Điều chỉnh quan hệ xã hội

27/02/2023
Lê Thị Linh Chi
Lê Thị Linh Chi
Để duy trì ổn định, trật tự xã hội đòi hỏi các mối quan hệ trong xã hội phải được điều chỉnh, nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho những quan hệ xã hội có lợi cho đời sống cộng đồng được tồn tại và phát triển, ngăn chặn và đi tới loại bỏ những mối quan hệ mà cộng đồng không mong muốn.

1- Khái niệm điều chỉnh quan hệ xã hội

Điều chỉnh quan hệ xã hội là sử dụng các công cụ tác động lên các quan hệ xã hội, làm cho chúng thay đổi và phát triển theo những mục đích, định hướng nhất định, nhằm duy trì và bảo vệ trật tự xã hội. Bản chất của mối quan hệ xã hội là sự tác động qua lại giữa các bên chủ thể quan hệ xã hội đó. Trong các mối quan hệ xã hội, các bên chủ thể tác động lẫn nhau thông qua hành vi của mình. Chính vì vậy, điều chỉnh quan hệ xã hội thực chất là điều chỉnh hành vi của các chủ thể tham gia quan hệ xã hội đó, làm thay đổi hành vi của họ, trong đó những hành vi có ích cho xã hội sẽ được bảo vệ và tạo điều kiện phát triển, ngược lại những hành vi có hại cho cộng đồng sẽ bị ngăn chặn, loại trừ.

Công cụ điều chỉnh các mối quan hệ xã hội là các loại quy phạm xã hội. Chúng được coi là khuôn mẫu, mô hình, chuẩn mực cho hành vi ứng xử của các chủ thể khi họ tham gia vào những mối quan hệ xã hội nhất định. Nói cách khác, các mối quan hệ xã hội được điều chỉnh bằng cách xác định cách thức xử sự cho các chủ thể quan hệ xã hội đó, quy định quyền, nghĩa vụ cho họ, quy định cho họ những việc được làm, nên làm, cần phải làm hay không được làm...

Xem thêm: Pháp trị tại Công ty Luật TNHH Everest.

2- Hệ thống công cụ điều chinh quan hệ xã hội

Các quan hệ xã hội rất phong phú, đa dạng và phức tạp, bởi vậy, để điều chỉnh chúng một cách có hiệu quả, cần phải có nhiều công cụ khác nhau, bao gồm pháp luật (thể chế quan phương), đạo đức, phong tục tập quán, tín điều tôn giáo, lệ làng, hương ước, luật tục, quy định của các tổ chức xã hội... (thể chế phi quan phương). Các công cụ này vừa có sự độc lập, vừa có sự ràng buộc, phụ thuộc lẫn nhau, hợp thành hệ thống công cụ điều chỉnh các mối quan hệ xã hội.

Ngày nay, nhìn chung các nhà khoa học đều tiếp cận khái niệm pháp luật theo nhiều cấp độ. Theo nghĩa hẹp, pháp luật là hệ thống quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung cùng “các nguyên tắc, định hướng, mục đích pháp luật”, do nhà nước ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Theo nghĩa rộng, pháp luật được xem xét cả từ “đầu vào, đầu ra, cả pháp luật ở trạng thái tĩnh và trạng thái động”, theo đó, pháp luật tồn tại và phát triển trên cả ba lĩnh vực: “hệ thống quy phạm pháp luật, tư tưởng pháp luật, ý thức pháp luật và văn hoá pháp luật, thực tiễn pháp luật (trong các hình thức thực hiện pháp luật, các quan hệ pháp luật) ”. Theo cách tiếp cận này, pháp luật được hiểu rất rộng, đó không chỉ là hệ thống pháp luật thực định, nó còn được nhận thức cả trên bình diện tư tưởng pháp luật, cả trên bình diện thực tiễn thực hiện pháp luật.

(i) Đạo đức là một khái niệm hết sức phức tạp, khái niệm này vừa hết sức phổ biến trong dân gian, vừa đậm đặc chất học thuật, bởi vậy nó được hiểu theo nhiều cách khác nhau trong những thời gian, không gian, đối tượng khác nhau. Trong đời sống hàng ngày, đạo đức thường được đồng nhất với ý thức đạo đức cá nhân, đó là đức hạnh, phẩm hạnh của con người, những nét đẹp, nét tốt, những “phẩm chất tốt đẹp của con người do tu dưỡng theo những tiêu chuẩn đạo đức xã hội mà có”. Trong khoa học, trước hết, đạo đức được hiểu là tổng thể những quan niệm, quan điểm về chân, thiện, mỹ, nghĩa vụ, danh dự... (trong đó cốt lõi là điều thiện) cùng những quy tắc xử sự được hình thành trên cơ sở những quan niệm, quan điểm đó nhằm điều chỉnh hành vi, ứng xử của con người.

(ii) Phong tục, tập quán là loại quy phạm xã hội rất gần gũi với con người. Trong đó, “phong tục” là thói quen phổ biến đã ăn sâu vào đời sống xã hội, được mọi người công nhận và làm theo. “Tập quán” cũng là thói quen, đó là những cách ứng xử đã trở nên quen thuộc, khó thay đổi, thành nếp trong đời sống xã hội được mọi người công nhận và làm theo. Như vậy, mặc dù được biểu đạt bằng hai khái niệm khác nhau nhưng thực chất phong tục hay tập quán đều chỉ chung thói quen xử sự, chính vì vậy, trong đời sống hàng ngày thường không có sự phân biệt phong tục với tập quán, chúng thường được gọi chung là phong tục tập quán. Phong tục tập của con người, chúng được thực hiện bởi lương tâm, tình cảm cá nhân và sức mạnh của dư luận xã hội.

(iii) Hương ước tồn tại ở nhiều nước trên thế giới như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước Đông Nam Á… Một công cụ quan trọng điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mang tính tự quản tại các cộng đồng làng xã là hương ước. “Hương ước” là một thuật ngữ Hán Việt, trong đó “hương” là làng, quê; “ước” là giao kèo, thỏa thuận, quy ước, “hương ước” là những giao kèo, thỏa thuận, quy ước của cộng đồng thôn, làng, nói cách khác, hương ước là tổng thể các quy tắc xử sự điều chỉnh các quan hệ xã hội trong phạm vi một thôn, làng. Hương ước có nguồn gốc từ phong tục tập quán, được hình thành trên cơ sở phong tục tập quán của mỗi làng, là hình thức thành văn của quán mang tính cộng đồng, dân tộc, địa phương, vùng miền rất rõ nét.

(iv) Luật tục là một loại công cụ quan trọng để điều chỉnh quan hệ xã hội. Hiện nay, nhiều xã hội, nhiều tộc nguời trên thế giới vẫn tồn tại và thực hành luật tục dưới những hình thức rất đa dạng. Theo nghĩa rộng, “luật tục” là tất cả những quy tắc xử sự mang tính chất dân gian, đó là luật của dân gian. Theo cách hiểu này, “luật” là quy tắc, “tục” chỉ những quy tắc xử sự mang tính dân gian, nguyên thủy, bản địa, không thành văn, hoàn toàn mang tính chất khu biệt với luật nhà nước, đối lập với những gì mang tính chất hàn lâm, sách vở. Như vậy, luật tục bao gồm cả phong tục tập quán, lệ làng... Theo nghĩa hẹp, “luật tục” là hình thức sơ khai, tiền thân của luật pháp và chỉ có ở các tộc người thiểu số trong xã hội tiền giai cấp. Theo cách hiểu này, luật tục là những phong tục tập quán có dáng dấp của pháp luật, là bước quá độ, là sự chuyển tiếp giữa phong tục tập quán và pháp luật, là hình thức phát triển cao của phong tục tập quán và là hình thức sơ khai của pháp luật. Chính vì thế, luật tục còn được gọi là tập quán pháp. Hiện nay, ở một số quốc gia trên thế giới, bên cạnh hệ thống pháp luật chung của cả nước, trong các cộng đồng dân tộc thiểu số chậm phát triển, luật tục vẫn tồn tại. Luật tục có nội dung tương đối tổng hợp, điều chỉnh một cách rộng rãi các mặt của đời sống cộng đồng, từ các quan hệ về hôn nhân, gia đình, đến các quan hệ về sở hữu đất đai, về mua bán, trao đổi tài sản, quản lí hành chính... Luật tục quy định khá đa dạng các biện pháp xử lí người vi phạm, bao gồm các biện pháp để tạ lỗi với thần linh, tạ lỗi đối với dân làng, đền bù cho người bị hại..., thậm chí kể cả biện pháp tử hình. Luật tục còn bao gồm cả các quy định về trình tự, thủ tục xử lí người vi phạm, theo đó mỗi khi xét xử xong, bao giờ cũng kèm một nghi lễ nhằm hoà giải, xoá bỏ tranh chấp, thù oán giữa các bên với sự chứng giám của thần linh và dân làng.

(v) Tín điều tôn giáo là một khái niệm chung dùng để chỉ giáo lí, giáo luật của các tôn giáo, tín ngưỡng của các cộng đồng dân cư. Giáo lí là lí luận, học thuyết của tôn giáo, đó là những quan niệm, quan điểm về thần linh, về đức tin..., được thể hiện trong hệ thống kinh sách của mỗi tôn giáo. Giáo luật (luật giáo hội) là hệ thống quy tắc xử sự của một tổ chức tôn giáo để điều chỉnh các mối quan hệ trong cộng đồng tôn giáo đó. Trong các tôn giáo trên thế giới, Đạo Phật, Đạo Thiên chúa, Đạo Hồi là những tôn giáo lớn, có tổ chức chặt chẽ, có hệ thống giáo lí, giáo luật đầy đủ nhất. Hệ thống giáo lí của Đạo Thiên chúa được thể hiện trong kinh Cựu ước, kinh Tân ước... Hệ thống giáo luật của tôn giáo này được thể hiện tập trung trong Bộ Giáo luật (The Code of Canon Law), được sửa đổi toàn diện nhất gần đây vào năm 1983 với 1752 điều luật cụ thể. Hệ thống tín điều của đạo Hồi gọi là Luật Hồi giáo (Shariah) được chứa đựng ở bốn nguồn là kinh Coran, Sunna, Idjmá, Qias, trong đó là kinh Coran và Sunna là hai nguồn chính. Luật Hồi giáo cũng như luật giáo hội của nhà thờ Thiên chúa giáo được coi như “pháp luật” của những người theo đạo. Tín ngưỡng dân gian là những quan niệm, quan điểm về thần linh, về đức tin của một cộng đồng nhất định, được lưu truyền tự nhiên trong dân gian thông qua huyền thoại, truyền thuyết, thần tích, được thể hiện dưới dạng tập quán của cộng đồng. Điểm khác biệt giữa tín ngưỡng với giáo lí, giáo luật là ở chỗ, tín ngưỡng thường mang tính dân gian, ngược lại giáo lí, giáo luật thường mang tính hệ thống, do các vị giáo chủ hoặc tổ chức giáo hội xây dựng nên, được ghi chép thành kinh sách, được truyền giảng ở các tu viện, thánh đường... Trong xã hội hiện đại, nhìn chung tín ngưỡng dân gian vẫn tiếp tục tồn tại, tham gia mạnh mẽ trong việc điều chỉnh hành vi con người.

(vi) Kỷ luật của một tổ chức là tổng thể những quy định có tính chất bắt buộc đối với hoạt động của các thành viên trong một tổ chức, để đảm bảo tính chặt chẽ của tổ chức đó. Kỷ luật của một tổ chức thường được thể hiện tập trung trong hiến chương, điều lệ, nội quy... của tổ chức đó, trong đó bao gồm các quy định về mục tiêu, tôn chỉ; cơ cấu tổ chức, cách thức thiết lập, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan của nó; tiêu chuẩn đối với thành viên, trình tự thủ tục kết nạp thành viên, quyền và nghĩa vụ của thành viên; vấn đề khen thưởng, kỷ luật đối với thành viên...

Ngoài ra, đế điều chỉnh các moi quan hệ xã hội còn có các công cụ khác, chẳng hạn, thể lệ một cuộc thi, điều lệ một giải thi đẩu, các quy tẳc về tiêu chuẩn, quy trình áp dụng trong nội bộ một tổ chức. Giữa pháp luật, đạo đức, phong tục tập quán, tín điều tôn giáo... vừa có những điểm tương đồng, vừa có những điểm khác biệt. Với tính chất là những công cụ điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, pháp luật, đạo đức, phong tục tập quán, tín điều tôn giáo... đều là những khuôn mẫu, mực thước, mô hình, chuẩn mực cho hành vi con người. Bên cạnh đó, giữa pháp luật và đạo đức, phong tục tập quán, tín điều tôn giáo... có sự khác biệt ở nhiều khía cạnh, rõ nét nhất là con đường hình thành, hình thức thể hiện, biện pháp bảo đảm thực hiện.

Xem thêm: Dịch vụ pháp chế doanh nghiệp thuê ngoài (luật sư nội bộ) của Công ty Luật TNHH Everest

3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Điều chỉnh quan hệ xã hội được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Điều chỉnh quan hệ xã hội có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Điều chỉnh quan hệ xã hội

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.20730 sec| 981.102 kb