Thành viên của công ty hợp danh

22/02/2023
Ở Việt Nam, quy định về công ty hợp danh theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 có những điểm đặc thù không hoàn toàn giống với luật các nước. Cụ thể, công ty hợp danh được định nghĩa là doanh nghiệp, trong đó: (i) Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (gọi là thành viên hợp danh); Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn; Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty; Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty; (ii) Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp; (iii) Công ty hợp danh không được phát hành bất kì loại chứng khoán nào (Điều 172).

1- Các loại thành viên công ty hợp danh

1.1- Thành viên hợp danh

Thứ nhất, điều kiện trở thành thành viên họp danh

Cá nhân thoả mãn điều kiện sau đây có quyền trở thành thành viên họp danh của công ty hợp danh:

- Cá nhân không thuộc trường hợp bị cấm theo khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Cụ thể, đó không phải là cá nhân rơi vàọ các trựờng họp (Ị) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, cộng chức, viên chức; (ii) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức qủốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp (Tong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lí phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; (iii) Cán bộ lãnh đạo, quản lí nghiệp vụ trong DNNN, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lí phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác; (iv) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; (v) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lí hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm . hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Toà án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.

- Góp vốn theo thoả thuận và được ghi vào Điêu lệ công ty. Việc góp vốn nhiều hay ít hoàn toàn phụ thuộc vào sự thoả thuận giữa các thành viên mà không chịu sự ràng buộc từ pháp luật. Tuy nhiên, khi đã cam kết, thành viên hợp danh phải góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết vào công ty. Trường hợp không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết gây thiệt hại cho công ty, thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty.
Thành viên hợp danh phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty. Đối với tài sản có đăng kí quyền sở hữu hoặc giá trị quyền sử dụng đất, người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền; việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ. Đối với tài sản không đăng kí quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giạo nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản.

- Đáp ứng điều kiện về chứng chỉ hành nghề theo quy định trong trường hợp công ty kinh doanh ngành nghề đòi hỏi phải có chứng chỉ hành nghề. Những ngành nghề đòi hỏi chứng chỉ hành nghề là những ngành nghề đòi hỏi trình độ chuyên môn, uy tín nghề nghiệp của các cá nhân tham gia. Điều này thích hợp với bản chất pháp lí của công ty hợp danh là sự liên kết dựa vào nhân thân các thành viên, do vậy, trên thực tế, các công ty hợp danh thường kinh doanh trong những ngành nghề này, ví dụ: tư vấn pháp luật; khám chữa bệnh; tư vấn về thiết kế, về kiến trúc... Tuỳ từng ngành nghề cụ thể mà việc đòi hỏi chứng chỉ hành nghề đối với các cá nhân có thể khác nhau như: có ngành nghề đòi hỏi giám đốc doanh nghiệp hoặc người đứng đầu cơ sở kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề; có ngành nghề đòi hỏi giám đốc và ít nhất một cán bộ chuyên môn phải có chứng chỉ hành nghề; có ngành nghề đòi hỏi ít nhất một cán bộ chuyên môn phải có chứng chỉ hành nghề... Trong trường hợp kinh doanh ngành nghề như vậy, thành viên hợp danh phải đáp ứng điều kiện về chứng chỉ theo yêu cầu. Việc đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ hành nghề không đặt ra ở thủ tục đăng kí doanh nghiệp tại cơ quan đăng kí kinh doanh như trước đây, mà đáp ứng theo yêu cầu của cơ quan quản lí chuyên ngành khi kinh doanh ngành nghề đòi hỏi trình độ chuyên môn của người thực hiện.

Thứ hai, quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh

- Quyền của thành viên hợp danh

Thành viên hợp danh có các quyền sau đây:

- Tham gia họp, thảo luận và biểu quyết về các vấn đề của công ty; mỗi thành viên hợp danh có một phiếu biểu quyết hoặc có số phiếu biểu quyết khác quy định tại Điều lệ công ty. Đây là điểm khác biệt so với quyền của thành viên công ty TNHH hay cổ đông CTCP, khi ở các công ty này, thành viên hoặc cổ đông biểu quyết trên tỉ lệ vốn góp. Đối với thành viên hợp danh, mặc dù tỉ lệ vốn góp có thể khác nhau, nhưng theo Luật, quyền biểu quyết của các thành viên là như nhau. Quy định này xuất phát từ chế độ chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới của các thành viên hợp danh; tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp năm 2005 và năm 2014 cũng cho phép thành viên có thể thoả thuận về số phiếu biểu quyết khác và ghi vào Điều lệ công ty;

- Nhân danh công ty tiến hành hoạt động kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh của công ty; đàm phán và kí kết hợp đồng, thỏa thuận hoặc giao ước với những điều kiện mà thành viên hợp danh đó cho là có lợi nhất cho công ty;

- Sử dụng con dấu, tài sản của công ty để hoạt động kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh của công ty; trường hợp ứng trước tiền của mình để thực hiện công việc kinh doanh của công ty thì có quyền yêu cầu công ty hoàn trả lại cả số tiền gốc và lãi theo lãi suất thị trường trên số tiền gốc đã ứng trước;

- Yêu cầu công ty bù đắp thiệt hại từ hoạt động kinh doanh trong thẩm quyền nếu thiệt hại đó xảy ra không phải do sai sót cá nhân của chính thành viên đó;

- Yêu cầu công ty, thành viên hợp danh khác cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của công ty; kiểm tra tài sản, sổ kế toán và các tài liệu khác của công ty khi xét thấy cần thiết;

- Được chia lợi nhuận tương ứng với tỉ lệ vốn góp hoặc theo thỏa thuận quy định tại Điều lệ công ty. Trên thực tế, vì các thành viên có thể góp vốn vào công ty hợp danh theo tỉ lệ khác nhau, nên việc chia lợi nhuận sẽ tương ứng với phần vốn góp. Quy định này khiến việc chia lợi nhuận của thành viên công ty hợp danh giống việc chia lợi nhuận của thành viên công ty TNHH hay cổ đông CTCP. Tuy nhiên, các thành viên có thể thoả thuận cách thức chia lợi nhuận khác và ghi vào Điều lệ công ty. Đây là điểm đặc biệt của Luật Doanh nghiệp năm 2005 và năm 2014, khi cho phép các thành viên được thoả thuận một cách thức chia khác quy định của Luật và ghi vào Điều lẹ công ty;

- Khi công ty giải thể hoặc phá sản, được chia một phần giá trị tài sản còn lại tương ứng theo tỉ lệ phần vốn góp vào công ty nếu Điều lệ công ty không quy định một tỉ lệ khác;

- Trường hợp thành viên hợp danh chết thì người thừa kế của thành viên được hưởng phần giá trị tài sản tại công ty sau khi đã trừ đi phần nợ thuộc trách nhiệm của thành viên đó. Người thừa kế có thể trở thành thành viên hợp danh nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận. Quy định này là hợp lí khi người thừa kế chỉ được thừa kế về tài sản của thành viên; không được thừa kế tư cách tliành viên hợp danh của người để lại tài sản thừa kế (khác quy định về việc thừa kế của thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên); 

- Các quyền khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

- Nghĩa vụ của thành viên hợp danh

Thành viên họp danh có các nghĩa vụ sau đây:

- Tiến hành quản lí và thực hiện công việc kinh doanh một cách trung thực, cẩn trọng và tốt nhất bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa cho công ty;

- Tiến hành quản lí và hoạt động kinh doanh của công ty theo đúng quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và nghị quyết của Hội đồng thành viên; nếu làm trái quy định tại điểm này, gây thiệt hại cho công ty thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại;

- Không được sử dụng tài sản của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

- Hoàn trả cho công ty số tiền, tài sản đã nhận và bồi thường thiệt hại gây ra đối với công ty trong trường hợp nhân danh công ty, nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác để nhận tiền hoặc tài sản khác từ hoạt động kinh doanh của công ty mà không đem nộp cho công ty;

- Liên đới chịu trách nhiệm thanh toán hết số nợ còn lại của công ty nếu tài sản của công ty không đủ để trang trải số nợ của công ty; ;

- Chịu lỗ tương ứng với phần vốn góp vào công ty hoặc theo thỏa thuận quy định tại Điều lệ công ty trong trường hợp công ty kinh doanh bị lỗ. Tương tự như khi chia lợi nhuận, việc chịu lỗ của thành viên hợp danh công ty hợp danh cũng trên cơ sở phần vốn góp của thành viên giống như thành viên công ty TNHH hay cổ đông CTCP. Tuy nhiên, Luật cũng cho phép các thành viên được thoả thuận cách chịu rủi ro khác và ghi vào Điều lệ công ty;

- Định kì hằng tháng báo cáo trung thực, chính xác bằng văn bản tình hình và kết quả kinh doanh của mình với công ty; cung cấp thông tin về tình hình và kết quả kinh doanh của mình cho thành viên có yêu cầu;

- Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

- Hạn chế đối với quyền của thành viên hợp danh

- Thành viên hợp danh không được làm chủ DNTN hoặc thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác, trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại. Điều này khá mâu thuẫn với quy định: “Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty họp danh” tại khoản 3 Điều 183 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Đây là quy định mới bổ sung vào Luật Doanh nghiệp năm 2014, nhưng việc bổ sung này sẽ dẫn đến việc áp dụng Luật khó khăn hơn;

- Thành viên hợp danh không được quyền nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác thực hiện kinh doanh cùng ngành, nghề kinh doanh của công ty đó để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

- Thành viên hợp danh không được quyền chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại. Điều này thể hiện sự ràng buộc giữa các thành viên hợp danh trong công ty là chặt chẽ, khiến việc rút lại phần vốn đã góp của thành viên hợp danh khó khăn khi có một hoặc một số thành viên hợp danh không đồng ý. Nếu điều này xảy ra, việc thành viên hợp danh đã góp vốn muốn lấy lại phần vốn đã góp, trên cơ sở đó làm mất đi tư cách thành viên hợp danh của mình là không thể xảy ra, cho dù thành viên vì một lí do nào đó đã không muốn trở thành thành viên công ty nữa;
Tóm lại, thành viên hợp danh bị hạn chế một số quyền mà thành viên công ty TNHH hay cổ đông CTCP không bị áp dụng. Điều này xuất phát từ sự liên kết chặt chẽ về nhân thân của thành viên hợp danh - loại hình đặc trưng của công ty đối nhân; nhưng cũng vì vậy mà không phải nhà kinh doanh nào cũng mong muốn trở thành thành viên hợp danh của công ty hợp danh.

1.2- Thành viên góp vốn

Thứ nhất, điều kiện trở thành thành viên góp vốn

- Thành viên góp vốn phải là tổ chức, cá nhân trừ các đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Cụ thể, tổ chức, cá nhân không phải là: (i) Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình; (ii) Các đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

- Góp vốn vào công ty theo thoả thuận và được ghi vào Điều lệ công ty. Thành viên góp vốn phải góp đủ và đúng hạn số vốn như 152 
đã cam kết. Nếu không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp đủ được coi là khoản nợ của thành viên đối với công ty; trong trường hợp này, thành viên góp vốn có thể bị khai trừ khỏi công ty theo quyết định của Hội đồng thành viên. Thành viên góp vốn phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn vào công ty để hình thành tài sản của công ty giống như thành viên hợp danh.
Thứ hai, quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn

Quyền của thành viên góp vốn

Thành viên góp vốn có các quyền sau đây:

- Tham gia họp, thảo luận vắ biểu quyết tại Hội đồng thành viên về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung các quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn, về tổ chức lại và giải thể công ty và các nội dung khác của Điều lệ công ty có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của họ. Thành viên góp vốn không có quyền họp và biểu quyết về các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của công ty hợp danh, hay nói cách khác, họ không có quyền quản lí công ty; chỉ có quyền họp và biểu quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của họ tại công ty. về quyền này, thành viên góp vốn khác với thành viên hợp danh của công ty hợp danh, thành viên công ty TNHH hay cổ đông CTCP, vì các thành viên của các công ty đó đều được quyền quản lí công ty ngang nhau hoặc theo tỉ lệ vốn góp. Với việc không có quyền quyết định các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của công ty hợp danh, không phải cá nhân, tổ chức nào cũng mong muốn trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh khi có những sự lựa chọn tốt hơn;

- Được chia lợi nhuận hằng năm tương ứng với tỉ lệ vốn góp trong vốn điều lệ của công ty;

- Được cung cấp báo cáo tài chính hằng năm của công ty; có quyền yêu cầu Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên hợp danh cung cấp đầy đủ và trung thực các thông tin về tình hình và kết quả kinh doanh của công ty; xem xét sổ kế toán, biên bản, hợp đồng, giao dịch, hồ sơ và tài liệu khác của công ty;

- Chuyển nhượng phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác;

- Nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác tiến hành kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh của công ty;

- Định đoạt phần vốn góp của mình bằng cách để thừa kế, tặng cho, thế chấp, cầm cố và các hình thức khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty; trường hợp chết thì người thừa kế thay thế thành viên đã chết trở thành thành viên góp vốn của công ty. Quy định này khiến việc trở thành thành viên của người thừa kế thành viên góp vốn khác với người thừa kế thành viên hợp danh, vì người thừa kế thành viên hợp danh chỉ được trở thành thành viên công ty khi được Hội đồng thành viên chấp thuận;

- Được chia một phần giá trị tài sản còn lại của công ty tương ứng với tỉ lệ vốn góp trong vốn điều lệ công ty khi công ty giải thể hoặc phá sản;

- Các quyền khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty.

Nghĩa vụ của thành viên góp vốn

Thành viên góp vốn có các nghĩa vụ sau đây:

- Chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp, hay nói cách khác, thành viên góp vốn chịu TNHH về mọi khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của công ty. Đây là điểm khác biệt rõ nét giữa thành viên góp vốn và thành viên hợp danh trong công ty; khi thành viên hợp danh chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới về mọi nghĩa vụ của công ty;

- Không được tham gia quản lí côìig ti, không được tiến hành công việc kinh doanh nhân danh công ty. Quy định này đâ làm hạn chế quyền của thành viên góp vốn, khi họ không có quyền quyết định về mọi hoạt động kinh doanh của công ty hợp danh;

- Tuân thủ Điều lệ, nội quy công ty và quyết định của Hội đồng thành viên;

- Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty.

2- Hình thành, chấm dứt tư cách thành viên công ty hợp danh

2.1- Hình thành tư cách thành viên

Tư cách thành viên công ty hợp danh hình thành bằng các con đường sau:

Một là: Góp vốn vào công ty

Cá nhân khi trở thành thành viên hợp danh; cá nhân, tổ chức khi trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh phải góp vốn vào công ty. Thành viên có thể góp đủ phần vốn định góp hoặc góp dần theo tiến độ cam kết góp vốn được thoả thuận tại Điều lệ công ty. Từ Luật Doanh nghiệp năm 1999, Luật Doanh nghiệp năm 2005 đến Luật Doanh nghiệp năm 2014 đều không giới hạn số vốn tối thiểu, tối đa mà thành viên phải góp hay được góp vào công ty mà theo thoả thuận giữa các thành viên. Thành viên có thể góp vốn bằng tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản hiện vật, tài sản khác do các thành viên thoả thuận và đưa vào Điều lệ... Khi góp đủ, thành viên được công ty cấp giấy chứng nhận phần vốn góp, khẳng định thành viên có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của thành viên công ty. Nếu không có khả năng góp vốn hoặc không góp vốn vào công ty như đã cam kết sau khi công ty đã có yêu cầu lần thứ hai, thành viên đó sẽ không còn là thành viên công ty nữa.

Hai là: Nhận chuyến nhượng phần vốn góp của thành viên công ty

Một người khi nhận chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên công ty hợp danh sẽ trở thành thành viên công ty, nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận. Như vậy, việc trở thành thành viên công ty hợp danh theo cách này không dễ dàng, vì chỉ cần một thành viên công ty không đồng ý, người nhận chuyển nhượng dù đã nhận phần vốn góp của thành viên vẫn không trở thành thành viên công ty; ngược lại, thành viên chuyển nhượng cũng không mất đi tư cách thành viên dù đã thực hiện việc chuyển nhượng phần vốn góp. Điều này thể hiện sự liển kết chặt chẽ của các thành viên trong công ty, vì khi việc tiếp nhận thành viên mới theo cách này, có thể phá vỡ sự liên kết về nhân thân giữa các thành viên.

Ba là: Được tặng cho, được thừa kế phần vốn góp của thành viên công ty

Khi một người được tặng cho hay được thừa kế phần vốn góp của thành viên công ty hợp danh sẽ trở thành thành viên công ty, nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận. Như vậy, việc được tặng cho hay thừa kế chưa làm phát sinh tư cách thành viên cho người được tặng cho hay người được thừa kế; mà chỉ khi được sự đồng ý của các thành viên công ty, tư cách thành viên công ty mới được xác lập (trừ thành viên góp vốn). Quy định này khiến việc hình thành tư cách thành viên công ty hợp danh chặt chẽ hơn CTCP, công ty TNHH - loại hình mà sự liên kết giữa các thành viên không dựa vào nhân thân, mà dựa vào phần vốn góp của thành viên.

Bổn là: Được nhận nợ bằng phần vổn góp vào công ty của thành viên công ty

Cá nhân, tổ chức khi được nhận nợ bằng phần vốn góp của thành viên công ty hợp danh cũng có thể trở thành thành viên công ty, nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận. Tuy nhiên, cũng giống như việc hình thành tư cách thành viên thông qua chuyển nhượng, được tặng cho hay được thừa kế phần vốn góp, việc nhận nợ bằng phần vốn góp chỉ làm phát sinh tư cách thành viên công ty hợp danh cho người nhận, nếu các thành viên công ty nhất trí để người nhận nợ trở thành thành viên công ty. Nếu không, người nhận nợ bằng phần vốn góp sẽ chào bán phần vốn góp đó cho các thành viên còn lại trong công ty theo giá thoả thuận để nhận lại khoản tiền mà mình đã cho thành viên công ty hợp danh vay.

2.2- Chấm dứt tư cách thành viên công ty hợp danh

Thứ nhất, chấm dứt tu cách thành viên hợp danh

Tư cách thành viên hợp danh của công ty hợp danh chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

- Tự nguyện rút vốn khỏi công ty. Thành viên hợp danh có quyền rút vốn khỏi công ty nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận. Trường hợp này, thành viên muốn rút vốn khỏi công ty phải thông báo bằng văn bản yêu cầu rút vốn chậm nhất 06 tháng trước ngày rút vốn; chỉ được rút vốn vào thời điểm kết thúc năm tài chính và báo cáo tài chính của năm tài chính đó đã được thông qua. Như vậy, việc rút vốn của thành viên công ty hợp danh khá khó khăn, thể hiện sự ràng buộc chặt chẽ giữa các thành viên trong công ty;

- Đã chết, bị Toà án tuyên bố là mất tích, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự. Trường hợp chấm dứt tư cách thành viên của thành viên bị hạn chế hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự thì phần vốn góp của thành viên đó được hoàn trả công bằng và thỏa đáng;

- Bị khai trừ khỏi công ty, nếu: (i) Không có khả năng góp vốn hoặc không góp vốn như đã cam kết sau khi công ty đã có yêu cầu lần thứ hai; (ii) Vi phạm quy định về các trường hợp hạn chế quyền của thành viên hợp danh; (iii) Tiến hành công việc kinh doanh không trung thực, không cẩn trọng hoặc có hành vi không thích hợp khác gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của công ty và các thành viên khác; (iv) Không thực hiện đúng các nghĩa vụ của thành viên hợp danh;

- Các trường hợp khác do Điều lệ công ty quy định.

Trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày chấm dứt tư cách thành viên hợp danh khi không góp vốn hoặc tiến hành kính doanh không trung thực, người đó vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ của công ty đã phát sinh trước ngày chấm dứt tư cách thành viên.

Sau khi chấm dứt tư cách thành viên, nếu tên của thành viên bị chấm dứt đã được sử dụng làm thành một phần hoặc toàn bộ tên công ty thì người đó hoặc người thừa kế, người đại diện theo pháp luật của họ có quyền yêu cầu công ty chấm dứt việc sử dụng tên đó.

Thứ hai, chấm dứt tư cách thành viên góp vốn

Tư cách thành viên góp vốn của công ty hợp danh chấm dứt khi: (i) Thành viên là cá nhân chết, mất tích; thành viên là tổ chức bị giải thể, phá sản; (ii) Thành viên chưa góp vốn vào công ty cho đến hết thời hạn cam kết góp ghi trong Điều lệ công ty; (iii) Thành viên chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác; (iv) Thành viên bị khai trừ khỏi công ty. Các trường hợp này tương tự như các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên của thành viêh công ty TNHH hay cổ đông CTCP, vì các chủ thể này đều chịu TNHH.

Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương, tổng hợp (từ Giáo trình Luật Thương mại 1 - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).

0 bình luận, đánh giá về Thành viên của công ty hợp danh

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.17829 sec| 1043.203 kb