Các hạn chế để bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng
Nội dung bài viết
- 1- Những trường hợp không được cấp tín dụng
- 2- Hạn chế cấp tín dụng
- 3- Giới hạn cấp tín dụng
- 4- Giới hạn góp vốn, mua cổ phần
- 5- Các tỷ lệ bảo đảm an toàn
- 6- Dự phòng rủi ro
- 7- Về kinh doanh bất động sản
- 8- Quan hệ giữa công ty kiểm soát với công ty con, công ty liên kết
- 5- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
1- Những trường hợp không được cấp tín dụng
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng đối với những tổ chức, cá nhân sau: Thành viên hội đồng quản trị, thành viên hội đồng thành viên, thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần, pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn; Cha, mẹ, vợ, chồng, con của thành viên hội đồng quản trị, thành viên hội đồng thành viên, thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) và các chức danh tương đương. Quy định trên không áp dụng đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng cho khách hàng trên cơ sở bảo đảm của đối tượng theo quy định trên. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được bảo đảm dưới bất kỳ hình thức nào để tổ chức tín dụng khác cấp tín dụng cho đối tượng kể trên. Tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán mà tổ chức tín dụng nắm quyền kiểm soát.
- Tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng trên cơ sở nhận bảo đảm bằng cổ phiếu của chính tổ chức tín dụng hoặc, công ty con của tổ chức tín dụng.
- Tổ chức tín dụng không được cho vay để góp vốn vào một tổ chức tín dụng khác trên cơ sở nhận tài sản bảo đảm bằng cổ phiếu của chính tổ chức tín dụng nhận vốn góp.
2- Hạn chế cấp tín dụng
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng không có bảo đảm, cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho những đối tượng:Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên đang kiểm toán tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; thanh tra viên đang thanh tra tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Kế toán trưởng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; cổ đông lớn, cổ đông sáng lập; Doanh nghiệp có một trong những đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật này sở hữu trên 10% vốn điều lệ của doanh nghiệp đó; Người thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng; Các công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp mà tổ chức tín dụng nắm quyền kiểm soát. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với các đối tượng quy định trên không được vượt quá 5% vốn tự có của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Việc cấp tín dụng đối với những đối tượng này phải được hội đồng quản trị, hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng thông qua và công khai trong tổ chức tín dụng. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một đối tượng quy định tại điểm e khoản 1 Điều này không được vượt quá 10% vốn tự có của tổ chức tín dụng; đối với tất cả các đối tượng quy định tại điểm e khoản 1 Điều này không được vượt quá 20% vốn tự có của tổ chức tín dụng.
3- Giới hạn cấp tín dụng
Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 25% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 50% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Mức dư nợ cấp tín dụng được quy định trên không bao gồm các khoản cho vay từ nguồn vốn uỷ thác của Chính phủ, của tổ chức, cá nhân hoặc trường hợp khách hàng vay là tổ chức tín dụng khác. Mức dư nợ cấp tín dụng theo quy định trên bao gồm cả tổng mức đầu tư vào trái phiếu do khách hàng phát hành. Giới hạn và điều kiện cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Ngân hàng nhà nước quy định. Trường hợp nhu cầu vốn của một khách hàng và người có liên quan vượt quá giới hạn cấp tín dụng theo quy định thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp tín dụng hợp vốn theo quy định của Ngân hàng nhà nước. Trong trường hợp đặc biệt, để thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà khả năng hợp vốn của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa đáp ứng được yêu cầu vay vốn của một khách hàng thì Thủ tướng Chính phủ quyết định mức cấp tín dụng tối đa vượt quá các giới hạn quy định đối với từng trường hợp cụ thể nhưng tổng các khoản cấp tín dụng của một tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được vượt quá bốn lần vốn tự có của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý thương mại
4- Giới hạn góp vốn, mua cổ phần
Mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại và các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó vào một doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực Bảo hiểm, chứng khoán, kiều hối, kinh doanh ngoại hối, vàng, bao thanh toán, phát hành thẻ tín dụng, tín dụng tiêu dùng, dịch vụ trung gian thanh toán, thông tin tín dụng, và lĩnh vực khác không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp. Tổng mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại vào các doanh nghiệp, kể cả các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó không được vượt quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của ngân hàng thương mại. Mức góp vốn, mua cổ phần của một công ty tài chính và các công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính vào một doanh nghiệp, quỹ đầu tư không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp. Tổng mức góp vốn, mua cổ phần của một công ty tài chính vào các doanh nghiệp, kể cả các công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính đó không được vượt quá 60% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của công ty tài chính. Tổ chức tín dụng không được góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác là cổ đông, thành viên góp vốn của chính tổ chức tín dụng đó.
5- Các tỷ lệ bảo đảm an toàn
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì các tỉ lệ bảo đảm an toàn sau đây:
- Tỉ lệ khả năng chi trả;
- Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% hoặc tỉ lệ cao hơn theo quy định của Ngân hàng nhà nước trong từng thời kỳ;
- Tỉ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn;
- Trạng thái ngoại tệ, vàng tối đa so với vốn tự có;
- Tỉ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi;
- Các tỉ lệ tiền gửi trung, dài hạn so với tổng dư nợ cho vay trung, dài hạn.
Ngân hàng nhà nước quy định cụ thể các tỷ lệ bảo đảm an toàn trên đối với từng loại hình tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc gia phải nắm giữ số lượng tối thiểu giấy tờ có giá được phép cầm cố theo quy định của Ngân hàng nhà nước trong từng thời kỳ. Tổng số vốn của một tổ chức tín dụng đầu tư vào tổ chức tín dụng khác, công ty con của tổ chức tín dụng dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần và các khoản đầu tư dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần nhằm nắm quyền kiểm soát các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán phải trừ khỏi vốn tự có khi tính các tỉ lệ an toàn. Trong trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không đạt hoặc có khả năng không đạt tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải báo cáo Ngân hàng nhà nước giải pháp, kế hoạch khắc phục để bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định. Ngân hàng nhà nước áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định tại Điều 149 của Luật các tổ chức tín dụng, bao gồm cả việc hạn chế phạm vi hoạt động, xử lí tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm bảo đảm để tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đạt tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu.
6- Dự phòng rủi ro
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải dự phòng rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Khoản dự phòng rủi ro này được hạch toán vào chi phí hoạt động. Việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lí rủi ro trong hoạt động do Ngân hàng nhà nước quy định sau khi thống nhất với Bộ tài chính.
Trong trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thu hồi được vốn đã xử lí bằng khoản dự phòng rủi ro, số tiền thu hồi này được coi là doanh thu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
7- Về kinh doanh bất động sản
Tổ chức tín dụng không được kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp: Mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ của tổ chức tín dụng; Cho thuê một phần trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết, thuộc sở hữu của tổ chức tín dụng; Nắm giữ bất động sản do việc xử lí nợ vay. Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày quyết định xử lí tài sản bảo đảm là bất động sản, tổ chức tín dụng phải bán, chuyển nhượng hoặc mua lại bất động sản này để bảo đảm tỉ lệ đầu tư vào tài sản cố định và mục đích sử dụng tài sản cố định theo quy định.
8- Quan hệ giữa công ty kiểm soát với công ty con, công ty liên kết
Công ty đang sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp trên 20% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết hoặc nắm quyền kiểm soát của một ngân hàng thương mại trước ngày Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực; ngân hàng thương mại có công ty con, công ty liên kết (sau đây gọi tắt là công ty kiểm soát) có quyền, nghĩa vụ sau đây:
Tùy thuộc vào loại hình pháp lí của công ty con, công ty liên kết, công ty kiểm soát thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên góp vốn, chủ sở hữu hoặc cổ đông trong quan hệ với công ty con, công ty liên kết theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và các quy định khác của pháp luật có liên quan; Hợp đồng, giao dịch và quan hệ khác giữa công ty kiểm soát với công ty con, công ty liên kết đều phải được thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng theo điều kiện áp dụng đối với các chủ thể pháp lí độc lập; Công ty kiểm soát không được can thiệp vào tổ chức, hoạt động của công ty con, công ty liên kết ngoài các quyền của chủ sở hữu, thành viên góp vốn hoặc cổ đông.
Công ty con, công ty liên kết của cùng một công ty kiểm soát không được góp vốn, mua cổ phần của nhau. Công ty con, công ty liên kết của một tổ chức tín dụng không được góp vốn, mua cổ phần của chính tổ chức tín dụng đó. Tổ chức tín dụng đang là công ty con, công ty liên kết của công ty kiểm soát không được góp vốn, mua cổ phần của công ty kiểm soát đó.
5- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm