Xác định đối tượng khởi kiện hợp pháp là Quyết định hành chính, Hành vi hành chính về quản lý đất đai
Khi xác định đối tượng khởi kiện hợp pháp là Quyết định hành chính, Hành vi hành chính về quản lý đất đai, Luật sư cần lưu ý đặc biệt một số vấn đề sau:
1- Xác định phạm vi các Quyết định hành chính, Hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai
Xác định phạm vi các Quyết định hành chính, Hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính theo quy định của pháp luật Tố tụng hành chính.
Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đã mở rộng quyền khởi kiện các Quyết định hành chính, Hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai so với quy định tương ứng trước đây, tuy nhiên không phải tất cả mọi Quyết định hành chính, Hành vi hành chính trong lĩnh vực này đều có thể trở thành đối tượng khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án. Vấn đề này rất quan trọng, vì ảnh hưởng trực tiếp đến việc xác định tính hợp pháp của quyền khởi kiện và cơ sở pháp lý hình thành một vụ khiếu kiện thuộc thẩm quyền của Tòa án.
Để trở thành đối tượng khởi kiện hợp pháp, Quyết định hành chính, Hành vi hành chính về quản lý đất đai phải đáp ứng các điều kiện nhất định: (i) thuộc phạm vi quy định tại Điều 30 Luật Tố tụng hành chính năm 2015; (ii) có các dấu hiệu theo quy định tại Điều 3 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và các quy định hướng dẫn thi hành tại các nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao). Cần lưu ý một số điểm đặc biệt như sau:
(i) Các văn bản hành chính thông báo kết luận, công văn có chứa đựng nội dung của Quyết định hành chính mà người khởi kiện cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (trừ những văn bản thông báo của cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức trong việc yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức bổ sung, cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết, xử lý vụ việc cụ thể theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức đó) được thừa nhận là đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính. Trong lĩnh vực quản lý về đất đai, các trường hợp nàu khá phổ biến trong thực tiễn.
(ii) Các Quyết định hành chính được ban hành sau khi có khiếu nại và có nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ Quyết định hành chính được ban hành trong khi giải quyết những việc cụ thể trong hoạt động quản lý đất đai thuộc phạm vi đối tượng được khởi kiện tại Tòa án. Quyết định hành chính trong trường hợp này thông thường là kết quả của việc giải quyết khiếu nại (được gọi là quyết định giải quyết khiếu nại).
(iii) Trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai, Hành vi hành chính là đối tương khởi kiện trong vụ án hành chính bao gồm: Hành vi hành chính của cơ quan nhà nước và Hành vi hành chính của cá nhân người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước. Việc phân biệt các trường hợp này phải căn cứ quy định của pháp luật chuyên ngành về thẩm quyền, thời hạn thwucj hiện đối vưới từng nhiệm vụ hoặt động công vụ cụ thể. Theo đó, đối với những hoạt động công vụ mà pháp luật quy định thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước (ví dụ: việc cấp, thu hồi đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất…) thì xác định đó là Hành vi hành chính của cơ quan nhà nước; đối với hoạt động công vụ mà pháp luật quy định thuộc thẩm quyền của người có thẩm quyền theo chế độ cá nhân (ví dụ: xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai) thì xác định đó là Hành vi hành chính của cá nhân người có thẩm quyền. Trong lĩnh vực này, việc phân định trường hợp nào là Hành vi hành chính của cơ quan nhà nước, trường hợp nào là Hành vi hành chính của cá nhân người có thẩm quyền – cũng như đối với Quyết định hành chính – là vấn đề cần được lưu ý, đặc biệt liên quan đến UBND các cấp và chức danh Chủ tịch UBND là người đứng đầu các cơ quan này. Trong nhiều trường hợp, Chủ tịch UBND ký các Quyết định hành chính hoặc thực hiện các Hành vi hành chính nhưng cần phải xác định đó là Quyết định hành chính, Hành vi hành chính của UBND khi Chủ tịch UBND thay mặt UBND theo chế độ thủ trưởng tập thể, khác với trường hợp Chủ tịch UBND trực tiếp thực hiện hoặc ủy quyền thực hiện các công việc này theo thẩm quyền cá nhân theo quy định của pháp luật.
2- Thẩm quyền ban hành Quyết định hành chính hoặc thực hiện Hành vi hành chính
Thẩm quyền ban hành Quyết định hành chính hoặc thực hiện Hành vi hành chính có ý nghĩa rất quan trọng vì đây là một trong các cơ sở làm căn cứ để xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện theo quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu kiện hành chính theo lãnh thổ và cấp tòa án) và xác định tư cách người bị kiện trong vụ án. Trong lĩnh vực quản lý đất đai, Luật sư cần đặc biệt chú trọng các quy định của pháp luật về phân cấp thẩm quyền quản lý của UBND các cấp, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp và cá nhân người có thẩm quyền trong các cơ quan này (mối quan hệ giữa chế độ thẩm quyền chung và thẩm quyền riêng, thẩm quyền tập thể và thẩm quyền cá nhân, chế độ ủy quyền trong việc ban hành Quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính).
Trong một vụ việc về quản lý nhà nước về đất đai thường có đun xen các Quyết định hành chính, Hành vi hành chính khác nhau mà thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, người có thẩm quyền khác nhau, vấn đề này sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến việc xác định người bị kiện trong vụ án hình chính và Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết. Vì vậy, Luật sư cần phân biệt thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện hành chính về quản lý đất đai giữa UBND và Tòa án nhân dân, giữa các Tòa án theo thủ tục Tố tụng hành chính và thủ tục tố tụng dân sự.
3- Phân biệt thẩm quyền của UBND và Tòa án nhân dân:
Khiếu kiện hành chính trong lĩnh vực đất đai thường có trường hợp cùng một Quyết định hành chính hoặc Hành vi hành chính có nhiều người cùng khiếu kiện theo thủ tục Tố tụng hành chính hoặc có người khiếu kiện theo thủ tục Tố tụng hành chính tại Tòa án, có người khiếu nại theo thủ tục hành chính tại cơ quan hành chính có thẩm quyền (thường là UBND các cấp). Do đó, Luật sư cần phân biệt thẩm quyền của UBND và Tòa án nhân dân trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền sử dụng đất hoặc liên quan đến quyền sử dụng đất.
Xem thêm :
- Đối tượng khởi kiện là quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai và các dạng khiếu kiện phổ biến tại Tòa án
- Quy định về thủ tục giải quyết khiếu nại sáng chế
4- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
(I) Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
(II) Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
(III) Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 024-66527527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm