Pháp luật phong kiến

02/04/2023
Phạm Nhật Thăng
Phạm Nhật Thăng
Nhà nước và xã hội phong kiến hình thành một cách chậm chạp do tính bền vững của chế độ công xã và chế độ chiếm hữu nô lệ. Trong một thời gian dài, nhà nước phong kiến duy trì pháp luật cũ, chủ yếu là tập quán pháp phù hợp với lợi ích của giai cấp địa chủ phong kiến. Ngoài pháp luật chung (chủ yếu là các tập quán pháp và mệnh lệnh của vua), mỗi vùng lãnh thổ đều có luật lệ riêng.

1- Bản chất của pháp luật phong kiến

Tính chất bền vững của chế độ công xã và chế độ chiếm hữu nô lệ làm cho chế độ phong kiến hình thành và phát triển rất chậm chạp. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời phát triển chậm chạp của pháp luật phong kiến. Trong một thời gian dài, nhà nước phong kiến vẫn duy trì pháp luật cũ mà hình thức chủ yếu là tập quán pháp phù hợp với lợi ích của giai cấp địa chủ phong kiến. Ngoài pháp luật chung của cả nước (chủ yếu là các tập quán pháp và mệnh lệnh của vua) thì ở mỗi vùng lãnh thổ của đất nước đều có luật lệ riêng của mình. Chúng được các chúa đất, các cộng đồng dân cư tự xây dựng nên rất phong phú và đa dạng. Do vậy, tính tản mạn, cát cứ là một đặc tính nổi bật của pháp luật phong kiến.

Dù là pháp luật của cả nước hay luật lệ của mỗi vùng lãnh thổ thì pháp luật phong kiến cũng đều thể hiện ý chí của giai cấp địa chủ phong kiến, quy định, củng cố sự thống trị của địa chủ phong kiến đối với nông dân. Ra đời, tồn tại, phát triển trên cơ sở quan hệ sản xuất phong kiến với sự chiếm hữu của địa chủ phong kiến đối với đất đai và các tư liệu sản xuất khác, pháp luật phong kiến là công cụ chuyên chính trong tay giai cấp địa chủ phong kiến. Nó ghi nhận sự bất bình đẳng giữa các đẳng cấp khác nhau trong xã hội, sự phụ thuộc của người nông dân vào giai cấp địa chủ, nó bảo vệ các hình thức áp bức, bóc lột của địa chủ phong kiến đối với nông dân.

Có thể nói, pháp luật phong kiến là công cụ bảo đảm sự thống trị về kinh tế, chính trị và tinh thần của giai cấp địa chủ phong kiến trong xã hội, "về bản chất, tất cả các luật pháp đó chung quy chỉ là nhằm một mục đích duy nhất là duy trì chính quyền của chúa phong kiến đối với nông nô". Là công cụ quản lý xã hội, pháp luật phong kiến còn mang tính xã hội tích cực. Nó là phương tiện để nhà nước phong kiến thực hiện việc quản lý xã hội, triển khai những công việc chung của xã hội, xác lập, ghi nhận hệ thống các quan hệ xã hội của một xã hội cao hơn, tiến bộ hơn so với xã hội chiếm hữu nô lệ.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

2- Những đặc điểm cơ bản của pháp luật phong kiến

[a] Pháp luật phong kiến là pháp luật đẳng cấp và đặc quyền

Theo quy đình của pháp luật phong kiến thì xã hội phong kiến được chia thành nhiều đẳng cấp khác nhau, thậm chí trong một tổ chức, một gia đình, một cộng đồng cũng có sự phân biệt về thứ bậc, phẩm trật. Việc phân chia xã hội thành nhiều đẳng cấp khác nhau có tác dụng để tạo ra tôn ty trật tự giữa các thành viên trong gia đình, giữa người sang kẻ hèn trong xã hội và giữa vua tôi quân thần trong quốc gia. Mỗi đẳng cấp, mỗi thứ bậc có địa vị xã hội khác nhau và có địa vị pháp lý khác nhau. Pháp luật phong kiến công khai tuyên bố cho mỗi đẳng cấp có những đặc quyền riêng. Đặc quyền của các đẳng cấp phụ thuộc vào chức tước, danh vị, xuất thân, thậm chí cả tôn giáo mà họ theo ...

Trong xã hội phong kiến. vua có toàn quyền; chúa, địa chủ lớn, tăng lữ có rất nhiều quyền (chúa phong kiến có quyền xét xử nông dân, đặt ra luật lệ, quyền thu thuế, quyền tịch thu tài sản của nông dân. Lãnh chúa không những định đoạt một cách tùy tiện tài sản của nông dân mà cả thân thể họ, thân thể vợ con của họ nữa. Bất kì lúc nào muốn là lãnh chúa cũng có thể tống nông dân vào nhà giam ... Lãnh chúa có thể đánh người nông dân đến chết hoặc ra lệnh chặt đầu họ nếu hắn muốn. "Như vậy, một mình tên địa chủ vừa là nhà làm luật, vừa là quan toà, vừa là người thì hành bản án, là bị chúa tế có toàn quyền ở trang ấp của mình". Tầng lớp thị dân và những người khác có một ít quyền còn nông dân thì hầu như không có quyền gì đáng kể.

Tính chất đặc quyền của pháp luật phong kiến còn thể hiện ở việc quy định sự trừng phạt khác nhau căn cứ vào đẳng cấp, thứ bậc của người phạm tội và người bị hại trong xã hội. Xâm hại tới vua, chúa, quan lại, những người có địa vị trong xã hội, thậm chí chỉ là những người thân của họ thì đều bị trừng trị rất nặng. Tất cả mọi sự phản kháng chống lại chính quyền của vua đều bị tội chết. Còn những hành vi xâm hại tới thường dân chỉ bị trừng phạt rất nhẹ (ở một số nước hồi giáo còn quy định nếu giết người không theo đạo hồi hoặc giết phụ nữ thì mức phạt thấp hơn so với các trường hợp khác).

Pháp luật phong kiến cũng quy định cùng một hành vi phạm tội. Nếu người phạm tội có địa vị cao trong xã hội thì hình phạt rất thấp, thậm chí có thể dùng tiền để chuộc tội kể cả tội giết người và tội cố ý gây thương tích. Người thân (vợ, con ...) của những người có chức vụ, quyền hạn mà phạm tội cũng được giảm hình phạt theo quan phẩm của vợ (chồng), cha (mẹ) họ. Tính chất đặc quyền và sự bất bình đẳng trong pháp luật phong kiến đã được phản ánh trong câu ngạn ngữ Trung Quốc là "Lễ nghi không tới thu dân, hình phạt không tới trượng phu".

[b] Pháp luật phong kiến dung túng việc sử dụng bạo lực và sử dụng tuỳ tiện của những kẻ mạnh trong xã hội

Pháp luật phong kiến hợp pháp hoá sự chuyên quyền, tùy tiện sử dụng bạo lực của giai cấp địa chủ phong kiến. Ăng ghen đã viết: "Trong những chương giáo huấn của bộ luật Carôlina nói đến việc "cắt tai", "xẻo mũi", "khoét mắt", "chặt ngón tay và bàn tay", "chặt đầu", “buộc vào bánh xe đánh cho gẫy chân tay", "thiêu đốt", "kẹp bằng kìm nung đỏ, "phân thây"... không một chương nào mà bọn lãnh chúa nhân hậu và bọn bảo hộ lại không thể áp dụng với nông dân của chúng, tùy theo sở thích".

Pháp luật phong kiến cho phép địa chủ tự mình xét xử nông dân, cho phép tra tấn khi hỏi cung, điều tra. Pháp luật phong kiến còn cấm nông dân rời bỏ ruộng đất của địa chủ để đi nơi khác. Nếu nông dân bỏ trốn mà bị bắt thì sẽ giao cho chủ toàn quyền định đoạt. Sự tùy tiện trong pháp luật phong kiến có thể lấy Điều 35 Hoàng Việt luật lệ về tội bất ưng vi là một điển hình (phàm những việc không nên làm mà làm thì phải phạt 40 roi, nếu việc quan trọng thì phạt 80 trượng). Pháp luật phong kiến cho phép sử dụng bạo lực để giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn, thừa nhận chân lý thuộc về kẻ mạnh. Ví dụ: Những quy định về đấu súng, đấu kiếm ở châu âu.

Tòa án phong kiến có thể xét xử bất kỳ một vụ kiện nào từ việc nhà nước đến việc thuộc về đạo đức, tín ngưỡng, nghệ thuật ... Toà án sau khi đã tuyên án (nhiều khi chỉ bằng miệng) là bản án phải được thực hiện ngay tức thì.

[c] Pháp luật phong kiến rất hà khắc, dã man

Mục đích hình phạt trong pháp luật phong kiến chủ yếu là gây đau đớn về thể xác và tinh thần cho con người, làm nhục, hạ thấp con người. Chính vì vậy, các biện pháp như chặt đầu, treo cổ, dìm xuống nước, chôn sống, thiêu sống, chặt chân tay, thích chữ vào mặt, ném vạc dầu, cho hổ ăn thịt ... được áp dụng rộng rãi.

Ở Việt Nam. Hoàng Việt luật lệ quy định các hình thức thi hành án tử hình là: Lăng trì (cắt, xẻo thịt phạm nhân cho đến chết, róc thịt phạm nhân, móc mắt phạm nhân); trảm khiêu (chém bêu đầu); lục thi (chém băm xác phạm nhân). Quốc triều hình luật tuy đã có những tiến bộ nhất định nhưng vẫn quy định hệ thống hình phạt (ngũ hình) tàn bạo, đó là: Suy (đánh bằng roi); Trượng (đánh bằng gậy); Đồ (tù khổ sai); Lưu (lưu đày); Tử (giáo - thắt cổ, trảm - chém, trảm khiêu, lăng trì).

Pháp luật phong kiến còn cho phép áp dụng trách nhiệm hình sự liên đới, nghĩa là, cả những người thân, quen của phạm nhân cũng phải chịu trách nhiệm như phạm nhân mặc dù họ không liên quan gì tới việc thực hiện tội phạm. Chế độ trách nhiệm hình sự liên đới thường được áp dụng theo hai nguyên tắc: thứ nhất, đối với những người có cùng huyết thống, dòng tộc hoặc có quan hệ hôn nhân với người phạm tội; thứ hai, đối với những người có quan hệ làng xóm, đồng cư với người phạm tội. Do vậy, trong xã hội phong kiến một người làm quan thì cả họ được nhờ, còn một người phạm tội thì cả cộng đồng (tập thể) phải chịu. Những hình phạt tàn khốc như giết cả một cộng đồng (cả làng, cả xã...) tru di tam tộc tru di cửu tộc ... đôi khi cũng được áp dụng trong xã hội phong kiến. Với chế độ trách nhiệm hình sự liên đới pháp luật phong kiến đã hạn chế được những sự manh động làm liều của những người dân trong xã hội phong kiến.

[d] Pháp luật phong kiến có nhiều quy định mang tính chất tôn giáo và đạo đức phong kiến

Đó sự liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước và các tổ chức tôn giáo trong xã hội phong kiến nên tổ chức tôn giáo trong nhiều trường hợp đã can thiệp vào cồng việc nhà nước và ngược lại, Nhà nước cũng can thiệp vào các công việc tôn giáo. Điều này đã dẫn đến Nhà nước phong kiến ghi nhận nhiều quy định của lễ, giáo, đạo đức phong kiến thành những quy định của pháp luật phong kiến. Chẳng hạn, Quốc triều hình luật ở Việt Nam có nhiều quy định về nghĩa vụ của con cái như không được kiện cha mẹ (Điều 5/1); phải che dấu tội của cha mẹ (Điều 504); để tang cha mẹ (Điều 543); chịu thay hình phạt roi hoặc gậy của cha mẹ (Điều 38) ... Hoàng Việt luật lệ đã dành hẳn quyển 9 Lễ luật để quy định về lễ nghĩa thủ tục, nghi thức về tang lễ, quy định về việc lấy vợ của các sư nam và đạo sĩ... Ơ một số nước, vua đồng thời là giáo chủ còn quản lý đất nước bằng những quy định của kinh thánh. Ví dụ: Theo Điều 642 Quốc triều hình luật thì tất cả những hành vi trái với phong tục tập quán, lễ giáo và đạo đức phong kiến đều bị pháp luật trừng trị (việc lớn xử tội đồ hay lưu việc nhỏ xử tội biếm hoặc phạt tiền và hiện vật); Ơ các nước hồi giáo người dân không đi lễ ở nhà thờ cũng bị coi là phạm tội.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư ly hôn của Công ty Luật TNHH Everest

3- Hình thức của pháp luật phong kiến

Xã hội phong kiến phát triển rất chậm chạp, nền kinh tế phân tán, manh mún, đất nước thường bị chia cắt thành nhiều khu vực với những đặc điểm về dân cư, văn hoá, kinh tế, chính trị rất khác nhau. Chính vì vậy, pháp luật phong kiến cũng mang tính phân tán. Hình thức phổ biến của pháp luật phong kiến là tập quán pháp. Có những nước số lượng tập quán pháp có tới trên 300 loại. Ơ mỗi vùng lãnh thổ của mình các chúa đất, địa chủ thường đặt ra luật lệ riêng của mình cùng song song tồn tại với luật lệ của vua. Vua, chúa phong kiến thường ban hành pháp luật chủ yếu dưới dạng lệnh, chiếu chỉ .. cũng có khi chỉ là khẩu lệnh.

Tuy vậy, nhiều Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đã có những bộ luật chung cho cả nước được biên soạn khá công phu. Ví dụ: Nhà nước phong kiến Việt Nam đã ban hành Quốc triều hình luật (Luật Hồng đức) năm 1483 và Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia long ) năm 1815. Thông thường thì những bộ luật do Nhà nước phong kiến ban hành trong đó quy định một cách tổng hợp các lĩnh vực: Hình sự, dân sự, tài chính, hôn nhân gia đình ... chưa mang tính hệ thống hoá cao.

Xuất phát từ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và chính sách địa phương chủ nghĩa các nhà nước phong kiến thường thừa nhận cho các cộng đồng dân cư như làng xã các quyển tự quản tương đối rộng lớn đối với các công việc trong phạm vi nội bộ cộng đồng của mình, vì vậy, trong xã hội phong kiến, ngoài pháp luật của Nhà nước (phép vua) thì mỗi địa phương cũng tự đặt cho mình hàng loạt quy định dưới dạng “lệ làng" (hương ước). Đối với nông dân ở các địa phương, trong nhiều trường hợp lệ làng (hương ước)... còn quan trọng hơn cả pháp luật của Nhà nước như dân gian vẫn có câu "phép vua thua lệ làng".

Nền dân chủ làng xã với những thiết chế của làng xã đã góp phần đưa pháp luật của nhà nước vào đời sống xã hội, củng cố tinh thần cộng đồng, duy trì trật tự trong làng xã vì sự phát triển của cả cộng đồng. Ơ góc độ khác thì lệ làng, hương ước bắt người dân phải tuân theo nhiều thủ tục phức tạp, nhiều tục lệ nặng nề, hà khắc, đôi khi trái với cả những quy định tiến bộ của pháp luật phong kiến. Có thể nói người nông dân trong xã hội phong kiến không được pháp luật công nhận với tư cách là cá nhân mà họ bị hoà tan trong cái chung của làng xã, cộng đồng, họ mạc.

Xem thêm: Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

4- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Pháp luật phong kiến được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Pháp luật phong kiến có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 024 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Pháp luật phong kiến

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.53245 sec| 990.461 kb