Quyền tác giả và những vấn đề pháp lý liên quan

07/09/2022
Phạm Nhật Thăng
Phạm Nhật Thăng
Là một bộ phận của quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả cũng được luật sở hữu trí tuệ quy định bởi những điều luật khá chặt chẽ. Thể hiện đầy đủ các quyền nhân thân và tài sản của chủ sở hữu đối với các tác phẩm thuộc đối tượng của quyền tác giả. Vậy pháp luật sở hữu trí tuệ quy định gì về quyền này? Đối tượng của quyền tác giả là gì? Hãy cùng Luật Everest tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

1- Quyền tác giả là gì

Khái niệm quyền tác giả chỉ xuất hiện khi được pháp luật ghi nhận và bảo hộ. Qquyền tác giả là phạm vi các quyền của chủ thể đối với tác phẩm của họ được pháp luật ghi nhận và bảo hộ. Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.

Quyền tác giả được xem xét dưới ba (03) góc độ sau đây:

  • Khách quan: quyền tác giả là tổng hợp các quy phạm phap luật do nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ phát sinh từ việc tạo ra và sử dụng các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Qua đó xác nhận các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Xác định nghĩa vụ của các chủ thể trong việc sáng tạo và sử dụng các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, đồng thời quy định trình tự và phương thức bảo hộ các quyền đó khi bị xâm phạm.
  • Chủ quan: quyền tác giả là phạm vi các quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật khoa học do họ tạo ra hoặc được sở hữu.
  • Quan hệ pháp luật dân sự: quyền tác giả là quan hệ xã hội giữa tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả với các chủ thể khác trong xã hội thông qua tác phẩm được sự tác động của các quy phạm pháp luật về quyền tác giả.

2- Đặc điểm của quyền tác giả

Bên cạnh các đặc điểm chung của một quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả cũng mang những đặc trưng riêng biệt như:

  • Đối tượng của quyền là sản phẩm của hoạt động sáng tạo tinh thần.
  • Quyền tác giả được xác lập tự động
  • Quyền tác giả chỉ bảo hộ về hình thức thể hiện tác phẩm, không bảo hộ ý tưởng sáng tạo.

Xem thêm: Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

3- Tác phẩm - đối tượng bảo hộ của quyền tác giả

[a] Khái niệm tác phẩm

Công ước Berne là công ước quốc tế về quyền tác giả lâu đời nhất với số lượng quốc gia thành viên tham gia đông đảo. Theo đó, Công ước chỉ ra yêu cầu tối thiểu để tác phẩm được bảo hộ là:

  • Sáng tạo thuộc lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học,
  • Có tính sáng tạo.

Khoản 7 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định: “Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.” Như vậy, luật Việt Nam đưa ra hai dấu hiệu của tác phẩm là: sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học và được thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.

Dưới góc độ chung nhất, tác phẩm với tư cách là đối tượng của quyền tác giả được hiểu là kết quả của hoạt động sáng tạo tinh thần trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học, có thể được thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.

[b] Các loại hình tác phẩm được bảo hộ

Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ dựa vào hình thức thể hiện của tác phẩm đã liệt kê các loại hình tác phẩm được bảo hộ gồm:

  • Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
  • Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
  • Tác phẩm báo chí;
  • Tác phẩm âm nhạc;
  • Tác phẩm sân khấu;
  • Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);
  • Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;
  • Tác phẩm nhiếp ảnh;
  • Tác phẩm kiến trúc;
  • Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, công trình khoa học;
  • Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;
  • Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.

Xem thêmDịch vụ pháp lý về đăng ký nhãn hiệu của Công ty Luật TNHH Everest.

4- Chủ thể của quyền tác giả

Chủ thể ở đây là cá nhân, tổ chức có các quyền đối với tác phẩm do họ sáng tạo ra hoặc do họ là chủ sở hữu. Bởi tính giới hạn về không gian bảo hộ của quyền sở hữu trí tuệ, tại Điều 13 Luật sở hữu trí tuệ quy định tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có tác phẩm được bảo hộ bao gồm:

1. Tổ chức, cá nhân có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả gồm người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả quy định tại các điều từ Điều 37 đến Điều 42 của Luật này.

2. Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả quy định tại khoản 1 Điều này gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”

Trong đó, tác giả của tác phẩm là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.

Chủ sở hữu quyền tác giả là cá nhân, tổ chức nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản liên quan đến một tác phẩm được thừa nhận dù họ là người trực tiếp hoặc không trực tiếp tạo ra tác phẩm đó.

5- Nội dung quyền tác giả

Nội dung quyền tác giả là tổng hợp các lợi ích tinh thần và lợi ích vật chất mà một chủ thể được hưởng do việc sáng tạo ra tác phẩm hoặc là chủ sở hữu đối với tác phẩm đó.

Nội dung quyền tác giả bao gồm:

[a] Quyền nhân thân

Là các quyền mang yếu tố tinh thần của chủ thể đối với tác phẩm. Quyền này được phân chia thành hai nhóm:

  • Quyền nhân thân không thể chuyển dịch. Bao gồm: Quyền đặt tên cho tác phẩm. Quyền đứng tên tác giả đối với tác phẩm. Quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
  • Quyền nhân thân có thể chuyển dịch là quyền công bố hoặc cho người khác công bố tác phẩm.

[b] Quyền tài sản

Đây là quyền tài sản, đem đến lợi ích kinh tế cho tác giả. Bao gồm các quyền:

  • Biểu diễn tác phẩm trước công chúng
  • Quyền làm tác phẩm phái sinh
  • Quyền sao chép tác phẩm
  • Quyền phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm
  • Truyền đạt tác phẩm đến công chúng
  • Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính

Xem thêm: Dịch vụ thư ký pháp lý từ xa của Công ty Luật TNHH Everest

6- Giới hạn và thời hạn bảo hộ quyền tác giả

[a] Giới hạn quyền tác giả

Quy định về giới hạn quyền tác giả trong pháp luật các quốc gia đưcoj xây dựng trên cơ sở quy định của Công ước Berne, cho phép các quốc gia tiếp tục mở rộng hoặc quy định các ngoại lệ và giới hạn quyền tác giả dựa trên phép thử ba bước. Nghĩa là các ngoại lệ thỏa mãn ba điều kiện:

  • Đó là những trường hợp đặc biệt
  • Ngoại lệ hoặc giới hạn đó không ảnh hưởng tới quyền khai thác bình thường tác phẩm của tác giả
  • Ngoại lệ hoặc giới hạn đó không ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của tác giả.

Trên cơ sở đó pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam có hai quy định về giới hạn quyền tác giả là:

  • Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã không bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo Điều 25.
  • Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo Điều 26.

[b] Thời hạn bảo hộ

Tùy thuộc vào tính chất cũng như mức ảnh hưởng của các quyền nhân thân và tài sản đối với lợi ích của tác giả và xã hội, pháp luật quyền tác giả phân biệt hai loại quyền có thời hạn bảo hộ khác nhau. Cụ thể:

  • Các quyền được bảo hộ vô thời hạn. Vì các quyền nhân thân xác định đó là quyền luôn gắn liền với tác giả, thậm chí kể cả khi họ chết đi hay đã chuyển giao cho người khác thì những quyền này không thể tách rời tác giả. Vì vậy nhóm quyền nhân thân sẽ được bảo hộ vô thời hạn.
  • Các quyền được bảo hộ có thời hạn. Bao gồm các quyền nhân thân có thể chuyển dịch (quyền công bố hoặc cho người khác công bố tác phẩm) và các quyền tài sản. Theo pháp luật Việt Nam, thời hạn bảo hộ quyền công bố tác phẩm và các quyền tài sản là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý đăng ký bản quyền tác giả của Công ty Luật TNHH Everest

7- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

(i) Bài viết Quyền tác giả và những vấn đề pháp lý liên quan của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

(ii) Bài viết Quyền tác giả và những vấn đề pháp lý có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

(iii) Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, cần ý kiến pháp lý hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Quyền tác giả và những vấn đề pháp lý liên quan

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.40925 sec| 998.438 kb