Pháp Luật về Công ty cho thuê tài chính

22/02/2023
Dịch vụ cho thuê tài chính khá phổ biến và các tổ chức kinh doanh dịch vụ này cũng rất đa dạng. Nếu trước đây chỉ có các công ti tài chính hoạt động cho thuê tài chính thì hiện nay ngoài công ti tài chính còn có cả các ngân hàng, công ti bảo hiểm, các công ti môi giới thực hiện các giao dịch này. ở Việt Nam, dịch vụ cho thuê tài chính do các công ti cho thuê tài chính và ngân hàng cung cấp. Tuy nhiên, trường hợp ngân hàng muốn hoạt động cho thuê tài chính phải thành lập hoặc mua lại công ti con, công ti liên kết để thực hiện hoạt động cho thuê tài chính. Như vậy, thực chất chỉ có các công ti cho thuê tài chính độc lập và công ti cho thuê tài chính trực thuộc ngân hàng được trực tiếp cung cấp dịch vụ cho thuê tài chính.

1- Thành lập công ti cho thuê tài chính

Trước khi Luật doanh nghiệp năm 2005 có hiệu lực, công ti cho thuê tài chính có thể được thành lập dưới các hình thức công ti thuộc sở hữu nhà nước, công ti cổ phần, công ti con của các tổ chức tín dụng, công ti liên doanh và công ti 100% vốn các tổ chức tín dụng nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam kinh doanh dịch vụ cho thuê tài chính cũng có hai sự lựa chọn. Một là, kí kết hợp đồng liên doanh với một hoặc nhiều tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp Việt Nam để thành lập công ti cho thuê tài chính liên doanh dưới dạng công ti trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Hai là, bỏ toàn bộ nguồn vốn cần thiết đề thành lập công ti cho thuê tài chính 100% vốn nước ngoài dưới dạng công ti trách nhiệm hữu hạn. Ngoài ra, các công ti cho thuê tài chính còn có thể mở chi nhánh, văn phòng đại diện trong nước và ngoài nước nếu được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Như vậy, công ti cho thuê tài chính chỉ được thành lập dưới một trong hai hình thức: công ti trách nhiệm hữu hạn hoặc công ti cổ phần. Chính vì vậy, các công ti cho thuê tài chính sẽ phải chịu sự điều chỉnh của Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành hai đạo luật này song song với các quy định có tính chuyên ngành của pháp luật về cho thuê tài chính. Ở các nước phát triển trước đây, thủ tục thành lập các định chế tài chính (financial institutions) tương đối đơn giản. Do diễn biến xấu của thị trường tài chính, các chính phủ đã thắt chặt hơn quy chế thành lập các định chế tài chính này và việc đưa ra các điều kiện tiên quyết để được thành lập các định chế tài chính đã được luật hoá ở nhiều nước. Ví dụ ở Mỹ, từ cuối thế kỉ XVIII đến trước cuộc khủng hoảng thị trường tài chính năm 1929, được coi là kỉ nguyên tự do của các định chế tài chính. Các sáng lập viên của các định chế tài chính chỉ cần có mức vốn tối thiểu theo quy định của pháp luật là được chính quyền bang chuẩn y điều lệ hoạt động. Sau cuộc khủng hoảng thị trường tài chính nói trên, yêu cầu về thành lập các định chế tài chính ở Mỹ trở nên chặt chẽ hơn. Ngoài yêu cầu về mức vốn tối thiểu, các yêu cầu khác về khả năng quản lí, về nhu cầu của thị trường... đã được đặt ra. Ngoài ra, các sáng lập viên còn phải đệ đơn để xin được chuẩn y điều lệ hoạt động. Ở Nhật, để thành lập các định chế tài chính cần phải có giấy phép thành lập do Thủ tướng Chính phủ cấp.

Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng đề ra các điều kiện mà các tổ chức muốn hoạt động cho thuê tài chính phải thoả mãn. Các điều kiện này chủ yếu liên quan tới khả năng về vốn, về phương án kinh doanh khả thi của công ti cho thuê tài chính tương lai; liên quan tới năng lực tài chính, uy tín và trình độ chuyên môn của các thành viên sáng lập và người quản trị, điều hành. Đối với bên nước ngoài trong các công ti liên doanh hoặc công ti 100% vốn nước ngoài muốn hoạt động cho thuê tài chính còn phải thoả mãn thêm một số điều kiện như:

1) Được phép thực hiện hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật nước nguyên xứ;

2) Hoạt động dự kiến xin phép thực hiện tại Việt Nam phải là hoạt động tổ chức tín dụng đó được phép thực hiện tại nước nguyên xứ;

