Các hành vi bị cấm và trách nhiệm khi tham gia hợp đồng bán hàng đa cấp

13/04/2023
Ứng Mỹ Ly
Ứng Mỹ Ly
Hoạt động kinh doanh đa cấp đã phát triển tại nhiều nước trên thế giới nhưng tại Việt Nam, hình thức kinh doanh này lại biến tướng với nhiều vi phạm khác nhau. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã kêu gọi các doanh nghiệp và người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện kinh doanh có đạo đức, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng Quy tắc đạo đức chung và yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện đúng Quy tắc đó.

I- Bản chất của hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp

Về bản chất, hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp là một loại hợp đồng thương mại. Theo khoản 4 Điều 3 Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý bán hàng đa cấp quy định:

Hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp là thỏa thuận xác lập mối quan hệ giữa người muốn tham gia bán hàng đa cấp và doanh nghiệp bán hàng đa cấp trong hoạt động bán hàng đa cấp”.

Đặc điểm của hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp:

(i) Về chủ thể của hợp đồng bao gồm doanh nghiệp và người muốn tham gia bán hàng đa cấp. Trong hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, có một bên là doanh nghiệp được gọi là thương nhân tham gia vào hợp đồng. Đây là một đặc điểm của hợp đồng thương mại nói chung.

(ii) Mục đích của chủ thể tham gia ký kết hợp đồng: mục đích tìm kiếm lợi nhuận.

(iii) Đối tượng của hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp là lợi ích các bên hướng tới ký kết hợp đồng. Dưới góc độ lợi ích của doanh nghiệp bán hàng đa cấp, đối tượng của hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp là hàng hóa, và mục đích chính của doanh nghiệp là bán được hàng cho người tham gia bán hàng đa cấp. Đối với người tham gia bán hàng đa cấp, thì lợi ích ở đây ngoài là hàng hóa mua được thì đó là tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế từ việc tiếp thị bán hàng của mình.

(iv) Hình thức hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp: Theo khoản 1 Điều 24 Nghị định 42/2014/NĐ-CP quy định: “Doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải ký kết hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp bằng văn bản với người tham gia bán hàng đa cấp”. Như vậy, hình thức của hợp đồng này bắt buộc thành lập bằng văn bản.

(v) Nội dung của hợp đồng bán hàng đa cấp: là các điều khoản mà các bên thỏa thuận với nhau, thể hiện quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ bán hàng đa cấp.

II- Các hành vi bị cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp

1- Đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp

Khoản 1 Điều 5 Nghị định 40/2018/NĐ-CP cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện các hành vi sau đây:

- Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp.

- Yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp.

- Cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó.

- Từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền hưởng.

- Cung cấp thông tin gian dối về kế hoạch trả thưởng, về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.

- Cung cấp thông tin gian dối, gây nhầm lẫn về tính năng, công dụng của hàng hóa hoặc hoạt động của doanh nghiệp thông qua báo cáo viên, đào tạo viên tại hội nghị, hội thảo, đào tạo hoặc thông qua tài liệu của doanh nghiệp.

- Duy trì nhiều hơn một hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, vị trí kinh doanh đa cấp, mã số kinh doanh đa cấp hoặc các hình thức khác tương đương đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp.

- Thực hiện khuyến mại sử dụng mạng lưới gồm nhiều cấp, nhiều nhánh mà trong đó người tham gia chương trình khuyến mại có nhiều hơn một vị trí, mã số hoặc các hình thức tương đương khác.

- Tổ chức các hoạt động trung gian thương mại theo quy định của pháp luật thương mại nhằm phục vụ cho việc duy trì, mở rộng và phát triển mạng lưới bán hàng đa cấp.

- Tiếp nhận hoặc chấp nhận đơn hoặc bất kỳ hình thức văn bản nào khác của người tham gia bán hàng đa cấp, trong đó, người tham gia bán hàng đa cấp tuyên bố từ bỏ một phần hoặc toàn bộ các quyền của mình theo quy định của Nghị định 40/2018/NĐ-CP hoặc cho phép doanh nghiệp không phải thực hiện nghĩa vụ đối với người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định 40/2018/NĐ-CP.

- Kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với đối tượng không được phép theo quy định tại Điều 4 Nghị định 40/2018/NĐ-CP.

- Không sử dụng hệ thống quản lý người tham gia bán hàng đa cấp đã đăng ký với cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp để quản lý người tham gia bán hàng đa cấp.

- Mua bán hoặc chuyển giao mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp khác, trừ trường hợp mua lại, hợp nhất hoặc sáp nhập doanh nghiệp.

2- Đối với người tham gia bán hàng đa cấp

Khoản 2 Điều 5 Nghị định 40/2018/NĐ-CP cấm người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện các hành vi sau đây:

- Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp.

- Cung cấp thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính năng, công dụng của hàng hóa, hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

- Tổ chức hội thảo, hội nghị, đào tạo về kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được doanh nghiệp bán hàng đa cấp ủy quyền bằng văn bản.

- Lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp khác tham gia vào mạng lưới của doanh nghiệp mà mình đang tham gia.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, địa vị xã hội, nghề nghiệp để khuyến khích, yêu cầu, lôi kéo, dụ dỗ người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp hoặc mua hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp.

- Thực hiện hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương nơi doanh nghiệp chưa được cấp xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương.

III- Trách nhiệm của doanh nghiệp khi giao kết hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp

- Niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp các tài liệu quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 9 Nghị định 40/2018/NĐ-CP.

- Thực hiện đúng quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng đã đăng ký.

- Xây dựng, công bố giá bán của các hàng hóa được kinh doanh theo phương thức đa cấp và tuân thủ giá bán đã công bố.

- Xuất hóa đơn theo từng giao dịch bán hàng cho từng người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp và khách hàng mua hàng trực tiếp từ doanh nghiệp.

- Giám sát hoạt động của người tham gia bán hàng đa cấp để bảo đảm người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện đúng hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng của doanh nghiệp.

- Chịu trách nhiệm đối với hoạt động bán hàng đa cấp của người tham gia bán hàng đa cấp trong trường hợp các hoạt động đó được thực hiện tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoặc tại các hội nghị, hội thảo, đào tạo của doanh nghiệp.

- Khấu trừ tiền thuế thu nhập cá nhân của người tham gia bán hàng đa cấp để nộp vào ngân sách nhà nước trước khi chi trả hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác cho người tham gia bán hàng đa cấp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Vận hành hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp đáp ứng quy định tại Điều 44 Nghị định 40/2018/NĐ-CP, đúng với giải trình kỹ thuật khi đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, đảm bảo người tham gia bán hàng đa cấp có thể truy cập và truy xuất các thông tin cơ bản về hoạt động bán hàng đa cấp của họ.

- Vận hành và cập nhật thường xuyên trang thông tin điện tử bằng tiếng Việt để cung cấp thông tin về doanh nghiệp và hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp đáp ứng quy định tại Điều 45 Nghị định 40/2018/NĐ-CP.

- Vận hành hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp, bao gồm điện thoại, thư điện tử và địa chỉ tiếp nhận.

- Cung cấp quyền truy cập vào tài khoản quản lý hệ thống công nghệ thông tin quản lý hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.

- Doanh nghiệp bán hàng đa cấp chịu trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan về điều kiện kinh doanh và lưu thông đối với hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp.

IV- Trách nhiệm của cá nhân khi giao kết hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp

- Người tham gia bán hàng đa cấp chỉ thực hiện các hoạt động tiếp thị, bán hàng và phát triển mạng lưới bán hàng đa cấp sau khi được cấp Thẻ thành viên.

- Xuất trình Thẻ thành viên trước khi giới thiệu hoặc tiếp thị, bán hàng.

- Tuân thủ hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp và quy tắc hoạt động của doanh nghiệp.

- Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực khi giới thiệu về doanh nghiệp bán hàng đa cấp, hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp, kế hoạch trả thưởng và quy tắc hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

0 bình luận, đánh giá về Các hành vi bị cấm và trách nhiệm khi tham gia hợp đồng bán hàng đa cấp

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.75489 sec| 986.547 kb