Pháp luật về thị trường nội khối EU

02/03/2023
Các đối tác thương mại của các nước thành viên EU và các doanh nghiệp có quan hệ kinh doanh với các doanh nghiệp của các nước thành viên EU đều cần hiểu biết về luật EU nói chung và các quy định của luật EU điều chỉnh quan hệ thương mại nội khối và quan hệ thương mại quốc tế của các nước thành viên EU.

1- Thị trường nội khối - Khung pháp lí chung

Pháp luật về thị trường nội khối là một trong các trụ cột của luật EU. Thị trường chung hay thị trường nội khối, khái niệm được định nghĩa bởi ‘bốn tự do’ là cốt lõi của Cộng đồng châu Âu với các chính sách về tự do dịch chuyển hàng hoá, người, dịch vụ, và tư bản, nhằm đảm bảo xây dựng một liên minh gắn bó chặt chẽ về kinh tế, tiền tệ và chính trị. Kể từ khi được thành lập năm 1993, thị trường chung đã tạo điều kiện tốt hơn cho cạnh tranh, tạo ra nhiều việc làm mới, định hình giá cả hợp lí hơn cho người tiêu dùng, và giúp cho các doanh nghiệp và người dân hưởng lợi nhờ có sự lựa chọn phong phú hơn về hàng hoá và dịch vụ. Để đảm bảo rằng một thị trường chung có thể đem lại lợi ích nhiều nhất cho tất cả mọi người, bao gồm cả người dân và doanh nghiệp, EU tập trung vào việc loại bỏ các rào cản cản trở hoạt động của thị trường. EU cố gắng hài hoà về lập pháp để đối phó tốt hơn với những thách thức của toàn cầu hoá và sự thay đổi của công nghệ.

Theo Điều 2 TEC, mục tiêu ban đầu của TEC là: ‘Cộng đồng sẽ có nhiệm vụ xây dựng thị trường chung và từng bước hài hoà chính sách kinh tế của các nước thành viên’.

Theo Điều 3 của TEC, nhằm đạt được mục tiêu nêu trên, các nước thành viên sẽ phải loại bỏ việc áp dụng thuế quan và các biện pháp hạn chế số lượng trong quan hệ thương mại hàng hoá giữa các nước thành viên; thiết lập biểu thuế quan chung của các nước thành viên trong quan hệ thương mại với các nước ngoài cộng đồng; loại bỏ các rào cản để tạo thuận lợi cho sự tự do dịch chuyển người, dịch vụ và tư bản (‘bốn tự do’) giữa các nước thành viên; chấp nhận chính sách nông nghiệp chung châu Âu, chính sách vận tải chung châu Âu; hình thành chính sách cạnh tranh của châu Âu; hài hoà hoá pháp luật giữa các nước thành viên nhằm đảm bảo sự vận hành phù hợp của thị trường chung; xây dựng Quỹ xã hội châu Âu nhằm tăng cường cơ hội việc làm cho người lao động và góp phần nâng cao mức sống của họ; thành lập Ngân hàng đầu tư châu Âu...
Sau này, Điều 26 TFEU quy định:

"1. Liên minh sẽ áp dụng các biện pháp nhằm thiết lập hoặc đảm bảo sự vận hành của thị trường nội khối, phù hợp với các quy định liên quan của các hiệp ước.

2. Thị trường nội khối được cấu thành bởi một khu vực không có các rào cản bên trong, trong đó sự tự do dịch chuyển hàng hoá, người, dịch vụ và tư bản được bảo đảm, phù hợp với các quy định của các hiệp ước.".

Mục đích thiết lập thị trường chung được đề cập trong TEC và các hiệp định khác, như: Đạo luật châu Âu thống nhất 1986, và TFEU. Những hiệp định này cũng thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của Liên minh kinh tế và tiền tệ châu Âu.

Gần đây, Đạo luật thị trường chung được ban hành vào tháng 4/2011 nhằm cải thiện vấn đề việc làm, kinh doanh và trao đổi của người dân EU.

2- Các quy định về ‘bốn tự do cơ bản’

Cốt lõi của chính sách kinh tế và xã hội của EU được đúc kết trong ý tưởng về ‘bốn tự do cơ bản’ - tự do dịch chuyển hàng hoá, người lao động, vốn và tự do cung cấp dịch vụ.

2.1- Thị trường chung cho hàng hoá - Tự do dịch chuyển hàng hoá

(a) Tổng quan

Sự tự do dịch chuyển hàng hoá, nhằm mục đích bảo đảm thương mại trong nội khối EU, là yếu tố quan trọng nhất của thị trường chung. Việc cấm sử dụng các biện pháp hạn chế xuất nhập khẩu giữa các thành viên và nguyên tắc công nhận lẫn nhau đảm bảo sự tuân thủ của các thành viên dưới sự giám sát của Ủy ban châu Âu. Kể từ tháng 1/1993, việc kiểm soát dịch chuyển hàng hoá trong thị trường nội khối đã được loại bỏ, biến EU trở thành lãnh thổ thống nhất, không có các biên giới nội bộ. Việc loại bỏ thuế quan thúc đẩy thương mại nội khối, đóng góp phần lớn vào tổng giá trị xuất nhập khẩu của các nước thành viên.

Tự do dịch chuyển hàng hoá bao gồm ba khía cạnh:

(i) Thành lập liên minh hải quan (Điều 23 TEC - Điều 28 TFEU)

- Cấm áp thuế quan và phí có tác động tương đương thuế quan đối với hàng hoá xuất khẩu và nhập khẩu;

- Thiết lập biểu thuế quan thống nhất áp dụng đối với hàng hoá nhập khẩu vào EU.

(ii) Cấm áp dụng các khoản thuế nội địa có tính phân biệt đối xử (Điều 90 TEC - Điều 110 TFEU).

(iii) Cấm áp dụng các biện pháp hạn chế số lượng và các biện pháp có tác động tương đương biện pháp hạn chế số lượng đối với hàng hoá xuất khẩu và nhập khẩu.

Điều 28 TEC - Điều 34 TFEU quy định: ‘Các biện pháp hạn chế số lượng nhập khẩu và tất cả các biện pháp có tác động tương đương biện pháp hạn chế số lượng bị cấm áp dụng giữa các nước thành viên.’

Điều 29 TEC - Điều 35 TFEU quy định tương tự liên quan đến hàng hoá xuất khẩu. Cần lưu ý rằng các biện pháp hạn chế số lượng chỉ bị cấm áp dụng giữa các nước thành viên EU.

Điều 30 TEC - Điều 36 TFEU quy định những ngoại lệ như sau:

Các quy định của Điều 28 và Điều 29 không loại trừ việc cấm hoặc hạn chế xuất nhập khẩu hàng hoá xuất phát từ nhu cầu bảo vệ đạo đức xã hội, chính sách công hoặc an ninh công cộng; để bảo vệ sức khoẻ và đời sống con người, động vật hay thực vật; để bảo vệ các tài sản quốc gia có giá trị về nghệ thuật, lịch sử hay khảo cổ; hoặc để bảo vệ tài sản công nghiệp và thương mại. Tuy nhiên, việc cấm hoặc hạn chế đó không được tạo thành một công cụ phân biệt đối xử tuỳ tiện hoặc hạn chế thương mại trá hình giữa các nước thành viên.

Căn cứ vào Điều 30 TEC - Điều 36 TFEU, các nước thành viên EU vẫn có thể áp dụng những rào cản thương mại nhất định, trong các trường hợp đạo đức xã hội, chính sách và an ninh công cộng, sức khoẻ, văn hoá hoặc các tài sản thương mại bị đe dọa do sự loại bỏ hoàn toàn các rào cản này. Trong cuộc khủng hoảng ‘dịch bò điên’ ở nước Anh, nước Pháp đã áp đặt rào cản đối với thịt bò nhập khẩu từ quốc gia này.

(b) Tự do dịch chuyển hàng hoá và chính sách nông nghiệp chung

Chính sách nông nghiệp chung (‘Common Agricultural Policy’ - CAP) được quy định tại Tít II TEC. Khoản 1 Điều 34 quy định ‘sự phối hợp bắt buộc giữa các tổ chức thị trường của các nước’ với tổ chức thị trường chung của châu Âu.

CAP ra đời từ những ngày đầu của quá trình hội nhập châu Âu, khi các nước thành viên cam kết tái cơ cấu và tăng cường sản xuất lương thực, vốn đã bị tàn phá bởi Chiến tranh thế giới lần thứ II. Ngày nay, CAP vẫn có một vai trò then chốt trong EU, không chỉ vì đất nông nghiệp và rừng chiếm hơn 90% diện tích đất đai của EU, mà còn bởi nó đã trở thành cơ chế rất quan trọng để EU đối mặt với những thách thức mới về chất lượng thực phẩm, bảo vệ môi trường và thương mại.

CAP có hai mục tiêu chính: Thứ nhất, giúp xây dựng khả năng cạnh tranh cho người nông dân châu Âu; thứ hai, thúc đẩy phát triển nông thôn, đặc biệt là những vùng ít thuận lợi nhất.

Như đã đề cập ở trên, luật án lệ cũng rất có ý nghĩa trong việc củng cố pháp luật về thị trường nội khối EU. Án lệ Cassis de Dijon [1979] là một trong những án lệ quan trọng của luật EU khẳng định nguyên tắc tự do dịch chuyển hàng hoá.

2.2- Tự do dịch chuyển người lao động

Nhờ có sự loại bỏ các rào cản giữa các nước EU, người dân EU giờ đây có thể tự do dịch chuyển trong phần lớn lãnh thổ EU. Việc một người sống và làm việc tại nước EU khác cũng dễ dàng hơn. Trong ‘Vùng Schengen’, mọi người được tự do dịch chuyển mà không phải kiểm tra an ninh hay hải quan ở biên giới của phần lớn các nước EU. Tuy nhiên, các hoạt động kiểm soát được tăng cường ở các biên giới bên ngoài của EU và có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa cảnh sát các nước EU.

2.3- Tự do dịch chuyển vốn (tư bản)

Đạo luật châu Âu thống nhất 1986 là một bước đi quyết định đối với sự tự do dịch chuyển vốn. Nó dẫn tới việc thông qua Chỉ thị 88/361/EEC vào ngày 24/6/1988, nhằm thiết lập một khuôn khổ tài chính đầy đủ cho thị trường chung. Chỉ thị này thực thi Điều 67 TEC.

Chỉ thị 88/361/EEC đảm bảo nguyên tắc tự do hoá hoàn toàn hoạt động dịch chuyển vốn giữa các nước thành viên, có hiệu lực từ ngày 1/7/1990. Ủy ban châu Âu nỗ lực loại bỏ những thoả thuận chung có mục đích hạn chế sự dịch chuyển vốn giữa những người cư trú ở các nước thành viên. ‘Dịch chuyển vốn’ được hiểu là tất cả những hoạt động cần thiết để cá nhân hoặc pháp nhân có thể thực hiện việc dịch chuyển vốn, bao gồm hoạt động đầu tư trực tiếp, đầu tư bất động sản, các hoạt động liên quan đến chứng khoán và các tài khoản vãng lai và tài khoản tiền gửi, các khoản vay và tín dụng.

2.4- Thị trường chung cho dịch vụ - Tự do cung ứng dịch vụ và tự do thành lập doanh nghiệp

Quyền tự do cung ứng dịch vụ và quyền tự do thành lập doanh nghiệp, quy định tại Điều 49 và Điều 56 TFEU là rất cần thiết cho sự vận hành của thị trường nội khối. Với các quyền này, các nhà kinh doanh có thể tiến hành hoạt động kinh doanh liên tục và ổn định ở một hay nhiều nước EU và/hoặc tạm thời cung ứng dịch vụ ở nước EU khác mà không cần phải thành lập cơ sở kinh doanh ở đó. Năm 2006, EU thông qua Chỉ thị về dịch vụ nhằm loại bỏ các rào cản đối với thương mại và dịch vụ, tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại xuyên biên giới.

Điều 49 TFEU (Điều 43 TEC) quy định về quyền tự do thành lập doanh nghiệp. Những hạn chế đối với quyền tự do thành lập doanh nghiệp đều bị cấm. Quy định cấm này áp dụng đối với những hạn chế về việc thành lập chi nhánh, đại lí, công ty con của công dân của một nước thành viên tại một nước thành viên khác.

3- Các quy định trong những lĩnh vực khác

3.1- Chương về chính sách xã hội

Chương về chính sách xã hội là bộ phận của TEC quy định về vấn đề bình đẳng giới (Điều 141 TEC) và về thời gian làm việc (quy định tại Chỉ thị về thời gian làm việc). Một trong những văn bản về chống phân biệt đối xử được ban hành gần đây là Chỉ thị 2006/54/EC về thực hiện nguyên tắc bình đẳng về cơ hội và đối xử giữa nam và nữ liên quan đến việc làm và nghề nghiệp. Bên cạnh đó, án lệ Defrenne v. Sabena [1976] cũng là án lệ quan trọng trong lĩnh vực này.  Trong vụ này, một nữ chiêu đãi viên hàng không (tên là Defrenne) đã khởi kiện người sử dụng lao động (hãng hàng không Sabena của Bỉ) vì đã phân biệt đối xử trong việc trả tiền lương, theo đó đồng nghiệp nam, làm cùng một loại công việc, được trả lương cao hơn. Trong án lệ BECTU [2001], ECJ đã phán quyết rằng quyền được trả lương trong thời gian nghỉ phép hàng năm là một quyền xã hội của mọi người lao động được quy định trong luật cộng đồng. Vụ này xuất phát từ năm 1999, BECTU - một tổ chức công đoàn ở Anh, đã khởi kiện về việc luật của Anh không thừa nhận quyền được trả lương trong thời gian nghỉ phép của người lao động hợp đồng ngắn hạn, trên cơ sở theo đó luật này không phù hợp với một Chỉ thị của Cộng đồng về tổ chức thời gian làm việc.

3.2- Pháp luật cạnh tranh của EU

Ở EU, pháp luật cạnh tranh là bộ phận quan trọng, đảm bảo cho sự thành công của thị trường nội khối, với sự tự do dịch chuyển hàng hoá, dịch vụ, người lao động và vốn trong một châu Âu không biên giới.

Bốn lĩnh vực chủ yếu trong chính sách của EU về cạnh tranh bao gồm:

Thứ nhất, quy định về các-ten (Cartel), hay kiểm soát hành vi thông đồng và các hành vi phản cạnh tranh khác gây tác động đến EU - quy định tại Điều 81 TEC - Điều 101 TFEU.

Thứ hai, quy định về độc quyền, hay ngăn chặn sự lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường của các doanh nghiệp - quy định tại Điều 82 TEC - Điều 102 TFEU.

Thứ ba, quy định về sáp nhập, kiểm soát đề xuất sáp nhập, mua lại và liên doanh liên quan đến doanh nghiệp có mức doanh thu nhất định ở EU/EEA - điều chỉnh bởi quy định của Hội đồng bộ trưởng số 139/2004 EC (Quy định về sáp nhập).

Thứ tư, quy định về hỗ trợ của nhà nước, kiểm soát các khoản hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp mà các nước thành viên EU dành cho các doanh nghiệp - quy định tại Điều 87 TEC - Điều 107 TFEU.

Án lệ của ‘Toà án chung’ cũng rất quan trọng trong điều chỉnh lĩnh vực IP (án lệ Henkel v. OHIM [2001]), lĩnh vực cạnh tranh (các án lệ Piau v. Commission [2005], Airtours v. Commission [2002], HFB and Others v. Commission [2002]), trợ cấp của nhà nước (án lệ Westdeutsche Landesbank Girozentrale and Land Nordrhein-Westfalen v. Commission [2003]).

3.3- Chính sách tiền tệ

Liên minh kinh tế và tiền tệ (‘EMU’), được quy định tại Tít VII TEC, đòi hỏi sự điều phối chặt chẽ về chính sách kinh tế giữa các nước thành viên ở cấp độ EU, yêu cầu các nước thành viên tránh để xảy ra thâm hụt ngân sách quá mức (‘Hiệp định về ổn định và tăng trưởng’). EMU đã cho ra đời một đồng tiền chung của khối: Đồng Euro. Đồng tiền này được áp dụng từ ngày 1/1/1999.

Đồng tiền Euro là minh chứng sống động cho sự hội nhập của EU - đồng tiền này được sử dụng hàng ngày bởi khoảng 327 triệu người ở 17 trong số 27 nước EU. Các nước trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là Áo, Bỉ, Síp, Ét-xtô-ni-a, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ai-len, Ý, Luých-xăm- bua, Man-ta, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Xlô-va-ki-a, Xlô-vê-ni-a, và Tây Ban Nha.

Đồng tiền chung đem lại rất nhiều lợi ích, ví dụ, loại trừ biến động tỉ giá và chi phí chuyển đổi tiền tệ. Các doanh nghiệp thuận lợi hơn khi tiến hành các hoạt động thương mại xuyên biên giới, nền kinh tế cũng ổn định hơn, nhờ đó kinh tế tăng trưởng và người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn. Đồng tiền chung cũng khuyến khích người dân đi du lịch và mua sắm ở các nước EU khác. Ở cấp độ toàn cầu, đồng Euro đã trở thành một trong những đồng tiền quốc tế quan trọng nhất.

4- Chiến lược hội nhập pháp luật

Trong nỗ lực xây dựng một EU không có biên giới nội bộ, các thiết chế của EU đã vận dụng ba chiến lược chủ yếu nhằm tiến hành hội nhập pháp luật:

Thứ nhất, nhất thể hoá pháp luật: Tạo ra luật cộng đồng áp dụng thống nhất với tất cả các nước thành viên EU trong một số lĩnh vực kinh tế và thương mại, như thuế quan, thủ tục hải quan, cạnh tranh, vận tải, luật công ty v.v..

Thứ hai, hài hoà hoá pháp luật các nước thành viên: Chiến lược này dễ được chấp nhận hơn dưới góc độ chính trị, áp dụng trong các lĩnh vực như pháp luật lao động, thuế nội địa v.v. (khoản 1 Điều 114 TFEU - khoản 1 Điều 95 TEC).

Thứ ba, công nhận lẫn nhau giữa các nước thành viên trên cơ sở có đi có lại về các tiêu chuẩn như: Tiêu chuẩn hàng hoá, bằng cấp đào tạo, v.v.. Việc công nhận đảm bảo sự tự do dịch chuyển hàng hoá và dịch vụ mà không cần phải hài hoà hoá pháp luật giữa các nước thành viên. Ví dụ, hàng hoá được sản xuất hợp pháp ở một nước thành viên này sẽ không bị cấm bán trên lãnh thổ của một nước thành viên khác, kể cả khi các tiêu chuẩn về kĩ thuật và chất lượng ở thị trường này khác với những tiêu chuẩn mà nhà sản xuất đã áp dụng.

EU đã trải qua sáu mươi năm hoà bình, ổn định và thịnh vượng, góp phần nâng cao điều kiện sống của người dân, cho ra đời đồng tiền chung châu Âu và từng bước xây dựng thị trường thống nhất trên toàn châu Âu,
cho phép con người, hàng hoá, dịch vụ và vốn dịch chuyển tự do giữa các nước thành viên như trong nội bộ một nước. Thành tựu này không phải là món quà của Thượng đế. Các nước thành viên đã phải trao cho EU một số quyền lực lập pháp của mình trong các lĩnh vực chính sách nhất định, như nông nghiệp và thủy sản. Trong những lĩnh vực khác như văn hoá, EU và chính phủ các nước thành viên phải cùng nhau chia sẻ thẩm quyền hoạch định chính sách.

Các nước thành viên EU đã lựa chọn cả hai con đường phát triển EU theo ‘chiều rộng’ và theo ‘chiều sâu’. EU hiện tại đã mở rộng lên 27 thành viên và đã đi vào chiều sâu bằng việc tăng cường các chính sách kinh tế và sử dụng đồng tiền chung Euro, đồng thời áp dụng chính sách chung về đối ngoại, phòng vệ và tư pháp. Ngày nay sẽ dễ dàng tìm thấy một mặt hàng ‘Made in EU’ hơn là ‘Made in France’ hay ‘Made in Italy’.

EU không phải là chính phủ liên bang, cũng không phải là tổ chức liên chính phủ truyền thống. Và luật EU không phải là luật quốc tế truyền thống, cũng không phải là luật quốc gia hay luật liên bang. Đó là luật siêu quốc gia, và nó đã tạo thành một trật tự pháp luật sáng tạo và độc đáo. Trong án lệ nổi tiếng 26/62 Van Gend en Loos v. Nederlanse Administratie der Belastingen [1962], ECJ đã phán quyết rằng Cộng đồng châu Âu ‘tạo nên một trật tự pháp luật mới của luật quốc tế, hướng đến lợi ích mà vì nó các nước đã tự giới hạn chủ quyền của mình trong một số lĩnh vực’.

EU giờ đây là ví dụ điển hình về hội nhập kinh tế khu vực, có tiếng nói quan trọng trong rất nhiều vấn đề của thế giới.

Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương, tổng hợp (từ Giáo trình Luật Thương mại quốc tế - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).

0 bình luận, đánh giá về Pháp luật về thị trường nội khối EU

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.21490 sec| 1014.594 kb