Đặc điểm của hoạt động giáo dục trong xét xử vụ án hình sự
1- Hoạt động giáo dục trong xét xử vụ án hình sự
Hoạt động giáo dục trong xét xử cũng như trong điều tra đều hướng tới giáo dục bị cáo và mọi công dân. Toà án giáo dục mọi người ý thức tôn trọng pháp luật, rèn luyện thói quen tuân thủ pháp luật, cần làm cho mọi người tin rằng bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào cũng sẽ bị Toà án và xã hội lên án, giáo dục mọi công dân có ý thức tham gia vào hoạt động đấu tranh phòng ngừa và chổng tội phạm.
Toà án cần giáo dục cho mọi người có mặt trong phòng xử án ý thức tôn trọng đối với hoạt động xét xử. Chính vì vậy, Toà án phải luôn cân nhắc kĩ phản ứng, xử sự của mình đối với bất cứ hành vi vi phạm nào chống lại Toà án, cản trở hoạt động xét xử của Toà án. Tác động giáo dục của Toà án đến bị cáo không chỉ diễn ra trong thời gian xét xử tại phiên toà mà còn được tiếp tục sau khi đã tuyên án, tức là trong suốt thời gian cải tạo người phạm tội.
Tác động giáo dục của Toà án là hình thức hoạt động đặc biệt, đó là giáo dục thông qua chính phiên toà xét xử: qua việc nghiên cứu công khai, trực tiếp, đầy đủ, khách quan, cụ thể các tình tiết của vụ án tại phiên toà.
Hiệu quả tác động giáo dục của Toà án thể hiện ở tính chất cụ thể, trực tiếp khi xét xử, nó tác động vào nhận thức của những người dự phiên toà về các chứng cứ cho dù mỗi chứng cứ đó có thể gây xúc động tích cực hay tiêu cực.
Phiên toà có tác dụng giáo dục cụ thể hơn và có mục đích rõ rệt đến tập thể nơi bị cáo cư trú và làm việc, đến cá nhân bị cáo. Điều này được biểu hiện trong phương hướng rõ ràng khi lấy lời khai người làm chứng, biểu hiện trong việc phát hiện lối sống và hoạt động của tập thể đã tạo điều kiện và khả năng phạm tội đối với bị cáo. Cuối cùng, sự lôi cuốn các kiểm sát viên và những người bào chữa vào quá trình xét xử cũng là phương tiện tăng cường tác động giáo dục của Toà án đối với những tập thể này.
Hoạt động xét xử giáo dục cả các hội thẩm nhân dân. Quá trình giáo dục hội thẩm nhân dân thể hiện ở chỗ thẩm phán truyền đạt cho họ những kiến thức pháp lý nhất định, kinh nghiệm xét xử, phẩm chất ý chí, rèn luyện cho họ ý thức pháp luật cao hơn. Chức năng của hội thẩm nhân dân, củng cố quan điểm của mình về nhà nước và pháp luật, tạo ra thói quen, kinh nghiệm xét xử và giải quyết những vấn đề giáo dục. Hoạt động giáo dục của Toà án được thực hiện trong phiên toà và ngoài phiên toà. Hoạt động giáo dục của Toà án ngoài phiên toà được thực hiện bằng cách thẩm phán trò chuyện với bị cáo, với thân nhân của họ, với người đại diện của cơ quan, tổ chức và đồng thời được thực hiện trong lời phát biểu công khai về kế hoạch sắp tới. Hoạt động giáo dục trong phiên toà được thực hiện bởi cá nhân thẩm phán, bởi hội đồng xét xử và những người tham gia xét xử như kiểm sát viên, luật sư...
Hoạt động giáo dục cần phải xuyên suốt trong tất cả các giai đoạn của hoạt động xét xử trong nhận thức và thiết kế của Toà án. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Toà án không chỉ lập kế hoạch nhận thức trong giai đoạn xét hỏi mà còn lập kế hoạch thực hiện tác động giáo dục. Vì vậy có thể mời thêm người làm chứng, đại diện đoàn thể xã hội, nghiên cứu điều kiện sống và điều kiện giáo dục của bị cáo... để thực hiện mục đích nổi trên. Trong giai đoạn thẩm vấn, ảnh hưởng giáo dục muôn hình muôn vẻ và rất đa dạng. Giáo dục ảnh hưởng đến thẩm vấn, đến việc tiếp nhận và hiểu rõ chứng cứ, đến hoạt động của những người tham gia thẩm vấn.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
2- Đặc điểm của phương pháp tác động giáo dục trong xét xử vụ án hình sự
Những phương pháp tác động giáo dục trong xét xử có đặc điểm là cùng một lúc phải tác động đến cả bị cáo và đến tất cả những người có mặt tại phiên toà.
Thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư phải luôn ý thức được rằng mọi hoạt động của họ phải hướng tới đảm bảo cả chức năng giáo dục. Họ phải tác động đến cả bị cáo, thức tỉnh trong bị cáo cảm nhận được lỗi lầm và mong muốn sửa chữa lỗi lầm đó. Họ cần phải tác động đến tất cả những người có mặt tại phiên toà, hình thành cho những người này ý thức tôn trọng pháp luật, chỉ ra cho họ biện pháp đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, củng cố phẩm chất ý chí cần thiết cho họ trong cuộc đấu tranh này.
Nếu trong thẩm vấn, tác động giáo dục thông qua việc tiếp nhận, nghiên cứu và kiểm tra chứng cứ, nhận thức vụ án, thì trong tranh luận tại phiên toà tác động giáo dục thông qua việc giải thích, phân tích sâu sắc hơn về thực chất và ý nghĩa của những chứng cứ đã tiếp nhận được trong thẩm vấn, và phân tích các điều luật tương ứng....
Tác động giáo dục của Toà án được thể hiện cả khi tuyên án. Vì lẽ đó, bản án mà Toà án tuyên phải đúng, đáp ứng với những yêu cầu của pháp luật đó là hình phạt phải phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phậm tội và nhân cách của bị cáo, bản án phải rõ ràng, sáng sủa, cụ thể và dễ hiểu. Bản án của Toà án càng được nhiều người biết càng tốt, do đó Toà án cần công bố rộng rãi nội dung bản án. Điều này rất quan trọng vì nó giúp Toà án thực hiện tác động giáo dục chung đối với mọi công dân.
Tác động giáo dục của Toà án có thể được kết thúc khi Toà án có cơ sở để cho rằng bị cáo đã rút ra những kết luận cần thiết cho bản thân mình và xét về mọi phương diện, bị cáo sẽ không bao giờ tái phạm nữa.
Tác động giáo dục của Toà án có thể được tiếp tục cả sau khi Toà án đã tuyên án. Nếu sau khi tuyên án, người bị kết án được hưởng án treo hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ thì Toà án cần kết hợp chặt chẽ với tập thể nơi họ cư trú hoặc làm việc, để giúp họ tổ chức quá trình tự giáo dục và kiểm tra quá trình cải tạo của họ. Còn trong trường hợp, người bị kết án bị phạt tù, hoạt động giáo dục của Toà án phải được thể hiện rõ ràng, cụ thể trong giai đoạn thi hành án vì đối tượng bị giáo dục đã thu hẹp. Vì vậy các phương pháp tác động giáo dục cũng thay đổi. Tác động giáo dục đến bị cáo với sự có mặt của tất cả mọi người tại phiên toà, tất nhiên không thể thực hiện được bằng những phương pháp vẫn thường sử dụng trong giai đoạn thi hành án. Trong giai đoạn thi hành án, phương pháp đàm thoại cá nhân, phương pháp thực nghiệm sư phạm... có vị trí quan trọng.
Trong trường hợp phạm nhân được tha trước thời hạn một cách có điều kiện thì chức năng giáo dục lại cọ thể chuyển sang Toà án và cùng với chức năng đó, Toà án kiểm tra lối sống của những phạm nhân đã được cải tạo trong trại giam, cần phải giúp đỡ họ để họ hòa nhập vào cuộc sống mới trong những điều kiện mới, trong tập thể mới.
(Tham khảo: Giáo trình Tâm lý học Tư pháp - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
5- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Xét xử vụ án hình sự - đặc điểm hoạt động giáo dục được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Xét xử vụ án hình sự - đặc điểm hoạt động giáo dục có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm