Quy định của pháp luật về hợp đồng thương mại điện tử
1- Khái niệm hợp đồng thương mại điện tử
Trước khi tìm hiểu về hợp đồng thương mại điện tử, chúng ta cùng tìm hiểu thế nào là hoạt động thương mại điện tử. Theo khoản 1 Điều 3 Nghị Định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử, hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng khác.
Một khái niệm khác mà chúng ta cần quan tâm khi tìm hiểu về hợp đồng thương mại điện tử là hợp đồng điện tử. Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu (Điều 33 của Luật Giao dịch điện tử năm 2005). Như vậy, thông điệp dữ liệu là dấu hiệu quan trọng để nhận biết một hợp đồng điện tử nói chung. Thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử (khoản 12 Điều 4 Luật Giao dịch điện tử năm 2005). Phương tiện điện tử ở đây là phương tiện hoạt động trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự (khoản 10 Điều 4 Luật Giao dịch điện tử năm 2005). Thông điệp dữ liệu được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, điện tín, điện báo, fax, thư điện tử và các hình thức tương đương khác. Việc sử dụng thông điệp dữ liệu trong suốt quá trình giao kết tạo nên đặc trưng riêng của hợp đồng điện tử. Cũng do vậy mà internet và các công cụ công nghệ thông tin được coi là những yếu tố đóng vai trò rất quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của hợp đồng điện tử.
Từ những khái niệm trên, chúng ta có thể khái quát lại hợp đồng thương mại điện tử là hợp đồng mua bán hàng hóa dịch vụ thông qua các phương tiện điện tử và mạng viễn thông, đặc biệt là máy tính và internet. Việc giao kết hợp đồng thương mại điện tử sẽ giúp người mua có thể mua hàng chỉ qua một cái nhấp chuột mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt khi mà các thiết bị có nối mạng internet như máy tính, điện thoại thông minh đang ngày càng trở nên phổ thông thì xu hướng mua sắm qua mạng ngày càng chiếm ưu thế.
2- Đặc điểm của hợp đồng thương mại điện tử
(i) Chủ thể của hợp đồng thương mại điện tử
Chủ thể trực tiếp tham gia vào việc giao kết và thực hiện hợp đồng thương mại điện tử gồm hai bên:
- Bên bán là các thương nhân, tổ chức, cá nhân sử dụng website của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc các thiết bị điện tử có nối mạng khác để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình. Trong đó, bên bán có thể tự tạo cơ sở hạ tầng, tự thiết lập website thương mại điện tử để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình. Tuy nhiên, có những người bán không tự thiết lập được cơ sở hạ tầng,không sở hữu website thương mại điện tử thì việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thông qua hợp đồng thương mại điện tử của họ đòi hỏi phải có sự góp mặt của một loại chủ thể thứ ba.
- Bên mua là các thương nhân, tổ chức, cá nhân sử dụng website thương mại điện tử bán hàng và website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc các thiết bị điện tử có nối mạng khác để mua hàng hóa hoặc dịch vụ (khách hàng).
(ii) Mục đích của chủ thể trong hợp đồng thương mại điện tử
Trong hoạt động thương mại nói chung, hoạt động thương mại điện tử nói riêng, mục đích của các bên chủ yếu là mục đích lợi nhuận. Bản chất của hoạt động thương mại không gì khác chính là việc đầu tư tiền của vào để tìm kiếm lợi nhuận. Muốn có lợi nhuận thì doanh thu bán hàng phải lớn hơn chi phí kinh doanh. Đối với thương mại điện tử vì chi phí kinh doanh bỏ ra thấp hơn nhiều so với hoạt động thương mại truyền thống, do đó, khi triển khai một cách có hiệu quả thì thương mại điện tử thực sự được coi là hoạt động siêu lợi nhuận.
(iii) Hình thức giao kết hợp đồng thương mại điện tử
Hợp đồng thương mại điện tử được giao kết theo một trong các hình thức sau đây:
Hợp đồng truyền thống được đưa lên (upload) các phương tiện
điện tử để ký kết. Thông thường đối với hình thức này, hợp đồng đã được soạn sẵn hoàn toàn, bên được đề nghị giao kết chỉ cần nhấp vào nút “Đồng ý” hoặc “Tôi đồng ý” để chấp nhận đề nghị giao kết. Ví dụ: hợp đồng đăng ký sử dụng dịch vụ internet, điện thoại; hợp đồng tư vấn; hợp đồng dịch vụ; hợp đồng vận tải; học trực tuyến,...
Hợp đồng giao kết qua email: các bên sử dụng hàng loạt email để đưa ra đề nghị giao kết cho đến khi thỏa thuận xây dựng được hệ thống điều khoản trong hợp đồng.
Hợp đồng được giao kết hoàn toàn bằng phương thức điện tử: hình thức này phổ biến đối với các hợp đồng mua bán hàng hóa(online-order-taking) trên các website thương mại điện tử. Hợp Đồng sẽ được thiết lập bằng cách người dùng nhấp chuột vào các lựa chọn phù hợp để xây dựng điều khoản, tất cả các bước của quá trình giao kết đều được thực hiện qua website thương mại điện tử.
(iv) Phương thức thực hiện hợp đồng thương mại điện tử
Thông thường đối với hoạt động thương mại truyền thống,phương thức thực hiện việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ chủ yếu là sự gặp gỡ trao đổi trực tiếp. Nhưng đối với hoạt động thương mại điện tử, phương thức thực hiện các hoạt động thương mại rất đặc biệt, đó là thông qua các phương tiện điện tử như: điện thoại, fax, truyền hình, viễn thông... chủ yếu là internet và thông qua các website...
(v) Đối tượng của giao dịch hợp đồng thương mại điện tử
Đối tượng hướng tới của việc giao kết và thực hiện hợp đồng thương mại điện tử là hàng hóa và dịch vụ. Đây cũng là đối tượng phổ biến nhất trong các hoạt động thương mại. Hàng hóa, dịch vụ vừa dễ dàng trong việc mua bán, trao đổi, vừa phục vụ những nhu cầu thường xuyên và thiết yếu nhất của con người nên việc áp dụng hợp đồng thương mại điện tử vào mua bán hàng hóa,cung ứng dịch vụ là nhu cầu tất yếu của thị trường. Trong đó, hoạt động mua bán hàng hóa được thực hiện phổ biến hơn do nhu cầu sử dụng cao hơn, khả năng trao đổi nhanh chóng, thuận tiện. Dịch vụ cũng là một dang hàng hóa nhưng tồn tại ở trạng thái vô hình.
3- Phân biệt hợp đồng thương mại điện tử và hợp đồng thương mại truyền thống
Về điểm giống nhau:
- Về bản chất: Cả hai hợp đồng đều là sự tự nguyện thỏa thuận của các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự
- Về giá trị pháp lý: hợp đồng được giao kết trên mạng internet cũng có giá trị pháp lý như hợp đồng được giao kết trực tiếp nếu các hợp đồng đó đáp ứng được các yêu cầu về mặt pháp lý của hợp đồng.
- Về nội dung: hợp đồng thương mại điện tử cũng như hợp đồng thương mại truyền thống, các bên tham gia hợp đồng có thể thỏa thuận các điều khoản về: đối tượng của hợp đồng; số lượng, chất lượng; giá, phương thức thanh toán; thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng; quyền, nghĩa vụ của các bên; trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; phạt vi phạm hợp đồng và các nội dung khác.
Về điểm khác biệt:
Tiêu chí |
Hợp đồng thương mại điện tử |
Hợp đồng thương mại truyền thống |
Chủ thể tham gia |
Bên bán hàng, cung ứng dịch vụ; bên mua hàng, sử dụng dịch vụ và chủ thể môi giới và các tổ chức chứng thực chữ ký số. |
bên bán hàng, cung ứng dịch vụ và bên mua hàng, sử dụng dịch vụ |
Thời gian giao kết và thực hiện hợp đồng |
Có thể tiến hành các giao dịch liên tục suốt 24/7 |
Thời gian sẽ bị hạn chế hơn do quá trình giao kết và thực hiện đều mang tính chất thủ công |
Phương tiện để thực hiện giao dịch |
Thông qua phương tiện điện tử |
Giấy tờ, qua gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc trực tiếp |
Cách thức giao kết |
Thực hiện các thao tác kỹ thuật |
Trực tiếp (đối mặt) |
Cơ sở pháp lý |
Bộ luật Dân sự năm 2015 và văn bản pháp luật chuyên ngành |
Không chỉ là Bộ luật Dân sự năm 2015 và văn bản pháp luật chuyên ngành mà còn là Luật Giao dịch điện tử và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Giao dịch điện tử năm 2005 |
4- Mẫu hợp đồng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử
5- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
(i) Bài viết trong lĩnh vực pháp luật thương mại được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
(ii) Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
(iii) Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm