Nguồn luật của hệ thống pháp luật Trung Quốc

03/03/2023
Luật sư Nguyễn Thị Bích Phượng
Luật sư Nguyễn Thị Bích Phượng
Nguồn luật trong hệ thống pháp luật Trung Quốc ngày nay vẫn tiếp tục duy trì nhiều đặc điểm cơ bản của nguồn luật hệ thống pháp luật thuộc dòng họ pháp luật xã hội chủ nghĩa, trong đó nguồn luật chính yếu là pháp luật thành văn. Pháp luật thành văn gồm có hiến pháp, luật và các văn bản dưới luật do Chính phủ trung ương và các cơ quan chính quyền địa phương ban hành.

I- Hiến pháp

 

Hiến pháp năm 1982 của Trung Quốc được xây dựng trên cơ sở kế thừa các bản Hiến pháp năm 1954, 1975, 1978 và được xem là văn bản pháp luật có giá trị hiệu lực cao nhất ở Trung Quốc. Hiến pháp quy định về cơ cấu của Chính phủ, thừa nhận nguyên tắc chung trong hoạt động của Chính phủ và trong quản lí xã hội và liệt kê các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Trung Quốc.

Theo Hiến pháp năm 1982, cơ cấu chính phủ Trung Quốc gồm có cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp. Cơ quan lập pháp của Trung Quốc là Quốc hội của nhân dân (National People’s Congress), là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Quốc hội chỉ có một viện và các đại biểu Quốc hội có nhiệm kì năm năm. Quốc hội có quyền làm luật và ban hành luật áp dụng trên toàn quốc, quyền sửa đổi Hiến pháp, bầu và miễn nhiệm Chủ tịch, Phó chủ tịch nước, bầu và miễn nhiệm Chánh án Toà án nhân dân tối cao, quyết định những vấn đề về chiến tranh và hoà bình. Uỷ ban thường trực của Quốc hội là cơ quan của Quốc hội, hoạt động giữa các kì họp Quốc Hội, có quyền ban hành, sửa đổi và bổ sung luật đã được Quốc hội thông qua.

Các cơ quan quyền lực của nhân dân ở địa phương (tỉnh, thành phố, cảc khu tự trị) cũng có quyền ban hành các văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền của mình với điều kiện những văn bản pháp luật đó không trái với hiến pháp và pháp luật do Quốc hội ban hành và không mâu thuẫn với những vãn bản pháp luật do các cơ quan quyền lực địa phương cấp trên ban hành. Hiến pháp cũng quy định về cơ cấu, thẩm quyền và nghĩa vụ của các cơ quan quyền lực của nhân dân ở địa phương

Cơ quan hành pháp đứng đầu là Chủ tịch và Phó chủ tịch nước, do Quốc hội bầu với nhiệm kì năm năm và được giữ chức vụ không quá hai nhiệm kì liên tục. Chủ tịch nước có quyền ban hành văn bản pháp luật, bổ nhiệm và miễn nhiệm các thành viên của Hội đồng Nhà nước, phát lệnh đại xá, tuyên bố luật về chiến tranh, trạng thái chiến tranh cũng như tiếp đãi các nhà ngoại giao nước ngoài và phê chuẩn hoặc bãi bỏ các điều ước quốc tế với các nước khác. Phó chủ tịch nước chịu trách nhiệm giúp Chủ tịch nước thực thi nhiệm vụ của mình và thực hiện các công việc theo sự uỷ quyền của Chủ tịch nước

Hội đồng Nhà nước là Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, là cơ quan quản lí nhà nước cao nhất hoạt động theo nhiệm kì năm năm. Hội đồng Nhà nước gồm có Thủ tướng, Phó thủ tướng, các Uỷ viên Hội đồng Nhà nước, các bộ trưởng, các Chủ tịch Ưỷ ban trực thuộc Chính phủ, Tổng kiểm toán, và Tổng thư kí. Hội đồng Nhà nước có một số chức năng và thẩm quyền như: thông qua các biện pháp, các quy chế và mệnh lệnh hành chính; đệ trình các dự luật trước Quốc hội; hoạch định và thi hành các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện các công việc ngoại giao kể cả kí kết các điều ước quốc tế, các thoả thuận với các quốc gia khác; bảo vệ quyền của các kiều bào Trung Quốc ở nước ngoài và thực thi các chức năng khác theo sự uỷ quyền của Quốc hội

Những nguyên tắc chung được đưa vào nội dung Hiến pháp năm 1982 gồm: quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân (Article 2); quyền bình đẳng của mọi công dân Trung Quốc trước pháp luật (Article 4); nguyên tắc pháp trị (rule of law) áp dụng với cả Nhà nước và những chủ thể khác (Article 5); vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế (Articles: 14 - 15).

Các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được đưa vào Hiến pháp gồm: Quyền bình đẳng trước pháp luật (Article 33), quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, hội họp, quyền tự do lập hội, diễu hành, biểu tình (Article 35); quyền và nghĩa vụ đối với nền giáo dục (Article 46); nghĩa vụ thực hiện kế hoạch hoá gia đình (Article 49) và nghĩa vụ đóng thuế (Article 56).

Ngoài ra, khi nói đến luật hiếp pháp của Trung Quốc còn phải đề cập hai bản Tiểu Hiến pháp của Hong Kong và Macau. Đây là luật cơ bản được ban hành để thành lập các đặc khu hành chính này ở Trung Quốc.

II- Luật và các văn bản dưới luật

Nhìn chung, luật có thể do Quốc hội hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành. Uỷ ban thường vụ Quốc hội còn ban hành cả quy chế, quyết định và nghị quyết.

 

Văn bản dưới luật có thể do các cơ quan quyền lực và cơ quan quản lí nhà nước ở trung ương và địa phương ban hành. Ví dụ: Hội đồng Nhà nước, các bộ và các uỷ ban trực thuộc có quyền ban hành quy chế. Các cơ quan lập pháp và cơ quan quản lí nhà nước ở địa phương cũng có quyền ban hành quy chế áp dụng trong phạm vi địa phương mình. Các khu tự trị cũng có quyền ban hành các quy chế tự trị và quy chế đặc biệt.

Các đặc khu hành chính Hong Kong và Macau có quyền làm luật riêng với điều kiện các văn bản pháp luật đó không trái với Tiểu Hiến pháp và với Hiến pháp nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.

III- Điều ước quốc tế

Hiến pháp năm 1982 không quy định cụ thể về mối quan hệ giữa luật quốc tế và luật trong nước. Tuy nhiên, trên thực tế cách làm luật của Trung Quốc đã tự động coi luật quốc tế là bộ phận của pháp luật Trung Quốc, trừ trường hợp Trung Quốc bảo lưu một điều khoản nào đó trong điều ước quốc tế thì điều khoản đó sẽ không được đưa vào nội luật để thực thi.

IV- Phán quyết của Tòa

Khác với các hệ thống pháp luật thuộc truyền thống common law, Trung Quốc không có khái niệm tiền lệ pháp theo đúng nghĩa của nó. về phương diện lí thuyết, mỗi vụ án có bản án riêng của mình và sẽ không ràng buộc các toà án khác trong thực tiễn xét xử. Tuy nhiên, trên thực tế, thẩm phán của toà án nhân dân cấp dưới thường cố gắng tuân theo cách giải thích luật trong phán quyết của Toà án nhân dân tối cao. Hơn nữa, các toà án cấp trên có thể sử dụng phán quyết xét xử phúc thẩm của mình như bản án có giá trị ràng buộc toà án cấp dưới đã xét xử sơ thẩm vụ việc đó. Như vậy, phán quyết của toà ở mức độ nào đó cũng được coi là nguồn luật.

V- Đào tạo luật và nghề luật ờ Trung Quốc

1- Đào tạo Luật

Để lấy bằng cử nhân luật, sinh viên phải theo học ba năm tại trường đại học. Chương trình giảng dạy được thiết kế tương tự như ở các nước thuộc dòng họ civil law và tương phản với các nước thuộc dòng họ common law, đó là chủ yếu tập trung giảng dạy các bộ luật và đạo luật. Sinh viên buộc phải làm quen với rất nhiều loại luật khác nhau và vì thế ít có thời gian để đào sâu kiến thức. Trong vài năm gần đây, chương trình giảng dạy luật đã tăng cường nội dung mới đó là giảng dạy về những phán quyết điển hình của toà bên cạnh việc giảng dạy pháp luật thành văn.

Sau khi có bằng cử nhân luật, cử nhân có thể học tiếp để lấy bằng thạc sĩ luật học hoặc tiến sĩ luật học hoặc có thể dành ra hai năm thực tập nghề luật, tích lũy kinh nghiệm để tham dự kì thi do đoàn luật sư tổ chức hai lần trong một năm. Neu thí sinh vượt qua kì thi nói trên, thí sinh có thể nộp đơn xin cấp chứng chỉ hành nghề luật sư.

Tuy nhiên, những phẩm chất cần có của một luật sư có thể đạt được mà không cần có bằng cử nhân luật. Người có bằng cử nhân không phải là cử nhân luật đã hoàn tất ba năm thực tập về nghề luật để lấy kinh nghiệm hoặc đã làm việc với một thẩm phán hoặc một công tố viên cũng có thể được công nhận có đủ phẩm chất để hành nghề luật. Tuy nhiên, họ cũng phải tham dự kì thi do đoàn luật sư tổ chức.

2- Nghề luật

 

Đầu thập kỉ thứ tám của thế kỉ XX, cùng với việc thực hiện chính sách cải tố và mở cửa, Trung Quốc đã tăng cường quan hệ thương mại và hợp tác kĩ thuật với các nước trên thế giới và vì vậy nhiều công ti đa quốc gia đã tới Trung Quốc để mở rộng địa bàn kinh doanh. Trong bối cảnh đó, dịch vụ pháp lí nói riêng và nghề luật nói chung ở Trung Quốc đã bước đầu được coi trọng. Các công ti luật nước ngoài đã bắt đầu xâm nhập thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, mãi tới năm 1989, Chính phủ Trung Quốc mới nghiên cứu việc cho phép các công ti luật nước ngoài trực tiếp thành lập chi nhánh ở Trung Quốc và mãi tới ngày 01 tháng 7 năm 1992, được sự chấp thuận của Hội đồng Nhà nước, Bộ tư pháp Trung Quốc mới chính thức thực hiện chương trình thử nghiệm, cho phép các công ti luật nước ngoài được thành lập và hoạt động tại Trung Quốc. Nghề luật ở Trung Quốc, mặc dù vậy, vẫn ở giai đoạn đang hình thành và kém xa về mức độ phát triển so với nghề luật ở các nước phát triển.

Sau khi gia nhập WT0, hàng rào thuế quan của Trung Quốc được hạ thấp và sự thừa nhận nền kinh tế đa thành phần đã thu hút các công ti nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc. Các giao dịch thương mại quốc tế tăng vọt, tạo thêm việc làm cho các luật sư Trung Quốc đồng thời các doanh nghiệp trong nước cũng phải tổ chức lại và đối mặt với nhiều thách thức cần đến dịch vụ pháp lí do các luật sư cung cấp. Thực tế này đã đòi hỏi luật sư Trung Quốc phải được trang bị tốt không chỉ kiến thức pháp luật mà cần có cả ngoại ngữ. Trên thực tế, sau khi gia nhập WT0, nghề luật sư đã trở thành sự lựa chọn số một ở Trung Quốc.

 

Theo Luật luật sư của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa năm 1996, để trở thành luật sư ở Trung Quốc, ứng cử viên phải có được phấm chất nghề nghiệp bằng hai cách: vượt qua kì thi luật quốc gia hoặc được các cơ quan có thẩm quyền của ngành tư pháp công nhận. Chính phủ sẽ đứng ra tổ chức kì thi luật quốc gia để đánh giá thí sinh có đủ phẩm chất của luật sư hay không. Những người đã được đào tạo ba năm tại các khoa luật hoặc những người có bằng cử nhân hoặc bằng cao hơn trong các lĩnh vực khoa học khác đều có thể tham dự kì thi này để được công nhận có đủ phẩm chất của luật sư. Đây là một kì thi nổi tiếng về mức độ khó của bài thi và tỉ lệ đỗ rất thấp. Theo các con số thống kê, năm 2002 chỉ có 6.68% thí sinh dự tuyển được chấp nhận; năm 2003, 2004 và 2005 tỉ lệ này lần lượt là 8,75%, 11,22%, và 14,39%. Trong năm 2006, có hơn 280 thí sinh dự tuyển nhưng chỉ có vài thí sinh đỗ ngay lần thi đầu, phần lớn các thí sinh khác đều phải qua lần thi thứ ba, thứ năm và thậm chí phải thi lại rất nhiều lần mới đỗ.

Sau khi thi đỗ kì thi nói trên, ứng cử viên còn phải thực tập một năm tại văn phòng hay công ti luật. Chỉ sau khi đã hoàn tất thời gian thực tập, ứng cử viên mới được cấp chứng chỉ đó để hành nghề luật sư.

Những người đã được đào tạo bốn năm hoặc lâu hơn tại khoa luật và đã công tác trong lĩnh vực giảng dạy và nghiên cửu luật và có chức danh nghề nghiệp cao hoặc có phẩm chất nghề nghiệp tương ứng có thể nộp hồ sơ xin giấy phép hành nghề tại các cơ quan tư pháp có thẩm quyền của Hội đồng Nhà nước.

Giấy phép hành nghề luật sư cần được đăng kí lại hàng năm tại Văn phòng tư pháp tỉnh, thành phố hoặc khu tự trị. Những luật sư không tuân thủ quy định này, giấy phép hành nghề của họ sẽ bị vô hiệu hoá. Mỗi luật sư có giấy phép hành nghề hợp lệ chỉ được phép hành nghề tại một văn phòng luật sư, tại một thời điểm và hành nghề dưới danh nghĩa công ti hoặc văn phòng nơi họ là thành viên. Việc hành nghề của các luật sư không bị giới hạn về địa giới hành chính/Người đang làm công tác giảng dạy và nghiên cứu luật không được đồng thời là thành viên trong công ti luật hợp danh hoặc bất kì công ti luật nào.

Các luật sư bắt buộc phải tham gia vào đoàn luật sư địa phương. Thành viên của đoàn luật sư địa phương cũng đồng thời là thành viên đoàn luật sư quốc gia.

0 bình luận, đánh giá về Nguồn luật của hệ thống pháp luật Trung Quốc

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.87106 sec| 978.898 kb