Hợp đồng cầm cố tài sản - Những lưu ý khi soạn thảo hợp đồng

25/03/2023
Lê Thị Linh Chi
Lê Thị Linh Chi
Cầm cố tài sản là hình thức bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự của bên có nghĩa vụ (bên cầm cố) với bên có quyền (bên nhận cầm cố). Khi lựa chọn biện pháp cầm cố tài sản, bên có nghĩa vụ thể hiện mục đích đảm bảo với bên có quyền rằng bản thân mình chắc chắn thực hiện nghĩa vụ đó, nếu không thực hiện được hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ, bên có quyền sẽ sử dụng những biện pháp được pháp luật quy định nhằm xử lý tài sản cầm cố thay cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ. Ngược lại, bên có quyền lựa chọn biện pháp cầm cố để thể hiện rằng quyền của mình sẽ được bảo đảm bằng hành vi hoặc tài sản của bên có nghĩa vụ. Việc cầm cố tài sản thường được đặt ra bên cạnh một hợp đồng dân sự hoặc một nghĩa vụ ngoài hợp đồng. Bất luận ở trường hợp nào, cầm cố tài sản đều là kết quả của sự thỏa thuận từ hai phía và với mục đích bên có nghĩa vụ hoặc bên thứ ba phải bằng tài sản của mình để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ đó trước bên có quyền.

I- HỢP ĐỒNG CẦM CỐ TÀI SẢN LÀ GÌ?

Hợp đồng cầm cố tài sản là văn bản/thoả thuận được ghi lại của bên cầm cố và bên nhận cầm cố về việc một bên giao tài sản của mình cho bên còn lại giữ nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ đảm bảo.

II- NHỮNG LƯU Ý KHI SOẠN THẢO HỢP ĐỒNG CẦM CỐ TÀI SẢN:

1- Về căn cứ ký kết hợp đồng

Khi giao kết hợp đồng, các bên thường đưa ra các căn cứ làm cơ sở cho việc thương lượng, ký kết và thực hiện hợp đồng; có thể là văn bản pháp luật điều chỉnh, văn bản uỷ quyền, nhu cầu và khả năng của các bên.

Khi các bên lựa chọn một văn bản pháp luật cụ thể để làm căn cứ ký kết hợp đồng thì được xem như đó là sự lựa chọn luật điều chỉnh. Do đó cũng phải hết sức lưu ý khi đưa các văn bản pháp luật vào phần căn cứ của hợp đồng, chỉ sử dụng khi biết văn bản đó có điều chỉnh quan hệ trong hợp đồng và còn hiệu lực.

2- Về điều khoản giải thích từ ngữ

“Giải thích từ ngữ” trong văn bản quy phạm pháp luật còn có thể được gọi là Điều khoản định nghĩa để quy định ý nghĩa của những thuật ngữ, từ ngữ được sử dụng trong văn bẩn quy phạm pháp luật đó. Định nghĩa pháp lý của một từ có thể khác với định nghĩa của từ đó trong từ điển ngôn ngữ.

Để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng một cách thuận lợi, thì việc đưa ra các khái niệm cho những nội dung cần được hiểu và áp dụng thống nhất, khoa học là rất quan trọng. Việc làm này là cần thiết nhằm tránh tình trạng có phát sinh xung đột, tranh cãi giữa các bên về cách hiểu của nội dung đó.

Cụ thể khi soạn thảo, sử dụng điều khoản về giải thích từ ngữ trong trường hợp sau đây:

- Một từ hay một cụm từ trong văn bản pháp luật không được sử dụng với nghĩa thông thường của nó hay được sử dụng với một trong nhiều nghĩa thông thường của nó (định nghĩa phải làm rõ nghĩa nào được áp dụng).

- Khi trong văn bản sử dụng nhiều lần các từ đó và nếu không giải thích thì khi đặt thuật ngữ đó vào những ngữ cảnh khác nhau, người đọc có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Chính vì vậy, khi sử dụng các thuật ngữ ở các điều, khoản khác nhau, người soạn thảo cần chú ý để tránh sự mâu thuẫn trong cùng văn bản đó.

- Tránh sử dụng quá nhiều định nghĩa;

- Một định nghĩa không được bao gồm thuật ngữ mà nó dự định định nghĩa.

- Khi giải thích thuật ngữ, cần tránh giải thích bằng chính các thuật ngữ cũng cần phải giải thích. Trong trường hợp không thể sử dụng các từ ngữ khác nhau để giải thích mà buộc phải dùng lại như vậy thì nên lưu ý trật tự của từ ngữ giải thích.

- Không định nghĩa một khái niệm hay thuật ngữ đã rõ nghĩa.

Không định nghĩa một thuật ngữ chỉ được sử dụng một lần, hoặc không được sử dụng.

Nếu cần giải thích một thuật ngữ, không giải thích hai lần - một lần ở phần định nghĩa và một lần nữa trong văn bản. Theo đó, người soạn thảo chỉ cần giải thích thuật ngữ đó ngay lần đầu tiên khi nó được sử dụng trong văn bản. Và không định nghĩa một thuật ngữ không xuất hiện trong văn bản.

- Không được lồng ghép nội dung của VBQPPL vào phần giải thích từ ngữ;

- Không nên định nghĩa một cụm từ trừ khi nó là một danh từ đơn, động từ, tính từ, trạng từ.

Định nghĩa chỉ nên giải thích các từ hoặc cụm từ và không nên chứa quy định nào của văn bản hoặc hoạt động hay vấn đề thuộc nội dung của văn bản. Không nên sử dụng "có nghĩa là/là và bao gồm” để định nghĩa khái niệm; phạm vi một khái niệm không thể đồng thời vừa “đóng” và “mở”. Tuy nhiên, có những khái niệm có thể được định nghĩa theo cách sử dụng “có nghĩa là/là” để mô tả đầy đủ ý nghĩa của nó và sau đó có thể sử dụng “bao gồm” để liệt kê một số ví dụ.

3- Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng

Căn cứ Khoản 1 Điều 401 Bộ luật Dân sự 2015, "hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác".

Các bên có quyền tự do, bình đẳng thoả thuận nội dung hợp đồng, tuy nhiên thỏa thuận đó không được vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội.

- Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.

- Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.

4- Xử lý tài sản cầm cố

Theo quy định tại Điều 299, Bộ Luật dân sự 2015, các trường hợp mà bên nhận bảo đảm có quyền xử lý tài sản bảo đảm bao gồm:

(1) Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

(2) Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.

(3) Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.

Như vậy, một mặt, điều luật này đưa ra các nguyên tắc mang tính mặc định về quyền xử lý bảo đảm của Ngân hàng (nhất là trong trường hợp các bên không có thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm); mặt khác, nó cũng cho phép các bên thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm của mình về các trường hợp xử lý bảo đảm khác, đồng thời ghi nhận các trường hợp xử lý bảo đảm bắt buộc theo quy định tại một văn bản luật cụ thể.

Trường hợp xử lý bảo đảm đầu tiên nêu ở trên là trường hợp thông thường khi có vi phạm nghĩa vụ được bảo đảm.

Trường hợp thứ hai thường xảy ra khi Ngân hàng thu hồi nợ trước hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, khi một tài sản được sử dụng để bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ (khoản 3, Điều 296, Bộ luật dân sự 2015) hay trước khi tuyên bố bên có nghĩa vụ phá sản (điểm b, khoản 1, Điều 53, Luật phá sản số 51/2014/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2014).

 Theo quy định tại Khoản 1, Điều 303, BLDS 2015, các bên có thể thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây:

(1) Bán đấu giá tài sản;

(2) Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;

(3) Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;

(4) Phương thức khác.

Điều luật này cũng quy định khả năng các bên có thể thỏa thuận về các phương thức xử lý tài sản bảo đảm khác, ngoài ba phương thức đã được liệt kê. Chẳng hạn, các bên có thể thỏa thuận về việc đưa tài sản bảo đảm vào khai thác hay cho thuê và số tiền thu được từ việc khai thác hay cho thuê sẽ được sử dụng vào việc thanh toán nghĩa vụ được bảo đảm.

Trong trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm thì tài sản sẽ được bán đấu giá (khoản 2, Điều 303, BLDS 2015).

5- Trả lại tài sản cầm cố

Khi việc cầm cố tài sản chấm dứt theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 315 của Bộ luật (Nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt; Việc cầm cố tài sản được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác)  hoặc theo thỏa thuận của các bên thì tài sản cầm cố, giấy tờ liên quan đến tài sản cầm cố được trả lại cho bên cầm cố. Hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản cầm cố cũng được trả lại cho bên cầm cố, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

III- KHUYẾN NGHỊ CỦA CÔNG TY LUẬT TNHH EVEREST

(i) Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

(ii) Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

(iii) Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Hợp đồng cầm cố tài sản - Những lưu ý khi soạn thảo hợp đồng

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.22509 sec| 984.172 kb