Tổng quan về Ngân sách nhà nước

01/06/2024
Nguyễn Kim Chi
Nguyễn Kim Chi
Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước, được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước. Tổng quan về Ngân sách nhà nước bao gồm [1] Khái niệm, [2] Đặc điểm, [3] Vai trò, [4] Nguyên tắc cơ bản, [5] Cơ cấu tổ chức.

1- Khái niệm ngân sách nhà nước

Theo phương diện kinh tế: Ngân sách nhà nước là bản dự toán các khoản thu và chi tiền tệ của một quốc gia, được cơ quan có thẩm quyền của nhà nước quyết định, để thực hiện trong thời hạn nhất định, thường là 01 năm.

Theo phương diện pháp lý, tại Khoản 14 Điều 4 Luật Ngân sách nhà nước quy định: “Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước”.

Như vậy, ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước, được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực thuế - kế toán của Công ty Luật TNHH Everest

2- Đặc điểm của ngân sách nhà nước

Ngân sách nhà nước mang những đặc điểm sau:

Thứ nhất, ngân sách nhà nước là một kế hoạch tài chính khổng lồ cần được Quốc Hội biểu quyết thông qua trước khi thi hành. Việc thiết lập ngân sách nhà nước vừa là vấn đề nghiệp vụ, vừa là vấn đề mang tính pháp lý, do đó, nó vừa phản ánh các hành vi kinh tế (lập dự trù các khoản thu, chi sẽ được thực hiện trong tương lai), vừa thể hiện các hành vi pháp lý của chủ thể có thẩm quyền (cơ quan hành pháp có trách nhiệm lập dự toán ngân sách và cơ quan lập pháp có thẩm quyền quyết định bản dự toán đó).

Thứ hai, ngân sách nhà nước là một đạo luật đặc biệt. Nó được ban hành theo trình tự riêng và có hiệu lực 01 năm. Theo thông lệ, sau khi bản dự toán ngân sách nhà nước đã được soạn thảo bởi cơ quan hành pháp thì nó sẽ được chuyển sang cho cơ quan lập pháp xem xét quyết định và ban bố dưới hình thức một đạo luật để thi hành.

Thứ ba, ngân sách nhà nước là kế hoạch tài chính của toàn thế Quốc gia, do Chính phủ tổ chức thực hiện và đặt dưới sự giám sát của Quốc hội. Ngoài ra, nó còn thể hiện quyền giám sát của nhân dân, hướng tới mục tiêu chung, tính công khai, minh bạch của ngân sách nhà nước.

Thứ tư, ngân sách nhà nước được thiết lập và thực thi hoàn toàn vì mục tiêu mưu cầu lợi ích chung cho toàn thể Quốc gia. Nhà nước vì mưu cầu lợi ích chung nên sẽ chi ngân sách vào những mục đích không có lợi ích kinh tế. đặc điểm này cho thấy địa vị và vai trò của Chính phủ trong nền kinh tế đương đại.

Thứ năm, ngân sách nhà nước phản ánh mối tương quan giữa quyền lập pháp và quyền hành pháp trong quá trình xây dựng và thực hiện ngân sách. Theo đó, cơ quan lập pháp ban hành ra ngân sách nhà nước dựa trên sự xây dựng của cơ quan hành pháp, sau đó Chính phủ là người trực tiếp thi hành bản ngân sách này dưới sự giám sát của Quốc hội.

Xem thêm: Thù lao luật sư và Chi phí pháp lý tại Công ty Luật TNHH Everest

3- Vai trò của ngân sách nhà nước

Vai trò của ngân sách nhà nước được thể hiện ở 3 khía cạnh: [1] Điều tiết và thúc đẩy phát triển kinh tế, [2] Giải quyết các vấn đề xã hội (y tế, giáo dục, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp xã hội...), [3] Góp phần ổn định thị trường, chống lạm phát, bình ổn giá cả.

Thứ nhất, ngân sách nhà nước là công cụ phân phối của nhà nước đối với lợi tức Quốc gia. Thông qua ngân sách nhà nước, Chính phủ điều tiết một phần thu nhập của một nhóm người này để san sẻ cho một nhóm người khác, góp phần đem lại sự công bằng tương đối về thu nhập giữa các tầng lớp trong xã hội. Đồng thời tạo ra các “hàng hóa công cộng” như hệ thống đường xá, cầu cống, công trình phúc lợi công cộng mà khu vực tư nhân không thể cung cấp hoặc không muốn cung cấp.

Pháp luật về ngân sách thể hiện vai trò này bằng các quy định về các khoản thu và nhiệm vụ chi. Đối với các khoản thu, có khoản thu thì có thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, tức là chỉ có một số đối tượng thuộc diện phải nộp thuế. Đối với nhiệm vụ chi, có các khoản chi đầu tư để phát triển, có khoản chi để phát triển dịch vụ công cộng, phục vụ lợi ích cộng đồng. 

Thứ hai, ngân sách nhà nước là công cụ điều tiết các hoạt động kinh tế. Ngân sách nhà nước sử dụng để cấp phát cho thành phần kinh tế nhà nước, các ngành nghề quan trọng và được sử dụng để cấp tín dụng ưu đãi cho thành phần kinh tế nhà nước. Ngân sách nhà nước được sử dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế, hoàn thiện môi trường đầu tư. 

Pháp luật ngân sách thể hiện vai trò này thông qua các quy định về thu ngân sách, cụ thể là thu thuế và chi ngân sách, cụ thể là chi tiêu chính phủ. Thông qua công cụ thuế và công cụ chi tiêu chính phủ, nhà nước có thể điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước như bảo hộ nền sản xuất trong nước, xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế,… 

Thứ ba, ngân sách nhà nước là công cụ hướng dẫn tiêu dùng xã hội. Ngân sách được sử dụng để can thiệp vào thị trường nhằm bình ổn giá cả thông qua công cụ thuế và các khoản chi từ ngân sách nhà nước dưới các hình thức tài trợ vốn, trợ giá và sử dụng các quỹ dự trữ hàng hoá và dự trữ tài chính. 

Pháp luật ngân sách thể hiện vai trò này thông qua các quy định về thuế. Khi nhà nước muốn hướng người tiêu dùng đến những loại mặt hàng nào hay giảm thiểu tiêu dùng những loại mặt hàng nào thì sẽ sử dụng công cụ thuế. 

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về Sáp nhập và Mua lại doanh nghiệp (M&A) của Công ty Luật TNHH Everest

4- Nguyên tắc cơ bản trong tổ chức ngân sách nhà nước

Theo pháp luật Ngân sách Việt Nam thì nguyên tắc cơ bản trong tổ chức ngân sách nhà nước gồm có 04 nguyên tắc sau:

Một là nguyên tắc ngân sách nhất niên. Mỗi năm ngân sách nhà nước biểu quyết ngân sách một lần theo hạn kỳ luật định, dự toán ngân sách nhà nước được thông qua có giá trị thi hành 01 năm).

Hai là nguyên tắc ngân sách đơn nhất. Mọi khoản thu và chi tiền tệ của mỗi quốc gia trong 01 năm chỉ được phép trình bày trong 01 văn kiện duy nhất.

Ba là nguyên tắc ngân sách toàn diện. Mọi khoản thu, chi đều phải thể hiện trong dự toán ngân sách nhà nước, các khoản thu, chi không được phép bù trừ cho nhau mà phải thể hiện rõ ràng từng khoản thu, chi trong mục lục ngân sách nhà nước được duyệt, không được dựng riêng một khoản thu cho một khoản chi, mà mọi khoản thu đều được dựng để tài trợ cho mọi khoản chi.

Bốn là nguyên tắc ngân sách thăng bằng. Theo nguyên tắc này thì tổng số thu bằng tổng số chi.

Xem thêm: Dịch vụ pháp chế doanh nghiệp thuê ngoài (luật sư doanh nghiệp) của Công ty Luật TNHH Everest

5- Cơ cấu ngân sách nhà nước

[a] Cơ cấu các khoản thu

Về phương diện kinh tế: những nguồn tiền tệ do Nhà nước huy động từ trong hoặc ngoài nền kinh tế Quốc nội thông qua nhiều phương thức khác nhau để tài trợ các nhu cầu chi tiêu rất lớn của Nhà nước về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng và quản lý Nhà nước.

Về phương diện pháp lý: các khoản thu này được thực hiện thông qua những hình thức pháp lý nhất định như quy chế thu thuế, quy chế vay nợ, … được thể hiện trong các quy định của pháp luật hiện hành về tài chính. Gồm 02 loại:

Một là, các khoản thu có tính chất hoa lợi: là khoản thu làm tăng ngân quỹ nhưng không tăng trái vụ (bắt buộc phải chi) hoặc là các khoản thu làm giảm trái khoản mà không giảm ngân quỹ, để cải thiện tình trạng mất cân đối ngân sách nhà nước theo hag bội chi, bao gồm các khoản sau: thuế, thu từ hoạt động kinh tế, đóng góp tự nguyện, viện trợ không hoàn lại, tiền phạt, ...

Hai là, khoản thu không có tính chất hoa lợi: khoản này làm tăng ngân quỹ, có thể tăng trái vụ nhưng không có tác dụng đáng kể với cải thiện thâm hụt ngân sách, bao gồm các khoản sau: viện trợ có hoàn lại, vay nợ, phí, lệ phí, …

[b] Cơ cấu các khoản chi

Về phương diện kinh tế: chi ngân sách nhà nước là hoạt động tài chính trong đó Nhà nước tiến hành sử dụng quỹ ngân sách nhà nước để tài trợ cho việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình trong 01 thời hạn nhất định, theo kế hoạch chi tiết đã được Quốc Hội quyết định.

Về phương diện pháp lý: các khoản này là chế độ phân phối đặc thù các nguồn lực tài chính, bao gồm:

Một là các khoản chi có tính chất phí tổn: làm giảm ngân quỹ khả dụng, không giảm trái vụ, bao gồm các khoản sau: viện trợ không hoàn lại cho nước ngoài, trợ cấp, bù lỗ cho doanh nghiệp, trợ giá, …

Hai là các khoản chi không có tính chất phí tổn: các khoản này làm giảm ngân quỹ khả dụng, giảm thời gian ứng các trái vụ, bao gồm các khoản sau: chi trả nợ, chi đầu tư phát triển, chi cấp vốn hoặc góp vốn vào doanh nghiệp, chi sự nghiệp kinh tế, hoạt động của bộ máy nhà nước, quốc phòng, an ninh,văn hoá,xã hội, ...

[c] Mối liên hệ giữa thu và chi

Mối liên hệ giữa thu và chi ngân sách nhà nước như sau:

Thứ nhất, tổng số thu từ thuế, phí, lệ phí phải lớn hơn tổng số chi thường xuyên. Trường hợp bội chi thì số bội chi này phải nhỏ hơn chi đầu tư phát triển.

Thứ hai, các khoản vay bù đắp bội chi ngân sách nhà nước chỉ được sử dụng cho mục đích chi đầu tư phát triển, không được chi tiêu dùng.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý thành lập doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest

6- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Tổng quan về Ngân sách nhà nước được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Tổng quan về Ngân sách nhà nước có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Tổng quan về Ngân sách nhà nước

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.18817 sec| 982.398 kb