Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Nội dung bài viết
- 1- Quyền sử dụng đất là gì?
- 2- Chuyển nhượng quyền sử dụng đất là gì?
- 3- Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là gì?
- 4- Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
- 5- Điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất
- 6- Trường hợp không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất
- 7- Mẫu hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
1- Quyền sử dụng đất là gì?
Pháp luật Việt Nam không quy định cụ thể khái niệm về quyền sử dụng đất đai tại bất cứ các Điều luật nào, tuy nhiên căn cứ theo Điều 53 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: "Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý" chúng ta có thể hiểu một cách khái quát quyền sử dụng đất đai là quyền khai thác các thuộc tính của đất đai để phục vụ cho các mục tiêu của cá nhân, tổ chức hoặc Nhà nước chủ quyền.
Luật Đất đai năm 2013 nêu rõ, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước quản lý đất đai thông qua các quyết định trao quyền sử dụng dưới nhiều hình thức cho các đối tượng nhận quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, người sử dụng đất được phép thực hiện các quyền và nghĩa vụ liên quan đến đất đai theo quy định của pháp luật.
Theo nội dung trên thì có thể thấy, người sử dụng đất được thuê, tặng, cho, chuyển nhượng liên quan đến quyền sử dụng đất thì có các quyền cụ thể được quy định tại Điều 166, Luật đất đai 2013 như được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trong thực tế thì người dân hay gọi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bằng tên gọi khác là sổ đỏ, sổ hồng. Đối với đất được phép sử dụng thì người sử dụng có quyền hưởng thành quả lao động, đầu tư trên đất và các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp mang lại.
Trong trường hợp đất sử dụng bị xâm phạm, lấn chiếm, chiếm đoạt ảnh hưởng đến quyền lợi thì người sử dụng có quyền khiếu nại để được Nhà nước bảo hộ khi xảy ra các hành vi xâm phạm quyền lợi, chiếm đoạt tài sản, lợi ích hợp pháp của mình như lấn chiếm đất đai, chuyển nhượng trái phép…căn cứ theo các giấy tờ được cấp có giá trị từ cơ quan có thẩm quyền liên quan đến phần đất đang bị xâm hại đó.
2- Chuyển nhượng quyền sử dụng đất là gì?
Theo quy định của Luật đất đai 2013 quy định về khái niệm chuyển nhượng quyền sử dụng đất là việc chuyển giao quyền sử dụng đất từ người này sang người khác thông qua các hình thức chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất và góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Bên chuyển giao đất và quyền sử dụng đất sẽ nhận được số tiền tương ứng với giá trị quyền sử dụng đất của hai bên.
3- Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là gì?
Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là hợp đồng theo đó người sử dụng đất (gọi là bên chuyển quyển sử dụng đất) chuyển giao đất và quyền sử dụng đất cho người được chuyển nhượng (gọi là bên nhận quyền sử dụng đất) theo các điều kiện, nội dung, hình thức được quy định trong Bộ luật dân sự và pháp luật về đất đai. Theo đó người có quyền sử dụng đất (người chuyển nhượng) có nghĩa vụ chuyển giao đất và quyền sử dụng đất cho người được chuyển nhượng (người nhận chuyển nhượng), người nhận chuyển nhượng có nghĩa vụ trả tiền cho người chuyển nhượng, người chuyển nhượng có nghĩa vụ nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất, người nhận chuyển nhượng có nghĩa vụ nộp lệ phí trước bạ và lệ phí địa chính theo quy định pháp luật..
Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản, phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các bên phải làm thủ tục và đăng kí tại Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai.
Chuyển nhượng quyền sử dụng đất là hình thức phổ biến thường được sử dụng để thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, giúp giảm bớt thủ tục hành chính không cần thiết như xét duyệt, thu hồi, giao đất... nhưng vẫn đảm bảo tính hợp pháp và hợp lí của các hành vi tự điều chỉnh đất đai giữa những người sử dụng đất.
4- Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
(i) Quyền và nghĩa vụ của bên chuyến nhượng quyền sử dụng đất
Bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất có quyền:
- Được nhận tiền quyền sử dụng đất như đã thoả thuận trong hợp đồng;
- Trong trường hợp bên nhận chuyển nhượng chậm trả tiền thì phải chịu trách nhiệm dân sự do chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự.
Bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất có các nghĩa vụ:
- Chuyển giao đất cho bên nhận chuyển nhượng đủ diện tích, đúng hạng đất, loại đất, vị trí, số hiệu và tình trạng đất như đã thoả thuận.
- Giao giấy tờ có liên quan đến quyền sử dụng đất cho bên nhận chuyển nhượng.
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không có đầy đủ giấy tờ liên quan
(ii) Quyền và nghĩa vụ của bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất
- Bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất có quyền yêu cầu bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất giao cho mình đầy đủ giấy tờ có liên quan đến quyền sử dụng đất;
- Được giao đất đủ diện tích, đúng hạng đất, loại đất, vi trí, sổ hiệu và tình trạng đất như đã thoả thuận;
- Được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất được chuyển nhượng;
- Được sử dụng đất đúng mục đích, đúng thời hạn.
Bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất có các nghĩa vụ:
- Trả đủ tiền, đúng thời hạn và đúng phương thức đã thoả thuận cho bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất;
- Đăng kí quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
- Đảm bảo quyền của người thứ ba đối với đất chuyển nhượng;
- Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về đất đai.
5- Điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Để trở thành đối tượng của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì quyền sử dụng đất cần thỏa mãn các điều kiện được quy định sau:
- Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật Đất đai 2013;
- Đất không có tranh chấp;
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
- Trong thời hạn sử dụng đất.
- Có đầy đủ các giấy tờ liên quan
6- Trường hợp không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất
- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất đối với trường hợp mà pháp luật không cho phép chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất.
- Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
- Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.
Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm