Giới thiệu về tổ chức thương mại thế giới (WTO)

28/02/2023
Tổ chức thương mại thế giới (WTO) là một trong những tổ chức quốc tế quan trọng nhất trên thế giới hiện nay. Dù là tổ chức còn tương đối non trẻ, chỉ chính thức được thành lập từ ngày 1/1/1995, nhưng hệ thống thương mại nguyên gốc của WTO đã có trước chính bản thân tổ chức này đến gần nửa thế kỉ. Do đó, để hiểu về WTO, cần hiểu về lịch sử của tổ chức và đặc biệt là GATT - nền tảng của hệ thống thương mại thế giới. Mục này xem xét sự phát triển của WTO và điểm qua những khía cạnh của WTO với tư cách là một tổ chức quốc tế.

1- Tiền đề lịch sử

Nguồn gốc của WTO bắt đầu từ những năm cuối của Chiến tranh thế giới thứ II, khi các nước đàm phán về kế hoạch hậu chiến. Các nhà hoạch định chính sách cho giai đoạn hậu chiến, đứng đầu là Trớc-trin (Thủ tướng Anh) và Ru- dơ-ven (Tổng thống Hoa Kỳ), đều muốn tránh lặp lại thảm họa kinh tế và chính trị giai đoạn giữa hai cuộc Chiến tranh thế giới,  mà một trong những nguyên nhân của nó chính là chính sách bảo hộ mậu dịch của các nước. Ngay từ giai đoạn ban đầu cho đến nay, ngoài lí do kinh tế như trình bày tại Chương 1, cơ sở lí luận cơ bản về luật thương mại quốc tế là khá đơn giản: Nếu muốn thúc đẩy thương mại xuyên biên giới thì cần phải hạn chế sự can thiệp của chính phủ vào việc việc buôn bán hàng hoá của các công ty tư nhân - chủ thể chủ yếu tiến hành hoạt động thương mại này. Chính từ suy nghĩ đó mà cuộc thảo luận giữa Anh và Hoa Kỳ về thương mại đã được tiến hành từ năm 1943 để từ đó cho ra đời tài liệu có tên gọi ‘Các đề xuất để mở rộng thương mại và việc làm trên thế giới’ (sau đây gọi là ‘Bản đề xuất’) vào cuối năm 1945.  Bản đề xuất này dự kiến xây dựng bộ quy tắc điều chỉnh việc các chính phủ hạn chế thương mại quốc tế cũng như thành lập Tổ chức thương mại quốc tế (International Trade Organization - viết tắt là ‘ITO’) để giám sát việc thực hiện bộ quy tắc đó.

Đến đầu tháng 12/1945, sau khi công khai Bản đề xuất, Hoa Kỳ gửi thư mời 15 nước tham gia đàm phán về giảm thuế quan. Trừ Liên Xô, đến tháng 1/1946, tất cả các nước được mời đều nhận lời tham gia đàm phán. Tuy nhiên, cuộc đàm phán đã không được tổ chức sớm mà phải đợi đến đầu năm 1947. 

Hoa Kỳ cũng tận dụng kênh khác để thúc đẩy thực hiện Bản đề xuất, đó là thông qua Liên hợp quốc - tổ chức cũng được thành lập năm 1945. Tại cuộc họp đầu tiên vào tháng 2/1946, theo đề nghị của Hoa Kỳ, Uỷ ban kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết về việc triệu tập Hội nghị quốc tế về thương mại và việc làm, đồng thời chỉ định một uỷ ban trù bị để dự thảo tài liệu thảo luận tại Hội nghị. Mục đích của Hội nghị không chỉ giới hạn ở việc đàm phán về giảm thuế quan mà còn để chuẩn bị một hiến chương với nội dung rộng hơn cho ITO. Đáng chú ý là vào thời điểm đó, Hoa Kỳ đã sửa đổi Bản đề xuất năm 1945 thành Dự thảo Hiến chương  để làm cơ sở cho việc đàm phán Hiến chương ITO.

Tổng cộng đã diễn ra bốn cuộc gặp để đàm phán Hiến chương ITO. Cuộc họp của Uỷ ban trù bị diễn ra tại Luân-đôn vào các tháng 11 và 12/1946 đã đưa ra được dự thảo đầu tiên của Hiến chương ITO và sau đó được sửa đổi lại sau cuộc họp thứ hai của Nhóm kỹ thuật (phụ trách soạn thảo văn bản) tại Lake Success, Niu Y-oóc, vào đầu năm 1947. Cuộc họp chủ chốt cho việc chuẩn bị Hiến chương ITO là cuộc họp thứ ba diễn ra tại Giơ-ne-vơ từ tháng tư đến tháng 10/1947 và sau đó được tiếp nối bằng Hội nghị toàn thể về thương mại và việc làm do Liên hợp quốc tổ chức tại La Ha-ba-na từ tháng 11/1947 đến tháng 3/1948 để hoàn thành Hiến chương ITO. Tuy nhiên, Nghị viện Hoa Kỳ không ủng hộ Hiến chương ITO và Hoa Kỳ - nền kinh tế và quốc gia thương mại hàng đầu của thế giới, không thể trở thành thành viên của ITO. Điều này dẫn đến hệ quả là các nước khác cũng không còn mặn mà với việc thành lập ITO nữa và Hiến chương ITO không bao giờ có hiệu lực.

Tuy ITO không được thành lập, nhưng văn kiện tự do hoá thương mại quan trọng nhất của tổ chức này, Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (General Agreement on Tariff and Trade - viết tắt là GATT 1947) lại vẫn tồn tại. GATT 1947 dự kiến ban đầu là Chương IV trong Dự thảo Hiến chương gồm bảy chương về ITO của Hoa Kỳ.  Do đó, nội dung của GATT 1947 được xây dựng trong một loạt các cuộc đàm phán của Uỷ ban trù bị thành lập ITO nói trên. Cuộc họp đầu tiên của Uỷ ban trù bị tại Luân-đôn thảo luận các điều khoản của GATT 1947 trong khuôn khổ của cuộc thảo luận rộng hơn về các điều khoản của ‘Hiến chương hoặc các điều khoản của Thoả thuận về Tổ chức thương mại quốc tế.’  Tuy nhiên, phải đến cuộc họp tại Niu Y-oóc thì các điều khoản của GATT 1947 mới được tách riêng khỏi dự thảo Hiến chương ITO.  Cũng tại cuộc họp ở Niu Y-oóc, các đoàn đàm phán thấy rằng nhiều khả năng là GATT 1947 sẽ có hiệu lực trước ITO.  Cuộc họp tại Giơ-ne-vơ đưa ra rất ít sửa đổi thực chất đối với dự thảo GATT 1947 có từ cuộc họp tại Niu Y-oóc. Tuy nhiên, tầm quan trọng của cuộc họp ở Giơ-ne-vơ là tại đó cuộc đàm phán đa phương đầu tiên về giảm thuế quan đã được tiến hành giữa Hoa Kỳ với 14 nước đồng ý tham gia đàm phán theo lời mời của Hoa Kỳ vào tháng 12/1945  và 8 nước khác được Hoa Kỳ mời sau đó.  Tại cuộc đàm phán đầu tiên này, trong thời gian từ tháng tư đến tháng 12/1947, 23 nước (sau này cũng là các thành viên sáng lập GATT 1947), đã tiến hành không ít hơn 123 cuộc gặp song phương để giải quyết 45.000 dòng thuế quan, có tác động đến khối lượng hàng hoá thương mại trị giá khoảng 10 tỉ USD  hay tương đương 1/2 giá trị thương mại thế giới.

Sau khi kết thúc cả đàm phán về dự thảo văn bản GATT 1947 lẫn về giảm thuế quan, GATT 1947 đã được mở kí ngày 30/10/1947  và sau đó tạm thời có hiệu lực từ ngày 1/1/1948 thông qua Nghị định thư về việc áp dụng tạm thời.  Cần giải thích ở đây lí do tại sao GATT 1947 chỉ được áp dụng tạm thời. Theo quy định tại Hiến pháp của một số nước, để GATT 1947 chính thức có hiệu lực thì văn bản này phải được trình lên nghị viện để phê chuẩn. Nhưng vì những nước này cũng dự kiến sẽ trình phê chuẩn Hiến chương ITO sau khi được thông qua, họ sợ rằng ‘việc sử dụng các nỗ lực chính trị để được cơ quan lập pháp phê chuẩn GATT sẽ làm ảnh hưởng đến nỗ lực thông qua ITO sau đó’,  do vậy dự kiến sẽ trình đồng thời cả GATT 1947 và Hiến chương ITO.

Dù ITO không được thành lập, nhưng GATT 1947 đã được áp dụng ‘tạm thời’ trong gần 50 năm và chứng minh giá trị của nó qua thời gian.  Dần dần, GATT 1947 đã trở thành ‘định chế’ quốc tế trên thực tế (‘de facto’), tạo diễn đàn cho các thành viên gặp gỡ và đàm phán giảm thuế quan cũng như các rào cản phi thuế quan. Trong thời gian từ năm 1947 đến 1979 đã diễn ra tổng cộng bảy vòng đàm phán. Nếu như năm vòng đàm phán đầu tiên chỉ tập trung vào vấn đề giảm thuế quan và tỏ ra khá thành công,  thì các cuộc đàm phán từ vòng thứ sáu, còn gọi là Vòng Ken-nơ-đi (1964-1967) lại tỏ ra ít thành công hơn khi mà chủ đề đàm phán được mở rộng ra cả vấn đề rào cản thương mại phi thuế quan (viết tắt là ‘NTBs’) - vấn đề đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn so với rào cản thuế quan.  Vòng Tô-ky-ô (1973-1979), dù đạt được thành quả tốt hơn so với Vòng Ken-nơ-đi, nhưng lại có tác động hạn chế đối với thương mại toàn cầu, do các thoả thuận tại Vòng Tô-ky-ô chỉ có số lượng các thành viên tham gia hạn chế.  Sau Vòng Tô-ky-ô, Hoa Kỳ và một số nước muốn tổ chức vòng đàm phán mới với chương trình nghị sự rộng lớn, bao gồm cả những chủ đề như thương mại dịch vụ và việc bảo hộ IPRs, trong khi đó các nước khác hoặc là không muốn tổ chức cuộc đàm phán có chương trình nghị sự rộng lớn, hoặc là không muốn tổ chức thêm cuộc đàm phán nào khác nữa. Tuy nhiên, cuối cùng thì Vòng U-ru-goay vẫn được tổ chức, dẫn đến việc thành lập WTO.

2- Vòng đàm phán U-ru-goay và sự ra đời của WTO

Tháng 9/1986, các bộ trưởng thương mại của thành viên GATT 1947 đã gặp nhau tại Pun-ta đen Este, U-ru-goay, và sau vài ngày tranh luận đã thống nhất tiến hành Vòng đàm phán thương mại đa phương lần thứ 8, còn được gọi là Vòng U-ru-goay, muộn nhất là vào ngày 31/10/1986. Tuyên bố Pun-ta đen Este cũng nêu rõ: ‘Việc tiến hành, tổ chức và thực hiện kết quả của việc đàm phán sẽ là một phần trong một cam kết đơn nhất.’ Tuyên bố vạch ra khoảng 15 chủ đề thảo luận, bao gồm từ những vấn đề như thương mại hàng hoá (nông sản và hàng dệt may), các NTBs, và đặc biệt là lần đầu tiên trong lịch sử, vấn đề thương mại dịch vụ được thảo luận. Phần lớn các cuộc đàm phán kết thúc tại Giơ-ne-vơ vào tháng 12/1993  (dù một số cuộc thảo luận về tiếp cận thị trường vẫn diễn ra) và thoả thuận được kí ngày 15/4/1994 tại Hội nghị bộ trưởng Ma-ra-két, Ma-rốc.  Vòng U-ru-goay đã được bình luận như sau:

Vòng đàm phán đã diễn ra bảy năm rưỡi, gần như gấp đôi so với dự kiến.

Đến cuối vòng đàm phán đã có 123 nước tham gia. Vòng đàm phán đã thảo luận hầu như tất cả các vấn đề về thương mại, từ bản chải đánh răng đến du thuyền, từ ngân hàng đến viễn thông, từ gien lúa đến biện pháp chữa AIDS. Nói đơn giản, đây là vòng đàm phán thương mại lớn nhất từ trước đến nay và có lẽ là vòng đàm phán lớn nhất trong lịch sử tất cả các cuộc đàm phán.  Thực vậy, Vòng U-ru-goay là vòng đàm phán thương mại đa phương ‘tham vọng’ nhất từ trước đến nay, tại đó thảo luận ‘gần như tất cả những vấn đề chính sách thương mại nổi bật.’  Đáng ngạc nhiên là Vòng U-ru-goay đã hoàn thành được phần lớn tham vọng nêu trong Tuyên bố Pun-ta đen Este. Hơn nữa, Vòng U-ru-goay còn vượt ra ngoài cả mục tiêu khiêm tốn được đặt ra ban đầu liên quan đến cải tổ thể chế của GATT 1947 bằng việc thành lập tổ chức quốc tế mới về thương mại, lấy tên là Tổ chức thương mại thế giới (‘WTO’). 

Hiệp định Ma-ra-két thành lập WTO (Hiệp định WTO) nằm trong Định ước cuối cùng kí tại Hội nghị bộ trưởng Ma-ra-két nói trên  chính là hiến chương của tổ chức. Hiệp định này bao trùm lên tất cả các hiệp định cụ thể và kĩ thuật khác (kể cả các biểu cam kết). Tất cả các thoả thuận đạt được tại Vòng U-ru-goay được ghi trong bốn phụ lục của Hiệp định WTO. Ba phụ lục đầu tiên có tính bắt buộc (nghĩa là tất cả các thành viên đều phải chấp nhận), trong khi Phụ lục 4 chỉ có các ‘thoả thuận nhiều bên’ (plurilateral agreements) có tính tuỳ chọn.  Phụ lục 2 là ‘Hiệp định về quy tắc và thủ tục giải quyết tranh chấp’, và Phụ lục 3 là ‘Hiệp định về rà soát chính sách thương mại’. Phụ lục 1 là nền tảng của hệ thống thương mại thế giới, được chia thành ba phần tương ứng với ba nhóm thoả thuận cơ bản về hàng hoá (GATT 1994  cùng các thoả thuận liên quan và các văn bản khác), về dịch vụ (GATS và các phụ lục) và các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS).

Như dự kiến trong Định ước cuối cùng, Hiệp định WTO có hiệu lực chính thức từ ngày 1/1/1995. WTO giờ đây trở thành tổ chức quốc tế quan trọng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Liên hợp quốc. Để tạo cơ sở cho các thảo luận về nội dung các quy tắc thương mại của WTO, phần tiếp theo ngay sau đây sẽ xem xét một số khía cạnh về tổ chức của WTO với tư cách là tổ chức quốc tế.

3- WTO với tư cách là một tổ chức quốc tế

3.1- Mục đích của WTO

Lí do cho việc hình thành và các mục tiêu về chính sách của WTO được nêu ra trong hai đoạn đầu tiên của Lời nói đầu Hiệp định WTO. Hai đoạn này quy định rằng:

Thừa nhận rằng tất cả những mối quan hệ của [các thành viên] trong lĩnh vực kinh tế và thương mại phải được thực hiện với mục tiêu nâng cao mức sống, bảo đảm đầy đủ việc làm và một khối lượng thu nhập và nhu cầu thực tế lớn và phát triển ổn định; mở rộng sản xuất, thương mại hàng hoá và dịch vụ, trong khi đó vẫn bảo đảm việc sử dụng tối ưu nguồn lực của thế giới theo đúng mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ và duy trì môi trường và nâng cao các biện pháp để thực hiện điều đó theo cách thức phù hợp với những nhu cầu và mối quan tâm riêng rẽ của mỗi bên ở các cấp độ phát triển kinh tế khác nhau;

Thừa nhận thêm rằng cần phải có nỗ lực tích cực để bảo đảm rằng các nước đang phát triển, đặc biệt là những nước kém phát triển nhất, duy trì được tỉ phần tăng trưởng trong thương mại quốc tế tương xứng với nhu cầu phát triển kinh tế của các quốc gia đó....

Peter Van den Bossche rút ra từ hai đoạn nêu trên bốn mục tiêu tối hậu của WTO là:

- Nâng cao mức sống;

- Tạo công ăn việc làm đầy đủ;

- Tăng thu nhập và nhu cầu thực tế;

- Mở rộng sản xuất và thương mại trong lĩnh vực hàng hoá và dịch vụ. 

Tuy nhiên, như Bossche cũng đã chỉ ra, hai đoạn nói trên cũng nhấn mạnh rằng việc thực hiện những mục tiêu này không được làm phương hại đến môi trường cũng như nhu cầu của các DCs.  Cơ quan phúc thẩm của WTO, trong vụ US-Shrimp cũng chỉ ra rằng các nhà đàm phán Hiệp định WTO thừa nhận tầm quan trọng của phát triển kinh tế bền vững. 

3.2- Chức năng của WTO

Khoản 1 Điều 2 Hiệp định WTO quy định rằng chức năng chủ yếu của WTO là tạo ra: ‘Một khuôn khổ chung có tính định chế để triển khai các mối quan hệ thương mại giữa các thành viên của tổ chức về những vấn đề liên quan đến các thoả thuận và các văn bản pháp luật liên quan được nêu trong các phụ lục của Hiệp định này’.

Để đạt được mục tiêu này, Điều III, với tiêu đề là ‘Chức năng’, quy định 5 chức năng bao quát của WTO như sau:

1. WTO tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi, quản lí và điều hành, những mục tiêu khác của Hiệp định này và các hiệp định thương mại đa phương và cũng là một khuôn khổ cho việc thực thi, quản lí và điều hành các hiệp định thương mại nhiều bên.

2. WTO là một diễn đàn cho các cuộc đàm phán giữa các thành viên về những mối quan hệ thương mại đa phương trong những vấn đề được điều chỉnh theo các thoả thuận quy định trong các phụ lục của Hiệp định này. WTO có thể là một diễn đàn cho các cuộc đàm phán tiếp theo giữa các thành viên về những mối quan hệ thương mại đa phương của họ và cũng là một cơ chế cho việc thực thi các kết quả của các cuộc đàm phán đó hay do Hội nghị bộ trưởng quyết định.

3. WTO sẽ giám sát Hiệp định về quy tắc và thủ tục giải quyết tranh chấp (dưới đây được gọi là ‘DSU’) trong Phụ lục 2 của Hiệp định này.

4. WTO sẽ giám sát cơ chế rà soát chính sách thương mại (dưới đây được gọi là ‘TPRM’) tại Phụ lục 3 của Hiệp định này.

5. Nhằm đạt được sự nhất quán cao hơn trong quá trình hoạch định chính sách kinh tế toàn cầu, WTO, khi cần thiết, sẽ hợp tác với Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng quốc tế về tái thiết và phát triển và các cơ quan trực thuộc của nó.
Bên cạnh các chức năng được quy định rõ ràng tại Điều III, Bossche còn cho rằng việc trợ giúp kĩ thuật cho các thành viên DCs rõ ràng là chức năng quan trọng của WTO, vì nó cho phép các thành viên này hội nhập vào hệ thống thương mại thế giới. 

3.3- Thành viên của WTO

Không chỉ các quốc gia mới có thể trở thành thành viên của WTO. Các lãnh thổ hải quan có quyền độc lập hoàn toàn trong việc điều hành các mối quan hệ ngoại thương và các vấn đề khác quy định trong Hiệp định này đều có thể gia nhập WTO.

Ví dụ, Hồng Kông - Trung Quốc (thường gọi tắt là Hồng Kông), Ma Cao - Trung Quốc (thường gọi tắt là Ma Cao). Cộng đồng châu Âu cũng là thành viên của WTO, nhưng đây là trường hợp duy nhất và đặc biệt theo quy định tại khoản 1 Điều XI của Hiệp định WTO. 

Đến thời điểm tháng 2/2012, WTO đã có hơn 153 thành viên  và với việc Nga sẽ trở thành thành viên, WTO sẽ bao gồm tất cả các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới,  chiếm 97% tổng giá trị thương mại thế giới. 

3.4- Cơ cấu tổ chức của WTO

Cơ cấu tổ chức cơ bản của WTO được quy định tại Điều IV của Hiệp định WTO, tuy nhiên tuỳ theo nhu cầu, các tiểu ban và các nhóm làm việc cũng có thể được thành lập. Theo báo cáo của Phó tổng giám đốc WTO, hiện nay có tổng cộng khoảng 70 cơ quan thuộc WTO, trong đó có 34 cơ quan thường trực.  Ở cấp cao nhất trong cấu trúc của WTO là Hội nghị bộ trưởng, đây là cơ quan tối cao của WTO bao gồm các đại diện cấp bộ trưởng của tất cả các thành viên và có thẩm quyền ra quyết định đối với tất cả các vấn đề về bất kì thoả thuận đa phương nào của WTO.

Ở cấp thứ hai là Đại hội đồng, Cơ quan giải quyết tranh chấp (viết tắt là ‘DSB’) và Cơ quan rà soát chính sách thương mại (viết tắt là ‘TPRB’). Ba cơ quan này thực chất là một. Đại hội đồng, bao gồm các nhà ngoại giao ở cấp đại sứ, chịu trách nhiệm về việc quản lí thường nhật WTO cũng như các hoạt động của tổ chức. Giữa các kì họp của Hội nghị bộ trưởng, Đại hội đồng thực hiện toàn bộ thẩm quyền của Hội nghị bộ trưởng. Khi Đại hội đồng giám sát hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO thì nó sẽ hoạt động với tư cách DSB, còn khi Đại hội đồng giám sát cơ chế rà soát chính sách thương mại của WTO thì nó hoạt động với tư cách TPRB.

Bên dưới Đại hội đồng, DSB và TPRB - là ba hội đồng chuyên môn về thương mại hàng hoá (CTG), thương mại dịch vụ (CTS), quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (Hội đồng TRIPS). Điều này được trù định theo khoản 5 Điều IV của Hiệp định WTO. Theo khoản 2 Điều IX của Hiệp định WTO, chức năng rõ ràng nhất của những hội đồng chuyên môn này là đưa ra các khuyến nghị để Hội nghị bộ trưởng và Đại hội đồng thông qua việc giải thích thoả thuận thương mại nêu tại Phụ lục I của Hiệp định WTO mà các hội đồng chuyên môn này chịu trách nhiệm giám sát. Theo khoản 3 Điều IX và khoản 1 Điều X của Hiệp định WTO, các hội đồng chuyên môn cũng có vai trò trong việc thông qua các quyết định về tạm dừng nghĩa vụ hoặc sửa đổi quy định của WTO. GATS và Hiệp định TRIPS cũng trao cho các Hội đồng chuyên môn một số chức năng riêng.  Tuy nhiên, các hội đồng chuyên môn này không được trao nhiều thẩm quyền cụ thể, và khó có thể suy từ những chức năng giám sát chung một thẩm quyền nào của các hội đồng này trong việc đưa ra các quyết định, dù là quyết định mang tính chính trị hay pháp lí.  Bên cạnh các hội đồng chuyên môn, có một số uỷ ban và nhóm làm việc được thành lập để hỗ trợ Hội nghị bộ trưởng và Đại hội đồng.

Tháng 11/2001, Hội nghị bộ trưởng tại phiên họp Đô-ha đã quyết định thành lập Uỷ ban đàm phán thương mại (viết tắt là ‘TNC’) có nhiệm vụ cùng với các bộ phận đàm phán khác tổ chức các cuộc đàm phán trong Vòng đàm phán Đô-ha về phát triển. TNC báo cáo về tiến trình đàm phán cho các cuộc họp thường kì của Đại hội đồng.

Báo cáo lên Đại hội đồng (hoặc một cơ quan bổ trợ)

Báo cáo lên Cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB)

Các uỷ ban theo thoả thuận nhiều bên thông báo cho Đại hội đồng hoặc Hội đồng về hàng hoá về hoạt động của họ, dù rằng các thoả thuận nhiều bên không được tất cả các thành viên WTO kí.

Uỷ ban đàm phán thương mại báo cáo lên Đại hội đồng.

Cuối cùng, cũng giống như các tổ chức quốc tế khác, WTO có một Ban thư kí. Điều IV Hiệp định WTO quy định rằng WTO sẽ có một Ban thư kí do Tổng giám đốc lãnh đạo và Tổng giám đốc sẽ do Hội nghị bộ trưởng bầu ra. Ban thư kí WTO được đặt tại Giơ-ne-vơ với hơn 600 nhân viên.  Giống như các tổ chức quốc tế khác, Ban thư kí WTO là cơ quan hành chính và Tổng giám đốc của nó không có bất kì thẩm quyền riêng biệt nào trong vấn đề ra quyết định. Thay vào đó, Tổng giám đốc và Ban thư kí hoạt động để ‘tạo thuận lợi’ cho tiến trình ra quyết định trong khuôn khổ WTO.  Ban thư kí WTO có các nhiệm vụ sau:

- Cung cấp các hỗ trợ về kĩ thuật và nghiệp vụ cho các hội đồng và uỷ ban khác nhau;

- Cung cấp hỗ trợ kĩ thuật cho các DCs;

- Giám sát và phân tích biến động thương mại thế giới;

- Cung cấp thông tin cho công chúng và giới báo chí, đồng thời tổ chức các Hội nghị bộ trưởng;

- Cung cấp một số các hình thức hỗ trợ pháp lí trong quá trình giải quyết tranh chấp;

- Hướng dẫn các chính phủ về thủ tục để trở thành thành viên WTO. 

3.5- Việc ra quyết định trong WTO

Thủ tục ra quyết định thông thường trong các cơ quan của WTO được quy định tại khoản 1 Điều IX của Hiệp định WTO như sau:

WTO sẽ tiếp tục thông lệ ra quyết định trên cơ sở đồng thuận như quy định trong GATT 1947. Trừ khi có quy định khác, nếu không thể đạt được một quyết định trên cơ sở đồng thuận, thì vấn đề cần giải quyết sẽ được quyết định bằng hình thức bỏ phiếu. Tại các cuộc họp của Hội nghị bộ trưởng và Đại hội đồng, mỗi thành viên của WTO có một phiếu... [T]rừ khi có quy định khác trong Hiệp định này hoặc trong Hiệp định thương mại đa phương có liên quan, các quyết định của Hội nghị bộ trưởng và Đại hội đồng được thông qua trên cơ sở đa số phiếu.

Như vậy, thủ tục ra quyết định của WTO được tiến hành theo hai bước. Trước hết các thành viên phải cố gắng đưa ra quyết định bằng đồng
thuận. Thủ tục này được định nghĩa tại chú thích 1 của Điều IX như sau: ‘Cơ quan liên quan sẽ được coi là quyết định bằng đồng thuận đối với một vấn đề được đưa ra trước cơ quan đó để xem xét, nếu không có thành viên nào có mặt tại cuộc họp để đưa ra quyết định chính thức phản đối quyết định được thông qua’.

Nói cách khác, theo thủ tục đồng thuận, sẽ không diễn ra việc bỏ phiếu và quyết định sẽ được thông qua trừ phi có một thành viên công khai phản đối.

Khi thủ tục đồng thuận không đạt được, việc bỏ phiếu trên cơ sở mỗi thành viên một phiếu  sẽ được tiến hành. Trong trường hợp này, một quyết định sẽ được thông qua theo đa số phiếu.

Tuy nhiên, Hiệp định WTO cũng quy định một số ngoại lệ, được coi là luật riêng (‘lex specialis’) đối với quy tắc chung (thủ tục thông thường) về vấn đề ra quyết định. Các ngoại lệ đáng chú ý bao gồm việc ra quyết định trong DSB, việc giải thích chính thức, gia nhập, tạm dừng nghĩa vụ, sửa đổi quy định và các quy định liên quan đến vấn đề ngân sách hàng năm và tài chính. Đối với những vấn đề này, thủ tục ra quyết định riêng biệt là rất khác nhau, như quyết định chỉ được thông qua bằng đồng thuận (quyết định của DSB  hay tạm ngừng nghĩa vụ thành viên ), theo đa số 3/4 (giải thích chính thức ), đồng thuận sau đó theo đa số 2/3 (đối với thủ tục gia nhập,  sửa đổi ), hoặc thậm chí là đa số 2/3 của hơn một nửa số thành viên WTO (quy định về tài chính và ngân sách hàng năm ).

Dù vậy, cần nhấn mạnh rằng tuy Hiệp định WTO quy định về khả năng thông qua bằng bỏ phiếu, nhưng việc bỏ phiếu tại các cơ quan của WTO là rất hãn hữu. Lí do cho việc ưu tiên thông qua các quyết định bằng đồng thuận so với bỏ phiếu không phải là khó hiểu. Thủ tục đồng thuận - thủ tục có tính chất tập thể - được coi là có tính chất ‘dân chủ hơn’ so với thủ tục bỏ phiếu.  Tất nhiên, việc khăng khăng gắn với thủ tục đồng thuận cũng có rủi ro, đó là việc cơ chế ra quyết định của WTO có thể đôi lúc bị tê liệt.

Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương, tổng hợp (từ Giáo trình Luật Thương mại quốc tế - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).

0 bình luận, đánh giá về Giới thiệu về tổ chức thương mại thế giới (WTO)

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.77147 sec| 1043.219 kb