Công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài

03/03/2023
Tại giai đoạn cuối cùng của một quy trình giải quyết tranh chấp, một bản án của tòa án hoặc một phán quyết của trọng tài thường sẽ được đưa ra. Điều tối quan trọng đối với bên thắng cuộc là phải đạt được sự công nhận và thi hành bản án hoặc phán quyết này. Sẽ không phải là vấn đề lớn, nếu việc công nhận và cho thi hành bản án của tòa án hoặc phán quyết trọng tài được yêu cầu trong khu vực thuộc quyền tài phán của tòa án hoặc trọng tài đã đưa ra bản án hoặc phán quyết đó. Tuy nhiên, câu chuyện sẽ khác rất nhiều, nếu bên thắng kiện muốn thực thi bản án của tòa án hoặc phán quyết của trọng tài ở khu vực thuộc quyền tài phán của nước ngoài.

Như đã trình bày ở trên, một trong những lý do hàng đầu của việc đưa điều khoản trọng tài vào hợp đồng quốc tế, đó là mức độ có thể dự đoán chắc chắn về khả năng thi hành phán quyết trọng tài. Việc thi hành các phán quyết trọng tài có tính khả thi cao là do có rất nhiều nước đã gia nhập các điều ước quốc tế tạo thuận lợi cho việc thi hành các phán quyết trọng tài nước ngoài, và các nước này chỉ quy định một số ít lý do từ chối việc thi hành. Mục này sẽ đề cập đến một số vấn đề và thủ tục liên quan đến việc công nhận và thi hành các phán quyết trọng tài theo các điều ước quốc tế và pháp luật quốc gia, cũng như các lý do từ chối việc thi hành chúng.

I- VIỆC ÁP DỤNG CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ 

1- Công ước Niu Y-oóc

Công ước Niu Y-oóc yêu cầu tòa án của các nước thành viên phải thi hành các thỏa thuận và phán quyết trọng tài. Hiện có hơn 140 nước tham gia Công ước này. Công ước này đã góp phần vào sự phát triển của chế định trọng tài quốc tế, vì các bên tin tưởng rằng nếu họ thắng kiện tại tố tụng trọng tài, họ sẽ được bồi thường. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, đối với luật sư của doanh nghiệp, lý do quan trọng nhất để lựa chọn hình thức trọng tài thay cho tòa án để giải quyết tranh chấp, chính là khả năng thi hành cao của phán quyết trọng tài.  Bởi vì Công ước Niu Y-oóc là công ước quan trọng nhất về công nhận và thi hành phán quyết trọng tài, mục này sẽ tập trung chủ yếu vào việc phân tích các chức năng, điều kiện và hiệu lực của Công ước này.

Điều III Công ước Niu Y-oóc yêu cầu tòa án các nước thành viên công nhận các phán quyết trọng tài có giá trị ràng buộc và thi hành chúng phù hợp với pháp luật quốc gia và các quy định của Công ước này. Mặc dù thuật ngữ ‘công nhận’ và ‘thi hành’ thường đi cùng với nhau, nhưng chúng có ý nghĩa khác nhau. Khi tòa án ‘công nhận’ một phán quyết trọng tài, điều đó có nghĩa là tòa án công nhận phán quyết này có hiệu lực và mang tính ràng buộc, và như vậy tòa án sẽ công nhận phán quyết trọng tài có hiệu lực pháp luật như bản án của tòa án. Như vậy, một phán quyết trọng tài được công nhận có thể được dùng làm cơ sở để biện hộ trong một vụ kiện tại tòa án hoặc trọng tài. Do phán quyết trọng tài được chính thức công nhận có hiệu lực pháp luật, nên các vấn đề đã được giải quyết trong phán quyết trọng tài thông thường sẽ không thể bị xem xét lại tại tòa án hoặc trọng tài. 

Ví dụ: bị đơn là bên thắng kiện tại tố tụng trọng tài và phán quyết trọng tài chỉ đơn giản nói rằng bị đơn không phải chịu trách nhiệm gì. Bị đơn có thể sẽ muốn phán quyết này được công nhận vì mục đích ngăn chặn các vụ kiện dựa trên cùng các sự kiện và có thể được tiến hành trước một tòa án hoặc hội đồng trọng tài khác. Việc ‘thi hành’ phán quyết trọng tài có nghĩa là sử dụng bất kì biện pháp chính thức nào để thu hồi tiền hoặc thực thi bất kì một sự uỷ quyền nào trong phán quyết trọng tài.

Khi phán quyết trọng tài nói rằng bị đơn phải bồi thường thiệt hại bằng tiền cho nguyên đơn, và bị đơn lại không tỏ ra sốt sắng thực hiện trách nhiệm trả tiền, khi đó nguyên đơn có thể tìm cách trước hết là công nhận và sau đó là sử dụng cơ chế thực thi pháp luật của tòa án để thi hành phán quyết trọng tài. Khi phán quyết được công nhận, nguyên đơn có thể sử dụng bất kì biện pháp nào được pháp luật cho phép để thi hành phán quyết này, ví dụ: sai áp tài sản của bị đơn phù hợp với các thủ tục pháp luật ở nước mà nguyên đơn muốn thi hành phán quyết trọng tài. Ở một số nước, hầu như không có sự khác nhau trên thực tế giữa thủ tục công nhận và thi hành phán quyết trọng tài. Khi một phán quyết được thi hành, điều đó có nghĩa là nó đã được công nhận từ trước đó.

2- Việc lựa chọn cơ chế tài phán có lợi nhất để thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài

‘Forum shopping’ là việc một bên trong thỏa thuận trọng tài tìm kiếm cơ chế tài phán có lợi nhất để tiến hành các hành vi tố tụng, hoặc nơi thuận lợi nhất để thi hành hoặc huỷ phán quyết trọng tài. Căn cứ của việc lựa chọn này là việc xác định tài sản của bên thua kiện tại các nước khác nhau. Nếu tài sản chỉ có ở một nước, sẽ không có sự lựa chọn nào khác để thay thế.

Nếu tồn tại những căn cứ thực tế cho việc lựa chọn, khi đó bên quan tâm đến việc này sẽ so sánh các ưu điểm và nhược điểm ở mỗi nước. Những yếu tố cơ bản cần phải xem xét bao gồm: Mức độ tự do ở nước đó trong việc công nhận các phán quyết trọng tài nước ngoài, mức độ nước đó tham gia và thực hiện Công ước Niu Y-oóc, điều khoản bảo lưu trật tự công cộng trong pháp luật của nước đó có ngặt nghèo không? và nó tác động như thế nào đến việc thi hành phán quyết trọng tài? liệu các thủ tục thi hành có thể bị tạm đình chỉ thực hiện không và trong thời gian bao lâu? liệu các cơ quan chính phủ có được hưởng quyền miễn trừ thi hành không và trong trường hợp nào? cơ sở nào để huỷ phán quyết trọng tài? và thời hạn thực hiện các thủ tục có liên quan ra sao?

3- Công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài theo Công ước Niu Y-oóc

Công ước Niu Y-oóc là một trong những điều ước quốc tế đa phương thành công nhất. Cùng với các điều ước quốc tế khác ủng hộ việc thi hành các phán quyết trọng tài quốc tế, Công ước này đã đóng góp vào việc phát triển trọng tài quốc tế như là một phương thức ưu tiên trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại. Các bên mong muốn sử dụng trọng tài quốc tế bởi vì họ tin rằng nếu họ đạt được phán quyết trọng tài, thì phán quyết này sẽ dễ dàng được thực hiện ở hầu như tất cả các nước trên thế giới, nơi có thể tìm thấy tài sản của bên thua kiện.

3.1. Các yêu cầu đối với việc thi hành phán quyết trọng tài

(a) Phạm vi

Công ước có phạm vi áp dụng là các phán quyết trọng tài quốc tế và nói rõ là Công ước này điều chỉnh các phán quyết trọng tài được tuyên ở nước khác với nước mà phán quyết đó được thi hành.  Công ước này cũng cho phép thi hành các phán quyết trọng tài được tòa án của nước nơi thi hành coi như ‘không phải phán quyết trọng tài nội địa’. 

(b) Quyền tài phán và vấn đề ‘tòa án không thích hợp’ (‘forum non conveniens’)

Trong trường hợp bên thắng kiện muốn thi hành phán quyết trọng tài ở một nước thành viên Công ước, thì việc bên thua kiện có tài sản ở nước đó đã đủ để tòa án nước đó có quyền tài phán và cho phép thi hành phán quyết trọng tài theo Công ước. Tuy nhiên, ở Hoa Kỳ, một số tòa án đã từ chối cho thi hành phán quyết trọng tài dựa trên cơ sở rằng tòa án Hoa Kỳ không có quyền tài phán đối với bên thua kiện, hoặc tòa án được yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài không phải là tòa án thích hợp theo học thuyết ‘tòa án không thích hợp’.  Mặc dù học thuyết này bị chỉ trích ở phạm vi quốc tế khi áp dụng đối với việc thi hành các phán quyết trọng tài theo Công ước Niu Y-oóc, nhưng thực tế là một số tòa án ở Hoa Kỳ đã từ chối cho thi hành phán quyết trọng tài dựa trên học thuyết này. Điều này cần phải được các bên cân nhắc trong điều khoản trọng tài, khi có ý định thi hành phán quyết trọng tài ở Hoa Kỳ.

3.2. Thủ tục thi hành

Thủ tục thi hành phán quyết trọng tài thay đổi theo từng nước, vì các nước kí kết Công ước cho thi hành phán quyết trọng tài phù hợp với pháp luật và thực tiễn của nước mình.  Tuy nhiên, nước nơi phán quyết được yêu cầu thi hành không thể áp đặt mức án phí cao hơn hoặc đặt ra những điều kiện tốn kém hơn so với những điều kiện áp dụng đối với việc thi hành phán quyết trọng tài nội địa.  Điều kiện duy nhất mà Công ước quy định, đó là bên đề nghị công nhận và thi hành phải cung cấp cho tòa án bản gốc hoặc bản sao có chứng thực phán quyết trọng tài, và bản chính hoặc bản sao có chứng thực thỏa thuận trọng tài. Nếu ngôn ngữ của phán quyết hoặc thỏa thuận trọng tài không cùng ngôn ngữ được tòa án chính thức sử dụng, thì bên đề nghị phải cung cấp bản dịch có chứng thực các tài liệu này.  Thủ tục công nhận và thi hành phán quyết trọng tài do mỗi nước tự quy định, tuy nhiên, thường là giống với thủ tục được sử dụng ở nước đó trong việc công nhận và thi hành các bản án của tòa án nước ngoài. 

Tuy nhiên, Công ước quy định một số lý do để bác việc thi hành phán quyết trọng tài, bao gồm: Phán quyết không có khả năng thi hành và không có hiệu lực; không được thông báo hoặc không công bằng; trọng tài viên hành động vượt quá thẩm quyền của mình; hội đồng trọng tài hoặc thủ tục không phù hợp với thỏa thuận của các bên; phán quyết trọng tài chưa có hiệu lực hoặc đã bị huỷ.  lý do khác để bác việc thi hành phán quyết trọng tài là: vụ tranh chấp không thích hợp để giải quyết bằng trọng tài hoặc có sự vi phạm điều khoản bảo lưu trật tự công cộng ở nước được yêu cầu thi hành.  Đặc điểm quan trọng nhất của các lý do biện hộ cho việc không thi hành phán quyết trọng tài, đó là các lập luận này không dựa trên lý lẽ phải trái của phán quyết trọng tài. Trên thực tế, ước tính có khoảng 98% các phán quyết trọng tài được thi hành trên cơ sở các bên tự nguyện thi hành, cộng với việc đề nghị tòa án cho thi hành phán quyết trọng tài. 

II- THI HÀNH PHÁN QUYẾT TRỌNG TÀI NƯỚC NGOÀI TRONG TRƯỜNG HỢP KHÔNG CÓ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ 

Trong trường hợp không có điều ước quốc tế, mỗi nước sẽ áp dụng quy định tố tụng của nước mình để thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài trên lãnh thổ nước mình, bằng việc cho thi hành hoặc đơn giản chỉ là công nhận phán quyết này. Dưới đây là khảo sát ngắn gọn về thực tiễn của một số nước.

1- Theo luật của Ý

Một phán quyết trọng tài nước ngoài muốn có hiệu lực ở Ý thì phải được đệ trình lên Chánh án tòa phúc thẩm có thẩm quyền cùng với bản gốc hoặc bản sao có chứng thực của phán quyết này và hợp đồng có điều khoản trọng tài. Chánh án tòa phúc thẩm, sau khi kiểm tra phán quyết trọng tài và thấy đáp ứng các điều kiện về thủ tục đối với phán quyết trọng tài, và khẳng định rằng tranh chấp có thể được giải quyết bằng tố tụng trọng tài theo pháp luật Ý, và phán quyết trọng tài không vi phạm điều khoản bảo lưu trật tự công cộng của Ý, sẽ ra án lệnh cho phép thi hành phán quyết trọng tài. Lệnh này có thể bị kháng cáo dựa trên nhiều lý do, và nếu không bị kháng cáo thì sẽ có hiệu lực chung thẩm. Những lý do để kháng cáo lệnh này cũng giống như những lý do được quy định trong Công ước Niu Y-oóc. Quyết định của tòa phúc thẩm có thể bị tòa phá án (‘Court of Cassation’) (tòa án tư pháp tối cao của Ý) xem xét lại  nếu đáp ứng các điều kiện theo luật định.

2- Theo luật Hy Lạp

Nếu phán quyết của trọng tài nước ngoài đáp ứng các điều kiện (ví dụ, tranh chấp có thể giải quyết bằng tố tụng trọng tài, thỏa thuận trọng tài có hiệu lực, quyền bào chữa và biện hộ của các bên được tôn trọng, và các bằng chứng trong vụ kiện không bị phản đối), thì phán quyết này sẽ được tuyên là được thi hành bởi thẩm phán của tòa sơ thẩm. Phán quyết của trọng tài nước ngoài cũng không được mâu thuẫn với một phán quyết được tuyên trước đó của tòa án Hy Lạp (phán quyết của tòa án Hy Lạp có hiệu lực ‘res judicata’) hoặc vi phạm điều khoản bảo lưu trật tự công cộng của Hy Lạp.

Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương, tổng hợp (từ Giáo trình Luật Thương mại quốc tế - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).

0 bình luận, đánh giá về Công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.39048 sec| 987.641 kb