Các loại hình bảo lãnh ngân hàng

23/02/2023
Với chủ trương đa dạng hoá các loại hình nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng nhằm mở rộng khả năng cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, pháp luật hiện hành quy định các tổ chức tín dụng được thực hiện những loại bảo lãnh ngân hàng sau đây: (i) Bảo lãnh vay vốn (hay bảo lãnh nghĩa vụ trả nợ tiền vay);(ii) Bảo lãnh thanh toán;(iii) Bảo lãnh dự thầu;(iv) Bảo lãnh thực hiện hợp đồng;(v) Bảo lãnh bảo đảm chất lượng sản phẩm;(vi) Bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước;(vii) Bảo lãnh đối ứng;(viii) Xác nhận bảo lãnh; (ix) Các loại bảo lãnh khác mà pháp luật không cấm và phù hợp với thông lệ quốc tế.

1- Bảo lãnh nghĩa vụ trả nợ tiền vay

Bảo lãnh nghĩa vụ trả nợ tiền vay là hình thức bảo lãnh ngân hàng, theo đó, tổ chức tín dụng cam kết bảo lãnh cho nghĩa vụ trả nợ tiền vay của khách hàng vay đối với bên cho vay trong hợp đồng tín dụng.
Ví dụ: Ngân hàng A bảo lãnh cho doanh nghiệp B vay tiền ngân hàng C. Trong ví dụ này, ngân hàng A đóng vai trò là bên bảo lãnh (đồng thời cũng là bên cung ứng dịch vụ bảo lãnh cho khách hàng là doanh nghiệp B); doanh nghiệp B đóng vai trò là bên được bảo lãnh (đồng thời cũng là bên được cung ứng dịch vụ bảo lãnh); còn ngân hàng c đóng vai trò là bên nhận bảo lãnh (đồng thời cũng là bên có quyền trong mối quan hệ với khách hàng vay vốn).
Về lí thuyết, mặc dù bảo lãnh vay vốn được coi là một trong số các hình thức bảo lãnh ngân hàng nhưng hình thức bảo lãnh này cũng chứa đựng một số nét đặc thù để phân biệt với các hình thức bảo lãnh ngân hàng khác do các tổ chức tín dụng thực hiện trên thị trường. Nét đặc thù của hình thức bảo lãnh này được thể hiện thông qua các dấu hiệu cơ bản sau đây:

Một là đối tượng của bảo lãnh vay vốn chính là nghĩa vụ tài sản của bên vay đối với bên cho vay (bao gồm nghĩa vụ hoàn trả tiền vay cả gốc và lãi, nghĩa vụ nộp phạt vi phạm hợp đồng tín dụng, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và các nghĩa vụ tài sản khác của bên vay đối với bên cho vay, nếu có...). Cũng vì đối tượng của bảo lãnh vay vốn thực chất là nghĩa vụ tài sản của bên vay đối với bên cho vay phát sinh từ hợp đồng tín dụng mà vốn dĩ nghĩa vụ này thường bị vi phạm nên trong thực tế tổ chức tín dụng bảo lãnh thường phải thực hiện thay, với tư cách là người bảo lãnh. Điều này cho thấy bảo lãnh vay vốn là hình thức bảo lãnh ngân hàng chứa đựng nguy cơ rủi ro và bất trắc rất lớn cho các tổ chức tín dụng bảo lãnh.

Hai là trong bảo lãnh vay vốn, cơ sở pháp lí làm phát sinh nghĩa vụ được bảo lãnh chính là hợp đồng tín dụng. Vì thế chỉ khi nào hợp đồng tín dụng đã phát sinh hiệu lực pháp lí thì khi đó nghĩa vụ được bảo lãnh mới phát sinh và sự bảo lãnh của tổ chức tín dụng cho khách hàng mới có ý nghĩa thực tiễn. Vậy nếu giả thiết rằng ngân hàng A đã phát hành thư bảo lãnh gửi cho ngân hàng C (bên cho vay) và ngân hàng C đã giao kết hợp đồng tín dụng với khách hàng vay là doanh nghiệp B nhưng sau đó hợp đồng tín dụng này bị toà án tuyên bố là vô hiệu thì liệu ngân hàng A có quyền yêu cầu doanh nghiệp B thanh toán khoản phí bảo lãnh cho mình hay không? Trong tình huống này, tùy hợp đồng tín dụng là cơ sở để hình thành quan hệ bảo lãnh ngân hàng nhưng do hợp đồng dịch vụ bảo lãnh (hợp đồng cấp bảo lãnh) giữa tổ chức tín dụng với khách hàng có tính độc lập so với hợp đồng tín dụng nên sự vô hiệu của hợp đồng tín dụng không hề dẫn tới sự vô hiệu của hợp đồng dịch vụ bảo lãnh. Vì lẽ đó, mặc dù hợp đồng tín dụng bị vô hiệu nhưng hợp đồng dịch vụ bảo lãnh không bị vô hiệu theo, hệ quả là hợp đồng này vẫn phát sinh quyền, nghĩa vụ pháp lí cho các bên giao kết. Nếu trên thực tế tổ chức tín dụng bảo lãnh đã phát hành thư bảo lãnh theo đúng cam kết với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ bảo lãnh thì họ vẫn có quyền yêu cầu khách hàng phải thanh toán cho mình khoản phí dịch vụ bảo lãnh.


 

2- Bảo lãnh thực hiện hợp đồng

Bảo lãnh thực hiện hợp đồng là hình thức bảo lãnh ngân hàng, theo đó, tổ chức tín dụng lập cam kết bảo lãnh với bên có quyền để hứa sẽ thực hiện nghĩa vụ tài sản trong hợp đồng thay cho khách hàng là bên có nghĩa vụ, nếu đến hạn mà người này không thực hiện hoặc thực hiện- không đúng nghĩa vụ của họ đối với bên có quyền.
Ví dụ: Ngân hàng A bảo lãnh cho doanh nghiệp B mua hàng hoá của doanh nghiệp C. Trong ví dụ này, ngân hàng A đóng vai trò là bên bảo lãnh; doanh nghiệp B đóng vai trò là bên được bảo lãnh và doanh nghiệp C đóng vai trò là bên nhận bảo lãnh.
Với tư cách là hình thức bảo lãnh ngân hàng, bảo lãnh thực hiện hợp đồng có thể phân biệt với các hình thức bảo lãnh ngân hàng khác ở chỗ đối tượng của bảo lãnh thực hiện hợp đồng chính là các nghĩa vụ tài sản của khách hàng (bên có nghĩa vụ) đối với bên có quyền. Nghĩa vụ tài sản này phát sinh từ một hợp đồng đã có hiệu lực được giao kết giữa bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) với khách hàng là bên có nghĩa vụ (bên được bảo lãnh), về nguyên tắc, do tổ chức tín dụng bảo lãnh chỉ có khả năng thực hiện nghĩa vụ thay cho khách hàng được bảo lãnh bằng tài sản của mình chứ không phải bằng việc thực hiện công việc nhất định nên nghĩa vụ được bảo lãnh (tức là nghĩa vụ tài sản của khách hàng đối với bên có quyền" đối tượng của bảo lãnh thực hiện hợp đồng) cũng phải có khả năng tính được thành tiền. Vì thế nếu khách hàng yêu cầu tổ chức tín dụng bảo lãnh cho công việc của họ phải thực hiện đối với bên có quyền mà bản thân công việc đó không thể trị giá được thành tiền thì do đó công việc này không thể là đối tượng của bảo lãnh ngân hàng.

3- Bảo lãnh nghĩa vụ thanh toán của người mắc nợ đối với chủ nợ

Bảo lãnh nghĩa vụ thanh toán là một trong số các hình thức bảo lãnh ngân hàng điển hình, theo đó tổ chức tín dụng lập cam kết bảo lãnh với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thanh toán thay cho khách hàng (bên được bảo lãnh) nếu đến hạn mà người này không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thanh toán của họ đối với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh).

Theo định nghĩa này, pháp luật không xác định rõ đây là nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng hay ngoài hợp đồng nên về nguyên tắc có thể hiểu nghĩa vụ được bảo lãnh trong trường hợp này bao gồm cả nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng và nghĩa vụ thanh toán ngoài hợp đồng. Có thể nhận thấy dấu hiệu cơ bản nhất để phân biệt bảo lãnh thanh toán với các hình thức bảo lãnh ngân hàng khác chính là ở đối tượng bảo lãnh, đó là các nghĩa vụ thanh toán của khách hàng (bên được bảo lãnh) đối với chủ nợ của họ (bên nhận bảo lãnh). Các nghĩa vụ thanh toán này có thể phát sinh từ một hợp đồng (ví dụ: nghĩa vụ trả tiền hàng hoá, dịch vụ đã mua...) hoặc ngoài hợp đồng (chẳng hạn, nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ nộp phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng..Nghĩa vụ này bao giờ cũng là món tiền cụ thể mà khách hàng được bảo lãnh - với tư cách là người mắc nợ phải thanh toán cho bên chủ nợ vào một ngày nhất định trong tương lai.

4- Bảo lãnh dự thầu

Bảo lãnh dự thầu là hình thức bảo lãnh ngân hàng, theo đó, tổ chức tín dụng lập cam kết bảo lãnh với bên mời thầu để bảo đảm cho các nghĩa vụ tài sản của khách hàng (bên dự thầu khi tham gia dự thầu, nếu khách hàng không thực hiện được các nghĩa vụ đó thì tổ chức tín dụng bảo lãnh sẽ thực hiện thay.
Ví dụ: Ngân hàng A bảo lãnh cho công ty xây dựng B tham gia dự thầu xây dựng công trình nhà văn hoá thể thao của bên mời thầu C. Trong ví dụ này, ngân hàng A đóng vai trò là bên bảo lãnh; công ty xây dựng B đóng vai trò là bên được bảo lãnh còn bên mời thầu C đóng vai trò là bên nhận bảo lãnh.
Về lí thuyết, bảo lãnh dự thầu có thể phân biệt với các hình thức bảo lãnh ngân hàng khác ở những đặc điểm sau đây:

Một là đối tượng của bảo lãnh dự thầu chính là các nghĩa vụ tài sản của bên dự thầu đối với bên mời thầu khi tham gia dự thầu. Các nghĩa vụ tài sản này thông thường bao gồm nghĩa vụ nộp tiền ký quỹ dự thầu, nghĩa vụ nộp tiền phạt do vi phạm quy định dự thầu. Các nghĩa vụ này có thể phát sinh do thoả thuận của các bên (bên mời thầu và bên dự thầu) hoặc do pháp luật quy định trước. Tuy nhiên, dù cho các nghĩa vụ được bảo lãnh của bên dự thầu đối với bên mời thầu được phát sinh từ cơ sở pháp lí nào thì trong văn bản bảo lãnh của tổ chức tín dụng phát hành cũng phải ghi rõ nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ gì, giá trị của nghĩa vụ đó là bao nhiêu tiền và với điều kiện nào thì tổ chức tín dụng bảo lãnh sẽ phải thực hiện thay cho khách hàng với vai trò là người bảo lãnh.

Hai là về chủ thể, bên nhận bảo lãnh trong quan hệ bảo lãnh dự thầu bao giờ cũng là bên mời thầu, còn khách hàng được bảo lãnh bao giờ cũng là bên dự thầu.

5- Bảo lãnh bảo đảm chất lượng sản phẩm

Bảo lãnh bảo đảm chất lượng sản phẩm là cam kết của tổ chức tín dụng với bên nhận bảo lãnh, sẽ bảo đảm việc khách hàng thực hiện đúng các thoả thuận về chất lượng của sản phẩm theo hợp đồng đã ký với bên nhận bảo lãnh.
Bảo lãnh bảo đảm chất lượng sản phẩm thực chất là một dạng cụ thể của hình thức bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, bảo lãnh bảo đảm chất lượng sản phẩm có thể phân biệt với các hình thức bảo lãnh ngân hàng khác ở những đặc điểm sau đây:

Một là đối tượng của bảo lãnh bảo đảm chất lượng sản phẩm chính là nghĩa vụ thanh toán tiền phạt và tiền bồi thường thiệt hại của khách hàng được bảo lãnh đối với bên nhận hàng hóa do khách hàng đã vi phạm điều khoản về chất lượng sản phẩm theo hợp đồng đã ký. Theo quy định này, chỉ khi nào khách hàng được bảo lãnh bị bên đối tác áp dụng chế tài phạt vi phạm hợp đồng hoặc buộc bồi thường thiệt hại do vi phạm điều khoản về chất lượng sản phẩm mà khách hàng không tự thực hiện được thì tổ chức tín dụng bảo lãnh mới phải thực hiện nghĩa vụ thay cho khách hàng, với tư cách là người bảo lãnh.

Hai là về chủ thể, khách hàng được bảo lãnh bao giờ cũng là nhà cung cấp sản phẩm hàng hoá và do đó người này mặc nhiên có nghĩa vụ phải bảo đảm chất lượng cho sản phẩm mình đã cung cấp cho khách hàng. Nghĩa vụ này trước hết là nghĩa vụ phát sinh từ các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, sau nữa cũng có thể là nghĩa vụ phát sinh từ chính hợp đồng cung cấp sản phẩm hàng hoá được ký kết giữa nhà cung cấp với khách hàng mua sản phẩm, nếu các bên có ghi rõ trong hợp đồng về nghĩa vụ bảo đảm chất lượng sản phẩm của nhà cung cấp.


Ngoài ra, bên nhận bảo lãnh trong trường hợp bảo lãnh bảo đảm chất lượng sản phẩm chính là người mua sản phẩm hàng hoá. Cần lưu ý rằng chỉ người mua nào đã được xác định rõ trong hợp đồng cung cấp sản phẩm cũng như hợp đồng dịch vụ bảo lãnh và cam kết bảo lãnh thì mới được coi là bên nhận bảo lãnh và mới có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ tài sản thay cho nhà cung cấp. Dĩ nhiên, muốn thực hiện quyền năng pháp lí này đối với tổ chức tín dụng bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh với tư cách là người mua phải dẫn chứng về việc người bán - khách hàng được bảo lãnh đã vi phạm điều khoản về chất lượng sản phẩm hàng hoá và do đó họ có nghĩa vụ phải chịu phạt vi phạm hợp đồng hoặc trả tiền bồi thường thiệt hại đối với người mua, cũng như các nghĩa vụ tài sản khác phát sinh từ việc vi phạm điều khoản hợp đồng về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, tổ chức tín dụng bảo lãnh sẽ chỉ phải thực hiện thay cho khách hàng được bảo lãnh những nghĩa vụ tài sản nào của khách hàng mà họ đã cam kết bảo lãnh trong văn bản bảo lãnh.

6- Bảo lãnh đối ứng

Bảo lãnh đối ứng là hình thức bảo lãnh ngân hàng, theo đó tổ chức tín dụng bảo lãnh đối ứng lập cam kết bảo lãnh đối ứng với bên bảo lãnh để hứa sẽ thực hiện thay khách hàng được bảo lãnh các nghĩa vụ tài chính của họ đối với bên bảo lãnh, nếu đến hạn mà người này không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của họ đối với bên bảo lãnh.
Ví dụ: Ngân hàng A bảo lãnh cho doanh nghiệp B thanh toán khoản tiền hàng nhập khẩu với bên nước ngoài. Ngân hàng C lập cam kết bảo lãnh đối ứng với ngân hàng A để bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp B đối với ngân hàng A (bao gồm nghĩa vụ trả phí bảo lãnh, nghĩa vụ hoàn trả lại số tiền đã được trả thay, nghĩa vụ trả tiền lãi và tiền phạt chậm thanh toán, nếu có...).
Trong ví dụ này, ngân hàng A đóng vai trò là bên bảo lãnh (xét trong mối quan hệ với bên bán hàng nước ngoài), vừa là bên nhận bảo lãnh đối ứng (xét trong mối quan hệ với ngân hàng C). Ngân hàng c đóng vai trò là bên bảo lãnh đối ứng (xét trong mối quan hệ với ngân hàng A), vừa là bên cung ứng dịch vụ bảo lãnh (xét trong mối quan hệ với doanh nghiệp B). Còn doanh nghiệp B vừa là khách hàng được bảo lãnh của ngân hàng A đồng thời cũng là khách hàng được bảo lãnh của ngân hàng C, mặc dù nghĩa vụ được bảo lãnh của doanh nghiệp B trong hai quan hệ bảo lãnh này là khác nhau.
Bảo lãnh đối ứng thể hiện một số dấu hiệu đặc thù sau đây:

Một là đối tượng của bảo lãnh đối ứng là nghĩa vụ tài sản của khách hàng được bảo lãnh đối với tổ chức tín dụng bảo lãnh. Các nghĩa vụ tài sản này chủ yếu bao gồm việc hoàn trả số tiền đã được bên bảo lãnh trả thay; nghĩa vụ thanh toán tiền phí dịch vụ bảo lãnh cho bên bảo lãnh và có thể bao gồm cả những nghĩa vụ khác phát sinh do việc chậm thanh toán, chẳng hạn như việc trả tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại cho bên bảo lãnh (nếu có). Các nghĩa vụ tài sản này phát sinh từ hợp đồng dịch vụ bảo lãnh giữa bên bảo lãnh với khách hàng được bảo lãnh, chẳng hạn, trong ví dụ trên chính là nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp B đối với ngân hàng A.

Hai là, về chủ thể tham gia bảo lãnh đối ứng, cả bên bảo lãnh đối ứng và bên nhận bảo lãnh đối ứng đều là các tổ chức tín dụng được phép hoạt động bảo lãnh ngân hàng. Mặt khác, cả hai chủ thể này đều có chung một khách hàng là bên được bảo lãnh, mặc dù đối tượng (nghĩa vụ được bảo lãnh) của hành vi bảo lãnh của mỗi tổ chức tín dụng là khác nhau. Chẳng hạn, xét trong ví dụ đã nêu thì ngân hàng A cam kết bảo lãnh cho nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp B đối với bên bán hàng nước ngoài (nhà xuất khẩu); còn ngân hàng c lại cam kết bảo lãnh cho nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp B đối với ngân hàng A. Vì thế mặc dù cả ngân hàng A và ngân hàng c đều cùng bảo lãnh cho một khách hàng là doanh nghiệp B nhưng do đối tượng bảo lãnh là khác nhau, cùng với sự khác nhau về chủ thể nhận bảo lãnh nên hành vi bảo lãnh của hai ngân hàng này không phải là đồng bảo lãnh. Ngoài ra, sự khác nhau giữa bảo lãnh đối ứng với trường hợp hợp đồng bảo lãnh còn thể hiện ở chỗ trong bảo lãnh đối ứng, hoàn toàn không có sự liên đới trách nhiệm nào giữa các tổ chức tín dụng cùng tham gia bảo lãnh cho một khách hàng, bởi lẽ, mỗi tổ chức tín dụng này đều cam kết thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh độc lập đối với một chủ nợ nhất định. Còn trong trường hợp hợp đồng bảo lãnh, nếu các tổ chức tín dụng đồng bảo lãnh không có thoả thuận với nhau và với bên nhận bảo lãnh về sự phân chia nghĩa vụ được bảo lãnh thành các phần nghĩa vụ độc lập của mỗi người bảo lãnh thì mặc nhiên được suy đoán theo nguyên tắc luật định là giữa những người đồng bảo lãnh đã tồn tại sự liên đới trách nhiệm đối với bên nhận bảo lãnh.

7- Xác nhận bảo lãnh

Xác nhận bảo lãnh là nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng, theo đó, tổ chức tín dụng (gọi là bên xác nhận bảo lãnh) cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thay cho bên bảo lãnh nếu người này vi phạm nghĩa vụ bảo lãnh đối với bên nhận bảo lãnh.
Thực tế cho thấy trường hợp này thường xảy ra khi bên nhận bảo lãnh có lí do để nghi ngờ về tình hình tài chính và khả năng thực hiện vai trò người bảo lãnh của tổ chức tín dụng bảo lãnh. Vì thế, bên nhận bảo lãnh mới yêu cầu bên bảo lãnh phải có sự xác nhận bảo lãnh của tổ chức tín dụng khác. Có thể hình dung rõ hơn về nghiệp vụ xác nhận bảo lãnh của tổ chức tín dụng qua ví dụ sau đây:
Giả sử rằng ngân hàng A (bên bảo lãnh) cam kết bảo lãnh cho doanh nghiệp B (bên được bảo lãnh) vay tiền của ngân hàng c (bên nhận bảo lãnh). Nếu ngân hàng C không tín nhiệm về khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của ngân hàng A đối với mình thì ngân hàng c có thể yêu cầu ngân hàng A phải tìm kiếm sự bảo lãnh của một hay nhiều tổ chức tín dụng khác cho nghĩa vụ bảo lãnh của ngân hàng A đối với mình. Giả định rằng ngân  
hàng D nhận được đề nghị và chấp thuận bảo lãnh cho nghĩa vụ bảo lãnh của ngân hàng A đối với ngân hàng C thì hành vi bảo lãnh của ngân hàng D được nhà làm luật xem là hành vi “xác nhận bảo lãnh”. Trong khi đó, hành vi này lại được một số học giả trong giới luật học coi là “bảo lãnh của bảo lãnh”.

Tuy nhiên, cho dù việc xác nhận bảo lãnh như ví dụ trên đây có thể được gọi tên khác nhau nhưng về bản chất, nghiệp vụ bảo lãnh này vẫn thể hiện một số dấu hiệu đặc trưng sau đây:

Một là đối tượng của hành vi xác nhận bảo lãnh (hay bảo lãnh của bảo lãnh) chính là nghĩa vụ bảo lãnh của bên bảo lãnh đối với bên nhận bảo lãnh. Nghĩa vụ này phát sinh từ cam kết bảo lãnh (thư bảo lãnh hoặc hợp đồng bảo lãnh) giữa bên bảo lãnh (trong ví dụ trên là ngân hàng A) với bên nhận bảo lãnh (trong ví dụ trên là ngân hàng C). Đây là dấu hiệu cơ bản để phân biệt hành vi xác nhận bảo lãnh với hành vi bảo lãnh đối ứng hoặc đồng bảo lãnh, bởi lẽ, đối tượng của hành vi bảo lãnh đối ứng chính là nghĩa vụ của khách hàng được bảo lãnh đối với bên bảo lãnh, còn đối tượng của hành vi đồng bảo lãnh lại là nghĩa vụ của khách hàng được bảo lãnh đối với bên nhận bảo lãnh.
Cũng theo logic này, bên xác nhận bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình khi bên được xác nhận bảo lãnh đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ bảo lãnh của họ đối với bên nhận bảo lãnh.


Hai là về chủ thể, trong hình thức xác nhận bảo lãnh, cả bên xác nhận, bảo lãnh và bên được xác nhận bảo lãnh thông thường đều là các tổ chức tín dụng được phép thực hiện hoạt động bảo lãnh ngân hàng. Tuy vậy, hai tổ chức tín dụng này khi tham gia quan hệ xác nhận bảo lãnh lại có tư cách pháp lí khác nhau. Nếu tổ chức tín dụng xác nhận bảo lãnh có vai trò là người bảo lãnh (đồng thời cũng có thêm tư cách là bên cung cấp dịch vụ bảo lãnh) thì tổ chức tín dụng được xác nhận bảo lãnh lại có tư cách là người được bảo lãnh (hay khách hàng được cung ứng dịch vụ xác nhận bảo lãnh).
Tóm lại, có thể nhận xét rằng các hình thức bảo lãnh trên đây của tổ chức tín dụng đối với khách hàng chủ yếu được áp dụng trong các lĩnh vực quan trọng, then chốt của nền kinh tế như lĩnh vực xây dựng cơ bản, mua bán hàng hóa trong nước và quốc tế, hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng, nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước... Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) thì sự gia tăng các nghiệp vụ ngân hàng nói chung và nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng nói riêng trong thời gian tới là điều tất yếu. Điều này đòi hỏi pháp luật ngân hàng Việt Nam cần sớm có những quy định sửa đổi, bổ sung theo hướng mở cửa và trao quyền rộng rãi cho các tổ chức tín dụng trong việc lựa chọn và phát triển các nghiệp vụ ngân hàng tiên tiến, hiện đại, phù hợp với hoàn cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi và hội nhập quốc tế.

 

0 bình luận, đánh giá về Các loại hình bảo lãnh ngân hàng

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.58708 sec| 1020.781 kb