Tổng quan về luật EU và các quan hệ thương mại đối ngoại của EU

01/03/2023
Tính đến thời điểm tháng 2/2012, với 27 quốc gia thành viên, 500 triệu dân và sử dụng 23 ngôn ngữ chính thức, Liên minh châu Âu (EU) là tổ chức có quyền lực pháp lí rất lớn. EU tạo ra một trật tự pháp luật không phải là luật quốc gia cũng không giống với luật quốc tế truyền thống, mà đó là ‘luật siêu quốc gia’. Tôn chỉ của EU là ‘Thống nhất trong đa dạng’. Ngày 9/5 hàng năm là ‘Ngày châu Âu’.

1- Luật EU

1.1- Quá trình phát triển của EU

(a) Ý tưởng về EU và những người sáng lập EU

EU được thành lập sau Chiến tranh thế giới lần thứ II. Những bước đầu tiên được thực hiện nhằm thúc đẩy tiến trình hợp tác kinh tế, với triết lí khi các nước tiến hành thương mại với nhau thì sẽ phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế, từ đó tránh được các xung đột. Cha đẻ của ý tưởng này là Uyn-xtơn Trớc-trin, Kôn-rát A-đơ-nô-ê, An-xi-đơ Đờ Ga-xpơ-ri, Rô-be Su-man và Giăng Môn-ne.

(b) Quá trình mở rộng của EU

Từ 6 quốc gia thành viên ban đầu, hiện nay EU đã mở rộng thành liên minh gồm 27 thành viên.

- Năm 1951, Cộng đồng than thép châu Âu (viết tắt là ‘ECSC’) được thành lập bởi 6 nước thành viên sáng lập: Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Luých-xăm-bua và Ý.

- Năm 1973, mở rộng lần đầu tiên - thêm các thành viên: Đan Mạch, Ai-len và Vương quốc Anh.

- Năm 1981, mở rộng lần thứ hai - thêm Hy Lạp.

- Năm 1986, mở rộng lần thứ ba - thêm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

- Năm 1995, mở rộng lần thứ tư - thêm Áo, Phần Lan, Thụy Điển.

- Năm 2004, mở rộng lần thứ năm - thêm Síp, Séc, Ét-xtô-ni-a, Hung-ga-ri, Lát-vi-a, Lít-va, Man-ta, Phần Lan, Xlô-va-ki-a và Xlô-vê-ni-a.

- Năm 2007, mở rộng lần thứ sáu - thêm Bun-ga-ri và Ru-ma-ni.

Ngoài ra, hiện nay các nước ứng cử gia nhập EU bao gồm Crô-a-ti-a, Cộng hoà Ma-xê-đô-ni-a (thuộc Nam Tư cũ), Thổ Nhĩ Kỳ, Ai-xơ-len, và Mông-tê-nê-grô.

(c) Các tiêu chí gia nhập EU

- Có nền dân chủ và pháp quyền;

- Có nền kinh tế thị trường đang vận hành;

- Đủ năng lực thực thi pháp luật EU.

Con đường đi đến một Thị trường châu Âu thống nhất thực sự không hề bằng phẳng. Bên cạnh những khác biệt tương đối về chính trị và văn hoá, sự không đồng đều về trình độ kinh tế giữa các nước thành viên cũng tạo ra những rào cản nhất định trong tiến trình hội nhập khu vực.

1.2- Các thiết chế của EU

(a) Hội đồng châu Âu (European Council)

Đây là Hội nghị thượng đỉnh của những người đứng đầu nhà nước và chính phủ các nước EU. Đây là cơ quan quan trọng của EU - đại diện cho các chính phủ của 27 nước thành viên, nhưng không phải là một thiết chế trong bộ máy của EU. Hội đồng châu Âu họp ít nhất bốn lần một năm. Cơ quan này đề ra những định hướng tổng thể cho các chính sách của EU, và xử lí những vấn đề phức tạp và nhạy cảm đã không thể giải quyết được ở cấp độ hợp tác liên chính phủ thấp hơn. Tuy nhiên, cơ quan này không có thẩm quyền lập pháp.

Hội đồng châu Âu quyết định trên cơ sở đồng thuận, trừ khi các hiệp ước thành lập EU quy định khác. Trong một số trường hợp, quyết định được thông qua trên cơ sở nhất trí hoặc đa số tuyệt đối, tùy theo quy định của các hiệp ước nêu trên.

(b) Nghị viện châu Âu (European Parliament)

Nghị viện châu Âu được thành lập thông qua bầu cử trực tiếp và đại diện cho tiếng nói của người dân EU, nhiệm kì 5 năm. Nghị viện châu Âu là một trong những thiết chế lập pháp chủ yếu của EU, quyết định những vấn đề về pháp luật và ngân sách của EU cùng với Hội đồng bộ trưởng, giám sát toàn diện các công việc của EU, có quyền miễn nhiệm Ủy ban châu Âu và áp dụng quyền phủ quyết đối việc gia nhập EU của nước ứng cử viên.

(c) Hội đồng bộ trưởng hay Hội đồng Liên minh châu Âu (Council of Ministers) - Tiếng nói của các nước thành viên EU.

Đây là cơ quan có quyền quyết định cao nhất của EU. Mỗi thành viên EU có một đại diện tại Hội đồng bộ trưởng, thường là bộ trưởng ngoại giao hoặc bộ trưởng chịu trách nhiệm về vấn đề được thảo luận. Vị trí chủ tịch Hội đồng được quay vòng sáu tháng một lần. Hội đồng bộ trưởng quyết định những vấn đề về pháp luật và ngân sách của EU cùng với Nghị viện châu Âu, đồng thời điều hành chính sách chung về ngoại giao và an ninh.

Hiện nay, về cơ bản, nhiều quyết định được thông qua khi được đa số các nước thành viên biểu quyết thông qua (đôi khi thậm chí đa số 2/3 trong tổng số 27 nước thành viên) với tỉ lệ đa số tối thiểu là 255 phiếu. Tuy nhiên, kể từ năm 2014, tỉ lệ đa số các nước tham gia bỏ phiếu tối thiểu sẽ là 15 nước, và tối thiểu 65% dân số EU ủng hộ, hay còn gọi là ‘đa số kép’.

Hội đồng bộ trưởng có các nhiệm vụ sau đây:

i) Thông qua luật EU;

ii) Điều phối chính sách kinh tế của các nước thành viên EU;

iii) Kí kết điều ước giữa EU với các nước khác;

iv) Phê duyệt ngân sách hàng năm của EU;

v) Phát triển chính sách đối ngoại và phòng vệ của EU;

vi) Điều phối hoạt động hợp tác giữa toà án và các lực lượng cảnh sát của các nước thành viên.

(d) Ủy ban châu Âu (European Commission) - Thiết chế thúc đẩy các lợi ích chung. Ủy ban châu Âu bao gồm 27 ủy viên độc lập, mỗi ủy viên là đại diện của một nước EU. Ủy ban châu Âu là cơ quan chấp hành của EU, có thẩm quyền đề xuất pháp luật. Đồng thời, đây là cơ quan giám sát thực thi các điều ước quốc tế, đảm bảo việc thực thi pháp luật và không vi phạm các điều ước quốc tế của các nước thành viên EU. Ủy ban châu Âu đại diện cho EU trên trường quốc tế.

(e) Toà án công lí EU (Court of Justice of the European Union)

Toà án công lí EU là cơ quan xét xử của EU và Cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu (viết tắt là ‘EURATOM’), bao gồm 3 toà án: i) Toà án công lí (‘Court of Justice’); ii) Toà án chung (‘General Court’) (thành lập năm 1988); và iii) ‘Toà công chức’ (‘Civil Service Tribunal’) (thành lập năm 2004). Nhiệm vụ cơ bản của các cơ quan này là xem xét tính hợp pháp của các biện pháp của EU và bảo đảm tính thống nhất trong việc giải thích và áp dụng luật EU.

i) ‘Toà án công lí’ (‘Court of Justice’): Trước khi Hiệp ước Li-xbon có hiệu lực ngày 1/12/2009, toà án này được gọi là ‘Toà án công lí châu Âu’ (‘European Court of Jutice’, viết tắt là ‘ECJ’). Toà án công lí bao gồm 27 thẩm phán (mỗi nước EU được cử một thẩm phán), được trợ giúp bởi 8 tổng chưởng lí (‘Advocates-general’) - thực hiện nhiệm vụ trình bày ý kiến về vụ việc được khởi kiện trước Toà án công lí. Họ được bổ nhiệm với nhiệm kì 6 năm và có thể được tái bổ nhiệm. Toà án công lí có nhiệm vụ sau đây: (i) Giải thích luật EU, nhằm bảo đảm rằng luật EU phải được áp dụng thống nhất ở tất cả các nước thành viên EU; (ii) Giải quyết tranh chấp về pháp luật giữa các chính phủ các nước thành viên EU và các thiết chế của EU; ngoài ra, các cá nhân, công ty, tổ chức cũng có thể khởi kiện trước Toà án công lí, nếu quyền của họ bị xâm phạm bởi một thiết chế của EU.

ii) ‘Toà án chung’ (‘General Court’): Trước khi Hiệp ước Li-xbon có hiệu lực ngày 1/12/2009, toà án này được gọi là ‘Toà sơ thẩm châu Âu’ (‘Court of First Instance’, viết tắt là ‘CFI’). Để giúp Toà án công lí xử lí một số lượng lớn các vụ kiện và giúp cho các công dân được bảo vệ tốt hơn về mặt pháp luật, một Toà án chung (General Court) đã được thành lập năm 1988 (khi đó là CFI) để giải quyết các vụ kiện của cá nhân, công ty và một số tổ chức, và các vụ kiện liên quan đến luật cạnh tranh. Toà án chung bao gồm ít nhất 27 thẩm phán (trong đó mỗi nước thành viên cử đến một thẩm phán), với nhiệm kì 6 năm và có thể được tái bổ nhiệm. Không giống Toà án công lí, Toà án chung không có tổng chưởng lí thường trực

(‘Advocates-general’). Trong trường hợp đặc biệt, nhiệm vụ của tổng chưởng lí sẽ do một thẩm phán thực hiện.

iii) ‘Toà công chức’ (‘Civil Service Tribunal’): được thành lập năm 2004, thực hiện nhiệm vụ giải quyết tranh chấp giữa EU và các công chức EU. Toà công chức bao gồm 7 thẩm phán do Hội đồng châu Âu bổ nhiệm với thời hạn 6 năm và có thể được tái bổ nhiệm.

(f) Toà kiểm toán châu Âu (European Court of Auditors) - Thiết chế giám sát các hoạt động tài chính của EU. Toà kiểm toán bao gồm 27 thành viên độc lập, mỗi thành viên đến từ một nước EU. Nhiệm vụ của cơ quan này là kiểm tra việc các khoản tài chính của EU có được sử dụng hợp lí hay không thông qua tiến hành kiểm toán đối với các cá nhân và tổ chức sử dụng nguồn tiền của EU. (g) Ủy ban kinh tế và xã hội châu Âu (European Economic and Social Committee) là ủy ban tư vấn, đại diện cho tiếng nói của các cộng đồng dân sự như các nghiệp đoàn, người sử dụng lao động, nông dân, người tiêu dùng v.v. tham gia tư vấn về pháp luật và chính sách mới của EU. Ủy ban này thúc đẩy sự tham gia của các cộng đồng dân sự trong các vấn đề của EU.

(h) Ủy ban các vùng (Committee of the Regions) cũng là ủy ban tư vấn của EU, đại diện cho tiếng nói của chính quyền địa phương. Ủy ban này đại diện cho các thành phố và các vùng, tham gia tư vấn pháp luật và chính sách của EU, nhằm thúc đẩy sự tham gia của chính quyền địa phương trong các vấn đề của EU.

(i) Ngân hàng trung ương châu Âu (European Central Bank - viết tắt là ‘ECB’) là thiết chế điều hành chính sách tiền tệ của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (‘Eurozone’), bao gồm 17 nước thành viên. ECB đảm bảo sự ổn định của giá cả, quản lí nguồn cung tiền và ấn định lãi suất. Cơ quan này hoạt động độc lập với chính phủ các nước thành viên.

(j) Các thiết chế khác của EU, ví dụ, Ngân hàng đầu tư châu Âu (European Investment Bank) và các cơ quan khác.

Cần tránh sự nhầm lẫn giữa Hội đồng châu Âu (European Council), Hội đồng bộ trưởng hay Hội đồng liên minh châu Âu (Council of Ministers hay Council of the EU), và Hội đồng châu Âu (Council of Europe). Hội đồng châu Âu (Council of Europe) không phải là một thiết chế của EU. Đây là tổ chức quốc tế được thành lập năm 1949 với mục đích bảo vệ nhân quyền và củng cố nền dân chủ trên khắp châu Âu, đồng thời thúc đẩy những đặc trưng văn hoá của châu Âu, và là cầu nối giữa Đông Âu và Tây Âu.

1.3- Thủ tục thông thường để ban hành các quyết định của EU

Thủ tục thông thường để ban hành quyết định của EU được gọi là ‘Thủ tục lập pháp thông thường’ (‘Ordinary Legislative Procedure’), theo đó luật EU do Nghị viện châu Âu cùng với Hội đồng châu Âu phê chuẩn. Còn Ủy ban châu Âu là cơ quan lập dự thảo và thực thi pháp luật.

1.4- Cấu trúc của luật EU: Ba trụ cột

Pháp luật EU được cấu trúc dựa trên ba trụ cột.

- Trụ cột thứ nhất là pháp luật liên quan đến các quyền kinh tế và xã hội, bao gồm Hiệp ước thành lập Cộng đồng châu Âu (viết tắt là ‘TEC’), được kí kết tại Rô-ma năm 1957 và sau này được sửa đổi, bổ sung bởi các Hiệp ước kí kết giữa các nước thành viên. Trụ cột thứ nhất của pháp luật EU chính là luật cộng đồng châu Âu (EC Law). Sau khi Hiệp ước Li-xbon có hiệu lực ngày 1/12/2009, luật cộng đồng châu Âu đã trở thành luật EU.

- Trụ cột thứ hai liên quan đến chính sách ngoại giao và an ninh chung của EU (‘CFSP’), hình thành theo Hiệp ước Liên minh châu Âu (viết tắt là ‘TEU’) kí kết tại Maastricht năm 1992.

- Trụ cột thứ ba liên quan đến hợp tác về cảnh sát và tư pháp trong các vấn đề hình sự (từng được gọi là vấn đề ‘tư pháp và nội vụ’), hình thành theo ‘TEU’.

Ba trụ cột nêu trên tạo thành luật Liên minh châu Âu (‘EU Law’).

1.5- Nguồn của luật EU

(a) Luật văn bản

Luật văn bản của EU được phân chia thành hai bộ phận: Luật ‘chính yếu’ (‘primary’ legislation) và luật ‘thứ yếu’ (‘secondary’ legislation). Các điều ước giữa các nước thành viên (luật chính yếu) là cơ sở, nền tảng điều chỉnh mọi hoạt động của EU.

Luật thứ yếu bao gồm các Quy định, Chỉ thị, Quyết định v.v. được xây dựng dựa trên các nguyên tắc và mục tiêu mà các điều ước đề ra.

i) Luật chính yếu (các điều ước)

Luật chính yếu hay các điều ước, thực chất là ‘hiến pháp’ của EU. Chúng được hình thành trên cơ sở sự nhất trí của chính phủ các nước thành viên EU. Các điều ước đề ra những mục tiêu và các quy tắc của việc tổ chức EU, cách thức đưa ra quyết định, mối quan hệ giữa EU và các nước thành viên, những chính sách cơ bản của EU, các thủ tục lập pháp và các quyền hạn của EU. Điều ước là bản thoả thuận ràng buộc giữa các nước thành viên EU. Theo các điều ước của EU, các thiết chế của EU có quyền ban hành pháp luật và các nước thành viên sau đó phải thực hiện.

Các điều ước chính của EU bao gồm: 

- Hiệp ước thành lập Cộng đồng than thép châu Âu (‘ECSC’), kí kết tại Pa-ri năm 1951 và bắt đầu có hiệu lực vào năm 1952. Mục đích của Hiệp ước này là tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau về than và thép giữa các nước thành viên, nhờ đó đảm bảo rằng không nước thành viên nào có thể huy động sức mạnh vũ trang mà không bị các nước thành viên khác biết được. Hiệp ước này cũng loại bỏ các rào cản trong thương mại than thép và thiết lập thị trường chung cho sản phẩm này. ECSC hết hiệu lực năm 2002.

- Các hiệp ước thành lập Cộng đồng kinh tế châu Âu - ECC (‘TEC’), thành lập Cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu - EURATOM, kí kết tại Rô-ma năm 1957 và bắt đầu có hiệu lực vào năm 1958. TEC vạch ra các nguyên tắc cơ bản của

Cộng đồng, các thiết chế của Cộng đồng và tạo ra pháp luật cộng đồng điều chỉnh chính sách trong các lĩnh vực nông nghiệp, vận tải và cạnh tranh.

- Đạo luật châu Âu thống nhất 1986. Mục đích của đạo luật này là tái cơ cấu các thiết chế để chuẩn bị cho sự gia nhập của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha vào thời điểm đó, đồng thời đẩy nhanh tiến trình ra quyết định, chuẩn bị cho sự ra đời của một thị trường thống nhất.

- Hiệp ước Liên minh châu Âu (‘TEU’) được kí kết tại Maastricht ngày 29/7/1992 và có hiệu lực kể từ ngày 1/1/1993. Mục đích của TEU là chuẩn bị cho sự ra đời của Liên minh tiền tệ châu Âu, đồng thời đề cập đến các yếu tố của một liên minh chính trị, như quốc tịch và chính sách chung về đối nội và đối ngoại.

- Hiệp ước Am-xtéc-đam sửa đổi Hiệp ước Liên minh châu Âu, Hiệp ước thành lập Cộng đồng châu Âu và các đạo luật liên quan, được kí kết tại Am-xtéc-đam vào ngày 10/10/1997, bắt đầu có hiệu lực vào năm 1999.

- Hiệp ước Ni-xơ sửa đổi Hiệp ước Liên minh châu Âu, Hiệp ước thành lập Cộng đồng châu Âu và các đạo luật liên quan, được kí kết tại Ni-xơ vào ngày 10/3/2001, bắt đầu có hiệu lực kể từ năm 2003.

- Hiệp ước Li-xbon sửa đổi Hiệp ước Liên minh châu Âu, Hiệp ước thành lập Cộng đồng châu Âu, được kí kết tại Li-xbon vào ngày 13/12/2007, có hiệu lực kể từ ngày 1/12/2009.

Hiệp ước Li-xbon sửa đổi hai hiệp định nền tảng của EU là Hiệp ước Liên minh châu Âu (‘TEU’) và Hiệp ước thành lập Cộng đồng châu Âu (‘TEC’). TEC được đổi tên thành Hiệp ước về hoạt động của Liên minh châu Âu (viết tắt là ‘TFEU’). Ngoài ra, kèm theo Hiệp ước này còn có một số nghị định thư và tuyên bố. Hiệp ước này được kì vọng sẽ nâng cao tính hiệu quả, dân chủ, minh bạch của EU, sự thống nhất của EU trên trường quốc tế cũng như sự chắc chắn của một tiếng nói chung.

Các phụ lục, nghị định được ban hành kèm theo các hiệp ước cũng được coi là nguồn pháp luật chính yếu.

Cần lưu ý rằng, mặc dù vào năm 2004, nguyên thủ các nước thành viên EU đã kí Hiệp ước về Hiến chương của châu Âu, nhưng Hiệp ước này sau đó đã không được phê chuẩn.

ii) Luật thứ yếu

Luật thứ yếu của EU nhằm quy định cách thức thực hiện các mục tiêu của các hiệp ước (luật chính yếu). Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và Hội đồng bộ trưởng được các hiệp ước trao quyền lập pháp trong tất cả các vấn đề thuộc thẩm quyền của EU. Các cơ quan này ban hành pháp luật thứ yếu, bao gồm: Quy định (‘Regulation’), Chỉ thị (‘Directives’), Quyết định (‘Decisions’), Khuyến nghị (‘Recommendations’), Ý kiến (‘Opinions’) và thoả thuận liên thiết chế (‘Inter-institutional agreement’).

‘Quy định’ (‘Regulation’) là loại văn bản pháp luật có hiệu lực ràng buộc do Ủy ban châu Âu ban hành và được phê chuẩn bởi Hội đồng bộ trưởng. Nó được áp dụng đầy đủ trên toàn lãnh thổ các nước thành viên EU. ‘Quy định’ được áp dụng trực tiếp cho các nước thành viên, không cần ‘nội luật hoá’ vào luật quốc gia của nước thành viên. Ví dụ, Quy định của Uỷ ban (EC) No 2/2009 ngày 5/1/2009 thiết lập các giá trị nhập khẩu chuẩn để xác định giá đầu vào của một số loại rau và hoa quả.

‘Chỉ thị’ (‘Directive’) là loại văn bản pháp luật do Ủy ban châu Âu ban hành và được Hội đồng bộ trưởng phê chuẩn, vạch ra mục tiêu mà tất cả các thành viên EU phải đạt được nhưng cho phép các thành viên quyết định cách thức đạt được mục tiêu đó. Các nước thành viên phải ban hành văn bản pháp luật nhằm thực hiện các chỉ thị của EU trong một thời hạn được ấn định. Ví dụ, Chỉ thị về giờ làm việc quy định làm việc ngoài giờ quá nhiều là bất hợp pháp. Chỉ thị này đề ra mức thời gian nghỉ ngơi tối thiểu và mức thời gian làm việc tối đa, nhưng cho phép mỗi thành viên quyết định cách thực thi quy định này.

‘Quyết định’ (‘Decision’) là loại văn bản pháp luật do Toà án công lí hoặc Ủy ban châu Âu ban hành, có hiệu lực ràng buộc và được áp dụng trực tiếp đối với các chủ thể mà quyết định đề cập, có thể là nước thành viên EU hoặc một công ty riêng lẻ. Ví dụ Quyết định số 2009/78/EC của Ủy ban châu Âu về việc thành lập Uỷ ban điều chỉnh chứng khoán châu Âu ngày 23/1/2009.

‘Khuyến nghị’ (‘Recommendation’) là loại văn bản không có tính ràng buộc. Thông qua việc ban hành khuyến nghị, các thiết chế của EU có thể thể hiện quan điểm của mình và đưa ra những gợi ý hành động mà không áp đặt nghĩa vụ pháp lí lên chủ thể mà khuyến nghị hướng đến. Ví dụ Khuyến nghị của Uỷ ban ngày 11/2/2009 về thực hiện kiểm soát hạt nhân bởi các nhà máy hạt nhân.

‘Ý kiến’ (‘Opinion’) cũng là một loại văn bản không có tính ràng buộc. Nó có thể được ban hành bởi tất cả các thiết chế chính của EU (như Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu, hay Nghị viện châu Âu), Ủy ban các vùng và Ủy ban kinh tế và xã hội châu Âu. Ví dụ, Ủy ban các vùng đã ban hành Ý kiến về cách thức đóng góp của các vùng vào các mục tiêu về năng lượng của EU.

(b) Án lệ của Toà án công lí EU 

Các án lệ của ‘Toà án công lí EU’, bao gồm ‘Toà án công lí’ và ‘Toà án chung’, cũng là nguồn luật quan trọng có tính ràng buộc đối với các thiết chế của EU và các nước thành viên, đóng góp quan trọng vào việc tạo nên trật tự pháp luật EU. Tất cả các phán quyết của Toà án công lí EU đều có thể được truy cập miễn phí tại website Curia trong Europa .

Luật án lệ có nhiều công lao trong việc tạo ra các nguyên tắc cơ bản của luật EU. Bắt đầu từ án lệ nổi tiếng Van Gend en Loos v. Nederlanse Administratie der Belastingen [1963],  Toà án công lí châu Âu (ECJ), nay là Toà án công lí, đã đưa ra nguyên tắc ‘hiệu lực trực tiếp của luật cộng đồng’, theo đó luật cộng đồng được áp dụng trực tiếp trong trật tự pháp luật quốc gia của các nước thành viên, cho phép công dân các nước EU áp dụng trực tiếp luật EU để khởi kiện trước toà án quốc gia của nước mình. Theo án lệ Costa v. ENEL [1964] , nguyên tắc ‘tính tối cao của pháp luật cộng đồng’ so với luật quốc gia của nước thành viên được thừa nhận. Năm 1991, với án lệ Francovich [1991] và các án lệ khác, ECJ đã phát triển những khái niệm và nguyên tắc mới cho luật EU - đó là ‘trách nhiệm bồi thường của nước thành viên dành cho cá nhân do nhà nước vi phạm luật cộng đồng’.

Luật án lệ cũng rất có ý nghĩa trong việc củng cố pháp luật về thị trường nội khối EU. Kể từ sau án lệ Cassis de Dijon [1979] - khẳng định nguyên tắc tự do dịch chuyển hàng hoá, các thương nhân có thể nhập khẩu vào nước mình bất cứ sản phẩm gì của nước khác trong nội bộ EU, nếu sản phẩm đó được sản xuất hợp pháp và đưa vào thị trường nước đó, và nếu không có lí do nào rất quan trọng liên quan đến bảo vệ sức khỏe hoặc môi trường nhằm ngăn cản nhập khẩu vào nước có nhu cầu tiêu thụ. Nguyên tắc tự do dịch chuyển người lao động cũng được khẳng định trong một số án lệ đáng chú ý, như án lệ Kraus [1993] và án lệ Bosman [1995]. Ngoài ra, ECJ cũng đã ra một số phán quyết nhằm bảo đảm quyền tự do cung ứng dịch vụ, bảo đảm đối xử bình đẳng nam nữ và các quyền xã hội khác. Trong án lệ Defrenne v. Sabena [1976]  , một nữ chiêu đãi viên hàng không (tên là Defrenne) đã khởi kiện người sử dụng lao động (hãng hàng không Sabena của Bỉ) vì đã phân biệt đối xử trong việc trả tiền lương, theo đó đồng nghiệp nam, làm cùng một loại công việc, được trả lương cao hơn. Trong án lệ BECTU [2001], ECJ đã phán quyết rằng quyền được trả lương trong thời gian nghỉ phép hàng năm là một quyền xã hội của mọi người lao động được quy định trong luật cộng đồng. Vụ này xuất phát từ năm 1999, BECTU - một tổ chức công đoàn ở Anh, đã khởi kiện về việc luật của Anh không thừa nhận quyền được trả lương trong thời gian nghỉ phép của người lao động hợp đồng ngắn hạn, trên cơ sở theo đó luật này không phù hợp với một Chỉ thị của Cộng đồng về tổ chức thời gian làm việc.

Án lệ của ‘Toà án chung’ cũng rất quan trọng trong điều chỉnh lĩnh vực IP (án lệ Henkel v. OHIM [2001]), lĩnh vực cạnh tranh (các án lệ Piau v.Commission [2005], Airtours v. Commission [2002], HFB and Others v. Commission [2002]), trợ cấp của nhà nước (án lệ Westdeutsche Landesbank Girozentrale and Land Nordrhein-Westfalen v. Commission [2003]).

(c) Các nguồn luật khác

Các nguồn luật khác của luật EU bao gồm các hiệp định kí kết giữa các thiết chế của EU với nước ngoài, tập quán quốc tế, những nguyên tắc cơ bản của luật quốc gia (‘in foro domestico’) và những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế.

1.6- Các nguyên tắc của luật EU

(a) Tính tối cao của luật EU

Trong trường hợp có sự không thống nhất giữa luật EU và luật quốc gia của nước thành viên, luật EU sẽ được ưu tiên áp dụng. Luật EU có hiệu lực cao hơn luật quốc gia trong rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan đến chính sách kinh tế-xã hội và thậm chí có hiệu lực cao hơn cả hiến pháp của các nước thành viên. Nguyên tắc ‘tính tối cao của luật EU’ xuất phát từ án lệ Costa v. ENEL [1964] của ECJ. 

(b) Luật EU có hiệu lực trực tiếp

Nguyên tắc ‘hiệu lực trực tiếp của luật cộng đồng’ bắt nguồn từ án lệ Van Gend en Loos v. Nederlanse Administratie der Belastingen [1963],  theo đó luật cộng đồng được áp dụng trực tiếp trong trật tự pháp luật quốc gia của các nước thành viên, cho phép công dân các nước EU áp dụng trực tiếp luật EU để khởi kiện trước toà án quốc gia của nước mình.

Có hai loại hiệu lực trực tiếp: Hiệu lực trực tiếp theo ‘chiều ngang’ và hiệu lực trực tiếp theo ‘chiều dọc’.

i) Hiệu lực trực tiếp theo ‘chiều ngang’: Một số văn bản pháp luật của EU, ví dụ Hiệp ước hoặc Quy định, có hiệu lực trực tiếp theo chiều ngang. Nghĩa là, mặc dù các nước thành viên không cần ‘nội luật hoá’ các hiệp ước hoặc quy định của EU vào luật quốc gia, các công dân vẫn có thể trực tiếp dựa trên các văn bản pháp luật này để khởi kiện lẫn nhau.

ii) Hiệu lực trực tiếp theo ‘chiều dọc’: Khác với Hiệp ước và Quy định, Chỉ thị là loại văn bản có hiệu lực trực tiếp theo chiều dọc. Các chỉ thị cho phép các nước thành viên lựa chọn việc ‘nội luật hoá’ như thế nào. Thông thường, các thành viên thực hiện điều này bằng việc ban hành một hoặc một số đạo luật, ví dụ, dưới hình thức ‘luật của nghị viện’ hay ‘các văn bản quy phạm pháp luật’ ở Anh. Các công dân không thể viện dẫn Chỉ thị của EU để khởi kiện, nhưng có thể kiện ‘dọc’ chính phủ của mình vì không tuân thủ đúng Chỉ thị đó.

Ngoài ra, một số nguyên tắc khác cũng có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển của luật EU như nguyên tắc bổ trợ (‘subsidiarity’), nguyên tắc tương xứng (‘proportionality’), nguyên tắc hội ý (‘conferral’), nguyên tắc phòng ngừa (‘precaution’).

Để đạt tới EU như ngày hôm nay, các nước thành viên EU đã phải trao một phần quyền lực của mình cho các thiết chế của EU, chấp nhận tính tối cao của pháp luật Liên minh so với pháp luật của các nước thành viên và hiệu lực trực tiếp của pháp luật Liên minh trong trật tự pháp luật các nước thành viên.

2- Tổng quan về các quan hệ thương mại đối ngoại của EU

Là một trong những khu vực thương mại dẫn đầu trên thế giới, EU rất quan tâm đến vấn đề mở cửa thị trường và xây dựng khuôn khổ pháp luật rõ ràng, đồng thời cần củng cố khả năng cạnh tranh của mình trên thị trường thế giới. Ngoài ra, EU còn có nghĩa vụ trước các công dân của mình cũng như với phần còn lại của thế giới. Các quan hệ thương mại đối ngoại, hay chính sách thương mại của EU, là chính sách công điều chỉnh quan hệ thương mại giữa EU với các nước, cần được phân biệt với chính sách điều chỉnh các quan hệ trong thị trường nội khối.

Ưu tiên mới và cách tiếp cận mới của EU - ‘Châu Âu toàn cầu: Cạnh tranh trên thế giới’, được trình bày trong một kế hoạch hành động đầy tham vọng, bao gồm cả các khía cạnh đối nội và đối ngoại. Kế hoạch này sẽ cho phép chính sách thương mại EU đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng và việc làm được vạch ra trong Chiến lược Li-xbon, cũng như đối phó với những thách thức mà toàn cầu hoá đặt ra. Nội dung cơ bản của kế hoạch này là việc nói không với chủ nghĩa bảo hộ ở châu Âu, mở cửa ra các thị trường chính ở bên ngoài châu Âu, và thống nhất các chính sách đối nội và đối ngoại của EU.

Đối diện với những thách thức của toàn cầu hoá, EU cần củng cố khả năng cạnh tranh của mình thông qua việc áp dụng các quy định minh bạch và hiệu quả. Chính sách cạnh tranh của châu Âu trước tiên dựa trên các chính sách đối nội, bao gồm chính sách về các thị trường cạnh tranh, mở cửa kinh tế, công bằng xã hội; thứ hai là dựa trên các cam kết mở cửa ra các thị trường nước ngoài ở các quốc gia ‘mới nổi’ - một yếu tố đóng góp vào tăng trưởng thương mại toàn cầu.

2.1- Các mục tiêu của các quan hệ thương mại đối ngoại hay chính sách thương mại của EU

(a) Hai mục tiêu chính của chính sách thương mại của EU

Thứ nhất, hạ thấp các rào cản đối với xuất khẩu hàng hoá và đầu tư của EU thông qua đàm phán và giải quyết tranh chấp khi cần thiết;

Thứ hai, tạo thuận lợi cho các nhà kinh doanh của các nước thứ ba nhập khẩu vào EU (đặc biệt là từ các DCs).

(b) Các mục tiêu khác

- Không chỉ sử dụng thuế quan mà cả các rào cản khác trong các quan hệ thương mại đối ngoại, như tiêu chuẩn sản phẩm, thủ tục cấp phép, thuế nội địa, mua sắm chính phủ, IPRs, v.v.. Các cam kết liên quan đến mua sắm chính phủ và IPRs trở thành các điều khoản được đưa vào các hiệp định thương mại tự do song phương (viết tắt là ‘BFTAs’) và các hiệp định thương mại tự do khu vực (‘regional FTAs’) của EU. Tăng cường đối thoại chính trị về IPRs.

- Những vấn đề mới trong chính sách thương mại của EU là mối quan hệ giữa thương mại với môi trường, giữa thương mại với quyền của người lao động và giữa thương mại với nhân quyền.

2.2- Các cấp độ của chính sách thương mại của EU

(a) Cấp độ đa phương

Liên quan đến vấn đề đối ngoại, EU duy trì cam kết về chủ nghĩa đa phương. Theo đó, EU đề xuất các biện pháp nhằm loại bỏ các rào cản trong thương mại. WTO là khuôn khổ để EU đạt được những mục đích này và EU ủng hộ việc tiếp tục tiến hành đàm phán thương mại tại Vòng đàm phán Đô-ha.

(b) Cấp độ song phương

Cùng với chủ nghĩa đa phương, EU nỗ lực thúc đẩy thương mại tự do tiến nhanh hơn và toàn diện hơn trong khuôn khổ các quan hệ thương mại song phương. Các BFTAs sẽ đóng vai trò chủ đạo để đạt đến mục tiêu này. Bên cạnh đó còn có các thoả thuận đối tác thương mại (Economic Partnership Agreements - viết tắt là ‘EPAs’) đang được EU đàm phán với các nước châu Phi, Ca-ri-bê và Thái Bình Dương (‘ACP countries’), hay các thoả thuận liên kết (‘Association agreements’) kí với các nước Mỹ La-tinh và Cộng đồng Andes.

EU cần phải xác định các tiêu chí kinh tế làm cơ sở cho đàm phán và kí kết các BFTAs cũng như để xác định các đối tác của mình, ví dụ xác định tiềm năng của các thị trường dựa trên yếu tố quy mô và tăng trưởng kinh tế, mức độ bảo hộ áp dụng đối với hàng hoá xuất khẩu từ EU v.v.. Các đối tác thoả mãn những tiêu chí này đang được hưởng ưu đãi của EU là: các nước ASEAN, Hàn Quốc và Ấn Độ, cũng như MERCOSUR, Nga, Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh và Trung Quốc. Về nội dung, các thoả thuận này cần phải toàn diện hơn, tham vọng hơn và phạm vi điều chỉnh rộng hơn để bao quát cả lĩnh vực thương mại dịch vụ, đầu tư và IPRs.

Thương mại xuyên Đại Tây Dương là vấn đề trung tâm trong các quan hệ thương mại song phương của EU, đặc biệt là với mục đích đối phó với các thách thức toàn cầu. EU sẽ tiếp tục khuyến khích việc loại bỏ các rào cản thương mại phi thuế quan, tạo ra lợi ích kinh tế của tự do hoá thương mại toàn diện giữa các đối tác.

EU và các đối tác cần thống nhất về việc hành động nhiều hơn để tôn trọng IPRs. Liên quan đến các đàm phán gia nhập, những đối tác chính cần đặc biệt quan tâm trong lĩnh vực này là Trung Quốc, Nga, các nước ASEAN, Hàn Quốc, MERCOSUR, Chi-lê, U-crai-na và Thổ Nhĩ Kỳ.

(c) Cấp độ đơn phương

EU tiếp tục chính sách áp dụng chế độ thuế quan ưu đãi phổ cập (‘GSP’) đối với các DCs, nếu các nước này đáp ứng các điều kiện về nhân quyền và quản lí tốt.

EU đã tích cực ban hành pháp luật về các biện pháp khắc phục thương mại, như các quy định về chống bán phá giá, chống trợ cấp và biện pháp tự vệ. Ví dụ, Quy định của Hội đồng bộ trưởng (EC) số 1225/2009 ngày 30/11/2009 về bảo hộ chống lại hàng nhập khẩu bán phá giá từ các nước ngoài Cộng đồng châu Âu; Quy định của Hội đồng bộ trưởng (EC) số 597/2009 ngày 11/6/2009 về bảo hộ chống lại hàng hoá nhập khẩu được trợ cấp từ các nước ngoài Cộng đồng châu Âu.

EU cũng ban hành các quy định áp dụng chung về xuất nhập khẩu, ví dụ, Quy định của Hội đồng bộ trưởng (EC) số 1061/2009 ngày 19/10/2009 ban hành các quy định áp dụng chung đối với hàng hoá xuất khẩu; Quy định của Hội đồng bộ trưởng (EC) số 260/2009 ngày 26/2/2009 ban hành các quy định áp dụng chung đối với hàng hoá nhập khẩu; và đặc biệt là Quy định của Hội đồng bộ trưởng (EC) số 625/2009 ngày 7/7/2009 về các quy định áp dụng chung đối với hàng hoá nhập khẩu từ một số nước thứ ba.

Quy định của Hội đồng bộ trưởng (EC) số 625/2009 ngày 7/7/2009 ban hành các quy định áp dụng chung đối với hàng hoá nhập khẩu vào EU có nguồn gốc từ một số nước bên ngoài EU. Quy định này cũng đặt ra các thủ tục cho phép EU áp dụng các biện pháp giám sát và tự vệ để bảo vệ lợi ích của EU. Theo Quy định này, hàng hoá nhập khẩu không phải là đối tượng của biện pháp hạn chế số lượng, nhưng có thể là đối tượng của biện pháp tự vệ. Quy định này được áp dụng đối với hàng hoá có xuất xứ từ bất cứ nước nào sau đây: Ác-mê-ni, A-zéc-bai-gian, Bê-la-ru-xơ, Ka-zắc-xtan, Hàn Quốc, Liên bang Nga, Tát-gi-ki-xtan, Tuyếc-mê-ni-xtan, U-dơ-bê-ki- xtan và Việt Nam. Các sản phẩm dệt may không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy định này, mà được điều chỉnh bởi các quy định đặc biệt trong các quy định áp dụng chung đối với hàng hoá nhập khẩu.

Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương, tổng hợp (từ Giáo trình Luật Thương mại quốc tế - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).

0 bình luận, đánh giá về Tổng quan về luật EU và các quan hệ thương mại đối ngoại của EU

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.46518 sec| 1100.711 kb