Kỹ năng tham gia phiên họp tuyên bố người mất năng lực hành vi dân sự

08/04/2023
Trần Thị Kim Oanh
Trần Thị Kim Oanh
Tham gia phiên họp giải quyết các loại việc dân sự tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi Luật sư cần có các kỹ năng xử lý tình huống xảy ra tại phiên họp (nếu có) và kỹ năng trình bày yêu cầu hoặc ý kiến bảo vệ quyền lợi cho khách hàng.

Thủ tục phiên họp giải quyết việc dân sự được quy định tại Điều 369 BLTTDS năm 2015. Phiên họp giải quyết việc dân sự khác với một số thủ tục tố tụng của phiên tòa dân sự (không được thực hiện) như không có thủ tục hỏi, thủ tục tranh luận, nghị án. Tham gia phiên họp giải quyết các loại việc dân sự tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi Luật sư có các kỹ năng xử lý tình huống xảy ra tại phiên họp (nếu có) và kỹ năng trình bày yêu cầu hoặc ý kiến bảo vệ quyền lợi cho khách hàng.

Luật sư trình bày yêu cầu hoặc ý kiến trên cơ sở bản dự thảo trình bày đã được chuẩn bị trước và diễn biến tại phiên họp. Trường hợp bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu, nội dung trình bày của Luật sư phải đủ căn cứ để Tòa án chấp nhận yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Trường hợp bảo vệ quyền lợi cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, Luật sư trình bày ý kiến về những vấn đề có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc giải quyêt việc dân sự. Ý kiến đó theo hướng thống nhất căn cứ nào của người yêu cầu và không thống nhất với căn cứ nào của người yêu cầu (nếu có sự không thống nhất). Cuối cùng, Luật sư đề nghị Tòa án chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu của người yêu cầu (tùy thuộc vào mong muốn của khách hàng và tài liệu, chứng cứ trong từng việc dân sự cụ thể). Trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thống nhất với yêu cầu của người yêu cầu thì việc trình bày của Luật sư rất đơn giản, nhưng nếu đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, Luật sư phải trình bày được các căn cứ đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu. Trong quá trình diễn ra phiên họp, Luật sư cần tập trung lắng nghe, ghi chép phần trình bày của tất cả những người tham gia phiên họp. Luật sư trình bày tình tiết, đánh giá, sử dụng tài liệu, chứng cứ được xem xét tại phiên họp và các quy định của pháp luật đưa ra những lập luận, đánh giá của mình (phù hợp với từng loại việc cụ thể). Đặc biệt, Luật sư cần chú ý đến tình tiết, chứng cứ mới xuất hiện tại phiên họp. Qua việc ghi chép, nếu thấy có những tình tiết, chứng cứ còn thiếu hoặc mới được bổ sung tại phiên họp thì khi trình bày yêu cầu hoặc ý kiến Luật sư sử dụng nội dung bản trình bày đã soạn thảo trước đó đồng thời trình bày bổ sung những tình tiết, đánh giá các tài liệu, chứng cứ mới để làm căn cứ cho đề xuất của mình.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực dân sự

Khi trình bày, Luật sư nên trình bày ngắn gọn, khúc chiết, rành mạch về từng tình tiết, đánh giá từng chứng cứ, viện dẫn luật áp dụng. Bắt đầu trình bày, Luật sư giới thiệu về bản thân; tham gia phiên họp giải quyết việc dân sự với tư cách gì (bảo vệ quyền lợi hay đại diện theo ủy quyền cho đương sự nào) trong việc dân sự cụ thể gì, bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nào? Chẳng hạn, trường hợp bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu trong thu tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, Luật sư có thể trình bày mở đầu như sau.- "Kính thưa Thẩm phán, chủ tọa phiên họp, thưa vị đại diện Viện kiểm sát, tôi là Lê Thị H. là Luật sư thuộc văn phòng Luật sư T, đoàn Luật sư tỉnh N. Tôi tham gia phiên họp giải quyết việc dân sự ngày hôm nay với tư cách là người bảo vệ quyền lợi cho bà Nguyễn Thị Th, là người yêu cầu trong việc dân sự: yêu cầu tuyên bố ông Trần Văn B bị mất năng lực hành vi dân sự, thay mặt bà Th tôi xin trình bày yêu cầu và căn cứ yêu cầu của bà Th như sau...

Sau đó, Luật sư tiếp tục trình bày phần nội dung. Phần này, Luật sư trình bày lý do, mục đích, căn cứ của yêu cầu và yêu cầu; ý kiến đề nghị của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (tùy thuộc vào việc Luật sư bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan). Luật sư cần trình bày tình tiết kết hợp đánh giá, sử dụng tài liệu, chứng cứ và viện dẫn phân tích luật nội dung, tố tụng để kết luận về từng vấn đề cần giải quyết trong việc dân sự tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Ví dụ, trong trường hợp bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu, Luật sư trình bày:

- Các tình tiết, đánh giá, sử dụng các tài liệu, chứng cứ và viện dẫn, phân tích luật nội dung (Luật HN&GĐ, BLDS, Điều 376 BLTTDS năm 2015) chứng minh mối quan hệ giữa người yêu cầu; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan với người bị yêu cầu. Mục đích của nội dung trình bày này là kết luận về quyền yêu cầu của người yêu cầu và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia giải quyết việc dân sự với tư cách đương sự.

- Các tình tiết và đánh giá, sử dụng các chứng cứ chứng minh yêu cầu. Đặc biệt Luật sư đánh giá nội dung kết luận giám định sức khoẻ, bệnh tật của người bị yêu cầu tuyên bố bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc kết luận giám định pháp y tâm thần đối với người bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và các chứng cứ khác. Sau đó, Luật sư viện dẫn quy định của Điêu 22, 23, 24 BLDS năm 2015 (tùy theo loại việc), Điều 377 BLTTDS năm 2015 là căn cứ pháp lý chứng minh người bị yêu cầu bị mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

- Đối với việc dân sự yêu cầu tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, Luật sư trình bày các tình tiết, đánh giá, sử dụng các tài liệu, chứng cứ và viện dẫn quy định của Điều 24 BLDS năm 2015 chứng minh và kết luận người bị yêu cầu nghiện ma túy hoặc nghiên các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình.

Sau khi trình bày căn cứ của yêu cầu, ý kiến đề nghị, Luật sư đề xuất Tòa án áp dụng cụ thể điểm, khoản, điều luật của văn bản quy phạm pháp luật chấp nhận yêu cầu (bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu); không chấp nhận yêu cầu (bảo vệ cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có ý kiến không đồng ý với yêu cầu). Ví dụ, bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu, Luật sư trình bày: Đề nghị Tòa án áp dụng Điều... BLDS, Điều 376, 377, 378 BLTTDS năm 2015 chấp nhận (không chấp nhận) yêu cầu tuyên bố người bị yêu cầu mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Riêng đối với trường hợp tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, Luật sư cần có thêm đề nghị Tòa án quyết định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện.

Nguồn: Tổng hợp từ giáo trình kỹ năng cơ bản của Luật sư tham gia giải quyết các vụ việc dân sự (HVTP - 2021)

0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng tham gia phiên họp tuyên bố người mất năng lực hành vi dân sự

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.88036 sec| 955.031 kb