Giới thiệu về quan hệ mua bán hàng hóa quốc tế

01/03/2023
Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, với sự phát triển của Internet, mạng xã hội, việc buôn bán qua mạng ngày càng trở nên phổ biến, việc mua bán hàng hóa giữa các quốc gia ngày càng trở nên dễ dàng hơn. Việc mua bán hàng hóa trở nền ngày càng dễ dàng và phổ biến dẫn đến yêu cầu cần có những quy định để điều chỉnh nó, tránh những hàng vi gây thiệt hại tới các bên tham gia quan hệ mua bán hàng hóa.

I- THẾ NÀO LÀ MUA BÁN HÀNG HÓA QUỐC TẾ 

Trong hoạt động kinh doanh nói chung và kinh doanh quốc tế nói riêng, mua bán hàng hóa là một giao dịch chủ yếu. Ở quy mô trong nước, mua bán hàng hóa thực hiện chức năng trao đổi hàng hóa trong xã hội; ở quy mô quốc tế, nó làm nhiệm vụ trao đổi hàng hóa giữa các nước thông qua các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

Việc mua bán giữa các thương nhân thuộc các nước khác nhau là một tất yếu khách quan, xuất phát từ lợi thế so sánh giữa các nước. Về cơ bản, mỗi nước có những lợi thế tương đối so với nước khác về một số lĩnh vực hàng hóa, vì vậy, nước đó sẽ xuất khẩu những mặt hàng này và sẽ nhập khẩu những mặt hàng khác mà mình ít có lợi thế hơn.

Tuy những loại hình giao dịch kinh doanh quốc tế mới xuất hiện ngày càng nhiều, như cung ứng dịch vụ quốc tế, đầu tư quốc tế, v.v. song mua bán hàng hóa quốc tế - một giao dịch mặc dù được coi là truyền thống và cổ điển - vẫn có giá trị quan trọng bậc nhất trong các giao dịch kinh doanh quốc tế.

Điều 27 Luật thương mại Việt Nam 2005 nêu rõ mua bán hàng hóa quốc tế ‘được thực hiện dưới các hình thức xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất tái nhập và chuyển khẩu’.

Hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế là hoạt động mua bán hàng hóa vượt ra ngoài phạm vi một quốc gia, diễn ra tại nhiều nước khác nhau, với nhiều yếu tố khác biệt về địa lý, lịch sử, khí hậu, cũng như các yếu tố kinh tế, chính trị, luật pháp, văn hoá, tôn giáo... Chính vì vậy, hoạt động này mang tính phức tạp hơn hoạt động mua bán hàng hóa trong nước và có nhiều rủi ro hơn. Những rào cản về văn hoá có thể gây nên những bất đồng và xung đột về quan niệm, về phong cách làm việc, thói quen kinh doanh, thị hiếu tiêu dùng... Yếu tố địa lí, khí hậu của một nước đôi khi cũng là một vấn đề quan trọng cần phải được các nhà kinh doanh quốc tế quan tâm, vì nó có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sự chấp nhận sản phẩm mới trên thị trường.

Yếu tố quốc tế trong mua bán hàng hóa cũng sẽ làm phát sinh những vấn đề pháp lý đặc thù so với mua bán hàng hóa trong nước, như vấn đề rủi ro đối với hàng hóa trong quá trình vận tải từ nước này sang nước khác, rủi ro trong thanh toán, chuyển tiền quốc tế, hay sự xuất hiện thường xuyên của hiện tượng xung đột luật, v.v.. Đó cũng là những vấn đề mà pháp luật về mua bán hàng hóa quốc tế phải giải quyết.

II- PHÁP LUẬT MUA BÁN HÀNG HÓA QUỐC TẾ 

Nhiều nguồn luật khác nhau có thể được áp dụng để điều chỉnh giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế, trong đó có ba nguồn luật chủ yếu là: luật quốc gia, điều ước quốc tế và tập quán thương mại quốc tế.

1- Luật quốc gia

Mua bán hàng hóa là một hoạt động cơ bản của bất kỳ nền kinh tế nào, vì thế, nước nào cũng có các quy tắc pháp luật điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa. Ở một số nước, có những văn bản riêng điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa, ví dụ, ở Anh có Luật mua bán hàng hóa 1979. Ở một số nước khác, pháp luật về mua bán hàng hóa được quy định như một phần của luật thương mại (ví dụ, pháp luật Việt Nam). Ở Trung Quốc, chế định về hợp đồng mua bán hàng hóa là một chương trong Luật hợp đồng 1999.

Tuy vậy, một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể được điều chỉnh cùng một lúc bởi pháp luật của nhiều nước. Ví dụ, một doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ bằng đường biển. Doanh nghiệp ký hợp đồng chuyên chở đường biển với người chuyên chở của Xinh-ga-po. Không may, trong hành trình, tàu gặp bão và phải vào một cảng lánh nạn ở Ma-lai-xi-a. Người bảo hiểm của lô hàng là một công ty Hồng Kông. Một giao dịch như vậy chịu sự tác động không phải của một mà của nhiều hệ thống pháp luật quốc gia khác nhau, và hợp đồng ‘có tính quốc tế’ này có thể được điều chỉnh bởi pháp luật quốc gia của các chủ thể hợp đồng, pháp luật của nước nơi ký kết hợp đồng, nơi thực hiện hợp đồng, nơi xảy ra tranh chấp, nơi có tài sản là đối tượng của hợp đồng...

Khi pháp luật của các nước này có những quy định khác nhau về cùng một vấn đề đang tranh chấp, thì sẽ làm phát sinh vấn đề xung đột luật. Ví dụ, xung đột luật về hình thức hợp đồng, hay xung đột luật về nội dung của hợp đồng.

- Xung đột luật về hình thức hợp đồng: Luật của các nước quy định khác nhau về hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Theo luật của một số nước, như Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Đức, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể được giao kết bằng văn bản, bằng lời nói hoặc bằng hành vi cụ thể, trừ trường hợp mua bán bất động sản. Trong khi đó, theo luật của một số nước khác, như Việt Nam, Trung Quốc, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải được giao kết bằng văn bản. Như vậy, các hợp đồng được giao kết bằng lời nói, hoặc bằng hành vi sẽ có hiệu lực theo pháp luật của một số nước, song theo pháp luật của một số nước khác sẽ chưa phát sinh hiệu lực pháp luật.

- Xung đột luật về nội dung hợp đồng: Nói đến nội dung của hợp đồng thương mại quốc tế là đề cập nhiều vấn đề phức tạp, như quyền và nghĩa vụ của các bên, các điều khoản cần phải được thỏa thuận trong hợp đồng (điều khoản chủ yếu của hợp đồng), việc áp dụng các biện pháp khắc phục khi có sự vi phạm hợp đồng, trong trường hợp nào được áp dụng chế tài nghiêm khắc nhất (chế tài hủy hợp đồng), v.v. Về vấn đề này, luật của các nước quy định không giống nhau. Ví dụ, theo luật của Pháp, Đức, Nhật Bản, điều khoản chủ yếu của hợp đồng bao gồm đối tượng của hợp đồng và giá cả, trong khi theo luật của Anh, Hoa Kỳ, Úc, chỉ cần hai bên xác định rõ đối tượng hợp đồng là đủ. Về quyền và nghĩa vụ của người mua và người bán trong hợp đồng mua bán, luật của Pháp quy định theo hướng bảo vệ quyền lợi của người mua (người tiêu dùng), trong khi luật của Đức lại bảo vệ cho người bán. Về vấn đề bất khả kháng trong thực hiện hợp đồng, theo pháp luật của một số nước, đình công được coi là trường hợp bất khả kháng, nhưng ở một số nước khác thì không.

Để giải quyết xung đột luật, cách tốt nhất là các bên trong hợp đồng thỏa thuận lựa chọn một luật quốc gia nào đó để điều chỉnh hợp đồng của họ. Pháp luật quốc gia cũng như các điều ước quốc tế có liên quan đều khẳng định quyền tự do lựa chọn luật áp dụng của các bên tham gia vào một giao dịch kinh doanh quốc tế. Quyền tự do này được thừa nhận trong nhiều văn bản pháp luật của Việt Nam liên quan đến việc điều chỉnh các loại hợp đồng khác nhau. Nhưng cần lưu ý là quyền tự do này luôn được giới hạn trong khuôn khổ pháp luật và không được trái với các quy phạm được gọi là ‘trật tự công cộng quốc tế’, ‘các nguyên tắc cơ bản của pháp luật’, hay các ‘quy phạm mệnh lệnh’ áp dụng cho một số tình huống nhất định, cho dù luật điều chỉnh hợp đồng là luật nào.

Nếu các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế không lựa chọn luật áp dụng, thì theo các nguyên tắc chung của tư pháp quốc tế, luật áp dụng cho hợp đồng sẽ được xác định bằng cách áp dụng các quy phạm xung đột.

Quy phạm xung đột là quy phạm chỉ ra hệ thống pháp luật nào trong số các hệ thống pháp luật đang xung đột được áp dụng cho các giao dịch kinh doanh quốc tế trong từng trường hợp cụ thể. Quy phạm xung đột không trực tiếp quy định quyền và nghĩa vụ của các chủ thể khi tham gia quan hệ pháp luật, mà chỉ mang tính chất ‘dẫn chiếu’. Nó thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn việc lựa chọn một cách khách quan luật áp dụng, mà luật đó có liên quan nhiều nhất và có hiệu lực áp dụng nhất cho loại quan hệ pháp luật nhất định. Khi quy phạm xung đột dẫn chiếu tới luật nào đó, thì luật được áp dụng có thể là luật của nước nơi có tòa án giải quyết tranh chấp (‘lex fori’), hoặc là luật của một nước khác.

Hầu hết các nước đều có các quy phạm xung đột, nhằm giúp toà án nước mình lựa chọn luật áp dụng khi giải quyết các tranh chấp kinh doanh quốc tế nói chung và các tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa nói riêng. Pháp luật Việt Nam có các quy phạm xung đột được quy định trong nhiều văn bản pháp luật. Bộ luật dân sự Việt Nam 2005 đưa ra quy phạm giải quyết xung đột về địa vị pháp lý của cá nhân là người nước ngoài, của pháp nhân nước ngoài, xung đột về hợp đồng hay về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, v.v. Ngoài ra, các quy phạm xung đột còn được quy định trong một số văn bản khác, như: Luật đầu tư 2005, Bộ luật hàng hải 2005, Luật thương mại 2005, v.v. Một số nước ban hành riêng một Bộ luật tư pháp quốc tế. Ví dụ: Ba Lan có Bộ luật Tư pháp quốc tế 1965 điều chỉnh các quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình, lao động; Bỉ có Luật tư pháp quốc tế 2004.

Như vậy, luật quốc gia áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể là các quy phạm luật thực chất (trực tiếp quy định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng), có thể là các quy phạm xung đột (quy phạm ‘dẫn chiếu’ tới luật của một quốc gia cụ thể và luật đó sẽ được áp dụng để điều chỉnh hợp đồng).

2- Điều ước quốc tế

Hiện tượng xung đột luật trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể gây ra những tranh chấp, xung đột trong thực tiễn. Vì vậy, để tránh hiện tượng nói trên, các nước thường cùng nhau đàm phán để ký kết các điều ước quốc tế có liên quan, nhằm thống nhất một số quy tắc pháp luật điều chỉnh các quan hệ này. Có hai loại điều ước quốc tế liên quan: điều ước quốc tế thống nhất luật thực chất, và điều ước quốc tế thống nhất luật xung đột. Các điều ước này có thể là song phương hoặc đa phương.

2.1- Điều ước quốc tế thống nhất luật thực chất

Thống nhất luật thực chất là việc các nước cùng nhau thỏa thuận xây dựng các quy phạm thực chất để điều chỉnh các quan hệ mua bán hàng hóa quốc tế. Từ những thập kỉ 20 của thế kỉ XX đã xuất hiện rất nhiều điều ước thương mại quốc tế chứa đựng các quy phạm thực chất thống nhất được ký kết và thực hiện như một xu hướng phát triển kinh tế tất yếu của thế giới.

Trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế, có một số điều ước quốc tế quan trọng như sau:

- Hai Công ước La Hay 1964 về mua bán quốc tế động sản hữu hình

Công ước thứ nhất mang tên ‘Luật thống nhất về giao kết hợp đồng mua bán quốc tế các động sản hữu hình’ (Convention on Uniform Law on the Formation of Contracts for the International Sales - viết tắt là ‘ULF’). Công ước thứ hai là ‘Luật thống nhất về mua bán quốc tế các động sản hữu hình) (Convention on Uniform Law on the International Sales of Goods - viết tắt là ‘ULIS’).[14] Hai công ước này trên thực tế rất ít được áp dụng. Hiện nay, các nước gia nhập Công ước Viên 1980 (viết tắt là ‘CISG’) đều đã tuyên bố từ bỏ hai công ước nói trên.

- Công ước Viên 1980 của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (United Nations Convention on Contracts fo International Sale of Goods, viết tắt là ‘CISG’)

Công ước này được ký tại Viên (Áo) vào ngày 11/4/1980 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/1988. CISG được soạn thảo bởi Ủy ban của Liên hợp quốc về Luật thương mại quốc tế (‘UNCITRAL’) trong một nỗ lực tạo ra một văn bản thống nhất luật thực chất cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Công ước này là công ước được áp dụng rộng rãi nhất và có sức ảnh hưởng mạnh nhất trong giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế hiện nay. Ngày

1/8/2011, UNCITRAL báo cáo đã có 77 nước thông qua Công ước và ước tính Công ước điều chỉnh các giao dịch chiếm ba phần tư thương mại hàng hóa thế giới. Công ước này góp phần quan trọng vào việc loại bỏ các xung đột luật giữa các quốc gia. Các hợp đồng được ký kết giữa các bên có trụ sở thương mại tại các nước thành viên của Công ước Viên sẽ được điều chỉnh thống nhất bởi Công ước này, mà không còn tranh cãi về luật của nước nào sẽ được áp dụng nữa. Công ước quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người bán, người mua, trách nhiệm của mỗi bên khi vi phạm hợp đồng, các trường hợp miễn trách nhiệm. Các quy định của Công ước thường là khách quan, không gắn với hệ thống pháp luật quốc gia nào và có tính đến các vấn đề pháp lý thường phát sinh trong thực tiễn mua bán hàng hóa, vì thế tạo ra các giải pháp an toàn, công bằng cho các bên trong hợp đồng. Nội dung về Công ước này sẽ được trình bày kĩ hơn tại Mục 3 của chương này.

2.2- Điều ước quốc tế thống nhất luật xung đột

Thực tiễn giải quyết xung đột pháp luật của các quốc gia cho thấy, đối với cùng một quan hệ pháp luật cụ thể, các nước có các quy phạm xung đột không giống nhau. Nếu liên quan đến cùng một vấn đề (cùng một phạm vi) mà các nước có các quy phạm xung đột khác nhau (với các hệ thuộc khác nhau), thì sẽ nảy sinh hiện tượng ‘xung đột của quy phạm xung đột’. Điều này khiến cho việc giải quyết xung đột luật bằng quy phạm xung đột trở thành một phương pháp chứa đựng nhiều khó khăn và rủi ro. Ví dụ, cùng một tranh chấp về hợp đồng kinh doanh quốc tế, nếu được xét xử tại toà án nước A và áp dụng quy phạm xung đột của nước A, thì luật điều chỉnh hợp đồng có thể sẽ khác với luật điều chỉnh do toà án nước B lựa chọn theo quy phạm xung đột của nước B. Điều này sẽ khiến các bên khó dự đoán về luật áp dụng, vì tranh chấp của họ có thể sẽ được giải quyết ở nhiều toà án khác nhau. Đây là một khó khăn rất lớn khi áp dụng các quy phạm xung đột để giải quyết tranh chấp trong mua bán hàng hóa quốc tế. Chính vì thế, các nước hiện nay có xu hướng đàm phán và ký kết các điều ước quốc tế để thống nhất các quy phạm xung đột.

Các quy phạm xung đột thống nhất có thể được quy định trong các điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương.

Các điều ước quốc tế song phương có liên quan đến vấn đề này là các hiệp định tương trợ tư pháp. Trước năm 1992, khi còn tồn tại Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa cũ ở Đông Âu, Việt Nam đã ký kết 6 hiệp định tương trợ tư pháp song phương với các nước Cộng hoà dân chủ Đức, Liên Xô, Tiệp Khắc, Cu-ba, Hung-ga-ri, và Bun-ga-ri. Sau năm 1992, kể từ khi có Hiến pháp mới cho đến nay, Việt Nam đã kí thêm 9 hiệp định tương trợ tư pháp với Ba Lan, Lào, Trung Quốc, Liên bang Nga, Pháp, U-cơ-rai-na, Mông Cổ, Bê-la-ru-xi-a, và Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên. Trong các hiệp định này (trừ các hiệp định với Pháp và Trung Quốc), đều có các quy phạm xung đột được áp dụng thống nhất với các nước ký kết, ví dụ, các quy phạm xác định luật áp dụng cho các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài, và quy phạm xác định cơ quan tư pháp có thẩm quyền. Tuy vậy, có một nhận xét chung là các quy phạm này thường chỉ tập trung vào các quan hệ hôn nhân gia đình, quan hệ thừa kế, mà ít có những quy phạm xung đột liên quan đến lĩnh vực thương mại quốc tế.

Các điều ước quốc tế đa phương về thống nhất quy phạm xung đột thường được thông qua trong khuôn khổ một tổ chức quốc tế, trong đó quan trọng nhất là Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế. Hội nghị La Hay là thiết chế thường trực có nhiệm vụ thống nhất tư pháp quốc tế trên phạm vi toàn cầu. Hội nghị này đã xây dựng và thông qua hàng chục điều ước quốc tế, trong đó có một số điều ước quốc tế đã được áp dụng khá rộng rãi và có tầm quan trọng đáng kể trong việc giải quyết xung đột luật trong mua bán hàng hóa quốc tế.

Trong các điều ước quốc tế đa phương thống nhất quy phạm xung đột, các điều ước quốc tế sau đây được áp dụng khá rộng rãi:

-  Công ước La Hay 1955 về luật áp dụng đối với mua bán quốc tế các động sản hữu hình (The Hague Convention 1955 on the Law Applicable to International Sales of Goods)

Theo Công ước này, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải tuân thủ luật mà các bên lựa chọn. Nếu không có sự thỏa thuận thống nhất của các bên về luật áp dụng, thì luật của nước nơi người bán có trụ sở kinh doanh vào lúc nhận được đơn đặt hàng, sẽ được áp dụng, trừ các trường hợp ngoại lệ sau: (i) Khi đơn đặt hàng được giao cho một chi nhánh của người bán thực hiện, thì luật của nước nơi có chi nhánh được áp dụng; (ii) Khi đơn đặt hàng được giao cho người bán hoặc đại lí của người bán ở nước người mua, thì luật của nước nơi người mua thường trú được áp dụng (Điều 3). Công ước này có hiệu lực năm 1964 và hiện nay đã có 8 nước thành viên (Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Ý, Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Ni-giê).

- Công ước Rô-ma 1980 về luật áp dụng đối với các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng (The Rome Convention 1980 on the Law Applicable to Contractual Obligations)

Công ước này có 9 nước thành viên châu Âu, bao gồm Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ai-len, Ý, Luych-xăm-bua, Hà Lan và Anh. Sau đó, Công ước này lần lượt được sự tham gia của 6 nước khác là Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Áo, Phần Lan và Thụy Điển. Đây là một Công ước được áp dụng rất rộng rãi tại các nước châu Âu.

Công ước được áp dụng đối với các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng. Theo Công ước, một hợp đồng sẽ được điều chỉnh bởi luật do các bên lựa chọn. Sự lựa chọn này phải được thể hiện rõ trong các điều khoản của hợp đồng hoặc theo hoàn cảnh của vụ việc. Các bên có thể lựa chọn luật áp dụng cho toàn bộ hoặc chỉ một phần của hợp đồng.

Trong trường hợp các bên không lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng, thì hợp đồng sẽ được điều chỉnh theo luật của ‘các nước có mối liên hệ mật thiết nhất’ với hợp đồng đang tranh chấp. ‘Nước có mối liên hệ mật thiết nhất’ với hợp đồng đang tranh chấp được xác định theo nguyên tắc tại khoản 2 Điều 4 của Công ước. Theo nguyên tắc này, ‘nước có mối liên hệ mật thiết nhất’ với hợp đồng là nước có địa bàn kinh doanh chính của bên thực hiện nghĩa vụ chính.

3- Tập quán thương mại quốc tế

Tập quán thương mại quốc tế cũng là nguồn luật quan trọng điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Tập quán thương mại quốc tế là những thói quen phổ biến được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong hoạt động kinh doanh ở một khu vực nhất định hoặc trên phạm vi toàn cầu. Những tập quán quốc tế được áp dụng phổ biến trong mua bán hàng hóa quốc tế bao gồm: Các điều kiện cơ sở giao hàng trong mua bán hàng hóa quốc tế (viết tắt là ‘INCOTERMS’) được Phòng thương mại quốc tế (‘ICC’) tập hợp và ban hành từ năm 1936 (và đã được sửa đổi vào các năm 1953, 1968, 1976, 1980, 1990, 2000 và 2010) (xem Mục 2 của Chương này); Tập quán và thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ (viết tắt là ‘UCP’) (xem Mục 4 của Chương này).

Các tập quán được hình thành lâu đời trong các quan hệ thương mại quốc tế, thường quy định về những vấn đề đặc thù trong mua bán hàng hóa quốc tế (mà thường luật quốc gia không có quy định), như việc chuyển giao rủi ro từ người bán sang người mua, nghĩa vụ của mỗi bên liên quan đến vận tải hàng hóa, mua bảo hiểm cho hàng hóa, thực hiện các thủ tục hải quan ở nước xuất khẩu và ở nước nhập khẩu. Các tập quán thương mại quốc tế chỉ có tính chất hướng dẫn chứ không có tính chất bắt buộc, tuy vậy, khi một tập quán được các bên thỏa thuận ghi nhận hoặc dẫn chiếu vào hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, thì sẽ có hiệu lực áp dụng bắt buộc đối với các chủ thể.

4- Các nguồn luật khác

Ngoài ra, có một số nguồn luật khác cũng đang ngày càng trở nên quan trọng trong việc điều chỉnh các hợp đồng thương mại quốc tế nói chung và hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nói riêng, và có tính chất pháp lý tương tự như các tập quán thương mại quốc tế - đó là các ‘hợp đồng mẫu’ và các ‘nguyên tắc chung của luật hợp đồng’.

Trước hết, về các ‘hợp đồng mẫu’: cần phân biệt các hợp đồng mẫu do một hiệp hội nghề nghiệp soạn thảo và các hợp đồng mẫu được đưa ra bởi các tổ chức độc lập đối với các bên.

Trong thương mại quốc tế, loại ‘hợp đồng mẫu’ đầu tiên rất phổ biến. Trong nhiều lĩnh vực, các hiệp hội nghề nghiệp đã soạn thảo các hợp đồng mẫu, ví dụ, hợp đồng mẫu mua bán ngũ cốc (hợp đồng GAFTA), mua bán dầu (hợp đồng FOSFA), mua bán cà phê, ca-cao hay bông, v.v.. Các hợp đồng nói trên được soạn thảo với những nội dung phù hợp với đặc điểm của từng lĩnh vực kinh doanh tương ứng. Tuy nhiên, đôi khi các quy định của hợp đồng bị chỉ trích là có lợi hơn về mặt pháp lý cho các thành viên của hiệp hội.

Bên cạnh đó, các hợp đồng mẫu do các tổ chức độc lập soạn thảo thì thường không gặp phải những chỉ trích tương tự. Mục tiêu của các tổ chức này là cung cấp cho các nhà hoạt động thực tiễn các hợp đồng đầy đủ và công bằng cho quyền lợi của các bên. Phổ biến nhất là các hợp đồng mẫu và điều khoản mẫu do Phòng thương mại quốc tế (ICC) soạn thảo. Năm 1985, ICC đã ban hành điều khoản mẫu về bất khả kháng. Từ năm 1991, ICC đã xuất bản một loạt các hợp đồng mẫu trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực mua bán hàng hóa. Các hợp đồng này có tính chắc chắn và độ tin cậy về mặt pháp lý, do chúng được soạn thảo bởi các chuyên gia trong lĩnh vực có liên quan. Hơn nữa, các quy định trong hợp đồng thường không liên quan đến một hệ thống pháp luật quốc gia cụ thể nào.

Hợp đồng mẫu sẽ trở thành nguồn luật cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế khi các bên dẫn chiếu đến hợp đồng mẫu hoặc đến một/một số điều khoản của hợp đồng mẫu.

Về ‘các nguyên tắc chung của luật hợp đồng’: đó thông thường là những nguyên tắc được đúc rút từ thực tiễn kinh doanh quốc tế, được các thương nhân thừa nhận và áp dụng cho các quan hệ hợp đồng thương mại quốc tế của mình và trở thành phổ biến: Nguyên tắc tự do hợp đồng, nguyên tắc hợp tác, nguyên tắc thiện chí, nguyên tắc phòng ngừa và hạn chế thiệt hại. Hầu hết các nguyên tắc này cũng được quy định thống nhất trong luật của các quốc gia, vì vậy dễ dàng được công nhận và trở nên phổ biến trong thương mại quốc tế. Đặc biệt, các tổ chức trọng tài thường dẫn chiếu đến các nguyên tắc này trong việc giải thích hợp đồng và giải quyết các tranh chấp phát sinh.

Hiện nay, xu hướng áp dụng các nguyên tắc chung của pháp luật ngày càng gia tăng trong kinh doanh quốc tế. lý do là: vì các nguyên tắc này tồn tại một cách độc lập với các hệ thống pháp luật quốc gia, nên sẽ dễ dàng đạt được sự chấp nhận của các bên trong hợp đồng. Hơn nữa, được hình thành từ thực tiễn kinh doanh quốc tế, các nguyên tắc này chứa đựng các quy phạm phù hợp với thực tiễn kinh doanh quốc tế luôn biến đổi, vận động. Xu hướng này được thể hiện ở việc: các nguyên tắc chung của pháp luật đã và đang được tập hợp lại và được ban hành dưới dạng các Bộ nguyên tắc. Có thể kể đến Bộ nguyên tắc về hợp đồng thương mại quốc tế (Principles of International Commercial Contracts - viết tắt là ‘PICC’) do Viện nghiên cứu quốc tế về thống nhất luật tư (International Institute for Unification of Private Law - viết tắt là ‘UNIDROIT’) biên soạn. Bên cạnh đó còn có Bộ nguyên tắc về luật hợp đồng châu Âu (Principles of European Contract Law - viết tắt là PECL) do Ủy ban về luật hợp đồng châu Âu (thường được gọi là Ủy ban Lan-đô) soạn thảo và ban hành. Nội dung của các Bộ nguyên tắc này sẽ được trình bày kĩ hơn tại Mục 3 của Chương này.

Về tính chất pháp lý, các Bộ nguyên tắc này chỉ mang tính chất tham khảo, không bắt buộc đối với các bên trong hợp đồng. Nói cách khác, các Bộ nguyên tắc này không được áp dụng tự động hay bắt buộc đối với hợp đồng, mà chỉ được áp dụng khi các bên trong hợp đồng lựa chọn. Như vậy, các Bộ nguyên tắc này có giá trị giống như những tập quán thương mại quốc tế. Tuy vậy, nếu các tập quán thương mại quốc tế như INCOTERMS hay UCP chỉ điều chỉnh một hay một số vấn đề liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, thì các Bộ nguyên tắc này chứa đựng một hệ thống các quy phạm tương đối hoàn chỉnh, điều chỉnh hầu hết mọi vấn đề pháp lý phát sinh trong việc giao kết và thực hiện hợp đồng thương mại quốc tế.

Các mục dưới đây của Chương này sẽ trình bày kĩ hơn về các nguồn luật quan trọng điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.

Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương, tổng hợp (từ Giáo trình Luật Thương mại quốc tế - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).

0 bình luận, đánh giá về Giới thiệu về quan hệ mua bán hàng hóa quốc tế

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.20033 sec| 1042.969 kb