Pháp luật quy định về hợp đồng điện tử
Hợp đồng điện tử là gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 33 Luật Giao dịch điện tử 2005, quy định khái niệm hợp đồng điện tử như sau:
“Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định của Luật này.”
Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử.
Trong đó, phương tiện điện tử là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự.
Giao kết hợp đồng điện tử là sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch trong quá trình giao kết hợp đồng. Lúc này, thông báo dưới dạng thông điệp dữ liệu có giá trị pháp lý như thông báo bằng hợp đồng truyền thống.
Điểm khác biệt giữa hợp đồng điện tử và hợp đồng truyền thống
Hợp đồng điện tử vẫn là hợp đồng, do đó vẫn có những đặc điểm, nguyên tắc như hợp đồng truyền thống. Dù vậy, hợp đồng điện tử vẫn có những đặc điểm khác biệt cơ bản so với hợp đồng thông thường như sau:
Thứ nhất, thể hiện bằng thông điệp dữ liệu điện tử
- Đặc điểm nổi bật nhất của hợp đồng điện tử chính là hình thức thể hiện. Trong giao kết hợp đồng điện tử, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác thì đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận giao kết hợp đồng được thực hiện thông qua thông điệp dữ liệu điện tử.
- Có sự tham gia của ít nhất 3 chủ thể trong giao kết hợp đồng
- Bên cạnh 2 chủ thể giao kết thông thường như trong hợp đồng truyền thống là bên bán và bên mua thì trong hợp đồng điện tử còn có sự xuất hiện của bên thứ ba có liên quan chặt chẽ đến hợp đồng điện tử - đó là các nhà cung cấp các dịch vụ mạng và các cơ quan chứng thực chữ ký điện tử. Bên thứ ba này không tham gia vào quá trình đàm phán, giao kết hay thực hiện hợp đồng điện tử mà họ tham gia với tư cách là các cơ quan hỗ trợ nhằm đảm bảo tính hiệu quả và giá trị pháp lý cho việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử.
Thứ hai, phạm vi áp dụng có phần bị hạn chế
Theo quy định tại Điều 1 Luật Giao dịch điện tử 2005 thì các giao dịch điện tử chỉ được áp dụng trong một số lĩnh vực cụ thể: các hoạt động của các cơ quan Nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định mà không áp dụng đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác.
Thứ ba, tính phi biên giới
Do hợp đồng điện tử được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu nên không yêu cầu hai bên giao kết trong hợp đồng phải gặp mặt trực tiếp để ký kết. Điều này có nghĩa là dù ở bất cứ đâu, khi nào thì hai bên cũng có thể chủ động thực hiện ký kết hợp đồng.
Thứ tư, tính vô hình, phi vật chất
Môi trường điện tử là môi trường số hóa nên các hợp đồng điện tử mang tính vô hình, phi vật chất, nghĩa là hợp đồng điện tử tồn tại, được chứng minh, được lưu trữ bởi các dữ liệu điện tử không thể cầm nắm hay cảm nhận được.
Thứ năm, tính hiện đại, chính xác
Tính hiện đại của hợp đồng thể hiện ở chỗ hợp đồng điện tử được giao kết dựa trên việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại, là kết quả của sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ trong thời đại hiện nay. Việc sử dụng các công nghệ này đem lại độ chính xác cho các giao dịch. Trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay, hợp đồng điện tử sẽ là xu hướng mới sẽ dần thay thế cho phương thức hợp đồng giấy truyền thống trong tương lai.
Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử
Điều 14 và Điều 34 trong Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đã khẳng định hợp đồng điện tử có giá trị pháp lý giống như hợp đồng truyền thống. Doanh nghiệp có thể sử dụng hình thức giao kết hợp đồng điện tử trong một số lĩnh vực cho phép như: dân sự, thương mại, kinh doanh, hoạt động của cơ quan Nhà nước và 1 số lĩnh vực theo quy định Pháp luật.
Tính pháp lý của hợp đồng điện tử được thừa nhận tại chương 4 Giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 năm 2005. Theo quy định tại Điều 34, Thừa nhận giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử: “Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu.”
Cũng theo Điều 14 Luật Giao dịch điện tử 2015, Thông điệp dữ liệu có giá trị làm chứng cứ, cụ thể là:
“1. Thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một thông điệp dữ liệu.
Giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.”
Như vậy, có thể thấy pháp luật Việt Nam công nhận hiệu lực của các hợp đồng điện tử nếu hợp đồng đó thực hiện theo đúng quy định. Các doanh nghiệp có thể hoàn toàn yên tâm khi sử dụng hình thức giao kết hợp đồng điện tử để tối ưu về quy trình kinh doanh và chi phí hoạt động.
Tại Khoản 1, Điều 9 Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, để hợp đồng điện tử được pháp luật Việt Nam công nhận có giá trị pháp lý, cần đảm bảo 2 điều kiện sau:
- Đảm bảo đủ tin cậy về tính toàn vẹn của thông tin trong hợp đồng: Tính vẹn toàn của thông tin được thể hiện ở chỗ thông tin còn đầy đủ, chưa bị chỉnh sửa hay bị thay đổi, trừ những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình lưu trữ, hiển thị, trao đổi chứng từ điện tử.
- Thông tin trong hợp đồng điện tử có thể truy cập: Thông tin cho phép truy cập và được sử dụng dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết. Việc sửa đổi hợp đồng chỉ được thực hiện khi hợp đồng đã có hiệu lực và khi có sự đồng ý của các bên tham gia.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm