Một số vấn đề mới của WTO

28/02/2023
Sự mở rộng hoạt động thương mại khiến cho mối tương quan giữa thương mại và môi trường trở thành vấn đề đáng lưu tâm. Không thể phủ nhận rằng dòng chảy thương mại và các quy tắc chi phối chúng đã gây ra những thay đổi về môi trường. Đa số các chỉ số về môi trường trên thế giới đang suy giảm và thương mại quốc tế là tác nhân ngày càng đóng vai trò to lớn trong sự suy giảm này. Tuy nhiên, đồng thời, thương mại cũng có thể hỗ trợ để đạt được những mục tiêu về môi trường.

1- Thương mại và môi trường

Sự mở rộng hoạt động thương mại khiến cho mối tương quan giữa thương mại và môi trường trở thành vấn đề đáng lưu tâm. Không thể phủ nhận rằng dòng chảy thương mại và các quy tắc chi phối chúng đã gây ra những thay đổi về môi trường. Đa số các chỉ số về môi trường trên thế giới đang suy giảm và thương mại quốc tế là tác nhân ngày càng đóng vai trò to lớn trong sự suy giảm này. Tuy nhiên, đồng thời, thương mại cũng có thể hỗ trợ để đạt được những mục tiêu về môi trường.

Càng ngày những vấn đề về môi trường liên quan đến thương mại và vai trò của WTO trong lĩnh vực thương mại và môi trường càng được quan tâm. Lời nói đầu của Hiệp định Ma-ra-két (Hiệp định thành lập WTO) đã nhắc đến tầm quan trọng của việc hướng tới sự phát triển bền vững. Các thành viên của WTO thừa nhận rằng:

... Mối quan hệ của họ trong các nỗ lực kinh tế và thương mại cần được thực hiện với mục tiêu nâng cao mức sống. Trong khi vẫn cho phép sử dụng tối ưu các nguồn tài nguyên trên thế giới theo đúng mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ và gìn giữ môi trường; nâng cao các biện pháp để thực hiện điều đó theo cách thức phù hợp với nhu cầu và mối quan tâm của họ ở các cấp độ phát triển kinh tế khác nhau.

Luật thương mại quốc tế ngày càng quy định rõ cách thức xây dựng luật trong nước liên quan đến các lĩnh vực như bảo vệ môi trường. Hiểu biết rộng hơn về mối quan hệ giữa hai đối tượng này là chìa khoá để nắm bắt mục tiêu cần đạt được.

Mục tiêu của phần này là thúc đẩy sự hiểu biết về mối quan hệ giữa môi trường và thương mại từ góc độ pháp luật. Hay nói chính xác hơn, Mục này sẽ nghiên cứu sự tương tác giữa môi trường và luật thương mại quốc tế bằng cách đi vào chi tiết các điều khoản liên quan của GATT cũng như các hiệp định của WTO có liên quan trực tiếp tới vấn đề môi trường. Sau đó sẽ tập trung vào các hiệp định CBD (Công ước về đa dạng sinh học) và TRIPS, trước khi đề cập đến các tranh chấp liên quan đến môi trường.

1.1- Các điều khoản liên quan của GATT/WTO

GATT: Điều I và Điều III về không phân biệt đối xử

Các quy định thương mại quốc tế chủ yếu dựa trên cơ sở nguyên tắc không phân biệt đối xử. Điều I GATT quy định về nguyên tắc MFN, và Điều III quy định về NT, do đó cả hai điều này đều quy định về nguyên tắc không phân biệt đối xử.

Khoản 1 Điều I quy định:

Với mọi khoản thuế quan và khoản thu thuộc bất cứ loại nào nhằm vào hay có liên quan tới nhập khẩu và xuất khẩu, hoặc đánh vào các khoản chuyển khoản để thanh toán hàng xuất nhập khẩu, hay cách thức áp thuế hoặc áp dụng phụ thu nêu trên, hay với mọi luật lệ hay thủ tục trong xuất nhập khẩu và liên quan tới mọi nội dung đã được nêu tại khoản 2 và khoản 4 Điều III, mọi lợi thế, biệt đãi, đặc quyền hay quyền miễn trừ được bất kì bên kí kết nào dành cho bất cứ một sản phẩm có xuất xứ từ hay được giao tới bất kì một nước nào khác, sẽ được áp dụng cho sản phẩm tương tự có xuất xứ từ hay giao tới mọi bên kí kết khác ngay lập tức và vô điều kiện.

Khoản 4 Điều III quy định:

"Các sản phẩm từ lãnh thổ của bất kì bên kí kết nào được nhập khẩu vào lãnh thổ của bên kí kết khác sẽ được hưởng đối xử không kém phần thuận lợi hơn sự đối xử dành cho các sản phẩm tương tự nội địa về mặt pháp luật, quy tắc và các quy định ảnh hưởng đến việc bán hàng, chào bán, mua, vận chuyển, phân phối hoặc sử dụng ở thị trường nội địa.".

Yếu tố cấu thành đầu tiên của nguyên tắc không phân biệt đối xử đạt được khi tất cả các thành viên WTO đều bình đẳng theo nguyên tắc MFN. Điều I đảm bảo rằng các thành viên sẽ không được đưa ra bất kì lợi thế thương mại đặc biệt nào cho thành viên khác hay phân biệt đối xử chống lại thành viên đó. Yếu tố cấu thành thứ hai của nguyên tắc không phân biệt đối xử được quy định trong Điều III cũng đạt được khi hàng hoá nhập khẩu vào một nước được hưởng sự đối xử giống như hàng hoá nội địa.

Về vấn đề môi trường liên quan đến thương mại, nguyên tắc không phân biệt đối xử đảm bảo rằng các thành viên sẽ không ban hành các chính sách trong nước về bảo vệ môi trường theo kiểu phân biệt đối xử tùy tiện giữa sản phẩm nội địa và sản phẩm nhập khẩu. Nguyên tắc này cũng hướng tới việc ngăn chặn bất kì sự phân biệt đối xử nào giữa sản phẩm nhập khẩu tương tự từ các đối tác thương mại khác nhau. Mục đích là tránh việc sử dụng và lạm dụng các chính sách môi trường như là các rào cản trá hình trong thương mại quốc tế.

GATT: Điều XI về loại bỏ các hạn chế số lượng

Điều XI GATT tập trung vào việc quy định loại bỏ các hạn chế số lượng đối với hàng hoá xuất nhập khẩu được các thành viên đặt ra hoặc duy trì. Mục đích của việc ngăn cấm các hạn chế như vậy là để khuyến khích các thành viên chuyển các công cụ hạn chế số lượng thành công cụ thuế quan - biện pháp có tính minh bạch hơn. Đoạn đầu tiên của Điều XI quy định:

Không biện pháp cấm hay hạn chế nào khác, trừ thuế quan và các khoản thu khác, dù dưới hình thức hạn ngạch, giấy phép nhập khẩu hay xuất khẩu hoặc các biện pháp khác, sẽ được bất cứ một bên kí kết nào định ra hay duy trì nhằm vào việc nhập khẩu từ lãnh thổ của bất kì bên kí kết nào, hay nhằm vào việc xuất khẩu hay bán hàng để xuất khẩu đến lãnh thổ của bất kì bên kí kết nào.

Quy định này có liên quan đến các tranh luận về thương mại và môi trường bởi vì quy định này đã bị vi phạm trong một số tranh chấp về môi trường khi các nước áp đặt lệnh cấm nhập khẩu đối với các sản phẩm nhất định.

GATT: Điều XX về các ngoại lệ chung

Điều XX về các ngoại lệ chung đưa ra một số trường hợp cụ thể, theo đó các thành viên WTO có thể được miễn áp dụng các quy định của GATT. Hai trường hợp ngoại lệ quy định tại đoạn (b) và đoạn (g) đều liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường. Điều XX quy định:

Với yêu cầu rằng các biện pháp này không được áp dụng theo cách có thể tạo ra công cụ phân biệt đối xử tùy tiện và vô căn cứ giữa các nước nơi có các điều kiện tương tự, hoặc tạo thành một hạn chế trá hình trong thương mại quốc tế, không có quy định nào trong Hiệp định này được hiểu là ngăn cản bất kì bên kí kết nào ban hành hoặc thực thi các biện pháp:

"(...)

(b) Cần thiết để bảo vệ cuộc sống và sức khoẻ của con người, động vật hoặc thực vật;

(...)

(g) Liên quan đến việc bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể cạn kiệt, nếu các biện pháp này cũng được áp dụng hạn chế với sản xuất hoặc tiêu dùng trong nước.".

Hai ngoại lệ trên cho phép các thành viên của WTO có thể biện minh cho các biện pháp chính sách không phù hợp với GATT, nếu như chúng hoặc là ‘cần thiết’ để bảo vệ cuộc sống và sức khoẻ của con người, động vật hoặc thực vật, hoặc là các biện pháp này liên quan đến việc bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên có thể cạn kiệt. Điều XX quy định rằng những biện pháp này không được phép dẫn tới bất kì phân biệt đối xử tùy tiện và vô căn cứ nào. Và cũng cần đảm bảo rằng các ngoại lệ này sẽ không tạo ra những hạn chế trá hình trong thương mại quốc tế.

GATS: Điều XIV

GATS quy định các ngoại lệ chung tại Điều XIV, giống như Điều XX GATT. Trong việc giải quyết các vấn đề về môi trường, Điều XIV(b) GATS cho phép các thành viên của WTO duy trì các biện pháp chính sách không phù hợp với GATS, nếu điều này là ‘cần thiết để bảo vệ cuộc sống và sức khoẻ con người, động vật hoặc thực vật’, tương tự như Điều XX(b) GATT. Tương tự, các ngoại lệ này không được tạo ra bất kì sự phân biệt đối xử tùy tiện và vô căn cứ nào, cũng như bất kì hạn chế trá hình nào trong thương mại quốc tế.

Hiệp định TBT: Khoản 2 Điều 2

Hiệp định TBT đảm bảo rằng đặc điểm kĩ thuật của sản phẩm (quy chuẩn và tiêu chuẩn kĩ thuật), cũng như các thủ tục đánh giá sự phù hợp với các đặc điểm kĩ thuật đó, không tạo ra trở ngại không cần thiết đối với thương mại. Mặt khác, việc bảo vệ cuộc sống và sức khoẻ của con người, động vật và thực vật và việc bảo vệ môi trường được coi là mục tiêu chính đáng của các thành viên. Khoản 2 Điều 2 quy định:

Các thành viên phải đảm bảo rằng các quy định về kĩ thuật không được soạn thảo, thông qua hoặc áp dụng với mục đích tạo ra các trở ngại không cần thiết đối với thương mại quốc tế. Với mục đích này, các quy định về kĩ thuật sẽ không được phép hạn chế thương mại nhiều hơn mức cần thiết để thực hiện một mục tiêu chính đáng, có tính đến những rủi ro từ việc không thực hiện các mục tiêu. Các mục tiêu chính đáng gồm có: các yêu cầu về an ninh quốc gia; ngăn ngừa các hành vi lừa đảo; bảo vệ sức khoẻ và sự an toàn cho con người, cuộc sống và sức khoẻ cho động- thực vật, hoặc môi trường. Khi đánh giá các rủi ro, các yếu tố có liên quan được cân nhắc gồm có: thông tin khoa học kĩ thuật hiện có, công nghệ xử lí liên quan hoặc mục đích sử dụng cuối cùng theo dự tính của sản phẩm.

Hiệp định SPS

Hiệp định SPS và Hiệp định TBT bổ sung cho nhau. SPS điều chỉnh nhóm các biện pháp hẹp hơn so với TBT, bao gồm các biện pháp được các thành viên thực thi để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đồ uống và thức ăn gia súc khỏi các phụ gia, độc chất hoặc chất gây bệnh. Ngoài ra, SPS còn bao gồm cả các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Các biện pháp SPS chỉ nên được áp dụng ở mức độ cần thiết để bảo vệ sức khoẻ và cuộc sống của con người, động vật và thực vật. Những biện pháp này không được phép phân biệt đối xử tùy tiện và vô căn cứ giữa các thành viên có điều kiện tương tự.

Hiệp định TRIPS và Công ước về đa dạng sinh học (CBD)

Hiệp định TRIPS đặt ra những tiêu chuẩn tối thiểu về pháp luật được các chính phủ sử dụng nhằm nâng cao sự bảo hộ IPRs đầy đủ và hiệu quả. IPRs bao gồm rất nhiều chức năng, như khuyến khích sáng kiến và công khai thông tin về sáng chế, trong đó có các công nghệ về môi trường. Đối với thương mại và môi trường, Hiệp định TRIPS thực sự có tầm quan trọng đặc biệt. Một số điều khoản của Hiệp định TRIPS được xây dựng để giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường trong việc bảo hộ IPRs. Vấn đề môi trường được đề cập một cách trực tiếp ở Điều 27, Mục 5 (về Bằng sáng chế). Khoản 2 quy định rằng các thành viên có thể loại bỏ bằng sáng chế, nếu việc bảo hộ nó có thể gây tổn thất nghiêm trọng đến môi trường:

Các thành viên có thể loại trừ việc cấp bằng sáng chế cho những sáng chế cần phải bị cấm khai thác nhằm mục đích thương mại trong lãnh thổ của mình để bảo vệ trật tự công cộng hoặc đạo đức xã hội, kể cả để bảo vệ cuộc sống và sức khoẻ của con người và động vật hoặc thực vật hoặc để tránh gây tổn thất nghiêm trọng cho môi trường, với điều kiện những ngoại lệ đó được quy định không chỉ vì lí do duy nhất là việc khai thác các sáng chế tương ứng bị pháp luật của nước đó ngăn cấm.

Ngoài việc ngăn chặn sự nguy hiểm cho môi trường, sự ngăn chặn này cũng có thể được áp dụng trên lãnh thổ các thành viên nếu thấy cần thiết để bảo vệ sức khoẻ và cuộc sống của con người, động vật và thực vật. Theo Hiệp định, các thành viên có thể ngăn chặn việc cấp bằng sáng chế cho các giống động-thực vật (không bao gồm vi sinh vật), và các quy trình sản xuất động thực vật (không bao gồm các quy trình phi sinh học hoặc vi sinh học). Khoản 3(b) quy định: ‘Các thành viên có thể ngăn chặn việc cấp bằng sáng chế: ... (b) [T]hực vật và động vật không phải là các chủng vi sinh, và các quy trình sản xuất thực vật và động vật, chủ yếu mang tính chất sinh học và không phải là các quy trình phi sinh học hoặc vi sinh’.
Khoản này còn bổ sung rằng các thành viên phải bảo hộ các giống cây trồng khác nhau nhằm mục tiêu đa dạng sinh học, bằng việc cấp bằng sáng chế hoặc các biện pháp khác được đề cập trong Hiệp định.

Hiệp định TRIPS mang tính cấm đoán tích cực. Điều này khiến cho Hiệp định TRIPS trở thành duy nhất trong hệ thống quy tắc của WTO, vốn thường mô tả những việc mà các thành viên không nên làm. Hiệp định còn đặc biệt bởi nó đề cập các quyền cá nhân (quyền của các nhà sáng tạo và các nhà cải tiến), trong khi các quy định khác của WTO đề cập đến các quyền và nghĩa vụ của chính phủ.

Mặt khác, Công ước đa dạng sinh học (CBD) yêu cầu các bên tham gia hợp tác để đảm bảo rằng các bằng sáng chế và IPRs khác ‘hỗ trợ và không đi ngược lại’ các mục tiêu của họ. Một số xung đột thực sự có thể xảy ra giữa CBD và các đặc điểm nhất định của IPRs. Vấn đề tiềm ẩn có thể xảy ra, bởi vì CBD cho phép các thành viên có toàn quyển kiểm soát về nguồn tài nguyên di truyền. Qua đó, họ có thể điều chỉnh và kiểm soát quyền tiếp cận nguồn tài nguyên di truyền trong lãnh thổ của họ. Nguồn tài nguyên di truyền có thể được thể hiện trong đa dạng giống cây trồng với các mã di truyền có giá trị, hoặc thậm chí cả kiến thức truyền thống.

Nguồn tài nguyên này là mục tiêu tìm kiếm của rất nhiều lợi ích thương mại, bao gồm dược phẩm và thảo dược, công nghệ sinh học, nông nghiệp v.v.. CBD đòi hỏi rằng bất kì tiếp cận nào đến các nguồn tài nguyên di truyền đều phải dựa trên các điều kiện có lợi cho cả hai bên, và nước chủ nhà cần phải được thông báo trước. Bên cạnh đó, nó đảm bảo nước cung cấp nguồn tài nguyên di truyền cũng được hưởng lợi từ doanh thu của việc thương mại hoá công bằng sản phẩm hoặc thuốc mới. Điều này tránh việc cấp bằng sáng chế dựa trên nguyên liệu di truyền ‘ăn cắp’, vi phạm các quy tắc trong cam kết.

1.2- Các tranh chấp liên quan đến môi trường

Vụ cá ngừ Hoa Kỳ/Ca-na-đa (United State-Prohibition of Imports of Tuna and Tuna Products Canada) 

Ca-na-đa tịch thu tàu đánh cá và bắt giữ ngư dân của Hoa Kỳ, vì họ đánh bắt cá ngừ vây dài mà không được sự cho phép của chính quyền Ca-na-đa. Vụ việc diễn ra tại vùng biển mà Ca-na-đa cho là nằm trong phạm vi quyền tài phán của họ. Ngược lại, Hoa Kỳ không công nhận quyền tài phán này của Ca-na-đa và bắt đầu thực hiện các lệnh cấm nhập khẩu để trả đũa Ca-na-đa theo Đạo luật bảo tồn và quản lí nghề cá của Hoa Kỳ. Ban hội thẩm tuyên bố rằng việc cấm nhập khẩu là đi ngược lại với khoản 1 Điều XI GATT và không thể biện minh bởi khoản 2 Điều XI và Điều XX(g).

Vụ Hoa Kỳ/Ca-na-đa về cá hồi và cá trích (Canada-Measures Affecting Exports of Unprocessed Herring and Salmon) 

Ca-na-đa vẫn duy trì các quy định cấm xuất khẩu hoặc bán để xuất khẩu một số mặt hàng cá hồi và cá trích chưa qua chế biến, theo Đạo luật thủy sản Ca- na-đa 1970. Điều XI GATT được Hoa Kỳ viện dẫn để chỉ trích các biện pháp này là không phù hợp. Ca-na-đa thì cho rằng việc áp dụng Điều XX(g) là đúng trong hoàn cảnh này, vì việc hạn chế xuất khẩu là một phần trong việc quản lí nguồn lợi thủy sản hướng tới bảo tồn nguồn cá. Mặc dù vậy, Ban hội thẩm tuyên bố rằng các biện pháp mà phía Ca-na-đa áp dụng đã đi ngược lại với khoản 1 Điều XI GATT và không phù hợp với khoản 2(b) Điều XI hoặc Điều XX(g).

Vụ cá heo và cá ngừ

Đạo luật bảo vệ động vật biển có vú của Hoa Kỳ (viết tắt là ‘MMPA’) quy định cấm đánh bắt các loại động vật biển có vú khi săn bắt cá ngừ vây vàng trên vùng biển nhiệt đới Đông Thái Bình Dương. Vùng biển này trên thực tế được biết đến với sự xuất hiện của đàn cá heo bơi phía trên đàn cá ngừ. Đồng thời, MMPA cấm nhập khẩu các động vật biển có vú (trừ khi được cho phép rõ ràng). Bên cạnh đó, nếu việc đánh cá sử dụng các công nghệ đánh cá thương mại gây giết hại ngẫu nhiên hoặc làm tổn thương nghiêm trọng cho động vật biển có vú, thì việc nhập khẩu cá sẽ bị cấm. Trong trường hợp cụ thể đối với cá ngừ, việc nhập khẩu bị cấm, trừ khi cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ cho rằng: (i) Chính quyền của nước khai thác có một ‘chương trình quy định việc đánh bắt các loài động vật biển có vú tương tự như Hoa Kỳ’, và (ii) ‘Tỉ lệ trung bình của việc ngẫu nhiên đánh bắt các loại động vật biển có vú của các tàu của nước khai thác phải ngang bằng với tỉ lệ trung bình của các tàu Hoa Kỳ’. Thêm vào đó, Hoa Kỳ cũng cấm việc nhập khẩu cá ngừ từ các nước mua cá ngừ của một nước chịu lệnh cấm vận chính. Mê-hi-cô cho rằng lệnh cấm nhập khẩu cá ngừ và các chế phẩm từ cá ngừ là không phù hợp với các Điều XI, XIII và III. Hoa Kỳ lập luận rằng việc cấm vận này phù hợp với Điều III, và trong mọi trường hợp đều thuộc phạm vi áp dụng Điều XX(b) và (g). Hoa Kỳ cũng bổ sung thêm rằng lệnh cấm ‘qua trung gian’ là phù hợp với Điều III và có thể biện minh theo Điều XX(b), (d) và (g).

Theo ý nghĩa của Điều III, Ban hội thẩm cho rằng việc cấm nhập khẩu theo các cách cấm trực tiếp và ‘qua trung gian’ là không phù hợp với khoản 1 Điều XI, và không thể biện minh bởi Điều XX(b) và (g). Lệnh cấm ‘qua trung gian’ cũng không thể biện minh theo Điều XX(d).

Vụ Hoa Kỳ-Xăng dầu (United States-Standards for Reformulated and Conventional Gasoline) 

Hoa Kỳ ban hành Luật xăng dầu quy định về thành phần và hiệu ứng khí thải của xăng dầu, nhằm mục tiêu giảm khí thải. Từ thời điểm Luật này được ban hành, chỉ được phép bán xăng dầu đạt mức độ sạch theo quy định (gọi là ‘xăng đã xử lí’) cho người tiêu dùng trong các vùng bị ô nhiễm nhiều nhất. Tại các vùng khác, chỉ được phép bán xăng dầu không ‘bẩn’ hơn xăng dầu được bán năm 1990 (gọi là ‘xăng truyền thống’). Điều này được áp dụng cho tất cả các nhà máy lọc dầu, pha trộn dầu hoặc nhập khẩu dầu của Hoa Kỳ. Nó đòi hỏi các nhà máy lọc dầu nội địa tự thiết lập các tiêu chuẩn lọc dầu cho riêng mình. Và tiêu chuẩn này cần thể hiện chất lượng xăng dầu được sản xuất bởi cơ sở lọc dầu đó vào năm 1990.

Vê-nê-zu-ê-la và Brazil chỉ ra sự không phù hợp của Luật xăng dầu Hoa Kỳ với Điều III của GATT và tiếp đó tuyên bố rằng nó không được biện minh theo Điều XX. Theo quan điểm của Hoa Kỳ, Luật xăng dầu Hoa Kỳ phù hợp với Điều III, và trong mọi trường hợp, được biện minh bằng các ngoại lệ quy định ở đoạn (b), (g) và (d) của Điều XX.

Mặc dù vậy, Ban hội thẩm tuyên bố rằng Luật xăng dầu Hoa Kỳ không phù hợp với Điều III và không thể biện minh được theo Điều XX(b), (d) hoặc (g). Kết luận của Ban hội thẩm liên quan đến Điều XX bị kháng cáo, tại đây Cơ quan phúc thẩm kết luận rằng việc thiết lập tiêu chuẩn lọc dầu là nằm trong giới hạn của Điều XX(g), nhưng không đáp ứng đòi hỏi về điều kiện áp dụng của Điều XX.

Vụ EC-A-mi-ăng (European Communities-Measures Affecting Asbestos and Asbestos-Containing Products)

Sau khi Pháp cấm sử dụng a-mi-ăng trắng, Ca-na-đa lập luận rằng không nên cấm hoàn toàn mà thay vào đó chỉ cần hạn chế sử dụng a-mi-ăng trắng. Ca-na-đa cũng bày tỏ không hài lòng về sự phân biệt đối xử của Pháp đối với các sản phẩm thay thế a-mi-ăng trắng. Ban hội thẩm tuyên bố rằng việc áp dụng lệnh cấm có thể biện minh để bảo vệ cho sức khoẻ của công nhân Pháp, trên cơ sở Điều XX(b) - cho phép áp dụng ngoại lệ của luật WTO bằng việc áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khoẻ con người. Tuy nhiên, Ban hội thẩm cũng đồng ý với phía Ca-na-đa rằng Pháp đã phân biệt đối xử đối với a-mi-ăng của Ca-na-đa. Ban hội thẩm kết luận rằng a-mi- ăng trắng và các loại sợi thay thế nội địa ít độc hại là các sản phẩm tương tự theo khoản 4 Điều III. Vì thế, tại thị trường Pháp, các sản phẩm này, về nguyên tắc, cần phải được đối xử như nhau. Cơ quan phúc thẩm tán thành kết luận của Ban hội thẩm liên quan đến Điều XX(b), tuy nhiên lại hủy bỏ kết luận của Ban hội thẩm liện quan đến khoản 4 Điều III.

2- Thương mại và quyền xã hội

2.1- Thương mại quốc tế và tiêu chuẩn lao động

Sự tương tác của thương mại quốc tế và các tiêu chuẩn lao động là vấn đề nổi cộm giữa các nước phát triển và các DCs. GATT không nói đến các cân nhắc về lao động và xã hội. Tuy nhiên, phần mở đầu của Hiệp định thành lập WTO tuyên bố rằng ‘thương mại cần được tiến hành với quan điểm nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo công ăn việc làm ... [h]ướng đến mục tiêu phát triển bền vững’. Dù vậy, trong các điều khoản thương mại hiện hành, chỉ có một số ít các tham chiếu gián tiếp tới các vấn đề liên quan đến lao động. Các tiêu chuẩn lao động và các hoạt động thương mại liên quan đến lao động cũng không được quy định. Trên thực tế, các tiêu chuẩn này được quy định bởi Tổ chức lao động quốc tế (viết tắt là ‘ILO’). Mặc dù vậy, các thành viên của WTO khẳng định trong Tuyên bố cấp bộ trưởng tại Xinh-ga-po sự cam kết của họ đối với các quyền và nghĩa vụ được quy định bởi ILO. Họ tuyên bố rằng: ‘Chúng tôi nhắc lại cam kết của chúng tôi đối với việc tuân thủ các tiêu chuẩn lao động cơ bản được công nhận trên toàn thế giới... và chúng tôi khẳng định chúng tôi sẽ hỗ trợ cho hoạt động [của ILO] nhằm thúc đẩy các tiêu chuẩn đó’.

Tuy nhiên, vì đây chỉ là Tuyên bố cấp bộ trưởng nên không tạo ra một nghĩa vụ nào. Mối quan hệ pháp lí giữa các tiêu chuẩn của WTO và tiêu chuẩn lao động vẫn sẽ là mối quan hệ đáng quan tâm và cần phát triển. Mục này sẽ xem xét sâu hơn về cách giải thích và áp dụng các quyền và nghĩa vụ WTO trong mối liên quan với các tiêu chuẩn lao động cơ bản.

2.2- Các biện pháp nhân quyền liên quan đến thương mại và GATT

Hạn chế pháp lí về các biện pháp nhân quyền liên quan đến thương mại

Ban đầu, hệ thống của WTO được thiết lập chỉ để điều chỉnh các mối quan hệ thương mại giữa các thành viên. Do đó, việc áp đặt các biện pháp nhân quyền liên quan đến thương mại đối với một thành viên, trước tiên, phải luôn tuân thủ các quy định của WTO. Nếu một biện pháp không tuân thủ các quy định của WTO, thì nó được coi là không hợp pháp theo luật WTO. Ví dụ, áp dụng biện pháp cấm vận thương mại đối với các sản phẩm của một thành viên cụ thể, do thành viên này vi phạm nhân quyền. Trường hợp này vi phạm Điều I GATT - quy định về MFN, bởi vì tình hình nhân quyền thường không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Một ví dụ khác là lệnh cấm nhập khẩu những mặt hàng nhất định được sản xuất bằng sức lao động trẻ em và/hoặc trong điều kiện làm việc nặng nhọc và vi phạm những tiêu chuẩn lao động cơ bản. Lệnh cấm này sẽ vi phạm Điều XI GATT - quy định cấm mọi biện pháp hạn chế thương mại. Cuối cùng và đặc biệt là: giải quyết thế nào đối với trường hợp một mặt cho phép nhập khẩu, nhưng mặt khác lại áp loại thuế đặc biệt đối với các sản phẩm được sản xuất trong điều kiện lao động không đảm bảo? Việc này lại là một sự vi phạm nguyên tắc NT được quy định tại Điều III GATT, do không có loại thuế tương tự được áp đối với các sản phẩm nội địa tương tự.

Sự biện hộ theo các ngoại lệ của Điều XX GATT

Như đã giải thích trong phần trước liên quan đến môi trường, khả năng áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại của một thành viên luôn bị giới hạn. Điều XX GATT mặc dù quy định các ngoại lệ chung, nhưng đòi hỏi những điều kiện áp dụng nghiêm ngặt. Điều khoản này liệt kê các trường hợp liên quan đến chính sách công rất cụ thể, có thể biện minh cho việc làm trái với các nguyên tắc của GATT. Các trường hợp này bao gồm: bảo vệ đạo đức xã hội - thể hiện trong đoạn (a); bảo vệ cuộc sống và sức khoẻ của người, động vật và thực vật - thể hiện trong đoạn (b); và các biện pháp liên quan đến lao động tù nhân - thể hiện trong đoạn (e). Việc sử dụng các biện pháp nêu trên phải tuân theo các điều kiện áp dụng được quy định ở phần đầu của Điều XX, đó là: tuân thủ nguyên tắc không phân biệt đối xử, và không tạo thành rào cản trá hình đối với thương mại quốc tế. Vì thế, ngay cả khi Điều XX không bao gồm khoản nào về xã hội, thì sự vi phạm các quyền xã hội cũng có thể được điều chỉnh bằng quy định hiện hành về các ngoại lệ cụ thể.

Trong khi đoạn (a) và (e) hiếm khi được áp dụng hoặc đề cập trong bất kì báo cáo nào của các cơ quan giải quyết tranh chấp, thì đoạn (b) lại thường được viện dẫn để biện minh cho các biện pháp về bảo vệ sức khoẻ. Tuy nhiên, đoạn (a) Điều XX vẫn có thể được viện dẫn làm cơ sở pháp lí. Ngoại lệ về đạo đức xã hội được thể hiện trong đoạn (a) có thể được diễn giải như việc cấm văn hoá phẩm đồi trụy, vì chúng được sản xuất dựa trên sự ngược đãi nghiêm trọng phụ nữ, và thậm chí cả trẻ em. Đoạn (e) bao gồm các biện pháp có liên quan tới các sản phẩm được sản xuất bằng sức lao động của tù nhân. Ngoại lệ này thậm chí có thể được mở rộng cho các trường hợp lao động nô dịch. Cả hai ngoại lệ (a) và (e) đều có khả năng được sử dụng để biện minh cho các biện pháp hạn chế thương mại liên quan đến việc vi phạm các tiêu chuẩn lao động và tiêu chuẩn xã hội. Tương tự, đoạn (b) có thể được sử dụng trong các trường hợp liên quan đến bảo vệ nhân quyền, để biện minh cho các biện pháp về y tế công cộng, cũng là khía cạnh của nhân quyền liên quan đến sức khoẻ. Tương tự, ngoại lệ này cũng bao gồm việc điều chỉnh các biện pháp phòng ngừa các điều kiện làm việc đặc biệt nguy hiểm cho con người.

Trong bất kì trường hợp nào, các điều kiện áp dụng của Điều XX luôn nhằm mục đích tránh việc lạm dụng các ngoại lệ này, bằng cách đòi hỏi đảm bảo hai điều kiện: (i) Không được phép áp dụng biện pháp theo cách tùy tiện và phân biệt đối xử giữa các thành viên có điều kiện tương tự; và (ii) Không được phép áp dụng các biện pháp này như các công cụ hạn chế trá hình đối với thương mại quốc tế.

2.3- Các án lệ của GATT

Các quyền về lao động và xã hội thường bị vi phạm thông qua điều kiện làm việc: lao động trẻ em, điều kiện làm việc như nô lệ, thiếu hoàn toàn các quyền cơ bản của công nhân... là một vài ví dụ của cái gọi là ‘quy trình và phương pháp sản xuất’ (viết tắt là ‘PPM’), theo cách nói của WTO. Người ta sử dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu đối với các sản phẩm được sản xuất dưới điều kiện lao động như thế, nhằm đòi hỏi việc sản xuất hàng hoá phải đảm bảo thoả mãn các tiêu chuẩn về PPM.

Theo các quy định của GATT, nguyên tắc không phân biệt đối xử đã bị vi phạm thông qua hạn chế về PPM, vốn được áp dụng cho các sản phẩm tương tự. Các sản phẩm tương tự được xác định thông qua chất lượng, chức năng hoặc mục đích sử dụng cuối cùng trên thị trường. PPM thường không ảnh hưởng gì đến các tiêu chuẩn này, do đó không được phép đối xử khác nhau với các sản phẩm tương tự dựa theo PPM. 

Ví dụ, việc một thành viên cấm nhập khẩu hoặc áp thuế nhập khẩu bổ sung đối với sản phảm giày dép được sản xuất bởi lao động trẻ em là vi phạm Điều III hoặc Điều XI GATT. Trên thực tế, không có sự khác biệt về chất lượng, chức năng hoặc công dụng giữa các sản phẩm giày dép được sản xuất bởi lao động của người trưởng thành và lao động trẻ em.

Một số nhà bình luận cho rằng các ngoại lệ tại đoạn (e) của Điều XX có thể sẽ cho phép PPM và các biện pháp liên quan đến các sản phẩm của lao động tù nhân trở thành ngoại lệ hợp lệ. Nhưng thực tế là cho đến nay, điều khoản này chưa bao giờ được viện dẫn hoặc giải quyết bởi DSB. Tuy nhiên, trong vụ tôm của Hoa Kỳ (US-Shrimp), Cơ quan phúc thẩm đã nêu trong phần chú thích rằng điều khoản này không cho phép các nước nhập khẩu được nhập khẩu các sản phẩm được sản xuất theo chính sách về lao động tù nhân của nước xuất khẩu.  Vì thế, có thể hiểu là điều khoản này sẽ được giải thích một cách rất hạn chế.

Tuy nhiên, một thành viên sẽ được phép bảo vệ các mối quan tâm phi thương mại của mình theo Điều XX, trong trường hợp cụ thể của chính thành viên đó. Ví dụ, việc áp đặt các biện pháp để bảo vệ sức khoẻ công nhân trong một nước là được cho phép theo luật WTO. Đó là vụ A-mi-ăng (Asbestos), theo đó lệnh cấm nhập khẩu a-mi-ăng chứa các chất độc hại là để nhằm bảo vệ sức khoẻ của công nhân Pháp.

Mặt khác, quan điểm của án lệ là hạn chế thừa nhận các biện pháp có tính trị ngoại lãnh thổ, được biết đến như việc buộc các thành viên khác của WTO phải áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia của nước đưa ra sự áp đặt. Vụ cá ngừ của Hoa Kỳ đã thực sự nhấn mạnh việc cấm các biện pháp có tính trị ngoại lãnh thổ. Nếu không, các biện pháp này sẽ cho phép các thành viên đơn phương quyết định các chính sách mà các thành viên khác phải làm theo, để được hưởng các quyền theo GATT.

Nếu xem xét phạm vi áp dụng theo lãnh thổ của các nghĩa vụ nhân quyền, thì nhân quyền cần được đảm bảo cho tất cả mọi người trong một quốc gia, nhưng nhìn chung không có nghĩa vụ nào đòi hỏi việc khuyến khích hoặc bảo vệ nhân quyền ở ngoài lãnh thổ. Vì thế, việc cấm lao động trẻ em được áp dụng cho mọi trẻ em trong lãnh thổ một thành viên nào đó, và không thể được thực thi ở ngoài lãnh thổ. Vấn đề áp dụng luật quốc gia ở ngoài lãnh thổ thực sự là vấn đề khó giải quyết theo luật quốc tế, vì nó vi phạm chủ quyền của các quốc gia khác.

Tuy nhiên, một số công ước về nhân quyền đưa ra nghĩa vụ áp dụng nhân quyền phổ cập nhằm thúc đẩy nhân quyền thông qua hợp tác quốc tế, như Tuyên bố của Liên hợp quốc về quyền phát triển. Tuyên bố này nêu rõ nghĩa vụ thúc đẩy nhân quyền trên bình diện quốc tế. Việc này có thể được thực hiện tại các tổ chức quốc tế, như WTO. Mặc dù vậy, nó không cho phép thực thi luật quốc gia ở ngoài lãnh thổ, vì điều này vi phạm chủ quyền của các quốc gia khác.

3- Hiệp định thương mại song phương và khu vực

Các hiệp định thương mại khu vực và hiệp định thương mại song phương ngày càng phát triển mạnh mẽ. Hầu hết các thành viên của WTO đều theo đuổi các hiệp định song phương hoặc khu vực. Có thể nói tới Hiệp định hợp tác lao động Bắc Mỹ (‘NAALC’), được đàm phán với tư cách là Hiệp định bổ sung của Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA)  và có hiệu lực vào ngày 1/1/1994. Hiệp định bao gồm 11 nguyên tắc lao động cơ bản và yêu cầu các nước Mê-hi-cô, Hoa Kỳ và Ca-na-đa cải thiện tình hình thực thi các tiêu chuẩn và quyền lao động nêu trên.

Chính xác hơn, trong phần mở đầu của NAALC đã khẳng định tầm quan trọng của việc cải thiện tiêu chuẩn lao động và sinh hoạt. Bản thân Hiệp định đòi hỏi ‘Các bên tham gia thúc đẩy việc tuân thủ và thực thi hiệu quả luật lao động thông qua các hành động phù hợp của chính phủ’ và vạch ra các lĩnh vực khác nhau theo đó các bên nên hợp tác để đạt được sự phát triển. Mặc dù vậy, NAALC không thiết lập một bộ các quyền và tiêu chuẩn lao động quốc tế mà chỉ đề cập các luật lao động quốc gia và đòi hỏi các bên tham gia đảm bảo rằng luật lao động của từng nước đưa ra các tiêu chuẩn lao động cao. Hơn nữa, Hiệp định này đòi hỏi các bên tham gia phải quy định các thủ tục khiếu nại đối với các vi phạm luật quốc gia. Tuy nhiên, cơ chế thực thi còn yếu, Toà án trong khuôn khổ NAALC chưa xét xử vụ nào mà dẫn đến việc bên vi phạm phải thi hành nghĩa vụ sửa đổi các quy định về lao động của nước mình.

Sau Hiệp định NAFTA, Hoa Kỳ đã đàm phán nhiều hiệp định khác có các điều khoản cụ thể về quyền lao động. Hầu hết các điều khoản của Hoa Kỳ giới hạn trong cam kết của các bên về việc thực thi luật lao động trong nước. Ví dụ, Hiệp định thương mại tự do Trung Mỹ - Cộng hoà Đô-mi-ni-ca (‘CAFTA’), bao gồm Hoa Kỳ, Hôn-đu-rát, Ni-ca-ra-goa, Cốt-xta Ri-ca, Goa-tê-ma-la, En San-va-đo và Cộng hoà Đô-mi-ni-ca, quy định về quyền của người lao động. Nội dung mấu chốt của Hiệp định này là các nghĩa vụ lao động. Các điều khoản bao gồm cam kết của các nước CAFTA về việc tăng khả năng cho người lao động tiếp cận các thủ tục bảo vệ quyền lợi của họ. Nhìn chung, Hiệp định đòi hỏi các bên thực thi luật lao động trong nước của mình, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Các bên cũng được yêu cầu phải làm việc với ILO nhằm cải thiện luật lao động hiện hành và vấn đề thực thi. Mặc dù vậy, Công ước cơ bản của ILO về phân biệt đối xử lại không được nhắc đến trong Hiệp định. Bên cạnh đó, các nước không có nghĩa vụ phải đưa ra các thủ tục đảm bảo hoặc biện pháp trừng phạt để điều chỉnh các hành vi vi phạm.

Thị trường chung Nam Mỹ (‘MERCOSUR’) là liên minh hải quan với sự tham gia của các nước Ác -hen-ti-na, Brazil, Pa-ra-goay và U-ru-goay, có hiệu lực năm 1991. Bốn chính phủ thành viên kí bản Tuyên bố về xã hội và lao động 1998 - một bản Tuyên bố có phạm vi rất rộng. Trên thực tế, bản Tuyên bố vượt quá các công ước cơ bản của ILO và bao gồm cả đối thoại xã hội, việc làm, đề bạt, bảo trợ thất nghiệp, an toàn và y tế, và bảo trợ xã hội. Tuyên bố cũng bắt buộc thành lập Ủy ban để theo dõi việc tuân thủ Tuyên bố và đưa ra các khuyến nghị về các biện pháp đảm bảo việc tuân thủ.

Liên minh châu Âu (EU) đã đặc biệt tích cực trong lĩnh vực này, với tuyên bố của Ủy ban châu Âu về việc thúc đẩy mối liên kết giữa thương mại và phát triển xã hội theo nhiều cách. Xuất phát điểm từ Hiệp định than thép châu Âu 1951, EU đã trở thành một trong những ví dụ sớm nhất và phát triển nhất về hiệp định thương mại. Kể từ đó, EU đã phát triển cả về số lượng thành viên lẫn phạm vi áp dụng và trở thành thị trường chung về hàng hoá và dịch vụ với sự tự do dịch chuyển lao động trong nội bộ EU. Trong các hiệp định thương mại, ‘Chương về chính sách xã hội’ đã quy định cụ thể các quyền cơ bản của người lao động cần được tôn trọng trên toàn lãnh thổ các nước thành viên EU. Tương tự, sự quan tâm hàng đầu của EU tới các vấn đề xã hội cũng được nhấn mạnh trong các hiệp định giữa EU và các nước khác. Mặc dù vậy, các hiệp định song phương của EU lại tập trung nhiều hơn vào vấn đề nhân quyền, phát triển, hợp tác kĩ thuật và đối thoại chính trị. Đa số các hiệp định đều có đoạn nói rằng các bên tham gia sẽ phải tôn trọng nhân quyền, nhưng không có các điều khoản cụ thể và rõ ràng về thực thi quyền lao động.

Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương, tổng hợp (từ Giáo trình Luật Thương mại quốc tế - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).

0 bình luận, đánh giá về Một số vấn đề mới của WTO

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.32965 sec| 1096.156 kb