Khái quát về thỏa thuận thành lập và góp vốn vào công ty

14/03/2023
Để cùng thành lập một công ty, các nhà đầu tư phải cùng nhau thỏa thuận và thống nhất về một số vấn đề cơ bản như: thỏa thuận lựa chọn loại hình công ty, lựa chọn ngành nghề kinh doanh, tài sản góp vốn và tỷ lệ vốn góp, tiến độ góp vốn, thỏa thuận về phân chia lợi nhuận, rủi ro, thỏa thuận về người đại diện và phân chia quyền lực quản lý trong công ty... Nếu không đạt được sự thỏa thuận về một hoặc một số vấn đề liên quan đến quá trình góp vốn đầu tư kinh doanh, thì công ty do các nhà đầu tư chung vốn để thành lập không thể ra đời.

1- Thỏa thuận thành lập công ty

Thỏa thuận thành lập công ty là thỏa thuận của các nhà đầu tư về các nội dung liên quan đến việc đầu tư góp vốn thành lập công ty thuộc sở hữu chung của họ. Để cùng thành lập một công ty, các nhà đầu tư phải cùng nhau thỏa thuận và thống nhất về một số vấn đề cơ bản như: thỏa thuận lựa chọn loại hình công ty, lựa chọn ngành nghề kinh doanh, tài sản góp vốn và tỷ lệ vốn góp, tiến độ góp vốn, thỏa thuận về phân chia lợi nhuận, rủi ro, thỏa thuận về người đại diện và phân chia quyền lực quản lý trong công ty... Nếu không đạt được sự thỏa thuận về một hoặc một số vấn đề liên quan đến quá trình góp vốn đầu tư kinh doanh, thì công ty do các nhà đầu tư chung vốn để thành lập không thể ra đời. Như vậy, thỏa thuận thành lập công ty tất yếu hình thành ở những công ty do nhiều tổ chức, cá nhân cùng góp vốn thành lập,như công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty hợp danh... Đối với những doanh nghiệp một chủ sở hữu (như công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên,doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân), nhà đầu tư, với tư cách là chủ sở hữu duy nhất, sẽ quyết định mọi vấn đề liên quan đến việc thành lập mới một doanh nghiệp, không cần phải thỏa thuận, thống nhất ý chí với ai.

2- Các hình thức ghi nhận thỏa thuận thành lập công ty

(i) Hợp đồng thành lập công ty

Hợp đồng thành lập công ty (pre incorporation agreements) thể hiện rõ tính chất liên kết góp vốn kinh doanh và là cơ sở để soạn thảo điều lệ hoạt động của công ty sau này. Pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận hợp đồng thành lập công ty là hình thức chứa đựng các nội dung thỏa thuận về việc thành lập công ty. Nhà đầu tư có thể thỏa thuận bằng lời nói hoặc bằng văn bản và hình thức văn bản thường được sử dụng khi pháp luật có quy định bắt buộc phải ký kết bằng văn bản hoặc khi các bố muốn xác lập một văn bản ghi nhận nội dung cam kết để có cơ sở rõ ràng khi thực hiện hợp đồng, giải quyết tranh chấp nếu có và phòng tránh rủi ro liên quan đến thành lập công ty. Công ty chưa thể được thành lập khi chưa có sự thống nhất giữa những người góp vốn về một số nội dung chủ yếu như mức vốn góp bao nhiêu,kinh doanh ngành nghề gì, chọn loại hình doanh nghiệp nào, làm người đại diện... Dù là sự thống nhất bằng lời nói hoặc văn bản nhưng đều phải có sự thống nhất. Do vậy, có thể khẳng định rằng sự tồn tại của hợp đồng thành lập công ty không phụ thuộc vào việc pháp luật hiện hành có quy định về hợp đồng thành lập công ty hay không.

Trên thế giới, hợp đồng thành lập công ty đóng vai trò quan trọng, đặc biệt đối với những nước theo hệ thống common law.Pháp luật Anh, Hoa Kỳ coi giai đoạn thỏa thuận ký kết hợp đồng thành lập công ty là giai đoạn cần thiết cho toàn bộ tiến trình thành lập công ty'. Sau khi được các bên ký kết, hợp đồng thành lập công ty (pre-incorporation agreements) là cơ sở để các bên xây dựng điều lệ của công ty. 

Ở Việt Nam, pháp luật hiện hành không quy định cụ thể về hợp đồng thành lập công ty. Tuy nhiên, nếu xuất phát từ bản chất của hợp đồng thành lập công ty là sự thỏa thuận về các nội dung liên quan đến việc góp vốn thành lập công ty của các nhà đầu tư thì có thể thấy rằng, pháp luật Việt Nam đã có các quy định cho phép xác định rằng, tất yếu phải có sự thỏa thuận về thành lập công ty giữa những người góp vốn, đó là quy định về điều lệ công ty. Để có một bản điều lệ công ty, các nhà đầu tư buộc phải thỏa thuận thành công nhiều nội dung liên quan đến việc thành lập công ty như ngành nghề kinh doanh, loại hình doanh nghiệp, vốn góp, người đại diện...

Trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, pháp luật Việt Nam đã sớm có quy định về hợp đồng liên doanh, theo đó, nhà đầu tư Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài khi thành lập công ty liên doanh tại Việt Nam, phải thỏa thuận các nội dung liên quan đến việc góp vốn thành lập một pháp nhân chung. Hợp đồng liên doanh phải có những nội dung chủ yếu như: Tên, địa chỉ của tổ chức cá nhân đầu tư tham gia liên doanh và người đại diện theo pháp luật của các bên liên doanh; tên, địa chỉ của công ty liên doanh loại hình công ty; lĩnh vực, ngành nghề và phạm vi kinh doanh vốn điều lệ, phần góp vốn của mỗi bên, phương thức, tiến độ góp vốn điều lệ, tiến độ thực hiện dự án; thời hạn hoạt động của dự án; địa điểm thực hiện dự án; quyền và nghĩa vụ của các bên liên doanh; các nguyên tắc quản lý tài chính; phân chia lợi nhuận và xử lý lỗ trong kinh doanh; thể thức sửa đổi và chấm dứt hợp đồng, điều kiện chuyển nhượng, điều kiện chấm dứt hoạt động.giải thể công ty; trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp...

Với các quy định trên đây, hợp đồng liên doanh quy định trong pháp luật về đầu tư nước ngoài đã bao gồm các thỏa thuận thành lập công ty liên doanh, do đó, bản chất của hợp đồng liên doanh trong pháp luật Việt Nam là hợp đồng thành lập công ty.

(ii) Điều lệ công ty

Điều lệ công ty là văn bản ghi nhận sự thỏa thuận và thống nhất của các sáng lập viên về các nội dung liên quan đến việc thành lập và hoạt động của công ty như: Loại hình công ty,ngành, nghề kinh doanh; trụ sở, vốn điều lệ, bộ máy quản lý điều hành, người đại diện theo pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh; số cổ phần của cổ đông sáng lập, loại cổ phần, mệnh giá cổ phần và tổng số cổ phần được quyền chào bán của từng loại đối với công ty cổ phần; quyền và nghĩa vụ của thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; của cổ đông đối với công ty cổ phần; thể thức thông qua quyết định của công ty.nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ; nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh; các nội dung khác thành viên, cổ đông thỏa thuận nhưng không được trái với quy định của pháp luật; họ, tên, chữ ký của các thành viên...

Ngoài các điều khoản về tổ chức và hoạt động của công ty,những thỏa thuận liên quan đến việc thành lập công ty được ghi trong điều lệ có bản chất là sự thỏa thuận thành lập công ty. Chữ Ký của các sáng lập viên trong điều lệ có ý nghĩa xác nhận tất cả những nội dung mà họ đã thỏa thuận.

Trên thực tế, các bên có thể còn ghi nhận các thỏa thuận góp vốn trong một hình thức văn bản có tên gọi là “biên bản thỏa thuận góp vốn”.

(iii) Một số điểm khác biệt giữa hợp đồng thành lập công ty và điều lệ công ty

Về cơ bản, điều lệ công ty và hợp đồng thành lập công ty khác nhau ở một số nội dung cơ bản: 

Thứ nhất, về hiệu lực thực hiện, điều lệ công ty có hiệu lực của mọi thành viên công ty, không phụ thuộc vào thời điểm gia nhập công ty của mỗi thành viên. Trong khi đó, hợp đồng thành lập công ty chỉ có hiệu lực với các chủ thể của hợp đồng thành lập công ty. Bên cạnh đó, điều lệ công ty chỉ có hiệu lực khi công ty chính thức được thành lập còn hợp đồng thành lập công ty có hiệu lực ngay sau khi được ký kết, trước cả thời điểm công ty được thành lập và sau đó, có thể có hiệu lực song hành cùng điều lệ công ty. Do sự khác biệt này, hợp đồng thành lập công ty là cơ sở pháp lý cho phép xác định quyền và nghĩa vụ của những người góp vốn thành lập công ty và giải quyết các tranh chấp phát sinh liên quan đến quá trình thành lập công ty, đặc biệt là trong trường hợp công ty không thành lập được.

Thứ hai, về nội dung, ngoài các điều khoản liên quan đến thỏa thuận thành lập công ty, điều lệ công ty có nội dung chính là các quy định về tổ chức và hoạt động của công ty. Trong khi đó, hợp đồng thành lập công ty quan tâm nhiều hơn đến nội dung thỏa thuận thành lập công ty. Mặc dù vậy, trong hợp đồng thành lập công ty, cũng không loại trừ việc các nhà đầu tư thỏa thuận luôn và đưa vào hợp đồng một số điều khoản cơ bản về tổ chức và hoạt động của công ty, làm cơ sở xây dựng điều lệ hoạt động của công ty.

3. Thỏa thuận góp vốn công ty và một số điểm khác biệt với thỏa thuận thành lập công ty

Thỏa thuận góp vốn để trở thành chủ sở hữu công ty và có các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty (thành viên công ty)là nội dung chính của các loại hợp đồng góp vốn. Tùy thuộc thời điểm góp vốn là khi công ty chuẩn bị được thành lập hay góp vốn khi công ty đã thành lập mà hình thành thỏa thuận thành lập công ty(còn gọi là thỏa thuận góp vốn thành lập công ty)hay thỏa thuận góp vốn công ty (tạm gọi là thỏa thuận góp vốn thông thường).

Thực chất, thỏa thuận thành lập công ty cũng bao gồm thỏa thuận việc góp vốn, nhưng là thỏa thuận góp vốn ở thời điểm trước khi thành lập công ty và nhằm mục đích thành lập công ty. Trong khi đó, thỏa thuận góp vốn được thực hiện khi công ty đã được thành lập và có nhu cầu kết nạp thành viên mới nhằm mục đích tăng vốn điều lệ. Xuất phát từ đặc điểm bản chất này mà việc phân biệt hai khái niệm thỏa thuận thành lập công ty và thỏa thuận góp vốn công ty chỉ có tính chất tương đối.

Thỏa thuận thành lập công ty và thỏa thuận góp vốn công ty khác nhau ở một số điểm cơ bản, đó là:

Thứ nhất, các bên thỏa thuận thành lập công ty là các nhà đầu tư có nhu cầu góp vốn thành lập công ty cũng thỏa thuận góp vốn công ty hình thành giữa công ty nhận vốn (bên nhận vốn) và tổ chức, cá nhân góp vốn (bên góp vốn).

Thứ hai, các nhà đầu tư thỏa thuận thành lập công ty có chung mục đích là thành lập mới một công ty, trong khi đó, chủ thể trong thỏa thuận góp vốn có mục đích khác nhau: Công ty nhận vốn (bên nhận vốn) có mục đích là tăng vốn đầu tư còn bên góp vốn có mục đích trở thành thành viên của công ty và đầu tư kinh doanh kiếm lời với tư cách là người góp vốn.

Thứ ba, thời điểm tiến hành thỏa thuận thành lập công ty là khi khởi đầu thành lập công ty. Thời điểm diễn ra thỏa thuận góp vốn công ty là khi công ty đã được thành lập và đang hoạt động,khi công ty triển khai dự án tăng vốn điều lệ thông qua kết nạp thành viên mới.

Thứ tư, nội dung thỏa thuận thành lập công ty chủ yếu liên quan đến góp vốn, đến ngành nghề kinh doanh, lĩnh vực hoạt động, loại hình, cơ cấu tổ chức quản lý, người đại diện... của công ty sẽ được thành lập. Trong khi đó, thỏa thuận góp vốn có nội dung chính là mức vốn góp và tiến độ góp vốn, loại tài sản góp vốn, quyền và nghĩa vụ của bên góp vốn và bên nhận vốn...

4- Khuyến nghị công ty luật TNHH Everest

(i) Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

(ii) Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

(iii) Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Khái quát về thỏa thuận thành lập và góp vốn vào công ty

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.33799 sec| 986.469 kb