Tổng quan pháp luật về nhượng quyền thương mại quốc tế

01/03/2023
Phạm Nhật Thăng
Phạm Nhật Thăng
Nhượng quyền thương mại theo quy định của Luật thương mại Việt Nam là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây: Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền; Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh. Hiện nay, hoạt động nhượng quyền không chỉ diễn ra trong khuôn khổ một quốc gia mà còn diễn ra trên phạm vi quốc tế.

1- Khái niệm về nhượng quyền thương mại

Nhượng quyền thương mại là cách thức tổ chức kinh doanh đã tạo nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực phân phối hàng hóa và dịch vụ trong hầu hết các ngành kinh tế và làm thay đổi tình hình kinh tế của hầu hết các nước. Nghĩa gốc của thuật ngữ ‘nhượng quyền thương mại’ là trao cho ai đó quyền tự do thực hiện việc gì đó hoặc quyền sử dụng cái gì đó ở một địa điểm nhất định. Thuật ngữ này bắt nguồn từ động từ tiếng Pháp ‘afranchir’ có nghĩa là ‘được tự do làm’. Tuy vậy, ngày nay thuật ngữ nhượng quyền thương mại thường đề cập mối quan hệ thương mại trong phân phối hàng hóa và dịch vụ. Ở nghĩa rộng nhất, nhượng quyền thương mại có thể được diễn giải là

Các giao dịch trong đó một bên trao quyền cho bên khác được khai thác quyền sở hữu trí tuệ có thể liên quan tới, nhưng không hàm nghĩa toàn bộ, tên thương mại, sáng chế, nhãn hiệu, phân phối trang thiết bị, nhân vật hư cấu, hoặc tên của nhân vật nổi tiếng, hoặc bản thiết kế kinh doanh - được coi là yếu tố cơ bản trong nhượng quyền công thức kinh doanh.

Nhượng quyền thương mại thường được chia thành ba loại: ‘Nhượng quyền thương mại sản phẩm’ (the ‘product franchise’), ‘nhượng quyền thương mại sản xuất hoặc chế biến’ (the ‘processing or manufacturing franchise’), và ‘nhượng quyền công thức kinh doanh’ (the ‘business format franchise’). Trong ‘nhượng quyền thương mại sản phẩm’ (the ‘product franchise’), bên nhận quyền là nhà phân phối, bán buôn hoặc bán lẻ, đối với một loại sản phẩm nhất định trong một phạm vi lãnh thổ nào đó và gắn liền với nhãn hiệu của bên nhượng quyền.

Đối với ‘nhượng quyền sản xuất hoặc chế biến’ (the ‘processing or manufacturing franchise’), bên nhượng quyền chuyển giao bí quyết hoặc nguyên liệu thiết yếu cho bên nhận quyền và có thể sử dụng dưới nhãn hiệu của bên nhượng quyền trong một phạm vi lãnh thổ nhất định. Cả hai loại nhượng quyền này được gọi chung là ‘nhượng quyền sản phẩm và tên thương mại’ (the ‘product and trade name franchises’). Trong ‘nhượng quyền công thức kinh doanh’ (the ‘business format franchise’), bên nhượng quyền cho phép bên nhận quyền sử dụng một công thức kinh doanh đặc biệt trong phạm vi lãnh thổ nào đó và dưới nhãn hiệu của bên nhượng quyền.

Quan hệ nhượng quyền thương mại bao gồm ‘thỏa thuận nhượng quyền đơn cơ sở’ (‘single-unit franchise arrangement’) và ‘thỏa thuận nhượng quyền đa cơ sở’ (‘multi-unit franchise arrangement’). ‘Nhượng quyền đơn cơ sở’ là thỏa thuận theo đó bên nhượng quyền cho phép bên nhận quyền được mở một cơ sở nhượng quyền. ‘Nhượng quyền đa cơ sở’ là thỏa thuận theo đó bên nhượng quyền cho phép bên nhận quyền được mở từ hai cơ sở nhượng quyền trở lên. ‘Nhượng quyền đa cơ sở’ có hai loại: ‘nhượng quyền phát triển khu vực’ (the ‘area development franchise’) và ‘nhượng quyền thương mại tổng thể’ (the ‘master franchise’).

‘Nhượng quyền phát triển khu vực’ là thỏa thuận theo đó bên nhượng quyền trao cho bên nhận quyền (còn gọi là ‘nhà phát triển khu vực’) các quyền và nghĩa vụ để mở và vận hành từ hai cơ sở nhượng quyền trở lên trong một khu vực địa lí nhất định. ‘Nhượng quyền thương mại tổng thể’ là thỏa thuận theo đó bên nhượng quyền trao cho bên nhận quyền quyền khai thác một khu vực địa lí nhất định, thông qua việc cho phép bên nhận quyền cấp lại quyền thương mại mà mình đã nhận từ bên nhượng quyền ban đầu cho bên nhận quyền thứ cấp, và trong hầu hết trường hợp còn được phép mở và tự vận hành các cơ sở nhượng quyền.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về nhượng quyền thương mại của Công ty Luật TNHH Everest

2- Sự phát triển của nhượng quyền thương mại

Có người cho rằng hoạt động nhượng quyền thương mại đầu tiên là các thỏa thuận tài chính và cho phép bán sản phẩm bia giữa các xưởng sản xuất bia và chủ quán rượu ở Đức và ở Anh từ trước thế kỉ XVIII. Các học giả khác thì khẳng định nhượng quyền thương mại xuất hiện lần đầu tiên khi Nữ hoàng I-da-ben-la của Tây Ban Nha cho phép Cri-xtốp Cô-lông tìm đường tới phương Đông.Tuy nhiên, người ta cũng chấp nhận rộng rãi rằng nhượng quyền thương mại sớm nhất xuất hiện ở Hoa Kỳ khi công ty Máy khâu Xanh-gie (‘Singer Sewing Machine’) thiết lập hệ thống phân phối vào khoảng năm 1850. Tuy thế, phải đến đầu thế kỉ XX thì nhượng quyền thương mại mới trở nên phổ biến.

Sự thành công của cách mạng công nghiệp ở Hoa Kỳ trong thời kì chuyển giao từ thế kỉ XIX sang thế kỉ XX mang lại bước phát triển lớn về kỹ thuật, giao thông và truyền thông và đã tạo nên xã hội sản xuất phồn thịnh. Trong bối cảnh đó, các nhà sản xuất nhận ra rằng việc phân phối sản phẩm tới các thị trường địa phương là chìa khóa cho thành công. 

Các nhà sản xuất đồ uống và ô-tô đi tiên phong trong việc sử dụng nhượng quyền thương mại như phương thức phân phối hiệu quả và nhượng quyền thương mại đã được sử dụng ngày càng phổ biến trong giai đoạn 1920-1949. Kể từ những năm cuối thập niên thứ tư của thế kỉ XX, sau khi Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, nhượng quyền thương mại đã phát triển như vũ bão ở nhiều quốc gia. Mặc dù tốc độ phát triển nhượng quyền thương mại bị giảm nhẹ do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong thời gian vừa qua, nhưng nhượng quyền thương mại vẫn là một xu hướng kinh tế phổ biến và có thể giúp phục hồi kinh tế.

Nhượng quyền thương mại phôi thai ở Việt Nam từ giữa những năm 90 của thế kỉ trước. Giống như hầu hết các nước, nhượng quyền thương mại bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam thông qua sự xâm nhập của các nhà nhượng quyền nước ngoài. Các hệ thống nhượng quyền đồ ăn nhanh nước ngoài như Jollibee (xuất xứ Phi-líp-pin, đến Việt Nam năm 1996), Lotteria (xuất xứ Nhật Bản, đến Việt Nam năm 1997), và KFC (xuất xứ Hoa Kỳ, đến Việt Nam năm 1997) là những nhà nhượng quyền tiên phong ở Việt Nam.

Sự xâm nhập của các nhà nhượng quyền nước ngoài này đã giới thiệu hình ảnh rất thực tế về nhượng quyền và thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp nội địa. Các doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng tiếp thu mô hình nhượng quyền. Mặc dù các doanh nghiệp trong nước rất quan tâm đến hoạt động nhượng quyền thương mại, nhưng sự phát triển của nhượng quyền thương mại ở Việt Nam đã bị kìm hãm trong suốt thập niên 1996-2005 do sự thiếu vắng một khuôn khổ pháp luật rõ ràng cho lĩnh vực này. Nhượng quyền thương mại chuyển sang một giai đoạn phát triển ổn định kể từ khi Việt Nam giới thiệu các quy định pháp luật điều chỉnh riêng về nhượng quyền thương mại vào năm 2005.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý đăng ký nhãn hiệu của Công ty Luật TNHH Everest

3- Nhượng quyền thương mại quốc tế

Nhượng quyền thương mại quốc tế là ‘phương thức xâm nhập thị trường nước ngoài liên quan tới mối quan hệ giữa bên xâm nhập (bên nhượng quyền) với một pháp nhân thuộc nước sở tại (bên nhận quyền), theo đó bên nhượng quyền thông qua hợp đồng chuyển giao một gói kinh doanh (hoặc công thức kinh doanh) thuộc sở hữu và được phát triển bởi bên nhượng quyền cho bên nhận quyền’.[10] Nhượng quyền thương mại đã và đang phát triển nhanh trên khắp thế giới trong những năm gần đây dưới sự ảnh hưởng của việc mở rộng các hệ thống nhượng quyền của Hoa Kỳ do phải đối mặt với sự tập trung ngày càng cao ở thị trường trong nước.

Sự mở rộng ra quốc tế của nhượng quyền thương mại bắt đầu từ cuối thập niên thứ sáu và đầu thập niên thứ bảy của thế kỉ XX bởi các nhà nhượng quyền tiên phong của Hoa Kỳ như McDonald, KFC và Pizza Hut. Sự mở rộng ra quốc tế của những nhà nhượng quyền này đã giới thiệu khái niệm nhượng quyền thương mại tới các nước khác và kích thích sự phát triển của nhượng quyền thương mại ở nước sở tại. Quá trình xâm nhập nước ngoài của các nhà nhượng quyền Hoa Kỳ đầu tiên là vào thị trường các nước phát triển như Anh, Úc và Ca-na-đa, sau đó lan rộng tới các DCs. Các nhà nhượng quyền ở nước sở tại đã không chỉ tiếp thu và áp dụng mô hình nhượng quyền thương mại, mà rốt cục còn triển khai nhượng quyền ra nước ngoài.

Có sáu cách thức xâm nhập thị trường nước ngoài của các nhà nhượng quyền thương mại, bao gồm: ‘Nhượng quyền thương mại trực tiếp’ (‘direct franchising’), ‘nhượng quyền thương mại tổng thể’ (‘master franchising’), ‘hợp đồng phát triển khu vực’ (‘area development agreement’), ‘lập chi nhánh’ (‘branch’), ‘lập công ty con’ (‘subsidiary’), và ‘lập liên doanh’ (‘joint- venture’). ‘Nhượng quyền thương mại trực tiếp’ là việc bên nhượng quyền trực tiếp ký hợp đồng nhượng quyền với từng bên nhận quyền ở nước sở tại mà không hề qua bất kỳ bên trung gian nào. Đối với việc xâm nhập thị trường nước ngoài bằng việc lập công ty con, bên nhượng quyền sẽ tiến hành thành lập công ty con ở nước sở tại. Công ty con này là một pháp nhân có tư cách pháp lý độc lập với bên nhượng quyền. Công ty con có thể mở cửa hàng thuộc sở hữu của mình hoặc ký hợp đồng nhượng quyền với bên nhận quyền ở nước sở tại.

Trong trường hợp thiết lập chi nhánh ở nước sở tại, chi nhánh đó không phải là pháp nhân độc lập, vì thế bên nhượng quyền vẫn phải gánh chịu các trách nhiệm pháp lý đối với hoạt động kinh doanh của chi nhánh ở nước sở tại. Nếu xâm nhập thị trường nước ngoài qua con đường lập liên doanh, bên nhượng quyền sẽ ký hợp đồng liên doanh với đối tác - thường mang quốc tịch nước sở tại, theo đó thông thường một công ty liên doanh sẽ được ra đời, tuy nhiên cũng có trường hợp việc liên doanh chỉ đơn thuần là quan hệ hợp đồng. Bên nhượng quyền khi đó sẽ có thể kí ‘hợp đồng phát triển khu vực’ hoặc ‘hợp đồng nhượng quyền tổng thể’ với liên doanh, và kết quả là sự ra đời các cửa hàng nhượng quyền thuộc sở hữu của liên doanh hoặc các cửa hàng được nhượng quyền bởi liên doanh.

Xem thêm: Dịch vụ thư ký pháp lý từ xa của Công ty Luật TNHH Everest

4- Pháp luật về nhượng quyền thương mại quốc tế

Với tư cách là hoạt động thương mại quốc tế, nhượng quyền thương mại quốc tế chịu sự điều chỉnh của pháp luật nước sở tại cũng như các điều ước quốc tế và tập quán quốc tế. Tính đến nay, chưa có bất kì điều ước quốc tế hay tập quán quốc tế nào chuyên biệt về nhượng quyền thương mại quốc tế. Tuy nhiên, nhượng quyền thương mại quốc tế có thể được điều chỉnh bằng các điều ước quốc tế và tập quán quốc tế áp dụng chung cho các giao dịch quốc tế, như: CISG, PICC, các hiệp định tương trợ tư pháp giữa các nước, và INCOTERMS.

ICC và UNIDROIT đã cố gắng khuyến khích sự thống nhất pháp luật về nhượng quyền thương mại. ICC giới thiệu Hợp đồng nhượng quyền thương mại quốc tế mẫu (Model International Franchise Contract) vào năm 2000 và sửa đổi vào năm 2010. UNIDROIT công bố sách hướng dẫn về ‘thỏa thuận nhượng quyền thương mại tổng thể’ quốc tế (Guide to International Master Franchise Arrangements) vào năm 1998. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quy tắc chung cho việc điều chỉnh nhượng quyền thương mại quốc tế trên phạm vi toàn cầu. Hầu hết các nước đơn thuần dựa vào pháp luật thương mại nói chung hoặc thậm chí là các bộ quy tắc về thực tiễn và người tiêu dùng để điều chỉnh nhượng quyền thương mại.

Tuy nhiên, hai thập niên vừa qua đã chứng kiến một xu hướng mạnh mẽ của việc ban hành pháp luật riêng về nhượng quyền thương mại. Đến nay, khoảng 33 nước, trong đó có Việt Nam, đã ban hành quy định riêng về nhượng quyền thương mại. Tuy nhiên, chỉ một số nước như Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Việt Nam ấn định một số điều khoản dành riêng cho các nhà nhượng quyền nước ngoài - nhìn chung đó là các vấn đề về đăng ký nhượng quyền và chấp thuận nhượng quyền. Mặc dù bị điều chỉnh trực tiếp bởi các quy định riêng về nhượng quyền, nhưng nhượng quyền thương mại ở những nước này vẫn chịu sự tác động của pháp luật thương mại nói chung.

Ở các nước ban hành pháp luật về nhượng quyền thương mại, thường có bốn loại công cụ được sử dụng để điều chỉnh nhượng quyền thương mại: Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại (disclosure), sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (alternative dispute resolution), đăng ký nhượng quyền (registration), và hướng dẫn trách nhiệm thực thi của bên nhượng quyền và bên nhận quyền (standards of conduct). Trên cơ sở sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp các loại công cụ này, 33 nước nói trên đã quy định riêng về nhượng quyền thương mại theo một trong 9 mô hình sau đây:

Các mô hình pháp luật

Các nước áp dụng

Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại

Bỉ, Brazil, Pháp, Nhật Bản, Thụy Điển, Đài Loan

Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại và hướng dẫn trách nhiệm thực thi của bên nhượng quyền và bên nhận quyền

An-ba-ni, Ca-na-đa (bang An-bơ-ta, bang Niu Brun-x-uých, bang Ôn-ta-ri-o, Đảo Prin-xơ Ét-uốt, tỉnh Kê-bếc), Georgia, Ý, Ru-ma-ni

Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại và đăng ký nhượng quyền

In-đô-nê-xi-a, Mê-hi-cô, Tây Ban Nha

Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại, đăng ký nhượng quyền và hướng dẫn trách nhiệm thực thi của bên nhượng quyền và bên nhận quyền

Trung Quốc, Ma Cao, Ma-lai-xi-a, Môn- đô-va, Việt Nam

Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại, hướng dẫn trách nhiệm thực thi của bên nhượng quyền và bên nhận quyền và giải quyết tranh chấp

Hàn Quốc, Úc

đăng ký nhượng quyền

Crô-a-ti-a, Bác-ba-đô-xơ

Hướng dẫn trách nhiệm thực thi của bên nhượng quyền và bên nhận quyền

Ét-xtô-ni-a, Lít-va, Nga, U-cơ-rai-na, Vê- nê-du-ê-la

đăng ký nhượng quyền và hướng dẫn trách nhiệm thực thi của bên nhượng quyền và bên nhận quyền

Bê-la-ru-xi-a, Ka-dắc-xtan, Kiếc-ghi-di, Ả rập Xê út

Mô hình Hoa Kỳ

-    Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại: Áp dụng ở cấp liên bang.

-    Hướng dẫn trách nhiệm thực thi của bên nhượng quyền và bên nhận quyền: cấp liên bang (ô-tô/xăng dầu) và hầu hết các bang.

-    đăng ký nhượng quyền: Áp dụng ở cấp bang (14 bang).

[a] Đăng ký nhượng quyền và báo cáo

Mặc dù cơ chế đăng ký nhượng quyền được áp dụng ở Hoa Kỳ từ rất sớm theo quy định của pháp luật bang Ca-li-phoóc-ni-a và được tiếp tục áp dụng ở 13 bang khác, nhưng đã không nhận được nhiều sự ủng hộ của các nước khác. Chỉ có 14 bang của Hoa Kỳ và 14 nước khác áp đặt nghĩa vụ đăng ký nhượng quyền, và nghĩa vụ này cũng rất đa dạng, từ việc yêu cầu nộp một báo cáo kiểm toán đầy đủ cho tới đơn giản chỉ là việc lưu trữ thông tin.

14 bang của Hoa Kỳ giới thiệu cơ chế kiểm toán và đăng ký nhượng quyền nặng nề nhất, cho dù có sự khác biệt nhất định về mức độ kiểm soát giữa các bang cũng như đối với từng nhà nhượng quyền thương mại. Các bang của Hoa Kỳ và 5 nước khác có áp dụng cơ chế đăng ký nhượng quyền (Trung Quốc, In- đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Tây Ban Nha và Việt Nam) cũng yêu cầu nghĩa vụ thông báo thường niên đối với các nhà nhượng quyền thương mại.

[b] Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại

Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại là nhân tố then chốt trong pháp luật về nhượng quyền. Nó được chấp nhận rộng rãi như công cụ để xử lý sự bất cân xứng thông tin cố hữu trong các quan hệ nhượng quyền. Công cụ này góp phần làm thuận lợi hoá việc tiếp cận các thông tin tin cậy và đầy đủ về hệ thống nhượng quyền, điều này hết sức hữu ích và cần thiết cho các bên dự kiến nhận quyền trong việc đưa ra quyết định nhận quyền thương mại một cách sáng suốt.

Mặc dù các nhà nhượng quyền nói chung không ưa thích các vấn đề khác thuộc pháp luật riêng về nhượng quyền, ‘nhưng có một sự đồng thuận rằng bản giới thiệu nhượng quyền đầy đủ dành cho các bên dự kiến nhận quyền giúp cải thiện quá trình tuyển dụng bên nhận quyền, và nhìn chung là tốt cho hoạt động nhượng quyền’. Theo một trong những báo cáo đầu tiên của Úc, bản giới thiệu nhượng quyền thương mại không bị coi là sự hạn chế kinh doanh, mà là ‘lẽ đương nhiên và nền tảng vững chắc cho việc kinh doanh, trong một mối quan hệ khăng khít đặc biệt như nhượng quyền thương mại, và nó phù hợp với thực tiễn kinh doanh thông thường’.

Trên thực tế, nghĩa vụ cung cấp bản giới thiệu nhượng quyền là yếu tố thống nhất trong pháp luật nhượng quyền của các nước trên thế giới, trừ Ka- dắc-xtan, Lít-va và Nga. Ấn phẩm ‘Luật mẫu về bản giới thiệu nhượng quyền thương mại’ (Model Franchise Disclosure Law) của UNIDROIT, với sự gợi ý về nội dung tối thiểu của bản giới thiệu nhượng quyền, được mong đợi sẽ ảnh hưởng tới việc đẩy mạnh sự chấp thuận luật về bản giới thiệu nhượng quyền thương mại cũng như định hướng nội dung của nó.

Mặc dù bản giới thiệu nhượng quyền được chấp nhận rộng rãi trong luật nhượng quyền của hầu hết các nước, chỉ có vài nước đòi hỏi bản nhượng quyền theo mẫu với việc chứa đựng các nội dung bắt buộc. Ở các nước có yêu cầu bản nhượng quyền thương mại bắt buộc, thì nhìn chung còn yêu cầu việc cập nhật thông tin hàng năm. Yêu cầu về bản nhượng quyền thương mại theo mẫu, cũng như việc báo cáo cập nhật thông tin hàng năm, được cho là sẽ làm thuận lợi hoá việc sưu tập số liệu về lĩnh vực này.

[c] Hợp đồng nhượng quyền thương mại

Hợp đồng nhượng quyền là điểm tham chiếu cốt lõi trong việc làm rõ mối quan hệ giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền. Tuy nhiên, không phải tất cả các nước đều đòi hỏi hợp đồng nhượng quyền phải bằng văn bản. Hơn nữa, chỉ có một số nước quy định nội dung bắt buộc của hợp đồng nhượng quyền thương mại. Đối với các nước không yêu cầu nội dung bắt buộc của hợp đồng nhượng quyền thương mại, thì phần lớn bắt buộc bản giới thiệu nhượng quyền thương mại phải có ít nhất một vài điều khoản hợp đồng then chốt. Chỉ có pháp luật Úc yêu cầu một điều khoản hợp lí rằng trước khi ký hợp đồng, bên dự kiến nhận quyền phải xác nhận rằng đã nhận được sự tư vấn từ nhà tư vấn kinh doanh hoặc nhà tư vấn pháp luật độc lập, hoặc kế toán viên độc lập hoặc đã được khuyên cần có sự tư vấn như thế nhưng chưa tiến hành tìm kiếm. Pháp luật Úc và Ma-lai-xi-a còn cho phép bên nhận quyền một giai đoạn ‘cân nhắc’ (‘cooling off’), theo đó bên nhận quyền có thể rút lại đề nghị ký kết hợp đồng và được bồi hoàn các khoản phí, sau khi đã trừ đi các chi phí hợp lý mà bên nhượng quyền phải gánh chịu, với điều kiện là điều này được ghi rõ trong hợp đồng.

[d] Các vấn đề về tiêu chuẩn thực thi, hay quan hệ giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền

Hầu hết các nước có luật về nhượng quyền thương mại đều quy định về các vấn đề cụ thể trong quan hệ giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền. Đa phần các nước (trừ Nhật Bản) ấn định các hạn chế đối với việc đơn phương chấm dứt hợp đồng bởi bên nhượng quyền, với công thức phổ biến nhất là đưa ra các sự kiện được phép chấm dứt hợp đồng, và/hoặc thông báo về vi phạm và cơ hội khắc phục. Thay vì quy định một thời hạn cố định cho mối quan hệ nhượng quyền, pháp luật nhượng quyền của hầu hết nước chỉ đơn thuần yêu cầu một thời hạn đủ dài cho bên nhận quyền thu hồi khoản đầu tư ban đầu. Trong khi quyền gia hạn hợp đồng không được ấn định bởi hầu hết

nước có luật về nhượng quyền thương mại, thì việc phải thông báo trước về việc không gia hạn được quy định rất phổ biến. Hầu hết các nước sử dụng cơ chế điều chỉnh bằng bản giới thiệu nhượng quyền thương mại đều yêu cầu thông báo về việc chuyển giao hợp đồng, nhưng chỉ một vài nước trong đó quy định quyền được chuyển giao hợp đồng. Rất nhiều vấn đề khác về quan hệ giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền cũng được điều chỉnh một cách đặc thù như vấn đề vi phạm hợp đồng, thay đổi đơn phương, miễn trách nhiệm, quyền liên kết, bảo mật, không cạnh tranh. Tuy nhiên, không có ‘một cách tiếp cận chung trên phạm vi toàn thế giới về pháp luật điều chỉnh quan hệ giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền’.

Các chuẩn mực thực thi chung đối với bên nhượng quyền và bên nhận quyền được ấn định bởi pháp luật một vài nước (bang) như các bang của Ca-na-đa, Trung Quốc, Ý, Hàn Quốc, và Ma-lai-xi-a, bao gồm yêu cầu về ‘buôn bán ngay thẳng’ (Ca-na-đa), ‘buôn bán ngay thẳng và trung thực’ (Trung Quốc), ‘thiện chí’ (Ý và Hàn Quốc), và ‘kinh doanh nhượng quyền tốt nhất theo thời gian và khu vực’ (Ma-lai-xi-a). Ở các nước khác, các vấn đề này được quy định bởi luật chung.

Pháp luật Úc là trường hợp điển hình, khi quy định cấm thực hiện ‘hành vi lừa dối’ và ‘hành vi trái đạo đức’ trong Luật về người tiêu dùng và cạnh tranh (the Competition and Consumer Act) 2010, nhằm nâng tiêu chuẩn thực thi của các bên trong lĩnh vực nhượng quyền thương mại. Một vài nước như Hàn Quốc và Nhật Bản quy định cấm các hành vi hạn chế cạnh tranh theo chiều dọc, các hành vi vốn thường được ghi nhận trong luật cạnh tranh của nhiều nước khác. Cũng cần lưu ý rằng ở một số nước, đặc biệt là các DCs, các quyền và nghĩa vụ của bên nhượng quyền và bên nhận quyền cũng được quy định rõ và điều này hết sức có ý nghĩa ở khía cạnh ‘giáo dục’.

[đ] Giải quyết tranh chấp

Rất nhiều nước quy định rằng quy trình giải quyết tranh chấp phải được nêu rõ trong hợp đồng hoặc bản giới thiệu nhượng quyền thương mại. Tuy nhiên, chỉ một số nước (bang) như Úc, An-bơ-ta (Ca-na-đa) và Hàn Quốc ấn định thủ tục hòa giải như là yêu cầu tiên quyết trước khi đưa ra kiện tụng. Úc đã rất thành công trong việc sử dụng hoà giải như là một giai đoạn không thể thiếu của cơ chế điều chỉnh pháp luật. Hơn 75% tranh chấp được gửi tới Văn phòng cố vấn hoà giải nhượng quyền thương mại (Văn phòng này thành lập theo Bộ luật thực thi nhượng quyền thương mại ở Úc (Franchising Code of Conduct in Australia) - được Chính phủ bảo trợ - để hoà giải và được giải quyết chỉ trong vòng 1 ngày với chi phí rất thấp trong tương quan so sánh với giải quyết tranh chấp theo kiểu truyền thống.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về tổ chức lại doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest 

5- Pháp luật Việt Nam về nhượng quyền thương mại quốc tế

Ngày 12/7/1999, Bộ khoa học, công nghệ và môi trường (nay là Bộ khoa học và công nghệ) của Việt Nam đã ban hành Thông tư số 1254/1999/TT- BKCNMT hướng dẫn Nghị định của Chính phủ số 45/1998/NĐ-CP về chuyển giao công nghệ, trong đó thuật ngữ ‘cấp phép đặc quyền kinh doanh’, nghĩa là ‘nhượng quyền thương mại’ (‘franchise’), lần đầu tiên được đề cập trong một văn bản quy phạm pháp luật.

Tại Thông tư này, mặc dù chưa có định nghĩa nào về nhượng quyền thương mại, nhưng qua nội dung của mục 4.1.1.a, nhượng quyền thương mại có thể được hiểu là một hợp đồng chứa đựng các điều khoản liên quan tới việc cấp quyền sử dụng nhãn hiệu gắn liền với sản phẩm hoặc bí quyết kinh doanh. Cách quan niệm này chỉ đơn thuần là sự kết hợp giữa li-xăng nhãn hiệu với việc mua bán sản phẩm hoặc bí quyết kinh doanh, và rõ ràng điều này hết sức xa lạ với khái niệm nhượng quyền thương mại ở các nước phương Tây, và phản ánh sự hiểu biết chưa đầy đủ về nhượng quyền thương mại ở Việt Nam lúc đó.

Ở đây đã có sự nhầm lẫn giữa nhượng quyền thương mại và chuyển giao công nghệ. Được điều chỉnh bởi văn bản quy phạm pháp luật về chuyển giao công nghệ, theo Thông tư số 1254/1999/TT-BKCNMT, nhượng quyền thương mại chỉ được coi như một dạng chuyển giao công nghệ mà không phải là cách thức tổ chức kinh doanh riêng biệt.

Khoảng một thập niên sau khi nhượng quyền thương mại xuất hiện ở Việt Nam và cũng là khoảng sau 6 năm được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật về chuyển giao công nghệ, như là một phần của tiến trình hiện đại hoá pháp luật chuẩn bị cho việc gia nhập WTO, Việt Nam đã ban hành quy định pháp luật riêng biệt về nhượng quyền thương mại (sau đây gọi tắt là Luật riêng về nhượng quyền thương mại) nhằm tạo dựng khuôn khổ cho sự phát triển vững chắc của lĩnh vực này ở Việt Nam.

Luật riêng về nhượng quyền thương mại bao gồm Mục 8 Chương VI Luật thương mại 2005 (sau đây gọi tắt là Luật Thương mại), Nghị định của Chính phủ số 35/2006/NĐ- CP ngày 31/3/2006 quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại (sau đây gọi tắt là Nghị định 35), Thông tư của Bộ thương mại số 09/2006/TT-BTM ngày 25/5/2006 hướng dẫn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại (sau đây gọi tắt là Thông tư 09) và Quyết định của Bộ trưởng Bộ tài chính số 106/2008/QĐ-BTC ngày 17/11/2008 về việc quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại.

Luật riêng về nhượng quyền thương mại áp dụng đối với tất cả các hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam, được thực hiện bởi thương nhân Việt Nam và thương nhân nước ngoài (Điều 1 và Điều 2 Nghị định 35). Luật riêng về nhượng quyền thương mại nhìn chung tuân theo mô hình pháp luật rất quen thuộc - đó là quy định nghĩa vụ cung cấp bản giới thiệu nhượng quyền thương mại kết hợp với các yêu cầu về tiêu chuẩn thực thi và đăng ký nhượng quyền ở mức độ vừa phải.

[a] Định nghĩa nhượng quyền thương mại

Luật thương mại bao gồm định nghĩa tổng quát về nhượng quyền thương mại tại Điều 284:

Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:

1. Việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;

2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.

Nghị định 35 tiếp tục làm rõ: nhượng quyền thương mại bao gồm ‘nhượng quyền thương mại tổng thể’ - ‘master franchising’ (các quyền được bên nhượng quyền trao cho bên nhượng quyền thứ cấp được phép cấp lại quyền thương mại cho bên nhận quyền thứ cấp), và ‘hợp đồng phát triển khu vực’ - ‘franchise development contracts’ (các quyền được bên nhượng quyền trao cho bên nhận quyền được phép thành lập nhiều hơn một cơ sở của mình để kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại trong phạm vi một khu vực địa lí nhất định) (Điều 3). Nghị định 35 ngăn cấm việc bên nhận quyền thứ cấp cấp lại quyền thương mại đó (Điều 3).

[b] Điều kiện đối với bên nhượng quyền và bên nhận quyền

Theo quy định của Nghị định 35, bên nhượng quyền phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

Hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 1 năm;

Đã đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với cơ quan có thẩm quyền;

hàng hóa, dịch vụ kinh doanh thuộc đối tượng của quyền thương mại không vi phạm quy định pháp luật.

Chỉ có duy nhất một yêu cầu tiên quyết cho bên nhận quyền - đó là phải có đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với đối tượng của quyền thương mại (Điều 6 Nghị định 35).

Yêu cầu về 1 năm hoạt động: Nghị định 35 yêu cầu các nhà nhượng quyền, cả nước ngoài lẫn Việt Nam, phải hoạt động ít nhất là 1 năm trước khi nhượng quyền vào Việt Nam hoặc nhượng quyền cho một thương nhân Việt Nam khác (khoản 1 Điều 5 Nghị định 35). Trong trường hợp thương nhân Việt Nam là bên nhận quyền sơ cấp từ bên nhượng quyền nước ngoài, thì thương nhân Việt Nam đó phải kinh doanh hệ thống được nhượng quyền ít nhất 1 năm trước khi cấp lại quyền thương mại (khoản 1 Điều 5 Nghị định 35).

hàng hóa, dịch vụ được phép kinh doanh nhượng quyền: Bất kỳ hàng hóa hoặc dịch vụ nào đều có thể được nhượng quyền với điều kiện là: (i) hàng hóa, dịch vụ không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh; và (ii) Trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, Danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, thì doanh nghiệp chỉ được phép kinh doanh sau khi được cơ quan quản lý ngành cấp giấy phép kinh doanh, giấy tờ có giá trị tương đương, hoặc có đủ điều kiện kinh doanh (Điều 7 Nghị định 35). Nhà nhượng quyền nước ngoài phải đối mặt thêm với một hạn chế. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyên hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa chỉ được thực hiện hoạt động nhượng quyền thương mại đối với những mặt hàng mà doanh nghiệp đó được kinh doanh dịch vụ phân phối theo cam kết quốc tế của Việt Nam (khoản 2 Điều 2 Nghị định 35).[15]

[c] Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại

Bên nhượng quyền phải cung cấp bản sao hợp đồng nhượng quyền và bản giới thiệu nhượng quyền thương mại ít nhất 15 ngày làm việc trước khi ký kết hợp đồng nhượng quyền thương mại, ‘nếu các bên không có thỏa thuận khác’ (khoản 1 Điều 8 Nghị định 35). Nghị định 35 quy định Bộ thương mại (nay là Bộ công thương) có trách nhiệm quy định và công bố các nội dung bắt buộc của bản giới thiệu nhượng quyền thương mại, và các nội dung này đã được ban hành tại Phụ lục III - Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại của Thông tư 09.

Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại phải bao gồm một ‘cảnh báo’ cho bên dự kiến nhận quyền phải nghiên cứu kỹ lưỡng (và đưa ra lời khuyên đối với bên nhận quyền cần tìm kiếm các tư vấn độc lập, thảo luận với những nhà nhận quyền khác và tham gia các khóa đào tạo). Bên dự kiến nhận quyền đòi hỏi phải có một loạt các thông tin cụ thể về các chủ đề sau đây:

  • Thông tin chung về bên nhượng quyền;
  • Nhãn hiệu hàng hóa/dịch vụ và IPRs;
  • Chi phí ban đầu mà bên nhận quyền phải trả;
  • Các nghĩa vụ tài chính khác của bên nhận quyền;
  • Đầu tư ban đầu của bên nhận quyền;
  • Nghĩa vụ của bên nhận quyền phải mua hoặc thuê những thiết bị để phù hợp với hệ thống kinh doanh do bên nhượng quyền quy định; Nghĩa vụ của bên nhượng quyền;
  • Mô tả thị trường của hàng hóa/dịch vụ được kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại;
  • Hợp đồng nhượng quyền thương mại mẫu;
  • Thông tin về hệ thống nhượng quyền thương mại;
  • Báo cáo tài chính của bên nhượng quyền;
  • Phần thưởng, sự công nhận sẽ nhận được hoặc tổ chức cần phải tham gia.

Cùng với bản giới thiệu nhượng quyền thương mại, Nghị định 35 còn yêu cầu bên nhượng quyền phải ‘thông báo ngay cho tất cả các bên nhận quyền về mọi thay đổi quan trọng trong hệ thống nhượng quyền thương mại làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại của bên nhận quyền’ (khoản 2 Điều 8)

Trong trường hợp nhượng quyền thương mại thứ cấp, bên nhượng quyền thứ cấp phải cung cấp cho bên nhận quyền thứ cấp không chỉ bản giới thiệu nhượng quyền thương mại mà còn là thông tin về bên nhượng quyền đã cấp quyền thương mại cho mình, nội dung của ‘hợp đồng nhượng quyền thương mại tổng thể’ (‘master franchising agreement’), và cách thức xử lý hợp đồng nhượng quyền thương mại thứ cấp, trong trường hợp chấm dứt ‘hợp đồng nhượng quyền thương mại tổng thể’ (khoản 3 Điều 8).

Nghị định 35 cũng yêu cầu việc tiết lộ thông tin của bên nhận quyền: Bên dự kiến nhận quyền phải cung cấp cho bên nhượng quyền các thông tin mà bên nhượng quyền yêu cầu một cách hợp lý để quyết định việc trao quyền thương mại cho bên dự kiến nhận quyền (Điều 9).

[d] Hợp đồng nhượng quyền thương mại

Luật thương mại chỉ quy định hợp đồng nhượng quyền thương mại ‘phải được lập thành văn bản[16] hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương’ (Điều 285). Nghị định 35 cũng theo nguyên tắc của Bộ luật dân sự 2005 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2006) (sau đây gọi tắt là Bộ luật dân sự) về quyền tự do thỏa thuận trong hợp đồng để thiết lập các quyền và nghĩa vụ, với điều kiện là các cam kết đó không trái với pháp luật hoặc trật tự công cộng. Nghị định 35 chỉ đơn thuần quy định tại Điều 11 rằng hợp đồng nhượng quyền thương mại có thể có các nội dung chủ yếu sau đây, nếu các bên lựa chọn áp dụng pháp luật Việt Nam:

  • Nội dung của quyền thương mại;
  • Quyền, nghĩa vụ của bên nhượng quyền;
  • Quyền, nghĩa vụ của bên nhận quyền;
  • Giá cả, phí nhượng quyền định kì và phương thức thanh toán;
  • Thời hạn hiệu lực của hợp đồng;
  • Gia hạn, chấm dứt hợp đồng;
  • Giải quyết tranh chấp.

Thời hạn của hợp đồng nhượng quyền thương mại do các bên thỏa thuận (Điều 13 Nghị định 35) và hợp đồng có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác (Điều 14 Nghị định 35).

Nếu bên nhượng quyền chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng IPs cùng với các nội dung của quyền thương mại, thì việc chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng IPs đó có thể lập thành một phần riêng trong hợp đồng nhượng quyền thương mại. Việc chuyển giao IPRs trong hợp đồng nhượng quyền thương mại phải phù hợp với pháp luật về IP của Việt Nam (Điều 10 Nghị định 35).

[đ] Các vấn đề về tiêu chuẩn thực thi và quan hệ giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền

Luật thương mại quy định 5 điều khoản khá cơ bản về các quyền và nghĩa vụ của bên nhượng quyền (các Điều 286 và 287) và bên nhận quyền (các điều 288, 289 và 290). Bên nhận quyền có quyền nhận tiền phí nhượng quyền, tổ chức quảng cáo cho hệ thống nhượng quyền thương mại và kiểm tra bên nhận quyền để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống nhượng quyền thương mại và sự ổn định về chất lượng hàng hóa, dịch vụ. Bên nhượng quyền có nghĩa vụ: cung cấp bản giới thiệu nhượng quyền thương mại, đào tạo ban đầu, trợ giúp kĩ thuật thường xuyên và bảo đảm IPRs đối với các đối tượng được ghi trong hợp đồng nhượng quyền; thiết kế và sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ bằng chi phí của thương nhân nhận quyền; đối xử bình đẳng với các bên nhận quyền trong cùng hệ thống nhượng quyền thương mại.

Bên nhận quyền có quyền yêu cầu bên nhượng quyền cung ứng các hỗ trợ kĩ thuật, đối xử bình đẳng với các bên nhận quyền khác trong cùng hệ thống nhượng quyền thương mại, và có quyền cấp lại quyền thương mại cho bên thứ ba nếu được sự đồng ý của bên nhượng quyền. Bên nhận quyền có nghĩa vụ: Trả các khoản thanh toán theo hợp đồng nhượng quyền thương mại, đầu tư cơ sở vật chất, tài chính và nhân lực; chấp nhận sự kiểm soát, giám sát và hướng dẫn của bên nhượng quyền; giữ bí mật về bí quyết kinh doanh đã được nhượng quyền trong suốt thời gian nhận nhượng quyền và kể cả sau khi hết hợp đồng nhượng quyền; ngừng sử dụng nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh và các IPRs khác (nếu có), hoặc hệ thống của bên nhượng quyền khi kết thúc hoặc chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại; vận hành kinh doanh phù hợp với hệ thống nhượng quyền thương mại; không được nhượng quyền lại nếu không có sự đồng ý của bên nhượng quyền.

Chuyển giao quyền thương mại: Nghị định 35 cho phép bên nhận quyền được chuyển giao quyền thương mại cho bên dự kiến nhận quyền khác (Điều 15), nếu bên dự kiến nhận chuyển giao có đăng ký ngành nghề kinh doanh phù hợp với đối tượng của quyền thương mại và được sự đồng ý của bên nhượng quyền. Bên nhượng quyền trực tiếp chỉ có quyền từ chối việc chuyển giao quyền thương mại của bên nhận quyền, khi có một trong các lí do như sau:

  • Bên dự kiến nhận chuyển giao không đáp ứng được các nghĩa vụ tài chính mà bên dự kiến nhận chuyển giao phải thực hiện theo hợp đồng nhượng quyền thương mại;
  • Bên dự kiến nhận chuyển giao chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn lựa chọn của bên nhượng quyền trực tiếp;
  • Việc chuyển giao quyền thương mại sẽ có ảnh hưởng bất lợi lớn đối
  • với hệ thống nhượng quyền thương mại hiện tại;
  • Bên dự kiến nhận chuyển giao không đồng ý bằng văn bản sẽ tuân thủ các nghĩa vụ của bên nhận quyền theo hợp đồng nhượng quyền thương mại;
  • Bên nhận quyền chưa hoàn thành các nghĩa vụ đối với bên nhượng quyền trực tiếp, trừ trường hợp bên dự kiến nhận chuyển giao cam kết bằng văn bản thực hiện các nghĩa vụ đó thay cho bên nhận quyền.

Bên nhận quyền dự định chuyển giao quyền thương mại phải gửi yêu cầu bằng văn bản về việc chuyển giao quyền thương mại cho bên nhượng quyền trực tiếp, và trong vòng 15 ngày, bên nhượng quyền trực tiếp phải có văn bản trả lời, trong đó nêu rõ chấp thuận hoặc từ chối dựa trên một trong các lí do nêu trên. Trong thời hạn 15 ngày, nếu bên nhận quyền không nhận được văn bản trả lời của bên nhượng quyền trực tiếp, thì coi như việc dự kiến chuyển giao quyền thương mại được chấp thuận bởi bên nhượng quyền trực tiếp. Đối với việc chuyển giao quyền thương mại, tất cả các quyền và nghĩa vụ liên quan đến quyền thương mại của bên chuyển giao đều được chuyển cho bên nhận chuyển giao, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại: Bên nhận quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại (Điều 16 Nghị định 35), nếu bên nhượng quyền vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 287 Luật thương mại:

Cung cấp bản giới thiệu nhượng quyền thương mại cho bên nhận quyền; Đào tạo ban đầu và hỗ trợ kỹ thuật thường xuyên cho bên nhận quyền để đảm bảo sự hoạt động của hệ thống nhượng quyền thương mại;

Thiết kế và sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ bằng chi phí của bên nhận quyền;

Đảm bảo tính hiệu lực của IPRs được chuyển giao trong hợp đồng nhượng quyền thương mại;

Đối xử bình đẳng đối với các bên nhận quyền trong cùng hệ thống nhượng quyền thương mại.

Bên nhượng quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại (Điều 16 Nghị định 35) trong các trường hợp sau đây:

Bên nhận quyền không còn giấy phép kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương, mà theo quy định của pháp luật bên nhận quyền phải có để tiến hành công việc kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại;

Bên nhận quyền bị giải thể hoặc bị phá sản theo quy định của pháp luật Việt Nam;

Bên nhận quyền ‘vi phạm pháp luật nghiêm trọng’, có khả năng gây thiệt hại lớn cho uy tín của hệ thống nhượng quyền thương mại;

Bên nhận quyền không khắc phục những vi phạm không cơ bản trong hợp đồng nhượng quyền thương mại trong một thời gian hợp lý, mặc dù đã nhận được thông báo bằng văn bản yêu cầu khắc phục vi phạm đó từ bên nhượng quyền.

[e] Đăng ký nhượng quyền và báo cáo

Theo Luật thương mại, trước khi nhượng quyền, ‘bên dự kiến nhượng quyền phải đăng ký với Bộ thương mại’ (nay là Bộ công thương), và Chính phủ sẽ quy định chi tiết ‘điều kiện kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại và trình tự, thủ tục đăng ký nhượng quyền thương mại’ (Điều 291). Việc đăng ký cũng được quy định tại Nghị định 35, theo đó các hoạt động nhượng quyền thương mại - chứ không phải bên dự kiến nhượng quyền - phải được đăng ký (Điều 17). Chi tiết về việc đăng ký nhượng quyền thương mại được quy định tại Thông tư 09. Bên nhượng quyền chỉ phải đăng ký một lần thay vì từng lần một cho từng hợp đồng nhượng quyền thương mại.

Bộ thương mại (nay là Bộ công thương) chịu trách nhiệm thực hiện việc đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài. Trong các trường hợp khác, Sở thương mại (nay là Sở công thương) ở các tỉnh, nơi bên nhượng quyền đăng ký kinh doanh, sẽ thực hiện đăng ký hoạt động nhượng quyền trong nước (Điều 18). Bên nhượng quyền phải lập hồ sơ đề nghị đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại theo mẫu quy định và kèm theo là bản giới thiệu nhượng quyền thương mại, các văn bản xác nhận về tư cách pháp lý của bên nhượng quyền, các văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài, nếu bên nhượng quyền có chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đó.

Nếu bất kì giấy tờ nào thuộc hồ sơ đề nghị đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại được lập bằng tiếng nước ngoài, thì sẽ phải được dịch ra tiếng Việt và được công chứng phù hợp với quy định tại Nghị định 35. Nếu thương nhân nộp đơn là bên nhượng quyền thứ cấp, thì còn phải nộp giấy tờ chứng minh sự cho phép nhượng quyền lại từ bên nhượng quyền ban đầu (Điều 19 Nghị định 35 và Thông tư 09).

Việc đăng ký hoạt động nhượng quyền có thể bị hủy bỏ, nếu bên nhượng quyền ngừng kinh doanh, hoặc chuyển đổi ngành nghề kinh doanh, hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư (Điều 22 Nghị định 35).

Ngoài ra luật riêng về nhượng quyền thương mại còn yêu cầu việc báo cáo thường niên của bên nhượng quyền cho cơ quan nhà nước đăng ký hoạt động nhượng quyền. Bên nhượng quyền phải thông báo cho cơ quan đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại về các thay đổi thông tin thuộc về thông tin chung về bên nhượng quyền, và nhãn hiệu hàng hóa/dịch vụ và IPRs khác trong vòng 30 ngày, kể từ ngày có thay đổi các thông tin đó (Thông tư 09).

Bên nhượng quyền cũng phải thông báo thường niên cho cơ quan đăng ký về các thông tin về bên nhượng quyền, chi phí ban đầu mà bên nhận quyền phải trả, các nghĩa vụ tài chính khác của bên nhận quyền, đầu tư ban đầu của bên nhận quyền, nghĩa vụ của bên nhận quyền phải mua hoặc thuê những thiết bị phù hợp với hệ thống kinh doanh do bên nhượng quyền quy định, nghĩa vụ của bên nhượng quyền, mô tả thị trường của hàng hóa/dịch vụ được kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại, hợp đồng nhượng quyền thương mại mẫu, thông tin về hệ thống nhượng quyền thương mại, báo cáo tài chính của bên nhượng quyền, và phần thưởng, sự công nhận sẽ nhận được hoặc tổ chức cần phải tham gia, chậm nhất là ngày 15/1 hàng năm (Thông tư 09).

[f] Bên nhượng quyền nước ngoài

Mặc dù áp dụng cơ chế pháp lý khá thống nhất cho cả bên nhượng quyền nước ngoài và trong nước giống như thực tiễn pháp luật các nước trên thế giới, Việt Nam đã từng đưa ra một số hạn chế đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động nhượng quyền thương mại. Những hạn chế này đã được loại bỏ cho phù hợp với các cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ của Việt Nam khi gia nhập WTO. Tất cả các hạn chế về các hình thức doanh nghiệp đầu tư nước ngoài bị loại bỏ vào ngày 1/1/2009. Cho tới ngày 1/1/2008, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tham gia hoạt động nhượng quyền thương mại phải dưới hình thức doanh nghiệp liên doanh với mức vốn góp tối đa của bên nước ngoài là 49%. Giới hạn về vốn góp của bên nước ngoài được loại bỏ vào ngày 1/1/2008, nhưng yêu cầu về hình thức doanh nghiệp liên doanh thì vẫn được duy trì. Từ ngày 1/1/2009, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được thành lập ở Việt Nam tham gia vào hoạt động nhượng quyền thương mại có thể là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài.

Luật riêng về nhượng quyền thương mại của Việt Nam không quy định trực tiếp về vấn đề chọn luật áp dụng cho các hợp đồng nhượng quyền thương mại, trừ việc đưa ra cụm từ ‘trong trường hợp các bên lựa chọn áp dụng luật

Việt Nam’ mở đầu cho điều luật về nội dung của hợp đồng nhượng quyền thương mại (Điều 11 Nghị định 35). Cụm từ này ám chỉ khả năng lựa chọn pháp luật nước ngoài áp dụng cho các hợp đồng nhượng quyền thương mại giữa bên Việt Nam và bên nước ngoài. Điều đó có nghĩa là mặc dù bên nhượng quyền nước ngoài vẫn phải tuân thủ luật riêng về nhượng quyền thương mại của Việt Nam về các vấn đề khác như đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại, điều kiện của bên nhượng quyền và bản giới thiệu nhượng quyền thương mại, nhưng các bên trong hợp đồng nhượng quyền thương mại vẫn có thể lựa chọn hệ thống pháp luật nước ngoài để áp dụng cho hợp đồng. Là một dạng quan hệ dân sự, việc lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng nhượng quyền thương mại phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Bộ luật dân sự - được coi như đạo luật ‘mẹ’ điều chỉnh các quan hệ dân sự nói chung.

(Nguồn tham khảo: Giáo trình Luật Thương mại quốc tế - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác)

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest

6- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

(i) Bài viết Tổng quan pháp luật về nhượng quyền thương mại quốc tế được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

(ii) Bài viết Tổng quan pháp luật về nhượng quyền thương mại quốc tế  có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

(iii) Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, cần ý kiến pháp lý hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Tổng quan pháp luật về nhượng quyền thương mại quốc tế

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.60073 sec| 1215.617 kb