3) Phải có hoạt động lành mạnh, đáp ứng các điều kiện về tài sản, tài chính và tỉ lệ đảm bảo an toàn theo pháp luật Việt Nam;

4) Phải cam kết bằng văn bản hỗ trợ về tài chính, công nghệ, quản trị, điều hành cho công ti cho thuê tài chính mở tại Việt Nam, đảm bảo duy trì vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định;

5) Có bản thoả thuận được kí kết giữa cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài và Ngân hàng Nhà nước về hoạt động thanh tra, giám sát phù hợp với thông lệ quốc tế. Quy định mới này cho thấy các nhà làm luật đã cẩn trọng hơn trong quá trình soạn luật nhằm tăng cường khả năng đảm bảo an toàn trong kinh doanh của các công ti cho thuê tài chính có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Ngoài ra, tuỳ thuộc vào việc công ti cho thuê tài chính được thành lập dưới hình thức công ti cổ phần hay công ti trách nhiệm hữu hạn mà cổ đông sáng lập hoặc thành viên sáng lập còn phải thoả mãn thêm một số điều kiện khác theo quy định của pháp luật.

Hội đủ các điều kiện nói trên, chủ thể có nguyện vọng kinh doanh dịch vụ cho thuê tài chính phải gửi hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động tới Ngân hàng nhà nước. Để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thẩm định hồ sơ và cấp phép của Ngân hàng Nhà nước, hồ sơ nói trên phải đảm bảo cung cấp đầy đủ những thông tin cần thiết, thể hiện dưới hình thức văn bản như: đơn xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động; dự thảo điều lệ hoạt động; các giấy tờ thể hiện phương án hoạt động và lợi ích kinh tế của công ti; giấy tờ chứng minh năng lực, trình độ chuyên môn của những người sáng lập và của đội ngũ cán bộ lãnh đạo công ti; giấy tờ chứng minh năng lực tài chính và phương án góp vốn của các thành viên hay cổ đông của công ti; minh chứng về sự chấp thuận của cơ quan quản lí nhà nước ở địa phương nơi đặt trụ sở của công ti cho thuê tài chính. Riêng đối với bên nước ngoài muốn xin giấy phép thành lập và hoạt động dưới hình thức công ti cho thuê tài chính liên doanh hay công ti cho thuê tài chính 100% vốn nước ngoài, trong hồ sơ xin cấp phép còn phải có thêm minh chứng về sự tồn tại và phương thức hoạt động của mình ở nước ngoài; về sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài cho phép bên nước ngoài đó được hoạt động tại Việt Nam; về tình hình tài chính và tình hình kinh doanh của bên nước ngoài trong những năm liền kề; phải có dự thảo hợp đồng liên doanh nếu dự định thành lập công ti cho thuê tài chính liên doanh.

Nếu hồ sơ xin cấp giấy phép của các đối tượng nói trên được Ngân hàng nhà nước chấp thuận, công ti cho thuê tài chính phải nộp lệ phí cấp phép theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí và phải hoàn tất một số yêu cầu theo quy định của pháp luật trước khi bước vào hoạt động. Ví dụ: công ti phải có giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh, có điều lệ được Ngân hàng nhà nước chuẩn y, có đủ vốn pháp định, phần vốn góp bằng tiền phải gửi vào tài khoản phong toả tại Ngân hàng nhà nước; công ti phải có trụ sở hoạt động phù hợp với yêu cầu kinh doanh...

2- Bộ máy quản lý công ty cho thuê tài chính

Do công ti cho thuê tài chính được tổ chức dưới hai hình thức: công ti trách nhiệm hữu hạn (CTTNHH) và công ti cổ phần (CTCP), vì vậy ứng với mỗi hình thức tổ chức đó, công ti cho thuê tài chính sẽ có bộ máy quản lí riêng.
Công ti cho thuê tài chính được tổ chức dưới hình thức CTTNHH một hoặc hai thành viên có bộ máy quản lí gồm hội đồng thành viên, ban kiểm soát, tổng giám đốc (giám đốc).
Công ti cho thuê tài chính được tổ chức dưới hình thức CTCP có bộ máy quản lí gồm đại hội cổ đông, hội đồng quản trị, ban kiểm soát và tổng giám đốc (hoặc giám đốc).

a) Hội đồng thành viên, hội đồng quản trị

Hội đồng thành viên (trong CTTNHH), Hội đồng quản trị (trong CTCP) - gọi chung là Hội đồng quản trị - là cơ quan quản lí có toàn quyền quyết định và thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công ti cho thuê tài chính nhân danh công ti, trừ những vấn đề thuộc thẩm quyền của chủ sở hữu (CTTNHH) hay đại hội cổ đông (CTCP) có toàn quyền thay mặt công ti để ra quyết định và thực hiện hầu hết các quyền, nghĩa vụ của công ti trừ những vấn đề thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông (đối với CTCP) hoặc thuộc chủ sở hữu (đối với CTTNHH) và có quyền sử dụng con dấu của công ti để thực hiện nhiệm vụ của mình.

Trước đây, pháp luật ngân hàng quy định hội đồng quản trị có ít nhất 3 thành viên nhưng hiện nay cho phép điều lệ công ti cho thuê tài chính được quy định cụ thể về số thành viên của hội đồng quản trị nhưng không trái những quy định có liên quan của Luật doanh nghiệp. Nhiệm kì của hội đồng quản trị không quá 05 năm và nhiệm kì của thành viên hội đồng theo nhiệm kì của hội đồng quản trị. Các thành viên hội đồng quản trị có thể được bầu lại với số nhiệm kì không hạn chế nhưng cũng có thể bị miễn nhiệm, bãi nhiệm bất kì lúc nào theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền bầu, bổ nhiệm hoặc chỉ định nếu rơi vào những tình huống luật định (Điều 36 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010).

Để đảm bảo cho hội đồng quản trị thực hiện tốt chức năng của mình, pháp luật yêu cầu các thành viên hội đồng quản trị phải là người có uy tín, có đạo đức nghề nghiệp và có kiến thức về hoạt động tài chính, ngân hàng. Bên cạnh đó pháp luật còn có quy định ràng buộc trách nhiệm của hội đồng quản trị bằng quy định cấm chủ tịch và các thành viên hội đồng quản trị uỷ quyền cho những người không phải là thành viên hội đồng quản trị thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, để nâng cao tính khách quan và chất lượng của hội đồng quản trị, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 đã quy định thêm một loại thành viên mới của hội đồng quản trị dưới danh nghĩa “thành viên độc lập”. Vì vậy, ngoài các tiêu chuẩn và điều kiện chung, Luật các tổ chức tín dụng quy định thêm các tiêu chuẩn và điều kiện mà thành viên độc lập của hội đồng quản trị phải thoả mãn (khoản 2 Điều 50).

Bên cạnh đó, trước đây Luật các tổ chức tín dụng năm 1997 và 2004 quy định: chủ tịch hội đồng quản trị của công ti cho thuê tài chính không được phép tham gia vào hội đồng quản trị của tổ chức tín dụng khác hoặc tham gia điều hành tổ chức tín dụng khác trừ khi tổ chức tín dụng đó là công ti con của công ti cho thuê tài chính. Hiện nay, pháp luật thắt chặt hơn những hạn chế loại này theo hai hướng: Một là; chủ tịch hội đồng quản trị không được đồng thời là người điều hành của chính công ti cho thuê tài chính đó. Hai là, thành viên của hội đồng quản trị công ti cho thuê tài chính không được đồng thời là người quản lí của tổ chức tín dụng khác.

Như vậy, không chỉ chủ tịch hội đồng quản trị của công ti cho thuê tài chính bị cấm giữ vị trí điều hành của tổ chức tín dụng khác mà điều cấm này còn áp dụng với cả các thành viên khác của hội đồng quản trị.Ngoài ra, thành viên của hội đồng quản trị còn đương nhiên mất tư cách trong một số trường hợp luật định, những quy định trên cho thấy các nhà làm luật ngày càng thận trọng khi thiết kế bộ máy quản lí các tổ chức tín dụng nói chung và công ti cho thuê tài chính nói riêng nhằm ngăn ngừa tình trạng ở đó các quyết định thiếu khách quan được ban hành bởi những người không đủ tư cách, năng lực hoặc ở vào thế xung đột lợi ích, làm tổn hại tới lợi ích của công ti cho thuê tài chính hoặc lợi ích của bên thứ ba có liên quan.

b) Ban kiểm soát

Ban kiểm soát là cơ quan chịu trách nhiệm kiểm toán nội bộ, kiểm soát, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật và các nghị quyết, quyết định của công ti. Ban kiểm soát có tối thiểu là 3 thành viên trong đó có ít nhất một nửa số thành viên là thành viên chuyên trách. Nhiệm kì của ban kiểm soát và các thành viên không quá 05 năm (quy định cụ thể tại điều lệ công ti). Thành viên ban kiểm soát có thể được bầu lại với số nhiệm kì không hạn chế. Để đảm bảo các thành viên ban kiểm soát thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, pháp luật quy định các thành viên phải thoả mãn các yêu cầu về trình độ chuyên môn, về đạo đức nghề nghiệp và không phải là người có liên quan của người quản lí tổ chức tín dụng cũng như không phải là người không được đảm nhiệm vị trí công tác theo quy định của pháp luật. Các thành viên chuyên trách còn phải thoả mãn thêm một điều kiện đó là phải cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm.

c) Tổng giám đốc (giám đốc)

Tổng giám đốc (giám đốc) của công ti cho thuê tài chính là người điều hành cao nhất của công ti, chỉ đạo hoạt động hàng ngày của công ti và chịu trách nhiệm trước hội đồng quản trị về việc thực thi các nhiệm vụ và quyền hạn của mình. Pháp luật quy định một số tiêu chuẩn và điều kiện mà ứng cử viên của chức vụ tổng giám đốc (giám đốc) phải thoả mãn, đó là:

1) Tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, năng lực và kinh nghiệm điều hành, quản lí công ti cho thuê tài chính;

2) Tiêu chuẩn về sức khoẻ, về đạo đức nói chung và đạo đức nghề nghiệp nói riêng; về mức độ hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật;

3) Tiêu chuẩn về nơi cư trú trong suốt thời gian đương nhiệm;

4) Không rơi vào các trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ.

Pháp luật hiện hành còn quy định cả những tiêu chuẩn và điều kiện mà phó tổng giám đốc (phó giám đốc) phải thoả mãn. Trước đây, pháp luật ngân hàng quy định tổng giám đốc (giám đốc) có thể được bổ nhiệm từ một trong số thành viên của hội đồng quản trị hoặc có thể được thuê từ bên ngoài với nhiệm kì không quá 5 năm. Tuy nhiên, thực tế đã đặt ra vấn đề là có nhiều trường hợp người giữ chức vụ này cũng có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kì không hạn chế. Để đảm bảo tránh xung đột lợi ích giữa các tổ chức tín dụng, pháp luật quy định tổng giám đốc (giám đốc) của công ti cho thuê tài chính không được đồng thời là tổng giám đốc (giám đốc) hoặc chủ tịch hội đồng quản trị của tổ chức tín dụng khác, trừ khi tổ chức tín dụng khác đó là công ti con của công ti cho thuê tài chính. Hiện nay, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 không quy định cụ thể về nhiệm kì của tổng giám đốc (giám đốc), vì vậy, nhiệm kì của tổng giám đốc tổ chức tín dụng nói chung và công ti cho thuê tài chính nói riêng sẽ phải tuân thủ khoản 2 Điều 157 Luật doanh nghiệp năm 2014.

3- Tài chính

a) Vốn pháp định

Đủ vốn là vấn đề trung tâm, vấn đề mấu chốt trong hoạt động của các tổ chức tín dụng nói chung và công ti cho thuê tài chính nói riêng, vì có đủ vốn sẽ cho phép các công ti này có khả năng trang trải được những khoản lỗ phát sinh đột xuất và những rủi ro vốn có trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ. Với lí do này, mặc dù ở nhiều nước, yêu cầu về mức vốn tối thiểu (minimum capital requirement) phải có khi thành lập công ti nói chung đã bị bãi bỏ nhưng yêu cầu đó vẫn được duy trì đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong một số lĩnh vực đặc thù như: tài chính - ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm.
Pháp luật Việt Nam cũng có quy định về mức vốn pháp định của công ti cho thuê tài chính. Trước đây, mức vốn 50 tỉ VND áp dụng đối với công ti cho thuê tài chính cổ phần và công ti cho thuê tài chính trực thuộc tổ chức tín dụng; và 5 triệu USD áp dụng với công ti cho thuê tài chính liên doanh và công ti cho thuê tài chính 100% vốn đầu tư nước ngoài. Từ khi Nghị định của Chính phủ số 141/2006/NĐ-CP ngày 22/11/2006 có hiệu lực, các công ti cho thuê tài chính thành lập và hoạt động tại Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu mới về vốn pháp định, là 100 tỉ VNĐ hoặc 150 tỉ VNĐ tuỳ thuộc vào thời điểm các công ti này được cấp phép thành lập và hoạt động. Các công ti cho thuê tài chính đang hoạt động hoặc được thành lập và hoạt động sau ngày Nghị định 141/2006 có hiệu lực nhưng trước ngày 31/12/2008 phải bảo đảm có đủ hay có ngay số vốn điều lệ thực góp hoặc được cấp tương đương với mức vốn pháp định là 100 tỉ đồng. Các công ti cho thuê tài chính được cấp phép thành lập và hoạt động sau ngày 31/12/2008 buộc phải có đủ ngay số vốn điều lệ thực góp hoặc được cấp tương đương với mức vốn pháp định là 150 tỉ VNĐ. Nghị định của Chính phủ số 10/2011/NĐ-CP ngày 26/01/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 141/2006/NĐ-CP vẫn giữ nguyên mức vốn pháp định nói trên áp dụng tới năm 2011. Hiện nay, mức vốn này vẫn tiếp tục được duy trì trong văn bản hợp nhất số 07/VBHN-NHNN ngày 25/11/2013 của Ngân hàng Nhà nước về ban hành mức vốn pháp định của các tổ chức tín dụng.

b) Vốn điều lệ

Vốn điều lệ của công ti cho thuê tài chính là vốn đã được chủ sở hữu thực cấp hoặc đã được các cổ đông, các thành viên góp vốn thực góp và được ghi vào điều lệ công ti với điều kiện tối thiểu phải bằng mức vốn pháp định.
Vốn điều lệ của công ti cho thuê tài chính có thể được góp dưới hình thức tiền mặt và hiện vật. Tuỳ theo loại hình công ti cho thuê tài chính mà vốn điều lệ của công ti đó được hình thành từ nguồn tương ứng. Ví dụ: Công ti cho thuê tài chính cổ phần sẽ có vốn điều lệ hình thành từ việc phát hành cổ phiếu; còn vốn điều lệ của công ti cho thuê tài chính liên doanh do các bên tham gia liên doanh góp theo tỉ lệ hai bên thoả thuận nhưng phần vốn góp của bên nước ngoài không được thấp hơn giới hạn luật định, thường là tỉ lệ phần trăm xác định của vốn điều lệ của công ti cho thuê tài chính. Tỉ lệ góp vốn của các thành viên hay cả đông công ti phải tuân thủ những giới hạn luật định.
Đối với các công ti cho thuê tài chính có vốn đầu tư nước ngoài, việc chuyển nhượng phần vốn góp phải tuân thủ những điều kiện pháp định về tỉ lệ chuyển nhượng, về đối tượng được ưu 'tiên chuyển nhượng và về nghĩa vụ thuế phát sinh từ việc chuyển nhượng vốn.

c) Vốn huy động

Trong quá trình hoạt động của mình, với tư cách là tổ chức tín dụng phi ngân hàng, công ti cho thuê tài chính được phép huy động thêm vốn phục vụ nhu cầu kinh doanh. Nguồn vốn huy động gồm: nhận tiền gửi của các tổ chức; phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn từ các tổ chức; vay vốn của các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính trong và ngoài nước và vay Ngân hàng Nhà nước.
Trường hợp phát hành các giấy tờ có giá để huy động vốn, các công ti này phải được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Tuỳ thuộc vào loại giấy tờ có giá được phát hành mà cần có sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước hoặc của cả Ngân hàng Nhà nước và Uỷ ban chứng khoán Nhà nước.

d) Nghiệp vụ kinh doanh của công ty cho thuê tài chính

Nghiệp vụ kinh doanh chủ yếu của các công ti cho thuê tài chính là cho thuê tài chính, mua và cho thuê lại, cho vay bổ sung vốn lưu động đối với bên thuê tài chính; cho thuê vận hành và có thể thực hiện các hình thức cấp tín dụng khác nếu được Ngân hàng Nhà nước cho phép. Ngoài các phương diện hoạt động chủ yếu trên, các công ti cho thuê tài chính còn được phép hoạt động ngoại hối, làm đại lí kinh doanh bảo hiểm, tư vấn trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, đầu tư cho bên thuê tài chính và một số hoạt động khác liên quan tới trái phiếu Chính phủ, tín phiếu kho bạc... Sở dĩ các công ti cho thuê tài chính được pháp luật mở rộng phạm vi hoạt động là nhằm tạo điều kiện để công ti có thêm thu nhập đáp ứng nhu cầu của hoạt động kinh doanh chính và cũng là để mang thêm lợi thế cho các công ti trong quá trình kinh doanh, ví dụ: quy định về hoạt động ngoại hối chủ yếu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt - động kinh doanh của các công ti cho thuê tài chính có vốn đầu tư nước ngoài. Các công ti này được thực hiện hoạt động ngoại hối theo quy định tại giấy phép hoạt động do Ngân hàng Nhà nước cấp. Các công ti cho thuê tài chính khác cũng có thể hoạt động ngoại hối nếu được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động ngoại hối.

e) Các hình thức cho thuê tài chính

Các giao dịch cho thuê tài chính có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Việc áp dụng những hình thức nào là do pháp luật của từng nước quy định. Thực tiễn hoạt động cho thuê tài chính ở các nước trên thế giới cho thấy các hình thức cho thuê tài chính thường được sử dụng gồm có bán và thuê lại (sale and lease back), cho thuê bắc cầu (leveraged lease) và cho thuê hợp vốn.
Bán và thuê lại là một hình thức cho thuê tài chính được bên thuê ưa chuộng. Theo hình thức này, bên cần dùng tài sản thuê sẽ lựa chọn và mua thiết bị, sau đó bán cho công ti cho thuê tài chính để rồi thuê lại trong một thời gian dài. Hình thức này rất có ích cho các doanh nghiệp đặc biệt là trong trường hợp các doanh nghiệp đã mua tài sản nhưng lại thiếu vốn lưu động, khi đó, doanh nghiệp có thể bán cho công ti cho thuê tài chính để rồi thuê lại. Như vậy, cùng lúc, doanh nghiệp vẫn có máy móc để sử dụng mà vẫn có vốn lưu động để kinh doanh và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không bị xáo trộn.

Hình thức này cho phép các doanh nghiệp có thể sử dụng máy móc, thiết bị mới ngay cả khi nguồn vốn eo hẹp.
Cho thuê bắc cầu là hình thức cho thuê thường được sử dụng để tài trợ vốn cho các dự án đòi hỏi nguồn vốn lớn như dự án khai thác khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên, hoặc mua sắm máy bay, tàu thuỷ... Trong giao dịch cho thuê bắc cầu có ba bên tham gia: bên cho thuê, bên thuê và bên tài trợ vốn dài hạn. Chính sự có mặt của bên tài trợ vốn trong giao dịch cho thuê làm cho giao dịch này mang tính bắc cầu. Mỗi thành viên trong giao dịch cho thuê bắc cầu đều có thể là một tập đoàn của các công ti có chung lợi ích và cùng chung trách nhiệm.
Bên cho thuê được hợp thành bởi ít nhất là hai định chế tài chính (có thể là ngân hàng hoặc công ti tài chính). Hai định chế tài chính này cùng nhau thành lập một công ti hợp danh để trực tiếp tham gia vào giao dịch cho thuê tài chính. Công ti hợp danh này sẽ phải bỏ ra từ 20% đến 40% giá trị tài sản cần mua và phần còn lại sẽ đi vay của nhà tài trợ vốn dài hạn. Vì đặc tính này, bên cho thuê còn được gọi là thành viên hợp vốn trong giao dịch cho thuê bắc cầu.

Nhà tài trợ vốn dài hạn là nhà đầu tư thực sự trong giao dịch cho thuê bắc cầu và còn được gọi là thành viên cho vay. Nhà tài trợ này sẽ cấp một khoản tín dụng tương đương với phần vốn còn lại cần có (khoảng từ 60% đến 80% giá trị tài sản cần mua) để mua tài sản. Thông thường, nhà tài trợ là một tập đoàn các ngân hàng, các công ti bảo hiểm hoặc các quỹ hưu trí. Nhà tài trợ vốn sẽ phải lưu ý về vấn đề an toàn của vốn cho vay và phải điều tra uy tín của bên thuê trước khi quyết định đầu tư. Nhìn chung, luật pháp các nước thường quy định điều kiện cho vay áp dụng trong trường hợp cho thuê bắc cầu này tương tự như điều kiện cho vay dài hạn.
Bên thuê sẽ lựa chọn máy móc, thiết bị cần thuê và có quyền sử dụng tài sản thuê trên cơ sở trả tiền thuê.
Cho thuê hợp vốn là hình thức cho thuê tài chính vừa có điểm giống vừa có điểm khác hình thức cho thuê bắc cầu. Giống ở chỗ bên cho thuê phải do ít nhất hai định chế tài chính hợp thành và cùng hợp tác để cung cấp dịch vụ cho thuê tài chính. Khác ở chỗ trong giao dịch cho thuê hợp vốn không có thành viên cho vay, tức không có nhà tài trợ vốn mà chi phí để mua tài sản hoàn toàn do bên cho thuê bỏ ra. Hình thức cho thuê hợp vốn thường được sử dụng khi nhu cầu về vốn đầu tư cho tài sản thuê lớn, một định chế tài chính không đủ khả năng tài trợ nên phải liên kết với một hoặc nhiều định chế tài chính khác. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng nhu cầu về vốn ở đây chưa lớn đến mức cần phải sử dụng hình thức cho thuê bắc cầu.

Ở Việt Nam, trước đây công ti cho thuê tài chính được cho thuê theo những hình thức sau:

Thứ nhất, các công ti cho thuê tài chính được phép cho thuê tài chính theo hình thức tài trợ vốn để mua máy móc, thiết bị hoặc phương tiện vận chuyển hoặc các động sản khác theo yêu cầu của bên thuê và nắm giữ quyền sở hữu đối với tài sản thuê; bên thuê sử dụng tài sản thuê và thanh toán tiền thuê trong suốt thời hạn thuê đã cam kết trong hợp đồng. Hình thức này thường được gọi là cho thuê tài chính thông thường.

Thứ hai, công ti cho thuê tài chính được phép mua tài sản và cho thuê lại. Theo hình thức này, các công ti cho thuê tài chính mua lại máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải và các động sản thuộc sở hữu của bên thuê và cho chính bên thuê thuê lại tài sản đó dưới hình thức cho thuê tài chính thông thường để bên thuê tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của mình. Trong giao dịch này, bên có nhu cầu sử dụng tài sản hay bên thuê đồng thời là bên cung ứng tài sản và được gọi là bên bán và thuê lại; còn công ti cho thuê tài chính được gọi là bên mua và cho thuê lại. Mỗi giao dịch mua và cho thuê lại thường được thực hiện thông qua hai loại hợp đồng. Một là hợp đồng mua tài sản được kí kết giữa bên công ti cho thuê tài chính với bên thuê về việc mua bán tài sản thuê. Hai là hợp đồng cho thuê tài chính giữa công ti cho thuê tài chính và bên thuê. Tuy nhiên, hợp đồng mua tài sản chỉ có hiệu lực khi hợp đồng cho thuê tài chính có hiệu lực.

Thứ ba, công ti cho thuê tài chính được phép cho thuê hợp vốn. Đây là hoạt động cho thuê tài chính của một nhóm công ti cho thuê tài chính (tối thiểu là hai công ti) đối với bên thuê, trong đó có một công ti cho thuê tài chính đứng ra làm đầu mối. Công ti đầu mối này sẽ do các thành viên cho thuê hợp vốn lựa chọn và giao trách nhiệm làm đầu mối cho thuê hợp vốn. Các bên cho thuê hợp vốn sẽ phải kí kết hợp đồng hợp vốn để cam kết thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình cho thuê hợp vốn. Giữa các bên cho thuê hợp vốn và bên thuê cũng cần kí kết hợp đồng cho thuê hợp vốn. Tuy nhiên, các bên có thể thoả thuận để kí kết một hợp đồng chung cho cả việc hợp vốn và cho thuê hợp vốn nhưng hợp đồng chung này phải chứa đựng đầy đủ các yêu cầu về nội dung của hai hợp đồng được thay thế.

Hình thức cho thuê hợp vốn được phép sử dụng trong bốn trường hợp: 1) Khi nhu cầu thuê của một khách hàng vượt quá tỷ lệ luật định về vốn tự có của công ti cho thuê tài chính; 2) Khi khách hàng có nhu cầu thuê tài chính từ nhiều nguồn; 3) Khi khả năng tài chính, nguồn vốn và tài sản của công ti cho thuê tài chính không đáp ứng được nhu cầu cho thuê tài chính; 4) Khi bản thân cồng ti cho thuê tài chính có nhu cầu phân tán rủi ro
Hiện nay, pháp luật chỉ chính thức quy định hai hình thức cho thuê tài chính: một là tài trợ vốn để mua tài sản thuê; hai là mua và cho thuê lại. Trong giao dịch thứ hai, hai bên vẫn phải kí hai loại hợp đồng: hợp đồng mua tài sản và hợp đồng cho thuê giữa bên mua và cho thuê lại (tức công ti cho thuê tài chính) với bên bán và thuê lại (bên thuê). Trong suốt thời hạn thuê, bên cho thuê vẫn giữ lại quyền sở hữu tài sản cho thuê; quyền sở hữu tài sản đó chỉ chuyển giao cho bên thuê theo sự thoả thuận của hai bên ở thời điểm kết thúc thời hạn cho thuê theo hợp đồng.
Tuy nhiên, căn cứ vào quy định giới hạn cấp tín dụng đối  với các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, có thể thấy, trường hợp nhu cầu thuê tài chính của một khách hàng và người có liên quan vượt quá giới hạn cấp tín dụng, các tổ chức tín dụng được cấp tín dụng hợp vốn. Từ đó có thể thấy, hình thức cho thuê hợp vốn vẫn được pháp luật hiện hành thừa nhận trong cho thuê tài chính. Nói cách khác, các hình thức cho thuê tài chính trước đây vẫn tiếp tục được pháp luật thừa nhận.

4- Các dịch vụ có liên quan tới cho thuê tài chính

Trước đây, song song với hoạt động cho thuê tài chính, các công ti cho thuê tài chính còn được cung cấp một số dịch vụ có liên quan khác. 
Một là, dịch vụ tư vấn cho khách hàng về những vấn đề có liên quan tới dịch vụ cho thuê tài chính. 
Hai là, thực hiện dịch vụ uỷ thác, quản lí tài sản và bảo lãnh liên quan đến hoạt động cho thuê tài chính. 
Ba là, thực hiện nghiệp vụ cho thuê vận hành.
Bốn là, được bán các khoản phải thu
Pháp luật hiện hành không tiếp tục quy định các công ti cho thuê tài chính được cung ứng dịch vụ ủy thác và quản lí tài sản và dịch vụ bao thanh toán nhưng vẫn tiếp tục thừa nhận hoạt động nghiệp vụ thứ nhất, thứ ba và thứ tư nói trên. Bên cạnh đó, pháp luật còn quy định các công ti cho thuê tài chính được phép cho vay bổ sung vốn lưu động đối với bên thuê tài chính mà không cần phải thoả mãn yêu cầu cụ thể về vốn pháp định như trước.
 
(i) Các quy định đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh của công ti cho thuê tài chính

Tương tự như các tổ chức tín dụng khác, công ti cho thuê tài chính phải duy trì tỉ lệ bảo đảm an toàn mà Luật các tổ chức tín dụng áp đặt đối với tất cả các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, do hoạt động kinh doanh đặc thù của các công ti này mà các công ti còn phải tuân thủ những giới hạn pháp định đặc biệt áp dụng riêng với hoạt động cho thuê tài chính, thể hiện ở các mặt sau:

Thứ nhất, các công ti cho thuê tài chính phải tuân thủ giới hạn về tổng mức dư nợ cho thuê tài chính đối với một khách hàng cũng như đối với một khách hàng và người có liên quan. Trừ những trường hợp pháp luật quy định, các công ti này không được phép có tổng dư nợ cho thuê tài chính đối với một khách hàng hoặc đối với một khách hàng và người có liên quan vượt quá một tỉ lệ phần trăm nhất định trên vốn tự có của mình. Tuy nhiên, để tránh những bế tắc trong trường hợp một khách hàng có nhu cầu thuê vượt quá giới hạn này, pháp luật cho phép các công ti cho thuê tài chính được cho thuê hợp vốn (tức là hai hay nhiều công ti có thể cùng cho thuê đối với một khách hàng). Trường hợp khả năng hợp vốn của các công ti cho thuê tài chính chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thuê của một khách hàng và nếu khách hàng thuê để thực hiện các dự án trọng điểm của Nhà nước, thì Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định tổng dự nợ cho thuê tài chính tối đa đối với từng trường hợp cụ thể.

Thứ hai, pháp luật cấm các công ti cho thuê tài chính cho thuê đối với người nội bộ công ti như thành viên của hội đồng quản trị, của ban kiểm soát, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc và thân nhân của những người nói trên. Công ti cho thuê tài chính cũng không được tham gia vào những giao dịch cho thuê tài chính mà bên thuê là người thẩm định, xét duyệt cho thuê tài chính. Pháp luật còn cấm các công ti cho thuê tài chính tham gia vào các giao dịch cho thuê tài chính mà người bảo lãnh là các đối tượng nói trên.

Thứ ba, các công ti cho thuê tài chính không được cho thuê tài chính với các điều kiện ưu đãi khi bên thuê là những đối tượng đặc biệt như tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên đang kiểm toán tại công ti mình, kế toán trưởng, thanh tra viên, các cổ đông lớn của công ti cho thuê tài chính và các doanh nghiệp có cổ đông lớn đồng thời là thành viên của hội đồng quản trị, của ban kiểm soát, là tổng giám đốc, phó tổng giám đốc (và thân nhân của những người này) của công ti cho thuê tài chính. Tổng dư nợ đối với các đối tượng này cũng không được vượt quá tỉ lệ nhất định về vốn tự có của công ti cho thuê tài chính.

Ngoài ra, công ti cho thuê tài chính không được góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác là cổ đông, thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng đó; không được kinh doanh bất động sản, trừ những trường hợp luật định. Công ti cho thuê tài chính còn phải trích dự phòng rủi ro và hạch toán vào chi phí hoạt động theo quy định của pháp luật.

0 bình luận, đánh giá về Pháp Luật về Công ty cho thuê tài chính

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.20423 sec| 1083.359 kb