Tổng quan về thương mại điện tử trong giao dịch kinh doanh quốc tế

02/03/2023
Thương mại điện tử là hình thức kinh doanh trực tuyến sử dụng nền tảng công nghệ thông tin với sự hỗ trợ của Internet để thực hiện các giao dịch mua bán, trao đổi, thanh toán trực tuyến. Với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ thông tin và Internet, thương mại điện tử cũng phát triển mãnh mẽ, trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động kinh doanh quốc tế.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và Internet, kinh doanh quốc tế đã có một công cụ hữu hiệu để hỗ trợ và phát triển các hoạt động thương mại của nó, đó là thương mại điện tử. Thương mại điện tử - công cụ được mong đợi là sẽ mang lại tác động to lớn đến nền kinh tế, và trên thực tế chúng đã có sự tác động qua lại với nhau, còn có nhiều tên gọi khác, ví dụ: thương mại trực tuyến, thương mại trên mạng, thương mại phi giấy tờ, hay kinh doanh điện tử. Sự phát triển của thương mại điện tử và ảnh hưởng của nó đến thực tiễn thương mại đã trở thành một hiện tượng. Nó giảm chi phí và tiết kiệm thời gian cho cả thương mại quốc tế lẫn thương mại nội địa - đó chính là đòi hỏi đặt ra đối với kinh doanh, do đó đã thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của các cá nhân, các tập đoàn cũng như các chính phủ. Tuy nhiên, thương mại điện tử với đặc tính là không biên giới và vô hình, luôn làm phát sinh nhiều vấn đề, đó là những tác động của công nghệ đến kinh tế, đạo đức và xã hội, đó là các cơ hội mới cho hành vi lừa đảo hoặc các tội phạm khác. Thương mại điện tử hiện còn thiếu khuôn khổ pháp luật để tạo nên quyền và nghĩa vụ cho các chủ thể tham gia sử dụng công nghệ này. Một thương nhân sử dụng thương mại điện tử phải nhận biết được tất cả những vấn đề nêu trên để giảm thiểu rủi ro cho chính mình. Trong mục này sẽ đề cập những khía cạnh hài hoà hoá pháp luật trong một số vấn đề nhất định có liên quan đến thương mại điện tử nói chung, và hợp đồng thương mại điện tử và chữ ký điện tử nói riêng, theo các quy định của một số tổ chức quốc tế, bao gồm UNCITRAL, EU và ICC. Những vấn đề khác như giải quyết tranh chấp, luật áp dụng, bảo vệ dữ liệu và thông tin cá nhân, IPRs, pháp luật điều chỉnh tội phạm liên quan đến Internet sẽ không thuộc phạm vi của mục này.

I- THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ - NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ VÀ SỰ HÀI HÒA HÓA 

1- Thương mại điện tử và trao đổi dữ liệu điện tử (‘edi’)

Với sự phát triển của thương mại điện tử nói chung, EDI đã ngày càng được sử dụng phổ biến trong mô hình kinh doanh ‘doanh nghiệp với doanh nghiệp’ (‘business-to-business’ - viết tắt là ‘B2B’). Mặc dù thường xuyên gây nên sự nhầm lẫn, nhưng thương mại điện tử và EDI là không giống nhau. Thương mại điện tử là thuật ngữ chung bao gồm cả EDI và các công nghệ liên lạc điện tử khác, ví dụ: thư điện tử và Internet. EDI được định nghĩa là: ‘Việc chuyển giao thông tin từ máy tính này sang máy tính khác của những giao dịch tiêu chuẩn theo một định dạng tiêu chuẩn nhất định, cho phép các bên tiếp nhận để thực hiện các giao dịch dự kiến’. Mặt nổi bật nhất của EDI, đó là tạo ra môi trường trao đổi dữ liệu điện tử thuần túy - môi trường không có sự can thiệp của con người và các máy tính liên lạc trực tiếp với nhau trong suốt quá trình cung cấp và xử lý số liệu. Chức năng của EDI cực kì đa dạng và là trao đổi thông tin giữa các máy tính, do đó có thể làm thay đổi năng suất sản xuất của một công ty, với tốc độ xử lý các đơn đặt hàng và chuẩn bị hàng hóa để gửi đi nhanh hơn. Rào cản lớn nhất mà thương mại điện tử nói chung và EDI nói riêng phải vượt qua, đó là làm sao để hai hoặc nhiều bên có thể trao đổi dữ liệu với nhau, bởi vì mỗi bên sử dụng những máy tính và phần mềm khác nhau. Do đó, để loại bỏ tình huống mà các bên phải đàm phán các điều khoản, nội dung và cấu trúc của thông điệp trước khi họ có thể liên lạc với nhau, ở đây chưa đề cập đến vấn đề thương mại, thì cần phải có một tiêu chuẩn được quốc tế chấp nhận. Các ngành công nghiệp như công nghiệp mô-tô ở châu Âu đã tự xây dựng một tiêu chuẩn riêng trong ODETTE, hoặc tiêu chuẩn ngành công nghiệp hoá học được quy định bởi CEFIC. Sau đó, UNECE và ISO đã xây dựng những nguyên tắc UN/EDIFACT và trở thành tiêu chuẩn chung toàn cầu cho cấu trúc thông điệp của EDI. EDIFACT hoạt động với nguyên tắc là các bên cần thiết lập những dạng thông điệp để các bên có thể được liên lạc, nhưng trong những dạng thông điệp này có mức độ linh hoạt cho phép người sử dụng có thể xác định yêu cầu riêng của họ. Để thuận tiện trong việc sử dụng EDI trong thương mại quốc tế, vào tháng 9/1987, ICC đã xây dựng nên một bộ nguyên tắc được biết dưới cái tên là UNCID và cũng được phê chuẩn bởi UNECE, với mục đích giúp người sử dụng EDI tham gia các hợp đồng liên lạc một cách công bằng (những thỏa thuận trao đổi dữ liệu). Rất nhiều điều khoản trong Luật mẫu của UNCITRAL về thương mại điện tử sau này dựa trên những ý tưởng của UNCID. Sau khi ban hành UNCID (chỉ áp dụng đối với mạng khép kín), ICC tiếp tục ban hành các hướng dẫn mang tính quốc tế cho thương mại điện tử với mạng mở, trong đó tập trung vào các vấn đề như các thiết bị xác thực, chính sách chứng thực, chứng nhận chìa khoá công khai và lưu trữ hồ sơ.

2- Luật mẫu của uncitral về thương mại điện tử năm 1996

Việc nghiên cứu về những vấn đề pháp lý liên quan đến thương mại quốc tế và thương mại điện tử sẽ là không hoàn chỉnh, nếu không biết đến những công trình của UNCITRAL. Một Luật mẫu đã được UNCITRAL soạn thảo vào năm 1996, trong bối cảnh chưa có những quy định thống nhất của pháp luật các nước trên toàn thế giới, trong đó một phần lớn liên quan đến vấn đề sử dụng kĩ thuật liên lạc hiện đại. Cùng với Luật mẫu này, một văn bản hướng dẫn đi kèm cũng được ban hành trong cùng năm. Mục đích của Luật mẫu này, bao gồm cả việc cho phép và tạo thuận lợi cho việc sử dụng thương mại điện tử, đồng thời đối xử bình đẳng giữa người sử dụng tài liệu bằng giấy tờ và người sử dụng dữ liệu qua máy tính, nhằm thúc đẩy nền kinh tế và tính hiệu quả trong thương mại quốc tế. Luật mẫu này áp dụng với tất cả các loại thông tin dưới dạng một thông điệp dữ liệu được sử dụng trong hoạt động thương mại. Các nước có thể giới hạn phạm vi của thông điệp dữ liệu liên quan đến hoạt động thương mại quốc tế. Tuy nhiên, trong văn bản hướng dẫn nêu khuyến nghị rằng Luật mẫu có thể được áp dụng càng rộng rãi càng tốt, khi mà mục đích của nó là thúc đẩy tính chắc chắn của pháp luật. Ví dụ, rất nhiều thủ tục, được điều chỉnh bởi Luật mẫu (từ Điều 6 đến Điều 8), có thể cho phép giới hạn việc sử dụng thông điệp dữ liệu, nếu cần thiết.

Dựa vào Luật mẫu, nhiều nước thành viên của Liên hợp quốc đã ban hành văn bản pháp luật nước mình, với ý nghĩa là luật ‘khung’ về thương mại điện tử.

Kết cấu của Luật mẫu được chia làm hai phần với 17 điều khoản, phần thứ nhất đề cập đến thương mại điện tử nói chung, và phần còn lại đề cập đến thương mại điện tử trong một số hoạt động cụ thể, bao gồm:

- Phần I với ba chương: Chương I đề cập các nguyên tắc chung với 4 điều khoản về phạm vi áp dụng, giải thích từ ngữ có liên quan, giải thích luật và các trường hợp ngoại lệ theo thỏa thuận của các bên. Chương II quy định các điều kiện luật định đối với thông điệp dữ liệu, với 6 điều khoản (từ Điều 5 đến Điều 10) công nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; về văn bản; chữ ký; bản gốc của thông điệp dữ liệu; tính xác thực và khả năng được chấp nhận của thông điệp dữ liệu. Chương III (từ Điều 11 đến Điều 15) đề cập đến thông tin liên lạc bằng thông điệp dữ liệu, ví dụ: giá trị pháp lý của thông điệp.

- Phần II bao gồm một chương với Điều 16 và Điều 17 liên quan đến một số hoạt động cụ thể, bao gồm vấn đề hợp đồng vận tải hàng hóa và chứng từ vận tải.

Cần lưu ý một số nội dung quan trọng sau đây của Luật mẫu:

- Khẳng định giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, vì vậy nó đã loại bỏ và giải quyết được những rào cản từ những quy định khác nhau trong hệ thống pháp luật của các nước, về yêu cầu thông tin phải được thể hiện hoặc lưu giữ dưới dạng bản gốc của nó: là văn bản.

- Khẳng định rằng thông  điệp dữ liệu  thỏa mãn những  yêu  cầu  của một văn bản.

- Về   chữ ký điện tử (Điều 7),  Luật đã khẳng định là nó có giá trị tương đương với chữ ký truyền thống, nếu nó đáp ứng những yêu cầu tại các khoản 1(a) và 1(b) Điều 7. Hơn nữa, chữ ký điện tử không chỉ sử dụng nhằm mục đích nhận dạng mà còn để mã hoá một tài liệu. Ngoài ra, để hỗ trợ cho giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, Điều 8 và Điều 9 quy định không được từ chối bản gốc; chấp nhận và bằng chứng của thông điệp dữ liệu.

- Điều   11 quy  định công  nhận việc giao  kết và giá trị của  hợp đồng điện tử:

Trong bối cảnh giao kết hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, chào hàng và chấp nhận chào hàng được phép thể hiện bằng phương tiện thông điệp dữ liệu. Khi một thông điệp dữ liệu được sử dụng trong việc giao kết hợp đồng, thì giá trị và hiệu lực thi hành của hợp đồng đó không thể bị phủ nhận chỉ với lý do rằng đã sử dụng một thông điệp dữ liệu vào mục đích ấy.

Mặc dù không thể bao quát hết tất cả khía cạnh của hợp đồng, nhưng Điều 11 này là nền tảng pháp lý cho những giao dịch kinh doanh quốc tế được thiết lập bởi thương mại điện tử, và không phải lo ngại rằng hiệu lực pháp lý và giá trị của giao dịch này sẽ bị phủ nhận, chỉ bởi vì nó được sử dụng hoàn toàn trong môi trường thông điệp (Điều 12).

- Sự điều chỉnh về thời gian và địa điểm của việc gửi/nhận thông điệp có thể làm chấm dứt sự xung đột giữa nguyên tắc ‘tống phát’ trong hệ thống luật common law với các hệ thống pháp luật khác. Gửi một thông điệp dữ liệu, nghĩa là khi thông điệp ấy bước vào một hệ thống thông tin nằm ngoài sự kiểm soát của người khởi tạo, và thời điểm nhận được thông điệp dữ liệu được xác định khi thông điệp dữ liệu đó vào hệ thống thông tin của người nhận.

- Trong Phần II, Luật mẫu cung cấp khuôn khổ pháp lý cho giao dịch vận tải hàng hóa sử dụng chứng từ vận tải điện tử, như vận đơn hàng không, vận đơn đường biển, chứng từ vận tải đa phương thức và thuê tàu chuyến, vì vậy nó không chỉ áp dụng trong lĩnh vực hàng hải mà còn các lĩnh vực vận tải khác.

Tất cả các nội dung nói trên đã khẳng định giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, hợp đồng điện tử và chữ ký điện tử. Đó là khẳng định mang tính chất nền tảng cho việc công nhận và sử dụng thương mại điện tử. Mặc dù Luật mẫu không có giá trị pháp lý như điều ước, và có lẽ nó không dẫn tới sự thống nhất luật, nhưng nó là tài liệu có giá trị để UNCITRAL và các nước tiếp tục nghiên cứu sâu hơn và ban hành các văn bản pháp lý khác về thương mại điện tử.

3- Chỉ thị của eu về thương mại điện tử

Châu Âu là một trong những khu vực đi đầu trong việc phát triển thương mại điện tử. Để tạo ra môi trường pháp lý cho hoạt động này, năm 1997, tài liệu mang tên ‘Sáng kiến châu Âu trong thương mại điện tử’ (‘A European Initiative in Electronic Commerce’) đã được Uỷ ban châu Âu ban hành. Dựa vào tài liệu đầu tiên này, rất nhiều quy định đã được ban hành sau đó, trong số đó là Chỉ thị số 2000/31/EC về một số quy định liên quan đến những khía cạnh của dịch vụ xã hội thông tin, về thương mại điện tử nói riêng trong thị trường chung. Mục đích của Chỉ thị này nhằm đưa ra khuôn khổ pháp luật nói chung bao trùm tất cả các khía cạnh pháp lý về thương mại điện tử, để bảo đảm sự tự do dịch chuyển của ‘dịch vụ xã hội thông tin’ giữa các nước thành viên và bảo vệ khách hàng trực tuyến.

Kết cấu của Chỉ thị bao gồm 4 chương với 24 điều khoản. Sau đây là một số điểm cơ bản của Chỉ thị:

- Điều 1 của  Chỉ thị nhấn mạnh rằng  phạm vi điều   chỉnh không bao gồm vấn đề thuế và luật về các-ten (thỏa thuận hạn chế cạnh tranh), và ủng hộ dịch chuyển tự do của dịch vụ xã hội thông tin, theo đó Điều 4 loại bỏ thủ tục cho phép trước của các nước thành viên. Chỉ thị quy định rằng những thông tin của người nhận dịch vụ và cơ quan có thẩm quyền phải cung cấp là: Tên, địa chỉ đăng ký và các chi tiết khác.

- Những vấn đề về hợp đồng được đề cập ở Điều 9 như sau: Yêu cầu tất cả các nước thành viên phải thừa nhận giá trị của hợp đồng điện tử, không gây cản trở cho việc sử dụng các hợp đồng điện tử hay loại bỏ hiệu lực pháp lý và giá trị của những hợp đồng này chỉ vì chúng được giao kết bằng phương tiện điện tử. Một số loại hợp đồng nằm ngoài phạm vi điều chỉnh mặc dù sự loại trừ này không liên quan đến phạm vi của Chỉ thị này, và địa điểm chào hàng cũng được đề cập. Với điều khoản này thì hợp đồng điện tử ở châu Âu có thể có giá trị không chỉ ở từng nước thành viên EU, mà còn có giá trị trên toàn bộ lãnh thổ EU. Quy định này cũng giống với Luật mẫu về thương mại điện tử của UNCITRAL về hợp đồng điện tử.

- Trách nhiệm pháp lý của bên thứ ba là người cung ứng dịch vụ cũng được quy định trong Phần 4 của Chỉ thị, nhằm giúp các bên liên quan có thể biết được quyền và nghĩa vụ của những người cung ứng dịch vụ Internet.

- Vấn đề thực thi  cũng  được quy định tại  Điều 20 của Chỉ thị: Các nước thành viên được tự do xác định chế tài đối với hành vi vi phạm các quy định pháp luật trong nước được soạn thảo và thông qua trên cơ sở của Chỉ thị này.

Luật mẫu về thương mại điện tử của UNCITRAL và Chỉ thị của EU chỉ điều chỉnh một số vấn đề về tạo thuận lợi cho giao dịch điện tử. Một vấn đề phức tạp khác trong thương mại điện tử là chữ ký điện tử - là công cụ hỗ trợ cho tính xác thực và chứng thực của một thông điệp, cũng được UNCITRAL và EU quan tâm và soạn thảo luật để điều chỉnh. Phần tiếp theo sẽ nghiên cứu một số quy định của các luật về vấn đề này.

II- CHỮ KÝ ĐIỆN TỬ 

1- UNCITRAL - Luật mẫu về chữ ký điện tử

Năm năm sau khi ban hành Luật mẫu về thương mại điện tử, vào ngày 5/7/2001, UNCITRAL đã thông qua Luật mẫu khác liên quan cụ thể đến các vấn đề về chữ ký điện tử, đó là Luật mẫu về chữ ký điện tử. Mục đích của Luật mẫu này là mở rộng những nguyên tắc đã được nêu ra trong Điều 7 của Luật mẫu về thương mại điện tử trong việc khuyến khích sử dụng các biện pháp điện tử tương đương để thay thế chữ ký tay. Phạm vi của Luật mẫu bao gồm các hoạt động thương mại, và nó không hướng tới việc loại bỏ luật bảo vệ người tiêu dùng. Luật mẫu bao gồm 12 điều khoản với các nội dung chính sau đây:

-  Thừa nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử;

-  Đưa ra những điều kiện tin cậy để một chữ ký điện tử có hiệu lực pháp lý. Một chữ ký được xem là tin cậy, nếu dữ liệu tạo ra chữ ký đó được liên kết chỉ với người tạo ra nó chứ không với ai khác, và dữ liệu tạo ra chữ ký đó tại thời điểm ký phải dưới sự kiểm soát của người kí chứ không phải ai khác, tất cả các thay thế chữ ký điện tử sau thời điểm ký đều phải được phát hiện.

-  Chỉ thị cũng quy định trách nhiệm của các bên liên quan, bao gồm: Người ký; người chấp nhận chữ ký điện tử và người cung ứng dịch vụ chứng nhận chữ ký điện tử hay còn gọi là bên thứ ba.

-  Nhận thức được vai trò của chữ  ký  điện tử và  chứng  thực chữ  ký điện tử trong thương mại quốc tế, Điều 12 quy định rằng trong việc xác định phạm vi có hiệu lực pháp lý của chữ ký điện tử và chứng thực chữ ký điện tử, sẽ không xem xét về vị trí địa lí nơi nó được tạo ra, hoặc nơi cư trú của người sử dụng chữ ký điện tử; tiếp theo, chữ ký điện tử có giá trị pháp lý tương đương với chữ ký tay, bất kể nó có được ký ở nước thành viên ký kết hay không.

Với nội dung trên, Luật mẫu đã đưa ra những quy định để loại bỏ sự phân biệt và các rào cản trong việc sử dụng chữ ký điện tử. Nó tạo ra niềm tin trong giao dịch kinh doanh quốc tế khi sử dụng chữ ký điện tử. Trên một mặt cụ thể nào đó, Luật mẫu đã đóng góp cho việc hài hoà hoá các quy định về chữ ký điện tử và nó sẽ trở thành công cụ hữu ích cho các nước soạn thảo các văn bản pháp luật của nước mình.

2- Chỉ thị của EU về chữ ký điện tử

Nhận thức được tầm quan trọng và sự phức tạp của chữ ký điện tử trong giao dịch kinh doanh quốc tế, vào ngày 19/02/2000, Ủy ban châu Âu đã ban hành Chỉ thị số 1999/93/EC liên quan đến khuôn khổ pháp lý về chữ ký điện tử của Cộng đồng, với những nội dung tương tự Luật mẫu về chữ ký điện tử của UNCITRAL. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của Chỉ thị này chỉ nhằm khuyến khích sự phát triển của thị trường nội khối, bao gồm các nhu cầu của khách hàng. Tại Điều 5, Chỉ thị nhấn mạnh rằng: ‘Tất cả các nước thành viên phải đảm bảo rằng giá trị pháp lý, việc công nhận như bằng chứng pháp lý của một chữ ký điện tử, không thể bị phủ nhận chỉ vì lý do chữ ký này được thể hiện dưới dạng điện tử’. Điều này cho thấy chữ ký điện tử có giá trị tương đương như chữ ký tay. Để làm rõ hơn về chữ ký điện tử, Chỉ thị này đưa ra định nghĩa về chữ ký điện tử cao cấp (advanced electronic signature), bao gồm những quy định mà một chữ ký điện tử thường phải đáp ứng để được tin cậy.

Cũng giống như Chỉ thị của EU về thương mại điện tử, Chỉ thị này cũng đảm bảo sự tự do dịch chuyển của dịch vụ. Các nước thành viên không thể tạo ra các quy định theo đó đòi hỏi việc cung ứng dịch vụ chứng nhận chữ ký điện tử cần phải có sự cho phép trước của cơ quan có thẩm quyền, nhưng cho phép các nước ‘giới thiệu hoặc duy trì những các đề án công nhận tự nguyện, nhằm mục đích nâng cao cấp độ của những quy định về dịch vụ chứng nhận, với điều kiện là các dự án đó phải “khách quan, minh bạch, tương xứng và không phân biệt đối xử”’.

Trên cơ sở phân biệt hai khái niệm ‘chứng nhận’ và ‘chứng nhận chất lượng cao’, Chỉ thị quy định trách nhiệm và yêu cầu của người cung ứng dịch vụ ‘chứng nhận chất lượng cao’ ở Phụ lục II. Theo đó, họ phải chứng minh được sự tin cậy của sự chứng nhận và quản lý hệ thống, năng lực của đội ngũ nhân sự, và dịch vụ mà họ cung ứng. Họ cũng phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại gây ra cho những tổ chức hay cá nhân đã tin tưởng vào sự chứng nhận mà họ cung ứng. Bên cạnh đó, Chỉ thị cũng đưa ra những quy định liên quan đến yếu tố quốc tế, để chấp nhận ‘chứng nhận chất lượng cao’ do người cung cấp dịch vụ chứng nhận lập ở một bên thứ ba.

Việc bảo vệ dữ liệu là vấn đề mới xuất hiện và được đề cập trong Chỉ thị của EU về chữ ký điện tử. Điều 8 yêu cầu các nước thành viên phải bảo đảm rằng người cung ứng dịch vụ chứng nhận phải tuân thủ Chỉ thị số 95/96 về bảo vệ cá nhân liên quan đến quá trình tạo dữ liệu cá nhân và sự tự do dịch chuyển của dữ liệu. Vì vậy, những người cung ứng dịch vụ chứng nhận chỉ có thể tập hợp dữ liệu trực tiếp từ chủ thể của dữ liệu hoặc sau khi có sự cho phép của họ.

III- CÔNG ƯỚC CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ TRONG HỢP ĐỒNG QUỐC TẾ 2005

Hai luật mẫu về thương mại điện tử và chữ ký điện tử đã được UNCITRAL ban hành. Năm 2005, Đại hội đồng Liên hợp quốc tiếp tục thông qua Công ước về sử dụng phương tiện điện tử trong hợp đồng quốc tế. Đây là Công ước đầu tiên xây dựng khuôn khổ pháp lý về ký kết và thực thi hợp đồng điện tử quốc tế. Nền tảng của Công ước này là phê chuẩn việc sử dụng phương tiện điện tử trong thương mại quốc tế. Công ước này có mối quan hệ chặt chẽ với CISG và Luật mẫu về thương mại điện tử 1996. Công ước bao gồm 25 điều khoản được quy định trong 4 chương, và chỉ áp dụng đối với những hợp đồng giữa các bên có trụ sở thương mại ở các nước khác nhau, mà không quan tâm đến quốc tịch của các bên hoặc tính chất thương mại hay dân sự của hợp đồng, với những lĩnh vực được loại trừ trong Điều 2 của Công ước. Công ước là một bước đi tích cực trong việc giải quyết và làm rõ ràng các vấn đề cần thiết, như về thời gian và địa điểm gửi và nhận phương tiện điện tử, cũng như ý nghĩa của hệ thống tự động trong giao kết hợp đồng. Một số vấn đề của Công ước cần được biết như sau:

- Định nghĩa  về hợp đồng điện  tử được hiểu với ý nghĩa  rộng hơn, không chỉ đơn thuần là hợp đồng mua bán hàng hóa mà còn là những cam kết của các bên, ví dụ: thỏa thuận về trọng tài.

-  Để xác định địa điểm của các bên - đây là vấn đề quan trọng để xác định hợp đồng được ký kết ở đâu. Điều 6 chỉ ra rằng trong trường hợp không xác định được địa kiểm kinh doanh, hoặc có nhiều hơn một địa điểm kinh doanh, thì địa điểm kinh doanh sẽ là nơi ‘có mối quan hệ gần gũi nhất với hợp đồng, xét trong từng hoàn cảnh’, tại thời điểm hợp đồng được lập.

- Giá trị pháp lý của phương tiện điện tử được thể hiện tại Điều 8, theo đó một sự liên lạc hoặc một hợp đồng sẽ không bị phủ nhận giá trị pháp lý hoặc hiệu lực thực thi chỉ bởi vì nó được lập dưới dạng một phương tiện điện tử.

- Điều 9 đảm bảo rằng không có một phương tiện hoặc một hợp đồng nào bắt buộc phải được lập hoặc chứng minh bởi một hình thức cụ thể, và Công ước không yêu cầu rằng một phương tiện hoặc hợp đồng phải được thực hiện dưới dạng văn bản hoặc tạo ra một hậu quả khi không có văn bản, và phương tiện điện tử cũng đáp ứng những yêu cầu đó.

- Thời gian và địa điểm để gửi và nhận được quy định trong Điều 10 như sau: Khi một thông tin rời khỏi (gửi đi) và đến hệ thống của người nhận, và có khả năng lấy lại (khôi phục) được (nhận được).

- Công ước chỉ áp dụng đối với các giao dịch điện tử và hợp đồng điện tử giữa ‘doanh nghiệp với doanh nghiệp’ (‘business-to-business’ - viết tắt là ‘B2B’). Những hợp đồng được thực hiện bởi ‘khách hàng với khách hàng’ (‘customer-to-customer’ - viết tắt là ‘C2C’); ‘khách hàng với doanh nghiệp’ (‘customer-to-business’ - viết tắt là ‘C2B’); và ‘doanh nghiệp với khách hàng’ (‘business-to-customer’ - viết tắt là ‘B2C’) nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Công ước này.

