Tâm lý xã hội của người chưa thành niên thực hiện hành vi phạm tội

10/03/2023
Phạm Nhật Thăng
Phạm Nhật Thăng
Khi phân tích nguyên nhân tâm lý xã hội của hành vi phạm tội do người chưa thành niên thực hiện, chúng ta phải nghiên cứu đặc điểm tâm lý và hoàn cảnh xã hội của người chưa thành niên trong mối quan hệ không tách rời nhau. Các đặc điểm tâm lý của người chưa thành niên như nhu cầu, hứng thú, hệ thống giá trị... không phải có sẵn, mà là kết quả của quá trình xã hội hoá cá nhân. Hoàn cảnh xã hội hoá ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành nhân cách ở người chưa thành niên. Trước hết đó là gia đình, nhóm, nhà trường và xã hội.

1- Đặc điểm tâm lý của người chưa thành niên phạm tội

Người chưa thành niên nói chung, người chưa thành niên phạm tội nói riêng là người đang trong quá trình phát triển cả về sinh lý lẫn tâm lý, ý thức. Do sự trưởng thành và tích lũy ở những giai đoạn trước, người chưa thành niên đã có một vị trí xã hội mới đó là họ không hoàn toàn còn trẻ con nhưng chưa phải là người lớn.

Đặc điểm tâm lý nổi bật đặc trưng nhất mà ta thường thấy ở lứa tuổi này là sự bộc lộ cá tính. Đó là sự tự khẳng định, luôn tự coi mình là người lớn, muốn được đối xử và được tôn trọng như người lớn. Do luôn có ý thức tự trọng và mong muốn được tôn trọng như người lớn, người chưa thành niên thường có tâm lý “phóng đại” các năng lực của mình, đánh giá cao hơn hiện thực.

Nên trong mọi công việc, các em thường muốn tự mình làm lấy không muốn phụ thuộc vào người lớn để tự khẳng định bản thân. Tuy nhiên, khả năng nhận thức về các chuẩn mực đạo đức, pháp luật, về nghĩa vụ và bổn phận, về các giá trị xã hội khác, như giá trị lao động, giá trị học tập... còn nhiều hạn chế.

Thực tế cho thấy những người chưa thành niên phạm tội còn rất non nớt về kiến thức xã hội và ý thức pháp luật. Nhận thức và quan niệm về pháp luật đã không được hình thành hoặc bị lệch lạc theo cách hiểu chủ quan của họ. Những yêu cầu nghiêm ngặt của pháp luật đã trở nên lỏng lẻo, không mang tính chế ước cụ thể đối với họ. Vì thế, họ thường thờ ơ, lãnh đạm đối với pháp luật. Một biểu hiện khác của sự lệch lạc trong nhận thức về pháp luật của những người chưa thành niên phạm tội là họ cho rằng những yêu cầu và những điều cấm đó chỉ được quy định trong các văn bản pháp luật hoàn toàn mang tính hình thức, còn hành động thì phải căn cứ vào nhu cầu cụ thể của cá nhân mới thể hiện được cuộc sống tự do.

Cũng chính vì vậy, rất nhiều người chưa thành niên thực hiện hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng lại không biết rằng mình phạm tội, không thấy được hết tính nguy hiểm đối với xã hội của những hành vi đó, mà lại cho rằng hành vi của mình là hợp pháp, là tự vệ hoặc là bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Một số khác lại cho rằng hành vi phạm tội của mình như hành vi trộm cắp tài sản, cướp tài sản, cố ý gây thương tích.... là đúng đắn và cần thiết để góp phần tạo ra sự công bằng trong xã hội. Những biểu hiện trên phản ánh sự thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết sai lệch về pháp luật ở người chưa thành niên phạm tội.

Ở người chưa thành niên các quá trình hưng phấn thần kinh của vỏ não mạnh và chiếm ưu thế nên nhiều khi các em không làm chủ được bản thân, không kiềm chế được xúc động mạnh, dễ bị kích động, dễ nổi nóng, gây gổ. Chỉ cần có va chạm nhỏ với bạn bè là họ có thể sử dụng hành vi bạo lực để giải quyết và bất chấp những hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ: Trường hợp Nguyễn Vân, một học sinh bị đuổi học, quay lại trường phổ thông trung học Bạch Mai, bắt gặp Phạm Đức Thọ bạn cùng lớp đứng nói chuyện với thầy giáo, Vân cho là Thọ “nhìn đểu” liền rút dao đâm Thọ bị thương.

Quan hệ bạn bè có một sức mạnh đáng kể ở lứa tuổi này. Cùng với sự xuất hiện ý thức về bản thân rằng mình đã lớn là xuất hiện nhóm xã hội với tư cách là chủ thể cộng đồng. Chính vì thế chúng ta có thể thấy một đặc điểm rất cơ bản của lứa tuổi chưa thành niên là các em có xu hướng tìm kiếm các mối quan hệ ở ngoài gia đình rất cao. Ở lứa tuổi này các em dễ ngộ nhận, nhầm lẫn giữa biểu hiện bên ngoài và bản chất nên các em rất hay cố chấp. Những biểu hiện như liều lĩnh, táo tợn, các em lại cho rằng đấy là dũng cảm; ngang ngược hỗn xược thì các em cho đấy là bản lĩnh.

Chính vì vậy, nhóm bạn bè không chính thức có ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, hành vi mà nhân cách của người chưa thành niên có quan hệ với nhóm đó. Nét nồi bật của người chưa thành niên phạm tội là hành động bột phát, tức thời, mang tính chất phiêu lưu, mạo hiểm, côn đồ, dạng “anh hùng rơm”. Chẳng hạn, trường hợp tên Dương Thế Tùng đã có 3 tiền sự, vì muốn trả thù cho tên Giang ở phường phố Huế nên đã cùng đồng bọn mua 10 con dao chọc tiết lợn, hung hăng đâm bị thương 3 người đi đường và đâm chết thượng uý cảnh sát nhân dân Nguyễn Văn Ngữ...

Rõ ràng, hành vi của các đối tượng này mang tính côn đồ, hung hãn nhưng khác các trường hợp đâm thuê, chém mướn là bọn chúng không cần tiền mà chỉ cần “trả thù”. Chúng giải quyết mọi việc bằng luật “giang hồ” pha chút “lãng tử”, tự thấy mình giỏi và oai. Ngoài ra, do đặc điểm thể chất và tâm lý của lứa tuổi này như thể lực yếu, thích mạo hiểm, muốn tự khắng định bản thân, khả năng tự kiềm chế kém, ít kinh nghiệm sống, dễ bị lôi kéo, kích động... nên những người chưa thành niên thường tụ tập, liên kết lại thành nhóm, băng đảng nhằm tạo sức mạnh, nhất là khi có sự trợ giúp của những hung khí như dao, gậy, lưỡi lê, côn., .để dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội.

Bên cạnh đó, ở lứa tuổi này các em rất tò mò, hiếu động, có xu hướng tìm kiếm, khám phá những cái mới lạ, hay bắt chước nên rất dễ bị lôi cuốn vào các trò chơi vô bổ thậm chí thực hiện cả hành vi phạm tội như đua xe máy, đánh bạc, xem các sách, báo, phim ảnh về bạo lực, về tình dục không lành mạnh hoặc nghiện hút...

Điều này được khẳng định qua 25,7% số người chưa thành niên nghiện ma tuý được hỏi cho rằng mình nghiện ma tuý là do tò mò; 34% là do bạn bè rủ rê. Khi đã nghiện ma tuý, để có tiền thoả mãn nhu cầu nghiện thì cần phải có tiền. Trong khi đó các em chưa có nghề nghiệp và chưa có khả năng kiếm tiền. Do đó, chúng có thể làm bất kỳ việc gì nhằm thoả mãn nhu cầu nghiện của mình kể cả thực hiện hành vi phạm tội.

Xem thêm: Dịch vụ Luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest.

2- Người chưa thành niên phạm tội có nguyên nhân  từ trách nhiệm gia đình

Gia đình là môi trường xã hội đầu tiên mà con người tiếp xúc, là yếu tố chủ đạo cho sự hình thành và phát triển những phẩm chất tâm lý nhân cách con người. Thông qua gia đình con người được nuôi nấng, được giáo dục và tiếp thu những kinh nghiệm xã hội đầu tiên. Vì vậy gia đình bao giờ cũng để lại nhiều dấu ấn trong tâm lý con người, và có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành, phát triển nhân cách của con người.

Sống trong các gia đình có bố mẹ hoặc những người lớn khác luôn có những hành vi thiếu văn hoá, có lối sống vô đạo đức và thậm chí có cả hành vi phạm tội, như bố mẹ bất hoà, hay đánh chửi nhau, những người trong gia đình đánh bạc, nghiện rượu, nghiện ma tuý, buôn lậu, trộm cắp, tham ô... thì những gương xấu đó sẽ làm cho các em dần dần coi thường pháp luật, nhiễm các thói hư tật xấu và dễ bị lôi kéo rồi dẫn tới đồng loã với những người làm ăn phi pháp. Chỉ những em có ý chí kiên quyết, có lòng tự trọng cao, sớm có khả năng đánh giá đúng sai mới tránh được những ảnh hưởng xấu đó.

Để thấy rõ những ảnh hưởng của loại gia đình này đến sự hình thành hành vi phạm tội ở người chưa thành niên, chúng tôi xin dẫn một vài số liệu thống kê tội phạm học như sau: trẻ em phạm pháp có nguồn gốc gia đình làm nghề buôn bán bất hợp pháp chiếm 51,94%; gia đình có người phạm tội hình sự chiếm 40%; có tới 30% trẻ em phạm tội có bố hoặc mẹ hoặc cả bố mẹ nghiện hút.

Có trường hợp bố mẹ còn trực tiếp đẩy con ra đường, xúi giục chúng làm những điều bất chính khiến trẻ bỏ nhà "đi hoang", "sống bụi", trộm cắp... Theo thống kê của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội thì tỉ lệ người chưa thành niên có hành vi trộm cắp tài sản đồng phạm với bố mẹ là 3,79%.

Ngoài ra, những phương pháp giáo dục không đúng đắn của gia đình cũng có ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến hành vi phạm tội của người chưa thành niên. Sự quá nuông chiều con cái của bố mẹ, luôn thoả mãn mọi đòi hỏi của trẻ tạo ra cho chúng thói quen đòi gì được nấy. Đồng thời nhiều bậc cha mẹ còn không yêu cầu chúng thực hiện những nghĩa vụ, trách nhiệm và những công việc cần phải làm đã hình thành ở chúng tính ỷ lại, dựa dẫm, sống ích kỷ, lười nhác, không ý thức về trách nhiệm của mình, luôn đòi hỏi được phục vụ, được hưởng thụ.

Đến một lúc nào đó, khi gia đình không thoả mãn những yêu sách của chúng, hoặc không có điều kiện phục vụ chúng như trước, thì chúng dễ trở nên bất mãn, thù ghét bố mẹ và để nhằm gây áp lực với gia đình, chúng thường chọn giải pháp: bỏ nhà đi lang thang, tụ tập với bạn bè xấu, nhiều trường họp chúng đã trộm cắp tài sản của chính bố mẹ mình hoặc của người khác để thoả mãn những nhu cầu không chính đáng như đua đòi ăn diện, đánh bạc, nghiện hút ma tuý... Khi khảo sát 7000 học sinh đang học tại trường phổ thông công nông nghiệp thì có tớí 21% trẻ em phạm tội đã được gia đình và bố mẹ nuông chiều.

Xem thêm: Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

3- Người chưa thành niên phạm tội có nguyên nhân từ các nhóm tiêu cực

Ngoài những ảnh hưởng quan trọng của gia đình, quá trình xã hội hóa cá nhân còn chịu sự tác động rất lớn của các nhóm xã hội. Trong cùng một thời gian mỗi người là thành viên của nhiều nhóm xã hội khác nhau. Tất cả các nhóm đều ít nhiều chi phối hành động, những chuẩn mực hành vi cá nhân.

Nhóm được phân ra làm nhiều loại: nhóm lớn, nhóm nhỏ, nhóm chính thức, nhóm không chính thức, nhóm quy chiếu. Qua nhiều công trình nghiên cứu cho thấy rằng, hành vi phạm tội thường chịu tác động rất lớn của nhóm không chính thức và nhóm quy chiếu.

(i) Nhóm không chính thức: là cộng đồng xã hội được thể hiện bằng tất cả các dấu hiệu của nhóm. Nhưng không có các quy che được ghi nhận về mặt pháp lý. Đặc điểm nổi bật của sự hình thành loại nhóm này là "tính tự phát". Cơ sở để tập hợp các thành viên trong nhóm chủ yếu là do các yếu tố cảm tính ("thích", "không thích") còn tính chất hợp lý và vai trò của ý thức không quan trọng. Những trường hợp trong quan hệ của nhóm xã hội chính thức có sự "thiếu hụt" hay có xung đột một số cá nhân thường tìm đến nhóm không chính thức. Đó là những nhóm thanh thiếu niên phạm tội nhiều lần, nhóm người nghiện ngập, rượu chè, cờ bạc. Những nhóm tiêu cực này có khả năng thu hút lực lượng mạnh mẽ và nhanh chóng hơn nhiều so với những nhóm chính thức không có nội dung hoạt động phong phú, hấp dẫn, thiếu tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các cá nhân.

(ii) Nhóm quy chiếu: là cộng đồng xã hội có thực, do điều kiện nhất định, cá nhân quy các tiêu chuẩn và ý kiến của nhóm vào hành vi của mình. Nhóm này cơ bản có hai chức năng: Chuẩn mực và đối chiếu, chức năng chuẩn mực xuất hiện trong quá trình hình thành động cơ. Trong trường hợp này, nhóm quy chiếu đề ra những chuẩn mực hành vi và định hướng giá trị cho mỗi cá nhân.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

4- Người chưa thành niên phạm tội có nguyên nhân từ trách nhiệm của nhà trường

Nhà trường không chỉ trang bị cho học sinh các kiến thức về các môn khoa học, mà còn là nơi bồi dưỡng, rèn luyện nhân cách cho học sinh. Để làm được điều này, đòi hỏi các thầy cô giáo không chỉ cung cấp cho học sinh những kiến thức khoa học mà còn phải hiểu biết sâu sắc về tâm sinh lý của học sinh và đóng vai trò như cha mẹ, anh chị giúp các em suy nghĩ, hành dộng đúng trong mọi tình huống của cuộc sống. Chính vì vậy, yếu tố phương pháp giảng dạy, quản lý học sinh và tấm gương của các thầy cô giáo đóng vai trò quan trọng góp phần bồi dưỡng nhân cách tốt cho học sinh.

Bên cạnh những thành tích mà nhà trường đã đạt được trong quá trình đào tạo và giáo dục con người, còn có một số thiếu sót tạo nguyên nhân và điều kiện cho người chưa thành niên phạm tội.

Việc tổ chức quản lý học sinh ở một số trường còn buông lỏng và không sâu sát, gần gũi học sinh. Do đó, giáo viên không nắm bắt được hoàn cảnh gia đình, đặc điểm tâm sinh lý của từng em, đặc biệt là học lực và năng khiếu để có phương pháp giảng dạy, uốn nẳn kịp thời những biểu hiện sai trái của học sinh. Trọng thực tế đã có những trường hợp khi học sinh vi phạm kỷ luật của lớp, của trường, giáo viên không gần gũi các em đề khuyên bảo, giúp đỡ họ, mà lại thành kiến đối với các em, áp dụng các biện pháp kỷ luật và thâm chí còn đuổi học các em, vậy số học sinh đó sẽ học ở đâu? trường nào sẽ nhận giúp đỡ các em đó? các em thất học, chán học dẫn đến chơi bời lêu lổng và sớm muộn cũng dẫn đến việc phạm pháp.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về Hợp đồng hôn nhân của Công ty Luật TNHH Everest.

5- Người chưa thành niên phạm tội có nguyên nhân từ tác động xã hội

Bên cạnh sự vô trách nhiệm của gia đình với sự thiếu đồng bộ trong công tác giáo dục ở nhà trường thì môi trường xã hội không lành mạnh cũng là yếu tố tác động rất mạnh đến tâm lý của trẻ em khiến chúng rất dễ sa vào con đường phạm pháp.

Trong những năm gần đây, nền kinh tế nước ta đạt được mức tăng trưởng mạnh, đời sống vật chất của mỗi gia đình ngày càng được cải thiện và từng bước nâng cao. Nhưng có một ngịch lý là đời sống văn hoá tinh thần ngày càng có xu hướng nghèo nàn đi. Khuynh hướng thương mại hoá các hoạt động vãn hoá khiến cho không ít các giá trị văn hoá vật chất và phi vật chất bị lợi dụng để khai thác lợi nhuận. Ở đây muốn nói tới những mặt trái của cơ chế thị trường, trong đó có vấn đề mở cửa ở lĩnh vực văn hoá.

Với thanh niên thiếu niên mới lớn, chưa định hình về tính cách thì chúng dễ hành động bột phát hay tò mò bắt chước. Khả năng học đòi, bắt chước của các em rất lớn và mau chóng. Các em bắt chước theo những hình mẫu cả trong đời sống thực và trong phim ảnh, sách báo. Các em bắt chước những gì theo mình là hay, lạ và hấp dẫn.

Do rất nhạy cảm, trẻ em dễ phát hiện những điều mới lạ, nhưng do thiếu kinh nghiệm sống các em khó phân biệt cái tốt với cái xấu, cái hay với cái dở. Do đó, những cảnh ăn chơi, đua đòi, lãng phí, những phim ảnh với cảnh “sex” và bạo lực, những tập truyện không lành mạnh, những loại âm nhạc kích động và uỷ mị... tất cả có ảnh hưởng tiêu cực đến tâm hồn trẻ. Qua những cuộc khảo sát thì số người chưa thành niên phạm tội vì xem phim ảnh có nội dung xấu chiếm tỉ lệ khá cao.

Ngoài ra, cũng cần phải kể đến những thiếu sót trong việc bố trí dạy nghề và việc làm phù hợp với lứa tuổi người chưa thành niên. Thực tế cho thấy với số học sinh không thi đỗ vào các trường phổ thông trung học và đại học, chúng ta lại chưa bố trí công việc làm cho các em, chưa tạo điều kiện cho các em trở thành người lao động có ích thì sô các em này lang thang, chơi bời lêu lổng rồi bị lôi cuốn vào các băng nhóm phạm pháp cũng là điều khó tránh khỏi.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về tổ chức lại doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest.

6- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

(i) Bài viết Tâm lý xã hội của người chưa thành niên phạm tội được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

(ii) Bài viết Gâm lý xã hội của người chưa thành niên phạm tội có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

(iii) Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, cần ý kiến pháp lý hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 024-66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Tâm lý xã hội của người chưa thành niên thực hiện hành vi phạm tội

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.34234 sec| 1015.359 kb