Trình tự giải quyết yêu cần phá sản trong các trường hợp đặc biệt

24/02/2023
Phá sản là một thủ tục pháp lý chấm dứt sự hoạt động của một doanh nghiệp, hợp tác xã. Phá sản được thực hiện theo trình tự, thủ tục theo luật định. Bên cạnh những trường hợp phải thực hiện thủ tục phá sản thông thường, do bản thân những doanh nghiệp, hợp tác xã yêu cầu giải quyết phá sản có tính chất đặc biệt hơn nên trình tự, thủ tục phá sản cũng có những điểm đặc biệt.

1- Trình tự giải quyết yêu cầu phá sản tổ chức tín dụng

Đối với một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực đặc thù như ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác, sự tồn tại và hoạt động của nó ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, xã hội, đến lợi ích chung của cộng đồng nên việc phá sản các doanh nghiệp này cũng được pháp luật quy định một cách thận trọng, chặt chẽ. Trước đây, thủ tục phá sản tổ chức tín dụng chưa được quy định cụ thể trong Luật Phá sản năm 2004 mà chỉ quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật khác như Luật Các tổ chức tín dụng, Nghị định số 05/2010/NĐ-CP ngày 18/01/2010 của Chính phủ quy định việc áp dụng Luật Phá sản đối với các tổ chức tín dụng, Thông tư số 08/2010/TT-NHNN ngày 22/3/2010 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng... Một trong những điểm mới cơ bản của Luật

Phá sản năm 2014 là đã luật hóa các quy định về phá sản tổ chức tín dụng, xây dựng cơ chế xử lý phá sản phù hợp với các tổ chức tín dụng; quy định rõ hơn về việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng. Thủ tục phá sản của tổ chức tín dụng có một số điểm đáng lưu ý sau:

a)  Về thời điểm nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Khác với thủ tục phá sản doanh nghiệp thông thường, Luật Phá sản năm 2014 quy định rõ việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng chỉ thực hiện sau khi Ngân hàng nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán hoặc văn bản không áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán... Khi tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng thanh toán, Ngân hàng nhà nước sẽ xem xét, quyết định áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng đó. Việc mở thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng sẽ được thực hiện khi tổ chức tín dụng không có khả năng khôi phục được khả năng thanh toán.

b) Về quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Luật Phá sản hiện hành quy định, những người sau đây được quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng, sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán: Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần; người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở; cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trô lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng trong trường hợp điều lệ tổ chức tín dụng có quy định; thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã.

Tổ chức tín dụng có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; trường hợp tổ chức tín dụng không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng đó.

c)  Về thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tổ chức tín dụng khi đã có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mà tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán.

d) Về quyết định tuyên bể tể chức tín dụng phá sản

Luật Phá sản năm 2014 quy định Toà án không áp dụng thủ tục Hội nghị chủ nợ và thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh với tổ chức tín dụng. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản lập xong danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ, bảng kê tài sản của tổ chức tín dụng, Toà án nhân dân ra quyết định tuyên bố tổ chức tín dụng phá sản. Quy định này nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết phá sản tổ chức tín dụng, đảm bảo quyền và lợi ích cho các chủ nợ của tổ chức tín dụng, phù hợp đặc thù của tổ chức tín dụng và ngăn ngừa tình trạng phá sản dây chuyền.

e) Về hoàn trả khoản vay đặc biệt

Tổ chức tín dụng bị tuyên bố phá sản có khoản vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức tín dụng khác theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng thì phải hoàn trả khoản vay đặc biệt này cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức tín dụng khác trước khi thực hiện phân chia tài sản theo quy định.

g) Về việc trả lại tài sản nhận ủy thác, nhận giữ hộ khỉ tổ chức tín dụng bị tuyên bố phá sản và thanh lý tài sản phá sản

Với các khách hàng chuyển giao tài sản cho tổ chức tín dụng giữ hộ, quản lý hộ theo hợp đồng cung cấp dịch vụ của tổ chức tín dụng hoặc chuyển giao tài sản cho tổ chức tín dụng theo hợp đồng ủy thác thì tài sản này không được tính là tài sản của tổ chức tín dụng mà phải trả lại cho chủ tài sản khi tổ chức tín dụng bị phá sản. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định tuyên bố tổ chức tín dụng phá sản, chủ sở hữu tài sản ủy thác cho tổ chức tín dụng, gửi tổ chức tín dụng giữ hộ, giao tổ chức tín dụng quản lý thông qua hợp đồng ủy thác, giữ hộ, quản lý tài sản phải xuất trình giấy tờ chứng minh quyền sở hữu và hồ sơ, giấy tờ liên quan với cơ quan thi hành án dân sự để nhận lại tài sản của mình.

h) Về giao dịch của tổ chức tín dụng trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt

Luật Phá sản năm 2014 quy định giao dịch của tổ chức tín dụng thực hiện trong giai đoạn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt hoặc áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ không áp dụng quy định về giao dịch vô hiệu áp dụng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã thông thường, bởi đó đều là những giao dịch cần thiết cho việc đảm bảo khả năng thanh toán của tổ chức tín dụng.

ì) Về thứ tự phân chia tài sản

Tổ chức tín dụng có nhiều đặc thù như chịu sự điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng, thành lập và hoạt động theo cấp phép và quản lí của Ngân hàng nhà nước, có nhiệm vụ quản lý một lượng tài sản lớn là tiền gửi của các tổ chức, cá nhân, nếu phá sản sẽ gây tác động lớn về mặt kinh tế - xã hội tới nhiều đối tượng. Chính vì vậy, việc phân chia tài sản của tổ chức tín dụng có những khác biệt so với doanh nghiệp, hợp tác xã thông thường, ví dụ như các “khoản tiền gửi; khoản tiền tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải trả cho người gửi tiền tại tổ chức tín dụng phá sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam” cũng được coi là những khoản được ưu tiên thanh toán.

Trường hợp giá trị tài sản của tổ chức tín dụng sau khi đã thanh toán đủ khoản nợ theo quy định mà vẫn còn thì phần còn lại này thuộc về: Thành viên của tổ chức tín dụng là hợp tác xã; chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty TNHH một thành viên; thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng là công ty TNHH hai thành viên trở lên; cổ đông của tổ chức tín dụng là CTCP.

Trường hợp giá trị tài sản không đủ để thanh toán theo quy định cho các khoản nợ theo quy định thì các đối tượng thuộc cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.

k) Về quyết định tuyên bố tổ chức tín dụng phá sản

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản lập xong danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ, bảng kê tài sản của tổ chức tín dụng, Toà án nhân dân ra quyết định tuyên bố tổ chức tín dụng phá sản.

2- Phá sản theo thủ tục rút gọn 

Quá trình giải quyết một vụ phá sản thông thường có thể bao gồm nhiều thủ tục, giai đoạn khác nhau, từ thủ tục gửi đơn, thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục giải quyết phá sản; mở thủ tục giải quyết phá sản; Hội nghị chủ nợ, thủ tục phục hồi doanh nghiệp; nếu không phục hồi được thì sẽ chuyển sang giai đoạn tuyên bố doanh nghiệp phá sản và thanh lý tài sản.

Trong thực tiễn, có những trường hợp, doanh nghiệp hầu như không còn tài sản gì đáng kể, việc thực hiện các thủ tục như tiến hành Hội nghị chủ nợ hay phục hồi doanh nghiệp là không thực tế, mang tính hình thức, gây lãng phí thời gian và tiền bạc cho cả doanh nghiệp mắc nợ, các chủ nợ, cả Toà án và các chủ thể có liên quan. Kế thừa các quy định của Luật Phá sản năm 2004, Luật Phá sản năm 2014 quy định việc giải quyết phá sản theo thủ tục rút gọn đối với các trường hợp: (i) Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 5 của Luật này mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán không còn tiền, tài sản khác để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản; (ii) sau khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán không còn tài sản để thanh toán chi phí phá sản.

Trường hợp Tòa án nhân dân xét thấy doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc trường hợp nêu trên, Toà án nhân dân thông báo cho người tham gia thủ tục phá sản biết về việc Toà án giải quyết theo thủ tục rút gọn. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Toà án nhân dân thông báo, Toà án nhân dân xem xét, tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản hoặc tiếp tục giải quyết theo thủ tục thông thường và thông báo cho người tham gia thủ tục phá sản biết.

3- Trình tự giải quyết yêu cầu phá sản có yếu tố nước ngoài

Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993 và Luật Phá sản năm 2004 đều không chú trọng đến thủ tục phá sản có yếu tố nước ngoài. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, ở Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thậm chí là 100% vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đầu tư ra nước ngoài khá nhiều, do đó tồn tại tài sản của doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam ở nước ngoài, quan hệ kinh tế, thương mại quốc tế còn dẫn đến nhiều trường hợp đa dạng khác mà tài sản doanh nghiệp phá sản không chỉ nằm trên lãnh thổ Việt Nam. Từ thực tế giải quyết các vụ phá sản cho thấy, có ba yếu tố liên quan đến nước ngoài bao gồm: (i) Chủ đầu tư là tổ chức, cá nhân nước ngoài; (ii) đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là người nước ngoài; (iii) chủ nợ, con nợ là tổ chức, cá nhân nước ngoài. Việc giải quyết yêu cầu phá sản có yếu tố nước ngoài gặp những khó khăn nhất định:

-  Đối với chủ đầu tư là tổ chức, cá nhân nước ngoài: trong trường hợp chủ đầu tư nước ngoài bị phá sản, liên doanh của họ lập với đối tác Việt Nam trở nên lúng túng, không rõ ai sẽ đại diện cho phần vốn nước ngoài tại liên doanh để tham gia vào quá trình giải quyết phá sản.

-  Đối với doanh nghiệp liên doanh tự đề nghị Toà án tuyên bố phá sản doanh nghiệp của mình, người đại diện theo pháp luật là người nước ngoài có thể về nước mà không báo cho ai. Đến nay, chưa có cơ chế cấm xuất cảnh nào đối với những người này. Phía Việt Nam trong liên doanh cũng không có quyền yêu cầu họ ở lại.

-  Khi chủ nợ, con nợ là người nước ngoài, nhiều trường hợp thông báo, công văn của Tòa án gửi đi, nhưng chủ nợ, con nợ không nhận được, vì họ đã chuyển trụ sở và không thông báo cho doanh nghiệp Việt Nam biết. Có nhiều trường hợp tỷ lệ nợ nước ngoài khá cao, điều này dẫn đến tình trạng khó có thể mở Hội nghị chủ nợ nếu không đạt được tỉ lệ theo luật định. Bởi vậy, nếu không thể thông báo cho chủ nợ nước ngoài, vụ phá sản có thể sẽ lâm vào tình trạng bế tắc, không thể đình chỉ, cũng không thể tiếp tục.

Để giải quyết những vấn đề phát sinh này, Luật Phá sản năm 2014 đã bổ sung các quy định về phá sản có yếu tố nước ngoài như sau:

Thứ nhất, người tham gia thủ tục phá sản.

Theo quy định hiện hành, người tham gia thủ tục phá sản là người nước ngoài phải thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản của Việt Nam. Như vậy, về cơ bản, không có sự khác biệt giữa việc người tham gia thủ tục phá sản là người Việt Nam hay người nước ngoài sinh sống, làm ăn tại Việt Nam hay ở nước ngoài và có liên quan đến doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

Thứ hai, ủy thác tư pháp.

Trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản có yếu tố nước ngoài, Toà án nhân dân thực hiện uỷ thác tư pháp theo hiệp định tương trợ tư pháp mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại. Thủ tục ủy thác tư pháp được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, pháp luật về tương trợ tư pháp.

Thứ ba, công nhận và cho thi hành quyết định giải quyết phá sản của Tòa án nước ngoài. Việc công nhận và cho thi hành quyết định giải quyết phá sản của Tòa án nước ngoài thực hiện theo quy định của hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam là thành viên và quy định khác của pháp luật về tương trợ tư pháp.

Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương, tổng hợp (từ Giáo trình Luật Thương mại 1 - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).
 

0 bình luận, đánh giá về Trình tự giải quyết yêu cần phá sản trong các trường hợp đặc biệt

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.59733 sec| 991.469 kb