Tin tưởng - một giá trị cốt lõi của Công ty Luật TNHH Everest

Bất cứ ai không trung thực trong việc nhỏ sẽ không được tín nhiệm giao cho việc lớn".

Albert Einstein, 1879-1955, nhà vật lý vĩ đại người Đức

Tin tưởng - một giá trị cốt lõi của Công ty Luật TNHH Everest

Muốn có thương hiệu uy tín, phải có một tổ chức đáng tin. Muốn có một tổ chức đáng tin, phải có đội ngũ đáng tin. Muốn có đội ngũ đáng tin, phải có con người đáng tin. Một người muốn được tin cậy bởi người khác, trước hết người đó phải có tự trọng hay sự đáng tin từ bên trong. 

Sự tin tưởng bắt đầu từ chính bản thân chúng ta, rồi lan sang các mối quan hệ của chúng ta, tổ chức nơi chúng ta hoạt động, các mối quan hệ trên thương trường và cuối cùng là toàn xã hội.

Nguyên tắc của: [1] Tin tưởng bản thân là sự tín nhiệm; [2] Tin tưởng trong mối quan hệ là hành động nhất quán; [3] Tin tưởng trong tổ chức là mối liên kết; [4] Tin tưởng trên thương trường là uy tín; [5] Tin tưởng trong xã hội là cống hiến.

Liên hệ

I- TIN TƯỞNG LÀ GÌ

Tin tưởng bắt nguồn từ tiếng La-tinh: credere. Đó là một trạng thái cảm xúc, là thái độ mà con người tin rằng một điều gì đó sẽ xảy ra. Sự tin tưởng chính là gốc rễ của mọi vấn đề, là cách chúng ta suy nghĩ, ứng xử, kết quả chúng ta có thể đạt được. Sự tin tưởng cũng chính là chất keo, là chìa khóa gắn kết mọi người. 

Có sự tin tưởng, chúng ta có khả năng tạo nên sự thành công và thịnh vượng vượt bậc. Ngược lại, thiếu sự tin tưởng, một chính phủ hùng mạnh nhất hay một doanh nghiệp thành công nhất cũng có khả năng bị sụp đổ; nền kinh tế thịnh vượng nhất có thể bị suy thoái, lãnh đạo có ảnh hưởng nhất cũng có nguy cơ suy yếu; và một tình yêu thương sâu sắc nhất cũng có thể tan vỡ.  

Tin tưởng bắt đầu từ chính bản thân mỗi chúng ta (self-trust), lan sang các mối quan hệ, đến tổ chức nơi chúng ta hoạt động, các mối quan hệ trên thương trường, cuối cùng là toàn xã hội.  

Có thể kể đến một số lợi ích mà sự tin tưởng đem lại trong công việc hay cuộc sống:

Tư duy tích cực: Khi có sự tin tưởng, tư duy của chúng ta cũng từ đó mà thay đổi. Nếu một người mất đi sự tin tưởng, họ có xu hướng tìm kiếm khuyết điểm của người khác. Ngược lại, nếu chúng ta có sự tin tưởng, cái nhìn của chúng ta về thế giới sẽ không còn ảm đạm nữa và có những suy nghĩ tích cực hơn về con người, về cuộc sống. 

Tâm lý vững vàng: Khi có sự tin tưởng lẫn nhau, mỗi người sẽ đạt được một trạng thái an toàn về mặt tâm lý. Nói cách khác, chúng ta có thể nói lên những suy nghĩ của chính mình mà không cần phải lo sợ làm mất lòng người khác. 

Giao tiếp hiệu quả: Giao tiếp chính là cầu nối để xây dựng mối quan hệ. Nếu mất đi sự tin tưởng lẫn nhau, quá trình giao tiếp sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Mọi người đều lo sợ rằng, những gì họ nói ra sẽ không được mọi người tôn trọng. 

Ra quyết định nhanh chóng: Niềm tin cũng được xem như một cơ sở để chúng ta ra quyết định nhanh chóng hơn. Lúc này, mọi người sẽ ý thức được rằng, người ra quyết định luôn hành động với mục đích đem lại hiệu quả tốt nhất, vì lợi ích của tập thể. 

Giảm cảm giác cô đơn: Trong thế giới ngày càng bận rộn và căng thẳng, sự tin tưởng trong cuộc sống trở thành một nguồn an ủi, động viên tinh thần vô cùng quý giá. Bởi vì áp lực, căng thẳng nên chúng ta dễ rơi vào hố sâu của sự cô đơn, đau khổ cùng với suy nghĩ bản thân không được yêu thương, không có ai hiểu mình. 

Khám phá khả năng tiềm ẩn: Khi chúng ta lựa chọn tin tưởng lẫn nhau, mỗi cá nhân có thể vững vàng đối mặt với thách thức, khám phá những tiềm năng của bản thân. 

Trở nên trung thực hơn: Khi ta chọn tin tưởng một ai đó, chúng ta sẵn sàng thổ lộ những bí mật sâu kín nhất của mình cho đối phương thấy dù là điểm mạnh hay khiếm khuyết của bản thân. 

Xây dựng những mối quan hệ ý nghĩa: Sự tin tưởng được xem như “xương sống” của những mối quan hệ lành mạnh. Khi tin rằng, có một ai đó luôn tôn trọng và yêu thương mình, chúng ta sẽ cởi mở hơn. Sự cởi mở cũng là yếu tố để nuôi dưỡng sợi dây kết nối giữa người với người. 

Mang lại giá trị cộng đồng: Khi sự tin tưởng trở thành chuẩn mực của xã hội, cộng đồng cũng sẽ từ đó mà trở nên lành mạnh, hạnh phúc hơn. Theo Dan Buettner, tác giả của The Blue Zones of Happiness, khi lòng tin xã hội ở dưới 30%, mức sống của quốc gia sẽ rơi vào bế tắc, không thể phát triển được.

Tìm hiểu thêm: Về Công ty Luật TNHH Everest

II- TIN TƯỞNG VÀO BẢN THÂN 

Tin tưởng vào bản thân (self-trust) là cấp độ đầu tiên. Đây là sự tin tưởng vào khả năng chúng ta có thể đặt ra và thực hiện các mục tiêu, cam kết thực hiện những gì đã nói, cũng như khơi dậy niềm tin trong lòng mọi người. Nguyên tắc chính của cấp độ này là sự tín nhiệm (credibility), với 04 yếu tố cốt lõi

[1] Sự chính trực (integrity): là đức tính mà hầu hết mọi người đều nghĩ tới khi nói về sự tin tưởng. Nhiều người cho rằng, "chính trực" về cơ bản có nghĩa là "trung thực". Thế nhưng tính chính trực bao hàm nghĩa trung thực và bao quát nhiều giá trị đạo đức khác, đó là sự nhất quán giữa ý thức bên trong và hành động bên ngoài, là lòng dũng cảm hành động theo các giá trị đạo đức và tin tưởng của chúng ta. 

[2] Ý định (intent): liên quan đến động cơ và những hành vi bắt nguồn từ đó. Sự tin tưởng sẽ lớn mạnh khi các động cơ của chúng ta ngay thẳng và đặt trên cơ sở lợi ích chung. Nghĩa là, chúng ta không chỉ quan tâm đến bản thân, mà còn quan tâm đến những người liên quan. Khi nghi ngờ người khác có ý đồ xấu hoặc khi không tin họ hành động có lợi cho chúng ta, chúng ta sẽ nghi ngờ tất cả lời nói, việc làm của họ. 

[3] Năng lực (capabilities): là khả năng tạo sự tin tưởng nơi người khác, cũng là tài năng, quan điểm, kỹ năng, kiến thức và phong cách. Đây là những phương tiện giúp chúng ta đạt được kết quả. Một bác sĩ gia đình có thể là người chính trực và có động cơ tốt, nhưng nếu không được đào tạo và rèn luyện kỹ năng để thực hiện công việc chuyên môn, anh ta sẽ mất đi sự tín nhiệm trong lĩnh vực đó. 

[4] Kết quả (results) là các thành tích, hiệu quả công việc, hoàn thành đúng công việc được giao. Nếu không hoàn thành công việc theo kỳ vọng, chúng ta sẽ bị mất tín nhiệm. Ngược lại, khi đạt được những kết quả đã hứa hẹn, chúng ta sẽ xây dựng được uy tín tốt.

[5] Cây xanh: là hình ảnh ẩn dụ về 04 yếu tố cốt lõi của sự tín nhiệm: Sự chính trực là điều về cơ bản nằm sâu dưới bề mặt, giống như bộ rễ của cây; Ý định là điều dễ nhìn thấy hơn, tựa như thân cây từ dưới mặt đất vươn lên cao; Năng lực giống như những cành cây, nó giúp chúng ta tạo ra kết quả; Kết quả giống như quả của cây, có hình dạng cụ thể, trông thấy được, đo lường được.

Xem thêm: Chia sẻ - một giá trị cốt lõi của Công ty Luật TNHH Everest

III- TIN TƯỞNG TRONG MỐI QUAN HỆ

Sự tin tưởng trong mối quan hệ là cấp độ thứ hai, trong đó nguyên tắc chi phối là hành động nhất quán (consistent behavior). Stephen M. R. Covey, tác giả của "The Speed of Trust"  liệt kê 13 hành vi phổ biến mà các nhà lãnh đạo hàng đầu thường thực hành để tạo được sự tin tưởng trong các mối quan hệ, đó là: 

[1] Giao tiếp thẳng thắn:

Giao tiếp thẳng thắn là một hành động dựa trên nguyên tắc chính trực, trung thực và thẳng thắn. Hai yếu tố cần thiết để tạo dựng sự tin tưởng là: [a] nói đúng sự thật, và: [b] để lại ấn tượng đúng. Chúng ta cũng có thể nói đúng sự thật, nhưng để lại ấn tượng không đúng, nghĩa là truyền đạt một cách không rõ ràng khiến người khác hiểu nhầm sự việc. Người ta có can đảm nói thẳng thì giao tiếp sẽ rõ ràng hơn, tuy nhiên nói thắng vẫn cần sự khéo léo, tế nhị và năng lực phán đoán. 

[2] Tôn trọng người khác: 

Tôn trọng người khác thể hiện ở hai khía cạnh: [a] hãy quan tâm đến người khác một cách chân thành; và: [b] bày tỏ sự quan tâm của mình với họ. Hành vi tôn trọng người khác được dựa trên các nguyên tắc về sự công bằng, lòng tốt, tình yêu thương và phép lịch sự. Thể hiện lòng tốt cả trong từng việc nhỏ. Đừng quan tâm một cách giả dối. Đừng tính toán thiệt hơn với mọi người.

[3] Hành động minh bạch: 

Đó là lối sống chân thật, nói đúng sự thật để người khác có thể kiểm chứng được. Hành vi này dựa trên các nguyên tắc thành thật, cởi mở, chính trực và chuẩn xác. Hành vi minh bạch cần phải có sự cân bằng trách nhiệm. 

[4] Sửa chữa sai lầm: 

Sửa chữa sai lầm không chỉ là lời xin lỗi, mà chúng ta phải có hành động chuộc lại lỗi lầm. Đó là sự đền bù và hàn gắn lại những tổn thất do mình gây ra. Sửa chữa sai lầm phải dựa vào các nguyên tắc về sự khiêm tốn, tính chính trực và thái độ sửa lỗi chân thành. Không ai tránh khỏi sai lầm, nhưng quan trọng là chúng ta sẽ xử lý sai lầm đó như thế nào. 

[5] Ghi nhận sự trung thành: 

Một cách hiệu quả để thể hiện lòng trung thành là ghi nhận công lao xứng đáng của người khác, thừa nhận vai trò và giá trị bản thân của họ đối với kết quả đạt được. Qua đó, chúng ta không chỉ khẳng định giá trị đóng góp của cá nhân, mà còn tạo ra một môi trường làm việc khuyến khích mọi người sáng tạo và hợp tác, nhiệt tình chia sẻ ý tưởng và thúc đẩy tăng cường niềm tin.  

[6] Tạo ra thành quả: 

Hành vi này xuất phát từ các nguyên tắc về tinh thần trách nhiệm, sự đáng tin cậy và kết quả công việc. Đó là cách giúp chúng ta xây dựng nhanh chóng niềm tin trong một mối quan hệ mới; giúp chúng ta khôi phục nhanh chóng niềm tin khi đánh mất nó vì thiếu năng lực. Trong mọi trường hợp, cần định nghĩa rõ ràng những thành quả đó ngay từ đầu.

[7] Cầu sự tiến bộ:

Cầu sự tiến bộ dựa trên các nguyên tắc về sự cải tiến liên tục, học hỏi và thay đổi không ngừng. Người Nhật gọi đó là Kaizen. Cầu tiến bộ tạo được niềm tin đáng kể, đồng thời nó giải thích làm thế nào năng lực có thể trở thành công cụ xây dựng mối quan hệ hữu hiệu. Khi người khác nhìn thấy chúng ta luôn học hỏi, tiến bộ và đổi mới, họ sẽ tin chúng ta có khả năng thành công.

[8] Đối mặt với thực tế: 

Đó là cách thức, thái độ của chúng ta khi chia sẻ mọi thông tin dù xấu hay tốt, nêu lên những "vấn đề khó nói", những điều cấm kị, hay thảo luận những vấn đề "không dễ bàn bạc". Bằng sự dũng cảm, tinh thần trách nhiệm, hiểu biết và sự tôn trọng lẫn nhau, chúng ta sẽ nhanh chóng xử lý những vấn đề này một cách suôn sẻ. Mọi người sẽ hiểu rằng, chúng ta chân thật, không hề né tránh những vấn đề khó khăn.

[9] Xác định các kỳ vọng:

Xác định rõ các kỳ vọng là tạo ra cách nhìn và thỏa thuận chung về những điều cần thực hiện ngay từ đầu, từ đó chúng ta sẽ tránh được những rắc rối phát sinh sau này. Để xác định rõ các kỳ vọng, chúng ta phải có sự chính trực, cần có ý định tốt để đề xuất những kỳ vọng "hai bên cùng có lợi", cần có năng lực để thiết lập quyền lợi, trách nhiệm, có khả năng xác định các kết quả mong muốn.

[10] Nhận trách nhiệm:

Nhận trách nhiệm có 02 khía cạnh: [a] bản thân chịu trách nhiệm; [b] buộc người khác chịu trách nhiệm. Để nhận trách nhiệm hoặc buộc người khác nhận trách nhiệm chúng ta cần xác định rõ các kỳ vọng. Thật khó quy trách nhiệm cho một người, nếu họ không biết rõ điều chúng ta kỳ vọng chính xác ở họ. Mọi người đều có ý thức trách nhiệm và muốn chịu trách nhiệm. Họ cảm thấy tin tưởng hơn vào cấp trên, đồng nghiệp, cộng sự khi họ có cơ hội được giao trách nhiệm để thực hiện công việc tốt hơn. Họ cũng cảm thấy tự tin hơn vào bản thân.

[11] Lắng nghe trước tiên: 

Lắng nghe trước tiên không chỉ đơn thuần là lắng nghe để thật sự hiểu được suy nghĩ, tình cảm, kinh nghiệm và quan điểm của người khác, mà chính là phải thực hiện hành vi này đầu tiên, trước khi chúng ta cố gắng nhận định, gây ảnh hưởng hay đưa ra giải pháp cho một vấn đề nào đó. Nguyên tắc làm cơ sở cho hành vi lắng nghe trước tiên bao gồm: sự hiểu biết, sự tôn trọng và lợi ích chung.

[12] Giữ cam kết:

Giữ cam kết là hành vi "chủ đạo" của những hành vi khác. Đó là cách nhanh nhất để xây dựng niềm tin trong mọi quan hệ. Giữ cam kết phải dựa trên các nguyên tắc về sự chính trực, thành tích, sự can đảm và tính khiêm tốn. Nó gắn chặt với các hành vi khác, bao gồm hành vi "giao tiếp thẳng thắn" và "tạo ra thành quả". Nó là sự kết hợp cân bằng tuyệt đối giữa tính cách và năng lực. Đặc biệt, nó liên quan đến tính chính trực (tính cách) và khả năng thực hiện điều đã hứa (năng lực). 

[13] Tin vào người khác. 

Đặt niềm tin vào người khác là hành vi khác hẳn những hành vi còn lại, đó là sự chuyển biến từ niềm tin lý thuyết sang hành động. Đặt sự tin tưởng vào người khác, chúng ta trở thành một người đáng tin cậy. Điều đó tạo ra mối quan hệ hai chiều: khi chúng ta tin vào người khác, thì người khác cũng sẽ tin vào chúng ta. Hành vi đặt niềm tin vào người khác dựa trên các nguyên tắc khả năng phó thác, tác động hai chiều, với niềm tin cơ bản rằng: hầu hết mọi người đều đáng tin cậy, muốn được người khác tin cậy và họ sẽ đáp ứng những điều mong muốn của người khác khi được tin cậy.

Tìm hiểu thêm: Kết nối - một giá trị cốt lõi của Công ty Luật TNHH Everest

IV- SỰ TIN TƯỞNG TRONG TỔ CHỨC:

Sự tin tưởng trong tổ chức, đề cập đến việc xây dựng niềm tin với những người cộng sự trong nội bộ tổ chức, là cấp độ thứ ba, nguyên tắc chi phối là mối liên kết (alignment).

Ở một tổ chức có sự tin tưởng thấp: mọi người thao túng, xuyên tạc sự thật; thông tin bị ém nhẹm, bưng bít; mọi người chú trọng quá mức vào việc giành công lao cho mình; mọi người thổi phồng sự thật theo hướng có lợi cho mình; những ý tưởng mới bị phản đối và vô hiệu, sai lầm được che đậy, giấu diếm; mọi người đổ lỗi, nói xấu nhau; hiện tượng tập trung, tán gẫu phổ biến; họp hành tràn lan, không hiệu quả; mọi người hứa nhiều, làm ít; đủ lý do để ngụy biện; cảm thấy áp lực và sợ hãi; mức độ nhiệt tình thấp.

Công ty có sự tin tưởng cao: thông tin được chia sẻ công khai; sai lầm được khoan dung và xem như bài học kinh nghiệm; trung thành với người vắng mặt; nói chuyện thẳng thắn và đối mặt với vấn đề; thái độ giao tiếp và hợp tác thật lòng; mọi người chia sẻ công lao với nhau; rất ít cuộc họp vô bổ; hành động minh bạch; tinh thần trách nhiệm cao; nhiệt tình, khí thế.

- Nâng cao sự tin tưởng trong tổ chức:

Nâng cao sự chính trực: để làm được điều này, chúng ta có thể lập ra và chỉnh lý tuyên ngôn sứ mệnh hay tuyên ngôn các giá trị của tổ chức, khuyến khích mọi người tham gia để bảo đảm đó không chỉ là khẩu hiệu sáo rỗng. Chúng ta cũng có thể tạo ra văn hóa biết giữ và thực hiện đúng cam kết trong tổ chức. Nhiều trường hợp, người lãnh đạo không tôn trọng những cam kết nhỏ nhặt. Dần dần, mọi người cũng xem nhẹ những cam kết trong nội bộ. 

Cải thiện ý định: sứ mệnh và các giá trị mà chúng ta nêu ra phải thể hiện động cơ và nguyên tắc xây dựng niềm tin. Chúng ta chính là tấm gương về thái độ quan tâm đến người khác. Một người, đặc biệt người đó lại thuộc cấp lãnh đạo, thể hiện sự tôn trọng, quan tâm đến người khác, cũng gây được tác động đến cả tổ chức. Chúng ta có thể xây dựng những hệ thống thực hiện chủ trương vì lợi ích chung, theo các thỏa thuận trách nhiệm công việc, khen thưởng những hành vi hợp tác thay vì cạnh tranh.

Nâng cao năng lực: chúng ta có thể từng bước xây dựng cơ cấu và hệ thống tổ chức, trong đó có hệ thống tuyển dụng và lương bổng, có khả năng thu hút và giữ chân người giỏi để tăng sức cạnh tranh của tổ chức. Chúng ta có thể thường xuyên tổ chức huấn luyện và tư vấn qua những chương trình phát triển để bảo đảm mọi nhân viên đều bắt kịp và đáp ứng được yêu cầu của thời đại. Chúng ta cần bảo đảm rằng, thông tin và những quyết định đều nằm trong nỗ lực đáp ứng những yêu cầu của tổ chức và khách hàng.

Nâng cao kết quả: chúng ta có thể giúp mọi người cùng xây dựng nhận thức chung về những thành quả mong muốn thông qua một hệ thống nêu đầy đủ các mục tiêu và được mọi người đồng thuận. Chúng ta cũng có thể lập ra "Hệ thống Bảng điểm cân bằng", thể hiện các kết quả thỏa mãn các nhu cầu của tất cả những người có liên quan. Ngoài ra, chúng ta có thể tạo ra văn hóa mà mọi người đều có cơ hội thường xuyên trình bày về thành tích của mình chứ không chỉ được nêu trong các báo cáo tổng kết. 

- Những lợi ích trong tổ chức có độ tin cậy cao: 

Làm tăng giá trị: Niềm tin cao làm tăng giá trị ở cả 02 khía cạnh: [a] Giá trị mang lại cho cổ đông. Một nghiên cứu của Watson Wyatt, lợi tức mang lại cho các cổ đông (giá trị cổ phiếu cộng với cổ tức) ở các tổ chức có độ tin cậy cao vượt trội hơn các tổ chức có độ tin cậy thấp khoảng 286%; [b] Giá trị mang lại cho khách hàng. Nhờ vào 05 loại cổ tức niềm tin, các tổ chức có độ tin cậy cao có khả năng không ngừng tạo ra và mang lại nhiều giá trị hơn cho khách hàng.

Kích thích tăng trưởng: Những công ty có độ tin cậy cao hoạt động hiệu quả hơn những công ty thiếu niềm tin, không những về giá trị mang lại cho cổ đông, mà còn cả về doanh số và lợi nhuận. Khảo sát cho thấy rất rõ rằng, khách hàng mua hàng nhiều hơn, thường xuyên hơn, giới thiệu cho nhiều người hơn, và trung thành hơn với các công ty và những người mà họ tin cậy. Hơn nữa, các công ty này hoạt động hiệu quả hơn với chi phí thấp hơn.

Đẩy mạnh đổi mới: Các công ty có độ tin cậy cao luôn cải tiến những sản phẩm và dịch vụ, đồng thời họ chủ trương phát huy văn hóa đổi mới vốn chỉ có thể phát triển trong môi trường có sự tin cậy cao. Sự đổi mới và sáng tạo đòi hỏi phải có những điều kiện cần thiết như việc chia sẻ thông tin, không quan tâm công lao sẽ thuộc về ai, tinh thần dám mạo hiểm, không ngại mắc sai lầm và tinh thần hợp tác. Những lợi ích từ sự đổi mới rất hiển nhiên: đó là cơ hội kinh doanh, là sự tăng trưởng doanh thu, và thị phần.

Tăng cường cộng tác: Môi trường làm việc ở các công ty có độ tin cậy cao nuôi dưỡng sự cộng tác và tinh thần đồng đội. Sự cộng tác thực sự tạo ra mô hình cơ hội chủ yếu trong thế giới ngày nay. Sự cộng tác không chỉ mang tính chất nội bộ trong tổ chức mà còn cần thiết trong quan hệ với khách hàng và các nhà cung cấp bên ngoài. Tạp chí Forbes đã nhấn mạnh xu thế của năm 2006 là "Cộng tác chính là cơ hội". Nền tảng của sự cộng tác là niềm tin. Không có niềm tin, sự cộng tác chỉ đơn thuần là hợp tác. 

Thắt chặt quan hệ đối tác: Công trình nghiên cứu của Trường Kinh doanh Warwick khẳng định, những quan hệ đối tác dựa trên cơ sở niềm tin đã tạo ra cổ tức niềm tin lên đến 40% giá trị hợp đồng. "Các hợp đồng có quan hệ được định hướng dựa trên cơ sở niềm tin chứ không phải những thỏa thuận nghiêm ngặt và điều khoản phạt có nhiều khả năng mang đến "cổ tức niềm tin" cho cả hai bên. Niềm tin thật sự không phải là sự cả tin mà là kết quả của cả một quá trình hoạt động". Quan hệ chỉ thuần túy dựa vào ngôn ngữ của hợp đồng mà không dựa vào niềm tin đạt kết quả thấp hơn nhiều.

Thực thi chiến lược hiệu quả: Các công ty có văn hóa tin cậy cao có khả năng thực thi (execution) chiến lược tốt hơn các công ty thiếu niềm tin. Một giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard đã nói: "Nếu các bạn chỉ nhớ được một điều trong suốt hai năm học tại Trường Kinh doanh Harvard, thì điều đó phải là: Thà đặt ra chiến lược loại B mà kết quả thực hiện loại A còn hơn là ngược lại". Khả năng thực thi ngày nay được các tổ chức đặc biệt chú trọng, và niềm tin là yếu tố quan trọng thúc đẩy khả năng đó.

Nâng cao lòng trung thành: Các công ty có niềm tin cao chiếm được sự trung thành của đồng sự, khách hàng, nhà cung cấp, nhà phân phối và nhà đầu tư cao hơn các công ty thiếu niềm tin. Bằng chứng là tại các công ty có niềm tin cao: [a] Nhân viên sẽ làm việc lâu dài hơn. [b] Giữ chân khách hàng được lâu hơn. [c] Các nhà cung cấp và nhà phân phối hợp tác lâu hơn. [d] Các nhà đầu tư duy trì lâu hơn khoản đầu tư của mình.

Tìm hiểu thêm: Khác biệt - một giá trị cốt lõi của Công ty Luật TNHH Everest

V- SỰ TIN TƯỞNG TRÊN THƯƠNG TRƯỜNG

Tin tưởng trên thương trường thể hiện thương hiệu công ty, cũng như thương hiệu cá nhân của chúng ta. Cấp độ tin tưởng này cũng phản ảnh niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư và những người khác trên thương trường đối với chúng ta. Thương hiệu tác động rất lớn đến hành vi và lòng trung thành của khách hàng. Nguyên tắc đằng sau cấp độ tin tưởng này là uy tín (reputation).

Nói đến niềm tin trên thương trường là nói đến thương hiệu hay danh tiếng của các công ty. Đó là sự cảm nhận khiến cho người khác muốn mua các sản phẩm, dịch vụ của họ hay đầu tư tiền bạc, thời gian vào đó. Đây là mức độ mà hầu hết mọi người đều nhìn thấy rõ mối tương quan giữa niềm tin, tốc độ và chi phí.

Thương hiệu của công ty chính là niềm tin của khách hàng, niềm tin của thị trường, thậm chí là "niềm tin được tiền tệ hóa". Hầu hết mọi người cảm nhận được thương hiệu qua trực giác hoặc có thể đo lường theo một cách nào đó. Các công ty do đó sẽ không tiếc tiền của đầu tư để xây dựng thương hiệu. Một số công ty còn có công thức nhằm lượng hóa giá trị kinh tế của thương hiệu. 

Thương hiệu cũng rất quan trọng đối với tất cả các tổ chức, như chính phủ, bệnh viện, trường học, tổ chức từ thiện... Ví dụ: khi một gia đình di chuyển chỗ ở, trước khi họ quyết định tìm một ngôi nhà, họ sẽ đi tìm hiểu các trường học trong khu vực để chọn ra những trường có danh tiếng nhất. Điều này đã gây tác động đáng kể đến số tiền thuế dành cho các trường học, quyền ưu tiên xây dựng trường lớp mới, khả năng thu hút hay tuyển dụng giáo viên... Những thành phố nổi tiếng, thể hiện qua danh sách các địa danh tốt nhất cho khách du lịch viếng thăm hay những nơi tốt nhất để định cư... sẽ tạo ra những nguồn thu từ thuế, tăng trưởng của hoạt động du lịch, tạo sự thu hút các doanh nghiệp, gia tăng giá trị nhà ở trong khu vực.

Ở cấp độ nhỏ hơn, danh tiếng của một nhóm hay một bộ phận trong phạm vi một tổ chức cũng có tác động đáng kể đến các yếu tố như phân bổ nguồn lực và lập kế hoạch ngân sách. Ví dụ, tiếng tăm của một bộ phận trong một tổ chức cũng sẽ ảnh hưởng đến cách cư xử của những người thuộc các bộ phận khác khi họ làm việc với bộ phận này. 

Ở cấp độ nhỏ nhất, mỗi cá nhân đều có thương hiệu hay danh tiếng riêng ảnh hưởng đến niềm tin, tốc độ và chi phí. Thương hiệu cá nhân sẽ quyết định thái độ cư xử của người khác đối với chúng ta trong gia đình, tại nơi làm việc hay trong giao tiếp ngoài xã hội. Ví dụ, người khác có đồng ý đi chơi với ta hay không, con cái có nghe ta nói hay không, khi bị rơi một tình huống xấu người khác có tin rằng ta vô tội hay không.

Ngay cả uy tín từ một đứa trẻ cũng rất quan trọng. Là cha mẹ của đứa trẻ có danh tiếng về tinh thần trách nhiệm, chúng ta có thể dành cho chúng nhiều đặc quyền. Ví dụ, với đứa trẻ này, chúng ta thậm chí không cần suy nghĩ khi nói: "Được rồi, con ạ", nhưng nếu là đứa trẻ khác, có thể sẽ là: "Con đã làm xong bài tập chưa? Con đã tập đàn xong chưa? Mấy giờ con về nhà? Bố sẽ gọi điện cho ai để biết chắc điều đó?".

Ở mỗi cấp độ và trong từng mối quan hệ, thương hiệu hay uy tín của chúng ta sẽ tạo ra sự khác biệt. Sự khác biệt đó có thể nhận ra được mức độ và có liên quan trực tiếp đến niềm tin, tốc độ và chi phí.

Cách xây dựng thương hiệu:

Nếu tổ chức củng cố 04 yếu tố cốt lõi và thể hiện 13 hành vi với các cộng sự, chúng ta có thể làm tăng giá trị thương hiệu của tổ chức mình một cách rõ rệt. Những nhân tố cơ bản và các hành vi này là yếu tố cơ bản để xây dựng uy tín và niềm tin trên thị trường.

Trên quan điểm tin tưởng, hãy nhìn từ góc độ của "tổ chức" của chúng ta để xét đến niềm tin đối với thị trường. Hãy xem xét từ góc độ "khách hàng" của chúng ta và tự hỏi:

• Thương hiệu của chúng ta có tính chính trực không? Chúng ta có được mọi người tin tưởng vì trung thực không? Chúng ta có những giá trị nào để mọi người tin tưởng và tín nhiệm không? Chúng ta có đủ danh tiếng trên thị trường để có thể dũng cảm đề cập ngay đến những vấn đề gai góc để thành thật thừa nhận và sửa chữa sai lầm? 

• Thương hiệu của chúng ta có thể hiện thiện ý không? Liệu mọi người có cho rằng chúng ta "chỉ chạy theo lợi nhuận" hay họ cảm thấy chúng ta thực sự quan tâm, và muốn giúp người khác cùng có lợi? 

• Thương hiệu của chúng ta có chứng tỏ được khả năng không? Mọi người có gắn thương hiệu của chúng ta với chất lượng, sự ưu việt, sự liên tục cải tiến và khả năng thay đổi để đứng vững trong thời đại kinh tế toàn cầu? Liệu chúng ta có được thừa nhận có khả năng hoàn thành mục tiêu của mình theo hướng xây dựng niềm tin không? 

• Thương hiệu của chúng ta có gắn liền với kết quả? Mọi người có cảm thấy chúng ta đem lại cho họ kết quả như chúng ta đã hứa? Tên tuổi của chúng ta có gắn với thành tích tốt? Liệu mọi người có trả lời "Có" với câu hỏi mà Frederick Reichheld của Công ty Tư vấn Bain cho là quan trọng nhất: Chúng ta có giới thiệu công ty này cho bạn bè của mình hay không? 

Nếu không có thương hiệu hay danh tiếng mà chúng ta mong muốn, 04 yếu tố cốt lõi sẽ cung cấp cho chúng ta một công cụ kiểm tra rất hữu hiệu giúp chúng ta xác định lý do tại sao và lĩnh vực nào mà việc đầu tư sẽ mang lại kết quả tốt nhất. Một khi đã xác định được vấn đề là do tính cách (tính chính trực hay ý định) hay năng lực (khả năng hay kết quả), chúng ta mới có thể tập trung vào lĩnh vực mà hoạt động cải tiến sẽ đạt hiệu quả tích cực nhất.

Tìm hiểu thêm: Kết quả - một giá trị cốt lõi của Công ty Luật TNHH Everest

VI- TIN TƯỞNG TRONG XÃ HỘI

Tin tưởng trong xã hội là cấp độ tin tưởng cao nhất. Nguyên tắc bao trùm của cấp độ tin tưởng này là sự cống hiến (contribution). Bằng sự cống hiến hay "cho đi", chúng ta có thể triệt tiêu sự nghi ngờ và tránh được các "khoản thuế" do niềm tin thấp. Chúng ta cũng sẽ khuyến khích người khác tạo ra các giá trị và cống hiến. 

Tục ngữ của Pháp "Cuối cùng cá mới nhận ra tầm quan trọng của nước". Đối với cá, nước đơn giản chỉ là nước. Nước là môi trường sống. Nước bao bọc chúng. Nước trở nên quá quen thuộc nên loài cá không nhận ra sự hiện diện của nó cho đến khi nguồn nước bị ô nhiễm hoặc cạn kiệt. Thế rồi, hậu quả tức thời và nghiêm trọng đó khiến loài cá nhanh chóng nhận ra nước sạch tuyệt đối cần thiết cho sự sống còn của chúng. Không có nước sạch, cá chết.

Con người chúng ta cuối cùng mới nhận ra sự quan trọng của niềm tin. Chúng ta sống dựa trên niềm tin và xem nó như điều đương nhiên, cho đến khi nó bị lạm dụng hay bị hủy hoại, chúng ta mới chợt nhận ra niềm tin có ý nghĩa quyết định đối với cuộc sống của chúng ta như nước đối với cá vậy. Không có niềm tin, mọi hoạt động xã hội sẽ bị tê liệt và xã hội cuối cùng tự sụp đổ.

Hãy suy nghĩ về những "khoản thuế" phát sinh trong một xã hội khép kín, thiếu niềm tin. Tiếp theo, hãy nghĩ về những cổ tức niềm tin, như sự chia sẻ kiến thức, những thành tựu đột phá về y học, những tiến bộ công nghệ, sự hợp tác kinh tế và trao đổi văn hóa, vốn không hề tồn tại trong một xã hội khép kín.

Một xã hội có độ tin cậy cao sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho mọi người. Chúng ta có nhiều sự chọn lựa và nhiều cơ hội hơn. Chúng ta ít va chạm hơn trong giao tiếp, nhờ đó công việc tiến triển nhanh chóng hơn và ít tốn kém hơn. Đó là lý do việc xây dựng một xã hội có độ tin cậy cao rất có ý nghĩa đối với chúng ta. Ngoài niềm tin, không có hành động nào có thể gây ra tác động đáng kể như vậy đến không chỉ tốc độ và chi phí, mà còn đến chất lượng cuộc sống của mọi người.

- Nguyên tắc của sự cống hiến:

Nguyên tắc chủ đạo của niềm tin đối với xã hội là sự cống hiến. Nó thể hiện ý định tạo ra giá trị thay vì hủy hoại nó, đem lại cho xã hội thay vì nhận về cho riêng bản thân mình. Càng lúc mọi người càng nhận thức được tầm quan trọng của sự cống hiến và những tác động của nó - đối với một xã hội lành mạnh. 

Chỉ cần xem xét mọi việc đang diễn ra, từ những cá nhân đang tìm cách thay đổi phạm vi ảnh hưởng của mình, cho đến các công ty chấp nhận trách nhiệm phục vụ toàn bộ các cộng sự chứ không chỉ riêng các cổ đông, cho đến các tổ chức kinh doanh mà mục đích cơ bản là phục vụ các mục tiêu của xã hội.

Cống hiến trong kinh doanh:

Ngày nay, càng lúc càng có nhiều doanh nghiệp cũng như cá nhân nhận ra giá trị của sự cống hiến. Nhiều công ty được thiết lập nhằm mục đích cống hiến thường xuyên cho xã hội. Làm điều tốt không chỉ được xem là hoạt động phụ của việc kinh doanh, mà nó đã trở thành một phần chính của hoạt động kinh doanh.

Những cống hiến đầy ý nghĩa xuất phát từ khái niệm bác ái của thời đại công nghiệp, tìm kiếm lợi nhuận và cống hiến cho những hoạt động xứng đáng. Các khái niệm mới: công dân toàn cầutrách nhiệm xã hội của doanh nghiệp - gắn trách nhiệm xã hội và đạo đức vào trong cấu trúc kinh doanh.

Tìm hiểu thêm: Đội ngũ Luật sư và Chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest

VII- NIỀM TIN SÁNG SUỐT

Cuộc sống đầy những rủi ro. Tuy nhiên, như Stephen Carter, sử gia nổi tiếng và giáo sư luật, nhận xét: "Tư tưởng văn minh gồm có hai phần: thái độ rộng lượng dù phải trả giá đắt, và tin cậy dù biết có rủi ro"

Chúng ta không thể tránh được rủi ro, đồng thời chúng ta cần chấp nhận rủi ro là một phần cơ bản của cuộc sống. Do đó, mục đích của chúng ta là đối phó với rủi ro một cách khôn ngoan, làm sao để việc đặt niềm tin vào người khác lâu dài, tránh được những "khoản thuế" niềm tin và tạo ra "cổ tức" niềm tin lớn nhất. 

Biết cách đặt "niềm tin sáng suốt" vào người khác là một hàm số bao gồm hai yếu tố: khuynh hướng tin cậy, và khả năng phân tích. 

[1] Khuynh hướng tin cậy: chủ yếu là vấn đề tình cảm. Đó là khuynh hướng tin rằng mọi người đều đáng tin cậy và ý muốn được đặt niềm tin vào người khác không cần chút đắn đo. Mức độ của khuynh hướng này tùy thuộc vào tính cách riêng của chúng ta, vào thái độ tin tưởng mà những người có vai trò quan trọng nhất đối với cuộc đời chúng ta đã dành cho chúng ta, hay vào sự trải nghiệm của chính bạn (tốt hay xấu) khi đặt niềm tin vào người khác - hoặc nhiều khả năng hơn cả, là sự kết hợp của những yếu tố này. 

[2] Khả năng phân tích: chủ yếu là vấn đề thuộc về khối óc. Đó là khả năng phân tích đánh giá, khái quát, cân nhắc hậu quả và các khả năng xảy ra, và đưa ra các quyết định và giải pháp hợp lý. Như đã nói, mức độ của "khả năng phân tích sáng suốt" của chúng ta có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố hay sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có năng khiếu tự nhiên hay khả năng, trình độ học vấn và cách tư duy của bạn, phong cách và/hoặc kinh nghiệm sống của chúng ta.

- Truyền cảm hứng niềm tin: 

Trong cuộc sống, khi có ai đó tin tưởng ở chúng ta, điều đó tạo ra sự khác biệt lớn trong cuộc đời của chúng ta. Điều thú vị nhất là, chúng ta nhận ra rằng, chúng ta có thể làm điều tương tự: Chúng ta có thể đặt niềm tin vào người khác. Chúng ta có thể giúp họ đứng lên, đương đầu với thách thức, khám phá những tiềm năng trong con người họ, từ đó họ có những cống hiến hữu ích cho mọi người. 

Cho dù một niềm tin quá mức, đôi lúc, dẫn đến nguy cơ bị lừa gạt hay thất vọng, nhưng về lâu dài, vẫn tốt hơn hơn so với việc chỉ cho rằng, hầu hết mọi người kém năng lực hay thiếu chân thành. 

Hãy nghĩ về trải nghiệm của chính chúng ta. Chúng ta sẽ cảm thấy thế nào khi có người nói với chúng ta: "Anh có thể làm được việc này! Anh rất đáng tin cậy. Anh có tính cách và năng lực để thành công. Tôi tin ở anh, tôi tin cậy anh". Đôi khi, chỉ cần nghe được những lời như vậy cũng đã tạo ra cảm hứng cần thiết để thành công. 

Những người lãnh đạo nào trao gửi niềm tin vào chúng ta sẽ trở thành những cố vấn, thần tượng và người hùng của chúng ta. Chúng ta biết ơn mỗi khi nghĩ về họ và về sự khác biệt mà họ tạo ra cho cuộc đời của chúng ta. Những công ty nào biết trao gửi niềm tin cho các nhân viên của mình là những nơi tốt nhất để làm việc.

Cách lãnh đạo tương tự cũng gây được niềm tin trong gia đình. Hãy thử nghĩ về sự khác biệt được tạo ra trong cuộc sống của những đứa trẻ khi cha mẹ nói với chúng rằng: "Cha mẹ yêu con. Cha mẹ tin ở con"  và giúp chúng phát triển tính cách và năng lực bằng cách giao phó cho chúng việc làm có ý nghĩa với niềm tin cậy để chúng thực hiện.

Nhiệm vụ đầu tiên của người lãnh đạo tại nơi làm việc hay trong gia đình là truyền cảm hứng niềm tin. Hành vi đó giúp phát huy những điều tốt đẹp nhất ở con người bằng cách giao phó cho họ những trách nhiệm có ý nghĩa và tạo ra một môi trường trong đó sự tương tác với độ tin cậy cao sẽ thúc đẩy khả năng sáng tạo và năng lực.

Đa số con người đều có phản ứng tích cực khi được tin cậy. Niềm tin tạo ra những điều tốt đẹp nhất ở con người và làm thay đổi triệt để những động lực giao tiếp. Đúng là có một số ít người lạm dụng niềm tin, nhưng phần lớn mọi người không hành xử như vậy mà họ có những phản ứng rất tích cực khi được tin cậy. Khi đáp lại niềm tin đó, họ không cần đến sự giám sát bên ngoài, không cần sự kiểm tra, hay biện pháp "cây gậy và củ cà rốt". Họ cảm thấy hứng khởi. Họ hăng hái hoạt động xứng đáng và muốn đền đáp lại niềm tin đó. 

Luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc điều hành của Công ty Luật TNHH Everest.

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
4.7 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Tin tưởng - một giá trị cốt lõi của Công ty Luật TNHH Everest

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.58562 sec| 1237.766 kb