Tổng quan về ngoại hối và hoạt động ngoại hối

23/02/2023
Sự lưu thông của ngoại hối trên thị trường tự thân nó đã chứa đựng những ảnh hưởng sâu sắc, lớn lao đối với nền kinh tế-xã hội của quốc gia như hoạt động xuất nhập khẩu, việc điều hành tỉ giá hối đoái và sức mua của đồng tiền nội địa. Vì thế, chính phủ mỗi quốc gia đều phải tiến hành kiểm soát hay can thiệp đối với quá trình lưu thông ngoại hối, với mục tiêu bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát và duy trì sự tăng trưởng kinh tế đất nước.

1- Khái niệm ngoại hối

Trong nền kinh tế hiện đại, mỗi quốc gia đều có nhu cầu sử dụng ngoại hối để nhập khẩu hàng hoá hay can thiệp vào thị trường hàng hoá, thị trường tiền tệ, điều hoà cán cân thanh toán quốc tế... Do ảnh hưởng lớn của ngoại hối đối với đời sống kinh tế - xã hội nên chính phủ ở mỗi quốc gia đều tìm cách chọn lựa cho mình những chính sách thích hợp trong việc quản lí ngoại hối và điều tiết hoạt động ngoại hối. Cho đến nay, các công trình nghiên cứu chưa đưa ra định nghĩa chính thức về ngoại hối. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu về ngoại hối đều thống nhất quan điểm cho rằng ngoại hối là danh từ dùng để chỉ cầc phương tiện dùng trong thanh toán quốc tế như ngoại tệ, vàng tiêu chuẩn quốc tế và các giấy tờ có giá ghi bằng ngoại tệ. Trong pháp luật thực định, nhà soạn luật chọn giải pháp định nghĩa về ngoại hối bằng cách liệt kê các tài sản được coi là ngoại hối. Theo cách định nghĩa này, ngoại hối bao gồm:

a) Đồng tiền của quốc gia, lãnh thổ khác, đồng tiền chung châu Âu và các đồng tiền chung khác dùng trong thanh toán quốc tế và khu vực (gọi là ngoại tệ);
b) Phương tiện thanh toán bằng ngoại tệ, gồm: séc, thẻ thanh toán, hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, chứng chỉ tiền gửi và các phương tiện thanh toán khác;
c) Các loại giấy tờ có giá bằng ngoại tệ, gồm: trái phiếu chính phủ, trái phiếu công ti, kì phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác;
d) Vàng thuộc dự trữ ngoại hối Nhà nước, trên tài khoản ở nước ngoài của người cư trú; vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng trong trường hợp mang vào và mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam;
đ) Đồng tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp chuyển vào và chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc được sử dụng trong thanh toán quốc tế.

Định nghĩa trên có thể xem là ví dụ cho thấy nội hàm của khái niệm ngoại hối có thể được hiểu không hoàn toàn giống nhau trong pháp luật của các nước. Nói cách khác, danh từ ngoại hối dường như chỉ mang tính chất “ước lệ” và thiên về ý nghĩa pháp lí nhiều hơn là ý nghĩa kinh tế, mặc dù bản thân ngoại hối là danh từ kinh tế. Trong các công trình nghiên cứu, người ta chủ trương tìm hiểu về những tác động hay ảnh hưởng của ngoại hối đối với đời sống kinh tế-xã hội và thiết lập cơ chế quản lí, sử dụng chúng vào mục đích tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội chứ không chủ trương xây dựng định nghĩa hoàn chỉnh về ngoại hối và chỉ ra các đặc điểm của ngoại hối. Điều này dẫn tới hệ quả là không có sự giống nhau hoàn toàn trong hệ thống pháp luật của các nước về những tài sản nào là ngoại hối và mục đích quản lí nhà nước đối với mỗi loại ngoại hối. Mặt khác, việc định ra chế độ quản lí ngoại hối như thế nào còn phụ thuộc vào thái độ của Nhà nước đối với ngoại hối, chính sách tiền tệ và chính sách tỉ giá hối đoái của nước đó trong từng thời kì.

2- Khái niệm hoạt động ngoại hối và sự hình thành thị trường ngoại hối

a) Khái niệm hoạt động ngoại hối

Hoạt động ngoại hối là thuật ngữ có thể được hiểu và tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau. Xét từ góc độ khoa học pháp lí, hoạt động ngoại hối được hiểu là tổng hợp các hành vi pháp lí do các chủ thể khác nhau thực hiện trong quá trình chiếm hữu, sử dụng và định đoạt các tài sản được coi là ngoại hối. Các hành vi pháp lí này có thể có tính chất là hành vi dân sự hay hành vi thương mại, tuỳ thuộc vào việc người thực hiện chúng vì nhu cầu dân sự hay thương mại. Xét từ góc độ pháp luật thực định, hoạt động ngoại hối được quan niệm là “hoạt động của người cư trú, người không cư trú trong giao dịch vãng lai, giao dịch vốn, sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam, hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối và các giao dịch khác liên quan đến ngoại hối”. Từ các định nghĩa trên đây, có thể hình dung hoạt động ngoại hối như là quá trình hoạt động kinh tế-pháp lí của các chủ thể, thông qua việc xác lập và thực hiện các giao dịch khác nhau về ngoại hối. Cụ thể hơn, có thể phân biệt hoạt động ngoại hối với các loại hình hoạt động kinh tế khác ở những đặc trưng cơ bản sau đây:

Thứ nhất, chủ thể của hoạt động ngoại hối là người cư trú và người không cư trú, trực tiếp tham gia vào các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn, sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam, hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối và các giao dịch khác liên quan đến ngoại hối. Để thực hiện các hành vi pháp lí này, mọi chủ thể là người cư trú và người không cư trú đều phải hội đủ các điều kiện chung là có năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Ngoài ra, tùy thuộc vào tính chất và đặc điểm của từng loại hình hoạt động ngoại hối mà pháp luật đòi hỏi các chủ thể thực hiện hoạt động đó phải thoả mãn một số điều kiện riêng khác nữa. Chẳng hạn, đối với hoạt động kinh doanh ngoại hối, chủ thể thực hiện hoạt động này phải thoả mãn điều kiện về giấy phép kinh doanh ngoại hối, điều kiện về đăng kí kinh doanh...

Thứ hai, đối tượng của hoạt động ngoại hối chính là các loại ngoại hối được phép lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam và các dịch vụ về ngoại hối. Do ngoại hối và dịch vụ ngoại hối là những tài sản, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt nên các hành vi pháp lí liên quan đến những hàng hoá, dịch vụ này thường được pháp luật quy định hết sức chặt chẽ. Ví dụ: công dần muốn chuyển ngoại tệ ra nước ngoài khi xuất cảnh, nếu số lượng ngoại tệ muốn chuyển ra nước ngoài nhiều hơn mức toi đa mà chính phủ cho phép tại thời điểm xuất cảnh thì công dân đó bắt buộc phải xin giấy phép của chính phủ (hoặc cơ quan đại diện cho chính phủ) về việc mang ngoại tệ ra nước ngoài. Việc pháp luật có những quy định chặt chẽ đối với hoạt động ngoại hối chính là nhằm đảm bảo sự phát triển bình thường, ổn định của nền kinh tế và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan đến hoạt động ngoại hối.

Thứ ba, nội dung của hoạt động ngoại hối bao gồm các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn, các hành vi sử dụng ngoại hối hay cung ứng dịch vụ về ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam. Những hành vi pháp lí này luôn gắn với đối tượng là ngoại hối và các dịch vụ ngoại hối. Vì vậy, nếu muốn biết một hoạt động nào đó có phải là hoạt động ngoại hối hay không, ngoài việc xác định chủ thể thực hiện hoạt động đó là ai và đối tượng của hoạt động đó là gì thì cần xác định xem hoạt động đó được cấu thành bởi những hành vi pháp lí nào: là giao dịch vãng lai, giao dịch vốn, hành vi sử dụng ngoại hối hay hành vi cung ứng dịch vụ ngoại hối. Nói cách khác, nội dung của hoạt động ngoại hối là một trong những dấu hiệu quan trọng để nhận biết hoạt động nào đó có phải là hoạt động ngoại hối hay không.

b) Sự hình thành thị trường ngoại hối

Thị trường ngoại hối là nơi diễn ra các giao dịch ngoại hối. Loại thị trường này được hình thành từ chính các hoạt động ngoại hối của các chủ thể là người cư trú và người không cư trú. Sự tồn tại của hoạt động ngoại hối trong đời sống kinh tế - xã hội chính là biểu hiện cụ thể của sự tồn tại thị trường ngoại hối. Hoạt động ngoại hối diễn ra như thế nào thì thị trường ngoại hối tồn tại trong trạng thái như vậy. Chỉ có thể nhận biết và đánh giá được hiện trạng của thị trường ngoại hối thông qua những biểu hiện cụ thể của hoạt động ngoại hối. Trên thực tế, do hoạt động ngoại hối thường diễn ra trong phạm vi quốc tế nên thị trường ngoại hối cũng luôn luôn được xem là một trong số các loại hình thị trường mang tính quốc tế sâu sắc nhất. Đặc điểm này của thị trường ngoại hối do bản chất kinh tế của ngoại hối quyết định, vì ngoại hối vốn dĩ là phương tiện thanh toán quốc tế. Ngày nay, thị trường ngoại hối tồn tại một cách phổ biến trong bất kì nền kinh tế nào, không phân biệt về thể chế chính trị hay trình độ phát triển kinh tế, tình trạng xã hội. Thị trường ngoại hối có thể được phân biệt với các loại thị trường khác nhờ những đặc điểm chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, thị trường ngoại hối (điển hình là thị trường hối đoái) hoạt động liên tục suốt 24/24 giờ trên phạm vi toàn cầu với lưu lượng khổng lồ các ngoại tệ được lưu chuyển qua thị trường. Sở dĩ thị trường hối đoái (với ý nghĩa là hình thái tồn tại cụ thể của thị trường ngoại hối) hoạt động liên tục như vậy là vì có sự khác nhau về múi giờ giữa các quốc gia tuỳ theo vị trí địa lí. Chẳng hạn, khi thị trường hối đoái ở một quốc gia phương Đông đóng cửa vào thời điểm cuối ngày giao dịch thì cũng là lúc thị trường hối đoái ở một quốc gia phương Tây bắt đầu mở cửa cho ngày giao dịch mới.

Thứ hai, đối tượng chủ yếu được mua bán trên thị trường ngoại hối là các khoản tiền gửi ghi bằng ngoại tệ tại các ngân hàng, ngoại tệ hiện hữu và các loại tài sản khác (kim loại quý, phương tiện thanh toán quốc tế...) có thể chuyển đổi thành ngoại tệ mạnh.

Thứ ba, thị trường ngoại hối ở một quốc gia bao giờ cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và quốc tế.
Những dấu hiệu trên đây của thị trường ngoại hối cho thấy rằng sự lưu thông của ngoại hối trên thị trường tự thân nó đã chứa đựng những ảnh hưởng sâu sắc, lớn lao đối với nền kinh tế-xã hội của quốc gia như hoạt động xuất nhập khẩu, việc điều hành tỉ giá hối đoái và sức mua của đồng tiền nội địa. Vì thế, chính phủ mỗi quốc gia đều phải tiến hành kiểm soát hay can thiệp đối với quá trình lưu thông ngoại hối, với mục tiêu bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát và duy trì sự tăng trưởng kinh tế đất nước.

Ở Việt Nam, Nhà nước thực hiện việc kiểm soát hoạt động ngoại hối trên thị trường thông qua các cơ quan chức năng là Chính phủ và Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Theo quy định hiện hành, Ngân hàng nhà nước Việt Nam tham gia vào hoạt động ngoại hối trên thị trường ngoại hối trong nước và quốc tế với hai tư cách:
- Là người tổ chức, quản lí, điều hành thị trường ngoại hối trong nước;
- Là người trực tiếp tham gia giao dịch mua, bán ngoại hối trên thị trường trong nước và quốc tế nhằm thực thi chính sách tiền tệ quốc gia.

0 bình luận, đánh giá về Tổng quan về ngoại hối và hoạt động ngoại hối

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.54278 sec| 966.836 kb