Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO

28/02/2023
Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO được xây dựng trên 4 nguyên tắc: công bằng, nhanh chóng, hiệu quả và chấp nhận được đối với các bên tranh chấp, phù hợp với mục tiêu bảo toàn các quyền và nghĩa vụ, phù hợp với các hiệp định thương mại có liên quan trên cơ sở tuân thủ các quy phạm của luật tập quán quốc tế về giải thích điều ước quốc tế.

1- Tổng quan

1.1- Hệ thống giải quyết tranh chấp - từ GATT đến WTO

Hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO, được vận hành từ ngày 1/1/1995 đến nay, vốn không phải là hệ thống mới. Thực chất, hệ thống này được xây dựng trên cơ sở hệ thống giải quyết tranh chấp của GATT 1947. Trong suốt gần 50 năm trước khi WTO ra đời, hệ thống giải quyết tranh chấp của GATT 1947 được vận hành chỉ dựa trên hai điều khoản ngắn gọn - Điều XXII và Điều XXIII GATT 1947, cùng với một số nguyên tắc cũng như thông lệ được hệ thống hoá trong các quyết định và thoả thuận của các bên kí kết GATT 1947. Vì vậy, cũng dễ hiểu khi hệ thống giải quyết tranh chấp của GATT đã không thể đưa ra những thủ tục cụ thể để giải quyết các tranh chấp một cách hiệu quả. Hơn thế nữa, hệ thống giải quyết tranh chấp của GATT 1947 còn có nhiều điểm hạn chế đáng kể, dẫn đến việc nảy sinh những vấn đề phức tạp vào những năm 1980. Do đó, rất nhiều bên kí kết của GATT 1947, kể cả các DCs và các nước phát triển, đều nhận thấy rằng cần phải thay thế hệ thống giải quyết tranh chấp của GATT 1947, vốn đã lạc hậu, đơn giản, được vận hành dựa trên sức mạnh, và giải quyết các tranh chấp chủ yếu thông qua các cuộc đàm phán mang tính ngoại giao, bằng một hệ thống cụ thể và được vận hành dựa trên các quy tắc để giải quyết các tranh chấp thông qua việc xét xử. Trên cơ sở đó, sau các cuộc tranh luận kéo dài, một hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO, được đàm phán trong khuôn khổ Vòng đàm phán U-ru-goay, đã được thiết lập. Hệ thống này được hình thành chủ yếu nhằm đưa ra một cơ chế giải quyết tranh chấp nhanh chóng giữa các thành viên WTO liên quan đến các quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của WTO, cũng như nhằm bảo vệ an ninh và cung cấp khả năng có thể dự đoán của hệ thống thương mại đa phương.  Hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO được vận hành dựa trên các nguyên tắc cơ bản như nguyên tắc ‘đồng thuận nghịch’, nguyên tắc bí mật trong tố tụng, nguyên tắc bình đẳng trong giải quyết tranh chấp và nguyên tắc dành sự đối xử đặc biệt cho các thành viên DCs.

Mặc dù hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO được xây dựng trên cơ sở các quy định và thực tiễn giải quyết tranh chấp của GATT 1947, nhưng nó vẫn có một số thay đổi đáng kể, đó là:

- Sự xuất hiện của nguyên tắc ‘đồng thuận nghịch’;

- Việc đẩy nhanh các thủ tục với những khung thời hạn cụ thể cho các hoạt động tố tụng tại WTO;

- Bổ sung thủ tục phúc thẩm nhằm mang lại cho các bên tranh chấp cơ hội tiếp theo để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình theo quy định của WTO; và

- Bổ sung tính bắt buộc và xây dựng cơ chế thực thi nhằm đảm bảo tốt hơn việc bảo vệ quyền lợi cho các thành viên WTO.

Bên cạnh những thành công đáng kể, hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần phải được giải quyết thông qua đàm phán trong khuôn khổ WTO, như vấn đề về khả năng và tính hiệu quả của việc áp dụng các biện pháp trả đũa, về phạm vi xem xét phúc thẩm, cũng như việc áp dụng các biện pháp tạm thời. Các thành viên WTO cũng đã nhất trí việc tiến hành đàm phán nhằm cải tiến và làm rõ các quy định của DSU. Trên thực tế, các cuộc đàm phán để rà soát và sửa đổi DSU đã diễn ra từ năm 1998 nhưng cho đến nay vẫn chưa đạt được bất kì thoả thuận nào. 

1.2- Hiệp định về giải quyết tranh chấp của WTO (DSU)

Hiệp định về các quy tắc và thủ tục giải quyết tranh chấp, thường được gọi là Hiệp định về giải quyết tranh chấp hay DSU, thường được xem như là một trong những thành công đáng kể nhất của Vòng đàm phán U-ru-goay. DSU đưa ra một cơ chế giải quyết tranh chấp duy nhất áp dụng cho tất cả các hiệp định của WTO được liệt kê trong Phụ lục 1 của DSU, bao gồm Hiệp định thành lập WTO; 12 hiệp định đa phương trong lĩnh vực thương mại hàng hoá; Hiệp định GATS; Hiệp định TRIPS; Hiệp định về mua sắm chính phủ; Hiệp định về mua bán máy bay dân dụng; và chính DSU.

Về cấu trúc, DSU gồm có 27 điều và 4 phụ lục. DSU quy định về phạm vi thẩm quyền và chức năng cơ bản của các thiết chế trong việc giải quyết tranh chấp tại WTO. Bốn phụ lục của DSU đã cụ thể hoá các hiệp định có liên quan; phân nhóm các quy tắc và thủ tục đặc biệt và bổ sung được quy định trong các hiệp định có liên quan; quy định những thủ tục làm việc cơ bản và kế hoạch làm việc dự kiến của Ban hội thẩm và đưa ra những quy tắc và thủ tục được áp dụng cho bất kì nhóm chuyên gia rà soát nào có thể được thành lập bởi Ban hội thẩm. 

1.3- Các cơ quan của WTO tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp

Các cơ quan chính của WTO tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp đó là: Cơ quan giải quyết tranh chấp (viết tắt là ‘DSB’), Ban hội thẩm, Cơ quan phúc thẩm, Tổng giám đốc và Ban thư kí của WTO, các trọng tài viên, các chuyên gia độc lập và các cơ quan chuyên môn khác. Nội dung của mục này chủ yếu trình bày về DSB, Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm.

Đại hội đồng sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình theo quy định của DSU thông qua DSB.  Giống như Đại hội đồng, DSB là cơ quan chính trị bao gồm đại diện của tất cả các thành viên WTO. Theo khoản 1 Điều 2 DSU, DSB có thẩm quyền thành lập Ban hội thẩm để giải quyết tranh chấp, thông qua các báo cáo của Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm, duy trì sự giám sát việc áp dụng các phán quyết và khuyến nghị mà cơ quan này thông qua và cho phép đình chỉ các nhượng bộ và các nghĩa vụ khác theo các hiệp định có liên quan, nếu các phán quyết và khuyến nghị đó không được các thành viên thực hiện trong khoảng thời gian hợp lí. DSB có một Chủ tịch riêng, thường là người đứng đầu của phái đoàn thường trực tại Giơ-ne-vơ của một trong các thành viên  và được hỗ trợ bởi Ban thư kí WTO. 

Ban hội thẩm là một cơ quan bán tư pháp và độc lập, do DSB thành lập để xem xét các tranh chấp không thể giải quyết được ở giai đoạn tham vấn. Khoản 1 Điều 6 của DSU quy định rằng Ban hội thẩm được thành lập chậm nhất là vào ngày cuộc họp tiếp theo của DSU, mà tại đó yêu cầu thành lập Ban hội thẩm lần đầu tiên được đưa ra như một nội dung trong chương trình nghị sự của DSB, trừ trường hợp tại cuộc họp đó, DSB quyết định trên cơ sở đồng thuận không thành lập Ban hội thẩm. Mỗi Ban hội thẩm thường bao gồm ba, trong trường hợp đặc biệt là năm chuyên gia có trình độ và độc lập được lựa chọn trên cơ sở ‘ad hoc’ (theo từng vụ việc).  Theo khoản 10 Điều 8 DSU, trong trường hợp tranh chấp xảy ra giữa một thành viên DC và một thành viên phát triển, nếu thành viên DC có yêu cầu thì trong thành phần Ban hội thẩm sẽ phải có ít nhất một hội thẩm viên là công dân của một thành viên DC. Chức năng của Ban hội thẩm là đưa ra các đánh giá khách quan về cả nội dung sự kiện và nội dung pháp luật của vụ việc, và đệ trình một báo cáo lên DSB, trong đó Ban hội thẩm đưa ra các kết luận của mình bao gồm cả những khuyến nghị, trong trường hợp phát hiện có sự vi phạm nghĩa vụ của một thành viên WTO. 

Cơ quan phúc thẩm là cấp xét xử thứ hai và cũng là cấp xét xử cuối cùng của hệ thống giải quyết tranh chấp. Giống như Ban hội thẩm, Cơ quan phúc thẩm là cơ quan bán tư pháp và độc lập, nhưng khác với Ban hội thẩm, Cơ quan phúc thẩm là cơ quan thường trực bao gồm bảy thành viên, trong đó mỗi thành viên có nhiệm kì bốn năm và có thể được tái bổ nhiệm một lần.  Theo khoản 3 Điều 17 DSU, các thành viên Cơ quan phúc thẩm phải là những người có uy tín, có kinh nghiệm chuyên môn về pháp luật, về thương mại quốc tế và những lĩnh vực thuộc diện điều chỉnh của các hiệp định nói chung; đồng thời họ cũng không được liên kết với bất kì chính phủ nào. Trong trường hợp có kháng cáo đối với báo cáo của Ban hội thẩm, Cơ quan phúc thẩm sẽ tiến hành xem xét lại các nội dung pháp luật bị kháng cáo và đệ trình báo cáo lên DSB, trong đó Cơ quan phúc thẩm có thể giữ nguyên, hủy bỏ hoặc sửa đổi kết luận của Ban hội thẩm, nhưng chỉ trong phạm vi các nội dung pháp lí đã được nêu và việc giải thích pháp luật.  Một điều cần lưu ý là trong các kết luận và khuyến nghị của mình, Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm không thể bổ sung hay hạn chế các quyền và nghĩa vụ của bất cứ thành viên WTO nào được quy định trong các hiệp định có liên quan. 

Ngoài ba cơ quan nêu trên, trong khuôn khổ WTO, còn có một số cơ quan khác cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình giải quyết tranh chấp, như Tổng giám đốc và Ban thư kí của WTO,  các trọng tài viên,  các chuyên gia độc lập và các cơ quan chuyên môn. 

1.4- Các bên tham gia vào hệ thống giải quyết tranh chấp

Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO là cơ chế giải quyết giữa chính phủ với chính phủ, vì vậy chỉ các thành viên WTO mới có thể sử dụng hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO với tư cách là các bên tranh chấp hoặc các bên thứ ba. Do đó, bất kì ngành kinh tế hoặc cá nhân của một thành viên WTO muốn sử dụng hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO để chống lại chính phủ của thành viên WTO khác thì trước hết, họ phải thuyết phục được chính phủ nước mình đệ đơn khởi kiện chống lại thành viên WTO khác đó.  Điều đó cũng có nghĩa rằng, Ban thư kí WTO, các quan sát viên của WTO, các tổ chức quốc tế khác và các chính quyền địa phương, nếu không phải là thành viên của WTO, thì không có quyền đề xuất khởi xướng các thủ tục giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ WTO.  Tương tự, các tổ chức phi chính phủ (viết tắt là ‘NGOs’) cũng không có quyền này. Các NGOs không có quyền tham gia trực tiếp vào hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO, nhưng họ có thể có vai trò trong tiến trình giải quyết tranh chấp của WTO bằng cách đệ trình các ý kiến theo hình thức ‘amicus curiae’ tới Ban hội thẩm hoặc Cơ quan phúc thẩm. 

1.5- Các phương thức giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ WTO

Cần lưu ý rằng sự tham gia của Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm không phải là cách thức duy nhất để giải quyết tranh chấp giữa các thành viên WTO. Trong khuôn khổ WTO, các bên tranh chấp có thể lựa chọn nhiều phương thức khác nhau, ngoài việc sử dụng Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm. Những phương thức khác đó bao gồm tham vấn; môi giới, hoà giải và trung gian; trọng tài. Trong nhiều trường hợp, các bên lại thích sử dụng các phương thức nêu trên hơn là phải viện dẫn đến sự phân xử của Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các bên có thể tiến hành việc giải quyết tranh chấp theo bất cứ cách thức nào mà các bên mong muốn, mặc dù việc tìm ra giải pháp được chấp nhận chung luôn là ưu tiên của hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO. Khi sử dụng những phương thức khác, theo quy định của DSU, các bên phải bảo đảm sự tin cậy và không được xâm phạm đến quyền của bất kì thành viên WTO nào khác.

Tham vấn là phương thức trong đó các bên tự thương lượng với nhau để đưa ra giải pháp thống nhất nhằm giải quyết tranh chấp. Tham vấn có thể là ‘một phương thức giải quyết tranh chấp thay thế’, như phương thức thương lượng, hoặc có thể là ‘một giai đoạn bắt buộc’ trong quy trình giải quyết tranh chấp của WTO - giai đoạn luôn phải tiến hành trước khi bước sang giai đoạn xét xử. Trong trường hợp đó, nếu việc tham vấn không giải quyết được tranh chấp, thì bên nguyên đơn có thể yêu cầu thành lập Ban hội thẩm.

Môi giới, hoà giải và trung gian là các thủ tục tự nguyện và đòi hỏi phải có sự chấp thuận của các bên tham gia.  Theo khoản 3 Điều 5 của DSU, những phương thức nêu trên có thể được một thành viên yêu cầu vào thời điểm bất kì và về bất cứ vấn đề tranh chấp nào. Các phương thức này cũng có thể kết thúc vào bất kì thời điểm nào, và khi kết thúc, bên nguyên đơn có quyền yêu cầu thành lập Ban hội thẩm. Trong trường hợp các bên chấp thuận, các thủ tục môi giới, hoà giải hoặc trung gian có thể được tiếp tục ngay cả khi Ban hội thẩm đang tiến hành các thủ tục tố tụng. 

Trọng tài có thể được sử dụng như phương thức giải quyết tranh chấp thay thế nhằm tìm ra giải pháp cho các tranh chấp cụ thể giữa các thành viên WTO liên quan đến các vấn đề đã được các bên tranh chấp xác định rõ ràng. Theo Điều 25 của DSU, nếu các bên quyết định sử dụng trọng tài, thì các bên sẽ phải tuân thủ các thủ tục cụ thể mà họ đã thống nhất, đồng thời phải tuân thủ các phán quyết của trọng tài.  Tuy nhiên, điều cần thiết là phải phân biệt giữa thủ tục trọng tài theo Điều 25 DSU và thủ tục trọng tài khác, được quy định tại khoản 3 Điều 21 và khoản 6 Điều 22 của DSU, vốn không phải là ‘phương thức giải quyết tranh chấp thay thế’.

2- Thủ tục giải quyết tranh chấp của WTO

Thủ tục giải quyết tranh chấp của WTO bao gồm 4 giai đoạn sau: Giai đoạn tham vấn; Giai đoạn hội thẩm; Giai đoạn phúc thẩm; Thi hành phán quyết.

2.1- Giai đoạn tham vấn

Tham vấn là giai đoạn đầu tiên và là giai đoạn bắt buộc trong trình tự giải quyết tranh chấp tại WTO. Các quy định và thủ tục tham vấn trong khuôn khổ WTO được quy định tại Điều 4 của DSU.

Việc giải quyết tranh chấp sẽ được bắt đầu bằng một yêu cầu tham vấn chính thức. Yêu cầu tham vấn phải được lập thành văn bản và một bản sao phải được gửi cho DSB, các hội đồng và uỷ ban có liên quan của WTO. Yêu cầu tham vấn cũng phải đưa ra lí do yêu cầu, kể cả việc xác định mức độ của vấn đề và chỉ ra cơ sở pháp lí cho việc khiếu kiện. Trong một số trường hợp, một thành viên WTO không phải là nguyên đơn hay bị đơn cũng có thể yêu cầu tham gia tham vấn.  Yêu cầu được tham gia này phải được gửi cho các thành viên tham vấn và DSB trong vòng 10 ngày kể từ ngày yêu cầu tham vấn được gửi.

Theo khoản 3 Điều 4 của DSU, trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên được yêu cầu tham vấn phải tuân theo hai mốc thời hạn sau: Trong vòng 10 ngày phải trả lời yêu cầu tham vấn, và trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu tham vấn hoặc trong khoảng thời gian do các bên thoả thuận phải tiến hành tham vấn, nếu chấp nhận tham vấn. Nếu bên được yêu cầu tham vấn không tuân thủ bất cứ thời hạn nào nói trên, nguyên đơn có thể ngay lập tức yêu cầu DSB thành lập Ban hội thẩm. Ngoài ra, nguyên đơn cũng có thể yêu cầu thành lập Ban hội thẩm, nếu trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu tham vấn, các bên không đưa ra được một giải pháp phù hợp cho việc tham vấn; hoặc nếu các bên tham vấn đều cho rằng việc tham vấn không thể giải quyết được tranh chấp, dù thời hạn 60 ngày chưa kết thúc.  Trong trường hợp khẩn cấp, các thời hạn trên có thể được rút ngắn. 

2.2- Giai đoạn hội thẩm

Trong trường hợp việc tham vấn không giải quyết được tranh chấp, nguyên đơn có thể yêu cầu DSB thành lập Ban hội thẩm. Trong trường hợp này, theo khoản 1 Điều 6 của DSU, Ban hội thẩm sẽ được thành lập chậm nhất là vào ngày họp tiếp theo của DSB mà tại đó yêu cầu thành lập Ban hội thẩm lần đầu tiên được đưa ra như một nội dung trong chương trình nghị sự của DSB, trừ trường hợp DSB quyết định,trên cơ sở đồng thuận, không thành lập Ban hội thẩm. Yêu cầu thành lập Ban hội thẩm phải được lập thành văn bản, trong đó phải chỉ rõ thủ tục tham vấn đã được tiến hành hay chưa, xác định cụ thể các biện pháp là đối tượng của tranh chấp và cung cấp bản tóm tắt ngắn gọn, rõ ràng về cơ sở pháp luật của đơn kiện. 

Ban hội thẩm sẽ được thành lập cho từng vụ tranh chấp. Về thành phần của Ban hội thẩm, nếu không có thoả thuận nào giữa các bên trong vòng 20 ngày kể từ ngày DSB quyết định thành lập Ban hội thẩm, mỗi bên đều có thể yêu cầu Tổng giám đốc của WTO quyết định. Tổng giám đốc, trong thời hạn 10 ngày sau khi gửi yêu cầu này tới Chủ tịch của DSB, sẽ chỉ định các thành viên Ban hội thẩm trên cơ sở tham vấn với Chủ tịch của DSB và Chủ tịch của các hội đồng hoặc Ủy ban có liên quan, sau khi đã tham vấn với các bên tranh chấp. 

Ban hội thẩm có thể bắt đầu công việc với việc đưa ra kế hoạch làm việc, thông thường sẽ tuân theo thời gian biểu được khuyến nghị tại Phụ lục 3 DSU và thông báo cho các bên. Kế hoạch làm việc có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi vụ việc. Các bước chính trong giai đoạn phúc thẩm cũng được thể hiện trong kế hoạch làm việc 

Báo cáo cuối cùng của Ban hội thẩm sẽ được gửi cho các bên tranh chấp và được gửi cho tất cả các thành viên WTO và trở thành văn kiện WT/DS công khai. Nếu báo cáo của Ban hội thẩm bị kháng cáo, tranh chấp sẽ được đưa ra giải quyết tại Cơ quan phúc thẩm. Nếu không, báo cáo của Ban hội thẩm sẽ được DSB thông qua theo nguyên tắc ‘đồng thuận nghịch’. Báo cáo của Ban hội thẩm sẽ không được thông qua trước ngày thứ 20 sau ngày báo cáo này được ban hành, và trong trường hợp không có đơn kháng cáo cũng như không có sự đồng thuận phủ quyết việc thông qua, thì Báo cáo của Ban hội thẩm sẽ phải được thông qua trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày báo cáo được gửi. 

2.3- Giai đoạn phúc thẩm

Trong trường hợp báo cáo của Ban hội thẩm bị kháng cáo, tranh chấp sẽ được đưa ra giải quyết tại Cơ quan phúc thẩm. Một điều cần lưu ý là báo cáo của Ban hội thẩm phải bị kháng cáo trước khi được DSB thông qua.

Cần phải nhấn mạnh rằng chỉ có các bên tranh chấp, cụ thể là ‘bên thắng kiện’ và ‘bên thua kiện’, chứ không phải là bên thứ ba, mới có quyền kháng cáo đối với báo cáo của Ban hội thẩm. Tuy nhiên, các bên thứ ba đã tham gia trong giai đoạn hội thẩm vẫn có thể tiếp tục đóng vai trò là ‘bên thứ ba’ trong giai đoạn phúc thẩm. Họ có thể đệ trình văn bản kiến nghị và có cơ hội được trình bày tại giai đoạn phúc thẩm. 

Giai đoạn phúc thẩm được bắt đầu với một thông báo bằng văn bản gửi tới DSB và một đơn kháng cáo đã được điền đầy đủ gửi tới Ban thư kí. Trong trường hợp này, một Ban phúc thẩm gồm ba thành viên được lựa chọn trong số bảy thành viên của Cơ quan phúc thẩm sẽ được thành lập để xem xét kháng cáo.  Ban phúc thẩm này sẽ chuẩn bị kế hoạch làm việc. Theo khoản 5 Điều 17 DSU, nhìn chung thủ tục kháng cáo phải hoàn thành trong vòng 60 ngày  và không thể kéo dài quá 90 ngày kể từ ngày gửi đơn kháng cáo. Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm sẽ được DSB thông qua theo nguyên tắc ‘đồng thuận nghịch’ trong vòng 30 ngày kể từ ngày báo cáo này được gửi tới các thành viên, và nếu nó được thông qua thì các bên tranh chấp phải chấp nhận vô điều kiện. Cần lưu ý rằng, khác với thủ tục xét xử tại Ban hội thẩm, trong giai đoạn phúc thẩm sẽ không có việc xem xét sơ bộ.

2.4- Thi hành phán quyết

DSB là cơ quan của WTO chịu trách nhiệm giám sát việc thi hành các báo cáo của Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm. Khi một báo cáo được thông qua, các khuyến nghị và quyết định của báo cáo đó sẽ trở thành phán quyết của DSB. Trong trường hợp đó, theo khoản 3 Điều 21 DSU, các khuyến nghị và quyết định đã được DSB thông qua phải được thi hành ngay lập tức, và nếu không thể thực hiện ngay được thì thành viên thua kiện sẽ có khoảng thời gian hợp lí để thi hành.  Nếu thành viên thua kiện không thực hiện các khuyến nghị và quyết định trong khoảng thời gian hợp lí, và thoả thuận về bồi thường không đạt được trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc khoảng thời gian hợp lí nói trên, thành viên thắng kiện có thể yêu cầu DSB cho phép tạm hoãn thi hành các nghĩa vụ thành viên WTO, thường được gọi là ‘biện pháp trả đũa’ hay ‘các biện pháp trừng phạt’.  Tuy nhiên, việc tạm hoãn thi hành các nghĩa vụ phải được áp dụng trên cơ sở có sự phân biệt đối xử và chỉ dành cho thành viên không thi hành phán quyết. Ngoài ra, mức độ trả đũa còn phải ‘tương xứng’ với mức độ thiệt hại hoặc bị vi phạm.  Nếu thành viên thua kiện không đồng ý với hình thức trả đũa mà thành viên thắng kiện đề xuất, thì nước đó có thể yêu cầu trọng tài xem xét. DSB sẽ tiếp tục giám sát việc thi hành cho đến khi các khuyến nghị và quyết định được thi hành.

3- Các thành viên đang phát triển và hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO

Các thành viên DCs, chiếm đa số các thành viên của WTO, ngày càng sử dụng hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO một cách thường xuyên hơn và đã có những chiến thắng trước nhiều thành viên phát triển. Vụ US- Underwear do Cốt-xta Ri-ca khởi xướng, hay vụ US-Gambling với nguyên đơn là An-ti-goa, chính là những ví dụ điển hình cho câu chuyện ‘Đa-vít chiến thắng Gô-li-a’ khi sử dụng thành công hệ thống giải quyết tranh chấp này.  Tiếp đó, sự thành công của Thái Lan và Việt Nam trước Hoa Kỳ trong các vụ US-Shrimp (Thailand) và US-Shrimp (Viet Nam) cũng là những điểm nhấn rất đáng kể.

Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, các thành viên DCs gặp phải nhiều bất lợi hơn khi muốn sử dụng hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO, như việc thiếu các chuyên gia hiểu biết về pháp luật WTO và các thủ tục giải quyết tranh chấp; thiếu năng lực tài chính và cả những khó khăn trong việc sử dụng các biện pháp trả đũa. Ở mức độ nhất định, WTO đã nhận thức được các khó khăn của các thành viên DCs khi tham gia vào hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO, vì vậy WTO đã dành sự đối xử S&D cũng như sự trợ giúp pháp lí cho các thành viên này.  Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, những ưu đãi và sự trợ giúp nói trên sẽ không làm hạn chế các nghĩa vụ cũng như tăng cường quyền hạn cho các thành viên này. Đơn giản, chúng chỉ hỗ trợ cho các thành viên DCs bằng cách quy định các thủ tục bổ sung hoặc thủ tục đặc biệt, hoặc kéo dài hay rút ngắn các thời hạn. Theo đó, các thành viên DCs có thể lựa chọn thủ tục rút gọn, yêu cầu tăng thời hạn hoặc yêu cầu được trợ giúp pháp lí. 

Việt Nam được công nhận là thành viên DC khi gia nhập WTO năm 2007. Cho tới năm 2012, Việt Nam đã tham gia tổng cộng mười lần với tư cách là bên thứ ba và hai lần với tư cách là bên nguyên đơn vào hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO.  Rõ ràng, mặc dù sự tham gia của Việt Nam vào hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO vẫn còn hạn chế nhưng qua đó, Việt Nam đã thu được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, đồng thời có được những cơ hội để có thể tác động đến hệ thống quy định của WTO theo hướng nhằm bảo vệ các lợi ích thương mại của mình. Tuy nhiên, cũng giống như các thành viên DCs khác, Việt Nam vẫn còn gặp rất nhiều thách thức trong khuôn khổ WTO; vì vậy, Việt Nam cần phải tăng cường năng lực và kinh nghiệm để có thể tự bảo vệ mình trước những tranh chấp có thể xảy ra trong tương lai, bằng việc sử dụng hiệu quả hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO.

Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương, tổng hợp (từ Giáo trình Luật Thương mại quốc tế - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).

0 bình luận, đánh giá về Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.22467 sec| 1038.586 kb