Thẩm quyền của Tòa án hình sự quốc tế (ICC)
Nội dung bài viết
- 1- Khái quát lịch sử hình thành Tòa án hình sự quốc tế (ICC)
- 2- Thẩm quyền tài phán của Tòa án hình sự quốc tế (ICC)
- 3- Các nguyên tắc cơ bản để xác lập và thực thi thẩm quyền của Tòa án hình sự Quốc tế
- 4- Phạm vi thẩm quyền của Tòa án hình sự Quốc tế
- 5- Trường hợp tòa án hình sự quốc tế (ICC) thực hiện quyền xét xử
1- Khái quát lịch sử hình thành Tòa án hình sự quốc tế (ICC)
Trong xã hội hiện đại, với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập, những giá trị cao quý nhất - các quyền con người - ngày càng được các nhà nước và xã hội quan tâm và bảo vệ. Do đó, các thiết chế quốc tế được thành lập ra nhằm bảo vệ các quyền con người (CQCN) ngày càng phong phú, đa dạng. Lời nói đầu Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948 (được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua và công bố theo Nghị quyết số 217A (III) ngày 10/12/1948) đã khẳng định: “Việc thừa nhận phẩm giá vốn có, các quyền bình đẳng và không thể tách rời của mọi thành viên trong gia đình nhân loại là cơ sở cho tự do, công bằng và hòa bình trên thế giới...
Điều cốt yếu là quyền con người cần phải được pháp luật bảo vệ để con người không buộc phải nổi dậy như là một biện pháp cuối cùng nhằm chống lại sự độc tài và áp bức... Các quốc gia thành viên đã cam kết, cùng với Liên hiệp quốc, phấn đấu thúc đẩy sự tôn trọng và tuân thủ chung các quyền và tự do cơ bản của con người”. Do đó, một trong các thiết chế của luật hình sự quốc tế (LHSQT) là Tòa án hình sự quốc tế (International Criminal Court, gọi tắt là ICC) được thành lập dựa trên Quy chế Rome ngày 17/7/1998.
ICC không chỉ là hiện thân của công lý, lẽ phải, dân chủ và lương tri toàn cầu, nó còn là tượng trưng cho sức mạnh của các dân tộc, của cộng đồng quốc tế và xã hội loài ngoài bằng một thiết chế tố tụng của LHSQT do chính nhân loại đặt ra - Tòa án quốc tế có thẩm quyền xét xử các tội ác nghiêm trọng nhất trong xã hội chống lại loại người, xâm phạm đến CQCN. Đặc biệt, điều này còn “ngăn chặn việc trốn tội và đồng thời cũng thiết lập hệ thống thường xuyên nhằm ngăn chặn những người có nguy cơ phạm tội trên toàn thế giới, đặc biệt liên quan đến những người chịu trách nhiệm chính đang cố ẩn trốn sau hệ thống thứ bậc và những mạng lưới ảnh hưởng lớn".
Ý tưởng thành lập nền tư pháp hình sự quốc tế hình thành từ rất sớm, từ những năm 20 đầu thế kỷ 20, trước khi Liên hiệp quốc (LHQ) ra đời, xuất hiện ngay sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, nhằm trừng phạt những nhà lãnh đạo Chính phủ lạm dụng quyền lực để phát động chiến tranh, đàn áp và sát hại hàng loạt dân thường. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, các tòa án đặc biệt (Nuremberg, Tokyo) đã xét xử các nhân vật cầm đầu Đức quốc xã và nước Nhật quân phiệt. Từ cuối thập niên 1940 đến thập niên 1990, chiến tranh lạnh làm ngưng trệ tiến trình, cho đến khi đối đầu Đông-Tây chấm dứt.
Trên cơ sở Chương VII Hiến chương LHQ, Hội đồng Bảo an đã thành lập hai tòa án hình sự quốc tế: một về Nam Tư (theo Nghị quyết số 808 ngày 22/2/1993) và một về Ruanđa (theo nghị quyết số 955 ngày 8/11/1994). Năm 1998, hội nghị quốc tế có 120 nước tham dự đã thông qua dự thảo hiệp ước thành lập ICC. Gần bốn năm sau, ICC chính thức được thành lập. Mặc dù sự ra đời của ICC là kết quả của một thỏa thuận quốc tế giữa các quốc gia, tuy nhiên không thể không nhắc đến sự đóng góp to lớn của Ủy ban pháp luật quốc tế của LHQ. Ngay từ khi thành lập vào năm 1948, Ủy ban pháp luật quốc tế đã tiến hành nghiên cứu, xem xét về một thiết chế tư pháp quốc tế – ICC thường trực – theo yêu cầu của LHQ. Kết quả làm việc của Ủy ban này chính là phần quan trọng của Quy chế Rome về ICC.
Tóm lại, ICC được hiểu là Tòa án quốc tế thường trực được thành lập trên cơ sở hiệp ước - Quy chế Rome - để xem xét trách nhiệm hình sự của những cá nhân phạm các tội ác quốc tế nghiêm trọng nhất như tội diệt chủng, tội chống nhân loại, tội ác chiến tranh và tội xâm lược. Đây là những tội ảnh hưởng lớn đến những giá trị chung của cộng đồng quốc tế nên cần phải bị trừng trị nhằm ngăn ngừa tội phạm, hạn chế đến mức tối đa sự bỏ lọt tội phạm và trốn tội, củng cố an ninh và trật tự trên thế giới, và đặc biệt là bảo vệ những giá trị của xã hội văn minh - CQCN.
Có thể nhận thấy rõ rằng, ICC theo Quy chế Rome là thiết chế được thừa hưởng và hoàn thiện trên cơ sở các thành tựu của lịch sử loài người trong việc bảo vệ CQCN như Luật quốc tế về nhân quyền, Luật nhân đạo quốc tế, Luật xung đột vũ trang. Để đảm bảo cho việc hình thành Tòa án, ngoài quy chế Rome còn có một số văn bản khác hỗ trợ như Quy tắc về thủ tục và chứng cứ (Rules of Procedure and Evidence) và các yếu tố cấu thành tội phạm (Elements of Crimes); Thỏa thuận về các quyền ưu đãi và miễn trừ của ICC (Agreement on Privileges and Immunities of ICC - Apic).
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
2- Thẩm quyền tài phán của Tòa án hình sự quốc tế (ICC)
Thẩm quyền tài phán của Tòa án hình sự quốc tế (ICC) được xác định đối với các cá nhân có hành tội phạm nghiêm trọng nhất đối với cộng đồng quốc tế, như tội diệt chủng (Điều 5 Khoản 1 Mục a), tội ác chống nhân loại (Điều 5 Khoản 1 Mục b), tội ác chiến tranh (Điều 5 Khoản 1 Mục c), và tội xâm lược (Điều 5 Khoản 1 Mục c).
Các loại hình tội phạm này lần lượt được định nghĩa riêng biệt tại các Điều 6, Điều 7 và Điều 8.
Chỉ có tội xâm lược là chưa được xác định cụ thể trong thời điểm hiện tại, các quốc gia thành viên của Quy chế muốn có được thẩm quyền xét xử của tòa án hình sự quốc tế đối với tội xâm lược, thì phải thỏa thuận và đưa ra một định nghĩa về xâm lược cùng các điều kiện xác lập thẩm quyền tài phán này.
Khi đó Tòa án hình sự quốc tế mới có thể thực hiện quyền xét xử của mình.
Quy định này chỉ được áp dụng riêng biệt đối với tội xâm lược, sở dĩ có yêu cầu đặc biệt như vậy là do trong khuôn khổ vận hành của cộng đồng quốc tế, các quốc gia vẫn chưa có được sự nhất trí chung về định nghĩa pháp lý của khái niệm “xâm lược”.
Tòa án hình sự quốc tế có thẩm quyền xét xử mang tính chất bổ sung cho thẩm quyền tài phán của tòa án quốc gia.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
3- Các nguyên tắc cơ bản để xác lập và thực thi thẩm quyền của Tòa án hình sự Quốc tế
(i) Nguyên tắc thẩm quyền bổ sung
Nguyên tắc thẩm quyền bổ sung trước hết để miêu tả mối quan hệ giữa TAHSQT và các tòa án quốc gia, và được xem như một sự thỏa hiệp cho các quốc gia lo sợ sự hạn chế chủ quyền của họ khi tham gia Quy chế Rôm. Sau đó, nguyên tắc thẩm quyền bổ sung được hình thành nhằm khuyến khích sự tham gia của các cơ quan tư pháp quốc gia và hài hòa pháp luật trong nước, mặc dù điều này không được đề cập trực tiếp trong Quy chế Rôm.
(ii) Nguyên tắc không xét xử hai lần (non bis in idem).
(iii) Nguyên tắc căn cứ vào tính nghiêm trọng của vụ việc.
Điều 5 của Quy chế đã xác định và giới hạn thẩm quyền của Tòa án đối với bốn loại tội phạm: Tội diệt chủng, Tội chống nhân loại, Tội phạm chiến chiến, Tội xâm lược. Tòa án không xét xử các tội phạm thông thường, mà chỉ xét xử bốn tội phạm nghiêm trọng nhất đã đề cập ở trên, những tội phạm này được xác định gây lo ngại sâu sắc nhất cho toàn thể cộng đồng quốc tế.
Xem thêm: Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
4- Phạm vi thẩm quyền của Tòa án hình sự Quốc tế
(i) Thẩm quyền theo lãnh thổ
Theo quy định tại Điều 4, Quy chế Rôm, thẩm quyền theo lãnh thổ của TAHSQT được thực hiện không chỉ đối với các tội phạm xảy ra trên lãnh thổ của quốc gia thành viên, không phụ thuộc vào quốc tịch của người phạm tội, mà còn mở rộng đối với cả các tội phạm xảy ra trên lãnh thổ quốc gia không thành viên khi quốc gia không thành viên đó chấp nhận thẩm quyền của Tòa trên cơ sở một thỏa thuận Ad hoc giữa quốc gia không thành viên đó với Tòa án.
(ii) Thẩm quyền theo thời gian
Theo quy định tại Điều 11, Quy chế Rôm, thẩm quyền theo thời gian của TAHSQT được xác định trong hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất, Tòa án chỉ có thẩm quyền đối với những tội phạm được thực hiện sau khi Quy chế có hiệu lực. Trường hợp thứ hai, nếu một quốc gia trở thành thành viên của Quy chế sau khi Quy chế có hiệu lực thì Tòa án chỉ có thể thực hiện thẩm quyền với những tội phạm xảy ra kể từ thời điểm Quy chế Rôm có hiệu lực đối với quốc gia đó.
(iii) Thẩm quyền đối với cá nhân
Điều 1 của Quy chế Rôm quy định: “Tòa án là một cơ quan thường trực, có thẩm quyền xét xử những cá nhân phạm các tội phạm quốc tế nghêm trọng nhất…”. Để làm rõ hơn, Quy chế dành riêng điều 25 quy định chi tiết về trách nhiệm hình sự của cá nhân: “1.Tòa án có quyền tài phán đối với thể nhân theo Quy chế này. 2. Người phạm tội thuộc quyền tài phán của Tòa án phải chịu trách nhiệm cá nhân và chịu hình phạt theo Quy chế này…”.
+ Thẩm quyền đối với một số tội phạm xác định:
- Tội diệt chủng;
- Tội phạm chống nhân loại;
- Tội phạm chiến tranh;
- Tội xâm lược.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
5- Trường hợp tòa án hình sự quốc tế (ICC) thực hiện quyền xét xử
Nói cách khác, Tòa án hình sự quốc tế chỉ thực hiện quyền xét xử của mình trong trường hợp tòa án quốc gia không có khả năng hoặc vì lý do nào đó tòa án này không muốn, không có ý định thụ lý để giải quyết vụ việc.
ICC không phải là cơ quan tư pháp đảm nhiệm chức năng xét xử thay thế cho tòa án quốc gia.
Quy định này thể hiện sự tôn trọng chủ quyền quốc gia trong luật quốc tế, đảm bảo cho mỗi quốc gia thực thi quyền tối cao của mình trong giải quyết các vấn đề có liên quan.
Theo Quy chế, tòa án hình sự quốc tế chỉ có thể thực hiện thẩm quyền xét xử của mình đối với các loại hình tội phạm thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế, nếu:
- Một hoặc các quốc gia có liên quan là thành viên của Quy chế về Tòa án hình sự quốc tế; .
- Bị cáo là công dân của quốc gia thành viên Quy chế;
- Tội phạm thuộc phạm điều chỉnh của Quy chế được thực hiện trên lãnh thổ của quốc gia thành viên;
- Quốc gia không phải là thành viên của Quy chế có thể quyết định chấp nhận thẩm quyền tài phán của tòa án hình sự quốc tế đối vái các tội phạm hình sự do công dân nước mình thực hiện trong phạm vi lãnh thổ của mình.
Tuy nhiên, các điều kiện nêu trên không được áp dụng để xác định thẩm quyền xét xử của tòa án hình sự quốc tế nếu Hội đồng bảo an Liên hợp quốc căn cứ vào nhiệm vụ của mình được ghi nhận trong chương VII Hiến chương là duy trì hòa bình - an ninh thế giới.
Chuyển giao vấn đề cho ủy viên công tố nghiên cứu và quyết định. Đây thường là các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng vi phạm luật quốc tế.
Dĩ nhiên, tòa án hình sự quốc tế chỉ có thẩm quyền tiến hành các hoạt động tố tụng xét xử khi cơ quan công tố chuyển giao vụ việc cho tòa án xét xử và giải quyết.
Hoặc cơ quan công tố cũng thể tự mình khởi tố điều tra dựa trên cơ sở quyền hạn được quy định của mình.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực tư pháp quốc tế của Công ty Luật TNHH Everest
6- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Thẩm quyền của Tòa án hình sự quốc tế (ICC) được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Thẩm quyền của Tòa án hình sự quốc tế (ICC) có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm