Thanh toán hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

01/03/2023
Trong thương mại quốc tế, do người mua và người bán ở những nước khác nhau, nên vấn đề quan trọng đặt ra là làm thế nào để thực hiện hoạt động thanh toán. Thông thường, sau khi gửi hàng hóa đi, người bán sẽ ký phát một hối phiếu ghi giá trị hàng được gửi, kèm theo vận đơn và các chứng từ cụ thể khác, trình hối phiếu cho ngân hàng - thường là ở nước người bán cư trú, để thanh toán hoặc chuyển nhượng. Người mua, thông qua ngân hàng ở nước người mua, sẽ trả tiền khi họ nhận được các chứng từ theo yêu cầu. Có hai loại thủ tục thanh toán trong thương mại quốc tế: Thứ nhất, hối phiếu kèm chứng từ và tín dụng chứng từ, có chức năng chủ yếu là đảm bảo an toàn thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ khi chứng từ được xuất trình; và thứ hai, tín dụng dự phòng, thư bảo đảm và bảo lãnh với chức năng chủ yếu là đảm bảo sự an toàn trước trường hợp mất khả năng thanh toán hợp đồng cơ sở.

I- HỐI PHIẾU KÈM CHỨNG TỪ

Trong hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, thuật ngữ ‘hối phiếu kèm chứng từ’ có nghĩa là một loại hối phiếu đi kèm chứng từ vận tải và sẽ được chấp nhận hoặc thanh toán khi chuyển giao chứng từ, ngược lại với một dạng hối phiếu là hối phiếu ‘trơn’.[133] Theo một khái niệm tương tự, ‘hối phiếu kèm chứng từ’ là loại hối phiếu có đính kèm vận đơn (hay chứng từ sở hữu).[134]

Do đó, hối phiếu kèm chứng từ có thể được cấu trúc một bộ gồm: (A) Hối phiếu; và (B) Chứng từ vận tải - một chứng từ sở hữu, mà hình thức thông dụng nhất trong mua bán hàng hóa quốc tế chính là vận đơn. Để hiểu hối phiếu kèm chứng từ là gì, cần giải thích khái niệm về hối phiếu và chứng từ vận tải với chức năng là chứng từ sở hữu. Phần tiếp theo bắt đầu với khái niệm và chức năng của hối phiếu, sau đó đưa ra giới thiệu ngắn gọn về chức năng của chứng từ sở hữu, và cuối cùng sẽ phân tích hoạt động của hối phiếu kèm chứng từ.

1- Hối phiếu

Trên bình diện quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về hối phiếu và trái phiếu quốc tế đã được thông qua vào năm 1988 với mục đích, như nhiều công ước quốc tế khác, hướng tới sự hài hòa hóa các quy định liên quan đến hối phiếu. Công ước này trước tiên hướng tới hối phiếu quốc tế với định nghĩa tại khoản 1 Điều 2.

Theo luật Anh, mục 3(1) Đạo luật hối phiếu năm 1882 định nghĩa hối phiếu là ‘Một văn bản yêu cầu vô điều kiện do một người ký phát cho một người khác, đòi hỏi người này, theo yêu cầu, tại một thời điểm ấn định hay có thể ấn định trong tương lai, phải thanh toán một khoản tiền nhất định cho người cầm hối phiếu hay một người cụ thể hoặc theo yêu cầu của người này.’

Hối phiếu (hay còn gọi là ‘draft’), cùng với những phương tiện thanh toán khác (ví dụ, séc), thuộc về nhóm chứng từ gọi là giấy tờ có giá. Một giấy tờ có giá, chứng minh nghĩa vụ trả tiền của người này cho người khác, có hai đặc điểm nổi bật. Thứ nhất, nó có thể được chuyển nhượng và với sự chuyển nhượng, các quyền đi kèm cũng được chuyển nhượng, theo đó người được chuyển nhượng có thể nhân danh chính mình sử dụng giấy tờ có giá và dĩ nhiên không cần báo trước cho người mang nghĩa vụ về sự chuyển nhượng. Thứ hai, khi người được chuyển nhượng có thiện chí, họ sẽ nhận hối phiếu mà không đưa ra yêu sách đối với người chuyển nhượng. Hối phiếu là hợp đồng độc lập và không bị tác động do những vi phạm hợp đồng cơ sở mà dựa vào đó đã tạo ra hối phiếu. Do những đặc trưng nêu trên, hối phiếu được coi như tiền mặt.[135]

Trong trường hợp hối phiếu được chuyển nhượng có quyền truy đòi, người chuyển nhượng hối phiếu có thể phải chịu trách nhiệm trước người giữ

hối phiếu tiếp theo, nếu người có trách nhiệm thanh toán hối phiếu không thực hiện nghĩa vụ thanh toán, trong trường hợp người giữ hối phiếu tiếp theo đã thông báo về việc không thực hiện đó. Trong trường hợp hối phiếu được chuyển nhượng không có quyền truy đòi, người chuyển nhượng không chịu trách nhiệm, và vì vậy, người giữ hối phiếu tiếp theo phải chịu thiệt hại. Vấn đề khác là hối phiếu có thể là hối phiếu trả ngay hoặc hối phiếu kỳ hạn. Hối phiếu trả ngay phải được thanh toán ngay khi xuất trình. Hối phiếu kỳ hạn phải được thanh toán dựa vào việc xuất trình hối phiếu, khi hối phiếu đến kì thanh toán (ví dụ, 90 ngày) sau khi kí. Hối phiếu kỳ hạn có thể được bán lấy tiền mặt, tuy nhiên, chắc chắn rằng giá trị của chúng (hối suất trả ngay) có thể thấp hơn mệnh giá của hối phiếu (do tiền hoa hồng hoặc tiền lãi).

2- Chức năng của chứng từ vận tải

Sau khi giao hàng, người bán sẽ nhận được chứng từ vận tải, thông thường bao gồm vận đơn hoặc các chứng từ sở hữu khác. Một chứng từ sở hữu sẽ có giá trị chuyển quyền chiếm hữu hợp pháp đối với hàng hóa. Ví dụ, theo tập quán của các thương nhân, vận đơn được thừa nhận như một chứng từ sở hữu. Chỉ người giữ chứng từ sở hữu mới có thể nhận hàng hóa vận tải ở nơi đến. Vì vậy, vận đơn có thể được chuyển nhượng để người giữ vận đơn bán lại hàng hóa hoặc dùng hàng hóa thế chấp với ngân hàng nhằm mục đích tăng tiền bảo đảm. Tóm lại, chứng từ vận tải trao cho người mua quyền nhận hàng hóa tại cảng đến.

3- Hoạt động của hối phiếu kèm chứng từ

Các bên của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể thỏa thuận thực hiện thanh toán qua hối phiếu kèm chứng từ. Người bán sẽ gửi một hối phiếu kèm chứng từ cho người mua để bảo đảm rằng người mua không nhận vận đơn, chứng từ cho phép người mua có quyền chuyển nhượng hàng hóa mà không chấp nhận hay thanh toán hối phiếu như thỏa thuận trước đó giữa các bên. Nếu người mua không chấp nhận hoặc không thanh toán hối phiếu (phụ thuộc vào việc hối phiếu trả ngay hay hối phiếu kỳ hạn), thì người mua chắc chắn sẽ hoàn trả hối phiếu cho người bán, và nếu người mua chiếm giữ vận đơn bất hợp pháp, thì quyền sở hữu hàng hóa sẽ không chuyển sang cho người mua.

Thuận lợi của người bán là khi hối phiếu được người mua chấp nhận, người bán có thể nhận được tiền trước khi đến kỳ hạn của hối phiếu, bằng việc bán cho một ngân hàng với giá thấp hơn. Đối với người mua, người mua được hoãn việc thanh toán cho đến khi hối phiếu hết kỳ hạn. Tuy nhiên, với hối phiếu kèm chứng từ, khó khăn chính đối với người bán là người mua có thể không thực hiện nghĩa vụ thanh toán hối phiếu. Trong trường hợp đó, bên được người bán giảm giá hối phiếu có thể truy đòi người bán.

Trong trường hợp người mua không thực hiện nghĩa vụ thanh toán, có thể phát sinh vấn đề là người mua có thể tiến hành bán hàng hóa mà người mua có vận đơn - một chứng từ sở hữu. Đây là hành vi bất hợp pháp hay còn gọi là hành vi gian lận của người mua khi quyền sở hữu hàng hóa chưa thực sự chuyển giao cho người mua, bởi vì họ chưa chấp nhận hay thanh toán hối phiếu. Để tránh rủi ro do sự gian lận của người mua mà không thực hiện nghĩa vụ thanh toán hối phiếu, người bán sẽ nghĩ đến việc nhờ thu qua ngân hàng. Ngân hàng của người bán (ngân hàng nhờ thu) có thể gửi đi hối phiếu và chứng từ vận tải cho ngân hàng đại lí của mình (ngân hàng thu hộ) tại nước người mua với mệnh lệnh không tách rời các chứng từ, trừ khi người mua chấp nhận hoặc thanh toán hối phiếu. Ngân hàng thu hộ sẽ xuất trình bộ chứng từ cho người mua, yêu cầu họ chấp nhận hoặc thanh toán hối phiếu. Mối quan hệ giữa người bán và ngân hàng trả tiền, người trả tiền và ngân hàng nhờ thu thường được điều chỉnh bởi Bộ quy tắc nhờ thu của ICC (bản mới nhất là URC 522 xuất bản năm 1995)[138], thường được biết dưới tên gọi Bộ quy tắc thống nhất về nhờ thu hoặc URC. Thực tế, trong trường hợp này, đã có sự kết hợp của hai phương thức thanh toán trong thương mại quốc tế, đó là hối phiếu kèm chứng từ và nhờ thu; nói cách khác, đó là phương thức nhờ thu với sự hỗ trợ của chứng từ (nhờ thu kèm chứng từ).

4- Nhờ thu kèm chứng từ

Các quy tắc trên đưa ra thủ tục mà các bên liên quan phải tuân thủ, bao gồm nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của ngân hàng và khách hàng liên quan đến giao dịch nhờ thu. Với nỗ lực vượt qua những trở ngại (do sự khác biệt trong thủ tục và cách viết) ở các nước khác nhau, các thông lệ tiêu chuẩn mà các ngân hàng có thể áp dụng đã được đưa ra.

Người bán có thể thay đổi bất kỳ thủ tục chuẩn nào cho phù hợp với đòi hỏi của chính họ, bằng cách gửi các mệnh lệnh cụ thể bằng văn bản đến ngân hàng của họ, đối với hối phiếu cá nhân và tùy thuộc vào thỏa thuận của ngân hàng. Các quy tắc trong URC thừa nhận những quy tắc địa phương là các quy tắc ràng buộc tất cả các bên ‘...[n]ếu không trái với các quy định hoặc luật lệ không thể tách rời của một nước, một bang hay một địa phương’.

Ví dụ, ở một vài nước, việc thanh toán được thực hiện bằng nội tệ mà không chú ý đến tiền tệ dưới dạng hối phiếu và sau đó thành lập các quỹ công trái, ủy thác, rủi ro hối đoái của người bán cho tới khi có thể có được dự trữ ngoại tệ.

a, Các bên trong phương thức nhờ thu kèm chứng từ

Khi việc thanh toán được thực hiện bằng phương thức nhờ thu kèm chứng từ, các bên tham gia giao dịch bao gồm:

- Người ủy thác  (thường là   người ký phát hối phiếu)

- Người   bán chuẩn bị các chứng từ nhờ thu và giao chúng cho ngân hàng của người bán với mệnh lệnh nhờ thu.

- Ngân hàng nhờ thu - thường là ngân hàng của người bán, sẽ chuyển các chứng từ cùng với mệnh lệnh của người bán tới ngân hàng thu hộ.

- Ngân hàng thu hộ - là bất kỳ ngân hàng nào (khác với ngân hàng nhờ thu) liên quan đến quá trình nhờ thu, và thông thường là đại lý của ngân hàng nhờ thu tại nước của người mua.

-  Ngân hàng xuất trình, thông thường là ngân hàng của người mua, trình ra cho người chịu trách nhiệm thanh toán hối phiếu (người mua) các chứng từ nhờ thu và tiếp nhận việc thanh toán hoặc đạt được sự chấp thuận thanh toán từ người này. Ngân hàng thu hộ hay ngân hàng xuất trình thường là một ngân hàng.

- Người chịu trách nhiệm thanh toán - người mua sẽ thanh toán hoặc chấp nhận thanh toán cho người xuất trình chứng từ.

Ngân hàng thường yêu cầu người bán phải điền đầy đủ vào một mẫu mệnh lệnh cho mỗi hối phiếu kèm chứng từ được ủy thác nhờ thu hoặc được thu mua. Các mệnh lệnh phải chính xác và đầy đủ, vì mệnh lệnh sẽ được chuyển cho ngân hàng thu hộ ở nước ngoài để thực hiện việc nhờ thu đáp ứng yêu cầu của người bán.

b, Phương pháp hối phiếu nhờ thu

Ngay khi hàng hóa được vận chuyển, người bán ký phát một hối phiếu trả ngay hoặc hối phiếu kỳ hạn cho người mua ở nước ngoài, kèm theo các chứng từ vận tải (thường là bản sao) và chuyển các chứng từ đó cho ngân hàng của mình (ngân hàng nhờ thu) cùng với những mệnh lệnh mà theo đó ngân hàng sẽ thực hiện việc nhờ thu. Ngân hàng của người bán chuyển hối phiếu và chứng từ cho ngân hàng thu hộ (mệnh lệnh của người bán sẽ được chuyển cho ngân hàng này). Nếu người bán ký phát một hối phiếu ‘trả ngay’ hoặc một hối phiếu ‘theo yêu cầu’, thì mệnh lệnh sẽ cho phép các chứng từ có thể được chuyển nhượng, chỉ khi hối phiếu đã được thanh toán (D/P). Trong trường hợp hối phiếu có kỳ hạn, mệnh lệnh thường cho phép các chứng từ được chuyển nhượng, khi hối phiếu được chấp nhận thanh toán (D/A) với việc xuất trình tiếp theo để thanh toán khi đến hạn.

Ngân hàng thu hộ nên thường xuyên cho ngân hàng nhờ thu biết về tình trạng của hối phiếu. Tuy nhiên, ngân hàng thu hộ ở một số nước có thể khá lỏng lẻo trong việc cập nhật tin tức, và thường khi ngân hàng nhờ thu yêu cầu thì việc này mới được thực hiện.

Khi hối phiếu đã được thanh toán, ngân hàng thu hộ sẽ báo cho ngân hàng nhờ thu - ngân hàng sẽ sử dụng số tiền thu được theo mệnh lệnh của người bán.

c,  Xuất trình khi hàng tới nơi đến (PAG)

Một người bán có thể nhận ra rằng người mua không sẵn sàng cho việc thanh toán hoặc chấp nhận hối phiếu mình ký phát trước khi hàng hóa tới nơi đến. Ở một số nước, có thông lệ tạm hoãn việc thanh toán hoặc chấp nhận hối phiếu trước khi hàng tới nơi đến. Thuật ngữ dùng cho tiêu đề của nội dung này, ‘PAG’, được dùng để diễn đạt thông lệ này. Nó cũng được mô tả là ‘thanh toán khi tàu vận tải đến nơi’.

Ngân hàng gửi đi hối phiếu kèm chứng từ xuất khẩu bằng đường hàng không hoặc chuyển phát nhanh như đã mô tả, nhưng việc chuyển mệnh lệnh của người bán cho ngân hàng tại nước nhập khẩu - ngân hàng xuất trình hối phiếu cho người chịu trách nhiệm thanh toán hối phiếu, sẽ bị hoãn cho đến khi hàng tới nơi, hoặc có thể yêu cầu hoãn xuất trình hối phiếu, nếu người chịu trách nhiệm thanh toán hối phiếu mong muốn điều đó.

Trong hầu hết các trường hợp, ngân hàng nhờ thu sẽ bán hạ giá hối phiếu trước khi nó được người mua chấp nhận hay thanh toán. Hối phiếu bị giảm giá khi ngân hàng tin rằng tài khoản của người bán có lượng hối phiếu đã đạt đến giới hạn tối đa (ít hơn phí ngân hàng), hoặc khi ngân hàng thỏa thuận trả trước cho bên bán một tỉ lệ mệnh giá của hối phiếu, nhưng từ chối không quyết toán cho đến khi người mua thanh toán hối phiếu. Điều này mang lại thuận lợi về việc chuyển giao vốn cho người bán ở thời điểm sớm hơn, nếu người bán phải đợi hối phiếu đến kỳ thanh toán. Tuy nhiên, ngân hàng nhờ thu sẽ thường duy trì quyền truy đòi đối với người bán.

Nếu người mua không thực hiện nghĩa vụ với hối phiếu bằng việc không chấp nhận hoặc không thanh toán, thì ngân hàng có thể kiện người bán. Điều này nêu bật lên một bất lợi thực sự, từ góc độ người bán, về việc thanh toán theo phương thức hối phiếu kèm chứng từ nhờ ngân hàng thu hoặc bán hạ giá cho ngân hàng. Người mua có thể chấp nhận hối phiếu, vì vậy vận đơn sẽ được chuyển nhượng cho họ. Tuy nhiên, người bán không chắc chắn rằng người mua sẽ thanh toán khi hối phiếu đến hạn. Vấn đề này sẽ được khắc phục khi sử dụng phương thức tín dụng chứng từ - được trình bày dưới đây. Đó cũng chính là nguyên nhân vì sao tín dụng chứng từ hoặc thư tín dụng được ưa thích hơn khi so sánh với phương thức hối phiếu kèm chứng từ.

II- TÍN DỤNG CHỨNG TỪ 

Tín dụng chứng từ (còn được biết tới như tín dụng thương mại hay thư tín dụng) có nhiều ưu điểm có thể lựa chọn thay cho hối phiếu kèm chứng từ. Loại tín dụng này được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Sự phổ biến của chúng trong thương mại quốc tế đã khiến cho nhiều chuyên gia mô tả tín dụng chứng từ như ‘nhân tố quyết định của thương mại quốc tế’, và người ta nói rằng các thương nhân trên khắp thế giới đã gắn bó và tiếp tục gắn bó hết lòng với phương thức này, và nhiều luật điều chỉnh thư tín dụng đều dựa vào tập quán và thực tiễn thương mại.[141]

Quy tắc thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ (viết tắt là ‘UCP’), Phụ lục của UCP về xuất trình chứng từ điện tử (‘e-UCP’), và tập quán ngân hàng theo tiêu chuẩn quốc tế được áp dụng cho việc kiểm tra chứng từ trong phương thức tín dụng chứng từ (viết tắt là ‘ISBP’).

Mặc dù tín dụng chứng từ được sử dụng rộng rãi, nhưng việc cố gắng hài hoà các quy định điều chỉnh tín dụng chứng từ thông qua đàm phán và ký kết các điều ước quốc tế đều chưa thành công. Tuy nhiên, sự thống nhất trên phạm vi gần như toàn cầu đã đạt được bằng nỗ lực lớn của ICC - tổ chức soạn thảo và chịu trách nhiệm về Quy tắc thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ UCP. Một học giả xuất sắc về luật thương mại ở Anh, Giáo sư R. M.

Goode, đã mô tả UCP như là ‘biện pháp hài hoà thành công nhất trong lịch sử thương mại quốc tế’. Sự thống nhất các quy tắc, theo Giáo sư E. P. Ellinger, chuyên gia hàng đầu về thư tín dụng, là kết quả của sự thông dụng và cần thiết của ngân hàng, với tư cách là các tác nhân trong thương mại quốc tế.

UCP được xem như bộ luật chuẩn hoá (i) các điều kiện mà theo đó các ngân hàng được chuẩn bị để phát hành tín dụng chứng từ theo yêu cầu của thương nhân - người tự nguyện thu xếp việc thanh toán cho hàng hóa giao dịch của mình thông qua tín dụng chứng từ; và (ii) việc giải thích thực tiễn tín dụng chứng từ. UCP cũng được coi như một bộ quy tắc điều chỉnh việc sử dụng tín dụng chứng từ. Phần lớn thương nhân và ngân hàng ở hầu hết các nước trên thế giới đều chào đón và chấp thuận sử dụng UCP cho việc thanh toán hàng hóa.

UCP được ICC xuất bản lần đầu tiên vào năm 1993 và được sửa đổi 6 lần cho đến nay. Bản mới nhất là UCP 600, có hiệu lực từ ngày 01/07/2007. UCP 600 thay thế cho bản năm 1993 (UCP 500). Bổ sung cho UCP 600, một phụ lục của UCP (gọi là ‘e-UCP’) cũng được ban hành để giải quyết việc xuất trình chứng từ điện tử.

1- Áp dụng ucp

Điều 1 của UCP quy định:

Quy tắc thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ, bản 2007, xuất bản phẩm số 600 của ICC (UCP) là các quy tắc áp dụng cho bất kỳ tín dụng chứng từ (‘credit’) nào (bao gồm cả thư tín dụng dự phòng, trong chừng mực mà các quy tắc này có thể áp dụng), khi nội dung của tín dụng chỉ rõ nó là đối tượng của các quy tắc này. Các quy tắc này ràng buộc tất cả các bên, trừ khi điều này bị thay đổi hay loại bỏ một cách rõ ràng.

Từ phạm vi áp dụng trên, có ba vấn đề pháp lý cần xem xét:

a, Các quy tắc UCP áp dụng đối với thư tín dụng

Việc áp dụng UCP có liên quan nhiều đến việc xác định thư tín dụng là gì. Khái niệm và các loại thư tín dụng sẽ được trình bày ở phần sau. UCP cũng áp dụng đối với thư tín dụng dự phòng, nhưng thực tiễn thương mại quốc tế đã chỉ ra rằng nó không phù hợp đối với loại thư tín dụng này, và các thương nhân cũng không sẵn sàng áp dụng UCP đối với thư tín dụng dự phòng. Điều đó giải thích tại sao Điều 1 của UCP quy định rằng nó chỉ áp dụng đối với thư tín dụng dự phòng ‘trong chừng mực mà các quy tắc này có thể áp dụng’.

b, Áp dụng khi nội dung của tín dụng chỉ rõ nó là đối tượng của các quy tắc này

Tuy nhiên, vì là luật mẫu, UCP không tự động phát sinh giá trị pháp lý. Các thương nhân, hay chính xác hơn, các bên trong hợp đồng thương mại có quyền tự do đưa vào hợp đồng của mình tất cả hoặc bất kỳ quy tắc nào của UCP, và nếu đã đưa vào hợp đồng, thì UCP sẽ điều chỉnh tất cả các vấn đề của thỏa thuận thư tín dụng chứng từ, trừ vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa người thụ hưởng và người mở thư tín dụng theo hợp đồng cơ sở, nghĩa là giữa người bán và người mua theo hợp đồng mua bán hàng hóa, vì hợp đồng này thường không đưa các quy tắc của UCP vào.

c, UCP ràng buộc tất cả các bên, trừ khi điều này bị thay đổi hoặc loại bỏ một cách rõ ràng

Khi được đưa vào hợp đồng cơ sở, ví dụ, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, UCP sẽ tự động trở thành một phần tham khảo không thể thiếu của hợp đồng, và tất cả các thuật ngữ và điều kiện được dùng trong thư tín dụng chứng từ, cũng như các điều khoản khác của UCP, sẽ trở thành thỏa thuận do các bên xây dựng nên. Các thỏa thuận trên ‘ràng buộc tất cả các bên’, vì thực chất chúng là một phần của hợp đồng và thỏa thuận giữa người bán và người mua. Tuy nhiên, vì là các thỏa thuận, nên các bên được tự do thay đổi, chỉnh sửa, bổ sung hay thậm chí cả loại bỏ việc áp dụng UCP trong thỏa thuận tín dụng của mình. Nhưng thực tiễn đã cho thấy, trừ trường hợp ngoại lệ, các thương nhân không cần chỉnh sửa hay thay đổi nhiều quy tắc của UCP, vì chúng luôn trợ giúp cho sự phát triển lâu dài và bền vững cũng như sự lưu thông mạnh mẽ hàng hóa và dịch vụ trong thương mại quốc tế.

2- Định nghĩa tín dụng chứng từ

Các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới đã đưa ra một số định nghĩa về tín dụng chứng từ. Ví dụ, một trong những định nghĩa ngắn gọn và chính xác nhất là: thư tín dụng, về bản chất, là sự bảo đảm thanh toán của ngân hàng khi có sự xuất trình một số chứng từ nhất định. Thư tín dụng còn có thể

được hiểu là thông báo của ngân hàng nhằm thanh toán cho một bên xác định hoặc người thụ hưởng, với điều kiện người thụ hưởng xuất trình các chứng từ xác định (thường đi kèm với hối phiếu ghi rõ số tiền phải trả) nhằm chứng minh rằng nghĩa vụ giao hàng đã hoàn thành. Thông báo này đề ra các điều khoản và điều kiện nghiêm ngặt cần được thực hiện.

Điều 2 UCP quy định: ‘Thư tín dụng là bất cứ thỏa thuận có tên gọi hoặc mô tả như thế nào, có giá trị không thể bị huỷ, từ đó xác định rõ nghĩa vụ của ngân hàng phát hành nhằm bảo đảm thanh toán khi có sự xuất trình hồ sơ phù hợp.’

Do vậy, thư tín dụng có thể được hiểu là loại tín dụng (theo định nghĩa tại Điều 2 UCP) nhằm dàn xếp việc bên mua (‘người yêu cầu’ hoặc ‘người xin mở thư tín dụng’) trả tiền cho bên bán (‘người thụ hưởng’) khi có sự xuất trình một số chứng từ xác định (đây là lý do tại sao loại tín dụng này còn được gọi là tín dụng ‘chứng từ’).

Để hiểu rõ hơn khái niệm của thư tín dụng theo quy định tại Điều 2 UCP, cần làm rõ các thuật ngữ liên quan tại Điều này theo quy định của UCP như sau:

- ‘Ngân hàng phát hành’ [‘Issuing bank’] là ngân hàng cung cấp thư tín dụng theo đề nghị của người yêu cầu (người mở thư tín dụng), hoặc với danh nghĩa của chính ngân hàng.

- ‘Thanh toán’ [‘Honour’] nghĩa là:

+ Việc trả tiền ngay, nếu thư tín dụng có giá trị trả ngay.

+ Cam kết trả chậm và trả khi đáo hạn, nếu thư tín dụng có giá trị trả chậm.

+ Sự chấp nhận hối phiếu [‘draft’] do người thụ hưởng ký phát và trả khi đáo hạn, nếu thư tín dụng có giá trị chấp nhận.

+ ‘Xuất trình hợp lệ’ [‘Complying presentation’] là sự xuất trình [chứng từ] phù hợp với các điều kiện và điều khoản nêu tại thư tín dụng, với các điều khoản có thể áp dụng của Quy tắc này [UCP] và với thực tiễn hoạt động ngân hàng tiêu chuẩn quốc tế.

Tóm lại, thư tín dụng là thỏa thuận không thể bị huỷ, và xác định rõ nghĩa vụ của ‘ngân hàng phát hành’ phải ‘thanh toán’, thực chất là việc trả tiền cho giá trị hàng hóa, khi bộ chứng từ xuất trình tại ngân hàng được coi là ‘xuất trình hợp lệ’.

3- Các loại tín dụng chứng từ (thư tín dụng)

3.1. Thư tín dụng không hủy ngang và thư tín dụng hủy ngang

(a) Thư tín dụng không hủy ngang (không thể bị hủy) (Irrevocable credit)

Điều 3 UCP quy định rằng một thư tín dụng không thể bị huỷ ngay cả khi không có chỉ dẫn về điều này. Thư tín dụng không hủy ngang thiết lập sự cam kết rõ ràng của ngân hàng phát hành rằng ngân hàng sẽ thanh toán cho thư tín dụng, với điều kiện các chứng từ, xác định rõ trong thư tín dụng, được xuất trình hợp lệ (Điều 2 và Điều 7(a) UCP). Trừ các trường hợp được quy định tại Điều 38 UCP (thư tín dụng chuyển nhượng), thư tín dụng không hủy ngang không thể được sửa đổi hoặc hủy bỏ sau khi đã được truyền đạt tới bên bán với tư cách người thụ hưởng, không cần phải có sự đồng ý của bên bán, ngân hàng phát hành và ngân hàng xác nhận, nếu có (Điều 10(a) UCP 600).

Khi thư tín dụng không hủy ngang được phát hành dưới dạng thông báo, người thụ hưởng được bảo đảm rằng thư tín dụng đó chứa đựng cam kết rõ ràng từ phía ngân hàng phát hành, hay nói khác đi, hàm ý từ việc sử dụng thuật ngữ ‘không hủy ngang’ có nghĩa là các hoạt động ký phát sẽ được thực hiện chi trả đúng hẹn, với điều kiện các điều khoản và điều kiện nêu trong thư tín dụng đã được thực hiện đúng. Đây là lý do tại sao những thư tín dụng này có giá trị cao trong giới thương mại, khi được phát hành bởi các ngân hàng có uy tín và là loại thư tín dụng thường được yêu cầu trong các 144 giao dịch thương mại.

(b)  Thư tín dụng hủy ngang (có thể bị hủy) (Revocable Credit)

Thư tín dụng hủy ngang là thư tín dụng có thể bị huỷ, hoặc các điều khoản của nó có thể được sửa đổi bất kỳ lúc nào mà không cần có sự đồng ý từ người thụ hưởng. Thư tín dụng hủy ngang, do đó, không đem lại, hoặc đem lại với mức rất thấp, sự bảo vệ an toàn cho người thụ hưởng. Thư tín dụng hủy ngang rất hiếm gặp và có xu hướng được sử dụng chỉ trong trường hợp các bên không quan tâm tới an toàn tín dụng (ví dụ, mức độ tin tưởng giữa họ là rất cao). Tuy nhiên, dễ nhận thấy rằng UCP 600 chỉ áp dụng cho thư tín dụng không hủy ngang mà không áp dụng cho thư tín dụng hủy ngang. Vì vậy, nếu các bên trong hợp đồng muốn sử dụng hình thức thư tín dụng hủy ngang, họ cần chỉ rõ rằng thư tín dụng áp dụng trong giao dịch là thư tín dụng được điều chỉnh bởi UCP 500, phiên bản trước của UCP 600, có điều

National Australia Bank Limited, Sđd, tr. 51. chỉnh thư tín dụng hủy ngang.

3.2. Thư tín dụng chưa xác nhận (Unconfirmed Credit) và thư tín dụng xác nhận (Confirm Credit)

Ý nghĩa của sự ‘xác nhận’ thư tín dụng không hủy ngang được nêu rõ, cùng với những vấn đề khác, tại Điều 2 UCP như sau: ‘Xác nhận là sự cam kết rõ ràng của ngân hàng xác nhận, ngoài cam kết của ngân hàng phát hành, nhằm thanh toán hoặc thương lượng thanh toán trên cơ sở việc xuất trình [chứng từ] hợp lệ.’

Vì vậy, trong loại thư tín dụng chưa xác nhận, chỉ có ngân hàng phát hành cam kết trả tiền cho người thụ hưởng, mặc dù thư tín dụng sẽ được phát hành dưới dạng thông báo bởi ngân hàng (làm nhiệm vụ) thông báo thư tín dụng tới bên bán, nhưng ngân hàng thông báo sẽ không có nghĩa vụ trả tiền. Tuy nhiên, trong loại thư tín dụng xác nhận, sẽ có thêm cam kết từ một ngân hàng không phải ngân hàng phát hành (thường là ngân hàng thông báo). Do đó, người thụ hưởng được bảo đảm rằng anh ta sẽ được hưởng thêm một cam kết thanh toán rõ ràng nữa bên cạnh cam kết của ngân hàng phát hành. Hơn nữa, điều này sẽ tạo thuận lợi cho người thụ hưởng, vì ngân hàng xác nhận (ngân hàng thông báo) thường có trụ sở tại nước sở tại, do đó làm tăng tâm lý thoải mái, tin tưởng cho người thụ hưởng.

Cam kết ‘được xác nhận’ có thể được trình bày cụ thể trong thông báo tín dụng, phát hành bởi ngân hàng xác nhận. Nếu không, việc sử dụng cụm từ ‘Thư tín dụng này được chúng tôi bảo đảm’ hoặc các cụm từ tương tự, là đủ để thể hiện hàm ý cam kết từ phía ngân hàng xác nhận.

(a) Thư tín dụng ‘xác nhận’ kèm theo ‘không hủy ngang’

Thư tín dụng không hủy ngang và được xác nhận bởi một ngân hàng uy tín có trụ sở tại nước sở tại là điều lý tưởng cho bên bán, bảo đảm rằng anh ta sẽ được trả tiền, vì thư tín dụng loại này là sự xác lập cam kết trả tiền của hai ngân hàng. Hình thức này có vị trí cao hơn thư tín dụng không hủy ngang nhưng tốn kém hơn, do ngân hàng xác nhận sẽ tính phí xác nhận mà về bản chất là nhận rủi ro về phía mình thông qua việc cam kết trả tiền, để đổi lại phí xác nhận đó.

(b) Khi nào thư tín dụng cần được ‘xác nhận’?

Trong trường hợp ngân hàng phát hành là ngân hàng nổi tiếng, hạng nhất hoặc có thứ hạng cao, đặt trụ sở tại nước có môi trường kinh tế và chính trị ổn định, việc xác nhận có rất ít giá trị thực tiễn. Tuy nhiên, nếu ngân hàng phát hành ít được biết đến và là ngân hàng nhỏ, hoặc nếu nước - nơi thư tín dụng được phát hành gặp vấn đề về chính trị hoặc kinh tế, thì dễ hiểu rằng người thụ hưởng có thể tìm cách để thư tín dụng được xác nhận bởi một ngân hàng ở nước của mình, theo đó uy tín và vị trí của ngân hàng này cũng có thể được anh ta đánh giá một cách dễ dàng hơn.

(c) Quy trình xác nhận thư tín dụng

Việc yêu cầu ngân hàng thông báo xác nhận thư tín dụng phải được ngân hàng phát hành thực hiện. Ngân hàng phát hành sẽ chịu trách nhiệm trả phí xác nhận, trừ khi chính ngân hàng đó yêu cầu rằng người thụ hưởng sẽ phải trả khoản phí đó. Trường hợp người thụ hưởng yêu cầu xác nhận, khi nhận được một thư tín dụng không có điều khoản xác nhận, ngân hàng thông báo có trách nhiệm chuyển yêu cầu tới ngân hàng phát hành để được cấp phép xác nhận. Mặc dù ngân hàng thông báo hiếm khi từ chối yêu cầu xác nhận thư tín dụng từ ngân hàng phát hành, nhưng họ có thể từ chối xác nhận trong trường hợp không thể thỏa thuận được với ngân hàng phát hành về phạm vi trách nhiệm mà ngân hàng xác nhận phải gánh chịu khi thực hiện xác nhận thư tín dụng.

(d) Xác nhận ngầm

Xác nhận ngầm không thuộc phạm vi điều chỉnh của UCP. Xác nhận ngầm là cam kết của một ngân hàng (theo yêu cầu của người thụ hưởng, không phải theo yêu cầu của ngân hàng phát hành hoặc được ngân hàng phát hành cấp phép xác nhận) nhằm bổ sung nghĩa vụ trả tiền của mình vào thư tín dụng căn cứ theo các điều khoản của thư tín dụng, với điều kiện các chứng từ được xuất trình theo thứ tự. Do vậy, những giao dịch này chỉ được dành riêng cho một số khách hàng nhất định, đáp ứng được các tiêu chuẩn ngặt nghèo từ phía ngân hàng. Việc cung cấp xác nhận ngầm được đánh giá và quyết định thuần túy dựa trên sự suy xét cẩn trọng của ngân hàng được yêu cầu bổ sung xác nhận ngầm.

3.3. Thư tín dụng trả ngay, chấp nhận và trả chậm

Căn cứ vào thời điểm bên bán có quyền nhận thanh toán, thư tín dụng có thể được phân loại như sau:

- ‘Trả ngay’ (‘payment at sight’): Ngân hàng cam kết thanh toán cho bên bán (người thụ hưởng theo thư tín dụng) ngay khi chứng từ được xuất trình hợp lệ. Thông thường, ngân hàng sẽ yêu cầu bên bán ký phát một hối phiếu thanh toán ngay và xuất trình cùng với các chứng từ khác để được nhận thanh toán;

-  ‘Trả chậm’ (‘deferred payment’): Ngân hàng cam kết thanh toán cho bên bán tại một ngày trong tương lai được xác định căn cứ theo các điều khoản của thư tín dụng, ví dụ, 90 ngày, kể từ ngày chuyển hàng. Bất kể khi nào việc trả tiền trong tương lai của ngân hàng không phải cho một hối phiếu đã được chấp nhận (thư tín dụng theo hình thức chấp nhận), thì tín dụng đó được gọi là tín dụng trả chậm. Tín dụng này có thể được chiết khấu trước khi đến hạn thanh toán bởi một ngân hàng chiết khấu tham gia chuyển nhượng quyền của người thụ hưởng căn cứ theo thư tín dụng;

- ‘Thư tín dụng chấp nhận’ (‘acceptance credit’): Ngân hàng cam kết chấp nhận hối phiếu ký phát bởi bên bán. Hối phiếu thường ở dạng thanh toán trong tương lai. Do vậy, bằng việc chấp nhận hối phiếu, ngân hàng đồng ý trả tiền trên mệnh giá của hối phiếu khi đến hạn thanh toán cho bên xuất trình hối phiếu. Giữa thời điểm chấp nhận và hạn thanh toán của hối phiếu, bên bán có thể chiết khấu cho ngân hàng của anh ta để nhận tiền mặt.

3.4. Thư tín dụng trả thẳng (hoặc đặc biệt khuyến cáo) và thư tín dụng có giá trị chiết khấu (hoặc thương lượng thanh toán - ND)

Trong một số thư tín dụng, được gọi là ‘thư tín dụng trả thẳng’ (straight credit), cam kết thanh toán của ngân hàng phát hành chỉ được gửi tới bên bán. Trong một số thư tín dụng khác, được gọi là ‘thư tín dụng chiết khấu’ (negotiation credit) (hoặc thư tín dụng thương lượng thanh toán - ND), cam kết thanh toán của ngân hàng phát hành không chỉ dành cho bên bán mà còn mở rộng tới một ‘ngân hàng được chỉ định’ được ủy quyền thương lượng thanh toán mua hối phiếu ký phát bởi bên bán.

Điều 2 UCP quy định: ‘Thương lượng thanh toán là việc mua lại hối phiếu và/hoặc chứng từ khi xuất trình hợp lệ của một ngân hàng được chỉ định (được ký phát bởi một ngân hàng khác ngoài ngân hàng được chỉ định), bằng cách tạm ứng hoặc đồng ý tạm ứng cho người thụ hưởng trong hoặc trước ngày làm việc của ngân hàng mà vào ngày đó, số tiền hoàn trả đến hạn phải trả cho ngân hàng được chỉ định.’

Đối với thư tín dụng mở có giá trị chiết khấu, cam kết thanh toán được mở rộng tới tất cả các ngân hàng. Ngân hàng, sau khi đã thương lượng thanh toán với người thụ hưởng về hối phiếu hoặc chứng từ, có thể xuất trình các giấy tờ này theo thư tín dụng và nhận thanh toán khi đến hạn (Điều 7(c) và Điều 8(c) UCP 600).

3.5. Thư tín dụng ‘điều khoản đỏ’ và thư tín dụng ‘điều khoản xanh’

Thư tín dụng ‘điều khoản đỏ’ (‘Red clause’ credit) là thư tín dụng cho phép bên bán ký phát thư tín dụng trước khi chuyển hàng. Việc tạm ứng được thực hiện trên cơ sở biên lai kho hàng (để chứng minh là có đủ hàng để giao theo thỏa thuận - ND), mặc dù người thụ hưởng có khả năng xử lý lô hàng (chuyển hàng đi - ND). Loại thư tín dụng này dần dần được gọi là thư tín dụng ‘điều khoản đỏ’, do các điều khoản được in bằng mực đỏ. Mặc dù nguồn gốc của loại thư tín dụng này là từ lĩnh vực kinh doanh len sợi, nhưng việc sử dụng nó ngày nay không chỉ giới hạn trong ngành này. Do bên bán có khả năng xử lý lô hàng, loại thư tín dụng này được sử dụng khi các bên trong hợp đồng tin tưởng nhau ở mức độ cao.

Thư tín dụng ‘điều khoản xanh’ (‘Green clause’ credit) được đưa vào sử dụng trong kinh doanh cà phê ở Dai-a và có tác dụng tương tự như thư tín dụng ‘điều khoản đỏ’. Khác biệt duy nhất ở loại thư tín dụng này là hàng hóa được lưu kho dưới tên của ngân hàng.

3.6. Thư tín dụng tuần hoàn (Revolving Credit)

Thư tín dụng, thay vì chỉ được sử dụng để thanh toán một khoản tiền xác định hoặc chỉ có giá trị trong một thời điểm cố định, có thể được phục hồi lại về giá trị hoặc thời gian. Thư tín dụng tuần hoàn về giá trị cho phép người thụ hưởng xuất trình chứng từ một cách thường xuyên theo mong muốn trong khoảng thời gian còn hiệu lực của thư tín dụng, miễn là không vượt quá tổng giới hạn được quy định trong thư tín dụng. Còn thư tín dụng tuần hoàn về thời gian cho phép người thụ hưởng rút khoản tiền nhất định trong một tháng theo giai đoạn được ghi trong thư tín dụng, cho phép hoặc không cho phép người thụ hưởng chuyển số tiền chưa rút từ tháng này sang tháng sau.

3.7. Thư tín dụng chuyển nhượng (transferable credit) và thư tín dụng không được chuyển nhượng (non-transferable credit)

Thư tín dụng có thể chuyển nhượng hoặc không được chuyển nhượng. Thư tín dụng chuyển nhượng cho phép bên bán (người thụ hưởng ban đầu của thư tín dụng) chuyển giao quyền lợi trong thư tín dụng cho bên thứ ba, ví dụ, như các nhà cung ứng của bên bán. Điều 38 UCP quy định việc chuyển nhượng thư tín dụng được tiến hành khi đáp ứng đầy đủ một số điều kiện. Nổi bật trong số này là các yêu cầu mà ngân hàng chuyển nhượng phải tuyệt đối tuân thủ về mức độ và cách thức chuyển giao (Điều 38(a)), và thư tín dụng phải được ghi rõ là ‘có thể được chuyển nhượng’ bởi ngân hàng phát hành (Điều 38(b)).

Tuy nhiên, thuật ngữ ‘chuyển nhượng’ phần nào gây hiểu lầm. ‘Có thể chuyển nhượng’ không có nghĩa là ‘có thể thương lượng thanh toán’. Thư tín dụng là văn bản không thể thương lượng thanh toán, nhưng lại có thể chuyển nhượng từ người này sang người khác, thông qua việc ký hậu (ghi rõ ra mặt sau - ND) (endorsement) và chuyển giao. Trên thực tế, khi người thụ hưởng thứ nhất (bên bán) muốn chuyển nhượng thư tín dụng cho người thụ hưởng thứ hai (thường là nhà cung ứng của bên bán), anh ta sẽ trả lại thư tín dụng cho ngân hàng chuyển nhượng; ngân hàng này, theo yêu cầu của người thụ hưởng thứ nhất, sẽ phát hành một thư tín dụng mới tới người thụ hưởng thứ hai về toàn bộ hoặc một phần tiền ghi trong thư tín dụng gốc. Nếu người thụ hưởng thứ nhất chỉ chuyển nhượng một phần giá trị ghi trong thư tín dụng, anh ta vẫn có thể nhận tiền từ số dư. Trừ trường hợp khác được ghi rõ trong thư tín dụng, thư tín dụng chuyển nhượng chỉ được chuyển nhượng một lần duy nhất (Điều 38(d) UCP 600). Điều này nghĩa là người thụ hưởng thứ hai không thể tiếp tục chuyển nhượng một phần (giá trị của) thư tín dụng nhằm phục vụ lợi ích cho nhà cung ứng của anh ta, nhưng người thụ hưởng thứ nhất lại không bị ngăn cản trong việc chuyển nhượng một phần (giá trị của) thư tín dụng cho nhiều người khác nhau, miễn là tổng số chuyển nhượng không vượt quá giá trị của thư tín dụng, đồng thời việc chuyển một phần hàng và rút một phần tiền không bị cấm theo các điều khoản ghi trong thư tín dụng (Điều 38(d) và (g) UCP 600).

3.8. Thư tín dụng bảo lãnh theo yêu cầu (Demand Guarantees Credit) và thư tín dụng dự phòng (Standby Credit)

Các loại thư tín dụng này thuộc phạm vi điều chỉnh của UCP nhưng có tính chất khác với các loại hình thư tín dụng thông thường và sẽ được đề cập ở tiểu mục sau.

4- Sự vận hành của thư tín dụng

Giả sử rằng giao dịch dưới đây là một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, thì giao dịch thư tín dụng thông thường sẽ được vận hành như sau:

-  Bên bán và bên mua thỏa thuận trong hợp đồng mua bán là việc trả tiền sẽ được thực hiện thông qua thư tín dụng;

- Bên mua (với tư cách ‘người yêu cầu’ trong thư tín dụng) yêu cầu một ngân hàng tại nước mình (‘ngân hàng phát hành’) mở thư tín dụng phục vụ lợi ích của bên bán (‘người thụ hưởng’) dựa trên các điều khoản xác định bởi bên mua theo mệnh lệnh của anh ta (thường được nêu tại yêu cầu mở thư tín dụng);

- Ngân hàng phát hành mở một thư tín dụng không hủy ngang, bằng các điều khoản trong thư tín dụng, cam kết (i) Trả số tiền nêu trong hợp đồng; hoặc (ii) Cam kết trả chậm và trả khi đến hạn; hoặc (iii) Chấp nhận hối phiếu ký phát bởi người thụ hưởng và trả khi đến hạn với điều kiện các chứng từ được xuất trình đúng hạn và phù hợp với các điều khoản và điều kiện nêu tại thư tín dụng;

- Ngân hàng phát hành mở thư tín dụng bằng cách gửi thông báo trực tiếp cho bên bán; ngoài ra, trong nhiều trường hợp, ngân hàng phát hành còn có thể sắp xếp cho một ngân hàng trong nước của bên bán (ngân hàng ‘thông báo’ hoặc ‘chuyển phát’) để thông báo tới bên bán là thư tín dụng đã được mở;

- Ngân hàng phát hành cũng có thể yêu cầu ngân hàng thông báo bổ sung sự ‘xác nhận’ của mình vào thư tín dụng. Nếu ngân hàng đồng ý làm như vậy, ngân hàng thông báo (bây giờ được gọi là ngân hàng ‘xác nhận’) cam kết thanh toán riêng cho bên bán, căn cứ vào các điều khoản tương tự được đặt ra bởi ngân hàng phát hành, người bán sẽ được hưởng lợi từ nghĩa vụ thanh toán ngay tại nước mình;

- Bên bán chuyển hàng và đệ trình các chứng từ bắt buộc (thường thông qua ngân hàng của bên bán, với tư cách đại diện) tới ngân hàng thông báo (với tư cách ngân hàng được chỉ định) hoặc ngân hàng xác nhận. Nếu bộ chứng từ phù hợp với các điều khoản của thư tín dụng, ngân hàng thông báo (với tư cách ngân hàng được chỉ định) hoặc ngân hàng xác nhận sẽ (i) trả số tiền nêu trong hợp đồng; hoặc (ii) cam kết trả chậm và trả khi đến hạn; hoặc (iii) chấp nhận hối phiếu và trả khi đến hạn; hoặc (iv) thương lượng thanh toán mua lại hối phiếu và nhận số tiền hoàn lại từ ngân hàng phát hành;

-  Trước khi hoàn lại chứng từ cho bên mua, đến lượt mình, ngân hàng phát hành sẽ yêu cầu được thanh toán. Nếu bên mua không thể thanh toán vì chưa bán lại được hàng hóa, thì ngân hàng phát hành có thể hoàn lại chứng từ cho bên mua theo một ‘biên lai ủy thác’ (‘trust-receipt’), theo đó bên mua có quyền tiếp cận hàng khi hàng được vận tải tới nơi mà không làm thiệt hại đến lợi ích bảo đảm của ngân hàng đối với hàng hóa và trong quá trình mua bán.

5- Các hợp đồng phát sinh từ giao dịch thư tín dụng

Giao dịch thư tín dụng được triển khai đồng thời với chuỗi các quan hệ hợp đồng có liên quan đến nhau. Thứ nhất, đó là hợp đồng mua bán giữa bên bán và bên mua. Thứ hai, khi ngân hàng phát hành đồng ý thực hiện theo mệnh lệnh của bên mua, giữa họ đã tồn tại một hợp đồng. Thứ ba, khi ngân hàng chuyển phát đồng ý thực hiện theo mệnh lệnh của ngân hàng phát hành và thông báo hoặc xác nhận thư tín dụng, giữa hai ngân hàng này cũng có quan hệ hợp đồng. Cuối cùng, chính cam kết trả tiền cho bên bán của ngân hàng phát hành và ngân hàng xác nhận trong giao dịch thư tín dụng cũng là quan hệ mang bản chất hợp đồng.

6-  Cam kết của ngân hàng phát hành và ngân hàng xác nhận

Thông thường, nếu thư tín dụng là thư tín dụng xác nhận, thì người thụ hưởng sẽ được nhận thanh toán từ ngân hàng xác nhận. Nếu thư tín dụng là không xác nhận, thì người thụ hưởng sẽ được nhận thanh toán từ ngân hàng phát hành. Nếu có sự tham gia của ngân hàng được chỉ định,[161] thì người thụ hưởng sẽ được nhận thanh toán từ ngân hàng này. Nếu ngân hàng được chỉ định không thực hiện thanh toán, thì người thụ hưởng sẽ quay lại ngân hàng xác nhận hoặc ngân hàng phát hành. Do vậy, về mặt pháp lý, cam kết của ngân hàng phát hành và ngân hàng xác nhận đối với các bên liên quan, chẳng hạn cam kết trả tiền, là rất quan trọng đối với người thụ hưởng theo thư tín dụng (tức là bên mua).

Đối với cam kết của ngân hàng phát hành, Điều 7 UCP quy định như sau: a. Với điều kiện các chứng từ theo quy định được nộp cho ngân hàng được chỉ định hoặc ngân hàng phát hành, và với điều kiện chứng từ được xuất trình hợp lệ, ngân hàng phát hành phải thanh toán, nếu thư tín dụng ghi rõ:

i. Thư tín dụng có giá trị trả ngay, trả chậm hoặc chấp nhận tại ngân hàng phát hành;

ii.  Trả ngay tại một ngân hàng được chỉ định mà ngân hàng được chỉ định đó không thanh toán;

iii. Trả chậm tại một ngân hàng được chỉ định mà ngân hàng được chỉ định đó không cam kết về nghĩa vụ trả chậm, hoặc có cam kết về nghĩa vụ trả chậm nhưng không thanh toán khi đến hạn;

iv. Chấp nhận [hối phiếu] tại một ngân hàng được chỉ định mà ngân hàng được chỉ định đó không chấp nhận hối phiếu đã ký phát, hoặc đã chấp nhận hối phiếu đã ký phát mà không thanh toán khi đến hạn;

v.   Thương lượng thanh toán với một ngân hàng được chỉ định mà ngân hàng được chỉ định đó không thương lượng thanh toán.

b. Ngân hàng phát hành bị ràng buộc bởi nghĩa vụ thanh toán không thể huỷ bỏ ngay khi phát hành thư tín dụng.

c. Ngân hàng phát hành cam kết hoàn trả cho ngân hàng được chỉ định, mà ngân hàng này đã thanh toán hoặc thương lượng thanh toán trên cơ sở sự xuất trình chứng từ hợp lệ và chuyển các chứng từ này tới ngân hàng phát hành. Việc hoàn trả trên cơ sở xuất trình hợp lệ theo thư tín dụng có giá trị thanh toán bằng cách chấp nhận hoặc trả chậm là vào lúc đáo hạn, không phụ thuộc vào việc ngân hàng được xác định đã trả trước hoặc mua trước khi đến hạn. Cam kết hoàn trả của ngân hàng phát hành đối với ngân hàng được chỉ định là độc lập với cam kết thanh toán của ngân hàng phát hành với người thụ hưởng.

Đối với cam kết của ngân hàng xác nhận, Điều 8 UCP quy định như sau:

A. Với điều kiện các chứng từ theo quy định được nộp cho ngân hàng xác nhận hoặc cho bất kỳ ngân hàng được chỉ định nào, và với điều kiện chứng từ được xuất trình hợp lệ, ngân hàng xác nhận phải:

i.  Thanh toán, nếu thư tín dụng có giá trị thanh toán theo cách:

a.   Trả ngay, trả chậm hoặc chấp nhận thanh toán tại ngân hàng xác nhận;

b.  Trả ngay với một ngân hàng được chỉ định khác mà ngân hàng được chỉ định này không thanh toán;

c.   Trả chậm với một ngân hàng được chỉ định khác mà ngân hàng được chỉ định này không cam kết trả chậm, hoặc có cam kết trả chậm mà không thanh toán khi đáo hạn;

d.  Chấp  nhận [hối phiếu] với  một ngân hàng được chỉ  định

khác mà ngân hàng được chỉ định này không chấp nhận hối phiếu đã ký phát, hoặc đã chấp nhận hối phiếu đã ký phát mà không thanh toán khi đến hạn;

e.   Thương lượng thanh toán với một ngân hàng được chỉ định khác mà ngân hàng được chỉ định này không thương lượng thanh toán.

ii.  Thương lượng thanh toán và không truy đòi, nếu thư tín dụng có giá trị thương lượng thanh toán tại ngân hàng xác nhận.

B. Ngân hàng xác nhận bị ràng buộc bởi nghĩa vụ thanh toán không thể huỷ bỏ, ngay khi xác nhận thư tín dụng.

C. Ngân hàng xác nhận cam kết hoàn trả cho một ngân hàng được chỉ định khác, mà ngân hàng này đã thanh toán hoặc thương lượng thanh toán trên cơ sở sự xuất trình chứng từ hợp lệ và chuyển các chứng từ này cho ngân hàng xác nhận. Việc hoàn trả trên cơ sở xuất trình hợp lệ theo thư tín dụng có giá trị thanh toán bằng cách chấp nhận hoặc trả chậm là vào lúc đáo hạn, không phụ thuộc vào việc một ngân hàng được xác định khác đã trả trước hoặc mua trước khi đến hạn. Cam kết hoàn trả của ngân hàng xác nhận cho một ngân hàng được chỉ định khác là độc lập với cam kết thanh toán của ngân hàng xác nhận cho người thụ hưởng.

D. Trường hợp một ngân hàng được ủy quyền hoặc được yêu cầu xác nhận thư tín dụng bởi ngân hàng phát hành mà không sẵn sàng làm việc đó, thì phải thông báo cho ngân hàng phát hành ngay lập tức và có thể thông báo thư tín dụng mà không cần xác nhận.

7- Các nội dung cơ bản

7.1. Nguyên tắc về tính độc lập của thư tín dụng

Thư tín dụng được xem là riêng biệt và độc lập với hợp đồng cơ bản giữa bên bán với bên mua và mối quan hệ giữa ngân hàng phát hành với bên mua. Vì vậy, nói chung, ngay cả khi bên bán [được coi là] đã vi phạm hợp đồng mua bán với bên mua, thì ngân hàng phát hành (hoặc ngân hàng xác nhận) vẫn không thể từ chối thực hiện cam kết thanh toán của mình. Thư tín dụng vẫn sẽ được thực hiện ngay cả khi bên mua đưa ra các cáo buộc, ví dụ, chất lượng của lô hàng được chuyển tới không đạt yêu cầu, không phù hợp với mục đích của họ hoặc có sự thiếu hụt trong khi giao hàng. Do đó, ngân hàng phát hành không thể từ chối cam kết thanh toán của mình, chỉ vì bên mua không làm tròn nghĩa vụ thanh toán.161

Nguyên tắc về tính độc lập của thư tín dụng được ghi nhận tại Điều 4 UCP như sau:

a.  Về bản chất, thư tín dụng là giao dịch riêng biệt với hợp đồng mua bán hoặc các hợp đồng khác là cơ sở của thư tín dụng. Ngân hàng không thể liên quan đến hoặc bị ràng buộc bởi các hợp đồng này, ngay cả khi có bất kỳ sự dẫn chiếu nào tới chúng được nêu trong thư tín dụng. Vì vậy, cam kết của ngân hàng đối với việc thanh toán, thương lượng thanh toán hoặc thực hiện bất kỳ nghĩa vụ nào khác theo thư tín dụng không phụ thuộc vào các khiếu nại hoặc cáo buộc từ phía người yêu cầu mở thư tín dụng phát sinh từ mối quan hệ của họ với ngân hàng phát hành, hoặc người thụ hưởng. Người thụ hưởng, trong mọi trường hợp, không thể lợi dụng các quan hệ hợp đồng giữa các ngân hàng với nhau hoặc giữa người yêu cầu mở thư tín dụng với ngân hàng phát hành.

b.  Ngân hàng phát hành không được phép ủng hộ mọi cố gắng của người yêu cầu mở thư tín dụng trong việc đưa các bản sao của hợp đồng cơ sở, hoá đơn quy ước và các chứng từ tương tự trở thành bộ phận không tách rời của thư tín dụng.

lý do của nguyên tắc về tính độc lập của thư tín dụng:

Trong trường hợp bên mua đã chấp nhận một hối phiếu đòi nợ nhưng phát hiện ra rằng bên bán đã phá vỡ một số nghĩa vụ của mình trong hợp đồng mua bán, đáng chú ý nhất là số hàng hóa có chất lượng hoặc số lượng không như mong đợi. Thông thường, những gì bên mua cố gắng làm là ngăn chặn khoản tiền sẽ được ngân hàng thanh toán cho bên bán. Tuy nhiên, thực tế rất khó để làm điều này, trừ một số trường hợp ngoại lệ.[162]

lý do đằng sau thực tế này được một thẩm phán người Anh giải thích như sau:

Bên mua thường kiếm tìm một lệnh của tòa án nhằm ngăn chặn ngân hàng trả tiền khi hàng hóa không phù hợp với mô tả trong hợp đồng, nhưng tòa án không sẵn sàng ban hành lệnh đó. lý do của việc này là: Nghĩa vụ thanh toán của ngân hàng theo thư tín dụng được tách khỏi hợp đồng mua bán, và tòa án sẽ chỉ can thiệp khi có hậu quả đủ nghiêm trọng xảy ra. Việc cho phép bên mua can thiệp vào thỏa thuận thanh toán giữa ngân hàng phát hành và bên bán (người thụ hưởng), khi hàng hóa không phù hợp với mô tả trong hợp đồng, sẽ gây tác động nghiêm trọng tới thương mại quốc tế, bởi vì bên bán, khi tham gia vào hợp đồng mua bán có hình thức thanh toán thông qua thư tín dụng, đã có niềm tin rằng anh ta sẽ được trả tiền thông qua một thư tín dụng không thể bị huỷ, và có thể dựa vào quy định tại thư tín dụng để mua hàng từ nhà sản xuất hoặc tự mình sản xuất hàng hóa. Nếu tòa án can thiệp, thì tính vững chắc của việc thanh toán, thường gắn liền với thư tín dụng thương mại, sẽ bị tác động nghiêm trọng.[163]

7.2. Tiêu chuẩn kiểm tra chứng từ

Điều 14 UCP quy định rằng:

a.  Ngân hàng được chỉ định hành động theo sự chỉ định, [với tư cách] ngân hàng xác nhận, nếu có, và ngân hàng phát hành phải kiểm tra việc xuất trình [chứng từ], chỉ dựa trên cơ sở chứng từ, để quyết định các chứng từ xuất hiện trước mặt họ có phải là sự xuất trình [chứng

từ] hợp lệ hay không.

b. Ngân hàng được chỉ định hành động theo sự chỉ định, [với tư cách] ngân hàng xác nhận, nếu có, và ngân hàng phát hành sẽ có, cho mỗi ngân hàng, tối đa là năm ngày làm việc của ngân hàng sau ngày [chứng từ được] xuất trình để quyết định việc xuất trình [chứng từ] có hợp lệ hay không. Thời hạn này không bị rút ngắn hoặc không bị tác động bằng bất cứ cách nào khác, nếu ngày hết hạn hoặc ngày xuất trình cuối cùng rơi đúng vào hoặc sau ngày xuất trình.

Trên thực tế, theo quy định tại Điều 14 UCP, ngân hàng được chỉ định, ngân hàng xác nhận (nếu có) và ngân hàng phát hành, thường chỉ quan tâm đến việc nhằm bảo đảm rằng chứng từ được xuất trình trước mặt họ là sự xuất trình [chứng từ] hợp lệ, không phải để kiểm tra tính xác thực của các thông tin trong chứng từ, lại càng không phải để kiểm tra hàng hóa là đối tượng của hợp đồng mua bán.

Ngoài ra, Điều 5 UCP cũng nhấn mạnh rằng: ‘Ngân hàng xử lý chứng từ, không xử lý hàng hóa, dịch vụ hoặc sự thực hiện [các việc khác] có liên quan tới các chứng từ’. Do đó, nếu chứng từ được xuất trình đúng trình tự, thì ngân hàng, nói chung, sau đó, sẽ có cả quyền và nghĩa vụ thanh toán. Ngược lại, nếu chứng từ không đúng theo quy định của thư tín dụng, thì ngân hàng có quyền từ chối thanh toán, ngay cả khi sự sai lệch này không hề quan trọng trên thực tế.

8- Luật điều chỉnh tín dụng chứng từ (thư tín dụng)

Như đã nêu ở trên, trong một giao dịch thư tín dụng, có một số quan hệ hợp đồng khác nhau. Bỏ qua hợp đồng mua bán cơ sở, có các loại hợp đồng khác giữa: (i) Bên mua và ngân hàng phát hành; (ii) Ngân hàng phát hành và ngân hàng xác nhận; (iii) Ngân hàng xác nhận và bên bán; và (iv) Ngân hàng phát hành và bên bán.

Khi có tranh chấp phát sinh hoặc có liên quan tới quan hệ hợp đồng như vậy, câu hỏi quan trọng về mặt pháp luật có thể phát sinh là: Luật nào điều chỉnh thư tín dụng (hoặc tín dụng chứng từ)? Do mối quan hệ như vậy có tính chất phức tạp và liên quan tới nhiều nước, nên câu trả lời là không dễ dàng. Tuy nhiên, về nguyên tắc, Công ước Rome về Luật áp dụng cho các nghĩa vụ hợp đồng (sau đây gọi là ‘Công ước Rô-ma’) có thể tích cực hỗ trợ giải quyết vấn đề.

Khoản 1 Điều 3 của Công ước quy định rằng luật thích hợp để điều chỉnh loại hợp đồng này, bất kể hợp đồng được thực hiện như thế nào, phải được xác định theo các quy định tại Công ước. Điều 4 Công ước, điều khoản hữu ích nhất, nhằm xác định luật điều chỉnh thư tín dụng, quy định như sau:

I.  Khi không có sự lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng theo quy định tại Điều 3, hợp đồng sẽ được điều chỉnh bởi luật của nước mà nó có mối liên hệ mật thiết nhất. Tuy nhiên, một số phần của hợp đồng có mối liên hệ mật thiết hơn với một nước khác có thể là ngoại lệ và được điều chỉnh bởi luật của nước khác đó.

J. Theo quy định tại khoản 5 của Điều này, hợp đồng có thể được coi là có mối liên hệ mật thiết nhất với nước nơi bên có tác động tới sự thực hiện hợp đồng mà sự thực hiện này tạo nên tính chất của hợp đồng đó, tại thời điểm giao kết hợp đồng, có địa chỉ thường trú, hoặc trong trường hợp một nhóm hợp nhất hoặc không hợp nhất, là cơ quan hành chính trung tâm (của nhóm đó). Tuy vậy, nếu hợp đồng được đưa vào thực hiện trong hoạt động kinh doanh hoặc nghề nghiệp của bên đó, thì nước có mối liên hệ mật thiết nhất với hợp đồng sẽ là nước nơi bên đó có địa bàn kinh doanh chính, hoặc, nếu căn cứ theo các điều khoản của hợp đồng, việc thực hiện hợp đồng có hiệu lực tại một địa bàn kinh doanh khác với địa bàn kinh doanh chính, thì nước có địa bàn kinh doanh khác đó sẽ là nước có mối liên hệ mật thiết nhất với hợp đồng.

III- THƯ TÍN DỤNG DỰ PHÒNG (STANDBY CREDITS), TRÁI PHIẾU BẢO LÃNH (PERFORMANCE BONDS) VÀ BẢO LÃNH (GUARANTEES) 

Thư tín dụng dự phòng, trái phiếu bảo lãnh và bảo lãnh có chức năng khác với thư tín dụng (hay tín dụng chứng từ). Nếu như chức năng của thư tín dụng là nhằm thanh toán cho hàng hóa hoặc dịch vụ trên cơ sở chứng từ, thì chức năng của các công cụ nêu trên (thư tín dụng dự phòng, trái phiếu bảo lãnh và bảo lãnh) là nhằm bảo đảm trong trường hợp một bên không hoàn thành nghĩa vụ khi thực hiện hợp đồng cơ sở. Mặc dù thư tín dụng dự phòng, trái phiếu bảo lãnh và bảo lãnh có thể được sử dụng để bảo đảm việc thực hiện hợp đồng của bên mua và (thường là) bên bán trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, các loại công cụ này thường được sử dụng trong các hợp đồng xây dựng quốc tế, khi bên sử dụng lao động ở nước ngoài yêu cầu sự bảo đảm tài chính từ bên thứ ba có uy tín (thường là ngân hàng), đề phòng trường hợp nhà thầu không hoàn thành nghĩa vụ thực hiện hợp đồng.

1- Thư tín dụng dự phòng

Thư tín dụng dự phòng giống như thư tín dụng thông thường ở chỗ nó được phát hành bởi một ngân hàng, gắn với cam kết thanh toán cho bên thứ ba (người thụ hưởng) hoặc chấp nhận hối phiếu được ký phát bởi bên thứ ba này, với điều kiện người thụ hưởng xuất trình được các chứng từ phù hợp. Tuy nhiên, nếu như thư tín dụng là cơ chế thanh toán chính trong việc hoàn thành nghĩa vụ thanh toán được nêu trong hợp đồng cơ sở (nói khác đi, ngân hàng phát hành hoặc ngân hàng xác nhận là nơi đầu tiên thực hiện việc trả tiền), thì thư tín dụng dự phòng được lập ra như là biện pháp bảo đảm với mục đích là việc rút tiền chỉ được thực hiện khi bên thực hiện công việc, hoặc cung ứng hàng hóa, dịch vụ không hoàn thành việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng đối với người thụ hưởng.Trách nhiệm của ngân hàng trong thư tín dụng dự phòng được dự kiến là trách nhiệm thứ cấp, đứng sau bên chịu trách nhiệm chính (mặc dù, về mặt kỹ thuật, mẫu thư tín dụng dự phòng có thể khiến ngân hàng có vẻ như là bên chịu trách nhiệm chính), và thư tín dụng dự phòng thực hiện chức năng bảo đảm như một ngân hàng làm nhiệm vụ bảo lãnh. Tuy nhiên, khác với trường hợp bảo lãnh, thư tín dụng dự phòng có thể được sử dụng bằng cách đệ trình các chứng từ đã được xác định mà bên thụ hưởng không phải chứng minh sự vi phạm hợp đồng từ bên chịu trách nhiệm chính, ví dụ: chứng từ đã được xác định có thể chỉ đơn giản là yêu cầu hoặc lời khai của người thụ hưởng rằng bên có trách nhiệm chính đã vi phạm hợp đồng.

Thư tín dụng dự phòng được UCP điều chỉnh, do đó nói chung là nguyên tắc về tính độc lập của thư tín dụng cũng được áp dụng cho thư tín dụng dự phòng. Tuy nhiên, do UCP bị đánh giá là không phù hợp với bản chất bảo đảm của thư tín dụng dự phòng, nên ICC đã cộng tác với Viện Luật và thực tiễn ngân hàng quốc tế (Institute of International Banking Law and Practice) cho ra đời Quy tắc về thực hành thư tín dụng dự phòng quốc tế (Rules on International Standby Credit Practices) (Ấn phẩm của ICC, số 590) (viết tắt là ‘ISP 98’), có hiệu lực từ ngày 1/1/1999. Thư tín dụng dự phòng có thể được coi là thuộc phạm vi điều chỉnh của UCP hoặc của Quy tắc nêu trên, tùy thuộc vào ý chí của các bên.

ISP 98 đã phản ánh ‘thông lệ và tập quán được chấp nhận liên quan tới thư tín dụng dự phòng. ISP 98 điều chỉnh nhiều nghĩa vụ như: cam kết thanh toán của bên phát hành, việc xuất trình chứng từ theo yêu cầu, sự kiểm tra chứng từ hợp lệ và các loại chứng từ dự phòng, và sự chuyển nhượng quyền nhận thanh toán. ISP 98 có nhiều điểm tương đồng với UCP, nhưng được ban hành nhằm đặc biệt điều chỉnh thư tín dụng dự phòng, ví dụ, có quy tắc cho phép chuyển nhượng nhiều lần (Quy tắc 6.02), rút một phần tiền (Quy tắc 3.08).

Song song với UCP và ISP 98, còn một công cụ khác có thể được áp dụng để điều chỉnh thư tín dụng dự phòng. Đó là Công ước 1995 của Liên hợp quốc về bảo lãnh độc lập và thư tín dụng dự phòng (the United Nations Convention on Independent Guarantees and Standby Letters of Credit 1995). Mục tiêu của Công ước là nhằm cung cấp một tập hợp quy tắc đã được hài hoà hoá phục vụ cho việc sử dụng thư tín dụng dự phòng và các biện pháp bảo lãnh độc lập (thực hiện/yêu cầu bảo lãnh) và bảo đảm sự độc lập của các cam kết độc lập thông qua những nguyên tắc được Công ước đặt ra. Phạm vi áp dụng của Công ước được nêu tại Điều 1. Công ước áp dụng cho cam kết quốc tế, khi mà người bảo lãnh/phát hành thường trú ở một nước thành viên Công ước, hoặc trong trường hợp quy phạm tư pháp quốc tế dẫn chiếu tới việc áp dụng luật của một nước thành viên Công ước. Các bên có thể tùy ý loại trừ việc áp dụng Công ước.

2- Trái phiếu bảo lãnh (Performance Bonds) và bảo lãnh (Guarantees)

Thuật ngữ ‘trái phiếu bảo lãnh’ và ‘bảo lãnh thực hiện’ đôi khi được gọi là trái phiếu bảo lãnh theo yêu cầu hoặc bảo lãnh theo yêu cầu (sau đây được gọi là ‘bảo lãnh theo yêu cầu’ (‘demand guarantee’). Ngân hàng chấp nhận bảo lãnh theo yêu cầu, theo đó đồng ý thanh toán theo yêu cầu bằng văn bản cho người thụ hưởng, hoặc tuyên bố của người thụ hưởng về việc không thực hiện đúng các nghĩa vụ hợp đồng của bên có trách nhiệm chính. Người thụ hưởng chỉ cần yêu cầu thanh toán mà không phải chứng minh rằng bên có trách nhiệm chính đã không thực hiện đúng các nghĩa vụ theo hợp đồng cơ sở (mặc dù đôi khi yêu cầu có thể phải kèm theo các chứng từ xác định như giấy chứng nhận của bên thứ ba độc lập về việc bên có trách nhiệm chính đã không thực hiện đúng hợp đồng, hoặc khoản thanh toán đã đáo hạn). Bảo lãnh theo yêu cầu có thể được chấp nhận bởi một ngân hàng tại nước của người thụ hưởng, trên cơ sở bảo lãnh đối ứng từ ngân hàng của bên có trách nhiệm chính (bảo lãnh theo yêu cầu gồm 4 bên). Trong bất cứ trường hợp nào, ngân hàng của bên có trách nhiệm chính cũng sẽ yêu cầu được bồi thường ngược lại từ khách hàng của mình.

Đối với bảo lãnh theo yêu cầu, bước tiến quan trọng gần đây là việc thông qua ‘Quy tắc thống nhất về bảo lãnh theo yêu cầu (URDG), ấn phẩm số 758’ (‘Uniform Rules for Demand Guarantees, Brochure No 758’) (viết tắt là ‘URDG’) trên phạm vi toàn thế giới với đa số phiếu, tại cuộc họp của Ủy ban ICC về kỹ thuật và thực tiễn ngân hàng (ICC Commission on Banking Technique and Practice) ngày 24/11/2009. Tập hợp các quy tắc này (35 điều) sẽ mang đến câu trả lời và giải pháp công bằng cho lợi ích của các bên trong mọi trường hợp. Các quy tắc sẽ giúp tránh được sự do dự, hiểu lầm và hoang mang dẫn tới các vụ kiện kéo dài không cần thiết. Việc viện dẫn và áp dụng phổ biến các quy tắc này trong thế giới ngày nay nhằm mục đích lấp đầy các lỗ hổng trong thực tiễn, thuần túy dựa trên cơ sở đánh giá các điều khoản đã được thỏa thuận. Trong nhiều trường hợp, thực tiễn cho thấy bảo lãnh là công cụ nhằm cứu vãn các tình huống khó và gây tranh cãi. Việc các bên chấp nhận các quy tắc, trừ trường hợp có sự sửa đổi hoặc loại bỏ, sẽ hỗ trợ chính họ trong công việc của mình, đồng thời tạo thuận lợi và đơn giản hoá cách thức thực hiện kinh doanh quốc tế.

Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương, tổng hợp (từ Giáo trình Luật Thương mại quốc tế - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).
 

0 bình luận, đánh giá về Thanh toán hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.17564 sec| 1306.719 kb