Bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam

23/02/2023
Khi có bảo hiểm tiền gửi ra đời, hoạt động có hiệu quả thì số lượng các ngân hàng bị tuyên bố phá sản đã giảm đi rõ rệt. Bởi vì, nhờ có bảo hiểm tiền gửi đã ngăn chặn sự đổ vỡ mang tính dây chuyền trong hệ thống ngân hàng, góp phần duy trì sự phát triển ổn định, an toàn cho các tổ chức tín dụng. Nhờ có bảo hiểm tiền gửi mà quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền được bảo đảm và từ đó các tổ chức tín dụng đã tạo dựng được niềm tin cho người gửi tiền, nhiều người dân có tiền đã tích cực gửi tiền vào các tổ chức tín dụng, qua đó các tổ chức tín dụng huy động nhiều vốn nhàn rỗi trong xã hội để cho vay và làm các dịch vụ ngân hàng khác, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng đã tăng lên rõ rệt, nền kinh tế đất nước phát triển, xã hội ổn định.

1- Khái niệm bảo hiểm tiền gửi

Bảo hiểm tiền gửi là loại hình bảo hiểm đối với hoạt động ngân hàng được thực hiện từ rất sớm ở nhiều nước. Chẳng hạn như ở Mỹ, bảo hiểm tiền gửi xuất hiện từ năm 1934. Bảo hiểm tiền gửi hiện nay có một vị trí, vai trò quan trọng đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng, đây là một trong những biện pháp bảo đảm an toàn cho hoạt động ngân hàng và hệ thống ngân hàng. Thực tế ở các nước cho thấy, khi có bảo hiểm tiền gửi ra đời, hoạt động có hiệu quả thì số lượng các ngân hàng bị tuyên bố phá sản đã giảm đi rõ rệt. Bởi vì, nhờ có bảo hiểm tiền gửi đã ngăn chặn sự đổ vỡ mang tính dây chuyền trong hệ thống ngân hàng, góp phần duy trì sự phát triển ổn định, an toàn cho các tổ chức tín dụng. Nhờ có bảo hiểm tiền gửi mà quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền được bảo đảm và từ đó các tổ chức tín dụng đã tạo dựng được niềm tin cho người gửi tiền, nhiều người dân có tiền đã tích cực gửi tiền vào các tổ chức tín dụng, qua đó các tổ chức tín dụng huy động nhiều vốn nhàn rỗi trong xã hội để cho vay và làm các dịch vụ ngân hàng khác, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng đã tăng lên rõ rệt, nền kinh tế đất nước phát triển, xã hội ổn định.

Ở nước ta, bảo hiểm tiền gửi bắt đầu áp dụng vào năm 1994 theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ tài chính số 101/QĐ/BTC ngày 01/2/1994 về việc ban hành quy tắc bảo hiểm trách nhiệm của quỹ tín dụng nhân dân đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn. Tuy nhiên, bảo hiểm tiền gửi theo Quyết định số 101/QĐ- BTC chỉ là một trong những nghiệp vụ kinh doanh bảo hiểm do các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện. Phạm vi bảo hiểm tiền gửi còn rất hạn hẹp vì đối tượng tham gia bảo hiểm chỉ là các quỹ tín dụng nhân dân và tiền gửi được bảo hiểm chỉ với các khoản tiền gửi có kỳ hạn bằng đồng Việt Nam. Nhận thức được tầm quan trọng của bảo hiểm tiền gửi đối với hoạt động ngân hàng trong thời kỳ mới, ngày 12/12/1997 Quốc hội đã ban hành Luật các tổ chức tín dụng trong đó có quy định: “Tổ chức tín dụng có trách nhiệm tham gia tổ chức tổ chức bảo toàn hoặc bảo hiểm tiền gửi; mức bảo toàn hoặc bảo hiểm tiền gửi do Chính phủ quy định”. Với quy định này đã tạo cơ sở pháp lí quan trọng cho sự ra đời chế độ bảo hiểm tiền gửi mới ở nước ta. Ngày 01/09/1999, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/1999/NĐ-CP về bảo hiểm tiền gửi trong đó quy định rõ mục đích, tính chất của bảo hiểm tiền gửi; đối tượng tham gia bảo hiểm tiền gửi, các loại tiền gửi được bảo hiểm, phí bảo hiểm... Ngày 9/11/1999, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg về việc thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam - tổ chức độc lập chuyên thực hiện nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi. Ngày 07/10/2000, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chính thức đi vào hoạt động. Ngày 18/6/2012, Quốc hội đã ban hành Luật bảo hiểm tiền gửi; Chính phủ ban hành Nghị định số 68/2013/NĐ-CP ngày 28/06/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật bảo hiểm tiền gửi. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 24/2014/TT-NHNN ngày 06/9/2014 hướng dẫn một số nội dung về hoạt động bảo hiểm tiền gửi.

Theo các quy định hiện hành: “Bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khỉ tể chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản” Bảo hiểm tiền gửi là loại hình bảo hiểm theo đó tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng được nhận tiền gửi bằng đồng Việt Nam của khách hàng là cá nhân thì bắt buộc phải tham gia đóng phí bảo hiểm tiền gửi cho tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam theo quy định. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm thì tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ có trách nhiệm thay tổ chức nhận tiền gửi đó trả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của các khách hàng gửi tiền ở tổ chức tham gia bảo hiểm đó.

Bảo hiểm tiền gửi ở nước ta, xét về tính chất là loại hình bảo hiểm bắt buộc. Bởi vì, pháp luật về bảo hiểm tiền gửi có quy định về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm mà các tham gia quan hệ bảo hiểm có nghĩa vụ phải thực hiện. Việc áp dụng chế độ bảo hiểm bắt buộc đối với tiền gửi không chỉ nhằm xử lí rủi ro đối với tổ chức nhận tiền gửi, bảo vệ lợi ích của người gửi tiền mà còn bảo vệ sự an toàn cho cả hệ thống các tổ chức tín dụng, sự ổn định tiền tệ quốc gia. Đồng thời còn tạo ra sự bình đẳng, công bằng trong các tổ chức có hoạt động ngân hàng, góp phần nâng cao uy tín của các tổ chức tín dụng đối với người dân trong giai đoạn hiện nay, nhằm khai thác tối đa các nguồn vốn nhàn rỗi để tập trung cho đầu tư phát triển kinh tế. Việc quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm tiền gửi đối với các tổ chức tín dụng được áp dụng ở nhiều nước. Chẳng hạn như Mỹ, pháp luật có quy định các ngân hàng là thành viên của hệ thống dự trữ liên bang phải tham gia bảo hiểm tại Công ty bảo hiểm tiền gửi Liên bang (Federal Deposit Insurance Corporation, viết tắt là: FDIC).

Nếu xét về đối tượng bảo hiểm thì bảo hiểm tiền gửi thuộc loại bảo hiểm trách nhiệm dân sự phát sinh trong hợp đồng. Bởi vì, đối tượng của bảo hiểm tiền gửi chính là nghĩa vụ hoàn trả tiền gửi (cả gốc và lãi) của tổ chức nhận tiền gửi đối với người gửi tiền. Trong pháp luật bảo hiểm tiền gửi ở nước ta đã xác định rõ: Người tham gia bảo hiểm có nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm là tổ chức được phép nhận tiền gửi của các khách hàng bằng đồng Việt Nam, còn người được hưởng quyền lợi bảo hiểm là người gửi tiền là cá nhân tại tổ chức tham gia bảo hiểm. Ở một số nước, bảo hiểm tiền gửi mang tính chất hỗn hợp giữa bảo hiểm trách nhiệm dân sự và bảo hiểm tài sản. Chẳng hạn ở Canada, người được hưởng quyền lợi bảo hiểm là người gửi tiền nhưng số tiền phí bảo hiểm một phần do tổ chức nhận tiền gửi đóng và một phần phí bảo hiểm do người gửi tiền đóng. Xét về bản chất, bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam là loại hình bảo hiểm phi thương mại, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật kinh doanh bảo hiểm mà được điều chỉnh bằng một quy chế pháp lí riêng (Luật bảo hiểm tiền gửi). 

Tính phi thương mại của bảo hiểm tiền gửi thể hiện ở chỗ, bên bảo hiểm là tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tổ chức tài chính nhà nước, mục tiêu hoạt động của tổ chức này là hoạt động không nhằm mục đích lợi nhuận mà nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng.

Ở một số nước, bảo hiểm tiền gửi là hoạt động bảo hiểm mang tính thương mại, thực hiện theo nguyên tắc hạch toán. Chẳng hạn ở Đức, quỹ bảo hiểm tiền gửi do Hiệp hội ngân hàng thương mại Đức tổ chức. Nó được thành lập, hoạt động như là tổ chức phi chính phủ nhằm tạo ra tính liên kết, tương trợ giữa các ngân hàng hội viên nhằm bảo đảm an toàn cho cả hệ thống. Các hội viên đóng góp tiền theo quy định vào quỹ bảo hiểm. Khi quỹ tạm thời nhàn rỗi số tiền trong quỹ sẽ được tận dụng một cách hợp pháp để tạo khả năng sinh lời. Quỹ bảo hiểm lập ra nhằm hai mục đích là phòng ngừa các rủi ro bằng cách quỹ giúp đỡ các thành viên khi gặp khó khăn về khả năng thanh toán và để thanh toán cho khách hàng khi ngân hàng là thành viên bị phá sản.

2- Nội dung của chế độ bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam

a) Phạm vi áp dụng

- Chủ thể trong quan hệ bảo hiểm tiền gửi Bảo hiểm tiền gửi là quan hệ 3 bên bao gồm: Bên nhận bảo hiểm; bên tham gia bảo hiểm và bên được bảo hiểm.

- Chủ thể nhận bảo hiểm: là tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có tên giao dịch quốc tế là Deposit Insurance of Vietnam (viết tắt là DIV) là tổ chức tài chính nhà nước, do Nhà nước thành lập, cấp vốn, Nhà nước bổ nhiệm người quản trị, điều hành. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhưng phải bảo đảm an toàn vốn và tự bù đắp chi phí, được miễn nộp các loại thuế. Để thực hiện các mục tiêu mà Nhà nước đề ra, tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được trao các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
- Theo dõi, giám sát và kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo hiểm tiền gửi và các quy định về an toàn trong
hoạt động của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi;
- Hỗ trợ cho tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi có nguy cơ mất khả năng chi trả nhưng chưa đến mức phải đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt;
- Thu, quản lí và sử dụng phí bảo hiểm tiền gửi của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định;
- Chi trả các khoản tiền gửi được bảo hiểm cho người gửi tiền trong phạm vi mức bảo hiểm tối đa theo quy định;
- Tham gia quản lí, thanh lí tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị phá sản;
- Kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chủ trương, chính sách về bảo hiểm tiền gửi;
- Tuyên truyền về bảo hiểm tiền gửi đối với công chúng; tổ chức tập huấn, đào tạo và tư vấn về các nghiệp vụ liên quan đến bảo hiểm tiền gửi;
- Hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước nhằm tăng cường năng lực hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi;
- Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được Thủ tướng Chính phủ giao.
- Người tham gia bảo hiểm: là các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng được nhận tiền gửi bằng đồng Việt Nam của các khách hàng là cá nhân đều phải tham gia bảo hiểm tiền gửi bắt buộc.    

Khi tham gia quan hệ bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có các quyền và nghĩa vụ sau:
- Nộp hồ sơ đề nghị cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi;
- Được cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi;
- Nộp phí bảo hiểm tiền gửi đầy đủ và đúng thời hạn;
- Yêu cầu tổ chức bảo hiểm tiền gửi chi trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm;
- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật;
- Cung cấp thông tin về tiền gửi được bảo hiểm cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi theo định kỳ hoặc theo yêu cầu của tổ chức bảo hiểm tiền gửi.
- Người được bảo hiểm, là các khách hàng cá nhân gửi tiền bằng đồng Việt Nam tại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, trừ các trường hợp quy định tại Điều 19 Luật bảo hiểm tiền gửi.

Trong quan hệ bảo hiểm tiền gửi, người được bảo hiểm tiền gửi có các quyền và nghĩa vụ sau:
- Được bảo hiểm số tiền gửi của mình tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định;
- Được nhận tiền bảo hiểm đầy đủ và đúng thời hạn quy định;
- Yêu cầu tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, chế độ về
bảo hiểm tiền gửi;
- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có    
liên quan đến bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật;
- Có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin về tiền gửi theo yêu cầu của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi khi thực hiện thủ tục trả tiền bảo hiểm.

b) Các loại tiền gửi được bảo hiểm

Trong pháp luật các nước có quy định các loại tiền được bảo hiểm. Tuy nhiên, việc quy định chủng loại tiền gửi được bảo hiểm có sự khác nhau. Chẳng hạn: Anh, Nhật, Bỉ, Pháp... tiền gửi được bảo hiểm chỉ là đồng bản tệ, còn ở một số nước khác như: Mỹ, Đức, Hà Lan... lại quy định tiền gửi được bảo hiểm bao gồm cả bằng đồng bản tệ và ngoại tệ. Pháp luật Việt Nam quy định: Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của người gửi tiền là cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi gồm: Tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn; tiền gửi tiết kiệm; chứng chỉ tiền gửi, kì phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, pháp luật Việt Nam còn quy định các loại tiền gửi không được bảo hiểm gồm:
- Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của chính tổ chức tín dụng đó;
- Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính tổ chức tín dụng đó; tiền gửi tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài của cá nhân là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó;
- Tiền mua các giấy tờ có giá vô danh do tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phát hành.

c) Giới hạn số tiền bảo hiểm

Theo pháp luật hiện hành, giới hạn số tiền bảo hiểm hay hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ.
Hạn mức trả tiền bảo hiểm hiện nay được Thủ tướng Chính phủ quy định là 50 triệu đồng. Đối với khoản tiền gửi của khách hàng được bảo hiểm lớn hơn 50 triệu đồng thì phần vượt quá giới hạn số tiền bảo hiểm sẽ được chi trả trong quá trình thanh lí tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi buộc giải thể do không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn hoặc bị phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.
Việc giới hạn số tiền bảo hiểm không chỉ quy định trong pháp luật nước ta mà có ở hầu hết các nước. Chẳng hạn như ở Mỹ giới hạn là 100.000 USD; ở Nhật Bản là 10.000.000 JPY; ở Bỉ là 50.000.000 BEF; ở Anh là 20.000 GBP; Canada là 60.000 USD; Pháp là 1.000.000 FRF.

Việc quy định số tiền gửi được bảo hiểm tối đa ở mỗi nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thực trạng kinh tế, tài chính của quốc gia đó, tỉ lệ số người gửi tiền được bảo hiểm, độ rủi ro trong hoạt động của nền kinh tế và của hệ thống ngân hàng; thu nhập bình quân tính theo GDP/đầu người; thực lực tài chính của bản thân tổ chức bảo hiểm tiền gửi.

Theo thông lệ ở các nước thì giới hạn số tiền bảo hiểm ở mức từ 2 đến 3 lần mức GDP bình quân đầu người, ở nước ta, mức giới hạn tối đa số tiền bảo hiểm sẽ điều chỉnh theo hướng tăng dần cùng với mức tăng GDP bình quân đầu người, ở Việt Nam hiện nay, số người gửi tiền từ 50 triệu đồng trở xuống chiếm tỉ lệ lớn, họ chủ yếu là cán bộ hưu trí hoặc người lao động có thu nhập trung bình, người làm công ăn lương... Họ ít có điều kiện và khả năng tham gia đầu tư kinh doanh trực tiếp, họ thực sự là người gửi tiền với mục đích tiết kiệm là chủ yếu. Việc quy định giới hạn tối đa số tiền gửi được bảo hiểm 50 triệu đồng, nhằm bảo đảm cho các đối tượng trên không gặp rủi ro trong quá trình gửi tiền tại tổ chức tín dụng, đồng thời còn bảo đảm không gây ra sự đổ vỡ hàng loạt các tổ chức tín dụng khi một tổ chức tín dụng rơi vào tình trạng phá sản, bởi họ là đối tượng gửi tiền chiếm tỷ lệ cao. Ngoài ra, nó còn có ý nghĩa khuyến khích người dân có vốn lớn, có khả năng kinh doanh nên đầu tư vốn vào kinh doanh để thúc đẩy nền kinh tế phát triển, góp phần giải quyết việc làm, ổn định xã hội, tạo nhiều nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

3- Phí bảo hiểm tiền gửi

Phí bảo hiểm tiền gửi là khoản tiền mà tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp cho tổ chức nhận bảo hiểm tiền gửi để được bảo hiểm cho số tiền gửi của khách hàng khi có sự kiện bảo hiểm. Theo quy định của pháp luật hiện hành: Thủ tướng Chính phủ quy định khung phí bảo hiểm tiền gửi và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan quy định mức phí bảo hiểm tiền gửi cụ thể đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi trên cơ sở kết quả đánh giá và phân loại các tổ chức này. Phí bảo hiểm tiền gửi được tính trên cơ sở số dư tiền gửi bình quân của tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và được coi là chi phí hoạt động của tổ chức tín dụng Phí bảo hiểm tiền gửi được tính và nộp định kỳ hàng quý trong năm tài chính. Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp phí bảo hiểm tiền gửi cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi chậm nhất vào ngày 20 tháng đầu tiên của quý kế tiếp. Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vi phạm thời hạn nộp phí bảo hiểm tiền gửi theo quy định trên thì ngoài việc phải nộp đủ số phí còn thiếu phải chịu phạt mỗi ngày nộp chậm bằng 0,05% số tiền nộp chậm.

Trường hợp tổ chức bảo hiểm tiền gửi phát hiện sự thiếu chính xác trong việc tính và nộp phí bảo hiểm tiền gửi thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi có trách nhiệm thông báo và truy thu số phí còn thiếu hoặc thoái thu đối với số phí nộp thừa trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày phát hiện. Sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày phải nộp phí bảo hiểm tiền gửi mà tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi không nộp hoặc nộp không đầy đủ phí bảo hiểm tiền gửi và tiền phạt thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trích tài khoản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để nộp phí bảo hiểm tiền gửi và tiền phạt. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận văn bản đề nghị của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm xử lí. Trong trường hợp tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi không nộp hoặc nộp không đầy đủ phí bảo hiểm tiền gửi mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải trích tài khoản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi để nộp phí theo quy định lần thứ hai thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động nhận tiền gửi của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

4- Trả tiền bảo hiểm

Pháp luật quy định nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vẫn lâm vào tình trạng phá sản hoặc Ngân hàng Nhà nước có văn bản xác định chi nhánh ngân hàng nước ngoài là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền. Tại văn bản này phải nêu rõ việc tổ chức tín dụng không khôi phục được khả năng thanh toán (lâm vào tình trạng phá sản) để làm cơ sở cho việc trả tiền bảo hiểm tiền gửi. Thủ tục chi trả tiền bảo hiểm được thực hiện như sau: 

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải gửi hồ sơ đề nghị trả tiền bảo hiểm cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Hồ sơ đề nghị trả tiền bảo hiểm bao gồm văn bản đề nghị trả tiền bảo hiểm, danh sách người được bảo hiểm tiền gửi, sổ tiền gửi của từng người được bảo hiểm tiền gửi và số tiền bảo hiểm đề nghị tổ chức bảo hiểm tiền gửi chi trả.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, tổ chức bảo hiểm tiền gửi tiến hành kiểm tra các chứng từ, sổ sách để xác định số tiền chi trả.

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra, tổ chức, bảo hiểm tiền gửi phải có phương án trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi; thông báo công khai về địa điểm, thời gian, phương thức trả tiền bảo hiểm trên ba số liên tiếp của một tờ báo trung ương, một tờ báo địa phương nơi đặt trụ sở chính, các chi nhánh của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và trên một báo điện tử của Việt Nam; niêm yết danh sách người được trả tiền bảo hiểm tại địa điểm đã thông báo.

- Khi nhận tiền bảo hiểm, người được bảo hiểm tiền gửi phải xuất trình các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với các khoản tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

- Tổ chức bảo hiểm tiền gửi trực tiếp trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi hoặc uỷ quyền cho tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khác thực hiện.

- Sau thời hạn 10 năm kể từ ngày tổ chức bảo hiểm tiền gửi có thông báo lần thứ nhất về việc trả tiền bảo hiểm, những khoản tiền bảo hiểm không có người nhận sẽ được xác lập quyền sở hữu nhà nước và bổ sung vào nguồn vốn hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, người có quyền sở hữu khoản tiền gửi được bảo hiểm sẽ không có quyền yêu cầu tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả số tiền bảo hiểm đó.

Bên cạnh các hoạt động liên quan trực tiếp đến hoạt động bảo hiểm, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam còn tham gia vào quá trình giám sát hoạt động của tổ chức tín dụng. Khi tổ chức tín dụng gặp khó khăn về tài chính, ngay cả trước và trong khi bị kiểm soát đặc biệt, Bảo hiểm tiền gửi có thể xem xét hỗ trợ bằng các khoản cho vay, bảo lãnh hoặc mua lại các khoản nợ nếu như Ngân hàng Nhà nước nhận định rằng, việc tổ chức tín dụng bị phá sản sẽ ảnh hưởng xấu đến sự ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng và nền kinh tế. Tổ chức Bảo hiểm tiền gửi sau khi thực hiện việc chi trả số tiền bảo hiểm sẽ trở thành chủ nợ của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi với số tiền bảo hiểm đã chi trả và được tham gia vào quá trình quản lí, phân chia giá trị tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo thứ tự thanh toán như đối với người gửi tiền khác theo quy định của pháp luật về giải thể, phá sản. Số tiền thu hồi được từ việc thanh lí tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị buộc giải thể do không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn hoặc bị phá sản sẽ được bổ sung vào nguồn vốn hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi.

0 bình luận, đánh giá về Bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.16942 sec| 1034.523 kb