Nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế

25/03/2023
Lê Thị Linh Chi
Lê Thị Linh Chi
Pháp luật quốc tế là hệ thống các nguyên tắc và quy phạm pháp luật, được các quốc gia và chủ thể khác của luật quốc tế thỏa thuận tạo dựng nên, trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng, nhằm điều chỉnh những quan hệ phát sinh giữa quốc gia và các chủ thể đó trong mọi lĩnh vực của đời sống quốc tế. Đó là các nguyên tắc và quy phạm áp dụng chung mà không có sự phân biệt về tính chất, hình thức hay vị thế của từng quốc gia khi thiết lập quan hệ quốc tế giữa những chủ thể này với nhau.

1- Tổng quan về nguyên tắc của Luật quốc tế

(i) Định nghĩa: Các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế được hiểu là những tư tưởng chính trị, pháp lý mang tính chỉ đạo, bao trùm, có giá trị bắt buộc chung đối với mọi chủ thể của Luật Quốc tế.

(ii) Phân loại: Tại Hiến chương Liên hiệp quốc có thể thấy 07 nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế bao gồm:

STT

     Nguyên tắc

1

     Bình đẳng về chủ quyền

2

     Pacta Sunt Servanda (Nguyên tắc thiện chí thực hiện các nghĩa vụ quốc tế)

3

     Cấm sử dụng vũ lực và đe doạ sử dụng vũ lực

4

     Hoà bình giải quyết các tranh chấp quốc tế

5

     Không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác

6

     Các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác

7

     Dân tộc tự quyết

(iii) Đặc điểm chung

Tính mệnh lệnh bắt buộc chung

- Mọi chủ thể phải tuân thủ; Không bị hủy bỏ;

- Trái với nguyên tắc cơ bản sẽ không có giá trị pháp lý;

- Không tuân thủ nguyên tắc cơ bản sẽ vi phạm pháp luật quốc tế.

Tính bao trùm

- Chuẩn mực xác định tính hợp pháp của toàn bộ hệ thống pháp luật quốc tế.

- Được thực hiện trong tất cả các lĩnh vực.

Tính hệ thống

- Các nguyên tắc không tồn tại đơn lẻ mà theo hệ thống, có quan hệ biện chứng với nhau.

Tính thừa nhận rộng rãi

- Được ghi nhận trong các Điều ước quốc tế và tồn tại dưới dạng Tập quán quốc tế.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực tư pháp quốc tế của Công ty Luật TNHH Everest

2- Phân tích các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế

[a] Nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia

CCPL: Khoản 1 Điều 2 Hiến chương Liên hiệp quốc: “Liên hiệp quốc được xây dựng trên nguyên tắc bình đẳng chủ quyền của tất cả các thành viên”.

Nội dung của nguyên tắc:

  • Các quốc gia bình đẳng về mặt pháp lý;
  • Mỗi quốc gia có chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ;
  • Mỗi quốc gia có nghĩa vụ tôn trọng quyền năng chủ thể của các quốc gia khác;
  • Sự toàn vẹn lãnh thổ và tính độc lập về chính trị là bất di bất dịch;
  • Mỗi quốc gia có quyền tự do lựa chọn và phát triển chế độ chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa của mình;
  • Mỗi quốc gia có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ và tận tâm các nghĩa vụ quốc tế của mình và tồn tại hòa bình cùng các quốc gia khác.

Theo nguyên tắc này, mỗi quốc gia đều có quyền bình đẳng sau:

  • Được tôn trọng về quốc thể, sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, về chế độ chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa;
  • Được tham gia giải quyết các vấn đề có liên quan đến lợi ích của mình;
  • Được tham gia các tổ chức quốc tế; hội nghị quốc tế với các lá phiếu có giá trị ngang nhau;
  • Được kí kết và gia nhập các điều ước quốc tế có liên quan;
  • Được tham gia xây dựng pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế bình đẳng với các quốc gia khác;
  • Được hưởng đầy đủ các quyền ưu đãi, miễn trừ và gánh vác các nghĩa vụ như các quốc gia khác.

Ngoại lệ của nguyên tắc:

  • Bị hạn chế chủ quyền quốc gia: Trường hợp này áp dụng đối với các quốc gia vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế và phải gánh chịu hậu quả xuất phát từ hành vi đó thông qua các biện pháp chế tài hoặc sự trừng phạt của cộng đồng quốc tế.
  • Tự hạn chế chủ quyền quốc gia: Hành động này xuất phát từ ý chí của quốc gia, chủ quyền của quốc gia là do quốc gia tự định đoạt, do đó hành vi này không vi phạm nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền của các quốc gia.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hành chính của Công ty Luật TNHH Everest

[b] Nguyên tắc thiện chí thực hiện các nghĩa vụ quốc tế (Pacta Sunt Servanda)

CCPL: Khoản 2 Điều 2 Hiến chương Liên hiệp quốc: “Tất cả các thành viên đều phải thực hiện một cách có thiện ý những nghĩa vụ mà họ phải đảm nhận theo Hiến chương này, nhằm đảm bảo hưởng toàn bộ các quyền và ưu đãi do tư cách thành viên mà có”.

Nội dung của nguyên tắc:

  • Mọi chủ thể có nghĩa vụ thực hiện tự nguyện và có thiện chí các nghĩa vụ quốc tế được xác lập theo pháp luật quốc tế;
  • Mọi quốc gia phải tuyệt đối tuân thủ việc thực hiện nghĩa vụ điều ước quốc tế, tuân thủ một cách triệt để, không do dự và không phụ thuộc vào các sự kiện xảy ra trong nước cũng như quốc tế;
  • Các quốc gia không có quyền kí kết điều ước quốc tế mâu thuẫn với nghĩa vụ của mình được quy định trong điều ước quốc tế hiện hành mà quốc gia kí kết hoặc tham gia kí kết trước đó với các quốc gia khác.
  • Không cho phép các quốc gia đơn phương ngừng thực hiện và xem xét lại điều ước quốc tế. Hành vi này chỉ được thực hiện với phương thức đình chỉ và xem xét hợp pháp theo sự thỏa thuận của các bên là thành viên điều ước.
  • Việc cắt đứt quan hệ ngoại giao hay quan hệ lãnh sự giữa các quốc gia thành viên của điều ước quốc tế không làm ảnh hưởng đến các quan hệ pháp lý phát sinh giữa các quốc gia, trừ trường hợp các quan hệ ngoại giao, quan hệ lãnh sự là đối tượng cho việc thực hiện điều ước quốc tế.
  • Các quốc gia thành viên điều ước quốc tế không được viện dẫn các quy định của pháp luật quốc gia để từ chối thực hiện nghĩa vụ của mình.

Ngoại lệ của nguyên tắc:

  • Khi Điều ước quốc tế có nội dung trái với Hiến chương Liên hiệp quốc, nguyên tắc cơ bản của Luật Quốc tế.
  • Quốc gia không phải thực hiện Điều ước quốc tế khi một trong các bên hoặc các bên vi phạm quy định của pháp luật quốc gia về thẩm quyền và thủ tục kí kết điều ước quốc tế.
  • Khi một thành viên không thực hiện nghĩa vụ điều ước của mình thì một hoặc các thành viên khác có quyền từ chối thực hiện nghĩa vụ.
  • Quốc gia có quyền từ chối thực hiện điều ước quốc tế khi có sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh (Rebus sis stantibus).

Xem thêm: Dịch vụ luật sư riêng của Công ty Luật TNHH Everest

[c] Nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực và đe doạ sử dụng vũ lực

CCPL: Khoản 4 Điều 2 Hiến chương Liên hiệp quốc 1945: “Tất cả các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kì quốc gia nào cũng như bằng cách khác trái với những mục đích của Liên hiệp quốc”.

Một số khái niệm:

  • Vũ lực là việc sử dụng lực lượng vũ trang hoặc phi vũ trang mà quốc gia này áp dụng với quốc gia khác.
  • Đe doạ sử dụng vũ lực là hành vi dùng sức mạnh vũ trang để gây sức ép với quốc gia khác, tập trung quân đội ở biên giới hoặc tập trận ở biên giới nhằm đe dọa quốc gia khác, ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh của quốc gia đó.
  • Xâm lược được hiểu là một hành động quân sự đe dọa trực tiếp đến quyền tự do (dân chủ) của một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ. (theo Nghị quyết 3314 năm 1974 của Đại hội đồng Liên Hiệp quốc)

Nội dung của nguyên tắc:

  • Cấm xâm chiếm lãnh thổ quốc gia khác trái với các quy phạm của Luật Quốc tế;
  • Cấm các hành vi trấn áp bằng vũ lực;
  • Không được cho quốc gia khác sử dụng lãnh thổ nước mình để tiến hành xâm lược chống quốc gia thứ ba;
  • Không tổ chức, xúi giục, giúp đỡ hay tham gia vào nội chiến hay các hành vi khủng bố tại quốc gia khác;
  • Không tổ chức hoặc khuyến khích việc tổ chức các băng nhóm vũ trang, lực lượng vũ trang phi chính qui, lính đánh thuê để đột nhập vào lãnh thổ quốc gia khác.

Ngoại lệ của nguyên tắc:

  • Thực hiện quyền tự vệ hợp pháp của quốc gia khi có sự tấn công vũ trang của quốc gia theo quy định tại Điều 51 Hiến chương Liên hiệp quốc. Hành vi tự vệ này chỉ được coi là hợp pháp khi đáp ứng được 2 điều kiện: [1] Có hành vi tấn công trên thực tế; [2] Hành vi đáp trả phải đảm bảo nguyên tắc tương xứng.
  • Sử dụng các biện pháp vũ trang và phi vũ trang theo Quyết định của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc.
  • Trường hợp này thông thường xảy ra với các chủ thể có hành vi vi phạm. Chỉ Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc mới có quyền ra quyết định sử dụng lực lượng vũ trang.
  • Sử dụng các biện pháp vũ trang và phi vũ trang để thực hiện quyền dân tộc tự quyết.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực thương mại của Công ty Luật TNHH Everest

[d] Nguyên tắc hoà bình giải quyết các tranh chấp quốc tế

CCPL: Khoản 3 Điều 2 Hiến chương Liên hiệp quốc 1945: “Tất cả các thành viên của Liên hiệp quốc giải quyết các tranh chấp quốc tế của họ bằng biện pháp hoà bình, sao cho không tổn hại đến hoà bình, an ninh quốc tế và công lý”.

Nội dung của nguyên tắc:

  • Theo Hiến chương Liên hiệp quốc, hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế là nghĩa vụ phải thực hiện của các quốc gia thành viên. Để giải quyết tranh chấp quốc tế, các quốc gia có thể lựa chọn một trong các biện pháp quy định trong Hiến chương hoặc tùy theo sự lựa chọn của mình sao cho phù hợp nhất, nhưng bắt buộc phải là các biện pháp hòa bình.
  • Điều 33 Hiến chương Liên hiệp quốc đã quy định các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế mà các bên có thể lựa chọn: “Các bên đương sự trong các cuộc tranh chấp... phải cố gắng tìm cách giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án, sử dụng những tổ chức hoặc những hiệp định khu vực, hoặc bằng các biện pháp hòa bình khác tùy theo sự lựa chọn của mình”.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực thương mại của Công ty Luật TNHH Everest

[đ] Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác

CCPL: Khoản 7 Điều 2 Hiến chương Liên Hiệp quốc: “Hiến chương này hoàn toàn không cho phép Liên hiệp quốc được can thiệp vào những công việc thực chất thuộc thẩm quyền nội bộ của bất cứ quốc gia nào và không đòi hỏi các thành viên của Liên hợp quốc phải đưa những công việc loại này ra giải quyết theo quy định của Hiến chương; tuy nhiên, nguyên tắc này không liên quan đến việc thi hành những biện pháp cưỡng chế nói ở chương VII”.

Khái niệm công việc nội bộ: Công việc nội bộ là tất cả những vấn đề thuộc thẩm quyền của quốc gia trên cơ sở chủ quyền, ngoại trừ các nghĩa vụ quốc tế mà quốc gia cam kết. Công việc nội bộ của quốc gia chính là công việc đối nội và công việc đối ngoại, gắn liền với hai chức năng cơ bản của nhà nước, bao gồm:

  • Việc lựa chọn và tiến hành đường lối chính trị và các chính sách kinh tế - văn hóa – xã hội để phát triển đất nước;
  • Việc thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của nhà nước và thiết lập quan hệ hợp tác với các chủ thể Luật Quốc tế;
  • Việc xây dựng và duy trì hoạt động của bộ máy nhà nước;
  • Việc quản lý và điều hành hoạt động của xã hội tuân theo quy định của pháp luật quốc gia.

Nội dung nguyên tắc:

  • Cấm can thiệp vũ trang và các hình thức can thiệp hoặc đe dọa can thiệp khác nhằm chống lại chủ quyền, nền tảng kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của quốc gia khác;
  • Cấm sử dụng các biện pháp kinh tế, chính trị và các biện pháp khác để bắt buộc quốc gia khác phụ thuộc vào mình;
  • Cấm tổ chức, khuyến khích các phần tử phá hoại hoặc khủng bố nhằm lật đổ chính quyền của quốc gia khác;
  • Cấm can thiệp vào cuộc đấu tranh nội bộ ở quốc gia khác;
  • Tôn trọng quyền của mỗi quốc gia tự lựa chọn cho mình chế độ chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa phù hợp với nguyện vọng của dân tộc.

Ngoại lệ của nguyên tắc:

  • Khi xảy ra xung đột nội bộ trong phạm vi lãnh thổ quốc gia. Về nguyên tắc, cộng đồng quốc tế không có quyền can thiệp vào xung đột nội bộ đó, tuy nhiên, nếu xung đột đó có nguy cơ lan rộng và đe dọa an ninh quốc tế thì cộng đồng quốc tế có quyền can thiệp theo quyết định của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc.
  • Khi quốc gia có các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

[e] Nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác

CCPL: Tuyên bố về các nguyên tắc cơ bản của Luật Quốc tế năm 1970 của Đại hội đồng Liên Hiệp quốc: “Mọi quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với các quốc gia khác trong các lĩnh vực của quan hệ quốc tế để gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế, khuyến khích sự ổn định và tiến bộ, lợi ích chung của các dân tộc và hợp tác quốc tế mà không có sự phân biệt về sự khác nhau về chế độ chính trị, kinh tế và văn hóa”.

Nội dung nguyên tắc:

  • Các quốc gia phải hợp tác với các quốc gia khác trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế;
  • Các quốc gia phải hợp tác để khuyến khích sự tôn trọng chung và tuân thủ quyền con người và các quyền tự do cơ bản khác của cá nhân, thủ tiêu các hình thức phân biệt tôn giáo, sắc tộc, chủng tộc;
  • Các quốc gia phải tiến hành quan hệ quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, thương mại và kĩ thuật, công nghệ theo các nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau;
  • Các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc phải thực hiện các hành động chung hay riêng trong việc hợp tác với Liên hiệp quốc theo quy định của Hiến chương;
  • Các quốc gia phải hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ nhằm khuyến khích sự tiến bộ về văn hóa, giáo dục, phát triển kinh tế trên toàn thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực tư pháp quốc tế của Công ty Luật TNHH Everest

[f] Nguyên tắc dân tộc tự quyết

CCPL: Tuyên bố về những nguyên tắc cơ bản của Luật Quốc tế năm 1970 của Đại hội đồng Liên hiệp quốc: “Tất cả các dân tộc có quyền tự do quyết định chế độ chính trị và theo đuổi sự phát triển về kinh tế, xã hội và văn hóa của mình mà không có bất kì sự can thiệp nào từ bên ngoài. Tất cả các quốc gia có nghĩa vụ phải tôn trọng quyền này, phù hợp với các điều khoản của Hiến chương Liên hợp quốc”.

Khái niệm dân tộc tự quyết: Dân tộc tự quyết là quyền của mỗi dân tộc trong việc quyết định vận mệnh chính trị của mình thể hiện ở tổng thể các quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm của mỗi dân tộc và được ghi nhận trong các văn bản pháp luật quốc tế và quốc gia. Tất cả các quyền này của mỗi dân tộc đều được các dân tộc và các quốc gia khác tôn trọng.

Nội dung nguyên tắc:

  • Được thành lập quốc gia độc lập hay cùng với các dân tộc khác thành lập quốc gia liên bang (hoặc đơn nhất) trên cơ sở tự nguyện;
  • Tự lựa chọn cho mình chế độ kinh tế, chính trị, xã hội;
  • Tự giải quyết các vấn đề đối nội không có sự can thiệp từ bên ngoài;
  • Quyền của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc tiến hành đấu tranh, kể cả đấu tranh vũ trang để giành độc lập và nhận sự giúp đỡ, ủng hộ từ bên ngoài, kể cả giúp đỡ về quân sự;
  • Tự do lựa chọn con đường phát triển phù hợp với truyền thống, lịch sử văn hóa, tín ngưỡng, điều kiện địa lí.

Nguồn tham khảo: Tổng hợp từ Chương II Giáo trình Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, NXB Công an nhân dân, 2014 và các nguồn khác.

3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết. 

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org. vn.

0 bình luận, đánh giá về Nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.89016 sec| 1026.984 kb