Vị trí pháp lý của Tòa án nhân dân

19/04/2023
Phạm Nhật Thăng
Phạm Nhật Thăng
Toà án góp phần giáo dục công dân trung thành với tổ quốc, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, tôn trọng những nguyên tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm và các vi phạm pháp luật khác.

1- Vị trí pháp lý của Tòa án nhân dân

Tại các nước phát triển, chữ Tư pháp chỉ được dùng chỉ cho hoạt động của tòa án, thì đối với Nhà nước Việt Nam, "Tư pháp" dùng để chỉ cho hoạt động của các cơ quan tư pháp gồm có Tòa án, Viện kiểm sát, Điều tra, Luật sư, Thi hành án. Nhưng trong đó, Tư pháp chủ yếu là chỉ hoạt động xét xử của Tòa án và hoạt động giám sát của Viện kiểm sát.

Điều 126 Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định:

Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong phạm vi chức năng của mình, có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân".

Trong hệ thống tư pháp, Tòa án giữ một vị trí đặc biệt. Bằng hoạt động của mình, Toà án có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giữ gìn, và đảm bảo công lý, bảo vệ pháp luật và quyền lợi của công dân - một trong những nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của mỗi quốc gia.

Để thực hiện vai trò to lớn này, Tòa án là cơ quan duy nhất được Hiến pháp giao cho nhiệm vụ xét xử (tài phán) các vụ việc tranh chấp trong các hoạt động của xã hội dựa trên cơ sở của pháp luật.

Điều 127 Hiến pháp năm 1992 quy định:

Toà án nhân dân tối cao, các Toà án nhân dân địa phương, các Toà án quân sự và các Toà án khác do luật định là những cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong tình hình đặc biệt, Quốc hội có thể quyết định thành lập Toà án đặc biệt.

Ở cơ sở, thành lập các tổ chức thích hợp của nhân dân để giải quyết những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân theo quy định của pháp luật".

Tư pháp là một chế định quan trọng của hiến pháp bên cạnh các chế định không thể thiếu được của hiến pháp với tư cách là một ngành luật của mỗi quốc gia là lập pháp và hành pháp. Quy định Hiến pháp trên chứng tỏ tầm quan trọng của hoạt động xét xử, việc thành lập Tòa án này hay Tòa án kia phải do cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất được nhân dân toàn quốc bầu ra, quyết định. Và việc quy định ấy phải được ghi nhận, hay chỉ ra trong bản văn luật có hiệu lực pháp lý cao nhất - tức là Hiến pháp.

Việc quy định này để ngăn chặn sự thành lập một cách tùy tiện các loại hình xét xử của các cơ quan luật pháp và nhất là của hành pháp. Các cơ quan Nhà nước khác kể cả Chính phủ lẫn Tòa án nhân dân tối cao không được quyền tự thành lập ra một thứ Tòa án theo ý chí chủ quan của mình, để bảo vệ mình và hãm hại các chủ thể khác.

Cụ thể hóa nguyên tắc hiến định nêu trên Điều 1 Luật tổ chức Toà án nhân dân quy định: "...Chỉ có các Tòa án nhân dân và các Tòa án khác mới được quyền xét xử những vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, lao động kinh tế, và những vụ án khác theo quy định của pháp luật".

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về thừa kế của Công ty Luật TNHH Everest.

2- Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa

Ngoài nhiệm vụ xét xử, trong phạm vi chức năng của mình, Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; bảo vệ tài sản Nhà nước, của tập thể; bảo vệ tính mạng tài sản, tự do nhân phẩm của nhân dân.

Bằng hoạt động của mình, Toà án góp phần giáo dục công dân trung thành với tổ quốc, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, tôn trọng những nguyên tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm và các vi phạm pháp luật khác.

Trong xã hội chúng ta, việc kết tội một công dân là một việc làm cần phải hết sức thận trọng, vì nó ảnh hưởng rất lớn đến danh dự, nhân phẩm, tài sản, sức khoẻ, tính mạng và các quyền và lợi ích khác của họ. Việc quy định Toà án nhân dân là cơ quan duy nhất có quyền xét xử các vụ án hình sự là nhằm bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tránh những việc làm tuỳ tiện vì không phải bất cứ ai hoặc tổ chức nào cũng có quyền kết tội một công dân. Chỉ có Toà án là cơ quan được pháp luật của Nhà nước quy định có quyền thay mặt Nhà nước mới có đủ điều kiện quy kết một người là có tội hay không có tội và áp dụng hình phạt đối với người phạm tội; đảm bảo thực hiện được mục đích hình phạt trừng trị kết hợp với cải tạo và giáo dục, kết hợp giữa phòng ngừa riêng với phòng ngừa chung. Quy định Toà án nhân dân là cơ quan duy nhất có quyền xét xử các vụ án hình sự phù hợp với nguyên tắc Hiến định: "Không ai có thể bị coi là có tội cũng như phải chịu hình phạt, khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật".

Vụ án dân sự là vụ án phát sinh trong trường hợp công dân, pháp nhân, tổ chức xã hội, Viện kiểm sát nhân dân yêu cầu Toà án bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tập thể, của Nhà nước hay của người khác đang bị tranh chấp hoặc vi phạm. Các vụ án dân sự là đối tượng thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân.

Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự ngày 29/11/1989 quy định "công dân, pháp nhân theo thủ tục do pháp luật quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Toà án nhân dân bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình". Toà án phải tôn trọng quyền của công dân, pháp nhân yêu cầu Toà án bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ. Toà án nhân dân không được tuỳ tiện hạn chế công dân thực hiện quyền này, đồng thời tích cực giúp đỡ các đương sự thực hiện quyền khởi kiện vụ án đúng pháp luật và cũng không được từ chối thụ lý những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình.

Ngoài việc giải quyết các tranh chấp nêu trên thuộc các lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, kinh tế, các Toà án còn được giải quyết những tranh chấp khác như khiếu nại về danh sách cử tri, việc đăng ký hộ tịch, xác định sự mất tích, chết của công dân... Kể từ ngày 30 tháng 12 năm 1993, Quốc hội trong luật phá sản giao cho Toà án nhân dân tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương và Toà án nhân dân Tối cao được quyền giải quyết những yêu cầu về việc tuyên bố phá sản của các doanh nghiệp.

Theo quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự, những vụ án dân sự thuộc thẩm quyền xét xử của các Toà án nhân dân là: Những tranh chấp về quyền sở hữu về tài sản giữa công dân với công dân, giữa công dân với các tổ chức pháp nhân là cơ quan Nhà nước hay các tổ chức xã hội khác; các tranh chấp về hợp đồng dân sự, các tranh chấp về bồi thường thiệt hại, các tranh chấp về quyền tác giả, về nhà ở và các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ dân sự khác.

Về lĩnh vực hôn nhân và gia đình Toà án được quyền xét xử các vụ việc như: Ly hôn, chia tài sản khi ly hôn; yêu cầu cấp dưỡng khi ly hôn; quyền nuôi con khi ly hôn; huỷ việc kết hôn trái phép; chia tài sản thừa kế...

Toà án có thẩm quyền xét xử những vụ việc tranh chấp về lao động như: Xử lý kỷ luật bằng buộc thôi việc, bồi thường khi vi phạm hợp đồng lao động.

Toà án có thẩm quyền giải quyết những vụ án kinh tế như: Các tranh chấp về hợp đồng kinh tế giữa pháp nhân với pháp nhân; giữa pháp nhân với cá nhân có đăng ký kinh doanh; các tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến thành lập, giải thể, hoạt động kinh tế; và các tranh chấp khác về kinh tế theo quy định của pháp luật.

Toà án còn có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về quyết định quản lý Nhà nước của Thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước. Đây là những loại Toà án mới theo tinh thần càng ngày càng mở rộng đối tượng, phạm vi cần phải xét xử trong hệ thống Toà án - Tòa Hành chính.

Thi hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Luật tổ chức Toà án nhân dân sửa đổi, ngày 1/7/1994 hệ thống cơ quan Trọng tài kinh tế Nhà nước được sát nhập vào Toà án nhân dân, Toà kinh tế được thành lập. Ngày 1/7/1996 Toà án nhân dân có thêm Toà Hành chính, Toà Lao động được thành lập ở cấp tỉnh và cấp trung ương. Ở cấp huyện thì có phân công thẩm phán phụ trách.

Việc tuyên bố xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa càng đòi hỏi tòa án nâng phải cao chất lượng và mở rộng phạm vi xét xử của mình. Càng ngày tòa án càng mở rộng phạm vi hoạt động của mình ra các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội: Ngoài những tòa án kinh tế, tòa án lao động, tòa hành chính, trong tương lai cần phải tính đến cả tòa án hiến pháp - một loại tòa án chuyên biệt xét xử các hành vi vi phạm hiến pháp của các quan chức cao cấp nhất của nhà nước và kể cả của Quốc Hội.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hôn nhân gia đình của Công ty Luật TNHH Everest.

3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

(i) Bài viết Vị trí pháp lý của Tòa án nhân dân được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

(ii) Bài viết Vị trí pháp lý của Tòa án nhân dân có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

(iii) Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Vị trí pháp lý của Tòa án nhân dân

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.68580 sec| 978.109 kb