Dịch vụ pháp lý và phạm vi hành nghề luật sư

06/03/2021

 

Trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, hoạt động dịch vụ pháp lý ngày càng phát huy mạnh mẽ vai trò của mình trong việc thúc đẩy thông thương các hoạt động thương mại.

 

 

cấp chứng chỉ Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198

 

Thị trường của dịch vụ pháp lý

 

 

Trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, hoạt động dịch vụ pháp lý ngày càng phát huy mạnh mẽ vai trò của mình trong việc thúc đẩy thông thương các hoạt động thương mại. Các tiêu chuẩn và điều kiện cho hoạt động dịch vụ pháp lý được ghi nhận trong nhiều điều ước quốc tế và khẳng định, nó như một giá đỡ vững chắc cho các hoạt động thương mại quốc tế toàn cầu. Sự thâm nhập của các tư tưởng pháp lý của nhiều quốc gia đã và đang cho phép các luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý đưa ra các ý kiến tư vấn pháp luật về các hệ thống pháp luật khác nhau. Không ít trường hợp, các tổ chức, cá nhân trong nước phải sử dụng dịch vụ pháp lý của các tổ chức tư vấn pháp luật nước ngoài để bảo vệ quyền lợi của mình trước một hệ thống tư pháp, tài phán nước khác.

 

 

Ở Việt Nam, cùng với sự chuyển đổi cơ chế hoạt động của nền kinh tế, nhu cầu về cung cấp dịch vụ pháp lý đã phát triển liên tục, đặc biệt là trong lĩnh vực tư vấn pháp luật. Dịch vụ pháp lý đã góp phần quan trọng trong việc thu hút và khuyến khích hoạt động đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, thúc đẩy nền kinh tế thị trường Việt Nam phát triển. Dịch vụ pháp lý ở Việt Nam trong thời gian qua đã khẳng định được vị trí quan trọng của mình trong số nhiều loại hình dịch vụ khác của nền kinh tế. Muốn hoạt động dịch vụ pháp lý phát triển như đúng vai trò, vị trí của nó, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn đời sống xã hội, cần thiết phải có một hành lang pháp lý cụ thể, vững chắc, làm cơ sở để nó hoạt động. Vấn đề dịch vụ pháp lý và thương mại dịch vụ pháp lý quốc tế ngày nay trở thành vấn đề thời sự và đang được quan tâm từ nhiều nước và tổ chức quốc tế. Theo nghĩa thông thường của thuật ngữ này thì dịch vụ pháp lý có thể được hiểu là tổng thể các dịch vụ tư vấn pháp luật và dịch vụ đại diện pháp lý được thành lập và thực hiện theo quy định pháp luật của nước nơi các dịch vụ đó được định lập và có thể được thực hiện trong các lĩnh vực pháp luật nội dung và thủ tục tố tụng khác nhau của hệ thống pháp luật quốc gia.

 

 

Phân loại dịch vụ pháp lý

 

 

Dịch vụ pháp lý với khái niệm nội hàm của nó có thể hiểu là tổng thể các hoạt động của luật sư khi cung cấp cho khách hàng trong hành nghề luật sự bao gồm tư vấn pháp luật, dịch vụ đại diện pháp lý và các dịch vụ pháp lý khác. Theo đó, dịch vụ tư vấn pháp luật được hiểu là hoạt động cung cấp các ý kiến pháp lý, giải pháp của các chủ thể cung cấp dịch vụ pháp lý cho các cá nhân, tổ chức có yêu cầu (gọi chung là khách hàng). Còn dịch vụ đại diện pháp lý được hiểu là chủ thể cung cấp dịch vụ sẽ là người đại diện cho khách hàng, thay mặt cho khách hàng trước các cơ quan, tổ chức, trước các đối tác của khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của khách hàng theo đúng các quy định của pháp luật. Các cơ quan, tổ chức có thể là các cơ quan tư pháp, các cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức kinh tế - xã hội, chính trị - xã hội, các tổ chức có quyền tài phán... Như vậy, dịch vụ đại diện pháp lý còn bao gồm cả việc tham gia tranh tụng trước Toà án như bào chữa cho bị can, bị cáo (đại diện cho quyền lợi của bị can, bị cáo) trong các vụ án hình sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, nguyên đơn, bị đơn trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, lao động, tham gia bảo vệ quyền lợi cho các bên đương sự trong tố tụng trọng tài ở các tổ chức trọng tài thương mại trong nước và nước ngoài. Ngoài ra, dịch vụ pháp lý có thể còn bao gồm những hoạt động khác khi khách hàng có yêu cầu nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.

 

 

Phạm vi dịch vụ pháp lý

 

 

Cũng từ nội hàm khái niệm, phạm vi dịch vụ pháp lý có thể được xác định như sau:

 

 

- Dịch vụ tư vấn pháp luật;

 

 

- Dịch vụ đại diện pháp lý, trong đó:

 

 

+ Đại diện pháp lý trong tố tụng tư pháp;

 

 

+ Đại diện pháp lý trong thủ tục hành chính, tố tụng trọng tài,

 

 

+ Đại diện theo uỷ quyền về những vấn đề liên quan đến pháp luật;

 

 

- Các hoạt động dịch vụ pháp lý khác (soạn thảo hợp đồng, các giấy tờ pháp lý...).

 

 

Ở Việt Nam, dịch vụ pháp lý có thuộc độc quyền của luật sư hay không?

 

 

Vấn đề này không được quy định rõ trong Luật Luật sư hiện hành, Luật Luật sư hiện hành chỉ quy định dịch vụ pháp lý của luật sư hoặc cụ thể hơn là phạm vi hành nghề luật sư, nhưng lại không quy định đây là lĩnh vực độc quyền của luật sư. Những lĩnh vực này cũng có thể thực hiện bởi các chủ thể khác.

 

 

Theo quy định của pháp luật tố tụng tư pháp hiện hành thì chủ thể thực hiện dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực tố tụng tư pháp bao gồm: 1) Luật sư; ii) Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo tham gia với tư cách là người bào chữa; iii) Bào chữa viên nhân dân; iv) Trợ giúp viện trợ giúp pháp lý; v) Người khác theo quy định của pháp luật tham gia với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự.

 

 

Bên cạnh hoạt động hành nghề luật sư còn có hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý 2017 và hoạt động tư vấn pháp luật của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên ngành luật theo quy định của Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật. Những hoạt động này có thể là dịch vụ pháp lý. Ngoài ra, còn có các hoạt động liên quan đến các lĩnh vực như trọng tài, hoà giải, xác minh giấy tờ và đặc biệt là lĩnh vực đại diện sở hữu trí tuệ cũng có thể được xem là các dịch vụ có tính chất dịch vụ pháp lý. Tuy nhiên, căn cứ vào chủ thể cung cấp, phạm vi dịch vụ được cung cấp, có thể xác định được, đây là các dịch vụ pháp lý của các chủ thể cung cấp khác (ngoài luật sư) cho các đối tượng cụ thể theo các quy định pháp luật.

 

 

Tóm lại, dịch vụ pháp lý ở Việt Nam đang được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật khác nhau, thực hiện bởi nhiều chủ thể khác nhau, trong đó luật sư là chủ thể hành nghề luật chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng.

 

 

Giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ pháp lý

 

 

Trên thế giới, việc cung cấp dịch vụ pháp lý phải do các nhà chuyên nghiệp bởi vì họ là những người am hiểu pháp luật, biết vận dụng pháp luật và có kỹ năng nghề nghiệp. Đặc biệt, trong lĩnh vực tố tụng tư pháp, việc thực hiện các dịch vụ pháp lý phải là luật sư. Một số nước còn quy định rõ trong luật về sự độc quyền tham gia tố tụng của luật sư trước Toà án.

 

 

Theo quy định của Luật Luật sư, luật sự là một nghề đòi hỏi rất cao về chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp. Muốn trở thành luật sư phải có bằng cử nhân luật, qua đào tạo nghề, qua thời gian tập sự, thi đỗ kỳ thi hết tập sự mới được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư và mới có quyền hành nghề luật sư. Trong khi đó, những người khác, pháp luật không đòi hỏi ở họ điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như kỹ năng nghề nghiệp mà vẫn được tham gia tố tụng, thực hiện dịch vụ pháp lý. Ở nước ta, giai đoạn trước mắt, bên cạnh việc phát triển số lượng, nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ luật sư để đáp ứng kịp nhu cầu cấp thiết của đời sống xã hội, cần có những giải pháp hữu hiệu trong việc kiện toàn và nâng cao trình độ đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên pháp luật tham gia cung cấp dịch vụ pháp lý. Về lâu dài, cần xác định rõ, những người đủ tiêu chuẩn để cung cấp dịch vụ pháp lý chỉ có thể là luật sư. Bởi lẽ, cũng như một số nghề nghiệp đặc thù, người hành nghề dịch vụ pháp lý phải là người có trình độ chuyên môn pháp luật vững vàng, có nghiệp vụ và kinh nghiệm trong hoạt động nghề nghiệp, có những đòi hỏi khắt khe về uy tín, đạo đức mới tạo được niềm tin cho khách hàng, đồng thời, chính họ còn phải góp phần tích cực vào việc bảo vệ và tăng cường pháp chế. Cho nên, cần thiết phải tiêu chuẩn hoá và không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ luật sư - người cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, đảm bảo phúc đáp yêu cầu của đời sống xã hội, xây dựng kế hoạch và chương trình cụ thể, hiệu quả, khả thi để đào tạo được đội ngũ luật sư có phẩm chất chính trị, đạo đức, có đủ trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hợp tác và hội nhập quốc tế.

 

 

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

 

 

 

 

0 bình luận, đánh giá về Dịch vụ pháp lý và phạm vi hành nghề luật sư

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.23851 sec| 966.273 kb