng thực hiện bảo lãnh là bởi vì khi cam kết bảo lãnh cho nghĩa vụ tài sản của khách hàng đối với bên có quyền, tổ chức tín dụng bảo lãnh đã phải đem cả uy tín và tài sản của mình để phục vụ quyền lợi của khách hàng được bảo lãnh nên theo lẽ công bằng họ có quyền được pháp luật bảo hộ như đối với chủ nợ. Việc trao quyền kiểm soát đối với khách hàng cho tổ chức tín dụng bảo lãnh chính là trao phương tiện pháp lí để tổ chức tín dụng tự bảo vệ lợi ích của chính mình khi tham gia quan hệ hợp đồng dịch vụ bảo lãnh.

- Quyền từ chối bảo lãnh đối với các khách hàng không đủ điều kiện bảo lãnh. Quyền năng này được quy định nhằm đảm bảo nguyên tắc quyền tự do kinh doanh của tổ chức tín dụng đồng thời đề cao tính tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong hoạt động kinh doanh trên thương trường.

- Nghĩa vụ phát hành thư bảo lãnh gửi cho bên nhận bảo lãnh hoặc ký hợp đồng bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh vì quyền lợi của khách hàng được bảo lãnh. Đây là nghĩa vụ cơ bản của tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ bảo lãnh đối với khách hàng sử dụng dịch vụ bảo lãnh. Nghĩa vụ này có mục tiêu hướng tới việc phục vụ quyền lợi của khách hàng được bảo lãnh. Chỉ khi nào tổ chức tín dụng (với tư cách là bên cung cấp dịch vụ bảo lãnh) đã thực hiện xong nghĩa vụ này thì họ mới có quyền được yêu cầu bên hưởng dịch vụ bảo lãnh thanh toán số tiền công là phí dịch vụ bảo lãnh.

- Nghĩa vụ thực hiện các cam kết khác trong hợp đồng dịch vụ bảo lãnh đã ký kết với khách hàng sử dụng dịch vụ bảo lãnh. Nghĩa vụ này tuy không phải là nghĩa vụ chính của bên cung ứng dịch vụ bảo lãnh nhưng cũng có tác dụng đảm bảo quyền lợi cho khách hàng sử dụng dịch vụ bảo lãnh và đề cao tính kỷ luật hợp đồng cho các bên tham gia giao dịch.

Trong quan hệ hợp đồng bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh, do tổ chức tín dụng có tư cách là bên bảo lãnh nên cơ cấu quyền và nghĩa vụ bao gồm:

- Nghĩa vụ thực hiện trả tiền thay cho khách hàng được bảo lãnh đối với người nhận bảo lãnh, khi việc đòi tiền của người nhận bảo lãnh phù hợp với các điều kiện thực hiện nghĩa vụ như đã ghi trong cam kết bảo lãnh. Đây là nghĩa vụ cơ bản của người bảo lãnh đối với người nhận bảo lãnh. Việc quy định nghĩa vụ này cho người bảo lãnh không chỉ nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp của người nhận bảo lãnh mà còn có tác dụng đảm bảo lợi ích của khách hàng được bảo lãnh.

- Quyền từ chối thực hiện nghĩa vụ của người bảo lãnh. Cơ sở khoa học của việc quy định quyền năng này là ở chỗ mặc dù người bảo lãnh đã cam kết sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho người được bảo lãnh nhưng nếu việc đòi tiền của người nhận bảo lãnh là không có cơ sở pháp lí và không phù hợp với các điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh như đã cam kết thì người bảo lãnh có quyền từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

2- Quyền và nghĩa vụ của khách hàng được bảo lãnh

Trong hoạt động bảo lãnh ngân hàng, khách hàng được bảo lãnh chỉ có một tư cách pháp lí là người hưởng dịch vụ bảo lãnh. Tư cách này phát sinh từ hợp đồng dịch vụ bảo lãnh (hợp đồng cấp bảo lãnh) được ký kết giữa họ với tổ chức tín dụng thực hiện dịch vụ bảo lãnh. Còn xét trong mối quan hệ với các chủ thể của hợp đồng bảo lãnh thì khách hàng được bảo lãnh chỉ đóng vai trò là người thứ ba có liên quan. Với tư cách là bên hưởng dịch vụ bảo lãnh, khách hàng được bảo lãnh sẽ có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

- Nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu liên quan đến việc bảo lãnh theo yêu cầu của tổ chức tín dụng thực hiện bảo lãnh. Việc quy định nghĩa vụ này nhằm đảm bảo sự an toàn về quyền lợi cho tổ chức tín dụng khi họ chấp thuận đóng vai trò là người bảo lãnh.

- Nghĩa vụ thực hiện các cam kết khác với tổ chức tín dụng thực hiện bảo lãnh như cam kết về bảo đảm bằng tài sản cho bảo lãnh; cam kết trả phí dịch vụ thanh toán; cam kết hoàn trả cho tổ chức tín dụng số tiền đã được trả thay; cam kết bồi thường thiệt hại...

- Quyền yêu cầu bên cung ứng dịch vụ bảo lãnh là tổ chức tín dụng phải phát hành thư bảo lãnh hoặc kí hợp đồng bảo lãnh với bên có quyền vì quyền lợi của mình và thực hiện nghĩa vụ thay mình với tư cách là người bảo lãnh.

3- Quyền và nghĩa vụ của bên nhận bảo lãnh

Trong mối quan hệ hợp đồng bảo lãnh với tổ chức tín dụng bảo lãnh, người nhận bảo lãnh phải chứng minh họ là chủ nợ của khách hàng được bảo lãnh, do đó họ mới có thể thiết lập được tư cách là chủ nợ đồng thời của tổ chức tín dụng bảo lãnh. Chỉ với tư cách là chủ nợ của khách hàng được bảo lãnh đồng thời cũng là chủ nợ của tổ chức tín dụng bảo lãnh thì bên nhận bảo lãnh mới có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thay cho người được bảo lãnh khi người này không thực hiện đúng nghĩa vụ của họ đối với mình. Khi thực hiện quyền năng này đối với tổ chức tín dụng bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh phải chứng minh rằng việc đòi tiền của mình là hoàn toàn phù hợp với các điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh như đã được ghi nhận trong cam kết bảo lãnh. Đây vốn là nguyên tắc chung đã được thừa nhận từ lâu trong thông lệ và tập quán quốc tế về bảo lãnh ngân hàng.

 

0 bình luận, đánh giá về Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ bảo lãnh ngân hàng

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.81035 sec| 959.688 kb