Công ước đã hướng tới việc tạo thuận lợi cho hài hoà hoá pháp luật của các nước về sử dụng phương tiện điện tử trong hợp đồng quốc tế.

IV- PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ 

Vào tháng 11/1997, Internet đã xuất hiện ở Việt Nam và phát triển với tốc độ rất nhanh. Tuy nhiên, cho đến năm 2004, mới chỉ có một số giao dịch được thành lập theo mô hình ‘doanh nghiệp với khách hàng’ (‘business-to- customer’ - viết tắt là ‘B2C’), hầu hết trong số đó là giải quyết các thủ tục hành chính và trao đổi thông tin. Để phát triển thương mại điện tử, Việt Nam đã ký Hiệp định khung e-ASEAN, theo đó cam kết phát triển cơ sở hạ tầng thông tin của ASEAN. Để tạo thuận lợi cho thương mại điện tử, Việt Nam cũng xây dựng khuôn khổ pháp luật với những nghị định, thông tư, quyết định, chỉ thị để hướng dẫn và ủng hộ cho sự phát triển của thương mại điện tử. Nền tảng quan trọng cho sự phát triển của khuôn khổ pháp luật về thương mại điện tử chính là Luật giao dịch điện tử với 54 điều khoản được quy định trong 8 chương, được ban hành ngày 29/11/2005. Phạm vi áp dụng của Luật rất rộng, bao gồm tất cả các giao dịch điện tử trong lĩnh vực hành chính, dân sự và thương mại. Định nghĩa về hợp đồng điện tử; giao dịch hợp đồng điện tử và các quy định về giao dịch điện tử đã được đề cập. Luật cũng nhấn mạnh rằng giá trị pháp lý của giao dịch điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì nó là thông điệp dữ liệu. Hơn nữa, chữ ký điện tử, các quy định sử dụng chữ ký điện tử, dịch vụ chứng nhận chữ ký điện tử cũng được quy định trong luật. Có thể nói, luật giao dịch điện tử được soạn thảo dựa trên sự kết hợp của những luật mẫu và công ước mà chúng ta vừa đề cập ở trên. Mặc dù, Luật giao dịch điện tử không thể bao trùm hết tất cả các lĩnh vực của thương mại điện tử, nhưng nó là nền tảng cơ bản để xây dựng những nghị định và các văn bản hướng dẫn khác nhằm điều chỉnh hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam.

KẾT LUẬN 

Mục này đã giới thiệu tổng quan các khía cạnh pháp lý về thương mại điện tử được quy định trong Luật mẫu của UNCITRAL, Chỉ thị của EU, cũng như Hướng dẫn của ICC trong nỗ lực hài hoà hoá pháp luật các nước về thương mại điện tử trong giao dịch kinh doanh quốc tế nói chung và chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử nói riêng. Nền tảng của sự hài hoà hoá này là thừa nhận giá trị pháp lý của việc sử dụng phương tiện điện tử trong thương mại quốc tế, đồng thời loại bỏ những phân biệt, rào cản để phát triển thương mại điện tử. Trong tương lai, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số và sự mở rộng của mạng lưới máy tính, thương mại điện tử sẽ được sử dụng ngày càng nhiều trong các giao dịch kinh doanh quốc tế. Vì vậy, những quy tắc này sẽ là nền tảng để các nước soạn thảo khuôn khổ pháp luật nhằm phát triển thương mại điện tử.

Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương, tổng hợp (từ Giáo trình Luật Thương mại quốc tế - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác)

0 bình luận, đánh giá về Tổng quan về thương mại điện tử trong giao dịch kinh doanh quốc tế

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
4.34151 sec| 1058.164 kb