Khái quát chung về Luật Ngân hàng
1- Khái niệm Luật Ngân hàng
Tương tự việc nghiên cứu các ngành luật khác, việc xác định nội dung khái niệm “luật ngân hàng” phụ thuộc vào tiêu chí phân định ngành luật theo các dạng lý thuyết phân chia hệ thống pháp luật. Do đó, việc áp dụng lý thuyết phân chia ngành luật khác nhau sẽ đem đến cách hiểu “luật ngân hàng” với nội dung khác nhau.
Trước đây, ở các nước xã hội chủ nghĩa, trong điều kiện nền kinh tế vận hành theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung, nhà nước xã hội chủ nghĩa thực hiện nguyên tắc độc quyền nhà nước về ngân hàng. Theo nguyên tắc này, kinh doanh ngân hàng là lĩnh vực độc quyền của nhà nước, Trong nền kinh tế quốc dân các ngân hàng đều thuộc sở hữu nhà nước.
Nhằm mục đích sử dụng ngân hàng làm công cụ đắc lực để vận hành cơ chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung, ở các nước xã hội chủ nghĩa, nhà nước xây dựng hệ thống ngân hàng theo mô hình ngân hàng một cấp. Theo mô hình này, không chỉ Ngân hàng nhà nước và các chi nhánh trực thuộc thực hiện chức năng quản lý nhà nước mà các ngân hàng quốc doanh khác cũng có chức năng quản lý nhà nước. Trong các quan hệ kinh doanh, theo quy định của pháp luật, các ngân hàng quốc doanh vừa tham gia với tư cách chủ thể kinh doanh vừa với tự cách của cơ quan quản lý nhà nước. Chính vì vậy, các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực ngân hàng trong cơ chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung thực chất là các quan hệ quản lý nhà nước. Bộ phận pháp luật điều chỉnh các quan hệ này mang đặc tính của pháp luật quản lý nhà nước.
Như vậy, Luật ngân hàng trong cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung thực chất là luật quản lý nhà nước về ngân hàng. Do đặc tính của các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực ngân hàng có cùng đặc tính cơ bản với các loại quan hệ tài chính phát sinh trong các lĩnh vực khác như: ngân sách nhà nước, bảo hiểm nhà nước (bảo hiểm thương mại) v.v.. nên ở phần lớn các nước xã hội chủ nghĩa quan niệm bộ phận pháp luật điều chỉnh các quan hệ ngân hàng là bộ phận cấu thành của ngành luật tài chính. Căn cứ vào nội dung của luật thực định mà các nhà nghiên cứu đều khẳng định rằng, đối với các quan hệ ngân hàng, Nhà nước sử dụng pháp luật điều chỉnh theo phương pháp của luật kinh tế (phương pháp thoả thuận và phương pháp mệnh lệnh quyền uy).
Chuyển sang nền kinh tế thị trường, ở nước ta cũng như ở các nước xã hội chủ nghĩa khác, nhà nước thực hiện cải cách hệ thống ngân hàng một cấp thành hệ thống ngân hàng hai cấp. Đặc điểm quan trọng nhất của mô hình ngân hàng hai cấp là được nhà nước phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh của hệ thống ngân hàng. Trong hệ thống ngân hàng chỉ có ngân hàng trung ương (ngân hàng nhà nước) mới có chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động tiền tệ, tín dụng và ngân hàng trong nền kinh tế quốc dân. Còn các loại ngân hàng khác là những tổ chức kinh tế kinh doanh tiền tệ và các dịch vụ ngân hàng mà không có chức năng quản lý nhà nước. Mặt khác, để phù hợp với nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, xoá bỏ tình trạng hành chính - bao cấp, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, Nhà nước thực hiện chính sách đa sở hữu đối với hoạt động kinh doanh ngân hàng. Điều đó đã dẫn tới sự phát triển của nhiều loại hình tổ chức kinh doanh ngân hàng thuộc nhiều hình thức sở hữu như: ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã v.v..
Thực tế đó đã dẫn tới hệ quả pháp lý là trong nền kinh tế thị trường, trong lĩnh vực ngân hàng không chỉ có các quan hệ quản lý nhà nước mà còn phát sinh các loại quan hệ kinh doanh ngân hàng được thiết lập theo nguyên tắc bình đẳng, cạnh tranh trong khuôn khổ pháp luật.
Thực tiễn trên đây cho thấy, trong nền kinh tế thị trường, bộ phận pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực ngân hàng không còn thuần tuý là bộ phận pháp luật mang đặc tính của pháp luật quản lý nhà nước.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, luật ngân hàng là bộ phận pháp luật quy định địa vị pháp lý của các ngân hàng, của các tổ chức thực hiện nghiệp vụ ngân hàng một cách chủ yếu, thường xuyên mang tính nghề nghiệp và điều chỉnh đối với các nghiệp vụ ngân hàng, các giao dịch thương mại của các ngân hàng.
Một số nhà nghiên cứu khác đưa ra khái niệm “luật tín dụng”. Theo quan niệm này thì đối tượng của luật tín dụng không chỉ là các quan hệ có sự tham gia của ngân hàng mà còn gồm cả các tổ chức tín dụng khác thực hiện nghiệp vụ ngân hàng một cách đơn lẻ. Như vậy, theo các nhà nghiên cứu này thì luật ngân hàng được xem như là một bộ phận của luật tín dụng
Các luật gia Hoa Kỳ cho rằng “luật ngân hàng” là thuật ngữ không những dùng để chỉ các nguyên tắc chung của việc tổ chức và hoạt động của các ngân hàng mà nó còn là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh trật tự cung ứng các dịch vụ tài chính và những nghiệp vụ gắn với các dịch vụ đó.
Tóm lại, theo quan điểm phổ biến ở nhiều nước thì khái niệm “luật ngân hàng” dùng để chỉ tập hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của các ngân hàng thương mại, ngân hàng trung ương, các nguyên tắc cơ bản của việc tổ chức hệ thống tín dụng và trật tự thực hiện các dịch vụ cho khách hàng của tổ chức tín dụng. Ở nước ta cũng như ở các quốc gia khác, sử dụng pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực ngân hàng là yêu cầu mang tính khách quan đối với nhà nước. Dựa vào hệ thống pháp luật hiện hành ở nước ta và quan niệm phổ biến ở các nước về mô hình ngành luật ngân hàng, có thể nêu định nghĩa luật ngân hàng như sau:
Luật ngân hàng là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình nhà nước tổ chức và quản lý hoạt động ngân hàng, các quan hệ về tổ chức, hoạt động của các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng của các tổ chức khác.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực đầu tư của Công ty Luật TNHH Everest
2- Đối tượng điều chỉnh của Luật Ngân hàng
Tương tự các ngành luật khác, đối tượng điều chỉnh của luật ngân hàng là các quan hệ xã hội.
Căn cứ vào tính chất của quan hệ xã hội do Luật ngân hàng điều chỉnh và phương thức tác động của pháp luật, đối tượng điều chỉnh của Luật ngân hàng gồm hai nhóm chính: các quan hệ quản lý nhà nước về ngân hàng, các quan hệ tổ chức và kinh doanh.
Các quan hệ quản lý nhà nước về ngân hàng là các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình nhà nước thực hiện hoạt động quản lý nhà nước đối với các hoạt động ngân hàng trong nền kinh tế. Ví dụ: quan hệ cấp, thu hồi giấy phép hoạt động ngân hàng, quan hệ thanh tra giữa Ngân hàng nhà nước với các tổ chức tín dụng
Đối với các quan hệ quản lý nhà nước về ngân hàng phương thức tác động của pháp luật (phương pháp điều chỉnh) là mệnh lệnh phục tùng.
Các quan hệ tổ chức và kinh doanh ngân hàng là các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tổ chức, thực hiện hoạt động kinh doanh ngân hàng của các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng của các tổ chức khác.
Theo quy định của pháp luật, mô hình và cơ cấu tổ chức của các tổ chức tín dụng do pháp luật quy định.
Các quan hệ kinh doanh ngân hàng phát sinh trong kinh doanh của các tổ chức tín dụng hoặc của các tổ chức khác được phép hoạt động ngân hàng được thiết lập trên cơ sở bình đẳng. Phương thức tác động của pháp luật đối với các quan hệ này là phương thức bình đẳng, thỏa thuận.
Căn cứ vào nội dung điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh của luật ngân hàng gồm các nhóm quan hệ xã hội sau:
- Quan hệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng nhà nước Việt Nam;
- Quan hệ tổ chức và hoạt động của các tổ chức tín dụng;
- Quan hệ kinh doanh ngân hàng của các tổ chức không phải là tổ chức tín dụng nhưng được Nhà nước cho phép thực hiện một số hoạt động kinh doanh ngân hàng.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực thương mại của Công ty Luật TNHH Everest
3- Nguồn của Luật Ngân hàng
Là bộ phận của pháp luật quốc gia nên luật ngân hàng cũng mang đặc điểm chung của mỗi hệ thống pháp luật về nguồn luật.
Ngày nay, trên thế giới, tồn tại hai hệ luật mang đặc trưng khác biệt là hệ luật châu Âu lục địa và hệ luật Anh - Mỹ. Nguồn của luật thuộc hệ luật châu Âu lục địa là văn bản pháp luật (có quy phạm pháp luật cụ thể), còn nguồn của luật thuộc hệ luật Anh - Mỹ thì ngoài các quy phạm pháp luật được quy định trong văn bản pháp luật, án lệ cũng được xem là nguồn luật.
Xuất phát từ sự khác biệt của các hệ luật mà ở các nước thuộc hệ luật châu Âu lục địa, nguồn luật ngân hàng là các văn bản chứa các quy phạm pháp luật về ngân hàng. Các nước thuộc hệ luật Anh - Mỹ, ngoài các văn bản quy phạm pháp luật, nguồn luật ngân hàng còn có án lệ.
Ngoài hai hệ luật cơ bản trên đây, ở một số nước hồi giáo, luật Hồi giáo được xem là chính thống và có giá trị áp dụng đối với cả các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực ngân hàng.
Ở Việt Nam, nguồn của luật ngân hàng cũng như các bộ phận pháp luật khác, trong một thời gian dài án lệ không được thừa nhận là nguồn luật mà nguồn luật phải là những văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc phê chuẩn theo hình thức, trình tự, thủ tục luật định, có chứa các quy phạm pháp luật ngân hàng.
Qua thực tiễn xét xử và yêu cầu của thực tiễn hội nhập quốc tế, khoản 3 Điều 104 Hiến pháp năm 2013 quy định: Toà án nhân dân tối cao thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Khoản 2 Điều 22 Luật tổ chức toà án nhân dân năm 2014 quy định, Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao “lựa chọn quyết định giảm đắc thẩm của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các toà án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ đế các toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”. Như vậy, tuy phương thức thừa nhận bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực thi hành ở Việt Nam, phải theo những trình tự, thủ tục luật định nhưng về bản chất án lệ đã được thừa nhận.
Nguồn của luật ngân hàng gồm có các văn bản luật và các văn bản dưới luật.
Nguồn của luật ngân hàng là các văn bản luật có chứa các quy phạm pháp luật ngân hàng gồm có:
- Hiến pháp là nguồn luật cơ bản của nhiều ngành luật trong đó có luật ngân hàng. Các quy định của Hiến pháp là những quy định có giá trị pháp lý nền tảng cho việc ban hành các văn bản pháp luật về ngân hàng.
- Các đạo luật có các quy phạm pháp luật về ngân hàng như Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Luật các tổ chức tín dụng, Bộ luật dân sự, Luật thương mại...
Thực tiễn ở các nước cho thấy, các đạo luật điều chỉnh tổ chức và hoạt động của ngân hàng trung ương và của hệ thống tổ chức tín dụng có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống pháp luật ngân hàng và ở hầu hết các nước có hai đạo luật này. Chẳng hạn, ở Cộng hoà Liên bang Đức có Luật về ngân hàng Liên bang Đức năm 1957 và Luật về ngành tín dụng năm 1992; ở Trung Quốc có Đạo luật về ngân hàng nhân dân Trung Quốc năm 1995 và Đạo luật ngân hàng thương mại năm 1995... Ngoài hai đạo luật này, các nước thường ban hành các đạo luật đơn hành khác điều chỉnh một số hoạt động ngân hàng như luật về séc, luật về hối phiếu V.V..
- Các văn bản dưới luật có chứa các quy phạm pháp luật ngân hàng gồm có:
- Pháp lệnh do Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành
- Các văn bản pháp luật do Chính phủ ban hành;
- Các văn bản pháp luật do Ngân hàng nhà nước Việt Nam, do các bộ ban hành
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về Sáp nhập và Mua bán doanh nghiệp (M&A) của Công ty Luật TNHH Everest
4- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Khái quát chung về Luật Ngân hàng được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Khái quát chung về Luật Ngân hàng có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm