Nguồn của pháp luật Việt Nam hiện nay

27/02/2023
Luật sư Nguyễn Thị Bích Phượng
Luật sư Nguyễn Thị Bích Phượng
Cho đến trước năm 2014, pháp luật Việt Nam chủ yếu bao gồm hai loại nguồn là văn bản quy phạm pháp luật và tập quán pháp. Từ khi nhà nước ban hành Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 2014, án lệ đã chính thức được thừa nhận là một loại nguồn của pháp luật Việt Nam. Đến nay, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã công bố các án lệ đã được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua. Bên cạnh đó, quan niệm về lẽ phải, lẽ công bằng cũng được thừa nhận là nguồn của pháp luật Việt Nam hiện nay.

1- Văn bản quy phạm pháp luật

Văn bản quy phạm pháp luật là nguồn chủ yếu và quan trọng nhất của pháp luật Việt Nam hiện nay. Pháp luật nước ta có quy định cụ thể về thẩm quyền ban hành, tên gọi, nội dưng, trình tự thủ tục ban hành đối với từng loại văn bản quy phạm pháp luật. Qua các giai đoạn phát triển của đất nước, tên gọi, trình tự, thủ tục cũng như thẩm quyền ban hành đối với từng loại văn bản có thể có sự thay đổi. Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam tương đối phức tạp, với khá nhiều loại văn bản, do khá nhiều chủ thể có thẩm quyền ban hành. Ngoài hiến pháp là luật cơ bản, các văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam thường có tên gọi là luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư... Theo quy định của pháp luật hiện hành, ở Việt Nam hiện nay có các văn bản quy phạm pháp luật sau đây:

- Hiến pháp;

- Bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội;

- Pháp lệnh, nghị quyết của ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước;

- Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

- Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao;

- Thông tư của Chánh án Toà án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; thông tư liên tịch giữa Chánh án Toà án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước;

- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;

- Quyết định của ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

- Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt;

- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện;

- Quyết định của ủy ban nhân dân cấp huyện;

- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã;

- Quyết định của ủy ban nhân dân cấp xã.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về Hợp đồng hôn nhân của Công ty Luật TNHH Everest.

2- Tập quán pháp

Việt Nam đã chính thức thừa nhận tập quán pháp là một loại nguồn của pháp luật từ năm 1995 khi nhà nước ban hành Bộ luật dân sự đầu tiên. Từ đó đến nay, tập quán pháp càng được coi trọng sử dụng, trình tự, thủ tục, cách thức áp dụng tập quán pháp cũng ngày càng hoàn thiện.

Ở Việt Nam hiện nay, có hai con đường dẫn đến sự tồn tại của tập quán pháp.

Một là, những tập quán được dẫn chiếu trong các điều, khoản của văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các văn bản trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, thương mại... Chẳng hạn, Bộ luật dân sự năm 2015 có các quy định dẫn chiếu tập quán trong một số trường hợp như: xác định một số quyền nhân thân cho cá nhân (quyền có họ tên, quyền xác định dân tộc); giải thích giao dịch dân sự; xác định ranh giới giữa các bất động sản; vấn đề sở hữu chung của cộng đồng; xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc; giao dịch hụi, họ, biêu, phường; nghĩa vụ của bên thuê tài sản; bồi thường thiệt hại do súc vật thả rông gây ra; các nghĩa vụ về tài sản và các khoản thanh toán liên quan đến thừa kế; việc áp dụng tập quán quốc tế... Hiện nay, nhà nước đã có kế hoạch xây dựng danh mục các tập quán về hôn nhân và gia đình để áp dụng.

Hai là, những tập quán được áp dụng để giải quyết những vụ việc cụ thể. Trường họp này pháp luật chỉ đưa ra nguyên tắc để áp dụng tập quán, khi một tập quán được áp dụng nó sẽ trở thành tập quán pháp. Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, Bộ luật dân sự năm 2015, trong trường họp pháp luật không có quy định và các bên không có thoả thuận thì áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với những nguyên tắc cơ bản và không vi phạm điều cấm đã được quy định trong các văn bản đó.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về thừa kế (luật sư thừa kế) của Công ty Luật TNHH Everest

3- Án lệ

Luật tổ chức toà án nhân dân năm 2014 đã chính thừa thừa nhận vai trò của án lệ. Theo quy định này, Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có nhiệm vụ lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Toà án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử. Thực hiện nhiệm vụ này, Toà án nhân dân tối cao từng bước xuất bản các tập án lệ. Cũng như ở các nước theo truyền thống pháp luật thành văn, án lệ ở Việt Nam được hình thành trước hết trong quá trình toà án giải thích và áp dụng các quy định trong pháp luật thành văn, nhằm làm tăng tính thuyết phục trong các phán quyết của toà án.

Mặc dù pháp luật không quy định một cách chính thức, tuy nhiên, theo lời văn của quy định trong pháp luật hiện hành, có thể hiểu trong lĩnh vực dân sự, thứ tự ưu tiên áp dụng của án lệ là: điều khoản quy định trực tiếp về vụ việc, thoả thuận của các bên, tập quán, quy định điều chỉnh vụ việc tương tự, các nguyên tắc chung của pháp luật dân sự, án lệ.

Xem thêm: Dịch vụ Luật sư ly hôn tại Công ty Luật TNHH Everest.

4- Điều ước quốc tế

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, điều ước quốc tế là một loại nguồn pháp luật quan trọng. Nó có thể được nội luật hoá thành các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật nước ta, cũng có thể nó được áp dụng một cách trực tiếp. Pháp luật Việt Nam có các quy định cụ thể về áp dụng trực tiếp điều ước quốc tế. Theo đó, nếu về cùng một vấn đề mà giữa pháp luật trong nước và điều ước quốc tế có quy định khác nhau thì thứ tự ưu tiên áp dụng lần lượt là Hiến pháp, điều ước quốc tế, các văn bản luật, các văn bản dưới luật.

5- Quan niệm, quan điểm đạo đức xã hội

Các quan niệm đạo đức xã hội nhiều trường hợp được pháp luật dẫn chiếu làm căn cứ pháp lí để các chủ thể thực hiện hành vi thực tế. Trong nhiều trường hợp, pháp luật quy định, các chủ thể thực hiện hành vi không được trái với những quan niệm đạo đức xã hội. Phẩm chất đạo đức cá nhân (được hình thành do tu dưỡng, rèn luyện theo các chuẩn mực đạo đức xã hội) luôn là một trong những tiêu chí cơ bản trong tuyển dụng cán bộ, cống chức, viên chức nhà nước... Nhiều quan niệm, chuẩn mực đạo đức còn được dẫn chiếu cụ thể như trung thành, tận tụy, thiện chí, trung thực, công bằng... Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành có quy định, trong trường hợp pháp luật không có quy định, các bên không có thoả thuận, đồng thời cũng không có tập quán hay quy định điều chỉnh vụ việc tương tự thì có thể áp dụng những quan niệm về lẽ công bằng trong xã hội.

6- Hợp đồng

Pháp luật tôn trọng thoả thuận giữa các bên trong quan hệ hợp đồng dân sự, thương mại..., tất nhiên nội dung thoả thuận không vi phạm điều cấm của pháp luật cũng như không trái đạo đức xã hội. Khi đó, thoả thuận giữa các bên trong quan hệ hợp đồng là căn cứ pháp lí để các bên thực hiện hành vi của mình, đồng thời đó cũng là căn cứ quan trọng để các chủ thể có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp nếu có. Thậm chí, trong lĩnh vực dân sự, trong nhiều quy định của pháp luật hiện hành, thoả thuận của các bên được nhà làm luật đề cập trước, sau đó mới đến sự quy định của pháp luật, tập quán...

7- Pháp luật nước ngoài

Trong điều kiện hiện nay, pháp luật nước ngoài được coi là một nguồn của pháp luật Việt Nam. Việc áp dụng pháp luật nước ngoài phải tuân theo những điều kiện cũng như thủ tục, trình tự do pháp luật quy định.

(Nguồn tham khảo: Giáo trình Lý Luận chung về nhà nước và pháp luật - Đại học Luật Hà Nội).

Xem thêm: Dịch vụ thư ký pháp lý từ xa của Công ty Luật TNHH Everest

8- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Nguồn của pháp luật Việt Nam hiện nay được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Nguồn của pháp luật Việt Nam hiện nay có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Nguồn của pháp luật Việt Nam hiện nay

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.19620 sec| 977.484 kb