Tài khoản, dịch vụ thanh toán quốc tế và xử lý vi phạm thanh toán

23/02/2023
Tài khoản là công cụ để ghi chép, phản ánh vốn tiền tệ của chủ tài khoản, tài khoản được sử dụng trong thanh toán gọi là tài khoản thanh toán. Đối với ngân hàng phải là ngân hàng được phép hoạt động ngoại hối và có điều kiện vật chất, đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để quản lí, thực hiện dịch vụ thanh toán quốc tế. Đối với các tổ chức khác không phải là ngân hàng phải được Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện dịch vụ thanh toán quốc tế nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện và phải chú trọng trong hoạt động không được vi phạm pháp luật về thanh toán.

I- Tài khoản

1- Khái niệm tài khoản

Tài khoản là công cụ để ghi chép, phản ánh vốn tiền tệ của chủ tài khoản. Tài khoản được sử dụng trong thanh toán gọi là tài khoản thanh toán. Tài khoản thanh toán là tài khoản tiền gửi không kì hạn của khách hàng mở tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng.Tài khoản thanh toán là tài khoản do người sử dụng dịch vụ thanh toán mở tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán để thực hiện giao dịch thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tuỳ thuộc vào công dụng trong thanh toán, tài khoản được chia làm các loại:
- Tài khoản bên trả tiền là nơi ghi chép số tiền phải trả.
- Tài khoản bên nhận tiền là nơi ghi chép số tiền nhận được.

Tuỳ theo yêu cầu của người nhận tiền, số tiền được trả sẽ đưa vào tài khoản thích hợp của người nhận tiền; Tài khoản trung gian là những tài khoản do các trung gian thanh toán lập ra để ghi nhận tạm thời số tiền chi trả trước khi chuyển đến cho người nhận. Để thực hiện việc thanh toán qua trung gian thanh toán thì ít nhất một bên thanh toán phải có tài khoản tại trung gian thanh toán, về bản chất pháp lí, quan hệ giữa các bên thanh toán trong việc mở và sử dụng tài khoản (chủ tài khoản) với trung gian quản lí tài khoản là quan hệ pháp luật. Việc mở và sử dụng tài khoản phải được thực hiện bằng hợp đồng giữa các bên liên quan, trong đó xác định rõ quyền và trách nhiệm của các bên theo đúng quy định của pháp luật.

2- Tổ chức quản lí tài khoản

Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc mở và quản lí tài khoản được thực hiện như sau:

- Ngân hàng Nhà nước mở tài khoản cho các tổ chức tín dụng trong nước, các tổ chức khác làm dịch vụ thanh toán và các ngân hàng nước ngoài, tổ chức tiền tệ, ngân hàng quốc tế. Ngân hàng Nhà nước mở tài khoản thanh toán cho ngân hàng trung ương các nước, các ngân hàng nước ngoài, tổ chức tiền tệ quốc tế, ngân hàng quốc tế theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia. Trong trường hợp Việt Nam chưa phải là thành viên tham gia, việc mở tài khoản thanh toán theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng trung ương của các nước, mở tài khoản thanh toán và thực hiện giao dịch thanh toán ở nước ngoài theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia.

- Các tổ chức tín dụng là ngân hàng mở tài khoản thanh toán cho các tổ chức tín dụng khác, tổ chức khác và cá nhân. Ngân hàng thương mại mở tài khoản thanh toán cho Kho bạc Nhà nước ở huyện, thị xã không phải là tỉnh lị. Tổ chức tín dụng mở tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng là ngân hàng. Tổ chức tín dụng là ngân hàng được mở tài khoản thanh toán tại Ngân hàng nước ngoài khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện dịch vụ thanh toán quốc tế. Tài khoản thanh toán mở giữa các tổ chức tín dụng chỉ phục vụ cho mục đích thanh toán, không sử dụng cho mục đích khác. Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động ngoại hối được mở tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ. Việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ thực hiện theo quy định của pháp luật về ngoại hối.

- Kho bạc Nhà nước mở tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. ở huyện, thị xã không phải là tỉnh, lỵ, Kho bạc Nhà nước mở tài khoản thanh toán tại Ngân hàng thương mại nhà nước.

- Mở tài khoản thanh toán của các cá nhân và các tổ chức không phải là tổ chức tín dụng, ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài hướng dẫn việc mở tài khoản thanh toán cho khách hàng phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan. Người mở tài khoản là cá nhân phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự, người từ đủ 15 tuổi chưa đến đủ 18 tuổi có tài sản riêng. Đối với người chưa thành niên, khi mở tài khoản thanh toán phải có người giám hộ theo quy định của pháp luật. Tài khoản thanh toán chung là tài khoản có ít nhất 2 chủ thể trở lên cùng đúng tên mở tài khoản. Chủ tài khoản thanh toán chung là tổ chức hoặc cá nhân, mục đích sử dụng tài khoản thanh toán chung, quyền và nghĩa vụ của các chủ tài khoản thanh toán chung và quy định liên quan đến việc sử dụng tài khoản chung phải được xác định rõ bằng văn bản.

Theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, Kho bạc Nhà nước thực hiện việc mở và quản lí tài khoản của các đơn vị dự toán ngân sách. Tuy vậy, về bản chất pháp lí, quan hệ quản lí và sử dụng tài khoản giữa Kho bạc Nhà nước với các đơn vị dự toán ngân sách là quan hệ quản lí nhà nước.

II- Dịch vụ thanh toán quốc tế

1- Điều kiện thực hiện dịch vụ thanh toán quốc tế đổi với ngân hàng và các tổ chức khác không phải là ngân hàng

Đối với ngân hàng phải là ngân hàng được phép hoạt động ngoại hối và có điều kiện vật chất, đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để quản lí, thực hiện dịch vụ thanh toán quốc tế. Đối với các tổ chức khác không phải là ngân hàng phải được Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện dịch vụ thanh toán quốc tế nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
- Được phép hoạt động ngoại hối theo quy định của pháp luật.
- Dịch vụ thanh toán quốc tế là cần thiết và có liên quan chặt chẽ đến hoạt động chính.
- Đáp ứng các điều kiện vật chất phù hợp với dịch vụ thanh toán quốc tế.
- Có đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ để quản lí và thực hiện dịch vụ thanh toán quốc tế.

2- Các phương tiện thanh toán quốc tế

Thanh toán bằng thư tín dụng (L/C) là phương tiện thanh toán chủ yếu trong quan hệ thương mại quốc tế. Việc mở, phát hành, sửa đổi, thông báo, xác nhận, kiểm tra chứng từ thanh toán và quyền nghĩa vụ... của các bên liên quan trong thanh toán thư tín dụng thực hiện theo quy tắc chung về tín dụng chứng từ do Phòng thương mại quốc tế (ICC) ban hành, do các bên tham gia thanh toán thoả thuận áp dụng theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam. Ngoài hình thức thanh toán bằng thư tín dụng, trong thanh toán quốc tế còn sử dụng các hình thức như: thanh toán bằng séc thanh toán quốc tế, bằng lệnh chi hoặc ủy nhiệm chi quốc tế, nhờ thu hoặc uỷ nhiệm thu quốc tế, bằng thẻ quốc tế và các thể thức thanh toán khác. Trình tự, thủ tục thanh toán quốc tế thực hiện theo tập quán, thông lệ quốc tế và thoả thuận của các bên không trái pháp luật Việt Nam.

III- Xử lí vi phạm pháp luật thanh toán

Trong nền kinh tế thị trường, mối quan hệ mua bán, thanh toán giữa các đơn vị kinh tế ngày càng phức tạp và phong phú. Quá trình sản xuất ở trong từng đơn vị vừa mang tính cá thể lại vừa mang tính xã hội. Do đó, để một khâu thanh toán nào đó bị tắc sẽ ảnh hưởng không phải đối với một doanh nghiệp mà nó còn mang tính phản ứng dây chuyền đến nhiều đơn vị kinh tế khác.
Việc thanh toán qua trung gian thanh toán liên quan tới việc chấp nhận rủi ro trong thanh toán như chứng từ giả, không có hoặc không đủ số dư trên tài khoản để thực hiện việc thanh toán. Do vậy, có thể phát sinh tranh chấp trong quan hệ thanh toán giữa các chủ thể. 
Theo quy định của pháp luật, khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện thanh toán nếu phát hiện có vi phạm thì xử lí như sau:

Nếu chủ tài khoản lập chứng từ thanh toán không đúng quy định thì tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không thực hiện việc thanh toán, chuyển chứng từ đó cho người lập chứng từ lập lại; nếu phát hiện chứng từ thanh toán là chứng từ giả thì phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời và yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật can thiệp để xử lí. Trong trường hợp chủ tài khoản không đủ tiền trên tài khoản tiền gửi để thanh toán hoặc tiền vay để thanh toán thì xử lí như sau:
- Phạt việc sử dụng, phát hành chứng từ thanh toán quá số dư;
- Chuyển nợ quá hạn và phạt chậm trả;
- Nếu tái phạm thanh toán quá số dư, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện phải đình chỉ không cho phép sử dụng các hình thức thanh toán có thể dẫn đến tái phạm mà chỉ cho phép áp dụng các hình thức thanh toán có sự kiểm soát về khả năng trả tiền của người có nghĩa vụ chi trả khi trả tiền.

Ngoài các biện pháp xử lí trên, chủ tài khoản còn có thể bị truy cứu trách nhiệm pháp lí dưới các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nếu vi phạm các quy định của pháp luật về dịch vụ thanh toán gây thiệt hại cho khách hàng phải chịu trách nhiệm vật chất. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán vi phạm có thể bị Ngân hàng Nhà nước đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép hoạt động thanh toán. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về dịch vụ thanh toán tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lí kỉ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người sử dụng dịch vụ thanh toán vi phạm có thể bị Ngân hàng Nhà nước, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đình chỉ tạm thời hoặc vĩnh viễn quyền sử dụng dịch vụ thanh toán theo quy định của pháp luật.

0 bình luận, đánh giá về Tài khoản, dịch vụ thanh toán quốc tế và xử lý vi phạm thanh toán

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.48928 sec| 971.813 kb